Thép giữa trùng khơi

Thứ Bảy, 20/04/2024 07:52

. NGUYỄN THANH TÂM

 

Roẹt! Dải điện tâm đồ nhì nhằng được xé ra từ máy in: Nhịp tim bất thường. Giời ạ! Thế này thì còn đi biển đảo gì nữa. Tôi hoang mang, bởi mình vốn khỏe mạnh, bao lần khám định kì, các cơ quan bộ phận đều chạy ngon lành, ổn định cả. Giữ hơi thở sau vòm ngực áo blouse căng tròn, nữ y tá nhìn tôi với ánh mắt dễ làm người ta thổn thức, anh yên tâm, bác sĩ sẽ căn cứ trên nhiều thông số của tâm đồ để đánh giá. À, ừ! Cảm ơn em… đồng chí! Tôi cầm giấy tờ về phòng khám ban đầu. Đo khám lại huyết áp, xem xét kĩ lưỡng tâm đồ, bác sĩ kết luận: Tim và huyết áp bình thường. Thế chứ! Cơ mà, mới chạm chút sóng mắt mà tim đã thế kia, lênh đênh dài ngày trên biển, sóng gió rồi sẽ ra sao?

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Ảnh: TL

Từ biệt những ngày co ro xứ Bắc, xốc ba lô, tôi vào phương Nam trong kế hoạch công tác của Quân chủng Hải quân. Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng 2 đón tôi bằng một buổi trưa ràn rạt nắng. Tôi thèm cái nắng gió này, để làm săn lại những đường gân thớ thịt và sức vóc của thời trẻ trai. Mọi thủ tục chuẩn bị cho hải trình đến với nhà giàn DK1 và các cơ quan dân chính Đảng huyện Côn Đảo đã được BTL Vùng 2 hoàn tất. Các đại biểu, phóng viên báo đài từ Trung ương đến địa phương, theo danh sách hơn 100 người, hôm trước hôm sau đã tề tựu đông đủ. Khí thế cho một chuyến vươn khơi bừng lên. Ai cũng hân hoan, lỉnh kỉnh nào máy ảnh, máy quay, chân càng đế máy, vali, ba lô…, đặc biệt là hàng hóa, quà tặng từ rất nhiều tổ chức, cá nhân trong đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ nhà giàn và quân dân trên huyện Côn Đảo. Theo báo cáo, có tới hơn 20 tấn hàng theo tàu. Điều đó nói lên tình cảm, sự quan tâm của đất liền đối với biển đảo và nhà giàn.

Chiều ngày 8/1/2024, trước giờ họp báo, lễ tưởng niệm các tiền nhân, anh hùng liệt sĩ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc đã diễn ra trang nghiêm, xúc động trong không gian văn hóa BTL Vùng 2 Hải quân. Thắp nén nhang lên linh đài, nghĩ về những bậc nghĩa dũng, tôi thấy mình như vững vàng hơn. Biển ngoài kia, rất gần.

BTL Vùng 2 Hải quân được giao nhiệm vụ quản lí vùng biển, đảo rộng trên 300.000 km2 kéo dài từ Mũi Ba Kiệm, Hàm Tân (Bình Thuận) đến cửa sông Ghềnh Hào (Bạc Liêu), bao gồm toàn bộ khu vực thềm lục địa phía Nam kéo dài đến điểm tiếp giáp đường phía Đông giữa ba nước Việt Nam - Indonesia - Malaysia và khu vực nhà giàn DK1. Đây là vùng biển rộng lớn, nhiều tiềm năng khoáng sản, hải sản. Tuy nhiên, nó cũng là khu vực nhạy cảm, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Đêm trước giờ ra khơi, khó ngủ, tôi trở dậy ngồi xem bản đồ và hải trình của đoàn công tác. Chúng tôi sẽ đến nhà giàn trên con tàu Trường Sa 04 (TS04), thuộc Lữ đoàn 125, xuất phát từ quân cảng Long Sơn vượt hơn 2000km trên biển. Nhìn con tàu với độ giãn nước 2000 tấn đậu trong quân cảng như một tòa nhà lớn, tôi thấy vững tâm.

Bình minh lên trên căn cứ quân sự Long Sơn. Đất trời phương Nam vẫn chứa chan nắng gió hào sảng như vốn có. Đoàn công tác số 01, do Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy BTL Vùng 2 Hải quân làm Trưởng đoàn; Trung tá Nguyễn Tấn Hạnh - Chỉ huy hành quân; Thiếu tá Trần Văn Hải - Thuyền trưởng. Tất cả đã chuẩn bị xong xuôi. Tôi ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng và cờ hiệu Hải quân tung bay trên đỉnh tháp lái, lòng rộn rực, cảm nhận tiếng thở dồn nén, khỏe mạnh và hăm hở của TS04 trước giờ vượt trùng khơi.

Có rất nhiều bịn rịn bên bờ sóng. Màu lâng lâng dậy lên trong nắng và hơi gió biển nồng nàn. Một nhóm chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn DK1 ra tiễn đoàn đang chen vai đẩy một chàng lính trẻ về phía người yêu. Chàng hạ sĩ măng tơ Phan Tấn Giàu dịp này lên nhà giàn thay quân ngượng nghịu bên cô bạn gái Quỳnh Như bẽn lẽn. Những tâm hồn trẻ trung say mê ấy, lúc này họ đang nghĩ gì? Cánh phóng viên phát hiện ra cặp đôi Tấn Giàu - Quỳnh Như lập tức vây lấy, hỏi han, chụp hình, quay phim… Đây sẽ là những tư liệu thật hay, minh chứng cho tình yêu người lính, những cuộc chia tay, nhớ nhung, chờ đợi, thủy chung và ước hẹn sum vầy. Bất giác, tôi nhận ra có ngọn sóng khẽ dâng trong mắt một chàng lính khác. Hiểu ánh mắt ấy, tôi chợt nhớ về câu thơ trong bài Viết cho em từ cửa biển của Lưu Quang Vũ: Tươi trẻ đến phát lo/ Ồn ào mà sâu hút. Hiện tại này thật đáng sống, đáng quý. Trời trong trẻo thế kia, nắng rực rỡ thế kia, hoa tươi thắm thế kia, người bên người hân hoan quyến luyến thế kia, sao phải bận lòng về sóng gió. Bấm máy, chụp cận cảnh hai người bạn trẻ, tôi gửi về cho vợ: Anh vẫn như ngày mười bảy tuổi/ Ngực bồn chồn ước ao (Lưu Quang Vũ). Tôi biết, mình sẽ có nhiều câu chuyện với Giàu, một lúc nào đó, giữa trùng khơi.

TS04 kéo hồi còi dài chào đất liền. Tiếng còi rền vang sung sức. Mọi người đổ về mạn trái, đưa tay vẫy vẫy. Trên cầu cảng, đoàn cán bộ chiến sĩ BTL Vùng 2 Hải quân đứng nghiêm, đưa tay chào. Gió tràn lên mặt boong, xoa vào mắt người đi. Biển chùng chình mở ra một vùng sáng lấp lóa…

Sóng ghê đấy chứ! Phải cấp 5, cấp 6. Gió bấc nên biển động. Tiếng ai đó bị tạt đi. Phải ra khỏi phao số 0 cơ. Mới non hai chục hải lí chứ mấy. Khu vực DK1 cách đất liền chừng 250 - 350 hải lí. Đây là tên viết tắt của cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, từ vĩ độ 07010’N đến 08030’N và từ kinh độ 109000’E đến 112030’E, phía Đông giáp quần đảo Trường Sa, phía Nam giáp vùng biển Malaysia, Indonesia, có diện tích khoảng 65.551km2. Với vị trí án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Nam Á và tuyến hàng hải chính qua Biển Đông, khu vực biển này có vai trò chiến lược trong việc phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh của đất nước. Nắm rõ vị trí, tầm quan trọng của khu vực biển DK1 và tình hình phức tạp trên Biển Đông, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị số 180CT về việc xây dựng cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ tại khu đá ngầm thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau 35 năm thăm dò, kiến thiết, hiện nay ta đã có 20 nhà giàn trên vùng biển trọng yếu của Tổ quốc.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là nhà giàn DK1/15 trên bãi cạn Phúc Nguyên. Tốc độ tàu theo báo cáo là 7-8 hải lí/ giờ. Về lí thuyết, phải chừng 40h chúng tôi mới có thể tới đó. Sóng biển mạnh hơn, cao hơn, tung lên boong từng mảng trắng xóa. Người có kinh nghiệm đi biển một vài lần thì tỏ ra bình tĩnh. Cánh trẻ mới lần đầu ra khơi háo hức ùa lên mặt boong, lan can thành tàu, ghi lại những hình ảnh biển trời bao la và sóng nước kì vĩ. Chẳng mấy chốc, những tấm chiếu chưa trải đã bệch bạc, chuệnh choạng vì ngấm đòn của biển. Bữa trưa còn rôm rả, quá chiều đã thưa vắng đi nhiều khuôn mặt, giọng nói. Nguyễn Đăng An, tay máy quay phim của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương, cùng phòng với tôi, thều thào: Em không biết ngồi dậy bằng cách nào anh ạ! Phòng sáu, thì ba người bỏ bữa. Số còn lại trong đó có tôi vẫn gắng cơm nước, đứng lên, ngồi xuống, đi lại trong trạng thái chực say. Sẽ cần thời gian để cơ thể thích nghi với điều kiện bồng bềnh, chao đảo này.

Đã gần nửa đêm của ngày 10/1, nghĩa là sau gần 40h vượt sóng, tôi nghe thông báo tàu đã đến gần bãi cạn Phúc Nguyên, chuẩn bị thả neo. Sóng lớn, độ sâu vùng bãi cạn chừng 25m, để đảm bảo an toàn cho nhà giàn, tàu neo cách DK1/15 chừng 1km. Không ngủ được vì nôn nao, tôi thức chờ trời sáng, lắng nghe con tàu vặn mình trên sóng. Tiếng máy dường như dịu lại ngơi nghỉ. Trung úy, Máy trưởng Dương Tuấn Anh vẫn đi lại dưới buồng máy, theo dõi từng hơi thở của con tàu. Chiếc giường tầng nhỏ bé tôi đang nằm đây là giường của anh. Cán bộ chiến sĩ trên tàu đã nhường cho chúng tôi nằm, còn mình mắc tăng võng dọc các lối đi để tranh thủ chợp mắt. Trở dậy, tôi mò xuống buồng máy. Không thể nói chuyện ở chỗ này, tiếng máy át đi tất cả. Tôi gật đầu chào Tuấn Anh với cái nhìn cảm kích vì sự tận tụy mà tàu TS04 dành cho đoàn công tác. Tuấn Anh mỉm cười nhìn tôi, chỉ vào chiếc ghế máy trưởng. Tôi lắc đầu. Không đến 10 phút, tôi đã phải nhào lên. Quá ngưỡng chịu đựng rồi!

Biển có bao giờ ngủ không nhỉ? Chắc là không! Loài người chắc cũng chẳng bao giờ có cơ hội được thấy điều đó. Nhìn qua ô cửa nhỏ, một chấm sáng phía xa, nhà giàn vẫn thức, chúng tôi đang thức, trên vùng biển thiêng liêng của nước mình.

Rồi cũng sáng. Giữa đại dương, bốn phía đều là chân trời, chỉ khi trước mắt một quầng sáng ửng lên, Đông - Tây mới định hình rõ rệt. Sáng nay, tàu TS04 sẽ làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Mọi công tác chuẩn bị đã xong, tất cả trang nghiêm, tề chỉnh như chưa hề biết đến hải trình sóng gió đã qua. Biển vẫn thét gào như thử thách, sóng cồn, gió giật, tàu rung lắc mạnh. Mọi người cầm tay nhau, đứng vững trên boong trong đội hình tưởng niệm. Trong ánh mắt mỗi người, hằn lên những nét kiên ngạnh. Giữa khói hương tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ trên vùng biển thiêng liêng, tôi chợt nghĩ, phong ba bão táp như một nét dằn dữ tô đậm cho lịch sử. Ở đó, trong sâu thẳm thời gian, chúng ta càng khắc ghi những tuổi tên đã hóa thân mình vào sóng nước quê hương. Trên nền của bức tranh dữ dội ấy, thấp thoáng những gương mặt cương nghị, những ánh mắt rực lên khí phách kiên cường. Này sóng gió! Có phải đã gào thét từ đêm 5/12/1990 trên bãi Phúc Tần? Quên sao được, những cái tên như Trung úy Trần Hữu Quảng, Trung úy QNCN Trần Văn Là, Hạ sĩ Hồ Văn Hiền, đã anh dũng hi sinh giữa mịt mù sóng dữ khi nhà giàn sụp đổ. Đến giây phút cuối cùng, họ vẫn kiên cường bám trụ, quyết không rời trạm. Này bão tố! Có phải đã trùm qua nhà giàn DK1/6 trên bãi cạn Phúc Nguyên rạng sáng ngày 14/12/1998? Quên sao được, 9 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/6 bị hất tung xuống biển trong cơn bão giật trên cấp 12. Ba người con kiên dũng của nước Việt mãi mãi nằm lại với biển khơi: Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy QNCN Lê Đức Hồng, Chuẩn úy QNCN Nguyễn Văn An. Giai điệu Hồn tử sĩ trầm hùng bi tráng ngân lên. Phút mặc niệm bắt đầu. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những con người bất tử, mong các anh yên nghỉ, thanh thản trong bóng hình sóng nước quê hương. Giữa biển trời Việt Nam, xin hương hồn các liệt sĩ phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau, giữ yên biển, đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc.

Cánh hạc trắng trong tay tôi cựa mình bay lên, chao liệng và đậu vào mặt sóng.

Đoàn công tác số 01 trên tàu TS04 có nhiệm vụ thay thu quân, tặng quà và chúc tết các nhà giàn DK1/15, DK1/11, DK1/14, DK1/12, DK1/10, hai tàu trực trên biển và 14 cơ quan dân chính Đảng huyện Côn Đảo. Điểm đến đầu tiên là DK1/15, thuộc bãi cạn Phúc Nguyên. Sau lễ tưởng niệm trang nghiêm, xúc động, mọi người bắt tay ngay vào việc. Sóng gió vẫn chẳng nguôi ngoai. Phương án đưa người và hàng lên nhà giàn bằng xuồng công tác không thể thực hiện được. Những ánh mắt lo lắng, chấp chới dõi về phía nhà giàn. Chiếc xuồng chở Phó Chính ủy BTL Vùng 2 Hải quân buộc phải quay lại tàu vì không thể tiếp cận. Chỉ cách non 1km, nhưng có lúc sóng trùm lên, che khuất cả tầm nhìn phía chiếc xuồng tiên phong.

Triển khai phương án 2. Tiếng Chỉ huy hành quân Nguyễn Tấn Hạnh vang lên. Tổ dây mũi chú ý, bám bắt dây phao phía nhà giàn, đưa hàng lên bằng phương pháp thả dây phao… Từng kiện hàng được bọc trong túi nilon chuyên dụng, neo chặt vào dây chão, từ từ thả nhẹ xuống biển. Phía bên kia, cán bộ chiến sĩ nhà giàn đang xoắn tay kéo hàng. Không khí chờ đợi căng như sợi dây phao giữa vùng nước xiết. Với điều kiện này, mỗi cân hàng hóa sẽ nặng thêm từ 4-5 lần. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía ấy, thấp thỏm. Biết bao tình cảm mến yêu của đất liền đang nhấp nhô giữa bầy sóng dữ.

Quá trưa, hàng đã tập kết lên nhà giàn trong tiếng reo mừng của mọi người trên tàu TS04. Tiếng loa từ đài chỉ huy lại vang lên, mọi người tập trung về buồng lái, chúc tết nhà giàn qua bộ đàm sóng cực ngắn (ICOM). Không gian đài chỉ huy chật căng những ánh mắt, những nhịp thở xúc động. Không thể lên nhà giàn để trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đây, ai cũng thấy không đành lòng. Nhưng, sóng gió nhường kia, nếu xảy ra mất an toàn trong khi thực hiện nhiệm vụ thì sao? Cầm lòng vậy! Tôi nghe tiếng đồng đội từ máy sóng cực ngắn, chợt thấy tim mình thắt lại. Xung quanh, những ánh mắt đỏ hoe, rơm rớm. Tất cả lặng im. Lặng im để lắng nghe tiếng Việt giữa trùng khơi, hiện thân của chủ quyền trên vùng biển yêu thương.

Sáng ngày 12/1/2024, TS04 nhổ neo rời bãi cạn Phúc Nguyên, hướng về phía cụm nhà giàn Tư Chính. Tại đây, đoàn công tác có nhiệm vụ thay thu quân, tặng quà, chúc tết các nhà giàn DK1/11, DK1/14, DK1/12. Khi chân trời còn chưa tỏ, tôi mon men lên boong. Sóng gió dường như mạnh hơn hôm qua. Thiếu tá Nguyễn Duy Tuyên, Trợ lí Tuyên huấn - Phòng Chính trị BTL Vùng 2 Hải quân đang tập thể dục ở khu vực boong chìa, thấy tôi liền nói: Em đi biển nhiều, sóng gió thế này là lớn đấy anh ạ! Nhìn mặt biển cuộn sôi, lòng tôi lo lắng: liệu có thể vào nhà giàn được không? Những dự định, ấp ủ vẫn còn đó, càng thôi thúc tôi hơn. Tổ dây neo và các bộ phận thực hiện nhiệm vụ đã vào việc. Mọi người được trang bị áo phao, dép rọ, mũ cứng, nai nịt gọn gàng chuẩn bị xuống xuồng lên nhà giàn DK1/11. Sau DK1/15, quyết tâm của đoàn công tác càng cao hơn. Xuồng được cẩu lên cao, vượt qua thành tàu để hạ thủy, nhưng gió to quá, thổi bạt cả xuồng. Các chiến sĩ phụ trách dây neo gắng hết sức, lựa chiều gió khi căng khi chùng, giữ cho xuồng không bị vặn xoắn chòng chành. Dưới mặt biển sóng cuộn lên, trên không gió giật liên hồi, có người phải nằm soài xuống sàn tàu, chân đạp vào trụ thép để ghìm chặt dây neo. Giữa đại cảnh trùng khơi, xuồng như một thân lá nhỏ. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía chiếc xuồng đang lơ lửng trên mạn phải con tàu. Tất cả đều rất tập trung và quyết liệt. Dây cẩu rung lên căng thẳng. Xuồng bị đánh bạt vào thành tàu. Tiếng va chạm kim khí làm tôi tức ngực. Gió ào ạt mà sao bức bối quá. Vần vũ mãi, cuối cùng chiếc xuồng cũng đậu xuống mặt nước. Mọi người reo lên. Trung úy, Máy trưởng Dương Tuấn Anh, Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Hạnh (nhân viên cơ điện) cùng hai đồng chí khác và một số hàng hóa đang ở trên xuồng, chuẩn bị tiếp cận nhà giàn chuyến đầu tiên. Máy nổ giòn, nhưng sao trông Tuấn Anh có vẻ ngơ ngác? Bánh lái không có tác dụng. Tiếng bộ đàm rột roạt. Máy trưởng ngước lên tàu ra hiệu. Thôi! Thế là hiểu rồi. Mọi nỗ lực của cả tàu đã bị sóng gió bẻ gãy. Cú va ban nãy làm bật tung chiếc ốc gắn chân vịt với trục bánh lái. Lại vật lộn giằng giữ để đưa xuồng lên. Thời gian nén lại, nhích dần về trưa. Nắng ong ả làm se nhanh vệt nước biển, tạo thành những tinh thể muối trắng mỏng bám trên vạt áo hải quân. Thả hàng bằng dây phao. Đài chỉ huy phát đi mệnh lệnh. Nỗi buồn ập vào tôi. Phía không xa kia, những chiến sĩ nhà giàn đang căng tay kéo hàng, đợi một mùa xuân trên biển.

Những ngày tiếp theo của chuyến hải trình, tàu TS04 cố gắng tiếp cận các nhà giàn DK1/14, DK1/12. Không thể mạo hiểm đưa người và hàng hóa lên nhà giàn bằng xuồng trong điều kiện sóng to gió lớn. Trưởng đoàn và Chỉ huy hành quân nhận định. Vẫn phải thả dây phao và chúc tết qua bộ đàm. Đã là đầu tháng 1/2024 dương, nhưng lịch âm là cữ chạp áp tết, không khí lạnh tràn về từ phương Bắc gây biển động và sóng gió cho phương Nam. Giờ này đất liền đã rộn rã sắc xuân.

TS04 kéo còi chào DK1/14. Lại đi. Rẽ sóng, chờm lên sóng mà đi. Đã cân bằng với những ngả nghiêng, chúng tôi bình thản hơn. Gian khó làm người ta thêm vững chãi trước những thử thách. Sau bữa cơm tối, tôi thường ra boong ngồi nhìn biển đêm. Vẻ huyền bí hoang dại này, chắc vẫn giữ nguyên từ tiền sử. Tôi thèm một điếu thuốc lào thật đã. Cho say. Có phải A. Rimbaud đã mê cái phóng khoáng cuồng hoạt này khi ông viết Con tàu say? Có phải Trần Dần đã phải lòng muôn hải lí/… bỏ sau lưng nghìn hải cảng mưa buồn? Hãy quên đi Đêm đại dương (V. Hugo), bởi lòng ta đang say với biển trời xứ sở. Mơ màng, chợt tôi trông thấy một bóng người, lặng im bên cột thép thành tàu. Lại gần, thì ra, đó là Đại úy Phạm Tiến Dũng, vừa trở về từ nhà giàn DK1/14. Anh Dũng quê Nam Định, hơn tôi mấy tuổi, ra nhà giàn từ 4/2023. Anh kể tôi nghe nhiều câu chuyện về biển cả và nhà giàn, những thử thách đến từ nhiều phía, và tinh thần quả cảm, khả năng thực hiện nhiệm vụ xuất sắc của anh em chiến sĩ nhà giàn. Ánh đèn trên mái boong chìa chiếu một vạt nghiêng nghiêng, hai khoảng sáng tối tạc vào đêm khuôn mặt rắn rỏi và cương nghị. Dõi về phía đất liền, anh bảo xuân này sẽ về ăn tết cùng gia đình cả ở Nam Định và Hà Tĩnh quê vợ. Bố đẻ anh bị đột quỵ từ 6 tháng trước mà anh chưa thể về được. Tàu chợt hụt xuống quãng giữa hai đợt sóng. Biển thẳm hơn trong mắt người giữa đêm đăm đắm nhìn về quê nhà.

Đã đến gần DK1/12. Hi vọng càng nhiều hơn. Với sóng gió này, e chừng chúng tôi lại vẫn chưa thể lên được nhà giàn. Biển chẳng mỏi mệt ư, sau bao kỉ nguyên bão tố? Hay biển muốn thử lòng người? Nếu máu và nước mắt còn mặn, tôi nghĩ, hẳn là con người còn thi gan cùng với biển. Chẳng phải những nhà giàn và người lính nơi đầu sóng ngọn gió, giữa mênh mông trời nước kia là một bằng chứng hùng hồn cho cuộc thi gan bền bỉ ấy hay sao? Vật liệu bằng thép vẫn có thể bị mài mòn, hoen gỉ, đổ gục trước sóng gió trùng khơi, nhưng còn một chất thép khác, chất thép của ý chí con người, qua “lửa đỏ và nước lạnh” (Thép đã tôi thế đấy - Nikolai Ostrovsky), qua máu và nước mắt, với hàng ngàn năm kiên cường hun đúc, sẽ chẳng dễ bị khuất phục. Không những thế, tôi nghĩ rằng, chất thép ấy sẽ càng sáng hơn trong mịt mù đêm tối, càng cứng cáp bền bỉ hơn trong phong ba bão táp.

Tàu thả neo bên cạnh DK1/12. Thời tiết bất lợi. Để đảm bảo an toàn trong thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi chưa thể lên nhà giàn. Lòng tôi như có lửa đốt. Đi nhà giàn, dự định viết về nhà giàn mà không đặt chân lên tận nơi, gặp gỡ trực tiếp anh em cán bộ chiến sĩ, trải nghiệm cuộc sống nhà giàn, thì còn nói chuyện gì. Sau khi thả hàng xong, chúng tôi lại tập trung về đài chỉ huy để chúc tết qua bộ đàm. Lời chúc ấm áp, nghĩa tình của Phó Chính ủy BTL Vùng 2 Hải quân, những bài hát nghẹn ngào xúc động của anh chị em phóng viên gửi cả mùa xuân qua sóng ngắn về với nhà giàn.

TS04 chuyển hướng Tây Nam đến nhà giàn DK1/10 thuộc bãi cạn Cà Mau. Nếu dựng một tam giác mô tả toàn bộ hải trình, với ba đỉnh là BTL Vùng 2 Hải quân - Bãi Tư Chính - Bãi Cà Mau, thì quãng biển chúng tôi đi đây là một cạnh lớn. Ước chừng, tàu phải mất 36 tiếng mới đến nơi. Nghe nói, vùng biển này đỡ sóng gió hơn vì khuất về phía Vịnh Thái Lan. Lòng tôi càng nôn nao, có lẽ đây là cơ hội cuối cùng của tôi trong chuyến đi này để đặt chân lên nhà giàn.

Một đêm… Hai đêm… Tàu bỏ lại sau lưng những vùng biển thẳm. Dưới thân tàu, tôi nghe những tiếng lục bục, va đập liên hồi. Cảm giác như khi sàn xe ô tô sụp vào những gờ đá trên đường. Sóng đấy! Chẳng biết tàu đang đi qua một con sóng hay một con sóng vừa ngang qua tàu. Đầu tôi vụt nghĩ đến sóng lừng, thứ sóng độc trên đại dương. Với chiều cao từ 20-50m, đột ngột dựng đứng lên rồi đổ ụp xuống và biến mất, sóng lừng gieo rắc ám ảnh kinh hoàng lên những ai đi biển và làm đau đầu giới nghiên cứu khí tượng thủy văn, địa chất, hải dương học… Khác với các loại sóng trên mặt biển, sóng lừng là một sát thủ cô độc, thầm lặng, bất ngờ, ra tay chớp nhoáng và biến mất không để lại dấu vết. Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định chính xác lai lịch, hành tung, bởi hầu như không thể theo dõi, dự báo hay điều tra trước, trong và sau khi nó xuất hiện. Tiếng lục bục dưới thân tàu này, có thể là một con sóng con đang đi tìm mẹ, hợp bầy làm nên sóng lừng. Cũng có thể, đó chỉ là tiếng thở nhẹ trong âm u trên hành trình vạn dặm của gã sát thủ biển sâu. Dẫu thế, TS04 vẫn chồm lên, sóng ràn rạt hai bên thân, sôi lục bục dưới bụng thép. Sáng mai là đến bãi cạn Cà Mau thôi.

Vùng biển Tây Nam mũi Cà Mau đón chúng tôi bằng một buổi sáng sóng gió có vẻ hiền hòa. Ấy là so với những chặng dữ dội đã qua, chứ tầm này cũng phải cấp 3, cấp 4. Theo kế hoạch, tôi sẽ lên nhà giàn vào buổi chiều, nhưng đề phòng thời tiết trở xấu, Phó Chính ủy BTL Vùng 2 động viên anh em, cố gắng tiếp cận nhà giàn, có thể xuyên trưa. Quá trình từ tàu xuống xuồng, từ xuồng lên nhà giàn và ngược lại gian nan hơn tôi tưởng. Quả thật, nếu chỉ đứng nhìn, nghĩ, hoặc nghe nói, thì không khó. Phải mặc áo phao vào, thắt chặt dép rọ, quai mũ, leo thang dây từ tàu xuống, từ xuồng lên, trong điều kiện sóng gió dập nhồi chao đảo, xuồng trồi sụt, lúc ấy mới biết hiểm nguy là thế nào. Với sự hỗ trợ của anh em tổ xuồng, tôi đã lên được nhà giàn DK1/10. Những bước đầu tiên run run, phần xúc động, phần vì dưới những bậc thang nhỏ hẹp, dốc đứng, chân nhà giàn cuồn cuộn sóng trắng.

Hôm nay nhà giàn có việc. Anh em cán bộ chiến sĩ tất bật. Niềm hân hoan không giấu được trong bước chân, giọng nói, tiếng cười. Anh vào nhà em chơi! Anh lên nhà uống nước! Anh ngồi đây, chờ em xíu! Người bóc bánh chưng, người pha trà, người kê bàn ghế, người trải chiếu, cắm hoa, trang trí chậu mai, chậu quất, cành đào, sắp xếp quà tặng từ đất liền… Vui không tả được! Gió cũng cuống quýt và nắng vàng thì nhảy nhót trên cụm đinh lăng, trên vạt cải xanh, vòm ớt đỏ mé nhà giàn. Tết nhà giàn! Mùa xuân DK! Tất cả quây quần bên mâm cỗ có đủ bánh chưng, thịt gà, giò chả, canh măng… Tôi ngồi bên cạnh Thiếu tá Bùi Văn Thọ, quân y. Anh cười hiền, nhìn người này, nhìn người kia, rồi lại cười, đúng kiểu nhà có hỉ sự. Với tay lấy cho tôi miếng bánh chưng, anh bảo: Em ăn đi! Mùa xuân đến rồi. Tôi khựng lại, nghẹn ngào. Chao ơi! Phải đi hơn 2000 cây số biển, qua muôn trùng sóng gió, đến với nhà giàn giữa mênh mông trời nước, chênh vênh trên độ cao 30m thưa vắng bóng người này mới cảm nhận hết nỗi niềm của một cử chỉ, một lời mời mộc mạc dành cho nhau. Đại úy Nguyễn Đình Đức, Chỉ huy trưởng nhà giàn nói với tôi, lính nhà giàn phải có tinh thần thép, còn người là còn nhà giàn anh ạ! Anh nhìn, kia là Thiếu tá Phạm Văn Sinh, Chính trị viên, ra đây từ tháng 5/2023. Trên đường hành quân, đến Tư Chính thì nhận tin bố mất. Từ đó đến nay, anh Sinh chưa về được để thắp hương cho cha. Có những người, trước khi đến DK1/10 đã làm nhiệm vụ ở 10 nhà giàn khác nhau. Có người đã ba năm chưa về quê ăn tết… Tôi nghĩ, đây rồi, những nhân vật của tôi, những hiện thân của thép nhà giàn.

Vì kế hoạch, nhiệm vụ, chúng tôi không thể ở thêm trên nhà giàn. Những cái bắt tay siết chặt, những cái ôm trìu mến bịn rịn, những ánh mắt quyến luyến, những lời hẹn gặp lại đong đầy yêu thương. Nắng chếch về bên mái nhà giàn phía Tây. Trở về tàu trong chuyến xuồng cuối cùng, chợt tôi nhìn thấy phần ống chân và hai đầu gối Máy trưởng Dương Tuấn Anh băng kín. Có lẽ, suốt cả ngày, những cú dồi lắc của sóng đã khiến chân anh va đập vào thành xuồng trong quá trình đưa đón người lên xuống. Tôi thấy vết thương nhỏ trên sống chân mình không còn đau nữa. Phía kia, Thượng úy QNCN Hoàng Hữu Hạnh đang lững thững đi về. Hạnh sinh năm 1989, là đồng hương của tôi. Vợ con gia đình vẫn ở Thanh Hóa. Công việc xong xuôi tốt đẹp cả rồi anh ạ. Hạnh nhìn tôi. Một ngày vất vả với anh em Hạnh nhỉ. Vất vả gì đâu anh, quen rồi. Công việc của tụi em mà. Tôi cười, mời Hạnh điếu thuốc. Sắp tới mình về Thanh Hóa, Hạnh gửi gì về không? Dạ. Tàu về BTL Vùng em cũng về Thanh. Bố em đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đã qua cơn nguy kịch, các bác sĩ đã tiêm thuốc tan máu tụ, nhưng giờ bố bị liệt nửa người. Tôi lặng đi. Hạnh đã nén lo âu để hoàn thành nhiệm vụ trong một ngày thật vất vả. Tôi biết nói gì cho phải với người chiến sĩ ấy trong lúc này đây? Sâu trong đáy mắt anh, một nỗi đau âm thầm cương nghị. Siết chặt tay Hạnh, tôi cầu mong những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với anh và gia đình.

Tàu ra khỏi khu vực Vịnh Thái Lan, sóng gió lại ập đến, nhưng tôi chẳng mấy bận tâm về nó nữa. Dưới quầng sáng của ngọn đèn bên mái boong chìa, tôi bồi hồi nhớ lại chặng hành quân đã qua. Một cảm giác mặn mòi bổi hổi dâng lên. Trên nền trời những vì sao long lanh. Kia là chòm sao phía Tư Chính, kia là chòm sao phía Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân, Ba Kè, Cà Mau và những người lính hải quân. Tất cả đã cho tôi thấm thía hơn chất thép giữa trùng khơi - chất thép của ý chí con người trên biển đảo quê hương

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)