. VŨ CÔNG CHIẾN
Sau ngày 30/4/1975, Trung đoàn 9 chúng tôi nằm trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 320A vào đóng quân ở trong căn cứ Đồng Dù, nơi mà ngày 29/4/1975 chúng tôi đã đánh chiếm.
Sau hai tháng củng cố đơn vị và nghỉ ngơi, cuối tháng 6/1975, Trung đoàn 9 trở lại cao nguyên miền Trung, về lại đội hình của Sư đoàn 968 để làm nhiệm vụ tiễu trừ Fulro. Tiểu đoàn tôi được đóng quân ở một xã vùng ven Buôn Ma Thuột.
Gần một tháng sau trung đội tôi được nhận một chiến sĩ. Tôi hơi ngạc nhiên vì lúc này không phải là thời điểm cần bổ sung quân. Ngạc nhiên hơn nữa khi tôi nhận ra Đạt “khọm”, lính cũ của đại đội tôi.
Đạt “khọm” người Hà Tĩnh, được bổ sung vào đơn vị tôi từ gần cuối năm 1973. Đạt đã gầy, thấp bé, lưng lại còn hơi khòng. Chắc cậu ta được địa phương lấy vét, theo khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả cho tiền tuyến” đang phổ biến như một quyết tâm của các địa phương trên miền Bắc.
Bộ đội vận tải thồ hàng phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: TL
May là vào đơn vị bộ binh nên dù có thấp bé, cứ đủ sức cầm nổi cây súng AK là ra trận được. Bé mà nhanh, vận động linh hoạt có khi lại hay nữa là khác. Chúng tôi đang chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu của năm 1974 ở Tây Nguyên nên cảm giác ban đầu về Đạt “khọm” đối với cánh lính cũ có vẻ được quên đi. Nói có vẻ, vì lúc ra tuyến trước, đi đánh nhau thì không sao, nhưng lúc phải cùi cõng vận chuyển gạo đạn, nhất là phải khiêng cáng thương binh thì Đạt “khọm” không theo nổi. Đeo có hai chục cân gạo hoặc mươi quả đạn cối 60 là cậu ta ì ạch như chú ngựa già thồ nặng. Còn nhiệm vụ khiêng cáng thương binh, nhìn dáng vẻ của nó cán bộ đại đội hay trung đội cũng không nỡ cắt cử vì nó khiêng sao nổi. Chúng tôi thương nó lắm, dù lúc đó chính chúng tôi cũng gian nan vì cả đơn vị đều phải ăn đói, mỗi bữa chỉ được hơn bát cơm sắn xới không được đầy.
Mùa mưa năm 1974, khi đang đứng chân trên địa bàn Chư Nghé ở phía tây thị xã Pleiku, tiểu đoàn chúng tôi phát nương vỡ đất được hơn chục héc ta ở bên bờ sông Ba, cách hậu cứ của đơn vị hai chục cây số. Lúa nương dài ngày hơn lúa nước, từ lúc tra hạt tới lúc gặt gần hết mùa mưa, năng suất cũng không cao, chỉ được chừng một tấn thóc trên một héc ta. Mất tới nửa tháng tiểu đoàn mới thu hoạch xong, được hơn 15 tấn thóc, phơi khô rồi làm lán, làm kho cất giữ. Chưa kịp làm cối để xay giã thóc lấy gạo nấu bát cơm gạo mới, thành quả đầu tiên của một năm tăng gia có quy mô, thì đơn vị có lệnh phải ra tuyến trước, chỉ để lại mấy chiến sĩ làm nhiệm vụ coi khu tăng gia.
Đạt “khọm” vừa qua trận sốt nên được ở lại trong tổ coi kho gồm ba người do Tường “lác”, một chiến sĩ bên đại đội bạn phụ trách. Việc cử người ở lại khu tăng gia thường theo tiêu chí anh nào ốm yếu, bị thương nhưng chưa tới mức phải đưa ra Bắc sẽ được chọn. Rồi hàng năm đơn vị lại cử người ốm yếu, bị thương về thay cho người đã khỏe ra tuyến trước. Có thể nói, được giao nhiệm vụ ở lại coi khu tăng gia là một sự may mắn vì được hưởng những ngày xa bom đạn hiểm nguy.
Song chẳng ai ngờ tình hình chiến sự diễn biến nhanh đến không ngờ. Cả trung đoàn bí mật hành quân xuống Đắk Lắk ngay từ giữa tháng 1/1975, tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, đánh Buôn Ma Thuột, tràn xuống đồng bằng ven biển miền Trung rồi quay trở lên cao nguyên theo đường 14 xuống phía nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại quân thắng trận như vũ bão, mỗi ngày giải phóng một tỉnh miền Trung.
Những ngày sau 30/4/1975, trong niềm vui sướng tột cùng vì đất nước thống nhất, chúng tôi quên khuấy khu tăng gia của tiểu đoàn ở Chư Nghé, quên hẳn những tấn thóc tự tay làm ra và cũng quên luôn cả mấy thằng lính ở lại đó.
Vậy mà Đạt “khọm”, cái thằng lính ốm yếu và bé nhỏ trong trung đội tôi lại lù lù xuất hiện. Những ngày đầu về lại đơn vị vẻ mặt của nó cứ ngơ ngơ ngác ngác. Cũng như chúng tôi mấy tháng trước từng ngỡ ngàng và ngơ ngác khi bắt đầu đặt chân xuống đồng bằng, mọi thứ từ nhà cửa đến đồ đạc đều lạ lẫm với chúng tôi. Thế nên anh em trong trung đội hiểu và thương Đạt lắm. Chúng tôi thường ngồi quây quần nghe nó kể về những tháng ngày ở lại rừng…
*
* *
Tháng đầu tiên tổ chỉ việc trông coi cho khỏi chuột bọ cắn phá. Mùa khô nên cũng chẳng phải lo lắng nhiều. Tháng đầu tiên được đơn vị cấp đủ gạo muối, chúng nó thật thảnh thơi. Ngày lại ngày, hết khoác súng đi kiểm tra quanh kho lại quay về lán chơi bài “tiến lên”, rồi nấu ăn. Vùng này xa nơi chiến sự tới ba chục cây số nên không có tiếng máy bay và tiếng pháo. Các bản dân tộc vốn rất nhỏ bé và thưa thớt cũng ở cách đó rất xa, thực chất là chẳng biết họ ở đâu. Thám báo thì chắc chỗ này chúng chẳng buồn mò tới.
Chơi mãi cũng chán, chúng nó bắt đầu trông ngóng có người của đơn vị về thay. Chờ mãi không thấy, chúng nó đoán già đoán non rồi bắt đầu sốt ruột. Thêm một tháng nữa trôi qua rồi cái tết sắp đến. Mọi năm ở đơn vị là bắt đầu mong tới lúc đơn vị mổ lợn và được gói bánh chưng. Tổ trưởng Tường “lác” bàn bạc rồi quyết định để Đạt “khọm” ở lại coi kho, còn hai đứa khoác súng mò về khu hậu cứ tiểu đoàn. Mất gần một ngày mới về tới nơi, thấy nhà lán và hầm hố vẫn còn nhưng chẳng có bóng người. Tường “lác” đoán có lẽ quân ta đang đánh thắng nên hậu cứ tiểu đoàn đã được nhích lên một vùng mới gần tuyến trước hơn. Chưa chuẩn bị tinh thần đi tiếp vì cũng không biết nên theo hướng nào, sau khi lục lọi khắp nơi và tìm thấy chiếc vỏ bao tải còn sót lại một ít muối, Tường “lác” và Thám quyết định quay trở lại khu tăng gia.
Vừa nghe ngóng chờ người của đơn vị tới, Tường “lác” vừa chủ động lo cho cái tết của tổ. Gạo đơn vị cấp đã hết, nhưng kho thóc còn đầy. Thế là cả ba hì hục tự làm chày cối từ những gốc cây khô, tự giã thóc lấy gạo. Gạo không được sạch lắm vì vẫn lẫn cám, nhưng nấu lên ăn thấy rất ngon. Khoản chính thế là ổn. Tiếp theo ba thằng ra những đoạn suối cạn tát cá, rồi đi săn thú và tìm hái các loại rau dại ven suối. Cái tết ấy tuy không có bánh chưng, thuốc lá nhưng cơm và thịt cá rất đầy đủ.
Sau tết, Tường “lác” suy nghĩ, phán đoán rồi quyết định: Hình như tình hình có điều gì đó không bình thường, cần phải đi tìm đơn vị. Thế là cả ba khăn gói lên đường. Lúc này là tầm giữa tháng 3, lính địch trên cao nguyên đang tùy nghi di tản và rút chạy, còn quân ta bám theo truy kích, nhưng làm sao tổ coi kho biết được thế. Cũng không hề biết cả trung đoàn và sư đoàn đã rời xuống Đắk Lắk từ lâu, thế chân cho đơn vị ở vùng này chỉ có một trung đoàn bạn từ Lào sang, quân số ít và chính họ cũng đang mải miết vào trận. Vì thế khi đã tới gần đường 14 mà vẫn không gặp quân ta thì cả tổ không dám đi tiếp, lại kéo nhau về khu tăng gia.
Mấy tháng trời không gặp bộ đội, cũng không thấy bóng dáng người dân, cả ba cứ lặng lẽ giữa rừng. Khi có những trận mưa đầu mùa đổ xuống, lúc này muối đã hết, cả ba phải ăn tới tro cỏ tranh, còn gạo, thịt cá và ngay cả rau xanh vẫn dồi dào. Điều may mắn cho cả tổ là không ai bị tai nạn bất ngờ hay sốt rét ác tính. Cậu Thám bị sốt rét một lần nhưng là sốt rét thường nên sau dăm ngày nằm bệt lại dậy được.
“Những ngày tháng ấy buồn đến thê thảm!”- Đạt “khọm” than.
Cứ theo lời kể thì những ngày đó anh em trong tổ coi kho rơi vào một tâm trạng rất khó tả: Vừa cô đơn vì ở nơi hoang vắng, vừa tủi vì nghĩ bị đơn vị bỏ rơi, và lo lắng hoang mang vì không biết anh em ở đơn vị chiến đấu sống chết thế nào…
Cho đến một ngày cuối tháng 7/1975, tổ coi kho mừng phát rồ lên khi thấy có người tìm đến. Đó là thời điểm sau khi ổn định nơi đóng quân ở Buôn Ma Thuột tiểu đoàn mới nghĩ đến chuyện thu quân ở khu tăng gia. Anh Chớt trợ lí hậu cần tiểu đoàn dẫn một tốp ba người trở lại. Lúc này chuyện xin xe không còn khó khăn, nhưng xe ô tô cũng chỉ vào được tới khu hậu cứ cũ của tiểu đoàn ở Chư Nghé. Cuốc bộ từ đó tới khu tăng gia hai chục cây số cũng mất ngày trời. Ở lại thêm một ngày nữa để thu dọn đồ cá nhân, ba chàng lính coi kho vừa ngạc nhiên vừa ngơ ngác trước tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng được mấy tháng rồi.
V.C.C
VNQD