Truyện ngắn. NGỌC Thanh Trà
Con người luôn có xu hướng vận động về phía dễ chịu. Không may là do cấu trúc cơ thể, họ thường cảm nhận đau đớn nhiều hơn là khoan khoái.
- Jo Kyung Ran, Lưỡi -
Nàng mở toang và nhìn thẳng vào tôi, nhấn chìm tôi trong những gợn sóng trầm tư nơi đáy mắt. Này người thương ơi, đôi mắt mơ màng ấy liệu có phản chiếu bóng hình tôi? Hay chăng nàng nhìn tôi mà chẳng thấy tôi; trong mắt nàng chỉ hiện lên một khối kim loại lạnh lẽo, vô hồn, một sự tồn tại mặc nhiên hiện hữu mà nàng chẳng muốn can hệ gì với nó?
Vài lọn tóc lơ xơ phủ xuống cần cổ mảnh khảnh như một cái bình hoa nhỏ, xương quai xanh nhô lên sau lần áo tựa một nét vẽ bị đổ bóng quá đậm màu. Những ngón tay gầy guộc chỉ chực đưa lên bờ môi mím chặt. Bờ vai nàng mới nhỏ nhắn làm sao, dường như tôi có thể chứa ba lần nàng nếu sắp xếp hợp lí. Sau làn sương mỏng của sự tự làm tê liệt mình, đôi đồng tử mở to của nàng vẫn còn biết nói. Nó nói về sợi dây tinh thần mong manh luôn bị kéo căng quá độ, về sự bại hoại của mọi bộ phận từ trong ra ngoài cơ thể nàng – một sự hủy diệt diễn tiến từ từ mà chắc chắn, dẫn đến một cái kết bi kịch: Nàng ngày càng nhỏ bé hơn, cho đến khi tan biến khỏi thế giới này, như một bộ xếp hình bị rã đám, chỉ còn lại vụn vỡ nát tan. Ngày ấy rồi sẽ sớm đến thôi.
Người tôi yêu đang ở ngay trước mắt tôi, vậy mà tôi chẳng có phương cách gì để bày tỏ tình cảm mãnh liệt với nàng. Tôi chỉ đứng ngây ngốc như một nhân vật trong truyện cổ tích, vì chịu lời nguyền của mụ phù thủy mà bị biến thành một sinh thể lặng câm, bất động.
Phần ấn đường khẽ cau lại, và đôi mắt nàng rỉ ra sự khinh thị, chán ghét. Rồi nàng bỏ đi, để tôi lại trong bóng tối lạnh lẽo của chính mình.
Tôi chua chát nghĩ: Cũng dễ hiểu thôi nếu nàng không có tình cảm gì với tôi, bởi vì tình yêu đâu phải luôn đến từ hai phía.
Và bởi vì tôi chỉ là cái tủ lạnh của nhà nàng.
***
Chào nàng, ta lại gặp nhau rồi. Vẻ mặt nàng chẳng lấy gì làm vui vẻ. Sự u ám ấy chẳng phải do tôi, mà bất cứ khi nào tiến về căn bếp, gương mặt thơ trẻ của nàng đều nặng trĩu như những đám mây báo hiệu trời mưa.
Nàng có muốn ăn gì đó không? Túi bánh mì gối đối diện ánh mắt nàng, tôi đã giữ hơi ẩm để chúng mềm mịn như vừa mới ra lò. Những hộp sữa ở cánh tủ được tôi bảo quản sao cho chúng luôn mát lành, sóng sánh. Những quả chín khó chiều đến mấy vào tay tôi vẫn tươi ngon chẳng khác nào chúng hẵng còn đang treo lúc lỉu trên cành. Tôi không chỉ là chiếc tủ lạnh đời mới với những công năng hiện đại nhất, tôi còn là kẻ si mê nàng. Bảo quản thực phẩm chẳng những là chức năng thiên phú, mà trong từng vật phẩm đều chứa chan tình ý một mực hướng về nàng, trao trọn cho nàng.
Nhưng nàng không động tay, liếc mắt về bất cứ thứ gì trong những đồ ăn thơm ngon ấy. Nàng lấy túi thức ăn cho cá – những con sâu được ép thành viên nén mà tôi ghê tởm nhất – rồi đóng tôi lại. Nàng có nhiệm vụ cho bọn cá chép ngoài sân ăn sâu mỗi hai ngày một lần. Tôi gìn giữ thức ăn để nàng có cái bỏ bụng bất cứ khi nào nàng muốn. Thôi thì mỗi người một việc.
Tôi có một bí mật: Bất cứ thứ gì được đưa vào trong tôi, tôi đều lén gắn “con mắt do thám” lên chúng, hòng theo dõi nàng sẽ làm gì với thứ đồ ăn ấy, cốt chỉ để được ngắm nhìn nàng lâu hơn một chút. Vậy nên tôi thấy nàng, với vẻ ghê tởm chẳng kém, ném vung vãi những con sâu xuống bể cá tiểu cảnh ngoài trời, trong khu vườn im lìm đón tiết Lập xuân nơi bố nàng vẫn dày công chăm sóc khi ông còn khỏe mạnh. Bố vắng nhà đã lâu, khu vườn chẳng ai quét dọn, tiếng bước chân nàng giẫm lên lá vang lên khô khốc. Mấy con cá chép lấm tấm mảng màu đỏ, trắng, đen trốn lủi sau những núi đá nhỏ khi thấy nàng. Nàng hậm hực: “Mấy con cá chết giẫm”, nàng đã cho bọn nó ăn cả tháng trời rồi còn gì! Nhưng cơn giận ấy nhanh chóng xẹp xuống như một quả bóng hết hơi, khi nàng nghĩ: Có lẽ chúng cũng nhớ bố nàng.
Hôm nay lại là một ngày nàng chẳng ăn gì.
***
Tôi là một cái tủ lạnh. Tôi có màu xám lông chuột ánh lên sắc xanh lịch lãm, và tôi cao một mét bảy. Tôi được trang bị những tính năng ưu việt, nút sinh thái công nghệ mới, bộ khử mùi Nano lọc vi khuẩn, công nghệ làm lạnh đa chiều, chế độ vận hành êm ái, tiết kiệm điện. Sinh ra ở một góc nhà xưởng lạnh lẽo, trải qua những chuyến xe tải tối thui, tôi được đặt trong cửa hàng điện máy xô bồ rồi mới đến được căn bếp nhỏ ấm cúng nhà nàng.
Ở cửa hàng điện máy, tôi có duyên gặp gỡ với tủ lạnh tiền nhiệm nhà nàng, được chủ cửa hàng thu mua để bán sắt vụn. Ấy là một ông tủ lạnh đời cũ, cao gần mét rưỡi, đã phụng sự gia đình nàng từ thời xa lắc xa lơ. Trước lúc chia tay, ông nhắn nhủ trong tiếng sụt sùi: “Cậu phải tận tâm tận lực phục vụ cho gia đình này nhé. Cô chủ mới lên cấp Ba thôi. Ông chủ thì bị chẩn đoán ung thư thực quản và sắp nhập viện rồi. Thương quá!” Chà, quả là một cái tủ lạnh trung thành. Tôi nghiêng mình kính cẩn tấm lòng tận hiến của ông.
Nhưng “cấp Ba” là gì nhỉ? Tôi nhờ bè bạn đi dò la khắp chốn, cuối cùng cũng tìm được một bác tủ đông đang bảo dưỡng, nghe đồn đang công tác tại căng tin của một trường “cấp Ba”. Đêm đến, cửa hiệu tắt đèn, tôi lân la hỏi chuyện. Bằng giọng bơ phờ, già nua, bác kêu than: “Trường cấp Ba à? Đấy là nơi ồn ào nhất trên đời. Bọn trẻ con cứ đến giờ ra chơi là nhao nhao ùa ra, chen lấn, xô đẩy, như không thể phí hoài một phút nào, như một lũ thây ma đói ngấu! Tôi hoạt động hết công suất vẫn không phục vụ nổi đây. Trẻ tuổi thì hay đói, nhưng cũng vừa phải thôi chứ.”
Người con gái tôi yêu chẳng có vẻ gì giống miêu tả của bác. Không biết nàng có đói không, nhưng nàng chẳng ăn gì bao giờ. Làn da xanh xao trong suốt nổi lên những mạch máu li ti, đôi khi nàng giống hệt một pho tượng được chạm khắc từ thạch cao, như thể sẽ không bao giờ lớn lên, mãi mãi ghim mình vào bức tường thời gian. Thanh cao, u uẩn và mong manh. Tôi yêu dáng vẻ ấy của nàng.
***
Nàng bồn chồn hơn mọi khi. Bởi hôm nay là ngày bố nàng xuất viện.
Nàng ngồi bó gối trong căn bếp nhỏ sạch sẽ tinh tươm báo hiệu đã lâu không ai nấu nướng. Đâu phải nàng muốn làm thân gì với tôi, chẳng qua chỉ để cho đỡ lạnh. Nàng dùng ngón tay mảnh dẻ ấn vào hai bàn chân phù nề vì thiếu muối nom thật bất cân xứng với cơ thể. Nàng co mình trong chiếc áo len dày quá khổ mà vẫn rét.
Chẳng mấy chốc có tiếng chuông reo, nàng lao ào ra cửa.
Sau ca phẫu thuật thành công, bố nàng trông xa lạ. Trên khuôn mặt hốc hác, đôi mắt ông trở thành hai cái hõm sâu và hai má ông không thể hóp hơn được nữa. Chưa đến đợt hóa trị nên ông vẫn còn tóc, nếu cái nhúm lưa thưa màu muối tiêu trên đầu ông gọi là tóc. Và cơ thể ông, cái cơ thể đã từng khỏe khoắn chăm sóc vườn cây mỗi sáng Chủ nhật, lúc này gầy gò ốm yếu đến thảm thương.
Nàng lắp bắp: “Con chào bố”. Câu nói không tự nhiên chút nào. Nàng phải căng tai mới nghe được giọng ông thều thào, đứt quãng. Sau khi mẹ và anh trai nàng dìu ông lên phòng, nàng vẫn đứng đó ngây như phỗng. Lũ cá chép có còn nhận ra ông?
***
Trong những câu chuyện được nghe bố kể thuở nàng còn thơ bé, nàng đặc biệt thích những chuyện kể về cơn đói. Bố nàng lớn lên ở vùng nông thôn nghèo vào thời đói kém. Câu chuyện là thế này: Một dịp Trung thu khi bố nàng còn nhỏ, thị xã tổ chức tiệc phá cỗ cho trẻ con trong làng. Đứa nào cũng hào hứng thích mê, nhưng rốt cuộc bánh kẹo bị bọn trẻ to cao chiếm hết, bố nàng và mấy đứa thấp bé khác chỉ có thể nhặt nhạnh những mẩu bánh vương vãi trên nền đất sau cuộc càn quét của những đứa lớn hơn. Lần nào nghe nàng cũng thấy thương bố vô cùng; đôi khi trong giấc mơ, nàng được gặp bố khi ông còn là đứa trẻ và hào phóng chia cho ông ê hề bánh kẹo mà mình có. Giấc mơ ấy đã biến mất khi nàng lớn hơn một chút. Nàng nhận ra sự thứa mứa đồ ăn là một kiểu xa xỉ, và nàng coi cảm giác đủ đầy ấy là phương tiện hứa hẹn mang đến cho mình một cuộc đời hạnh phúc.
Nhưng rồi một ngày nàng chẳng còn muốn ăn gì nữa. Nghe mẹ và anh nàng thì thầm bảo nhau, nàng bị “rối loạn ăn uống”.
Chuyện gì đã xảy ra thế nhỉ? Tôi không ngừng võ đoán. Có thể tâm lý tuổi dậy thì đã gây ra điều ấy, như mẹ và anh nàng nói. Có thể một tác nhân nào đó trong cái biển người ở trường cấp Ba khiến nàng không thiết ăn gì. Hoặc đó chỉ là một nỗi đau mà ta phải trải qua khi là chính ta, đôi khi chẳng có câu trả lời nào cả.
Trước kia, nàng rất ấn tượng với câu chuyện về cơn đói là của bố nàng. Giờ đây, nàng cũng có một câu chuyện liên quan tới thực phẩm của riêng mình.
Tranh minh họa
***
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc mình phải lòng nàng.
Ký ức về mùa đông được thu bé lại thành một hộp bánh yến mạch. Đây là một trong những quà biếu của người thăm bệnh bố. Trong cảm giác bồn chồn khi bố vừa nhập viện, nàng ngồi trên sofa, vừa xem tivi vừa bóc từng phong bánh ra ăn. Càng lo lắng nàng càng ăn, nhưng càng ăn nàng càng thấy trống rỗng. Đã lâu lắm rồi nàng không ăn nhiều như vậy, như thể cơn đói này là một sinh thể sống, theo mỗi suy nghĩ hình thành trong đầu nàng nó lại yêu cầu thêm nhiên liệu là thức ăn, vậy nên nàng ăn không ngừng. Đến lúc nhận ra thì đã hết cả hộp bánh, nàng bần thần ngồi giữa đống vỏ rải rác xung quanh. Trong cơn kinh hãi và dằn vặt bản thân tột độ, nàng chạy tới bồn rửa và móc họng ra nôn.
Đây không phải lần đầu tiên nàng móc họng, nhưng lần này nàng nôn mãi không hết. May thay (hay không may?) thứ bánh khô khốc ấy khiến việc nôn trở nên dễ dàng, ngay cả mùi yến mạch thoang thoảng cũng dễ chịu hơn những món mặn khi ộc ra từ miệng; có thể nói đây là một trận nôn dễ chịu, nếu nó không kéo dài quá mức như thế. Bụng nàng quặn thắt như thể ruột gan đang xoắn xuýt vào nhau, nước mắt và nước mũi nhòe nhoẹt, vị ngọt lợm lan trong khoang miệng, song chẳng thấy đáy cơn nôn ấy ở đâu. Dường như càng nôn, càng nhiều thứ trào ra từ họng nàng: Nàng nôn ra nỗi lo cho bố, nỗi cô đơn trong căn nhà vắng lặng, nỗi đau cố hữu của tuổi trưởng thành.
Nàng chỉ dừng lại khi thấy mình nôn ra một cục máu đỏ nhờ nhờ có thể là phần thịt họng bị móng tay cào vào quá nhiều. Đến lúc ấy, dù chỗ bánh kia vẫn chưa nôn ra hết, nàng đành bỏ cuộc và tự hứa sẽ nhịn đói vài ngày để bù lại.
Lúc ấy nàng rùng mình vì một linh cảm, rằng phần bánh còn lại sẽ không bao giờ trôi xuống dạ dày, không bao giờ được tiêu hóa, mà sẽ mãi mãi kẹt lại trong thực quản nàng. Quả thực, từ đó về sau nàng luôn cảm nhận được sự hiện diện của nó, cục nôn gây tắc nghẽn và nghẹt thở ấy, đôi khi nó bất chợt trào lên tận họng, nhưng nàng ậm ọe cố ép nó ra thì chẳng có gì. Cảm giác khủng khiếp và bất lực ấy đã vĩnh viễn hằn sâu vào trí não và cổ họng nàng.
Giây phút thấy nàng dùng hết sức bình sinh mà nôn ọe, tôi biết rằng dù hạnh phúc có rời bỏ nàng, tôi sẽ mãi ở bên nàng.
***
Anh nàng mang về một cái bánh sinh nhật, dù chẳng phải dịp sinh nhật ai và trong Tết âm để tìm mua được cái bánh ấy cũng khó. Mẹ nàng bảo: “Để mừng bố xuất viện.” Nàng hết nhìn mẹ đang đứng trong bếp, rồi lại nhớ về dáng vẻ bố hom hem chỉ nằm bẹp trên giường hoặc ngồi cuốn chăn trên ghế thư giãn từ khi về nhà. Có lần nàng thấy bố khóc vì mệt và đau.
“Con không ăn đâu đấy nhé”, nàng ướm lời. “Con không ăn được bánh ngọt đâu.”
Mẹ nàng im lặng, dừng tay. Tôi nghe thấy tiếng bà thở hắt. “Vì sao?” Bà hỏi, giọng rắn đanh.
Nàng nín thinh, không tìm được lời giải thích. Làm sao nói với mẹ rằng chỉ cần ăn thứ gì ngoài rau là nàng sẽ trốn vào phòng mà nôn ra hết. Mẹ trừng mắt nhìn làm nàng giật thót: “Nhà này chưa đủ người bệnh hay sao mà con còn bày đặt?” Đôi mắt bà trông mệt mỏi; trong đôi mắt ấy, nàng là đứa con nổi loạn, nhiễu sự. Bà chì chiết bàn tay nàng như tay ếch, da nàng chỉ là lớp màng mỏng, kinh nguyệt không còn đến với nàng. Khi ấm ức không chịu nổi nữa, nàng điên tiết hét lên.
Nghe thấy tiếng ồn, bố nàng chầm chậm vịn cầu thang xuống tầng. Lúc ấy, như thể để ông nhìn thấy, mẹ nàng giằng lấy chiếc bánh kem và ném tuốt ra phòng khách. Bố nàng đứng sững lại. Có mùi khét của đồ ăn quá lửa. Chiếc bánh tan nát thảm thương trên sàn. Bố nàng nhìn một lượt rồi trở lên, im lặng như khi ông vừa xuống. Hình như ông thấy việc được chăm sóc tại nhà còn mệt mỏi, dai dẳng hơn so với khi giành giật sự sống trong bệnh viện. Trông bố nàng thực sự mệt mỏi ấy vậy mà nàng có vẻ như thấy nhẹ nhõm vì không phải ăn cái bánh đó.
Anh nàng lúi húi nhặt cái bánh xộc xệch nát bấy lên, tôi cũng vồn vã đón nó vào mình mà ra sức cứu chữa. Nàng bỏ lên phòng, đóng sập cửa, chuẩn bị bồn tắm và bật máy sưởi. Sau khi cởi áo, nàng soi mình trong gương, thấy xương ức nhô lên và những dẻ xương sườn hằn trên da, nàng vừa vui thích vừa khiếp sợ. Khi chạm vào làn nước như những mũi kim đâm xuyên thấu, nàng rùng mình ớn lạnh.
***
Nàng tách mình khỏi mọi ham muốn, cơ bản nhất là ham muốn được ăn, sâu xa hơn là ham muốn được sống. Nàng có thể tự lừa gạt bản thân rằng nàng chẳng mong cầu gì hết, nhưng tôi biết một mong muốn vẫn cháy bỏng trong nàng, như ánh lửa nhỏ lập lòe giữa đống tro tàn: Nàng muốn được yêu thương.
***
Bố nàng phải tái nhập viện do biến chứng hậu phẫu. Giữa Tết nguyên đán của sự đầm ấm, đoàn viên, nàng lại đối mặt với căn nhà trống trải, như thể bị bỏ lại một mình.
Ngoài vườn, những cây non chưa đâm chồi run rẩy trước gió lạnh, sức sống vẫn bị chôn vùi trong đất. Mùa xuân dường như đã bỏ quên ngôi nhà của nàng.
Có một mùi tanh nồng loãng ra trong không khí, nàng lần theo thứ mùi ấy về phía bể cá. Trên thảm cỏ nhân tạo, những con cá chép nằm chết tức tưởi. Đã lâu rồi nàng quên cho cá ăn. Sau trận mưa đêm qua làm nước dâng lên đầy bể, lũ cá đã nhảy hết ra ngoài trong một cơn quẫn bách bí ẩn. Những con cá bố nàng yêu nhất giờ giương đôi mắt mờ đục về phía nàng tựa hồ oán trách; vô phương cứu chuộc những cái mang không còn nhịp thở phập phồng.
Nàng thấy day dứt về tội lỗi không chắc có thuộc về mình. Những cơn lo lắng cuộn xoáy lên từ ổ bụng làm nàng bải hoải. Nàng lại thu mình ngồi trong bếp, nghĩ về người bố đang trong bệnh viện và về chính nàng – hai thực thể sống mà ngày càng co rút, teo tóp lại, như một kiểu tiến hóa ngược, như một dãy số dương đang quay ngược về số không tròn trĩnh. Gục đầu trên gối, nàng mê thiếp trong những ý nghĩ lờ mờ hỗn độn.
Có lẽ nào là như thế chăng? Khối u ác tính trong thực quản của bố nàng và cục nôn thường trực trong cổ họng nàng đã ngăn thức ăn đi vào cơ thể, phải chăng chẳng khác gì nhau: Nó là một nỗi bất hạnh thâm căn cố đế đã được định sẵn từ trong gene, chỉ chờ ngày bộc phát. Căn bệnh ung thư của bố và chứng rối loạn ăn uống của nàng, chúng chẳng phải một giai đoạn trong đời mà là một thứ như định mệnh chết chóc, triệt tiêu mọi con đường ăn và sống. Từng gram thịt đã tan biến vào bầu khí quyển từ cơ thể của nàng và bố nàng, đến lúc nào đó cả hai sẽ phân rã vào hư không. Những bóng ma đeo đẳng đã hút hết sinh khí của nhà nàng, căn bếp không còn ấm cúng, gia đình tản mác chạy chữa khắp nơi, khoảng thời gian tổn thương sẽ vĩnh viễn khắc sâu vào câu chuyện cuộc đời của mỗi người, và một cái kết diệt vong dường như không thể tránh khỏi. Đến cả những con cá chép cũng không sống nổi trong căn nhà này. Số phận của gia đình nàng có khác với như những con cá ấy?
Nàng bắt đầu thở hổn hển vì cơn đau sắc lẹm xoáy vào hai mí mắt. Còn tôi, tôi chỉ là cái tủ lạnh, có hai cánh tay mà chẳng thể ôm lấy nàng.
Có gì đó trào lên từ cuống họng. Ban đầu nàng tưởng đó là cục nôn, cái cục nôn cố chấp, không chịu buông tha nàng ấy, nhưng khi nàng mở miệng để nó bật ra, đó là một tiếng thổn thức. Cơn nôn và cơn khóc hòa vào nhau – mà có lẽ chúng chưa bao giờ tách biệt – nàng muốn đẩy nó ra khỏi cơ thể bằng tất cả sức lực của mình. Vậy nên nàng vừa nôn khan vừa khóc, tiếng gào khóc càng lúc càng lớn hơn lấp đầy ngôi nhà im ắng. Tất cả tế bào đều rung lên trong đau đớn và tiếc thương, nàng tru lên như muốn đẩy cả linh hồn của mình ra, những muốn thay thế vào đó không khí của ngày xuân này – cái không khí tinh sạch, rung rinh, đầy ắp lời hứa hẹn thay thế cho mùa đông lạnh lẽo, ủ dột đã lưu cữu trong mình quá lâu. Nàng muốn được tái sinh, nhưng nếu có thể, nàng sẵn sàng nhường cơ hội ấy cho bố nàng – người đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn mà đến giờ vẫn không thể ăn gì. Nàng nhớ về cậu bé ở tàn tiệc Trung thu năm ấy, nhặt nhạnh những vụn bánh dưới ánh trăng tròn sáng vằng vạc; thậm chí nàng nghĩ mình đang khóc cho cậu bé ấy nhiều hơn là cho bố hiện tại. Nàng khóc cho cho những gì cậu bé ấy đã và sẽ mất, nhiều hơn là cho những gì nàng đã và sẽ mất.
Nàng khóc lả đi một hồi, tôi chỉ câm lặng lắng nghe tiếng khóc xé lòng ấy. Bên ngoài cánh tủ, tôi đọng những giọt nước li ti như khi chảy mồ hôi vì trời nóng, dù tiết trời lúc này lạnh héo hắt. Chắc nàng không nhận ra sau ánh mắt mờ nhòa đẫm nước, nhưng tôi, một cái tủ lạnh, cũng đang khóc cùng nàng.
***
Chẳng biết bao lâu sau, nàng mở toang tôi ra và đứng trước tôi. Chào nàng, ta lại gặp nhau rồi, lần này nàng sẽ lại nhìn tôi chòng chọc và đóng tôi lại với ánh mắt chán ghét chứ?
Nhưng nàng không làm thế. Nàng khẽ vươn về phía tôi bằng cánh tay khẳng khiu như que củi với đám lông tơ dựng lên vì lạnh. Đôi mắt nàng trong vắt như bầu trời quang đãng sau cơn mưa, không còn làn sương mờ nào nữa. Nàng với tay chạm vào cái bánh kem nát bấy sau lớp hộp mica trong suốt, rồi đóng tôi lại bằng cử chỉ dịu dàng. Khuôn mặt nàng thật yên bình, cũng thật trẻ thơ.
Những cảnh sau đây như được ghi lại trong cuộn phim chiếu chậm: Nàng từ từ đặt hộp bánh lên bàn, lấy chiếc bánh kem nát tươm ra, và bắt đầu ăn. Ban đầu nàng dùng cái thìa nhựa nhỏ chuyên để ăn bánh kem, rồi như thấy không đủ, nàng lấy cái thìa thật to mà xúc liên hồi. Mỗi miếng đưa vào miệng mềm tan mà chẳng cần nhai, nàng nuốt ực chúng như trong cơn khát. Những tảng kem béo ngậy mà tôi đặt “con mắt do thám” trôi xuống cổ họng nàng; lần này tôi thấy rõ: Chẳng có cục nôn nào ứ nghẹn trong ấy cả. Thực quản nàng hơi co lại vì ăn ít, nhưng rồi nó sẽ to ra thôi. Từng thìa bánh trôi xuống bụng, con mắt không còn nhìn thấy gì nhưng tôi cảm nhận được bóng tối ở nơi ấy thật an lành, ấm áp.
Rồi như thể vẫn chưa thỏa mãn, nàng bỏ thìa ra một bên, dùng hai tay bốc bánh đưa lên miệng. Nàng ngấu nghiến những tảng bánh ấy, thèm thuồng, háo hức như thể lần đầu được ăn. Nàng đã quên tiệt khái niệm về kích cỡ, về lượng thích hợp, về thời gian. Nàng cứ ngồi đó, ăn, ăn mãi, như thể cái bụng dẹp lép của nàng không có đáy và khuôn miệng nàng là cái hố đen phải hút bằng sạch cái bánh kem này.
Có thể nàng đói sau cơn khóc thảm thiết, nhưng tôi tin nàng đang nghĩ về điều khác: Nàng muốn ăn thay cho bố nàng, cho căn bệnh hiện giờ và cả tuổi thơ ông; nàng ăn thay cho những con cá chép đã chết không thể há miệng đớp sâu; nàng ăn cho cả chính mình trong quá khứ, đã luôn phơi mình trước mùa đông giá lạnh với cơn đói giày vò. Nàng ăn với vẻ khoái chí, thỏa mãn như đang tụng ca cuộc sống. Chiếc bánh kem trở thành thứ lễ vật cúng dường được dâng lên vị thần mùa xuân, cùng với bản thân nàng, trong một nghi thức hiến thân đầy đau đớn. Bằng cách ấy, nàng mong sẽ mình được gột rửa khỏi mọi tội lỗi, bố nàng sẽ được chữa khỏi bệnh, mũi tên sự sống sẽ trở về đường thẳng tiến lên, và những cái chết không thể tránh khỏi sẽ trở thành sự tái sinh.
Hi vọng khoảnh khắc này sẽ đủ sức nặng để đè lên và viết lại câu chuyện về cơn đói của nàng.
***
Một ngày nọ, khi tôi chưa kịp định thần, nàng mở tôi ra và đảo mắt một vòng tìm kiếm, rồi với tay thọc thẳng vào tôi.
Lấy ra một quả táo, nàng nhanh chóng rời đi mất hút.
Bởi đã quên đặt “con mắt do thám” lên nó, tôi chỉ còn cách tưởng tượng hình ảnh nàng cắn phập vào lớp vỏ đỏ tươi. Đôi môi cảm nhận những giọt nước tứa ra trước tiên, rồi răng nàng nhai rôn rốt phần thịt táo, sau đó vị ngọt lan đến những gai vị giác, tràn vào từng góc miệng. Nàng nuốt cả phần thịt lẫn nước táo xuống họng và lặp lại động tác ấy. Nàng đang ăn một quả táo.
Nàng mới 15 tuổi. Nàng còn cả cuộc đời phía trước.
Tôi nở một nụ cười vô hình.
Nàng đang học lại cách ăn.
V.B.N
VNQD