Hướng về phía mặt trời

Thứ Tư, 14/05/2025 00:35

.NGUYỄN CÔNG ĐỨC
 

Chiếc xe mở cửa thả tôi xuống rệ đường như con quái vật há chiếc miệng rộng nhả ra miếng mồi khó nhằn từ bụng của nó. Xong rồi nó lại khặc khừ gầm gừ cỗ máy như con thú rừng già nua ậm ạch bò vào đám sương mù mờ mịt. Từ đây về thị trấn chỉ còn một quãng ngắn với chiếc xe, nhưng về nhà tôi còn phải một chặng dài đối với đôi chân lâu ngày không được trèo non, lội suối. Có lẽ nó cũng sắp quên cả cách bước trên các con đường khúc khuỷu rồi cũng nên. Bà mà biết kiểu gì bà cũng lại vống lên chửi tôi là thằng dê núi mất gốc.

Lạnh. Lâu lắm rồi tôi mới lại được hít khí lạnh của núi rừng. Cũng là cái lạnh nhưng cái lạnh ở phố có cảm giác khác hẳn cái lạnh nơi đây. Giữa bầu trời quang đãng, hít căng bầu ngực luồng khí trong trẻo cảm thấy sảng khoái làm sao.

Đứng một lúc sương đã bám mờ những giọt li ti trên tóc, trên áo. Xốc lại chiếc ba lô tôi hăm hở rẽ vào con đường quen thuộc để về nhà.

Tôi ra đi từ khi những cây gạo khắp nơi bung nở hết mình sau mùa đông lạnh giá, lúc bầu trời trong vắt không một vẩn đục, hoa gạo rực cháy một vệt dài tít tắp như thắp lên niềm hi vọng lớn lao, dù có đôi chút xa xôi và mờ mịt. Bây giờ tôi lại trở về khi mùa đông bắt đầu. Biên cương nơi đây như vẫn mang hình sắc của thuở mới khai thiên lập địa. Chỉ có con người là đổi thay. Có phải vậy chăng?

Muốn về nhà tôi phải cật lực leo qua mấy con dốc. Lên đến đỉnh núi cao nhất tôi đã thở hồng hộc, lưng áo đẫm ướt cả sương sớm lẫn mồ hôi. Khi sương mù tạm lánh, trần mây cao vút, vắt qua vắt lại những sợi mây trắng muốt, mảnh như lông đuôi ngựa. Thấp thoáng đâu đó con sông bắt nguồn từ bên kia biên giới lếnh loáng ánh nước bắt ánh ban mai hắt lên hai triền sông xanh thẫm. Xuôi theo dòng nước là những mái nhà nhấp nhô nơi thị trấn như đám lá cây hoai mục giữa rừng. Không khí thanh sạch mùi hoa lá, yên bình như thời mới mở trời mở đất. Tôi ngẩn ngơ tự hỏi biết bao giờ mình mới hiểu biết hết mọi điều, mới trở nên khôn ngoan như loài cáo trong rừng hay vẫn mãi chật hẹp trong cái suy nghĩ thiển cận của chính mình. Tôi ra đi mong muốn giải thoát khỏi những bức bối, hòng tìm cho mình một con đường mới. Thế nhưng thoát khỏi sự ràng buộc này tôi lại như thấy mình mắc mứu vào các ràng buộc khác còn chằng chịt hơn cả những đám mạng nhện…

*

*            *

- Ú òa! Bà giật mình rồi nhé!

Tôi nhẹ nhàng như con mèo rừng lẻn đến đằng sau cái bóng của bà lặng im trên tảng đá bên nhà hòng làm bà giật mình. Thế nhưng bà làm tôi thất vọng. Bà như có linh tính cảm nhận được mỗi lần tôi về sau những chán chường của cuộc sống đô thị.

- Giật cái mả cha mày! Mày định để cho tao đứng tim chết sớm khỏi chửi mày nữa đấy hả? - Bà nheo nheo mắt hướng về ánh mặt trời như muốn hứng trọn những tia nắng đầu ngày trong trẻo, rồi nhìn sang tôi - Tao tưởng mày đi luôn cho khuất mắt tao, thế mà cái chân vẫn biết đường mò về cơ đấy, y hệt thằng cha mày.

- Bà, lần này con về ăn tết với bà luôn, con không đi nữa.

- Cút, cút cả cha lẫn con chúng mày đi. Tao ăn tết một mình quen rồi. Tao không khiến chúng mày về cho chật nhà - Miệng nói vậy nhưng chân bà lập bập bước xuống khỏi phiến đá, hai tay nắn bóp người tôi rồi chép miệng - Tóc mày bạc rồi đấy thằng dê núi ạ!

- Tưởng bà già, hóa ra mắt bà còn hơn con cú hay đậu đầu nhà. Cơ mà bà bảo bố con… - Tôi ngập ngừng.

- Ừ, nó đi chán nó lại lần về, đang trên nhà ấy!

Tôi dìu bà qua chín bậc thang để bước lên nhà. Trong phập phù của ngọn lửa lẫn ánh sáng xiên xiên bên ngoài đang men theo cánh cửa tràn vào, bóng bố trùm một khoảng không giữa sàn nhà lặng lẽ mồi thuốc vào chiếc điếu tạm làm từ chai nước Lavie. Trên gương mặt khắc khổ bắt đầu tràn xuống những nếp nhăn vẫn không phai đi nét kiêu bạc của người đàn ông uy phong năm nào. Ánh mắt đặc trưng lơ lơ xanh của bố vẫn không lẫn vào đâu được đang lờ đờ ngước lên nhìn tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không gặp bố. Bố đã thay đổi nhiều so với lần trước tôi gặp ông, cũng chẳng biết bao ngày tháng đã trôi qua.

Tôi sà xuống bên bếp lửa huơ huơ đôi bàn tay vẫn còn lạnh trên đám than gộc đang còn đượm. Cái bếp lửa này cho dù bố con tôi có ra đi bao tháng bao ngày vẫn được bà nhóm giữ cho căn nhà có chút hơi ấm, chưa bao giờ lụi tàn. Mặc cho mùa đông lạnh giá hay mùa hè rực nắng.

- Bố về bao giờ thế? - Tôi ngước lên hỏi.

- Mới về trước mày đây thôi.

- Nó như con ma rừng, thoắt đi, thoắt về chả ai hay. Cứ lồng lên như con ngựa vía ấy! - Bà đang hí húi ở góc nhà ngoái lại quẳng vào một câu giữa hai bố con. Tôi chưa kịp đáp trả bà thì một bóng đen ở đâu nhảy xổ vào người. Con Cộc lông lá ướt đẫm sương chồm lên cổ, cái lưỡi ấm nóng liếm lấy liếm để lên mặt tôi.

- Con ranh này, mày lại đi kiếm ăn đâu sớm thế, thảo nào tao về thấy vắng hẳn - Vừa xoa đầu con Cộc tôi vừa dúi nó ngồi xuống bên cạnh. Cái đuôi cộc của nó vẫn ngoe nguẩy mừng vui. Con Cộc ư ử liếm láp bàn tay bắt đầu ấm của tôi.

- Tao tưởng nó cũng sắp quên mày rồi đấy! Bố con mày cứ đi đi rồi cũng sẽ mất hết cái hơi của rừng già! - Bà lại thủng thẳng lẩm bẩm ở góc nhà.

Con Cộc là con chó Mông cộc tôi nhặt được bên bờ suối khi đang đi săn gà lôi. Nó bị bỏ rơi, đang sắp chết đói nằm thiêm thiếp bên đám cây rừng với bộ lông đen mướt. Từ ngày được tôi mang về chăm bẵm nó lớn phổng lên. Nó luôn đồng hành cùng tôi trên khắp các nẻo đường rừng. Cũng may có nó làm bạn với bà khi tôi bỏ lại rừng núi phía sau. Sau này mỗi lần từ phố trở về bao giờ nó cũng phát hiện ra tôi đầu tiên và ào ra đón từ lưng chừng dốc. Có lẽ chính vì nó mà bà chưa bao giờ bị làm cho giật mình khi tôi chơi trò ú òa con trẻ.

- Bố lần này về với bà luôn chứ? - Tôi vừa xoa đầu con Cộc vừa tiếp nối câu hỏi với bố - Bà già rồi, mà bố cũng như bà rồi đấy, bố định đi đến bao giờ nữa?

- Thế còn mày? Mày bao năm quăng quật tận nơi đâu bây giờ lại về đây bảo tao phải thế này thế nọ?

Có lẽ bố nói đúng. Bao năm tháng đời tôi đã bị dìm trong phố phường bụi bặm cùng những tráo trở, bon chen. Sau những ngày lăn lộn kiếm sống, hòng thoát khỏi cái bóng của núi rừng, rốt cuộc thì tôi có được gì?

- À, bố! Đợt rồi con vô tình gặp được mẹ. Mẹ giờ đây cũng khổ lắm, hay con bảo mẹ tết này về nhà mình nhé? - Tôi nói với bố mà cố tình cao giọng hắt tiếng của mình vào tận góc nhà nơi bà vẫn hí húi lục lọi đám đồ của mình.

- Tao cấm! Cấm mày gặp gỡ gì với nó - Mắt bố chợt vằn lên dữ tợn.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Tôi hiểu bố vẫn chưa quên được những ấm ức trong lòng suốt bấy lâu nay. Ngày mẹ bỏ đi tôi chưa đủ lớn để hiểu hết mọi chuyện, nhưng hình ảnh của mẹ cũng đã kịp khắc ghi trong trí nhớ non nớt. Hôm ấy trong quán ăn nhìn người phụ nữ khắc khổ lúi húi rửa bát tôi chợt thấy ngờ ngợ. Chút kí ức chưa từng bị lãng quên như được khơi dậy. Thì ra sau khi cùng người đàn ông ấy ra đi mẹ đã lưu lạc đến thành phố này. Sống với nhau một thời gian, khi cái thai bị sảy và mất đi khả năng sinh nở thì mẹ bị bỏ rơi. Suốt bao năm nay mẹ lang thang kiếm sống, mặc dù rất muốn quay về nhưng chưa đủ can đảm. Mẹ vẫn còn sợ. Sợ bố và tôi không tha thứ cho những lỗi lầm mà mẹ từng mắc phải.

- Mày có quyền gì mà cấm mẹ con nó? Mày thử xem lại bản thân mày đi. Con Quyên nó bỏ đi cũng vì mày đấy!

Không biết bà ngồi xuống bên bố con tôi từ khi nào, vừa đẩy cái gốc cây vào bếp bà vừa mắng bố.

- Mẹ không cho tôi cái quyền được gặp và đi tìm bố mình thì tôi cũng cấm nó không được gặp mẹ của nó. Thế thôi! - Tôi không ngờ bố nói lại bà câu như vậy.

Bố vừa dứt lời thì bóng bà chợt sụm xuống.

- Mày… mày… mày đã biết điều gì rồi? - Bà ngẩng lên nhìn chằm chằm vào bố, vừa như ấp úng vừa như ngập ngừng hỏi.

- Mẹ tưởng mẹ giấu tôi bao năm nay mà tôi không biết gì à. Đến con chó kia, cho dù nó lạc loài nhưng nó cũng phải có nguồn gốc sinh ra, như cái cây ngô mọc lẻ loi giữa khe đá cũng phải có cái hạt mới nảy mầm ra được. Huống hồ là con người. Thế mà mẹ nỡ giấu tôi. Giá như mẹ đừng sinh tôi ra. Còn đã sinh ra rồi thì phải cho tôi biết cái nguồn gốc chứ?

- Thôi, mày đừng nhắc đến cái chuyện nhục nhã ấy nữa! - Giọng bà run run như mắc nghẹn nơi cổ họng.

Nhục nhã. Tôi hiểu bà muốn nói về chuyện gì. Câu chuyện về sự ra đời của bố không còn lạ gì đối với những người ở nơi đây. Và giờ đây, khi chắp nối lại những điều được biết, cùng những mẩu đối thoại đứt đoạn giữa bố và bà, tôi tạm thời xâu chuỗi những việc đã xảy ra với hai người thân yêu của tôi...

*

*           *

Trong những năm tháng chiến loạn, quân đội viễn chinh Pháp chiếm mảnh đất biên cương này, đóng đồn bốt trên các điểm cao nhằm khống chế những vùng đất xung quanh. Gabriel, viên trung úy đồn trưởng đóng quân trên ngọn núi sau thị trấn, nơi mà từ đó hắn dùng ống nhòm bao quát toàn bộ những mái nhà xập xệ phía dưới. Ngoài việc cho xây những lô cốt kiên cố hòng ngăn chặn các cuộc tập kích của Việt Minh, thi thoảng hắn cũng cho quân cùng đám chức dịch xã tổng tiến hành tảo thanh mở rộng phạm vi an toàn quanh đồn. Những cuộc bắt bớ, cướp, giết vẫn thường xảy ra.

Trước những bất ổn của cuộc sống, Thào Mý Ly như bông hoa rừng ít khi bước ra khỏi nhà, nếu có đi đâu đều lựa những khi vắng vẻ để khỏi gặp phải những ánh mắt bất thiện luôn hau háu rình mò. Thế nhưng tai họa bỗng từ đâu ập xuống. Vì nghi ngờ có Việt Minh về ém để nhổ đồn của mình, Gabriel đã xua quân tràn xuống thị trấn tiến hành cuộc càn quét quy mô lớn. Những ngôi nhà của người Mông, Giáy, Hà Nhì, Lô Lô… làm từ cây lá trên rừng thi nhau cháy, tiếng tre nứa nổ lốp bốp như pháo, khói phun mờ mịt một góc trời. Giữa bốn bề lửa cháy, trời nóng như lò nung, xung quanh là cảnh đuổi bắt, cướp giật, lùng sục, thì tại ngôi nhà còn nguyên vẹn ở góc thị trấn, Gabriel đang đè nghiến một người con gái giữa nhà. Bông hoa của núi rừng đang bị vày vò dưới móng vuốt của lang sói. Khi sự sống mới được gieo trên mảnh đất bị cưỡng ép thì một viên đạn súng kíp bất chợt sượt qua chiếc mũ nhà binh trên đầu Gabriel. Hắn bừng tỉnh giữa cơn hoan lạc, ngã vật người sang bên rồi vùng bỏ chạy. Ngay sau đó Việt Minh như thác lũ từ dưới đất chui lên cuốn tan tất cả. Gabriel may mắn sống sót cùng đám quân tháo chạy.

Một thời gian sau, khi ngồi trên chiếc Dakota quay trở lại miền đất hoang sơ này nhằm thả dù tiếp tế cho đám tàn quân địa phương còn ẩn náu nổi phỉ, Gabriel vẫn chưa thoát khỏi sự ám ảnh ngày nào. Sự ám ảnh về vẻ đẹp hoang dã, khi những váy áo bị xổ tung hiện ra bầu vú căng tròn nhức nhối trắng rung rung dưới sự nức nở không cam chịu. Ám ảnh bởi đôi mắt bình thường rất đẹp nhưng lại chất chứa đầy sự căm hờn. Cho dù có nhắm mắt lại hay trong những cơn mơ bất chợt hắn vẫn như thấy rõ, như đang thực sự sờ nắn được.

Gabriel không hề biết rằng, ngày đó, sau những uất hận và tủi nhục bà không hề biết mình mang trong mình giọt máu của kẻ xâm lược. Chỉ đến khi cái thai quá lớn, bà âm thầm sinh nở và coi đó là đứa con riêng của mình, một đứa con của núi rừng, nó không hề có bố. Thế nhưng bà cũng không thể giấu được ánh mắt săm soi của người đời. Những điều tiếng vẫn bủa vây khi bà một mình nuôi đứa con không rõ nguồn gốc lớn khôn từng ngày.

Mang trong mình dòng máu lai, bố có được vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh hơn người. Với đôi mắt xanh lơ nhiếp hồn, đã biết bao cô gái mang các dòng máu Kinh, Dao, Mông, Thái, Hà Nhì… mê mệt ở mỗi buổi chợ phiên. Thế nhưng cuối cùng vẫn không có ai dám đến gắn bó với bố. Chỉ vì cái lí lịch không rõ ràng và rất mơ hồ của bố. Kể cả khi tiếng súng của cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, bố muốn tham gia cầm súng bảo vệ biên cương cũng không được chấp nhận. Thế nhưng cuộc chiến tranh ấy đã cho bố được gặp mẹ, và vì thế mà mới có tôi hiện hữu trên đời.

Trong cuộc chạy loạn giữa những tiếng đạn cối rít trên đầu, bố đã chứng kiến cảnh thường xảy ra trong chiến loạn. Một vụ cưỡng hiếp. Tay lính phía bên kia đang chuẩn bị bộc lộ thú tính thì bị bố giáng một gậy gục ngay tại chỗ. Sau này bố tâm sự, khi ấy bố không muốn lại có một đứa con lạc loài của chiến tranh như mình tồn tại trên đời. Nếu có, đứa con đó phải có nguồn gốc rõ ràng. Bố đã cứu mẹ tôi buổi ấy rồi cùng bà dắt díu nhau qua cơn hung hiểm, để rồi khi tiếng súng tạm im tôi đã được sinh ra, lúc cả nhà quay về mảnh đất cũ ở thị trấn ổn định lại cuộc sống. Mẹ đến với bố vì nghĩa hay vì tình, nhiều khi chính mẹ cũng không rõ. Có thể là sự trộn lẫn của cả hai. Ban đầu vì cảm cái nghĩa cứu người của bố mà mẹ tự nguyện gắn bó khi bà bơ vơ một thân trên đời. Sau dần rồi khi có tôi, mẹ đã bắt đầu nảy sinh tình yêu với bố. Thế nhưng dù là gì thì cuối cùng mẹ vẫn bỏ bố con tôi để ra đi.

Một gia đình bốn người đang yên ổn sống ở thị trấn thì một ngày bà nhất quyết bán tất cả nhà cửa, đất đai để chuyển lên ở tít trên non cao này, không một lời giải thích. Bà nhất quyết kéo cả nhà tôi đi, sống một cuộc sống như những kẻ lánh xa trần thế. Và cho đến tận bây giờ bà mới chịu hé lộ lí do thật sự của việc ấy: một sự trốn chạy. Bà không muốn mất đi những gì mình đã có, đó là cái gia đình nho nhỏ này. Lí do chỉ vì ông trung úy viễn chinh năm nào.

Gabriel, sau thất bại của công cuộc xúi giục nổi phỉ ở vùng đất này đã từng tham gia trận chiến Điện Biên Phủ, bị bắt, rồi được thả. Quay về nước mẹ đại Pháp mà vẫn không quên nỗi ám ảnh về người con gái năm nào. Sau khi mối quan hệ bang giao của hai nước bình thường trở lại, trong một lần cùng phái đoàn của Pháp sang thăm Việt Nam ông ta đã quyết tìm về mảnh đất khi xưa, lần tìm dấu vết của người con gái ấy. Ông đã gặp lại Thào Mý Ly, khi ấy đã trở thành một người bà. Khi biết bà đã có con với mình ông ngỏ ý muốn xin nhận máu mủ ruột rà. Ông thành tâm xin lỗi bà vì những lỗi lầm năm xưa, và nếu bà muốn ông sẽ đưa cả nhà sang Pháp định cư. Bà đã thẳng thừng chối từ tất cả với lí do bà không hề biết ông là ai, bà không thể dễ dàng tin lời một người đến từ đất nước xa xôi nào đó. Mảnh đất này đã nuôi dưỡng bà, bà đã gắn bó với nó cả đời, bà không muốn ai lấy đi của bà thứ gì. Gabriel lặng lẽ ra về với lời nhắn nhủ có dịp ông sẽ quay trở lại.

Và ngay sau đó bà quyết định rời bỏ thị trấn, nơi bà từng sống bấy lâu nay.

Tôi chợt nhớ ngày còn đi học, có lần thấy tôi mang về một quả địa cầu nhỏ mượn ở thư viện trường, bà hỏi:

- Cái gì đấy?

- Đây là quả địa cầu, nó cho ta biết vị trí của các nước trên thế giới đấy bà ạ! - Tôi bảo.

- Thế nước ta ở đâu?

- Ở đây! - Tôi chỉ vào dải đất mảnh hình chữ S. Rồi tôi lại chỉ cho bà nơi mảnh đất biên cương của mình - Còn mình ở cái chỗ bé tí này bà này.

- Thế còn nước Pháp? - Bà buột miêng hỏi.

- Nó ở chỗ này! - Tôi xoay quả địa cầu rồi chỉ cho bà.

- Xa nhỉ! - Bà chăm chú nhìn vào mảnh đất giáp biển xa xôi rồi trầm ngâm xa xăm nhìn về phía chiều tà.

Từ đó thi thoảng tôi bắt gặp bà ngồi một mình trên mỏm đá bên nhà, như bức tượng nàng Tô Thị, phóng tầm mắt dõi về hướng trời tây xa ngái, nơi mặt trời đang cố níu kéo những tia nắng cuối cùng ở rặng núi phía xa. Lặng im và buồn bã.

Lặng im và buồn bã, đó cũng là tâm trạng của bố khi mẹ tôi theo người đàn ông khác về xuôi. Đã có những buổi chiều tôi bắt gặp bà ngồi trên phiến đá quen thuộc nhìn về phía mặt trời lặn, còn bố tựa cửa buồn bã nhìn về dưới xuôi. Có lẽ những bức bối của cuộc sống ở nơi vắng lặng này làm tình yêu của hai người ngày một nhạt dần. Mẹ đi, để rồi bố cũng như cánh chim thiên di bay khỏi tổ ấm của mình. Tôi và bà không biết bố đi những đâu, làm những gì. Thi thoảng nghe người ta nói bố sang tận bên kia biên giới làm ăn, buôn bán và cặp kè với hết người phụ nữ này đến người đàn bà khác. Bố luôn bảo với tôi hãy cảnh giác với đàn bà, đó là giống tráo trở và khó tin, chỉ có thể đi chung một chặng đường ngắn chứ không thể nắm tay nhau đi cả một quãng đường dài. Thế nhưng nếu những lời đồn kia là đúng thì bố sao vẫn dính lấy đàn bà. Tôi biết dù đã có tuổi nhưng sức hút của bố với người khác phái vẫn còn rất mạnh. Liệu có phải như người ta vẫn nói, đàn ông xưa nay có bao giờ thôi là kẻ trục lợi đàn bà. Bố đang trục lợi điều gì từ họ?

Ban đầu tôi không tin những lời bố nói, nhưng đến khi vướng vào cuộc sống ồn ào phố thị tôi mới thấy thấm thía phần nào. Từ một thằng ngố rừng, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ khó khăn khi hòa nhập đời sống phố phường. Nhưng con người ta luôn là một sinh vật thường xuyên được tái tạo, con người luôn làm mới bản thân mình để dễ dàng hòa nhập với thế giới xung quanh. Như thừa hưởng cái gen của bố, tôi luôn được những người phụ nữ từng tiếp xúc yêu mến. Nhưng trải qua vài ba cuộc tình, sau khi nhận ra những lọc lừa tôi như chai sạn trước tình cảm gái trai. Để rồi mỗi lần bà giục lấy vợ tôi đều lảng tránh bằng cách bế phốc con Cộc đặt lên lòng bà cho nó cản lại những lời năn nỉ mùi mẫn bảo tôi lấy một đứa gái Mông, Dao, Thái nào đó rất xinh dưới thị trấn nếu như đã chán những đứa gái Kinh ở thành phố.

*

*           *

Ánh mặt trời đã lên cao soi rõ mọi vật trong nhà.

Bố với bà nói hết ra với nhau những mắc mứu bấy lâu còn giữ kín trong lòng.

- Mẹ có biết bấy lâu nay tôi đi đâu không? Tôi vẫn đi dò hỏi về người đã cho tôi có mặt trên đời này, ngoài mẹ. Mẹ đã giấu thì tôi phải đi tìm theo cách của tôi - Bố bảo với bà như vậy.

- Tùy mày! Mày đã thế thì cũng đừng có cấm cản thằng Dương tìm đến với mẹ của nó - Bà bảo bố thế rồi quay sang tôi - Mày nhắn mẹ mày nếu không còn chỗ nào đi thì về đây ăn tết rồi ở lại luôn, khó khăn thì rau cháo nuôi nhau.

- Nó mà về đây thì tôi sẽ đi! - Bố gầm gừ trong cổ.

- Thằng bố mày không thích thì cút đi chỗ khác! - Bà nói với tôi nhưng nhìn sang phía bố - Còn nếu mày vẫn muốn đi nữa tao cũng không cấm, giờ già hết cả rồi, tìm được cũng tốt. Ngày ông ấy về gặp tao, trước khi đi có đưa tao cái này bảo nếu cần thì cứ theo đó mà tìm. Tao định vứt đi, nhưng nghĩ có lúc mày cần.

Bà nói rồi đưa cho bố một chiếc ống tre nhỏ như ngón tay được bịt kín. Hóa ra nãy giờ bà vẫn hí húi để tìm nó trong đống đồ của mình. Bên trong ống tre là tờ giấy đã ngả màu được bà bọc kĩ bởi mảnh nilon. Khi bố lật ra tôi thấy những dòng chữ ghi một địa chỉ nào đó của nước Pháp xa xôi.

*

*           *

Sắp đến ngày hai ba tháng chạp tiễn ông Táo về trời, bầu trời xanh ngăn ngắt, nước ruộng như muốn kết băng loang loáng như phủ một lớp bóng kính. Nhà nào cũng bịt kín các khe kẽ không cho gió lùa vào, bếp lửa được đám củi khô làm mồi lúc nào cũng rừng rực cháy để lại những cục than hồng.

Mặc dù trời lạnh nhưng bà không ngồi sưởi bên bếp lửa ấm áp mà ra ngồi ở tảng đá quen thuộc bên ngoài căn nhà. Trên những khoảnh rừng quanh nhà, đám đào rừng bắt đầu bừng lên những cánh hoa điểm xuyết hồng giữa màu xanh ngăn ngắt của cây lá, của mây trời, những cây gạo đang trơ cành chờ ngày bung lửa. Con Cộc vờn theo đôi bướm lạc bầy quẩn quanh chân bà sủa nhong nhóc. Tôi mang ra cho bà chiếc khăn mới mua ở chợ phiên hôm đi sắm đồ tết.

- Bà quàng vào cho ấm.

- Mày có chắc mẹ mày sẽ về ăn tết không?

- Thì con điện mẹ bảo thế mà!

Bà che tay cho ánh mặt trời khỏi rọi vào rồi nheo nheo mắt dõi về phía cuối con đường mảnh như dải lụa phía xa. Lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày tôi thấy bà hướng về phía mặt trời mọc chứ không phải về trời tây, nơi mặt trời lặn sau những rặng núi mịt mờ.

Chợt tiếng con Cộc hộc lên mừng rỡ, nó chạy về hướng cầu thang lên nhà. Tôi thấy thấp thoáng bóng bố sau liếp cửa, mắt cũng dõi theo hướng nhìn của bà…

N.C.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)