Gió vẫn thổi qua mùa khô và vị tướng có mái đầu mây trắng

Thứ Ba, 16/07/2024 00:24

. ĐỖ TIẾN THỤY
 

Năm 1987, sau khi biên giới phía Bắc tạm yên, Bộ Quốc phòng điều Quân đoàn 3 trở lại Tây Nguyên. Cuộc hành quân dài ngày mang mật danh 4-87 đã đưa hết đoàn binh mấy vạn người với đầy đủ trang bị vũ khí trở lại chiến trường xưa, nhưng có một thứ chưa thể mang theo, đó là hậu phương của hàng ngàn cán bộ.

Khi chúng tôi vào, các thị xã Pleiku, Kon Tum… chỉ lèo tèo vài ngôi nhà hai tầng cũ kĩ, còn lại là nhà mái tôn lụp xụp. Các đường phố chính ổ gà ổ trâu lỗ mỗ, cành le quệt vào thành xe roàn roạt.

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - Nguyên Chính uỷ Mặt trận B3 Tây Nguyên

Quân đoàn 3 thành lập ngày 26/3/1975 từ các trung - sư đoàn thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3) đã chiến đấu ở Tây Nguyên cả chục năm trời. Thế nhưng thời chiến các đơn vị chủ yếu sống trong rừng. Giờ tiếng là quay trở lại chiến trường xưa, nhưng phải đóng quân tạm trong những căn cứ của quân đội Sài Gòn xung quanh các thị xã, nơi có những cuộn rào thép gai bị vò xoắn nằm bùng nhùng trong những trảng cỏ tranh trắng xác dưới cái nắng mùa khô. Mỗi sáng hàng đàn giun đất to như những chiếc đũa oằn oại trên những con đường bê tông trong sương đặc, rồi đến trưa thì khô cong, bị gió thổi vun vào thành đống. Buổi trưa, ngồi trong doanh trại nhìn ra có thể thấy rõ những quả đạn chưa nổ vương vãi. Vào mùa mưa thì đất bazan nhão nhoét, cây cỏ vụt trỗi bùng, rắn xanh nhiều như lá rừng, muỗi mòng vần vũ.

Những năm đó là đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế bao cấp. Bữa cơm chỉ có gạo hẩm và cá chuồn khô mục đã có dòi trong khi phải huấn luyện lao động cực nhọc, bộ đội ai cũng vàng vọt xanh xao. Rồi ốm. Ốm bởi một căn bệnh rất lạ. Cứ sốt vật vã mấy tuần, hết nóng rồi lạnh, đái ra máu rồi chết. Mỗi năm sư đoàn tôi chết hàng chục người. Ngay cả Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Văn Rạn cũng chết bởi căn bệnh ấy.

Nhưng ám ảnh chúng tôi nhất là những bãi mìn. Trước khi tháo chạy, quân đội Sài Gòn đã gài mìn dày đặc xung quanh các căn cứ, qua thời gian cây cỏ mọc trùm lên, công binh rất khó khăn dò gỡ. Thế nên khu vực đóng quân của đơn vị tôi hầu như ngày nào cũng có tiếng nổ. Sau mỗi tiếng nổ thường là một con bò cụt chân nhảy tễnh ra đường với ánh mắt hoảng loạn. Có những tiếng nổ khiến một vài người dân đi tìm phế liệu bỏ mạng, thịt xương văng tóe lẫn vào cỏ cây, quạ đen lập tức lượn tới rầm trời. Và đau đớn hơn, có cả những tiếng nổ lấy đi sinh mạng của những người lính trẻ.

Điếng hồn một buổi nắng hanh
Quả đạn sót nổ giữa mùa gieo hạt
Bạn gục xuống đất màu bát ngát
Gió gào bỏng rát
Cao nguyên
Cao nguyên…

Sống trên địa bàn nguy hiểm, ăn uống kham khổ, lương phụ cấp lại quá thấp, cán bộ chiến sĩ không khỏi tâm tư. Ngày đó tôi là Nhân viên tài chính của Trung đoàn 66 nên rất nhớ, phụ cấp hạ sĩ của tôi là 3.700 đồng, lương của thiếu tá trung đoàn trưởng là 17.000 đồng, trong khi một gói thuốc lá Zet hoặc Hero 3000 đồng, một li sinh tố 2000 đồng. Thế nên hầu như không ai có tiền để dành. Mỗi năm một tháng phép anh em chỉ được ứng trước một tháng lương và nhận thêm 21 cân gạo, 1 lít nước mắm, một cân thịt lợn ướp muối. Những thứ đó ai mà mang được về quê trong điều kiện đường sá xa xôi, tàu xe bết bát đi hết cả tuần, đành “hóa giá” đổi lấy con chó làm bữa liên hoan chia tay. Để rồi số tiền ứng trước anh em chỉ mua được vài gói kẹo dừa, vài gói mì chính… làm quà cho gia đình; khi hết phép lại phải gãi đầu, vợ hiểu ý đành bán con lợn đàn gà cho chồng trả phép. Có trường hợp cá biệt, như Trợ lí doanh trại Trung đoàn 66 Đại úy Hoàng Văn Đoán, người dân tộc Tày Cao Bằng, ngày trả phép anh được vợ cho một… con trâu. Anh cưỡi trâu từ bản hết mấy ngày ra thị trấn bán lấy tiền vào đơn vị.

Vì những lí do trên mà rất nhiều sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp không dám về phép.

Đúng lúc ấy, Liên Xô tan vỡ. Sự kiện chấn động thế giới này đã tác động rất lớn tới tư tưởng của bộ đội. Đã có một vài cán bộ làm đơn xin ra quân với lí do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngay tôi cũng quyết định bỏ nghề tài chính, đi học lái xe để có nghề phòng thân.

Nhờ đi học lái xe nên khi trở về Sư 10, tôi được tham gia vào một câu chuyện, một câu chuyện mà tôi vừa là người chứng kiến, vừa là nhân vật.

Một ngày năm 1992, tôi lái chiếc Gaz-69 chở Đại úy Nguyễn Văn Thành, Trợ lí Ban Chính sách Sư đoàn 10 đi tháp tùng đoàn công tác của Tổng cục Chính trị. Hình ảnh tôi nhớ nhất hôm ấy là vị tướng có mái tóc bạc phơ đứng đăm chiêu nhìn rừng tràm xanh xám hồi lâu. Rồi ông khoát tay liên tục, nói gì đó rất nhiều với các thành viên trong đoàn, tôi đứng từ xa nhưng cảm nhận được có một việc gì đó rất quan trọng sắp diễn ra.

Trên đường về tôi được anh Thành cho biết, vị tướng đó là Đặng Vũ Hiệp, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Ngay từ ngày Quân đoàn 3 trở lại Tây Nguyên, Tổng cục Chính trị đã có đề xuất lập các làng quân nhân và đề án đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt. “Cụ Hiệp tâm huyết với đề án này lắm. Hôm nay cụ chỉ đạo phải khẩn trương triển khai để anh em ai đã có gia đình thì đưa vợ con vào. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp chưa có gia đình thì vận động lập gia đình khẩn trương. Thế nên chú phải lấy vợ khẩn trương!”

Tôi nghe và bật cười. Cứ nghĩ anh Thành nói vui. Ai ngờ chuyện thật.

Ngay khi tôi được điều chuyển về Tiểu đoàn vận tải 25, Chính trị viên đại đội đã nói “Mày về đây thì khẩn trương lấy vợ đi.” Tôi cười: “Em mới 22 tuổi, vợ con gì.” Rồi Đại úy Tiểu đoàn trưởng Phạm Thanh Quyển gọi tôi lên ra lệnh: “Chú phải lấy vợ. Chậm nhất là sang năm.”

Không có lí do từ chối, tôi đành chấp hành “mệnh lệnh” lấy vợ và lập tức được gọi đi nhận đất.

Vẫn là anh Thành Trợ lí chính sách dẫn tôi đến khu rừng tràm đã được chặt sạch nằm cạnh Trung đoàn 66. Lúc đó tôi mới biết tiêu chuẩn cấp đất được tính theo những tiêu chí: người có vợ con đang ở đơn vị được tính cao nhất, 6 điểm; rồi mới tới chức vụ, quân hàm, thâm niên công tác… Nhờ cách tính điểm đặc thù này mà tôi, một trung úy chuyên nghiệp lái xe có tổng điểm cao hơn nhiều sĩ quan cấp bậc chức vụ cao nhưng chưa đưa vợ con vào đơn vị.

Vậy là tôi trở thành cư dân của một trong ba ngôi làng quân nhân của Quân đoàn 3. Làng tôi mang tên Đăk Bla, tên một con sông thơ mộng của Kon Tum. Hai làng kia, một có tên Đồng Bằng (tên truyền thống của Sư đooàn 320 - Đoàn Đồng Bằng) ở Biển Hồ, Gia Lai, và một làng có tên Đăk Đoa dành cho sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp của Quân đoàn bộ, ở xã Đăk Đoa, thị xã Pleiku.

Vợ lính ở làng tôi thành phần đủ cả, nông dân, công nhân viên chức, nội trợ..., nhưng vào với chồng, tất cả trở thành thất nghiệp. Tất cả đều phải làm một nghề chung, đó là… trồng rau nuôi heo. Bao chuyện vui buồn đã xảy ra ở ngôi làng lính này xung quanh chuyện xung đột văn hóa, khác biệt nghề nghiệp, tính cách… Nhưng những mâu thuẫn đời thường đó không át được một phẩm chất rất chung của những người vợ lính, đó là các chị đều biết chấp nhận hi sinh, biết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua hoàn cảnh.

Từ hiện thực ấy, tôi đã viết truyện ngắn Gió vẫn thổi qua mùa khô. Bối cảnh truyện là làng quân nhân. Ngôi làng cả tuần vắng bóng đàn ông, vì những người lính phải trực sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị. Truyện có nhân vật Trung đoàn trưởng Vui, một sĩ quan đã kinh qua hai cuộc chiến, luôn vui vẻ hài hước, tự trào ngay cả về hoàn cảnh “vợ già - nhà dột - con dốt” của mình. Tớ lấy vợ già là vì… tham vàng. Tớ quen noọng nhà tớ, được mấy hôm thì dẫn lên đồi. Lần tay vào cạp váy, thấy cục gì to to cưng cứng. Vàng rồi. Quyết, cưới ngay. Cưới rồi mới vỡ mộng, hóa ra cái cục to to cưng cứng kia không phải vàng, mà là… cái cối giã trầu. Nhưng sự thực thì không phải thế. Chị Xinh, vợ anh là một phụ nữ Tày tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, hàng ngày có nhiệm vụ mang lương thực thực phẩm lên chốt và mang quần áo của bộ đội về giặt. Và chị đã quen với mùi mồ hôi của anh. Quen đến mức nghiện. Ngày ở bản, những đêm nhớ chồng, chị cứ mang bộ quần áo của anh ra suối vò giặt. Giờ vào Tây Nguyên, những đêm trăng chị vẫn mang quần áo của anh ra giếng giặt đì đụp cho tới khi mệt bã bời.

Truyện có chú bé Thái, con của Đại đội trưởng Tâm hàng ngày leo lên cây trứng cá cuốn tập vở làm ống nhòm nhìn vào đơn vị rồi thông báo tình hình, còn các mẹ thì vừa làm vườn vừa dỏng tai nghe. Chú Trúc đang dẫn bộ đội từ thao trường về nhé, quần áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Đơn vị đang tập hợp hàng ngang, làm gì thế nhỉ, à, lau súng… Bố Tâm đang xếp hàng xuống nhà ăn, ai cũng một tay cầm bát đũa, một tay cầm ghế, đi đều, mốt hai, mốt hai… Hoặc Mời bà con nghe buổi tường thuật trực tiếp trận bóng đá giữa hai đội U già và U trẻ. Đội U già do bác Vui làm Đội trưởng, mặc áo may ô. Đội U trẻ do bố Tâm làm Đội trưởng, cởi trần trùng trục. Đội U già đang có bóng. Tiền đạo bác Vui đang dẫn bóng… sút… vào… không vào, bóng vọt ra một vườn rau cải rất xanh!

Vợ lính thời nào cũng thế. Đã chấp nhận lấy bộ đội là xác định cách xa. Ngay ở làng quân nhân đấy, mỗi tuần sĩ quan chỉ được về nhà ngủ một đêm. Nếu đơn vị đi diễn tập hoặc làm dân vận trong rừng thì xa nhà cả tháng. Đúng là… gió vẫn thổi qua mùa khô. Thế nên Yến, cô giáo trẻ dạy văn những đêm ngồi nhớ chồng đã viết những dòng thổn thức:

Mùa khô hút mãi cỏ trắng bời bời
Mùa khô nạo mãi quặn lòng giếng khơi
Một con thỏ trắng múa điệu hứng tình
Gió đêm trăng suông hát lời phồn sinh…

Truyện Gió vẫn thổi qua mùa khô in lần đầu ở Văn nghệ Kon Tum năm 2000 được nhiều người đồng cảm. Nhưng khi tôi cho in lại trên một vài tờ báo trung ương, được đưa lên mạng thì nhận được phản hồi: bốc phét, làm gì có ngôi làng nào như vậy. Tôi không thể thanh minh, bởi chưa biết mô hình làng quân nhân được áp dụng ở những quân khu quân đoàn nào. Có thể Tổng cục Chính trị chỉ đề xuất áp dụng ở Quân đoàn 3 chăng?

Tôi đã dò hỏi ai là tác giả của ý tưởng làng quân nhân cho Quân đoàn 3. Có người phán đoán có lẽ của tướng Hiệp, bởi ông từng là Chính ủy Mặt trận B3, rồi Chính ủy Quân đoàn 3 suốt những năm tháng chiến tranh, nên ông hiểu Tây Nguyên, hiểu bộ đội Tây Nguyên. Và nữa, tướng Hiệp rất hay vào Tây Nguyên và lần nào vào ông cũng tới thăm các làng quân nhân.

Một ngày cuối tuần, tôi về nhà thì thằng cu 5 tuổi mang mấy chiếc kẹo Hải Hà, loại kẹo sản xuất ở Hà Nội ra khoe: “Bố ơi, kẹo này là của một cụ tướng cho con đấy.” Tôi hỏi: “Sao con lại gọi là cụ tướng?” Thằng cu bối rối một hồi rồi huơ tay quanh đầu lắp bắp tả: “Vì… vì… cụ ấy tóc trắng… trắng như mây.” Hỏi mấy chị trong làng thì biết tướng Hiệp đến thăm làng, hỏi thăm tình hình và động viên chị em khắc phục khó khăn trước mắt. Ông bảo ông đang nói chuyện với mấy anh lãnh đạo tỉnh để ưu tiên bố trí việc làm cho vợ lính…

Tôi chuyển công tác ra Hà Nội, phải về quê làm nhà đưa vợ con ra. Nhưng đã hơn hai mươi năm rồi tôi vẫn nhớ khôn nguôi những ngôi nhà cấp bốn đơn sơ trong ngôi làng toàn vợ con của lính. Nhớ cảnh những phụ nữ đạp xe lặc lè chở rau chở cám. Nhớ cảnh những sĩ quan cuối tuần về nhà vội cởi quân phục nhảy vào chuồng tắm cho heo. Nhớ những ông chồng bộ đội tranh thủ bổ củi choanh choách mỗi khi được về nhà, tranh thủ sửa máy bơm, nạo vét giếng khơi mùa cạn nước. Nhớ những buổi tối sau đợt diễn tập dài ngày, làng quân nhân râm ran tiếng đàn ông, ríu rít tiếng cười phụ nữ và líu lo tiếng hát trẻ em... Nhớ một thời thương khó. Nhớ và biết ơn. Những mảnh đất rừng được cấp cho lính Tây Nguyên có giá chưa bằng một mét vuông đất ở Hà Nội, nhưng chất chứa những giá trị không thể tính bằng tiền.

Những đứa trẻ được sinh ra ở làng quân nhân thời ấy đều ngoan ngoãn, tự giác học hành, phần lớn đỗ đại học và đã đi làm khắp nơi. Thằng cu nhà tôi, cái đứa tả ông tướng “tóc trắng như mây” ấy hiện đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Nó chuẩn bị cưới vợ, và nơi đầu tiên chúng rủ nhau về thăm là ngôi nhà cũ của tôi ở làng quân nhân Đăk Bla. Nó nói với người yêu: “Đây là nơi anh được sinh ra và lớn lên.”

Nghe con kể, tôi rưng rưng muốn khóc…

Đ.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)