. NGUYỄN LUÂN
Những lời nói nghẹn ngào của người lính đứng trước mộ đồng đội khe khẽ vang lên. Cứ thế, chiếc điện thoại đang phát đoạn phóng sự về người lính ấy được những người đàn ông lặng lẽ truyền tay nhau. Trong giây phút đó, tôi nhận ra tất cả họ đều lặng im. Có người châm thuốc hút, người rớm nước mắt, người cúi đầu im lặng xa xăm…
Đó là những hình ảnh tôi gặp vào một ngày chớm đông. Nhạc sĩ Bùi Minh Tấn, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn, một cựu chiến binh trong chiến tranh biên giới phía Bắc, người từng ôm đàn hát dưới làn đạn quân thù, khi tôi đến, ông giới thiệu ngắn gọn “Chúng tớ đây, toàn lính chiến trong cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc”. Và chuyện lính, chuyện chiến trường, những ám ảnh quá khứ về cuộc chiến đã lùi xa gần năm mươi năm trên mặt trận Lạng Sơn oanh liệt của họ cứ thế tuôn trào.

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: TL
Nhập chiến
Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông với dáng người cao gầy, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng ánh mắt sáng và sắc sảo. Đó là cựu binh Nguyễn Quang Đạo sinh năm 1954, nhà ở Ba Toa, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, nguyên là B trưởng, C1, D11 Tỉnh đội Lạng Sơn. Ông nhìn ra phía con đường lớn trước mặt, nhớ lại: “Tôi lên đường nhập ngũ khi cuộc chiến tranh chống Mĩ bước vào giai đoạn cuối, tháng 2/1975. Sau khi huấn luyện xong, tôi được cử đi học Trường Quân chính thuộc Trung đoàn 568, Sư 325. Sau này, đơn vị thành lập Trung đoàn 567 thì tôi chuyển về đơn vị mới đóng quân tại Lục Nam, Bắc Giang. Cuối năm 1977, đơn vị giao nhiệm vụ thành lập một khung tiểu đoàn để tuyển quân, sau di chuyển về Xuất Mễ, Đại Từ, Thái Nguyên để lấy quân các địa phương từ Thái Nguyên và Bắc Kạn. Đến tháng 8/1978, tình hình biên giới trở nên căng thẳng, tôi cùng đơn vị sau khi huấn luyện xong tại xã Hoàng Đồng di chuyển lên tiền tuyến, đóng quân tại Nà Đoong, cách Đồng Đăng gần bảy ki lô mét. Đơn vị tôi nhận chốt hai điểm cao 715 và 611. Hôm ấy, ngày 17/2/1979, khoảng hơn năm giờ sáng, cả đơn vị đang vệ sinh cá nhân thì nghe tiếng pháo nổ ran vọng lại. Không ai bảo ai, tất cả đều chạy đến vị trí chiến đấu. Khi pháo dừng, thoáng một cái từ phía bên kia biên giới đã thấy đối phương tràn lên cỡ một tiểu đoàn, chúng nhanh chóng chiếm lấy điểm cao 811 ngay trước mặt mình, cuộc chiến bắt đầu vào một thời khắc nhanh như thế...”
Một giọng nói trầm đục góp chuyện của người có mái tóc dài, bạc như cước ngồi phía đối diện. Đó là cựu dân quân tự vệ Thân Kiểu Mẫu sinh năm 1959, ở thành phố Lạng Sơn, dường như câu chuyện về những ngày tháng năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông: “Từ sau sự kiện ngày 25/8/1978 (Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh, người lính Việt Nam đầu tiên hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc), tình hình biên giới Lạng Sơn trở nên phức tạp. Hoa kiều trở về nước kéo thành hàng dài, ăn nằm vất vưởng cắm trại chờ thông quan khắp nơi. Một số bị kích động tuyên truyền chống lại lực lượng công an vũ trang, dân quân ta bằng cách gây rối, ném đá vào người dân và người thực thi công vụ. Khi ấy, chúng tôi là dân quân địa phương, được lệnh cõng đá từ các nơi lên biên giới. Mỗi người khoảng hai mươi ki lô gam. Giai đoạn đầu, chúng tôi được lệnh không được nổ súng trước nên những vũ khí thô sơ như đất đá, gậy gộc, dao quắm trở thành phương tiện tự vệ phổ biến. Đến sáng ngày 17/2, khi tiếng pháo nổ đì đùng trên biên giới, cánh dân quân chúng tôi được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Không khí hối hả, căng thẳng và hồi hộp lắm. Thật khó diễn tả, nhưng tôi vẫn còn nhớ, như mới ngày hôm qua thôi…”
Cũng nói về những giây phút khi chiến sự nổ ra, cựu binh Hà Viết Phùn, sinh năm 1960, quê ở Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn kể: “Sáng hôm ấy, tôi dậy sớm hơn mọi ngày, trời còn se lạnh vì mùa đông chưa qua hẳn, từ đâu phía biên giới có tiếng rít vang trời của pháo đạn, bầu trời đỏ rực. Cứ thế, sau khi pháo dừng thì bà con nhân dân chạy loạn khắp nơi. Suốt ngày hôm đó, từng đoàn người gồng gánh, dắt díu nhau, cùng xe cải tiến, xe đạp, đem theo nồi niêu, chăn áo… nối đuôi nhau di chuyển về tuyến sau. Ai cũng hoang mang, tiếng còi xe, tiếng người dặn dò nhau, tiếng khóc trẻ con tìm mẹ cứ văng vẳng, những âm thanh ấy ám ảnh tôi mãi đến bây giờ”.
Những ám ảnh hằn sâu
Tôi chú ý đến người đàn ông dáng người thấp có đuôi lông mày rất đậm, nhưng khóe miệng luôn nở nụ cười. Hỏi chuyện mới hay đó là cựu binh Trần Quốc Lập, nguyên là lính C1, D11, Thị đội Lạng Sơn, nhà ở thành phố Lạng Sơn. Năm 1977 ông có giấy gọi dự bị Đại học Xây Dựng, nhưng vì lí do gia đình nên không đi được. Tháng 8/1978 ông lên đường nhập ngũ, vì có bằng tốt nghiệp trung học lại nhanh nhẹn nên ngay khi vào đơn vị, ông được giao nhiệm vụ liên lạc của đơn vị do đồng chí Đặng Cát làm chỉ huy. Cuối năm 1978, ông cùng đơn vị chiến đấu ở tuyến đầu từ đó đến lúc được lệnh rút về tuyến sau…
“Trong những ngày tháng ấy, chú nhớ nhất điều gì?” Tôi hỏi.
“Nhiều thứ lắm, nhưng ám ảnh nhất là lúc đồng đội hi sinh ngay trước mắt mình…”
Trong ánh mắt người lính năm xưa ùa về những xúc cảm mà những người đối diện như tôi có thể cảm nhận rõ rệt. “Đơn vị chiến đấu đến ngày 18/2 thì lương thực hết. Tôi được giao nhiệm vụ quay về tìm cách tiếp tế lương thực. Đường dài hơn ba cây số đèo dốc dựng đứng trong khi bọn thám báo của địch lại rất thông thạo địa hình. Ban ngày chúng có thể lẩn sang đất ta nằm phục ở bất cứ chỗ nào. Thêm nữa, địch dùng lối đánh vu hồi rất hiểm, luồn sang tập kích từ phía sau lưng quân ta. Ngày ấy liên lạc bằng chân, không có gì hỗ trợ. Tôi nhớ, hôm ấy là ngày 21/2/1979, tôi đi cùng đồng chí Cà Văn Đồng quê ở Xuân La, Pắc Nặm, Bắc Kạn và đồng chí Vũ Hồng Thư quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Xuống đến nơi tiếp tế thì không có gì xảy ra, nhưng khi quay lên, khoảng mười giờ, tôi đi đầu, giữa là đồng chí Đồng, đồng chí Thư đi sau cùng. Đang đi, nghe tiếng động lớn phía sau, quay lại đã thấy đồng chí Cà Văn Đồng bị đạn bắn xuyên qua cổ hi sinh tại chỗ. Đồng chí Vũ Hồng Thư lao vào cứu, cũng bị địch bắn bị thương. Chúng rất nham hiểm, bắn vào người đi giữa để ta không xác định được đường đạn. Hôm ấy, nếu tôi đi giữa có lẽ người hi sinh chính là tôi… Còn nhớ trước khi xảy ra chiến tranh, Đồng được gia đình gửi điện lên đơn vị gọi về quê lấy vợ, nhưng anh xin ở lại đơn vị vì tình hình chiến sự đang rất căng thẳng”.
“Sáng ngày 17/2, sau khi pháo dứt, địch tràn lên như nước dâng. Một tiểu đoàn địch chiếm được điểm cao 811. Phía bên này, lực lượng quân ta rất mỏng, lại đa số là lính mới nhập ngũ. Nếu đánh trực diện, chắc chắn ta sẽ thương vong nhiều và mất trận địa. Trong tình hình đó, tôi chỉ huy anh em đào hầm hào sâu. Thực hiện “nghi binh” bằng cách cho các khẩu đội DKZ cứ bắn một loạt rồi lại di chuyển sang chỗ khác bắn tiếp. Địch không nghĩ ta chỉ có một trung đội mà phải cỡ một đại đội đóng quân nên không dám tấn công. Chính vì vậy chúng tôi đã giữ được trận địa trong suốt thời gian đợi quân tiếp viện lên thay chốt mà không vấn đề gì. Nhưng cả đơn vị đói ăn vì nhà bếp cách điểm cao hơn ba cây số. Số cơm nắm mang lên từ mấy hôm trước đã dùng hết, anh em đói quá lộn cả bao tải dứa ăn số cơm còn dính trên mặt bao khi mang lên chốt…” Cựu chiến binh Nguyễn Quang Đạo nhớ lại.
Có những người lính may mắn trở về sau chiến tranh. Vết thương trên da thịt có thể lành dần theo năm tháng. Nhưng những ám ảnh trong kí ức về đồng đội, về sự hi sinh sẽ mãi mãi còn đó, day dứt, khôn nguôi. Cựu binh Lương Công Sự sinh năm 1959 nhà ở đường Chu Văn An, phường Đông Kinh, Lạng Sơn, nguyên là lính B3, C4, D11 Tỉnh đội Lạng Sơn kể: “Ngày ấy tôi là một thanh niên ngang tàng làm nhiều nghề để sống. Khi tình hình biên giới có nhiều biến động, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ vào tháng 5/1978. Sau khi huấn luyện xong tại Pù Vân, Bắc Thái cũ, tôi được biên chế về đơn vị làm pháo thủ số 2 DKZ ở trận địa đồi Triệu Cảnh, thuộc Tam Lung, Lạng Sơn. Sáng 17/2/1979 khi ấy trên trận địa chúng tôi chỉ có tám người. Một khẩu đội DKZ, một khẩu đội 12 li 7 cùng vài khẩu AK. Sau khi pháo ngưng, giặc tràn lên như vũ bão. Tôi nhớ nhất là đồng chí Nguyễn Hữu Thắng, người Định Hóa, Bắc Thái. Thắng bị đạn bắn vào chân, rồi trúng tiếp vào đùi nhưng nhất định không chịu buông súng. Đến giữa trưa, Thắng hi sinh vì viên đạn thứ ba vào ngực. Lúc ấy, khẩu đội tôi hết đạn. Suốt mấy ngày sau đó, chúng tôi phải nhịn đói để chiến đấu. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết hết. Có đêm, tôi tìm đường xuống bản kiếm đồ ăn. Làng bản di tản cả, tan hoang hết. Gặp con trâu chết đã lâu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhưng đói quá cũng đành cắt lấy thịt mà ăn. Hôm sau lại xuống cắt lấy một phần nữa ăn tiếp. Lần lượt các đồng đội đều hi sinh, tôi nhớ đồng chí Hữu bị bắn sáu viên đạn vào ngực. Các đồng chí Luyến, Hùng ở khẩu đội 12 li 7 trúng đạn pháo của địch cũng hi sinh và nòng pháo bị cong như cây cung tại trận địa. Còn tôi bị sức ép của pháo, khi tỉnh dậy phải cõng cùng lúc hai người bị thương. Người bị nặng hơn bám trước, người nhẹ hơn bám sau. Chúng tôi rời trận địa khi được lệnh rút quân, lúc ấy chỉ còn có ba người, đau xót và buồn vô cùng…”
Có lẽ, những câu chuyện như thế chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong bức tranh về cuộc chiến trên biên giới phía Bắc. Những người lính may mắn được trở về đến bây giờ vẫn nguyên nỗi buồn đau trước sự hi sinh của những người đồng đội. Nó hằn trong kí ức như chưa bao giờ trả hết nợ với những người đã nằm xuống mãi mãi trên dải đất biên cương Tổ quốc.
Những địa danh đã đi vào lịch sử
Trên mảnh đất Lạng Sơn, nhiều địa danh ghi dấu những trận chiến thư hùng, bất khuất và cũng đầy đau thương của quân và dân ta trước quân thù, đi vào kí ức dân tộc niềm tự hào chiến thắng như pháo đài Đồng Đăng, cầu Khánh Khê, Điểm cao 400, điểm cao Thâm Mò…
Tôi đứng một mình trước án hương tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ, những người dân đã hi sinh tại pháo đài Đồng Đăng, trong khói hương bảng lảng, tan dần vào những ngọn lau đã bắt đầu bung nở. Nhìn những khối bê tông phủ rong rêu, những bậc thang thưa vắng bước chân người và những ngổn ngang còn sót lại của cuộc chiến năm xưa, lòng nao nao khi đọc những chia sẻ của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nông Văn Phiao, một người lính may mắn còn sống trong cuộc chiến tại pháo đài Đồng Đăng: “Tôi nhớ rõ hôm đó là ca gác cuối cùng của chiến sĩ Dương Văn Phong. Khoảng bốn giờ ba mươi phút, cậu Phong thấy phía biên giới có nhiều biểu hiện lạ. Đến bốn giờ bốn mươi lăm phút nghe tiếng súng pháo nổ phía biên giới, Phong liền gọi các đồng chí khác dậy. Đồn trưởng, Thiếu tá Hoàng Ý nhìn về phía biên giới, chỉ kịp nói “Địch đánh ta rồi” và cho báo động toàn bộ đơn vị, lệnh cho anh em vào vị trí chiến đấu ngay. Đến năm giờ sáng, pháo binh bên kia biên giới bắt đầu bắn vào pháo đài Đồng Đăng và những quả đồi bên cạnh có bộ đội ta đóng quân. Khoảng sáu giờ ba mươi phút, quân địch vây kín dưới chân pháo đài. Hỏa lực từ pháo binh và xe tăng địch dưới chân pháo đài bắn lên. Bên kia biên giới, pháo binh dồn dập nhằm pháo đài mà bắn. Quân địch ở phía bắc đông như kiến. Chúng tràn đến đâu dày kịt đến đó. Nói thật, kể cả người bạo gan như tôi nhìn cũng thấy rùng mình. Chúng từ bờ ruộng tràn lên, mình ở trên đỉnh cao bắn xuống. Nhưng địch đông không tưởng tượng được, cứ chết lớp này, lớp khác lại tràn lên. Trong đợt tấn công thứ hai, anh Trần Hà Bắc hi sinh. Trung úy Hoàng Quốc Hội lên thay chỉ huy chiến đấu rồi cũng hi sinh. Nhiều chiến sĩ ở phía Tây và Nam pháo đài cũng hi sinh. Ngày 19/2, thấy bộ binh tấn công không hiệu quả, pháo binh địch từ bên kia biên giới lại bắn sang dữ dội. Chỉ huy mình ở các hướng đều hi sinh hết. Quân ta thương vong rất nhiều, số còn lại phải dạt về phía nam pháo đài nơi chúng tôi đang chiến đấu. Đạn dược hết dần, chúng tôi chiến đấu đến trưa thì không còn ai tiếp phẩm nữa vì các anh nuôi cũng phải cầm súng chiến đấu. Khoảng mười sáu giờ ba mươi phút ngày 21/2, pháo đài bị trúng pháo, tan nát. Tôi bị sức ép của pháo, ngất đi. Khi tỉnh dậy, thấy nhiều đồng đội quanh mình đã hi sinh. Tôi gọi đồng đội nhưng không nghe thấy tiếng ai nữa. Địch ào ạt tiến lên. Tôi cầm khẩu AK vừa đi vừa bắn chặn, vừa lùi xuống tầng hai pháo đài. Lúc này những người còn sống phải rút hết vào trong. Đối phương chặn hết đường ra, bắc loa gọi đầu hàng. Không ai ra, chúng ném lựu đạn cay xuống hầm. Gió thổi vào, mọi người ho sặc sụa, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa nhưng anh em quyết tâm không đầu hàng, sẵn sàng hi sinh đến người cuối cùng. Đến đêm 21/2, đối phương dùng bộc phá đánh sập tầng một và tầng hai pháo đài. Thương binh ở tầng hai và hàng trăm người dân chạy giặc núp dưới hầm không ai còn sống”.
Ngoài pháo đài Đồng Đăng, dọc trên mảnh đất biên cương Xứ Lạng, còn biết bao cái tên để gợi nhớ, như những tấm bia vô hình còn tồn tại mãi với thời gian về sự anh dũng hi sinh bảo vệ Tổ quốc cho sự toàn vẹn non sông tươi đẹp hôm nay.
Trở về với những buồn, vui đời thường
Cuộc chiến tranh biên giới đã lùi xa gần nửa thế kỉ, nhưng những câu chuyện để lại chưa thể xóa mờ trong tâm trí những người lính bước ra từ cuộc chiến. Họ còn nặng lòng với cuộc đời, với chính mình và với những người đồng đội đã ngã xuống năm nào.
Cựu binh Trần Quốc Lập chia sẻ: “Chúng tớ là lính, khi trở về với đời thường phải lao vào cuộc mưu sinh. Đôi lúc thấy buồn, mệt mỏi nhưng nghĩ lại vẫn thấy mình còn được sống, còn may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống. Người mà liệt sĩ Cà Văn Đồng không kịp về cưới năm xưa đã lấy chồng, con của họ nhận liệt sĩ Đồng là bố. Hằng năm, cả gia đình họ đều đến thắp hương cho cậu ấy ở nghĩa trang. Tôi nghĩ có lẽ cậu ấy ở dưới kia cũng sẽ mỉm cười. Khi gia đình xin chuyển hài cốt Đồng về quê an táng, cậu ấy báo mộng cho người thân rằng thích nằm ở đây hơn vì có đồng đội, có anh em đông vui lắm. Điều ấy thì tôi tin, bởi chẳng người lính nào lại không có sự gắn bó, yêu thương nhau. Kể cả khi họ đã tan vào cát bụi…”
Và đây là tâm sự của cựu binh Lương Công Sự: “Đồng đội chú đánh trận hôm ấy chẳng còn ai. Chú bị sức ép của pháo ảnh hưởng não nên cứ nhớ nhớ quên quên. Nhưng thứ không quên được là những khuôn mặt, giọng nói đồng đội. Giờ về già, quanh quẩn bên cháu con, lẩm cẩm chậm chạp, may có đám bạn này, toàn lính với nhau. Lâu lâu gặp mặt nói chuyện cũ cho mình cảm giác đỡ thừa. Mình còn sống đến bây giờ là nhờ đồng đội mình nằm xuống thay…”
Còn ông Nguyễn Quang Đạo lại có nỗi niềm riêng: “Sau chiến tranh, đơn vị chúng tôi giải thể, không còn phiên hiệu nữa. Nghĩ cũng thấy buồn, vì dù gì đơn vị mình cũng từng chiến đấu anh dũng từ những giây phút mở màn của cuộc chiến. Nhưng bây giờ gặp lại nhau, có ôn lại chuyện cũ nhắc lại tên đơn vị xưa chỉ còn trong trí nhớ…”
Chia tay, nhìn những bóng lưng chậm rãi lẫn vào dòng người xuôi ngược trên phố, tôi bần thần nghĩ, nếu không hỏi chuyện chắc ít người biết rằng họ là những người đã sống một thời oanh liệt, chiến đấu với tinh thần “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”…
N.L
VNQD