Người nghiện mắm bò hóc

Thứ Tư, 28/05/2025 00:19

. ĐOÀN TUẤN
 

Mắm bò hóc là gì? Nhiều người suy theo kiểu… nôm na bảo, bò hóc là loại mắm mà bò ăn bị hóc! Nhưng trinh sát Phan Thanh Sinh, biệt hiệu Sinh gạo thì rất rành. Sinh bảo, bò hóc, prahok hay pro-hoc là tên một loại mắm làm từ nguyên liệu chính là cá nước ngọt, do người Khmer ở Campuchia cũng như người Khmer ở Nam Bộ Việt Nam thực hiện.

Lính ở K ai cũng sợ loại mắm này. Mùi nó rất khó ngửi. Dạo đánh sang bên kia sông Mê Kông, một anh lính vô tình làm đổ cái chum nhỏ đặt trước nhà. Cả đêm D bộ phải chịu đựng cái mùi bí hiểm không hiểu từ đâu. Hôm sau người dân về, lính ta mới biết, đó là mùi bò hóc. Họ còn múc cho một bát. Nhưng không ai dám ăn. Bữa trưa, thấy họ trộn bò hóc với me chua bốc ăn ngon lành.

Minh hoạ: Nguyễn Bá Kiên

Có người ở Campuchia đến bốn năm năm, nhưng vẫn không thể ăn bò hóc. Nhưng có người rất thích ăn, rồi nghiện, như Phan Thanh Sinh, bạn tôi.

Dạo đầu năm 1979, D8 đóng quân ở phum Choăm Sre, một phum gần biên giới Campuchia - Thái Lan. Tôi bị sốt rét. Sinh đi truy quét từ biên giới về, rẽ qua đưa tôi tuýp thuốc đánh răng. Tôi chưa hiểu để làm gì. Tưởng bạn cho mình, tôi cất vào ba lô.

Hôm sau, Sinh hỏi hộp kem mang vào phum đổi mắm bò hóc. Tôi ngạc nhiên người dân ở đây có đánh răng đâu. Họ làm sạch răng bằng cát. Và đổi gì chả đổi, lại đi đổi mắm bò hóc. Sinh khẳng định đổi được và đã từng đổi ở phum Konzon mấy lần rồi.

Chiều bạn, tôi dẫn Sinh vào nhà cô Thíp. Cô Thíp luôn có cảm tình với bộ đội Việt Nam. Cô ấy chỉ cái nhà có cây xoài lớn. Vào nhà chào hỏi mấy câu, tôi đưa típ thuốc ra. Ông chủ nhà không biết đó là cái gì. Tôi phải làm hiệu để đánh răng. Cô con gái từ trên nhà sàn chạy xuống cầu thang cầm ngay lấy típ thuốc rồi biến lên nhà. Tôi chỉ vào chum bò hóc, Sinh nói luôn: ‘’Xa nganh! Xa nganh chờ rờn!’’ (Ngon! Ngon lắm!). Ông chủ hiểu ý, xé lá chuối, múc cho Sinh mấy muôi. Sinh bỏ vào hăng gô, miệng cười toe toét. Sinh nhìn ông chủ nhà, gật đầu cảm ơn, tay bốc bò hóc cho vào miệng. Chưa đã cơn thèm, Sinh bốc miếng nữa rồi đưa tay mút. Ông chủ nhà còn biếu Sinh một vốc me. Sinh huýt sáo vang phum, xốc ba lô về trung đoàn ngay.

Năm 1980, trong một trận đánh gần biên giới, Sinh bị thương. Vết thương ở phần mặt và ngực, tuy nhẹ nhưng vẫn phải đi viện. Nằm viện buồn, chỉ ăn chơi và uống thuốc. Buổi sáng, bác sĩ bắt bệnh nhân đi nhổ cỏ, gọi là vận động cho người đỡ ỳ trệ. Lính đánh bài thâu đêm. Nhổ cỏ Sinh không thích. Đánh bài Sinh không khoái. Ra chỗ lái xe chơi, thấy có xe đi Kulen, Sinh xin bám theo.

Kulen là một phum lớn, khá sầm uất. Nơi đây người Khmer gốc Hoa sống thanh bình. Địa thế Kulen thật lí tưởng. Không khí trong lành. Không gian lúc nào cũng đượm đầy ánh sáng. Người dân nơi đây rất quý bộ đội Việt Nam.

Vì sao Sinh thích Kulen? Chuyện thế này. Khi đi đánh biên giới, Sinh có thu được ít đồ. Mấy thứ gương, lược, lưỡi dao cạo... mà lính Pol Pot vận chuyển vào nội địa. Dân Kulen khoái mấy thứ gia dụng này. Thời Pol Pot bị cấm. Giờ mới có dịp làm đẹp.

Sinh đi rảo khắp Kulen. Chọn nhà có em xinh nhất. Nhà em Chen, bố mất, mẹ phúc hậu, chỉ có hai chị em gái, chị đã có chồng. Em Chen giúp mẹ làm mì. Buổi trưa ngồi nghỉ, Sinh giở mấy món đồ cổ ra. Mắt em Chen sáng lên. Em đòi mua bộ gương lược ‘’Made in Thailand’’. Sinh giả vờ không bán. Nhưng em cứ lấy, cất ngay trong nhà. Em trả tiền nhưng Sinh không nhận. Em trả thêm, Sinh càng không. Thêm nữa Sinh vẫn không. Anh ‘’con tóp Việt Nam sao kì vậy?’’ Em rất lo. Nhỡ anh ấy đòi thì chết! Sinh ra về.

Đêm đó, em Chen được ngắm gương mặt mình. Sau bao năm dưới chế độ diệt chủng, em chỉ dám ngắm mình mỗi khi ra giếng lấy nước. Giếng thì sâu. Ngắm mình từ rất xa, mà phải ngắm trộm, nhỡ ai biết thì xấu hổ, càng sợ hơn khi có ai tố giác. Giờ được tự do ngắm gương mặt mình, hạnh phúc quá. Bà mẹ cũng ngắm. Chị gái cũng soi. Anh rể cũng thích. Món quà quý hơn vàng.

Hôm sau Sinh lại vào. Cả nhà ra đón. Họ hỏi Sinh thích gì. Sinh tuyên bố một câu nức lòng. ‘’Tặng em Chen đó!’’ Cả nhà không tin. Em Chen càng không. Nhưng Sinh khẳng định, không lấy gì hết. ‘’Quân tình nguyện Việt Nam tặng nhân dân Campuchia máu xương của mình không tiếc. Ba cái đồ vặt vãnh này, đáng gì!’’ Quả là chí khí một anh hùng hảo hán. Sinh còn tặng lưỡi dao cạo cho ông anh rể của Chen. Chị Chen cũng có bộ gương lược riêng. Thật đúng là khách quý. Bà mẹ Chen mời Sinh ở lại. Công việc làm mì vất vả. Lúc ép mì, cần đàn ông. Được lời như cởi tấm lòng, Sinh hoan hỉ ở lại ngay. Lí do bởi nhà em Chen có mấy chum bò hóc cực ngon mà hôm Sinh ăn hủ tiếu hỏi thăm dân Kulen nên biết.

Một hôm, tôi được về nước tập huấn. Qua Kulen, rẽ vào thăm Sinh. Tôi đưa cho Sinh cái giấy điều trị bệnh trĩ lâu dài. Chả là bác sĩ K. bệnh xá trưởng khi qua Kulen được Sinh và Chen giúp đỡ nhiều, biết tâm trạng Sinh, ông K. cấp cho Sinh thêm thời gian điều trị. Cái bệnh trĩ có trời biết nó thế nào.

Thấy tôi về nước đột ngột, Sinh không biết gửi gì về cho cha mẹ. Sau đó, Sinh gửi tôi mấy miếng nâu đen, bọc nilon, hơi mềm. Tôi tưởng là cao.

Về đến Hà Nội, tôi mang quà đến nhà Sinh. Kể chuyện Sinh béo trắng, đẹp trai, cao ráo, ngày giúp dân, tối múa lăm thôn…, bố mẹ Sinh khoái lắm. Cầm quà trên tay, hai ông bà rưng rưng. Tấm lòng thơm thảo của đứa con xa.

Tôi chỉ ở nhà được khoảng chục ngày. Lúc tôi gần đi thì bố Sinh tìm đến:

- Này cháu, quà thằng Sinh nhà bác gửi là cái gì thế?

- Dạ, cháu cũng không biết. Thấy Sinh đưa, cháu nhận thôi.

- Bác đoán là cao. Mua rượu quý ngâm liền. Nhưng hôm qua mở ra uống thử thấy khó uống quá, không biết là cao gì.

Tôi đi theo bố Sinh. Đến nhà, ông rót cho tôi một chén. Chưa uống, tôi đã nghe mùi nồng. Chết rồi. Sinh ơi là Sinh! Mày gửi bò hóc về. Biết phân trần thế nào với phụ huynh đây?

Hôm Sinh về đơn vị, gia đình em Chen tặng một âu bò hóc. Sinh xin dầu mỡ, cho thêm hành tỏi, gừng, riềng, đường thốt nốt, ớt chỉ thiên... chưng lên. Thơm điếc mũi. Toàn đơn vị phải nấu thêm cả xoong quân dụng, lính vẫn đánh hết veo. Thấy chưa. Ai dám chê bò hóc nữa không.

Đơn vị họp, cử người lên Anlung Viêng, phối hợp với D8 đánh địch ở đường biên.

Anlung Viêng giữa mùa mưa đẫm máu. Ta và địch ngày đêm mai phục nhau, lừa nhau vào bẫy. Một hôm, Sinh dẫn lính C7, D8 đi phục. Gặp địch. Sinh bình tĩnh chờ địch đến gần mới nổ súng. Bốn xác bỏ lại. Thu vũ khí. Sau mấy trận địch đặt mìn, cho ta vào ổ phục, trận này, Sinh dẫn anh em luồn sâu hơn vào sau lưng địch. Chính trị viên D8 quyết định mở hội nghị quân chính, biểu dương Sinh cùng trinh sát E.

Sau vài chiến công nữa, Sinh được gọi về đi học sĩ quan. Sinh bảo, đánh giặc giỏi như Thái nghêu lại cử đi học chính trị. Thái nghêu là người chuyên ‘’làm mà không nói’’. Tôi bảo, ‘’Thái cũng nói hay đấy chứ?’’ Sinh cãi. ‘’Nó chỉ nói hay khi hai đứa nam nữ rủ rỉ rù rì thôi!’’ Hoặc Thư mượt D7, ngắm vuốt suốt ngày, nhẽ ra cho học sĩ quan hậu cần, đằng này lại cho học hình như là đặc công nước. Suốt ngày cởi trần, quần đùi, người bôi đầy nhọ. Như Sinh, cao ráo, đẹp trai, nhẽ ra phải học sĩ quan pháo binh, đằng này lại cử về lục quân II. Thôi cứ thử xem thế nào.

Về trường, Sinh phải tập những bước ban đầu. Tập thể dục, tập đội ngũ quay phải, quay trái, đi đều bước. Ngủ đúng giờ, chăn vuông góc, tóc ba phân. Ra ngoài về muộn vài phút bị kỉ luật... Trong trường, có cậu Thạch Thông, người Khmer, quê Trà Vinh. Thông rủ Sinh về quê cậu ta ăn mắm bò hóc. Sinh đi liền. Nhưng ở đây, Sinh không thấy bò hóc ngon bằng Kulen. Hay ở đó có hương bàn tay em Chen, ngon hơn?

Chẳng biết nghĩ thế nào, Sinh xin không học sĩ quan nữa mà trở về đơn vị cũ.

Sinh gặp tôi bảo, muốn đến thăm em Chen. Tôi khuyên, nhỡ em ấy làm bùa ngải thì sao. Sinh cãi: “Sợ gì. Tao diệt mấy thằng lính Pol Pot, người đeo đầy bùa. Súng cũng buộc đầy bùa xanh đỏ tím vàng... Nó vẫn chết nhăn răng’’. Sinh tham khảo tôi, thực ra, tôi chẳng có tí kinh nghiệm gì. Trần Hải, lính C7 bảo: ‘’Trong chuyện này, Sinh rành hơn ông nhiều. Nó tham khảo cho vui thôi. Trong đầu nó có nhiều phương án lắm!’’

Sinh lặn lội về Kulen. Bà mẹ bị đau chân, việc làm mì do anh chị Chen đảm nhận. Em Chen đã lên tỉnh, học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên tiểu học. Sinh thẫn thờ như người mất của. Chị Chen đưa cho Sinh một vò nhỏ đầy bò hóc mới làm. Chị Chen bảo mắm này do Chen làm. Chen bảo em làm cho anh Sinh riêng vò này. Trước khi đi học Chen còn dặn “Nếu anh Sinh về, nhờ chị đưa giùm”.

Trên đường, chiếc vò trong ba lô Sinh như nặng thêm. Sao em Chen không nói ‘’nếu anh Sinh đến’’ mà lại nói ‘’về’’? Như thế, em ấy coi mình là người nhà rồi. Tiếc quá, em Chen mới đi hai tháng, sao mình không về sớm hơn?

Sau này, Sinh cứ trêu chúng tôi: Chúng mày chuyện ở Campuchia toàn ùng với oàng. Còn tao đây, có chuyện đánh nhau, cả chuyện tình, lại còn cả vật kỉ niệm. Thế mới là lính chiến trường K chứ!’’

Ừ nhỉ, chúng tôi nghiệm ra, mấy ai được như Sinh.

Và bây giờ, trong nhà, Sinh vẫn dành một chỗ trang trọng đặt cái vò. Ai không biết sẽ tưởng đó là vò gốm Bát Tràng hay Chu Đậu. Những ngày trống vắng, ngồi nhà một mình, Sinh lại cầm cái vò, đưa lên mũi ngửi. Cái vò tỏa ra hương bồ hóc năm nao.

Đ.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)