. BÙI TUẤN MINH
1.
Bình đến cầu phao thì trời đổ mưa. Đất bầm dập. Từ khi đi bộ đội, lần nào Bình về cũng vậy. Mưa ngay cả khi rạng nắng. Nhà Bình bên bờ sông Đáy, cạnh cầu phao. Cầu được kết bởi những thùng phuy, trên gắn các tấm ván gỗ làm lối đi. Con sông là địa giới hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hoà. Sau này, khi người ta xây cầu bê tông gần đó, cầu phao vắng hẳn người qua. Dần dà nó trở nên yếu ớt, mỏng manh, lay lắt tồn tại. Vậy mà, Bình luôn vô thức qua lối này mỗi khi có dịp nghỉ phép, bất kể thời tiết ra sao. Vài người tránh mưa hớt hải chạy qua, bước chân khiến chiếc cầu dềnh lên dềnh xuống, ai cũng nhận ra Bình.
Minh họa: Đỗ Dũng
Mưa lùa Bình vào nhà, hai người đàn bà vừa tất tả chạy lúa mừng rỡ. Bình nhanh chóng bỏ ba lô, đỡ lấy cái bồ cào trên tay mẹ chưa kịp cất. Người mẹ gầy nhom, ngồi thở dốc. Chị Liên nãy giờ vục lúa chất thành đống trên hiên nhà, mưa làm chiếc áo phin hoa dính sát vào người, hằn rõ nịt áo con và đường thắt đáy lưng ong của chị. Mẹ lấy chiếc khăn trên vai lau khô khuôn mặt đen sạm, gân guốc của thằng con quen sống nơi rừng thiêng nước độc. Nói là chiếc khăn cho sang chứ thực ra là mảnh vải được cắt từ chiếc chăn quân nhu anh Hoà gửi về, mẹ dùng như vật bất li thân. Sau năm tháng, miếng vải xanh chuyển màu bạc phếch, nhưng ngày càng mềm mại, tới mức cảm tưởng chỉ xé nhẹ là rách. Vậy mà chiếc khăn vẫn lành lặn với mùi ngai ngái của trầu và mồ hôi, thứ hơi gần gũi luôn phảng phất theo Bình những tháng ngày rừng thiêng nước độc. Trên khuôn mặt gầy gò của mẹ từng nếp da nhăn nheo xô nhau làm trồi lên những vết đồi mồi. Chúng xuất hiện ngày càng nhiều, khi Bình đi bộ đội đã nghe đám trẻ trong làng không gọi tên mẹ hay thay bằng tên anh trai như trước kia mà gọi là bà Mồi. Đồi mồi mọc chi chít, nhiều lúc Bình nghĩ chẳng biết chúng muốn che đi nỗi buồn hay đang gặm nhấm niềm đau trên gương mặt mẹ.
“Vẫn chưa thấy mẹ ạ”. Bình nói dù chưa có câu hỏi nào từ mẹ.
Mẹ lặng lẽ mang ánh mắt rười rượi nhìn ra lòng sông rộng mênh mang. Có lần Bình trở về, mới đến giữa cầu đã thấy bóng mẹ thấp thoáng, mẹ tất tả chạy ra mừng rỡ. Sau này mới biết mẹ nhầm Bình với anh Hoà. Bình không tự ái, bởi Bình biết mẹ thương hai anh em như nhau, nhưng chút hi vong mong manh mẹ cố giữ cho trái tim mình dễ đập, cho lồng ngực mình dễ thở, mẹ vẫn mong nhìn thấy anh Hoà hiện hữu trở về.
Chị Liên đưa cho cốc nước vối, Bình làm một hơi hết sạch, cái vị thanh thanh mát lành quen thuộc của cây vối nếp đầu nhà. Cây ấy anh Hoà trồng từ ngày còn yêu chị Liên, của nhà Bình là cây con, còn nhà chị Liên là cây mẹ. Bình thèm khát vị vối đến mức lần nào về phép cũng thủ một đùm, nhưng nhất định phải là lá vối tươi. Khi ủ đủ lâu trong nước sôi, nó thơm nưng nức, quyện vào gió đưa khắp dãy nhà trung đội, ai lỡ ngửi thấy bận mấy cũng phải sang xin hớp. Bình nhớ khi còn nhỏ, bị chốc đầu, gầu cứ cả tảng, chẳng cần phải dùng lược chắt, gãi thôi là chấy đã rơi lã chã, chị Liên nấu lá vối gội đầu cho, vài lần là khỏi.
Chị dâu đã qua tuổi ba mươi nhưng đẹp hơn nhiều đám con gái trẻ trong làng. Nụ cười vẫn làm bao người xao xuyến. Mỗi lần chị giặt chiếu dưới sông, người đi qua không buông lời trêu ghẹo cũng phải liếc nhìn. Họ vừa thầm tiếc, vừa ngưỡng mộ nét duyên đảm của chị. Hồi chưa đi bộ đội, thấy ai ghẹo chị là Bình thù ra mặt. Biết chuyện, chị mỉm cười, xoa đầu cho dịu cái hậm hực trong cậu thanh niên đang lớn. Ngày nhận giấy báo tử của anh Hoà, chị suy sụp, khóc đến sưng mắt, ốm vật vã. Bến sông nơi chị vẫn ngồi quạnh hiu, những con sóng cũng rón rén hơn. Cũng từ ấy, chị không xuống bến nữa mà giặt đồ trên giếng nhà, cạnh cây vối. Chị hay ngồi đó, ngay cả khi không dùng đến giếng nước. Nhiều lần Bình thấy chỗ ấy rơi đầy những lá vối tươi.
Chị cũng giống mẹ, chẳng tin anh đã chết.
Ngày tiễn Bình vào bộ đội, mẹ sụt sùi chả nói gì, chị dặn dò đủ thứ. Bình thấy trong mắt chị rưng rưng, nước mắt thản nhiên chảy thành dòng xuống đôi má hồng, y như ngày chia tay anh Hoà vào chiến trường, chỉ là chị không ôm Bình như từng ôm anh. “Đi nghĩa vụ 3 năm lại về, không phải lo, chiến tranh kết thúc rồi.” Chú xã đội trưởng nói với hai người đàn bà, miệng cười xoà ái ngại. Hình như chú đã từng chứng kiến họ tiễn anh Hoà.
2.
“Lần này về mẹ muốn bàn với anh một chuyện”.
Cơm nước xong xuôi, mẹ thu lu ngồi trên chiếc ghế đối diện với Bình kê gian giữa, chị Liên ở trong buồng. Nhà Bình năm gian, đầu hồi phía bờ sông là buồng mẹ, đối diện phía đằng này là buồng cưới của anh chị, Bình về thì ngủ ở cái phản kê giáp buồng mẹ.
“Mẹ định gả chồng cho chị Liên”.
Bình nghe như có tiếng gì rơi thảng thốt. Nếu là trước đây chắc Bình sẽ sửng cồ mà gào lên, Bình không thích chị Liên tái giá. Nhưng giờ, sau phút sững người, anh bình thản nghe.
“Thằng Hòa không về. Cái Liên không son nhưng còn sắc. Mẹ không muốn nó ở vậy đến hết đời. Giữ nó là ác, Nó phải lấy chồng, sinh con. Đàn bà không con như đòn bị mục...”
“Thế mẹ đã giấm ai chưa, liệu chị Liên có đồng ý không?” Lòng Bình nhoi nhói.
“Thằng Quang chứ ai”. - Mẹ nói nhỏ đủ nghe.
Anh Quang là bạn anh Hòa, có tình ý với chị Liên, nhưng chị chọn anh Hoà. Sau khi anh Hoà vào bộ đội, anh Quang đi học nghề đâu đó mãi tận Thái Nguyên. Anh từng có vợ nhưng đã li dị, giờ về sống với bố mẹ già ở cuối làng và có cửa hàng hàn xì chỗ chợ Kênh Đào. Ngày xưa, anh Quang hay đến nhà Bình chơi. Từ khi chị Liên về làm dâu, anh không còn đến nữa. Bình chợt nhớ thi thoảng về nhà, Bình thấy anh Quang vẫn đi qua cầu phao sang bên Ứng Hoà, có lần giáp mặt nhau, anh cười rồi vội đi.
“Ý mẹ đã quyết. Ông bà nhà chú Quang đã đánh tiếng với mẹ từ đầu năm. Mẹ chỉ chờ con về nói nữa là xong”.
Bao năm nay, Bình chưa có cảm tình với người con gái nào, chị Liên vẫn luôn trong tim Bình, nhưng giờ mọi thứ sẽ đổi thay. Đêm ấy, Bình nghe có tiếng trở mình trong tiếng cơn mưa rả rích. Gần sáng khi vừa thiêm thiếp thì Bình chợt nghe có tiếng cót két của bản lề, gió hun hút thổi vào nhà từ phía lòng sông. Tiếng gió gần đến nỗi chiếc màn tuyn bay phần phật. Bình tỉnh dậy và nhìn thấy bóng ai đó như chị dâu bước vội ra ngoài. Anh ra theo và sững người khi thấy chị đang chới với giữa trời mưa tầm tã. Bình chạy ra kéo chị vào nhà. Mẹ cũng tỉnh dậy, tất tả cầm chiếc khăn khô vừa lau cho chị vừa lẩm bẩm. “Lại mơ thấy nó phải không?” Chị gật đầu, thút thít khóc.
“Con thấy anh đứng mãi trước ban thờ rồi hạ di ảnh của mình, chạy theo thì chỉ thấy quanh mình mịt mù mưa là mưa”.
Mẹ kể chị hay mơ về anh, nên lấy chồng để chị bớt suy nghĩ, không lại thành bệnh.
Đêm ấy, Bình thao thức đến sáng.
Sáng hôm sau, Bình thấy mắt chị thâm quầng, mẹ cũng mất ngủ, nhưng đó là chuyện thường của người có tuổi. Chị lảng tránh khi Bình cố tìm cách nói chuyện, có lẽ chị ngại. Bình bỗng thấy mình trở nên lạc lõng trong căn nhà năm gian.
“Con định đi đâu?”
Mẹ hỏi khi thấy Bình khoác ba lô, anh nói đi gặp bạn chiến đấu với anh Hoà ở trên Thái Nguyên để tìm thông tin về nơi chôn cất anh. Mẹ kéo Bình lại.
“Đừng đi nữa”.
“Kìa mẹ, con sẽ tìm được anh”.
“Sau này tìm được hài cốt chưa có danh tính cứ khấn thêm tên anh con là được”. Giọng mẹ sụt sùi, thều thào.
Tối qua, Bình đã kể cho mẹ nghe việc tìm liệt sĩ chẳng hề dễ dàng, hàng vạn hài cốt vẫn còn nằm lẩn khuất dưới những cánh rừng, tan vào đất, hoà vào cỏ cây. Có những chuyến đằng đẵng không thu được kết quả, nhiều lúc Bình và anh em đào không thấy gì, động viên cố sâu thêm tí nữa, sợ nản sẽ bỏ sót, còn tia hi vọng là còn tìm. Biết bao nhiêu hài cốt tìm thấy đưa về nước, nhưng tuyệt nhiên không thấy tên anh Hoà. Bình kể về những ngày bị sốt rét, những lần chạy lũ bất ngờ đổ về khi đang ngủ bên suối, cái chết luôn cận kề chẳng khác gì thời chiến.
Mẹ từ từ nắm lấy đôi tay chai sạn, xù xì của Bình áp lên đôi má nhăn nheo. Bình cảm nhận từ đôi mắt bà, dòng nước sền sệt chảy lan ra tay Bình, thứ nước gạn đáy lòng, đặc sánh. Mẹ vừa trải qua đợt ốm nặng tưởng không qua khỏi. Có lẽ hi vọng tìm thấy hài cốt anh Hoà đã níu mẹ lại cuộc đời này.
Bình đi tối mịt mới trở về. Khi gần tới cổng, Bình thấy có bóng người lấp ló. “Ai như anh Quang?” Thấy Bình, anh Quang bối rối, giấu khuôn mặt buồn rầu vào tối. Cánh cổng vẫn then cài, căn buồng chị Liên tối om, chẳng có ánh sáng nào hắt ra ngoài. Bình biết, chị chẳng hề có ý định tái giá.
3.
Sau đợt nghỉ phép, Bình cùng đồng đội đi sâu vào những cánh rừng trong đợt quy tập mới. Bao năm lặn lội, bây giờ Bình là cán bộ nhiều kinh nghiệm, người không thể thiếu trong đội quy tập. Bình vẫn nhớ như in chuyến đầu tham gia, khu vực tìm kiếm giữa cánh rừng trước đây là khu vực giao tranh ác liệt của quân giải phóng và lính đánh thuê Úc. Chiếc U oát chở đội khựng lại khi gần đến bìa rừng, tiếng máy lịm dần rồi tắt hẳn. Mọi người bước xuống, kiểm tra mãi không phát hiện lỗi, chỉ thấy một tảng đá thấp, nhô lên độ nửa gang tay phía bánh trước, bình thường sẽ chẳng làm khó bất kì chiếc xe nào. Đội trưởng, với kinh nghiệm lâu năm bảo mọi người đẩy xe về sau, dùng xà beng lật hòn đá. Thật bất ngờ, bên dưới có những mẩu tăng võng. Đào tiếp thì gặp một bộ hài cốt. Mọi người thắp hương khấn vái, xin đưa về. Khởi động lại, chiếc xe nổ máy bình thường. Lần khác, cả đội mắc tăng võng ngủ qua đêm trong rừng, vừa nằm xuống ai nấy đều thiếp đi sau một ngày mệt mỏi. Riêng Bình cứ chợp mắt lại nghe những tiếng bước chân chạy qua bên cánh võng, lưng như có bàn tay vỗ nhẹ, tỉnh dậy nhìn quanh chẳng thấy ai, mấy lần như vậy Bình liền đánh thức anh đội trưởng, nói chuyện vừa xảy ra. Suy nghĩ một chút, anh bảo mọi người thử đào lớp đất dưới võng. Sau dăm lượt cuốc, quả nhiên dưới đó là hài cốt của hai liệt sĩ. Ai cũng vui mừng khôn xiết, sau lần ấy, đội trưởng vỗ vai Bình cười sảng khoái. “Anh đi bao năm có khi nào được liệt sĩ vỗ lưng đâu. Sau này, kiểu gì có ngày anh trai cũng về tìm cậu”.
Minh họa: Đỗ Dũng
4.
Rừng xanh thăm thẳm, lá đã hứng, rừng đã che, mưa rừng không dữ dội, nhưng dai dẳng, thao thiết. Lần gặp bạn chiến đấu cùng đơn vị cũ của anh Hoà, Bình được nghe kể, hồi đó gần khu vực đơn vị đóng quân có nhiều buôn làng Khơme thường xuyên bị tàn quân Pôn Pốt xâm nhập dụ dỗ, lôi kéo. Đơn vị cử những tổ công tác vào sống trong các buôn cùng bà con nhân dân trong đó có tổ của anh Hòa. Một thời gian sau, bốn người tổ của anh Hoà mất tích ở buôn có tên Tà Sóc. Do không liên lạc được, đơn vị tiến hành đi tìm, đến nơi phát hiện buôn ấy không một bóng người, mọi thứ đã bị đốt trụi. Đơn vị chia nhau tìm manh mối nhưng không thấy, năm năm sau vẫn không có tung tích nên thủ trưởng đơn vị đã kí giấy báo tử cho cả tổ. Khi thấy trên bản đồ địa danh Tà Sóc gần khu quy tập của đội, Bình đã trình bày với đội trưởng và được chấp thuận. Đội trưởng vốn coi Bình như đứa em, chính anh là người xin cấp trên cho Bình vào đội quy tập, vì Bình cẩn thận, tỉ mỉ, lại có anh ruột là liệt sĩ. Anh từng đến ghé thăm nhà Bình, cảm thông trước nỗi niềm của mẹ, hứa sẽ cố gắng hết sức để mẹ toại nguyện.
Người phiên dịch của địa phương dẫn họ đến Tà Sóc. Buôn làng nhiều hộ sinh sống, có vài gia đình cũ và cả từ người ở nơi khác đến lập nghiệp. Khi được hỏi về những người bộ đội năm nào, họ đều lắc đầu nói không biết.
Đêm ấy, Bình mơ thấy đôi mắt mẹ trĩu nặng, tay anh lau những dòng nước đặc sệt chảy ra từ hốc mắt sâu thẳm. Sáng hôm sau, khi đội chuẩn bị rời đi thì có người chỉ cho họ đến hỏi ông già sống ở rìa làng. Đã ngoài bảy mươi, khi biết những người lính Việt Nam hỏi về những người bộ đội năm xưa, mắt ông sáng lên. Ông kể về sự việc năm đó, chính ông là người được cử đi đón tổ công tác về làng. Ngay khi ông vừa thấy bóng dáng họ đằng xa là lúc rất nhiều quân Pôn Pốt tràn xuống từ cánh rừng gần đó và đấu súng với nhóm bộ đội Việt Nam.
“Họ bị dồn vào bãi mìn, dường như chúng đã giăng bẫy sẵn, tôi còn nhìn thấy họ bị mìn hất tung lên”. Ông thừ người một lúc rồi kể tiếp.
“Chúng tiến về phía làng, đốt nhà và lùa bà con đi về phía biên giới. Đợi bọn chúng rút đi, tôi gom những mảnh thi thể rồi chôn chung một chỗ”. Câu chuyện ông già kể khiến cả đội nghẹn ngào.
“Chỉ thấy họ từ xa nên khi ấy tôi không rõ cụ thể có bao nhiêu bộ đội, hình như ba người thì phải”. Ông già đăm chiêu cố nhớ lại khi mọi người hỏi về số người ông đã đón hôm họ đến.
Ngay sau đó, ông dẫn cả đội đến địa điểm để bốc mộ. Mọi người khẩn trương xắn tay vào việc. Một lúc sau lộ ra những mủn đất đen lẫn với một ít mảnh xương chưa phân hủy hết, chẳng còn di vật gì bên cạnh. Ông già nói đất vùng này nó thế, người chết chôn khoảng chục năm xương sẽ bị phân hủy.
“Nhưng tổ anh ấy có bốn người?”. Bình ngạc nhiên hỏi, đội trưởng nhiều năm kinh nghiệm sau khi quan sát cũng rụt rè bảo, khả năng chỉ có ba người.
Việc bốc đến tối thì xong, chỗ đất lẫn ít xương được xếp chia thành ba, gói gọn trong ba miếng vải bạt. Nhưng việc không có thông tin về liệt sĩ, ngoài vài cái tên đồng đội anh Hoà cung cấp đã gây khó khăn cho việc xác định danh tính. Ngay cả Bình cũng không biết đâu là phần di cốt của anh Hoà. Đội trưởng nói với người ghi hồ sơ: “Cứ ghi là liệt sĩ chưa xác định danh tính”. Bình giật mình.
Họ trở về ngôi nhà của ông già và xin tá túc qua đêm tại đó. Bình trằn trọc nghĩ về những bộ hài cốt. Sao lại là ba mà không phải bốn? Phải chăng, khi ông già kia nhặt những phần xương thịt bị nát, nhiều phần không tìm thấy nên đội trưởng mới có cảm giác chỉ có ba người? Liệu xương thịt anh Hoà có thể nào lẫn trong ba hài cốt ấy không? Bao nhiêu câu hỏi xuất hiện khiến Bình trằn trọc, dằn vặt. Cứ mỗi lần chợp mắt, anh lại thấy khuôn mặt đau khổ của mẹ, thê thiết của chị dâu. Chẳng nỗi đau nào dai dẳng, hành hạ con người bằng sự dày vò. Ngày ngày tháng tháng năm năm, hai người đàn bà quan trọng trong đời Bình cứ quay quắt, héo mòn. Bình hít một hơi dài, mùi nhang len lỏi vào sâu cơ thể như một liều thuốc mê khiến Bình cảm giác mình đang tan lẫn vào đó, bay lên. Lại nghe những tiếng bước chân rộn ràng bên ngoài, có tiếng gọi thầm thì, thấp thoáng những bóng đen phất phơ nhẹ như gió. Bình căng mắt nhìn và nhận ra anh Hoà cùng ba người lính khác đang đứng thành hàng ngang ngay ngắn, chẳng nói, chẳng rằng, chỉ thao thiết ánh mắt.
“Anh Hoà ơi, các anh ơi”. - Bình thảng thốt. Nhưng khi Bình với tay tới thì họ lẫn vào nhang khói. Bình bật dậy, ngơ ngác nhìn quanh, người đẫm mồ hôi. Xung quanh mọi người vẫn đang say ngủ, bên cạnh ba gói ni lông đựng hài cốt, mấy nén nhang Bình thắp đã cháy gần hết, cảm giác ánh nhìn của họ lẩn khuất trong làn khói trắng mỏng manh… Ngực Bình đập như trống, hổn hển. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, Bình bước đến, thắp thêm một tuần nhang nữa rồi quỳ xuống lầm rầm khấn sau đó cẩn thận mở từng bọc đựng hài cốt và trải ra tấm bạt mới…
Sáng hôm sau, mọi người ngạc nhiên khi thấy có thêm một bộ hài cốt nữa cùng danh tính bốn liệt sĩ được dán trên mỗi bọc. Đội trưởng nhìn Bình như thấu hiểu, khẽ gật đầu.
5.
“Mẹ ốm nặng. Chú về ngay”.
Chị dâu đánh điện khi Bình đang ở nước bạn. Lần này, Bình không về một mình. Bình đem hài cốt anh về nhà trước khi báo cáo chính quyền để họ làm nghi thức đón liệt sĩ. Chiếc quách nhỏ được Bình mang thẳng vào buồng mẹ.
“Anh em con về với mẹ rồi đây”. Bình khóc rưng rức bên giường mẹ, bà Mồi thoi thóp thở. Chị dâu từ bếp chạy lên, ôm chặt lấy quách nức nở.
Hôm ấy, những đợt mưa rào rào trút xuống, tiếng mưa như tiếng kèn thê thiết kéo dài đến tận khuya, bà con lối xóm đến xót xa người nằm trên giường, khóc người trong quách. Giữa khuya, mẹ thều thào nói với Bình muốn được nhìn di cốt anh Hoà lần cuối. Như có một sức mạnh kì lạ thôi thúc, bà gượng dậy, giữa những làn khói nhang mỏng manh, mắt bà sáng rồi lại nhoè đi. Bàn tay gầy gò đưa ra như muốn được chạm vào xương cốt. “Hoà ơi!”. Bà gọi tên con rồi nấc lên thành tiếng.
Bà Mồi qua đời đêm hôm đó, người ta bảo bà đã được anh Hoà về đón, nên trước khi chết bà mới mê sảng gọi tên con như thế. Việc đón liệt sĩ được chính quyền tổ chức ngày hôm sau ngay tại ngôi nhà bên sông cùng với đám tang bà Mồi.
Sông Đáy vọng vào những thanh âm da diết, cơn mưa như trút những đau thương, vật vã. Nước sông dâng cao, chiếc cầu phao chòng chành, ngả nghiêng, tiếng thùng phuy đập vào nhau bồm bộp như muốn vỡ tan ra.
6.
Một năm sau, Bình về giỗ mẹ. Hôm ấy trời cũng mưa. Chị Liên đang mặc áo mưa, đội nón hái lá vối, thấy Bình về đến cầu phao chạy ra đón. Đã lâu lắm Bình mới thấy chị cười. Khoảnh khắc ấy khiến Bình nhớ ánh mắt u buồn của mẹ và chị mỗi lần nhìn ra phía cầu phao ngày trước. Cơn mưa đồng bằng lần này khiến Bình có cảm giác lạ kì. Tiếng mưa lõm bõm, nước bắn lên trông như những vụn thuỷ tinh vỡ đầy sự thanh thản chứ không u uất trầm buồn như những lần trước
B.T.M
VNQD