Quà Trường Sa

Thứ Hai, 04/11/2024 00:22

. HOÀNG THU OANH
 

Chuyến đi Trường Sa kết thúc, tôi trở về trong cảm giác lâng lâng của những cơn sóng biển dập dềnh, của biết bao nhiêu tình cảm với người dân, cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo, nhà giàn. Dù đã chuẩn bị tinh thần rất kĩ trước chuyến đi, vậy mà tôi vẫn không kìm được lòng mình trước những điều nhỏ nhoi nhất ở nơi biển sâu, đảo nhỏ này.

“Sân khấu ca nhạc” trên nhà giàn DK 1-16. Ảnh: Quốc Trung

Khi bắt đầu chuyến đi, nhiều người coi hải trình này là một trải nghiệm vô cùng hiếm có trong đời mà không phải ai cũng có cơ hội thực hiện. Có những người tôi gặp trước chuyến đi còn hỏi rằng có tua du lịch đi Trường Sa không, có được mang người nhà đi theo hay nhớ mua quà nhé… Nhưng tôi không coi chuyến đi là trải nghiệm, tôi như đang đi thăm một vùng đất đã từng yêu, gắn bó và vô cùng muốn quay lại. Do đó, tôi háo hức và vơ vét tất cả mọi thông tin, dữ liệu, hình ảnh nhiều nhất có thể. Một góc giường nào đó có chồng sách báo quăn mép; nơi đầu giường treo rất nhiều tấm thiệp vẽ tay của trẻ nhỏ; nơi cửa sổ cạnh bàn làm việc một chậu cây đặt bên vỏ ốc; nơi góc bếp, những chiếc bếp dầu quân nhu sáng lóa với “view” nấu ăn nhìn thẳng ra biển… Những điểm sáng nhỏ xíu đó làm tôi trào dâng lòng cảm phục, yêu mến và trân trọng những anh Bộ đội Cụ Hồ ở bất kì hoàn cảnh, vị trí, điều kiện khó khăn nào cũng vượt qua. Vì sự cảm mến từ rất lâu đó, tôi muốn chia dữ liệu khổng lồ của mình ra làm nhiều chặng, nhưng có lẽ vẫn cần phải có một ghi chép bao quát để mang đến một Trường Sa vừa thân quen vừa mới lạ cho mọi người…

Trường Sa, tên chung để gọi tất cả các điểm đảo mà Hải quân nhân dân Việt Nam đang canh giữ chủ quyền. Cách đất liền gần 250 hải lí, tức là gần 500km, chúng tôi trên chuyến tàu HQ-571 đi đến điểm cực bắc của quần đảo Trường Sa hết gần 25 giờ đồng hồ. Còn những chiếc tàu đánh cá nhỏ hơn của ngư dân sẽ mất gần 60 tiếng đi từ đất liền ra đến đây.

Ngày đầu tiên của hải trình, đứng trên boong tàu nhìn về trước, tôi hoang mang thấy mình như đang ở giữa chiếc mâm khổng lồ chịu sức căng hết cỡ của mặt nước mà càng đi càng vô định. Phải cho đến khi trong tầm mắt là Song Tử Tây, là Sinh Tồn Đông, là Len Đao, An Bang, Đá Tây, Trường Sa hay cụm Nhà giàn DK1… cảm xúc mới vỡ òa, thấy mình là đứa con xa trở về.

Nụ cười chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây khi cơn mưa đầu mùa đến

Những món quà hậu phương

Chớm hè, nắng ở đảo vàng như mật và cũng đủ làm cháy nắng bất kì vị khách nào mới đến với Trường Sa. Tôi để ý, trong đoàn áo ai cũng ướt đẫm như vừa nhúng nước biển. Đủ để thấy điều kiện khí hậu trên đảo khác biệt và khắc nghiệt dường nào.

Vậy mà tại các vị trí làm nhiệm vụ trên đảo, không có nhiều bóng cây, các chiến sĩ nghiêm ngắn hướng về phía biển. Tôi hỏi các em chiến sĩ mới mười tám, đôi mươi rằng đứng ở đây nắng và mệt không em. Các em đều cười và chung câu trả lời là “em quen rồi”, “như này là bình thường”, “nắng cũng vẫn còn đỡ hơn những ngày sóng lớn, gió to”. Hóa ra, chỉ có chị em phụ nữ chúng tôi sợ nắng chứ như này “nhằm nhò” gì so với lính đảo. Tôi chợt nghĩ tại sao cứ phải là vượt qua khó khăn, thiếu thốn, vất vả khi những “chú bộ đội” của chúng tôi coi đấy là cuộc sống đời thường.

Cũng mười tám, đôi mươi, đi cùng đoàn chúng tôi lần này có Vũ Quang Duy, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên CLB Sao Vàng đất Việt. Em luôn cầm theo chiếc đàn violin, đến mỗi nơi đoàn dừng chân, tại mỗi cột mốc chủ quyền em đều kéo một bản nhạc dành tặng các chiến sĩ đang đứng gác tại cột mốc - những người không được tham gia buổi giao lưu văn nghệ vì đang làm nhiệm vụ. Duy chia sẻ với tôi, ban đầu nghĩ mang đàn violin đi là để giao lưu văn nghệ cùng các anh chị em trên tàu. Nhưng sau hơn một ngày lênh đênh trên đại dương và cập bến thăm điểm đảo đầu tiên thì ý tưởng về tiếng đàn ngân lên bên bờ biển xanh vang lên trong đầu, em liền thực hiện ngay. Và không chỉ đàn, em còn quay phim để giới thiệu hình ảnh biển đảo quê hương tới người dân, bạn bè trong đất liền. Ở lần đi này em thấy mình đã chạm được vào lịch sử, kí ức thông qua lễ dâng hương, lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, cùng các cuộc trò chuyện trực tiếp với chiến sĩ, hộ dân trên đảo. Những trải nghiệm đó giúp em biết bản thân có quá nhiều điều thuận lợi. Vì vậy, em ý thức được mình cần phải cố gắng hơn nữa, tận dụng tối đa các điều kiện có sẵn và tuyệt đối không nản lòng trước bất kì khó khăn nào.

Vũ Quang Duy chơi đàn tại cột mốc

Khác với Vũ Quang Duy mới đi lần đầu, thì Hải Lý, ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa), người từng đi Trường Sa sáu lần lại có cảm nhận khác hơn đôi chút: “Em có thể đi Trường Sa bao nhiêu lần cũng được, chỉ cần có cơ hội, chúng em sẵn sàng đi để mang tiếng hát của mình làm món quà nhỏ, là cầu nối giúp các cán bộ, chiến sĩ vơi bớt khó khăn, vất vả và nhớ gia đình. Rất ít lần chúng em có thể lên được các nhà giàn. Những lần như thế chúng em đều hát giao lưu cùng các cán bộ, chiến sĩ qua bộ đàm. Không lần nào em cầm được nước mắt. Có anh đứng cầm bộ đàm cho em nói mình là đàn ông, mình không khóc mà sao lúc này lại không kìm được. Mọi người cứ thế mà khóc thôi chị ạ. Khóc không phải vì chúng em buồn, mà vì đi biết bao nhiêu lâu để đến thăm các anh vậy mà không gặp được trực tiếp. Tình cảm chỉ có thể gửi qua câu hát để nối liền khoảng cách…”

Cái sự chỉ nghe được tiếng qua bộ đàm, điện thoại đã là chuyện thường tình ở đảo. Tại đảo Len Đao, chúng tôi gặp Thượng úy Nguyễn Văn Đức đang trực chỉ huy. Anh chia sẻ, vợ mới sinh được sáu tháng và mới chỉ được nghe tiếng khóc của con chứ chưa được nhìn thấy ảnh con trực tiếp. Bởi sóng điện thoại mới dừng ở sóng 2G nên chưa có nhiều kết nối.

Đồng cảm với nỗi nhớ của anh Đức, ngay khi trở về đất liền, đại diện Đoàn công tác số 20, Công ty Bất động sản BHS đã mang tình cảm từ Len Đao về quê nhà Hải Dương của anh.

Chị Trần Thị Thúy Mai, vợ anh Đức rất vui đón đoàn. Chị cho biết trong thời gian chồng đi công tác xa chị đã vượt cạn hạ sinh cặp song sinh một trai một gái. Với hoàn cảnh chồng đóng quân xa, chị Mai quê lại ở tận Đồng Nai nên trước khi sinh chị nghĩ mình sẽ rất vất vả. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ, chăm sóc của bố mẹ chồng và họ hàng nên hành trình chăm con, ở cữ được san sẻ rất nhiều. Trộm vía đến giờ bé gái Bánh Bao đã được 6.3kg, em trai Sâu Khoai được 8kg, hai bé rất ngoan, giờ chị đã có niềm vui bên hai con khoẻ mạnh và anh cũng yên tâm chắc tay súng nơi nơi đảo xa.

Ông nội hai bé kể mẹ cháu sinh đôi nên số lượng nhân công chăm sóc phải gấp ba, gấp bốn lần, mệt đấy nhưng vui. Còn với con trai, mỗi lần gọi điện đều động viên con yên tâm công tác, mọi việc ở nhà đã có bố mẹ, họ hàng, xóm giềng lo toan cả. Nghe đoàn chia sẻ về sự kiên cường, rắn rỏi của Đức ở nơi đảo xa, ông ngồi lặng đi, lúc lâu khẽ nói: “Chú cũng không biết Đức đi công tác tại điểm đảo nào. Nghe Đức kể cũng chẳng hình dung ra. Chú và gia đình hết sức tin tưởng và yên tâm khi giao con cho quân đội mình. Chú và gia đình luôn tin Đức sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Cũng trong chuyến thăm, đại diện BHS gửi tới gia đình những hình ảnh mới nhất của Đức cùng anh em trên đảo. Đồng thời, đoàn công tác đã kết nối để gửi món quà đầy ý nghĩa của hậu phương là cuốn album gồm 60 bức ảnh của gia đình và hai cục cưng Bánh Bao, Sâu Khoai từ khi mới sinh đến tận tay anh. Hi vọng hành trình kết nối đất liền, đảo xa sẽ là món quà nhỏ để hậu phương và người lính đảo không còn khoảng cách, để mỗi người đều có thêm niềm tin về tình cảm gia đình, về vẻ đẹp người chiến sĩ trong lao động và sẵn sàng chiến đấu…

"Hậu phương" vững chắc của Thượng úy Nguyễn Văn Đức

Sự may mắn không ngờ

Tưởng chừng như đoàn chúng tôi chỉ mang theo những món quà thiết yếu, gói ghém tình cảm yêu thương, nhớ nhung, cảm phục gửi từ đất liền, muốn truyền thêm sức mạnh tinh thần đến với Trường Sa. Nhưng không hẳn như vậy, chúng tôi cũng nhận về được thật nhiều những món quà vô giá mà bất cứ ai cũng trân trọng, thương mến…

Món quà đầu tiên chúng tôi nhận được là cơn mưa rào bất ngờ ở Song Tử Tây - điểm đảo đầu tiên tàu hạ neo. Theo trung tá Đào Xuân Nam, cơn mưa là món quà của chúng tôi mang đến vì đã mấy tháng trời, đảo không có mưa. Nghe anh nói vậy, tôi thấy cơn mưa lại chính là món quà đảo dành cho chúng tôi, những vị khách từ đất liền mới ra. Cảm giác cơn mưa ào xuống xua đi cái nắng rát ở đảo, làm dịu đi từng chiếc lá cháy xém trên cây, nhiều người và cả tôi, khi đứng dưới mái hiên chùa Song Tử Tây, đã hứng một ít nước mưa để nếm vị ngọt thân thương của bữa tiệc thiên nhiên miễn phí này. Quả thật là nước mưa ở đảo có phần ngon, hiếm và không phải ai cũng may mắn được nếm như Đoàn công tác số 20 của chúng tôi.

Có phải từ sự may mắn đầu tiên đó đã kéo theo nhiều sự may mắn khác. Như trước khi đến khu vực nhà giàn, nhiều anh chị có kinh nghiệm chia sẻ về những lần sóng lớn, xuồng rất khó tiếp cận, may thì lên được nhà giàn bằng cách đu dây, còn không thì chỉ gặp nhau qua bộ đàm. Lần này, đoàn chúng tôi vô cùng may mắn vì là đoàn đầu tiên lên được nhà giàn DK1-16 trong năm nay. Ấn tượng đầu tiên của tôi là cảnh các anh lính chuẩn bị một bàn chào đón quá hoành tráng, có nước uống, khăn lau và cả những vỏ ốc xinh xắn nằm ngay ngắn với dòng chữ “quà tặng đại biểu”. Thật sự tôi không ngờ được rằng giữa mênh mông biển cả lại nhận được những món quà chân tình đến vậy.

Nhưng sự may mắn không chỉ từ thiên nhiên, mà còn do chính những người lính trên đảo đem đến cho người ở xa về, bắt đầu từ các hành động nhỏ, tinh tế. Ví như tôi, đi đảo đều tự mang theo một chai nước nhỏ vì sợ mình sẽ dùng nước của các chú bộ đội, khiến đảo đã ít nước lại ít nước thêm. Nhưng… một chai không đủ, nắng đảo rát mặt, tôi chạy đi chạy lại nhiều mất nước, khát rất nhanh. Tất nhiên đảo cũng không để khách phải chịu khát. Quanh các khu vực nhà nghỉ của bộ đội trên đảo, những bàn nước luôn có sẵn những cốc nước mát lịm tim - “chị uống nước mát đi, uống nước trên đảo mới quý chứ nước chai của chị tí về tàu uống”. Lời nói tan chảy đến như vậy thì làm sao tôi có thể từ chối cốc nước mời tận tay. Các chiến sĩ ở Trường Sa dí dỏm bảo tôi rằng bọn em ủ nước ở dưới biển nên nước mới mát vậy. Cảm giác khát nước ở đất liền dễ dàng được xoa dịu bởi trà đào, café, nước ngọt…, nhưng ở đảo, một cốc nước mát khiến tôi thấy được sự vỗ về, ân cần, chia sẻ. Thấy mình may mắn khi được đến đây, không, phải là được trở về mới đúng.

Lời chào tạm biệt

Thêm một niềm may mắn nữa vào những ngày cuối của chuyến hải trình đó là tôi được gặp cá heo trên biển Đông. Khi mà trước đó, trên tàu, nghe các thủy thủ kể rằng thỉnh thoảng đi đảo có thể được gặp cá heo tôi đã rất thích. Dù biết nếu cá heo xuất hiện thì độ hai đến ba ngày sau là biển động. Vậy là tâm thế của tôi vừa mong gặp vừa mong cứ từ từ, từ từ, lúc tàu về cá heo hãy đến bởi tôi say sóng lắm. Chưa kể tôi háo hức gặp cá heo cũng một phần do bạn tôi kể rằng đã tốn hơn hai mươi nghìn đô để sang tận nước ngoài ngắm cá heo, mà cũng phải may mắn mới gặp.

Chắc là để bù đắp cho những ngày say sóng của tôi, cá heo cũng đến vào một chiều hoàng hôn sóng nước, mây trời lung linh. Đàn cá heo bơi hai bên mạn tàu và ngay phía trước mũi tàu, mặc kệ con tàu vẫn đang rẽ sóng thẳng tiến về phía trước. Hình ảnh đàn cá khi đó làm tôi chợt quay về quá khứ, khi còn bé xíu, tôi cùng lũ bạn cũng từng chạy theo xe ô tô của các chú bộ đội mỗi lần xe ì ì chuyển bánh...

Lúc trên tàu, sau một vài lần xuống đảo, tôi có nhầm lẫn hoặc không nhớ tên đảo, sự kiện, con người mà tôi đã gặp. Tuy nhiên, khi hải trình kết thúc, mặt đất dưới chân không còn chao đảo vì say đất liền, tôi ngồi sắp xếp lại dữ liệu trong máy ảnh, tái hiện lại chuyến đi qua những trang tốc kí. Để hằn sâu thêm vào tâm trí từng hình ảnh, con người mà nhắc đến tôi sẽ nhớ ngay, rằng anh Nam ở đảo nào, các bác sĩ Viện 354 hẹn tôi đưa đi khám ra sao, chiếc xe đạp tôi mượn của Trung tâm Y tế Trường Sa có chữ gì, anh Xuân tất bật đi tìm hộ quả bàng vuông lúc nào...

Còn những món quà nhận được, từ chiếc vỏ ốc màu tím hoa cà nhỏ xinh ở An Bang, chiếc lá tra sâu ăn một nửa ở Sinh Tồn Đông, cuống hoa bàng vuông ở Song Tử Tây…, quyển sổ tay có trang đầu tiên in dấu của những điểm đảo đã đến - tôi sẽ giữ chúng như một món quà mang từ quê ra, để nhắc mình có một vùng quê Trường Sa để trở về…

H.T.O

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)