. NGUYỄN CÔNG ĐỨC
Minh hoạ: Lê Anh
Nắng đang đẹp. Mây đang trôi.
Trời đang sáng thế bỗng dưng tối sầm lại.
Mây đen ở đâu che khuất những cụm mây trắng mềm mịn như bông bay là là sát đỉnh núi.
Gió ào ào từ hướng Lũng Phìn băng băng lướt trên mặt sông Miện thổi thốc qua thung lũng vỗ thẳng vào dãy Bát Đại Sơn. Gió vặn răng rắc thân cây sa mu trước ngõ. Dăm ba con nộc thua bay ào qua cây chò chỉ, xáo xác tìm chỗ trú.
Chưa thấy mưa đâu, mới chỉ nghe tiếng lào xào từ xa lướt nhanh tới...
Khiêu đang lúi húi buộc lại mấy bó ngô dựng ở sau nhà thì nghe tiếng bà Sa lào phào lẫn trong tiếng gió vọng ra:
“Xem mà đậy điệm các cái vào, tao nghe sắp mưa rồi đấy! Nhớ che chắn cho đám gà, đám lợn, lần trước nó đã cuốn trôi đi rồi, cả cái vườn cải non nữa…”
“Con biết rồi!” - Khiêu nhủng nhẳng đáp.
Có tiếng bước chân lộc khộc trên chiếc cầu thang gỗ, Khiêu nghe giọng đàn ông quen quen:
“Mẹ à, sắp mưa rồi mẹ định lọ mọ xuống nhà làm cái gì thế?”
“Thằng cả đấy ư?”
Khiêu nhướn người ngó qua vách liếp nói át cả tiếng gió:
“Anh Thăng biên phòng, cả đâu mà cả. Mà mẹ định đi đâu, làm gì thế?”
“Tao xuống kéo quần áo kẻo mưa về ướt hết!”
“Thôi, mẹ ngồi im trên đấy cho con nhờ, để đấy con làm!”
“Tiên sư mày, cứ bắt tao bó gối cả ngày thế này để tao chết sớm à?”
Mồm nói thế nhưng bà Sa vẫn chống cây gậy đã lên nước bóng loáng quay lại đống lửa đang phập phù giữa nhà.
“Đấy anh xem, nó coi tôi như đứa trẻ lên ba, nói cứ như đấm vào tai thế… Anh ngó có đám nào gả nó đi hộ tôi cái!”
“Mẹ có tuổi rồi, giờ mọi việc để bọn con làm cho. Việc của mẹ là phải luôn mạnh khỏe để con cháu được nhờ. Mẹ nhá!” Thăng vỗ về bà Sa.
“Mày đi đâu qua đây đấy?” Vừa huơ huơ đôi tay nhăn nheo lên trên ngọn lửa bà Sa vừa hỏi Thăng.
“Con nghe báo nay có bão đang về, chạy qua nhà mình xem có gì cần chằng chống không, kẻo như lần trước lại vất vả cho mẹ với cô Khiêu”.
“Ừ, mày ra giúp nó. Nhà toàn đàn bà, nó một mình cũng không kham nổi hết việc!” Vừa dụi dụi thanh củi vào bếp, bà Sa bảo Thăng.
Thăng cởi chiếc áo ngoài vắt lên chiếc dây góc nhà rồi xuống sân cùng Khiêu che chắn đám gà, lợn ở dưới gầm nhà đã được tôn cao hơn lên sau đợt mưa lũ lần trước. Anh kiểm tra lại các mối buộc ở từng góc nhà rồi kiếm ít dây níu lại những chỗ còn lỏng lẻo. Những bắp ngô và cây sào phơi quần áo đã được Khiêu thu dọn vào chỗ khô ráo.
Những giọt mưa lưa thưa mau dần mau dần rồi ào ạt xối xuống. Ngang tầm mắt chỉ còn một màn trắng xóa. Từng đợt gió quét ràn rạt, ràn rạt, ù ù. Nước luồn lách chảy ồng ộc theo mọi ngả của triền núi. Cây sa mu trước ngõ ngả nghiêng…
Cây sa mu đứng đó từ bao giờ không ai rõ. Có người bảo nó phải bằng tuổi của bà Sa. Nhưng bà Sa những lúc chợt minh mẫn nhớ thì vẫn bảo nó hơn cả tuổi mình. Khi ấy bà Sa bảo mình tầm tám mươi tuổi, thế nhưng cũng có lúc nhớn nhác quên bà bảo mình chỉ mới bảy mươi, thậm chí có khi bà còn bảo tao chín mươi rồi đấy. Ngày đặt chân đến đây bà đã thấy nó lừng lững ở đó tự khi nào. Bất chấp gió mưa vần vũ, bất chấp thời cuộc đổi thay cây sa mu vẫn cứ kiêu bạc vươn mình đón nắng, hứng mưa, cõng gió lớn lên. Mặc dù giờ đây bên trong thân nó đã có những chỗ bắt đầu mục ruỗng, nhưng gió bão vẫn chưa thể làm nó đổ. Nó đứng đó một mình lẻ loi như cuộc đời bà Sa, hiên ngang bám rễ nơi mảnh đất cỗi cằn.
“Cuộc đời tao kể cũng lắm nỗi nhục nhằn, lắm lúc muốn chết đi cho xong…” Bà Sa bắt đầu rủ rỉ kể về đời mình với Thăng như thế bên ánh lửa bập bùng và tiếng mưa rơi ào ạt ngoài hiên...
*
* *
Bố bà Sa từng là tay chân thân tín của vua Mèo Vương Chính Đức, sau này ông tiếp tục tháp tùng Vương Chí Sình. Ngày Vương Chí Sình về với Việt Minh bố bà Sa bỏ theo đám phỉ tung hoành khắp một dải từ Đồng Văn đến Hoàng Su Phì. Là con gái duy nhất, ngay từ bé bà Sa đã được bố cho rong ruổi trên lưng ngựa học dăm ba miếng võ, tập bắn cung, rồi bà đã được bố kèm cho học cả bắn súng kíp. Bố vẫn bảo bà, trai thời loạn có thể thành anh hùng hoặc giặc cướp, nhưng gái thời loạn phải biết dăm ba miếng phòng thân, nếu không thì khó sống trong buổi nhiễu nhương. Sau này khi bố được người của Vương Chí Sình giác ngộ quay về với cách mạng chưa được bao lâu thì bị bọn phỉ phục bắt treo cổ ở trước cửa rừng, ngay ngõ vào dãy Bát Đại Sơn hùng vĩ để răn đe những kẻ dám phản bội bọn chúng. Bởi chúng nghi ngờ bố bà Sa đã chỉ điểm để Việt Minh triệt phá một số ổ nhóm phỉ trên hướng Đồng Văn.
Phải rình mãi bà Sa mới lấy được xác bố về chôn. Mẹ mất sau bố ít thời gian vì không chịu được sự giày vò trong tâm.
Ngay khi vừa tròn hai mươi tuổi bà Sa đã một mình một ngựa phục giết kẻ đã ra tay với bố mình. Một mũi tên găm đúng cổ kẻ đó. Bà Sa đã ngất đi bên cạnh cái xác cạnh bờ vực thẳm dưới cơn mưa rừng tầm tã. Đến khi tỉnh, bà lầm lũi trốn chạy khỏi sự truy sát của bọn phỉ khát máu không từ bất cứ tội ác nào, bọn người dám thẳng tay xẻ thịt cán bộ rán mỡ cho vào những ống bương để làm đèn thắp. Lần đầu tiên ra tay hạ sát một người, cho dù đó là kẻ ác, bà Sa cảm thấy thực sự run sợ, bà cũng muốn chạy trốn chính mình để quên đi những máu me ám ảnh.
Những ngày chui lủi ẩn náu trốn tránh sự truy bắt của bọn phỉ núi, trên mảnh đất Xín Chải bà Sa đã gặp và kết duyên với ông Mộc, một người từng là lính biên phòng. Bà Sa sinh được đứa con đầu đặt tên là Sơn, người mà sau này những lúc nhớ nhớ quên quên bà vẫn gọi nó là thằng cả.
Tưởng rằng sau khi nạn phỉ dọc một dãy biên cương bị tiễu trừ thì cuộc sống của gia đình bà Sa được yên ổn, không phải hằng ngày nơm nớp lo bị truy đuổi như trước nữa. Cơ mà nào ai học được chữ ngờ.
Tháng hai năm bảy chín gia đình bà Sa dắt nhau giữa dòng người ngược xuôi trên các con đường lổn nhổn đá, giữa tiếng súng pháo ì ùm trên các ngọn núi. Và vợ chồng bà đã để lạc mất đứa con. Mỗi khi ngồi bó gối gặm nhấm lại những kí ức xa xưa, cứ thấy có tiếng đàn ông con trai là bà Sa lại giật mình nhổm dậy hỏi thằng cả phải không. Bà canh cánh một nỗi niềm là đã đến lúc sắp đi theo chồng rồi mà vẫn chưa biết tin tức đứa con đầu còn sống hay đã chết. Bà không dám đưa nó lên ban thờ cùng bố nó bởi bà vẫn hi vọng, một nỗi hi vọng mỏng manh, giữa lúc lốn nhốn súng đạn ấy nó sẽ được ai đó dẫn về nuôi.
Chính trong những tháng ngày loạn lạc đó bà đã cùng chồng lập nên một kì tích mà sau này nghe kể lại thôi cũng khiến bao người thán phục, ngạc nhiên không tin là thật.
Trong khi vừa tìm kiếm đứa con thất lạc, vừa tránh những nơi chiến sự đầy tiếng pháo rít, đạn réo, hai ông bà đã chui vào một hang núi kín đáo để nghỉ. Đến khi chuẩn bị xuống núi thì nghe lao xao giọng lạ, những bóng người lố nhố, lều bạt chăng đầy. Lúc này ông bà muốn xuống núi thì chỉ có một con đường là xuyên qua trại địch. Mà ông bà chỉ có hai con dao phát, một cây nỏ. Tự lượng sức mình, bà bàn với ông lợi dụng địa hình tỉa từng tên. Ngay đêm đầu, dưới ánh trăng mờ ảo, hai tên địch trúng tên âm thầm đổ gục. Hai ông bà như hai con mèo rừng nhẹ nhàng gỡ hai khẩu súng rồi bám dây rừng đu lên ẩn mình trong những tán cây trên đỉnh núi…
Sau này, khi về đồn công tác Thăng đã được các cựu chiến binh kể lại rằng, một hôm trinh sát báo về hướng Nậm Tả địch quân đột nhiên xáo động, trong khi quân ta không có bất cứ một hoạt động quân sự nào. Quân khu hỏi tỉnh đội, tỉnh bảo huyện đội nắm. Huyện âm u không biết, cho người xuống xã tìm hiểu. Xã cùng huyện túa đi xác minh. Khi cho người lên đến ngọn núi vô danh thì thấy ngổn ngang đồ đạc của quân địch bỏ lại, một vài nhúm bếp vẫn còn ấm nóng. Đi ngược lên núi thì hiện ra trước mắt hơn chục cái đầu người treo lủng lẳng trên những ngọn cây, có cái đã khô, có cái còn ri rỉ máu. Ai nấy khiếp xanh mặt. Một tiếng súng đanh gọn vang lên, đạn cày trước mặt làm mọi người nằm rạp xuống. Khi biết là người của ta, vợ chồng bà Sa mới xuất hiện. Hóa ra, trong gần chục ngày bám trụ vợ chồng bà Sa đã khiến cả một đại đội địch hoảng loạn, phải rút qua bên kia biên giới.
Thăng từng hỏi bà Sa, thế sau đợt ấy bà có được khen thưởng gì không. Bà Sa bảo tao biết đâu đấy, việc mình làm mình cứ làm thôi, đâu phải cứ làm rồi ngóng chờ khen với thưởng. Mà nghe đâu trên huyện cũng có đề nghị, nhưng hình như do cái lí lịch của tao nên còn vướng ở chỗ nào đấy. Vả lại sau đấy tao được tham gia vào đội quân của huyện. Trong một lần chiến đấu có tay khi thấy địch tràn lên đông quá thì sợ hãi định tháo lui, tao đã tát cho hai tát để nó ổn định lại tinh thần. Mà nghe đâu sau này nó lên cán bộ gì đấy to to, chắc nó ngại tao nên… Bà Sa bỏ lửng ở đó gieo lại trong Thăng một nỗi niềm.
Chính trong những ngày tháng súng đạn triền miên nổ ấy bà Sa mới biết mình có thai đứa con thứ hai, đành lui về phía sau để tiện bề sinh nở. Đứa con trai được đặt tên là Thủy. Khi con đã cứng cáp hai ông bà trở về mảnh đất dưới chân Bát Đại Sơn. Gia tài không có gì, ba người trên lưng ngựa theo đường mòn dưới những tán rừng già dọc biên lần về chốn cũ, nơi bà Sa đã từng có nhiều kí ức vui buồn, đó cũng chính là nơi bố mẹ bà nằm xuống.
Vừa vượt qua dãy Bát Đại Sơn sang Lao Chải, định tìm đường ngược lên Na Cạn thì vợ chồng bà Sa chạm trán địch. Đây là đội quân sơn cước có kĩ năng sinh tồn cao ở những địa hình phức tạp, khó khăn. Chúng định vòng vượt qua những khu vực hiểm trở để đánh vào đội hình của ta ở hướng Thanh Thủy, nhưng do địa hình phức tạp nên cả đại đội bị lạc. Chúng đã phái đi các tổ trinh sát để tìm đường. Một trong các tổ đó đã gặp vợ chồng bà Sa khi vừa nhô ra khỏi con đường mòn. Cuộc đọ súng nổ ra, chồng bà Sa dính đạn. Trước khi lịm đi ông đã giục bà mau về sau tránh bọn chúng bảo đảm an toàn cho hai mẹ con và gọi người cứu viện.
Đồn biên phòng gần đó nghe tiếng súng nổ đã lập tức phối hợp với đơn vị vũ trang địa phương triển khai đội hình chiến đấu. Bọn lính sơn cước nhanh chóng bị vây bắt, nhưng chồng bà Sa đã không qua khỏi khi vết thương quá nặng. Bà đã chôn ông dưới gốc sa mu, nơi sau này, khi chiến tranh qua đi, bà đã tìm về và dựng nhà ở đến tận bây giờ…
Minh hoạ: Lê Anh
Có lần đứng với Thăng dưới gốc sa mu già, bà Sa ngước cặp mắt đang mờ dần về hướng biên cương, nơi chân dãy Bát Đại Sơn âm thầm trườn đến. Trong cái mịt mù sương khói, bà Sa hỏi Thăng:
“Mày đã có vợ chưa?”
Thăng lúng búng một chặp rồi bảo:
“Con có mà lại chưa có…”
Bà Sa chợt như ngẫm ra, hỏi lại:
“Là mày bỏ nó hay nó bỏ mày?”
“Là con giải phóng cho cô ấy!”
“Tao hiểu rồi!”
Bà Sa lại ngước nhìn những dải rừng bạt ngàn phía trước rồi chỉ tay nói với Thăng:
“Mày bỏ gì thì bỏ nhưng không bao giờ được bỏ đất đai cha ông. Dù có phải đổi bằng máu cũng không thể để mất. Chúng mày phải cố mà bảo vệ nó, nghe chưa?”
Thăng nghe bà Sa nói như đài, báo cũng có hơi chờn chợn, tính trêu lại. Nhưng nhìn ánh mắt quắc lên, cộng với giọng nói rắn đanh, hùng hồn, khác hẳn giọng phều phào những lúc bình thường, anh biết bà nghiêm túc với những lời rút ra từ gan ruột.
Những lúc đi tuần dọc những đỉnh núi chót vót cao, phóng tầm mắt xuống những bản làng phía dưới với những ngôi nhà nhỏ xíu vấn vương khói lam chiều bình yên, Thăng chợt thấy giữa thiên nhiên hùng vĩ nơi biên cương này bản thân mỗi con người chợt nhỏ nhoi biết bao. Thăng lại nghĩ đến những người lính trấn giữ ở vùng biên cũng như biết bao con người nơi đây, tất cả như những cây sa mu bám rễ nơi cằn cỗi đá sỏi, thân chênh vênh bên mép vực sâu nhưng không bao giờ bật rễ, vẫn vươn lên bất chấp mưa sa nắng cháy và gió táp cuộc đời.
“Mà mày thích con Khiêu nhà tao không, tao gả nó cho?” Đang mải miết nghĩ, bất chợt bà Sa lại thay đổi chủ đề làm Thăng lúng túng. Bà Sa thản nhiên cứ như không: “Chúng mày trai đơn gái chiếc sợ cái gì!”
Thăng không trả lời bà Sa. Có một cái gì đó rất khó nói trong chuyện này. Có đôi ba lần được ngồi với Khiêu bên những vạt cải vàng óng ả bên sườn núi hay bên những nương ngô xanh bát ngát, Thăng vẫn nghe Khiêu than phiền. Không hiểu sao từ ngày Thủy, chồng Khiêu mất đi bà Sa đột nhiên đổi tính đổi nết. Trước đó bà rất yêu thương cô, quan tâm chăm lo cho cô từng tí, nhất là những ngày bà còn mạnh khỏe. Kể cả vợ chồng cô lấy nhau bao năm vẫn muộn đường con cái cũng không làm bà sốt ruột hay tỏ thái độ gì khác. Thế nhưng càng ngày bà Sa càng bẳn tính, hay cằn nhằn, Khiêu làm sai một điều gì đó bà cũng kêu ca, càu nhàu, thậm chí nhiếc móc cô cả buổi. Có những điều đôi lúc Khiêu cảm thấy bị tổn thương.
Nghe những điều Khiêu nói Thăng chỉ biết lặng người. Ngày mới được điều về đây Thăng đã tìm hiểu và biết được hoàn cảnh của bà Sa cùng với Khiêu. Năm kia một trận lũ đã cuốn trôi đi vườn tược, lợn gà nhà bà Sa. Căn nhà cũng bị nước làm cho xiêu vẹo, may chưa sụp đổ, nếu không hôm ấy tính mạng của hai người chưa biết thế nào. Thăng đứng ra vận động anh em đơn vị cùng bà con trong bản dựng lại nhà, san lại vạt núi sau nhà bà Sa cho đỡ sạt lở. Sau đận ấy Thăng đã được bà Sa nhận làm con nuôi...
*
* *
Ngoài trời gió đã bớt vần vũ, tiếng mưa có vẻ nhẹ dần. Trong ánh lửa phập phù, những bắp ngô vàng ươm treo trên gác bếp như đang đung đưa. Nhìn Khiêu gà gật ngồi nghe chuyện, bà Sa đã xua “Mày đi ngủ trước đi”.
Khi cánh cửa buồng Khiêu đã đóng, bà Sa quay sang Thăng:
“Trời mưa còn dai, chắc lâu mới tạnh, tối nay mày ngủ lại đây mai hãy về đồn.”
Thăng bảo:
“Mẹ cũng đi ngủ đi”.
Bà Sa thủng thẳng:
“Tao giờ như cây củi gác bếp, như bắp ngô khô quắt trên kia, biết cháy lụi hay rơi lúc nào. Tuổi già sinh ra khó ngủ, chúng mày cứ ngủ trước đi mai còn dậy mà làm việc kẻo mệt. Kệ tao, lúc nào cần ngủ thì tao ngủ, không phải lo cho tao”.
Thế thì Thăng muốn ngồi nói chuyện tiếp. Chợt nhớ ra điều gì Thăng hạ giọng ghé sát vào bà Sa:
“Mẹ, có điều này con muốn hỏi mẹ”.
“Mày có gì khó nói mà cứ rào đón thế?”
Bà Sa ngước lên nhìn vào mắt Thăng.
Thăng khoanh hai tay lên gối, rồi gác cằm mình lên cánh tay, mắt chăm chắm nhìn ngọn lửa đang nhảy nhót.
“Sao mẹ cứ khắt khe cáu bẳn khó chịu với Khiêu thế? Thi thoảng con thấy cô ấy lặng lau nước mắt vì bị mẹ mắng đấy!”
Bà Sa hạ giọng bảo Thăng:
“Tao tưởng mày tinh ý lắm, hóa ra cũng như nó cả thôi. Mày có biết tại sao tao phải tỏ ra khó chịu với nó không?”
Thấy Thăng im lặng, bà Sa lại tự trả lời:
“Nó đã khổ vì mẹ con tao nhiều rồi, giờ lại không có con cái. Ngày chồng nó mất tao cứ nghĩ mãi làm thế nào để cho nó hết khổ. Tao đuổi nó không đi, tao khuyên nó lấy chồng nó không lấy, nó chỉ sợ tao ở một mình tao vất vả không ai chăm sóc. Thế nhưng nó có nghĩ mai này nó già đi thì ai lo cho nó. Mày có nghĩ đến điều ấy không? Thế nên tao phải cố tình tỏ ra khó chịu với nó, mắng mỏ nó, tìm cách cho nó bực bội với tao mà đi tìm hạnh phúc cho riêng nó. Có thế tao mới yên lòng nhắm mắt được. Nhưng chả hiểu sao nó lại không nghe lời tao. Và cả mày nữa, mày cũng không nghe lời tao. Đã bao lần tao nói là tao muốn gả con Khiêu cho mày, nhưng mày cứ lảng đi là sao? Chúng mày mà lấy nhau là hợp nhẽ nhất. Như thế, con Khiêu vẫn là con tao, vẫn ở đây với tao. Và mày cũng vẫn là con tao. Được không con?”
Thăng ngồi lặng nhìn ngọn lửa không biết nói gì. Và Thăng không biết rằng trong buồng kia Khiêu chưa hề ngủ, những lời trò chuyện của hai người được gió đưa vào tai cô. Hai hàng nước mắt hôi hổi nóng cứ lặng lẽ lăn dài thấm lên chiếc gối bên dưới má Khiêu.
Cả bà Sa và Thăng bối rối mãi không biết tiếp tục câu chuyện thế nào. Vô thức Thăng đưa que từ từ vun tro vùi lửa. Thăng biết, dẫu có bị vùi thì bếp củi nghiến sẽ còn âm ỉ suốt đêm. Trong cái buôn buốt lạnh, tiếng tắc kè nấp đâu đó ở chái nhà khắc khoải thả từng nhịp một lẫn trong rả rích tiếng mưa. Thăng bất chợt thấy thèm chút hơi ấm của một gia đình…
N.C.Đ
VNQD