Triền cụt

Chủ Nhật, 16/02/2025 00:22

. PHAN XUÂN LUẬT
 

Sau một chặng đường dài mỏi mệt, đoàn tham quan dừng lại một cái quán ven đường uống nước. Quán tuềnh toàng nhưng khá sạch sẽ. Miền Trung đang mùa khô. Những trận gió Lào ràn rạt. Những vạt cỏ nhiều tháng trời không một giọt mưa cháy vàng xơ xác. Đang tếu táo với anh bạn, chợt nghe một giọng nói quen khiến tôi ngẩng đầu lên.

“Các anh thông cảm với lão già thương binh này. Còn một tay nên cái sự phục vụ không được chu đáo. Các anh không biết chứ chỗ này xưa kia là chiến trường ác liệt lắm, tôi đã gửi lại một cánh tay ở vùng đất này.”

“Láo!”

Tôi không kìm được hét lên.

Minh họa: Đặng Tiến

Nghe tiếng hét anh ta giật mình nhìn về phía tôi, mặt biến sắc. Nhưng cũng rất nhanh, anh ta định thần trở lại:

“Dạ, quý anh cần gì, tui đây sẵn sàng phục vụ.”

Một cái cười rất gượng lộ chiếc răng vàng chóe. Triền cụt, tôi không nhầm được. Vẫn biết là anh ta bán xới khỏi quê từ lâu, nhưng gặp anh ta trong hoàn cảnh này thì thật tôi không ngờ đến…

Tối hôm đó, ngay sau khi đến thị xã, nhận phòng, bỏ dở bữa tiệc, tôi bắt xe đò quay lại quán Triền cụt với câu hỏi âm ỉ từ mấy chục năm nay: Vì sao anh Ngọc tôi chết?

Anh Ngọc tôi ít hơn Triền hai tuổi nhưng nhập ngũ cùng một đợt. Anh Ngọc cao to, đẹp trai, học giỏi, nhiều cô mê. Triền thấp bé nhẹ cân, mấy lần khám tuyển nghĩa vụ quân sự đều bị chê. Triền là con vợ cả ông Trắc làm nghề sửa xe đạp. Ông Trắc nghe đồn có đến mấy vợ, trẻ già, xấu đẹp, đủ cả, toàn người ở đâu dạt đến. Triền học hết lớp bốn thì bỏ học ở nhà phụ sửa xe cho bố. Hồi đó người bé loắt choắt song lúc nào anh ta cũng thọc tay vào túi quần, mặt nghênh nghênh, phì phèo điếu thuốc, gặp cô nào đi qua cũng buông lời tán tỉnh. Lũ học trò bọn tôi đi mít tinh qua nhà ông Trắc, thay vì hô khẩu hiệu nhiệt liệt này, đả đảo nọ, lại hét toáng lên: Người ta một vợ thì vui/ Trắc đây năm vợ, vợ đui vợ què! Ông Trắc chẳng nói gì, nhưng Triền thì đứng chống nạnh cười khè khè: “Đọc nữa đi bọn bay, đọc nữa đi! Bọn bay đọc thơ hay lắm!”.

Cùng trang lứa, người vào đại học, trung cấp, đi làm công nhân, đa số đi bộ đội, chỉ còn mình Triền ở nhà. Trai làng đi hết, con gái cứ phơ phớ ra. Bom đạn cứ ào ào trút xuống. Hiếm hoi lắm mới được nghe tiếng pháo cưới. Chị em đi cấy, đi gặt, đi làm thủy lợi, vào dân quân tự vệ, cứ túm năm tụm ba thì thào anh này anh nọ. Thỉnh thoảng cô nào nhận được thư lại len lén ra đứng một góc. Rồi khóc cười, đấm lưng nhau thùm thụp. Mấy người già dừng gậy thở dài. Hết đợt này đến đợt khác trai làng nối nhau ra đi, chẳng mấy người trở về, nên làng cứ nghe cú rúc là sợ, thấy anh bưu tá đạp xe qua cũng sợ. Lâu lắm mới có một người trở về thì thành thương binh, bệnh binh cả. Họ trở thành của quý của làng, của các cô gái.

Giữa tình cảnh ấy vậy mà Triền chẳng tán được cô nào. Bởi cái ngữ chậm tiến, cái ngữ giả đui, giả điếc liếc gái trốn bộ đội. Các cô thà nằm không hơn lấy chồng trốn lính. Và cô nào khi gặp cũng dẩu mỏ nguẩy mông bỏ đi khiến Triền tức tối mà không làm gì được.

Cái năm anh Ngọc tôi đi bộ đội, Triền cũng viết đơn tình nguyện xin đi. Nghe ai đó mách, lần này anh ta ăn thật no, nhét thêm vào túi đôi hòn đá thế là trúng tuyển. Hôm lên đường, anh ta trông thật oai, bộ quân phục mới cứng, huơ huơ mũ về phía các cô gái: “Anh đi nhé! Chờ anh! Không được léng phéng với thằng nào đâu đấy!” Anh ta cười. Lần này, các cô cũng vẫy tay cười lại khiến Triền rất vui...

Khi tôi đến nơi mới độ hơn tám giờ tối, quán vắng khách. Triền cụt ngồi một mình, chai rượu đã vơi một phần ba.

“Mời cậu uống với tôi chén rượu. Tôi biết thế nào cậu cũng quay trở lại.”

Tôi không trả lời. Nếu còn sống, anh Ngọc tôi năm nay sáu ba tuổi, vậy vị chi Triền đã sáu lăm. Nhưng trông anh ta như già hơn tuổi thật khá nhiều, cái đầu đinh ba phân ngày nào giờ chỉ còn mấy sợi lơ phơ bạc trắng; mặt gầy tóp, cũng mấy sợi râu lơ phơ. Triền bảo:

“Tôi biết cậu muốn gì. Bằng tuổi này, cũng chẳng còn được mấy nỗi. Cứ để mãi trong người, như cái u, cái ác, như đeo đá trong người. Hôm nay gặp được cậu đây cũng là cái phúc cái phận của tôi. Nói một lần cho xong, cho nhẹ đi. Rồi cậu làm gì, mọi người làm gì tôi cũng chịu…”

Triển kể cái năm Triền và anh Ngọc tôi đi bộ đội là năm mùa hè đỏ lửa Quảng Trị. Triền và anh Ngọc cùng một đại đội, huấn luyện cấp tốc, hành quân cấp tốc, vào chiến trường mới được mấy tháng mà quân số đại đội đã vơi mấy phần. Điều này khiến Triền hoang mang. Vậy nên trong một trận đánh Triền đã làm cái việc tồi tệ là tự thương vào phần mềm cánh tay. Việc này tất nhiên không qua mắt được anh em đồng đội. Chưa kể đen cho Triền là vết thương nhiễm trùng bị hoại tử, quân y đã phải làm cái việc chẳng đặng là cắt đi một cánh tay. Và khi anh Ngọc tôi bị thương nặng, về trạm quân y điều trị thì Triền đã gần hồi phục, lay lắt sống trong tâm trạng hoang mang chờ kỉ luật.

Đến tối hôm đó, toàn đơn vị đột nhiên được lệnh di chuyển gấp. Địa điểm đóng quân bị lộ. Triền được trạm trưởng quân y ra lệnh: “Thằng Vực chiêu hồi. Nó bỏ đơn vị từ chiều nay. Di dời ngay, chậm là nát xác. Cậu có nhiệm vụ cõng thằng Ngọc.”

Minh họa: Đặng Tiến

Vực là đồng hương cùng xã, ở xóm Cầu Rinh với Triền. Thằng này dạo này thấy là lạ, đôi lần nói xa nói gần, bảo bom đạn thế này rồi thế nào cũng chết. Thằng Triền, mày chuẩn bị đi là vừa, lần này chắc chắn kỉ luật to, mặt mo mà về làng. Đầu óc Triền cứ quay quay. Triền sợ. Nhiều đêm trong giấc ngủ lơ mơ, Triền thấy mình bị lột trần giữa trưa nắng chang chang, dong như dong trâu khắp làng, trước ngực, sau lưng đeo tấm biển to tướng: “Ai cũng như tôi thì mất nước!” Người cầm dây thừng dong Triền không ai khác là cái Dung, con bà Thiềm, đẹp nhất làng. Triền thích cái Dung nhưng chẳng bao giờ dám lại gần nói chuyện. Cứ thấy Dung là tim Triền đập như gõ trống, mặt tái mét. Rồi Triền thấy các cô, rất nhiều cô cứ chập chờn những cánh tay vẫy vẫy tiễn Triền, thoắt cái, những cánh tay ấy nắm lại, dứ dứ về phía Triền. Hình như các cô đang hô đả đảo, đả đảo… như mấy đứa học sinh vẫn hô khi đi mít tinh qua nhà Triền. Triền co rúm người, bịt tai, không chịu nổi, mồ hôi vã ra như tắm...

Kể đến đây câu chuyện của Triền đột ngột bị dừng lại bởi tiếng ré lên từ ngăn trong của quán. Tiếp đó là tiếng la hét, quẫy đạp. Triền khẽ nhíu mày: “Cậu chờ tôi một lát”, rồi đi vào nhà trong. Tôi nghe có tiếng phụ nữ quen quen: “Trời nóng quá, hai hôm rồi nó không ngủ được!” Rồi nghe có tiếng ru. Tiếng ru của Triền. Tiếng ru của người đàn ông ngoài sáu mươi, đục và trầm. Bài hát của quê tôi từ thời xa lắc, người ru chỉ thuộc được mấy câu, cứ hát đi hát lại, dấm dẳng, lê thê như mưa tháng Chạp. Tiếng võng cứ ngân nga kẽo kẹt, kẽo kẹt… Tiếng la hét thưa dần rồi im hẳn.

Triền đi ra, tôi hỏi: “Hình như tiếng chị Liên?” Triền không trả lời, rót đầy chén rượu, uống ực một cái: “Tôi kể tiếp cậu nghe…”

Tối hôm đó, Triền cõng anh tôi khỏi địa điểm đóng quân. Song đi chừng mấy trăm mét, bỏ anh tôi vào một bụi cây rồi cứ nhằm hướng Nam mà chạy. Triền chạy mà không biết đến đâu. Chạy một ngày thì lạc vào một buôn, được cho ăn cho uống. Triền sống với đồng bào hơn nửa năm cho đến ngày một nửa cái tỉnh này thuộc về giải phóng.

Nghe Triền kể, tôi biết thế. Tôi giấu không kể cho anh ta chi tiết mà đồng đội anh Ngọc đã kể. Không đầy một tiếng đồng hồ sau khi Triền cụt bỏ trốn, máy bay địch ập đến. Cả một cánh rừng bị quần nát. Sau trận mưa bom đó, không thấy Triền và anh Ngọc tôi đâu, đơn vị cử người đi tìm mấy ngày không thấy. Ai cũng đinh ninh là Triền và anh Ngọc tôi đã chết mất xác.

Hơn một năm sau tin anh tôi hi sinh mới về đến làng. Đó một buổi chiều mùa đông mưa phùn, rất lạnh. Cha tôi đã không cầm nổi tờ giấy báo tử. Ông lặng đi một lát rồi lập cập ngồi xuống bậc cửa. Lần đầu tiên tôi thấy cha khóc. Tiếng khóc không thành lời, cứ cuộn lên trong ruột rung lên từng đợt. Mẹ tôi mãi đến chập tối mới đi cấy về. Bà chết ngất, phải cấp cứu mới sống lại. Suốt mấy năm trời, tối nào bà cũng ngồi trò chuyện với anh tôi trước di ảnh, rồi ôm thằng út ra sân đứng ngóng. Sau giải phóng, cha tôi vào tận nơi anh Ngọc hi sinh. Bạt ngàn rừng, bạt ngàn cỏ tranh, chẳng biết là anh Ngọc nằm ở chỗ nào, đành bốc một nắm đất về làm mộ gió.

Tôi hỏi Triền: “Vậy cớ chi sau giải phóng, xuống nhà tui anh còn tán chị tui?” Triền gục đầu xuống không trả lời. Hồi đó từ chiến trường về, Triền oai lắm. Một tay chống nạnh, một tay huơ huơ cái ống tay áo, anh ta thao thao kể chuyện chiến đấu, lũ trẻ con chúng tôi phục lắm. Có mấy cô để ý, song anh ta chỉ thích chị Mai tôi. Chị Mai không thật đẹp nhưng nhu mì, có duyên. Ban đầu chị không thích Triền. Còn Triền thì cứ bám riết lấy chị. Lần nào xuống nhà tôi anh ta cũng thắp hương, kể chuyện tình bạn của anh ta với anh Ngọc…, dần dần rồi chị Mai cũng có cảm tình. Nhưng mãi mà chẳng thấy Triền sinh hoạt hội hè, đoàn thể gì, chính quyền nhắn lên nộp giấy tờ anh ta cũng tìm cớ thoái thác. Rồi có tin thằng Vực chiêu hồi giờ định cư ở Mĩ viết thư về kể chuyện Triền tự thương, bị kỉ luật… Bán tín bán nghi. Người làng xầm xì. Lũ trẻ con chúng tôi không còn đòi Triền kể chuyện. Các cô gái cũng dần xa lánh Triền. Chị Mai tôi không muốn gặp Triền nữa.

Và tôi nhớ rất rõ sáng hôm đó đi chăn trâu về sớm. Vừa về đến cổng tôi nghe có tiếng la thất thanh của chị Mai. Tôi chạy ngay vào, thấy Triền đang dí chị tôi vào tường, vừa thở hào hển vừa nói: “Anh yêu em mà, yêu em mà…” Không kịp suy nghĩ, vớ cái ghế tựa, tôi phang một cái thật mạnh vào đầu Triền. Anh ta á lên một tiếng, quay lại, mấp máy môi định nói gì đó nhưng thấy tôi tiếp tục giơ ghế lên bèn huơ huơ cánh tay còn lại, lùi ra sân rồi nhảy lên xe đạp thục mạng.

Tôi hỏi Triền: “Từ sau cái vụ cưỡng bức chị tui, không còn thấy anh ở làng nữa?”. Triền trầm ngâm một lát, rồi gọi vọng vào nhà trong: “Ra đây em, người quê ta cả, gì đâu mà phải giấu!”

Một phụ nữ trạc gần sáu mươi len lén đi ra. Chị Liên, tôi biết chị ta từ hồi ở quê. Người phụ nữ này nghe đồn là vợ tư vợ năm gì đó của ông Trắc. Nghe nói hồi con gái, chị ta khá đẹp và đã từng có một mối tình với một cán bộ tuyển sinh huyện đóng trong làng. Chị mang bầu với anh ta. Anh này đã có vợ. Không những chối bỏ, anh ta còn vu vạ, bảo chị vu khống, hạ uy tín cán bộ. Thất tình, quẫn trí, chị nhảy sông tự tử. Người ta cứu được chị nhưng đưa bé trong bụng thì không. Buồn tình, chị đi lang thang và trôi dạt đến quê tôi.

Chị Liên như đoán được ý tôi nên nói trước: “Người ta nói tôi là vợ của ông Trắc, thật tình không phải thế. Ông Trắc cũng không phải là người lắm vợ. Chị em tôi năm người mười phương, toàn bèo bọt cả, đến nương nhờ ông Trắc thôi.”

Lúc này Triền mới kể thêm:

“Thực ra tôi cũng chẳng phải là con ông Trắc. Mẹ tôi quê ở đâu tôi cũng chẳng rõ. Khi gặp ông Trắc thì đã có mang tôi mấy tháng rồi. Có mang với một người đàn ông đã có vợ. Ông Trắc không phải người vùng này. Là con trai trong một gia đình khá giả nhưng không thể làm đàn ông, bố mẹ ông ấy không biết điều này, đã định cưới cho ông ấy một cô gái ngoan hiền cùng làng, vì vậy mà trước hôm cưới, ông đã bỏ làng ra đi và đến vùng này làm nghề sửa xe đạp. Ông lấy mẹ tôi là vừa cứu giúp, vừa muốn có một đứa con để chăm ẵm. Hồi đó ông nuông chiều tôi lắm, muốn gì được nấy nên tôi mới sớm hư thân mất nết như vậy”.

“Nhưng còn chuyện chị tôi?”

Tôi vẫn chưa thể buông tha Triền.

“Tôi nói cậu chẳng tin nhưng tôi yêu chị cậu thật lòng. Hồi tôi mới về, ông Trắc tự hào tôi lắm. Nhưng dần thấy tôi vẫn chỉ là kẻ vô công rồi nghề, vô tích sự, rồi dân làng xầm xì, đồn đoán, ông bắt đầu nghi ngờ. Đến khi có cái thư của thằng Vực bên Mĩ gửi về thì sự việc đã rõ. Ông không ăn cơm, không nói gì với tôi mấy ngày. Buổi sáng hôm xảy ra cái chuyện với chị cậu, bất ngờ ông gọi tôi lại nói: Cha đã coi con còn hơn con đẻ từ khi con còn trong bụng mẹ. Cha đã hi vọng về con. Đời cha chẳng khác gì cái giẻ rách. Còn một chút hi vọng cuối cùng, bây giờ coi như cũng đã hết. Rồi ông khóc. Tôi đã chẳng thể nhìn ông khóc. Tôi ra sân, nhảy lên xe, chẳng nghĩ là đi đâu, vậy mà tới nhà cậu lúc nào không hay. Tôi đã ngỏ lời với chị cậu và bị từ chối. Tôi cũng chẳng biết vì sao mình đã làm cái việc tồi tệ ấy. Tôi đạp xe về nhà, nằm xoải ra giường. Ê chề. Tôi hết chỗ dung thân rồi. Chợt thấy Liên vừa từ bếp đi lên, tôi hỏi, cô đi với tôi không. Cô ấy sững lại, hỏi đi đâu. Tôi bảo đi biệt tích khỏi đây. Cô ấy cũng ê chề lắm rồi. Mang tiếng là gái hư, làm vợ lẽ ông Trắc. Cô ấy ừ. Vậy là tối ấy chúng tôi lên tàu. Cũng chẳng biết đi đâu. Đến khi định thần lại, tôi nghĩ, chỉ có nơi này, nơi tôi đã chịu ơn và gây ra tội lỗi, nơi tôi phải đày đọa phần đời còn lại của mình may ra mới sống được”.

Tôi ngồi nghe Triền kể, lòng tự nhiên thấy trống rỗng. Không biết mình còn thù oán nữa không và cũng chẳng biết là mình có xót thương, tha thứ được hay không. Chị Liên ngồi bên cạnh Triền, thỉnh thoảng lại huơ huơ đuổi mấy con muỗi vo ve trên đầu chồng. Chị ta không dám nhìn tôi. Mỗi khi tôi hướng mắt về phía mình chị lại cúi xuống hay nhìn đi nơi khác. Tôi hỏi:

“Hình như nơi này không xa nơi anh Ngọc hi sinh?”

“Cũng gần đây thôi. Tôi đã làm một ngôi mộ gió. Năm nào giỗ Ngọc vợ chồng tôi cũng làm mâm cơm và ra đó thắp hương. Tôi cũng không mong được Ngọc tha thứ”.

Bỗng câu chuyện lại bị gián đoạn bởi tiếng ré lên từ nhà trong. Chị Liên lật đật chạy vào. Triền xin lỗi tôi rồi vào cùng với vợ. Tôi cũng bước vào theo. Trước mặt tôi là đứa bé quãng trên mười tuổi, nó nằm trên đùi Triền, bám chặt lấy ống tay áo, quặn lên, co rút, vật vã. Chị Liên hối hả dấp nước lau mặt mũi, tay chân cho nó. Triền vừa ôm chặt lấy thằng bé vào cánh tay còn lại, vừa nựng: “Con ngoan, ngoan nào, ngoan nào, ba thương!” Rồi Triền hát. Vẫn cái điệp khúc trầm trầm, đục đục, rã rời, bải hoải mà tôi nghe khi nãy. Lạ thay, thằng bé nguôi dần rồi dịu hẳn. Nó nằm thiêm thiếp trong cánh tay còn lại của Triền.

“Cậu biết không, trông thế chứ nó đã ngoài ba mươi rồi đấy. Nó bị chất độc da cam từ tôi. Khi sinh nó ra vợ chồng tôi mừng lắm. Nhưng được vài tuổi, bắt đầu nó phát sinh những triệu chứng lạ. Đến bệnh viện thì bác sĩ bảo nó bị chất độc da cam. Vợ chồng tôi như chết đứng. Nghe bác sĩ khuyên tôi cũng chẳng dám sinh thêm đứa thứ hai”.

Tôi nhìn thằng bé, nó đã chìm vào giấc ngủ. Trong ánh sáng mờ mờ tôi vẫn nhận ra những đường nét của một gương mặt khá thanh tú. Mặt trái xoan, mi dài, sống mũi thẳng, thằng bé giống mẹ nó, nhiều nữ tính. Gương mặt trắng xanh của nó thỉnh thoảng lại ngời lên khi có ánh đèn ô tô chạy qua hắt vào. Chị Liên vẫn không ngừng tay quạt. Bất giác, tôi ngồi xuống cầm tay thằng bé. Bàn tay mềm như một chiếc lá, mát lạnh.

“Anh Triền này, sao từ đó đến giờ anh chị không về?”

“Về sao được, mặt mũi nào mà về hở cậu?”

Tôi bảo Triền, mọi việc qua đã lâu, chắc mọi người cũng đã quên hết rồi. Ông Trắc vẫn còn sống, chắc là mong anh lắm. Triền lắc đầu:

“Tôi có hỏi thăm, biết ông vẫn còn sống. Ông ấy vẫn thương tôi, tôi biết chắc chắn điều đó. Tôi muốn về lắm, rồi tôi sẽ về, nhưng chưa thể lúc này cậu ạ. Thôi khuya rồi, cũng chẳng còn xe về thị xã nữa đâu, cậu ngủ lại đây rồi sáng mai ra mộ Ngọc sớm”.

Tôi nằm trên chiếc võng mắc vào hai cái cột của quán. Cố nhắm mắt lại mà không tài nào ngủ được. Mùa này gió Lào thổi dữ. Từng đợt, từng đợt, làm cái quán rung lên bần bật. Rồi tôi còn phải trở lại đây. Có thể nơi anh Ngọc nằm xuống vẫn còn đâu đó ít xương lẫn vào đất đá. Nhưng trước mắt là lấy thêm ít đất về đưa vào ngôi mộ gió ở quê. Mà mai ra mộ anh Ngọc, tôi sẽ nói gì với anh về câu chuyện này nhỉ? Đầu óc tôi vẫn mông lung. Nhà trong, cả Triền và vợ cũng không ngủ. Thỉnh thoảng nghe tiếng thằng bé ú ớ rồi tiếng quạt, tiếng ru khe khẽ của Triền. Cả tiếng thở dài cố nén lại của chị Liên.

Ngày kia đoàn tham quan sẽ về. Sắp đến ngày giỗ anh Ngọc rồi. Năm nào giỗ anh Ngọc, ông Trắc cũng sang thắp hương, khấn vái. Ông vẫn luôn đinh ninh về tình bạn giữa Triền và anh Ngọc. Có nên nói cho ông Trắc về cuộc gặp gỡ này không?

P.X.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)