Những kí ức không quên

Thứ Sáu, 13/09/2024 15:22

. ĐÀO ANH TRANG
 

Ngày anh lên đường nhập ngũ (1968), tôi vừa tròn mười sáu tuổi, cái tuổi tràn đầy mộng mơ và những trò tinh quái hiếu động. Anh để lại cho tôi chiếc xe đạp Super Gops ông nội mua từ thời Pháp cho bố, bố chuyển cho anh. Thời bao cấp, chiếc xe ấy là cả một tài sản lớn mà tôi được sở hữu, trong khi các bạn cùng cấp 3 đa số phải dậy từ tờ mờ sáng, chân đất đi bộ đến trường trên con đường đê đẫm sương muối, lâu dần, hai lòng bàn chân rỗ lỗ chỗ như tổ ong.

Tôi vẫn nhớ tiếng loa phóng thanh nơi sân bóng đá Trường Đại học Nông nghiệp đọc danh sách những người con các xã của huyện Gia Lâm diện nhập ngũ vào xếp hàng. Với chiếc ba lô con cóc cùng bộ quân phục Tô Châu, mũ cối gắn sao, đôi dép cao su đế đúc, tất cả mới tinh thơm mùi vải, trông anh chững chạc và mạnh mẽ, trong lòng tôi dậy lên cảm giác hãnh diện và tự hào.

Người đi kẻ ở… Người con gái năm đó đi tiễn anh tôi mặc chiếc áo trắng tinh khôi nước mắt lăn dài trên má, ngượng ngùng lúc hai người trao kỉ vật cho nhau…

Những ngọn nến tri ân. Ảnh: TL

Từ lúc anh đi, với tôi, cuộc sống vẫn diễn ra đều đặn: Sáng đi học, chiều giúp bố mẹ việc nhà. Thấm thoắt hơn nửa năm, sau khi huấn luyện xong anh về phép thăm nhà rồi lên đường vào Nam chiến đấu. Chiến tranh ngày càng sôi sục ác liệt hơn. Tin thắng trận từ khắp các chiến trường được báo, đài đưa, bình luận nóng hổi. Tôi hiểu anh đang có mặt tại một chiến trường nào đó và cầu cho các anh thắng trận sớm trở về sum họp gia đình nơi quê hương thân yêu.

Những cánh thư từ mặt trận anh tôi gửi về thưa dần, tôi thường đọc thư anh cho ông nội nghe. Chỉ biết rằng lúc đó anh đang có mặt tại chiến trường B2 miền Đông Nam bộ, cuộc sống chiến đấu, công tác rất gian khổ ác liệt. Mỗi lần chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt nam phát bài Nhạc rừng đến đoạn Miền Đông gian lao anh dũng, tôi lại nhớ đến những điều anh viết trong thư và càng thương anh và các đồng đội hơn. Các lần trả lời thư anh, tôi viết ngắn gọn những gì ở nhà và quê hương diễn ra, nhất là tin tức người bạn gái của anh. Có lẽ, anh và bạn gái cũng thư từ cho nhau, nhưng những thông tin của tôi khiến anh tin tưởng hơn, đôi khi trong thư, tôi cũng thêm thắt sự ngọt ngào của người ấy cho anh yên lòng.

Năm cuối cấp tuổi học trò, thật buồn, nhiều tháng liền không nhận được thư anh. Tôi đến gặp người bạn gái anh thì cũng nhận được câu trả lời không có lá thư nào vài tháng nay rồi. Mặc dù bận học, tôi vẫn tranh thủ biên thư cho anh để giải tỏa nỗi nhớ và cũng là thắp niềm hi vọng đẩy lùi mọi sự lo âu.

Giữa lúc ấy, một tin bàng hoàng xót xa với nhân dân cả nước: Bác Hồ từ trần! Thảo nào Tết Độc lập mùng 2/9 im ắng buồn lặng quá. Những buổi lễ truy điệu Bác của trường tôi diễn ra đều đặn mỗi buổi sáng trong tuần đầu Bác mất. Hôm đoàn dũng sĩ Thanh thiếu niên miền Nam ra thăm miền Bắc, vinh dự trường tôi được đón đoàn về giao lưu. Nhiều người đã khóc, nghẹn ngào xúc động khi nghe kể những câu chuyện về Bác Hồ. Tôi còn nhớ lúc lên tặng hoa, tôi nói nhỏ với một bạn trong đoàn rằng anh trai tôi hiện đang có mặt tại quê hương các bạn, đang cùng các đồng đội chiến đấu rất dũng cảm. Thế hệ chúng tôi sẽ tiếp nối lên đường sát cánh cùng nhân dân miền Nam đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hội Gióng truyền thống làng Phù Đổng mùng chín tháng tư âm lịch hàng năm đã đến. Tôi bận ôn thi hết cấp nên không đi. Chị gái tôi và mấy người bạn trong xóm bơm xe, quần áo tinh tươm lũ lượt kéo nhau trẩy hội.

Khi đang cùng mọi người xem các trò diễn, chị tôi bất chợt nhìn thấy anh tôi đang hai tay hai nạng lết đi trong dòng người. Chị thất thanh hét gọi tên anh rồi òa khóc nghẹn ngào. Thì ra anh tôi bị thương trong một trận đánh, mảnh pháo địch phá nát xương đùi, máu chảy ướt đẫm cả ống quần. Anh đã may mắn thoát lưỡi hái tử thần trong gang tấc nhờ người đại đội trưởng đồng hương. Sơ cứu cho anh xong, người đại đội trưởng đã băng mình trong lửa đạn cõng anh tôi về tận trạm phẫu của đơn vị. Rất buồn là vài tháng sau người đại đội trưởng ấy đã anh dũng hi sinh khi đang chỉ huy trong một trận chống càn của địch. Còn anh tôi được đưa về DĐoàn an dưỡng 869 Trung Màu cách nhà tôi không xa.

Không còn lòng dạ hội hè nữa, chị tôi quyết định đưa anh tôi về thăm nhà. Ái ngại tự ti với bộ dạng mình, anh tôi miễn cưỡng lên xe để chị tôi đèo về nhà. Tới cổng, chị tôi khóc toáng rồi gào lên: “Bố ơi! Bố ơi ra mà đón em con về này!” Cảm xúc dâng trào, mọi người ùa ra đón anh, òa khóc. Nhìn anh tôi gầy xanh với đôi nạng gỗ, ai cũng đau đớn xót xa.

Sau hôm ấy, tối nào nhà tôi cũng tiếp họ hàng bà con xóm làng, bạn bè của anh đến hỏi thăm động viên chia sẻ. Nồi nước vối to tối nào cũng hết veo. Tôi để ý không thấy bóng dáng người con gái áo trắng hôm tiễn đưa anh ngày lên đường xuất hiện. Tôi phân vân định hỏi anh nhưng không dám.

Sau mấy ngày ở nhà, tôi đạp xe lai anh trở lại đoàn an dưỡng với tâm trạng vui buồn khó tả. Mắt anh đăm chiêu nhìn về phía xa xăm làm tôi ái ngại, trong lòng tôi dậy lên sự thương cảm với anh, giận người con gái kia bạc tình bội nghĩa.

Thi tốt nghiệp hết cấp 3 năm ấy tôi đỗ nhưng kết quả không tương xứng với sức học do tác động tâm lí từ sự kiện của anh tôi. Tôi đang tính xem thi đại học khối nào cho hợp thì nhận được giấy báo đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Bố tôi lên xã đội trình bày hoàn cảnh anh tôi cần người đưa đi ghép xương nên được xã chấp nhận cho tôi hoãn lại đợt sau.

Tôi và anh lên Viện 9 ở Vĩnh Phúc bằng xe lửa. Lai anh ra ga Yên Viên, tôi gửi xe đạp ở toa hàng rồi dìu anh lên tàu. Chuyến đi thật vất vả, tàu hồi đó người khỏe mạnh hai tay hai chân lên còn khó huống chi anh lại gãy một chân. Tôi phải gồng mình đẩy anh lên từng bậc.

Do phải vừa đi vừa hỏi đường nên đến viện thì đã hết giờ làm việc, chúng tôi được bố trí nghỉ tạm tại phòng khách. Tôi lấy nước rửa mặt cho anh xong, hai anh em ăn tạm gói cơm nếp dùng trên tàu còn dở do mẹ gói cho ban sáng. Tiết trời đầu đông se lạnh, chiều miền trung du sương trắng phủ dày càng lạnh hơn. Do vận động cả ngày căng thẳng lại động chạm nhiều nên vết thương làm anh đau nhức. Thỉnh thoảng tôi thấy anh rên nhẹ, mặt nhăn lại. Tôi lấy phích nước nóng pha cốc đường viên cho anh uống mà thương anh quá. Đêm đó do mệt, hai anh em tôi ôm nhau ngủ. Chăn thì mỏng nhưng ấm áp tình cảm nên chúng tôi ngủ một mạch tới sáng.

Mấy tháng sau, tôi treo lại giấc mơ giảng đường đại học để nhập ngũ. Ngày tôi lên đường, anh không về tiễn được vì vết thương ca phẫu thuật ghép xương đùi vẫn còn đau nhức. Về Đoàn an dưỡng 869 được một thời gian, sức khỏe anh cũng tạm ổn, chỉ có điều chân bị thương vẫn ngắn hơn chân kia 5cm. Tôi động viên anh, thế là tốt lắm rồi. Ở Viện 9 tôi thấy nhiều người còn cụt cả hai chân, người mù cả hai mắt... Ý niệm về sự mất mát hi sinh cho Tổ quốc trong tôi có xuất phát điểm từ hình ảnh của những thương binh nằm điều trị tại Viện 9 ngày ấy…

Huấn luyện được ba tháng ở Hòa Bình, chúng tôi được nghỉ phép để tạm biệt gia đình lên đường đi B. Bảy ngày ngắn ngủi trôi vèo. Lúc này anh tôi đang đợi bố trí chuyển ngành sang dân sự. Tôi sang Đoàn an dưỡng đón anh về nhà chơi. Mấy ngày bên nhau, bao nhiêu kinh nghiệm thực tiễn chiến trường anh đều chia sẻ với tôi rất cặn kẽ.

Hôm tôi trở lại đơn vị, anh đòi đi tiễn. Anh đã tự đi xe đạp được tuy chân còn yếu. Nể anh, tôi đành chấp nhận bởi nghĩ biết đâu, đây là lần cuối cùng anh em ở bên nhau.

Từ Quốc lộ 1 chúng tôi đi tắt qua một cánh đồng đang mùa lúa độ thì con gái xanh mơn mởn. Oái oăm thay, giữa đường có một rãnh sâu cắt ngang, có lẽ do dân đào lấy nước cho ruộng bên. Xuống xe, cho xe qua rãnh trước, tôi quay lại dìu anh. Do đất ướt lại là đất thịt nên trơn, chân đi dép cao su không tất nên tôi bị trượt lật dép làm hai anh em ngã nhào xuống rãnh. Cú ngã làm anh tôi bị ảnh hưởng vết thương nghiêm trọng, mặt tái mét nhăn nhó. Tôi hoảng sợ kiểm tra chân anh rồi quyết định quay xe. Để anh ngồi dạng chân hai bên gác ba ga xe, tôi đeo ba lô, hai tay dắt xe dò dẫm từng bước, về nhà rồi mới tức tốc trở lại khu tập kết.

Vào chiến trường, chúng tôi được bổ sung vào một đơn vị chủ lực của Quân khu Trị Thiên. Thư nhà đến và viết trả lời rất ít vì làm gì có thời gian. Tôi chỉ biết anh đã chuyển ngành về Xí nghiệp nhựa Hàm Rồng Hà Nội làm việc từ đầu năm 1973.

Giữa lúc ác liệt nhất của cuộc chiến (1974), tôi bị thương trong một trận đánh. Đang nằm trạm xá điều trị thì nhận được thư nhà. Em gái tôi nói, anh đã có vợ, người cùng xóm. Trong tôi dâng trào một thứ phức cảm. Mừng cho anh có hạnh phúc đôi lứa; thương và cảm phục người phụ nữ đã dám chấp nhận lấy anh; biết ơn anh bởi những kinh nghiệm xương máu nơi chiến trường anh truyền cho tôi trước lúc đi B thật quý giá, giúp tôi thoát chết nhiều lần trong gang tấc...

Sau ngày 30/04/1975, cờ hoa rực rỡ khắp ba miền Bắc Trung Nam. Đơn vị tôi chuyển về thành phố Huế. Sau mấy đợt làm công tác biệt phái bên Tỉnh đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi được về phép. Vui khôn tả, gần năm năm xa nhà rồi chứ ít gì. Lúc này, tôi thường nhận được thư nhà do đã thông đường bưu điện hai miền, nên biết anh đã xin nghỉ làm tại xí nghiệp nhựa, về học cắt may tại nhà riêng, anh chị đã có cháu trai đầu lòng vài tháng nay.

Đi chợ mua quà phép, tôi ý thức sao cho phù hợp với mỗi người. Bố chiếc kính lão, chị chục chiếc bát ăn cơm và một khung xe đạp (chị cũng mới xây dựng gia đình); các em gái, đứa áo len, đứa khăn voan kim tuyến; mẹ vài gói mì chính giúp bữa ăn thêm đậm đà… Riêng anh, tôi quyết định mua tặng chiếc bàn là hơi nước nhãn hiệu USA còn mới để anh làm nghề cho tiện. Thời đó bàn là hơi nước Mĩ là của hiếm tại miền Bắc, giá trị gần bằng số tiền mua quà cho cả nhà. Tôi làm thế không chỉ bởi tình anh em ruột thịt, mà còn là tình đồng đội vô giá, sự trân trọng của một người lính chiến với những mất mát của một người lính chiến khác trong chiến tranh.

Đầu năm 1978, tôi được chuyển ngành về một đơn vị trực thuộc Bộ Vật tư tại Hà Nội làm việc. Cuộc đời bắt đầu chuyển sang trang mới, đó là gia đình, cơm áo gạo tiền…, khó khăn chật vật muôn bề. Đất nước vừa trải qua một thời gian dài chiến tranh đã vắt kiệt mọi nguồn lực. Nhà nào cũng thiếu thốn trong cái khó khăn chung của cả nước. Gia đình tôi cũng vậy, nhưng may mắn hơn, ông nội tôi để lại nhiều vườn cây ao cá rất rộng nên có điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình. Anh chị tôi được bố mẹ xây cho một căn nhà ngói 4 gian và 2 gian bếp rộng rãi. Thời đó, cơ ngơi như thế là ước mơ của các đôi vợ chồng trẻ trong làng. Tôi rất mừng trước sự chăm lo của bố và đặc biệt cảm động trước tình cảm của mẹ dành cho anh.

Tôi và anh là anh em cùng cha khác mẹ. Khi vừa sinh anh xong, mẹ anh bị băng huyết và mất. Mẹ tôi lúc đó đã có chồng, ông cùng hai người anh trai ruột tham gia hoạt động du kích tại địa phương, trong một lần bị lộ khi Pháp xuống làng càn, ông bị chúng bắn chết. Lúc đó mẹ tôi mới 17 tuổi, mãn tang chồng, được người mai mối, thương bố tôi gà trống nuôi con nên đã đồng ý về làm mẹ kế anh. Lúc đó anh mới lên hai còn chị cả năm tuổi.

Phúc đức tại mẫu, tôi thật may mắn tự hào có người mẹ sinh ra trong một gia đình nề nếp giáo dục. Bố mẹ mất rất sớm, lại là con một, mẹ tôi khôn lớn trưởng thành trong sự dạy dỗ đùm bọc của bên ngoại. Nên khi về với bố tôi, bà luôn đề cao đạo lí truyền thống đùm bọc yêu thương. Chưa bao giờ tôi thấy bà phân biệt đối xử giữa con chung con riêng. Sự bao dung, chăm sóc của mẹ với anh chị em chúng tôi là như nhau.

Thời gian trôi thật nhanh. Đại dịch Covid, anh tôi bị nhiễm. Thương binh, lại nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu nên dù được chăm sóc ở chế độ ưu đãi đặc biệt với người có công nhưng anh vẫn không qua được. Anh ra đi thanh thản ở tuổi 72 khi các con đã trưởng thành. Người con trai đầu sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương công tác, được tín nhiệm bầu vào chức danh Phó Bí thư thường trực Đảng ủy một phường ở Hà Nội. Các cháu nội, cháu ngoại của anh đều ngoan hiền học giỏi.

Từ ngày anh đi, mỗi khi đứng trước bàn thờ anh tôi luôn thầm khấn: “Anh ơi, sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh khỏi của kiếp người. Điều quan trọng nhất là phải sống sao để không hổ thẹn với chính mình, phải không anh?”

Đ.A.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)