Tiếng đàn thương nhớ

Thứ Năm, 14/03/2024 09:56

. HỮU ĐẠT
 

Khi đất nước ngưng hẳn tiếng súng Dũng vẫn chưa lập gia đình. Anh giải ngũ học tiếp đại học y. Sau khi ra trường, anh được điều về công tác ở một bệnh viện cấp tỉnh.

Một ngày nọ, khi đang ngồi trong phòng làm việc thì cửa phòng xuất hiện một cô gái chừng bốn mươi tuổi, dáng vẻ sang trọng. Cô cầm trên tay một cái hộp dài, tự tin bước vào vồn vã chào:

“Chào thầy! Thầy còn nhớ em không?”

Dũng nhíu mày suy nghĩ, chừng phút sau anh đã nhớ ra:

“Duyên phải không? Sao em lại có mặt ở đây?”

Duyên nhẹ nhàng đặt chiếc hộp lên bàn.

“Hiện em đang ở Đà Lạt. Sau ngày chia tay anh ba em ra quân đưa cả gia đình lên Đà Lạt sinh sống bằng nghề trồng rau củ. Em vẫn đam mê đàn bầu như xưa và đang chơi trong ban nhạc Bông Sen”.

Nói đến đó Duyên ngừng lại mỉm cười bí ẩn.

“Suốt chục năm qua em vẫn dò hỏi thông tin của anh. Lần này, nhân dịp chuyến lưu diễn em ghé tặng anh cây đàn bầu làm kỉ niệm. Gọi là trả công thầy đã dạy dỗ”.

Dũng xúc động mở cây đàn ra. Khi anh chạm vào dây đàn cả một khoảng trời quá khứ bỗng ùa về…

 

Minh họa: Tào Linh

Trong giai đoạn chiến tranh phá hoại lan ra toàn miền Bắc, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” dấy lên sôi động khắp nơi nơi. Dường như nơi nào bom pháo càng ác liệt, thì chính nơi đó tiếng hát, tiếng đàn lại vút lên, đi sâu vào lòng người hơn bao giờ hết.

Đội văn nghệ Tân Mỹ cũng vậy, sau những giờ chiến đấu và lao động, anh em lại say sưa luyện tập để kịp biểu diễn phục vụ đồng bào trong dịp tết Nguyên đán. Ngoài những tiết mục cây nhà lá vườn ra, đội văn nghệ xã còn mời thêm các cô giáo trẻ ở trường làng và đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn cùng tham gia cho thêm phần gắn kết.

Đơn vị bộ đội đã cử Dũng, một tay chơi đàn bầu nổi tiếng của đơn vị cùng tham gia. Tuy là dân nghiệp dư, nhưng tiếng đàn của Dũng nghe da diết và đằm thắm đến vô cùng.

Về phía nhà trường cử Hồng, một cô giáo trẻ người Nghệ An mới được điều vào giới tuyến tham dự cùng đội văn nghệ. Hồng không những có giọng hát hay, mà còn sở hữu thêm một vẻ đẹp tuyệt mĩ nữa. Với đôi mắt lá răm, mỗi lần cô vô tình lia ánh mắt trúng chàng trai nào thì trái tim người đó xao xuyến mãi không thôi. Bài hát tủ của Hồng là Câu hò bên bờ Hiền Lương. Mỗi khi cô cất giọng cả hội trường bỗng lặng im, không gian như chùng xuống để nhường chỗ cho giọng hát thương nhớ da diết ngân nga mãi.

Theo sáng kiến thì đơn vị bộ đội cùng nhà trường cấp một, hai sẽ phối hợp chung một tiết mục. Dũng sẽ đàn và Hồng hát, có thêm vài cô giáo nữa cùng múa phụ họa.

Cũng như bao chàng trai khác, mỗi lần gặp Hồng là trong lòng Dũng bỗng dâng trào lên cảm xúc rạo rực khó tả. Khiến tay chân bỗng trở nên vụng về, giọng nói như lạc hẳn đi. Dù kiềm chế đến bao nhiêu thì ánh mắt anh vẫn cứ đưa về phía ấy...

Mặc dù hiểu trái tim mình đang muốn điều gì, nhưng Dũng vẫn lo lắng, băn khoăn. Mỗi lần gặp Hồng, anh cứ lúng túng, ngượng ngùng, không dám thổ lộ thành lời. Đôi khi Dũng tự an ủi, tặc lưỡi thầm nghĩ đang thời buổi chiến tranh, tạm gác việc riêng tư lại đã. Hơn nữa chắc gì người ta đã thích anh lính có gốc gác nông dân như mình.

Rồi buổi biểu diễn thành công ngoài mong đợi. Nhưng chả hiểu từ đâu mà sau đêm ấy người ta lại đồn rằng Dũng và Hồng đã yêu nhau. Dũng thì thích lắm, nhưng anh không dám nói ra. Còn Hồng thì tỏ ra dửng dưng, lạnh nhạt, đôi khi nói những câu đầy hàm ý chê bai…

Do là một lính quân y của đơn vị, hễ rỗi rãi là Dũng lại đeo túi cứu thương để thăm khám và cho thuốc bà con trong vùng. Vì thế mà người dân địa phương rất quý mến anh.

Một lần nọ anh ghé khu tập thể để thăm Hồng, mấy cô giáo có tuổi xúm lại trêu:

“Hai người thật xứng đôi vừa lứa! Liệu mà báo cáo tổ chức, làm đám cưới đi. Chứ để lâu lại mất đó.”

Trong khi Dũng đang ngượng ngùng, chưa biết trả lời sao thì Hồng đã buột miệng nói:

“Em là chỉ thích những anh bộ đội cầm súng thôi. Chứ thời buổi chiến tranh, mà lúc nào cũng kè kè cái túi cứu thương, dáng vẻ thư sinh quá, em không thích.”

Dũng đỏ mặt, tự ái bỏ về, không thèm chào ai một tiếng.

Các cô giáo chột dạ nhìn Hồng chằm chằm. Nhưng Hồng vẫn đắc ý với câu nói của mình lắm, tỏ ra không chút ân hận nào. Cô đứng trân trân nhìn theo bóng Dũng đang khuất dần ở cuối hào giao thông…

Vừa về tới đơn vị, Dũng đã lên gặp ban chỉ huy đại đội và nói ngay:

“Tôi trả túi cứu thương lại cho đơn vị đó. Đề nghị bố trí cho tôi tham gia huấn luyện, để được đi chiến đấu như những đồng chí khác.”

Cả đại đội trưởng lẫn chính trị viên đều rất ngạc nhiên trước thái độ lạ lùng và đường đột của Dũng. Gặng hỏi mãi, họ mới biết vì câu nói của cô gái đẹp mà anh đã thoái thác nhiệm vụ.

Chính trị viên vỗ vai Dũng cười ha hả:

“Đồng chí đừng để ý tới câu nói vụng về của một cô bé ngây thơ. Cô ta không hiểu gian khó của quân y nên nói vậy thôi. Chứ nếu không có đồng chí, đêm hôm khuya khoắt ai giúp đỡ người dân trong vùng? Rồi mai kia hành quân hàng trăm cây số, băng qua rừng núi Trường Sơn, không đủ sức khỏe liệu có theo kịp anh em không? Trong chiến trường, ai là người đem đến niềm tin cho anh em chiến đấu chứ.”

Dũng ngồi suy nghĩ một hồi, rồi anh quyết định ra về. Nhưng tự hứa với mình là sẽ không bao giờ gặp Hồng nữa.

Cũng từ đó, người ta không còn nghe anh đàn bài Câu hò bên bờ Hiền Lương vào mỗi buổi chiều.

Chính trị viên biết tâm trạng của Dũng, ông đã tới động viên rất nhiều. Một lần nọ ông đã ghé vào trường để gặp Hồng và các cô giáo. Ai cũng nhận thấy gần mười ngày nay Dũng không ghé trường, tức là giữa anh và Hồng đã có chuyện gì đó không ổn. Họ cũng nghĩ rằng vì tự ái mà anh đã xa lánh Hồng.

Tuy trong lòng cũng buồn, nhưng vốn tính ngây thơ và bồng bột, Hồng buột miệng:

“Cháu đùa vậy mà cũng tự ái à? Con trai chi mà mau tự ái rứa? Mần răng mà ai ưng. Cho anh ấy ế.”

Ông chính trị viên hiểu ra vấn đề, vội nói lời từ biệt và hẹn các cô giáo đến thăm đơn vị một ngày không xa. Mục đích là để chắp nối mối lương duyên cho chiến sĩ của mình.

*

*       *

Nhưng khi các cô giáo chưa kịp vào thăm đơn vị thì có chuyện đột ngột xảy đến. Một ngày kia, vừa lúc tốp máy bay địch bị pháo cao xạ ta đuổi chuồn thẳng thì những đám mây dày đặc, đen kịt bắt đầu kéo tới phủ kín cả bầu trời. Một cơn mưa khủng khiếp bất ngờ ập tới, trút xuống vùng đất đỏ. Nước lênh láng, tràn khắp các con đường ngõ xóm. Nước xối xả, ào ào tuôn xuống các hào giao thông dẫn thẳng vào địa đạo mới đào xong ít lâu để chuẩn bị cho chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ. Thêm nữa, do địa đạo đào vào mùa khô nên người ta quên đi những cơn mưa xối xả của mùa mưa sắp đến, quên cả việc đáy giao thông hào cao hơn đường dẫn xuống.

Trong khi một số người dân ở dưới địa đạo chưa kịp lên thì nước đã tràn vào. Nguy cơ sẽ có người chết đuối trong lòng đất. Lập tức tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên. Toàn thể dân quân và bộ đội vội ào ra cứu dân. Mọi người vội vàng đắp những bờ đất chắn ngang cửa xuống hầm địa đạo, để dẫn nước thoát theo hào giao thông không còn tràn xuống nữa. Nhưng ở cửa địa đạo cuối cùng, lượng nước từ trên cao dồn về nhiều quá, đắp bao nhiêu đất cũng bị nước cuốn trôi hết. Không chần chừ, Dũng lao mình xuống nằm chắn ngang giữa dòng để lính ta kịp thời lấp đất làm kè giữ.

Một lúc lâu thì dòng nước hung hãn cũng đã được chặn lại. Người dân đều đã sơ tán đến nơi an toàn. Đồng đội vội vàng chạy tới đỡ Dũng đứng lên. Nhưng anh không thể đứng vững, cả người bê bết như cục bùn khổng lồ, hai mắt trắng dã. Anh lẩy bẩy rồi khuỵu xuống bất tỉnh. Có lẽ do dầm trong nước mưa lâu nên Dũng bị cảm lạnh đột ngột.

Ngày hôm sau, Dũng đã bớt sốt nhưng vẫn nằm trên giường bệnh, chưa thể ăn uống gì. Bỗng anh trở mình và thoáng nghe thấy tiếng con gái í ới gọi nhau từ ngoài xa. Biết là các cô giáo đang đến thăm mình, Dũng giả bộ nằm yên như đang chìm trong cơn mê man...

 

Sau một hồi thăm hỏi, các cô giáo và chiến sĩ nháy nhau lảng ra xa, để mình Hồng ngồi lại bên Dũng. Khi không còn ai bên cạnh nữa, Hồng mới nhẹ nhàng, se sẽ đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình ra nắm lấy bàn tay thô ráp của Dũng mà chan chứa:

“Anh! Anh ơi tỉnh dậy đi. Mau tỉnh lại đi, cho em xin lỗi nghe. Em đùa mà. Có gì tha lỗi cho em. Em... cũng... thương anh lắm. Anh... anh ơi! Mau tỉnh lại đi. Tha lỗi cho em nghe.”

Bất thần Dũng nắm chặt lấy bàn tay của Hồng, mấp máy môi thì thào:

“Anh nghe rồi. Hiểu rồi. Không giận em nữa đâu...”

Hồng giật mình, trố mắt ngạc nhiên nhìn anh chăm chăm, rồi bất thần rút tay lại. Cô vùng dậy, bỏ chạy một mạch về trường.

Dũng đứng dậy, ngơ ngác nhìn quanh. Tiếng chúc mừng của đồng đội và các cô giáo bỗng rộ lên:

“Vậy là dàn hòa rồi. Đã hiểu được lòng nhau rồi. Nay đừng có mà hờn dỗi nữa nghe.”

Thế nhưng ngày một ngày hai, họ chưa kịp gặp lại nhau để tâm tình thì đơn vị Dũng đã có lệnh báo động hành quân gấp. Tất cả các chiến sĩ vội thu xếp quân trang lên đường mà không kịp từ biệt bất cứ ai. Riêng Dũng bước đi mà chân nặng trĩu như đeo đá. Cứ dăm bảy bước anh lại dừng lại ngoái đầu nhìn về phía sau như chờ đợi một ai đó. Nhưng tuyệt nhiên vẫn không có ai đuổi theo hoặc gọi tên mình cả. Bởi trong lúc đó Hồng và các cô giáo ở trường vẫn làm việc bình thường. Mãi đến khi có người bạn chạy đến báo đơn vị Dũng đã hành quân vào Nam rồi thì Hồng mới hớt hải chạy về phòng, tìm chiếc khăn mùi soa có thêu đôi chim bồ câu và hai chữ “Thương nhớ”, rồi vội vàng đuổi theo. Đến mãi bến đò Vĩnh Sơn cô mới bắt kịp đơn vị bộ đội đang chuẩn bị vượt sông qua bờ Nam.

Minh họa: Tào Linh

Mệt nhoài, hổn hển, Hồng đưa tay lên vẫy và hét lớn:

“Khoan! Các anh ơi! Chờ em đã.” Rồi cô lả người, thẫn thờ đứng sững lại chờ Dũng lao tới đỡ vào lòng. Cô cũng chỉ kịp trao chiếc khăn kỉ niệm cho Dũng, rồi nói khẽ qua hơi thở dồn dập:

“Anh đi bình an. Ở nhà em chờ.”

Thế rồi họ chia tay.

Nhưng một năm, hai năm... mà Hồng vẫn không hề nhận được một mẩu tin nào của Dũng gửi về. Có lời đồn đơn vị Dũng bị phục kích và anh đã hi sinh ở chiến trường. Nhưng Hồng không tin. Cô cương quyết ở vậy chờ anh…

*

*       *

Thực ra lời đồn kia cũng xuất phát từ sự thật. Trong một trận đánh không cân sức đơn vị anh bị thương vong quá nửa. Dũng đã lăn lộn, bò khắp các ngõ ngách chiến hào để băng bó, tiếp đạn và động viên anh em tiếp tục chiến đấu. Nhưng rồi hỏa lực địch quá mạnh. Chiến sĩ cuối cùng cũng đã ngã xuống. Kẻ địch ào lên. Chúng nhào đến quật ngã anh bắt sống để giải về lĩnh thưởng.

Khi biết anh là quân y, địch đã giao cho anh chăm sóc những thương bệnh binh ở trong nhà giam.

Rồi một ngày anh bị gọi lên để hỏi cung. Khi vừa tới gần cửa phòng thẩm vấn, Dũng đã vô cùng ngạc nhiên dừng lại đứng nghe. Bởi tiếng hát Câu hò bên bờ Hiền Lương từ đó vọng ra. Anh không tin vào tai mình nữa. Cứ ngỡ là đang trong mơ, bởi rất lâu rồi anh chưa được nghe lại bài hát này. Nhưng hôm nay bỗng tiếng hát vang lên đúng nơi không ngờ tới.

Thấy anh vào, tên sĩ quan tâm lí chiến vội quay người tắt đĩa nhạc. Đồng thời trịnh trọng chỉ tay vào chiếc ghế đối diện, ra hiệu mời anh ngồi. Bắt đầu buổi thẩm vấn, hắn lịch sự giới thiệu:

“Chào anh. Tôi là đại úy Lê Văn Huỳnh, rất hân hạnh được làm quen với anh.”

Dũng vẫn im lặng kiên nhẫn chờ đợi kẻ địch giở hết chiêu trò tâm lí ra để tìm kẽ hở phản công. Thấy anh không nói gì, đại úy Huỳnh lại niềm nở tiếp:

“Chúng tôi được biết anh là một quân y nên mời anh đến đây để trao đổi đôi điều hoàn toàn có lợi cho anh. Không hiểu anh có bằng lòng hay không?”

Dũng nheo mắt quan sát khung cảnh phòng hỏi cung, gật gật đầu tỏ vẻ như đang chú ý lắng nghe. Để kẻ địch không biết mình đang nghĩ gì. Anh ngước lên và từ tốn nói:

“Ông có thể cho tôi nghe lại trọn vẹn bài hát vừa rồi được không?”

Đại úy Huỳnh thoáng bất ngờ, miễn cưỡng ra hiệu cho người lính đứng cạnh bật nhạc theo yêu cầu của đối phương.

Lúc lâu sau, mặc dù tiếng nhạc đã dứt nhưng tâm trạng Dũng vẫn còn bồi hồi xao xuyến. Mãi anh mới ngước lên thăm dò:

“Sao ông lại thích bài hát này? Đây là bài hát do một nhạc sĩ người miền Bắc sáng tác mà.”

Tên sĩ quan không trả lời ngay mà từ từ ngả người ra trên chiếc ghế bành, thong thả rít một hơi thuốc dài. Hắn ngửa mặt nhìn lên trần nhà, từ từ nhả khói và chậm rãi buông từng tiếng một:

“Quê hương tôi bên ấy!”

Dũng tròn mắt:

“Ông là người miền Bắc?”

“Đúng, quê tôi ở Vĩnh Sơn, nhưng vào Nam từ năm 1950. Các anh ở lại là Việt cộng, còn tôi là lính Cộng hòa. Đơn giản vậy thôi. Nhưng ai cũng có quê hương cả.”

Dũng “à” lên một tiếng rồi hạ giọng vẻ thân mật:

“Vậy có khi nào ông chợt nhớ về quê hương không?”

Tên sĩ quan phá lên cười sằng sặc:

“Đó là nơi chôn nhau cắt rốn, vẫn còn nhiều người thân của tôi đang ở nơi đó. Nhưng thời buổi chiến tranh, chuyện quê hương đã thành quá khứ rồi.”

Dũng đắc thắng liếc nhìn tên sĩ quan tủm tỉm cười. Xong anh khoanh tay ngồi im, chờ đến lượt mình bị thẩm vấn. Nhưng có lẽ bị đòn phủ đầu sắc bén không ngờ đến nên chính tên sĩ quan tâm lí chiến lại bị mất thăng bằng. Hắn cứ ngọ nguậy mãi trên ghế, chưa chịu vào thẳng vấn đề cốt lõi, mà nhìn xoáy vào mặt Dũng hỏi:

“Hình như anh có kỉ niệm gì đó về ca khúc trên?”

Một ý nghĩ bỗng lóe lên, Dũng nhìn thẳng vào gương mặt tên sĩ quan tự tin đáp:

“Chính tôi là người đệm đàn bầu cho vợ chưa cưới của tôi trình bày bài đó. Đài phát thanh đã ghi âm phát trên sóng phát thanh. Vì sao các ông lại có đĩa ghi âm đó?”

Ngón đòn thứ hai Dũng tung ra hiệu quả không kém gì ngón đòn trước đó. Nhưng tên sĩ quan vẫn tỏ ra lạnh lùng, giấu nhẹm cảm xúc. Hắn ưỡn ngực tỏ ra đắc ý:

“Với phương tiện của người Mĩ thì cái gì cũng có thể. Chúng tôi đã nghe trên chương trình địch vận của các anh phát hàng ngày đó.”

Dũng à lên một tiếng và chợt hiểu vấn đề. Anh lờ mờ đoán ra nội dung của buổi thẩm vấn hôm nay.

Nhưng hình như chơi trò vờn chuột mãi cũng chán, tên sĩ quan liền quay qua chủ đề khác:

“Anh chơi đàn bầu lâu chưa? Điệu nghệ quá. Thiệt khâm phục.”

Dũng khiêm tốn trả lời:

“Không! Tôi chỉ mới tập tành thôi, có nhiều người chơi hay hơn tôi nữa.”

Nghe thế Huỳnh không hỏi gì thêm. Hắn ra lệnh trả anh về phòng giam và vài ngày sau lại mời anh lên. Nhưng lần này hắn không hỏi cung nữa, mà nhờ anh luyện đàn cho Duyên - con gái cưng vừa tròn mười lăm tuổi của hắn. Dũng đồng ý, và tuần một lần Huỳnh lại đưa con đến để học đàn tên Việt cộng trẻ măng kia. Nhưng Dũng cũng khôn khéo lấy cớ là không biết bất kì bài hát nào của các nhạc sĩ miền Nam sáng tác. Huỳnh bắt buộc phải đồng ý cho anh dạy con gái mình bài Xa khơiCâu hò bên bờ Hiền Lương.

Các bạn tù ban đầu cũng rất ngạc nhiên. Bởi chả hiểu vì sao Dũng lại được ưu đãi và trọng dụng thế. Họ ngờ rằng anh đã chiêu hồi. Nhưng một thời gian sau thì họ hiểu rằng đơn thuần là kẻ địch chỉ lợi dụng anh để dạy nhạc cho cô bé ngây thơ kia mà thôi. Nhưng ngược lại thì Dũng đang dùng tiếng đàn để cảm hóa, làm mềm lòng kẻ thù. Vì vậy mà chi bộ Đảng bí mật ở trại giam đã động viên và khuyến khích anh rất nhiều.

Thời gian tập luyện kéo dài, dần dà Duyên đã mê mẩn đàn bầu. Nhưng thực chất thì cô còn si mê Dũng nhiều hơn nữa. Bởi ngoài kĩ năng chơi đàn điêu luyện ra, thì người thầy Việt cộng còn có một số tư chất mà những người lính Cộng hòa không thể có. Đó là tính thực thà, chỉ nói những gì mình biết. Điều đặc biệt là Dũng không bao giờ lợi dụng sự gần gũi một cô gái đẹp để có những hành động thiếu đứng đắn.

Nhưng giữa hai người đang tồn tại một hàng rào ngăn cách không thể phá bỏ. Do đó dù rất yêu và Duyên cũng đã sử dụng hết chiêu trò để quyến rũ nhưng vẫn không thể kéo Dũng về phía mình được. Đôi khi cô thầm nghĩ có lẽ người phía bên kia không có khái niệm về tình cảm. Nhưng không, trong tiếng đàn và giọng nói thì chứng tỏ anh là một người chứa chan tình cảm.

Càng trằn trọc tương tư bao nhiêu, thì nỗi dằn vặt trong lòng càng trỗi dậy bấy nhiêu. Thương thầm nhớ trộm, ngày đêm Duyên nghĩ cách làm sao để có được anh lính Việt Cộng này. Nhưng có một điều mà Duyên không hiểu được, đó là hình bóng Hồng đã án ngữ trong trái tim Dũng. Do đó mà Duyên có đẹp, dịu dàng đến bao nhiêu cũng không thể khiến anh xao lòng được.

Là một sĩ quan tâm lí chiến, Huỳnh thừa biết điều gì đang xảy ra trong lòng con gái mình. Nhưng hắn cứ để mặc cho điều gì đến sẽ đến. Bởi nếu con gái hắn chiêu hồi được tên Việt Cộng, thì cũng coi như bản thân hắn lập được một chiến công.

Nhưng sau một thời gian dài mà Dũng vẫn không hề tỏ ra có chút dao động thì chính Huỳnh cũng đâm ra chán nản. Hắn liền cho gọi Dũng đến và giở trò thâm độc hơn. Đó là hắn yêu cầu Dũng cùng con gái mình tham gia buổi biểu diễn ca nhạc của đơn vị.

Thấy Dũng tỏ ý ngần ngừ, hắn nói ngay:

“Yên tâm, tôi sẽ cho anh biểu diễn bài Xa khơi. Bài này cả miền Bắc và miền Nam đều hát”.

Nhưng Dũng đã đặt ngay ra yêu cầu:

“Tôi sẽ nhận lời nếu buổi biểu diễn có đồng đội tôi làm khán giả. Tôi chỉ đàn hay mỗi khi ở bên cạnh đồng đội thôi.”

Huỳnh làm bộ như bất đắc dĩ phải chiều ý Dũng. Nhưng anh không ngờ rằng trong buổi biểu diễn Huỳnh đã bí mật chụp ảnh, ghi âm tiếng đàn hát của anh và Duyên lại. Sau đó cho đăng lên các báo để tuyên truyền, khuếch đại chiến công tâm lí của mình.

Cũng sau buổi biểu diễn một thời gian thì Dũng được Huỳnh gọi lên và thông báo anh thuộc diện trao trả tù binh vào đợt tới. Nhưng anh hoàn toàn có thể yên tâm ở lại, vì với tài năng của anh hắn hứa anh không phải ra mặt trận nữa mà có thể cùng Duyên tới bất cứ đâu trên trái đất này để hưởng vinh hoa phú quý. Lần này thì ván bài đã lật ngửa. Dũng bất giác phì cười.

“Cảm ơn ông, nhưng tôi còn có vợ chưa cưới và rất nhiều người thân đang đợi tôi ở ngoài kia. Nếu ông, con gái ông có cảm tình với những người đồng hương như tôi thì hãy đối xử nhân đạo với họ. Để một ngày không xa chúng ta sẽ gặp lại nhau trên quê hương.”

Dù tức tối nhưng Huỳnh không nói gì thêm, sai lính đưa Dũng trở lại buồng giam. Cũng từ đó không bao giờ người ta thấy hắn có mặt ở trại giam nữa...

*

*        *

Hiệp định Paris kí kết. Dũng được trở về quê hương.

Sau một thời gian điều dưỡng chữa bệnh, anh được mời lên ban tuyên huấn để làm rõ vụ việc về tấm ảnh anh cùng một cô gái biểu diễn văn nghệ cho lính ngụy xem đã in trên các báo và truyền đơn rải dọc mặt trận thuở nào. Anh tự tin, trung thực kể lại tất cả sự việc. Nhân chứng còn nhiều, là đồng đội từng bị giam giữ cùng nên anh được minh oan khá nhanh.

Sau đó, Dũng khoác ba lô tìm về nơi đóng quân xưa.

Sải những bước chân dài trên con đường đất đỏ, anh tưởng tượng ra cảnh Hồng sẽ mở to mắt ngạc nhiên rồi chạy ù đến sà vào ngực mình mà khóc thút thít, xong ngước mắt lên nhìn anh với dáng vẻ vừa trách móc vừa dỗi hờn.

Nhưng anh đã nhầm…

Khi vừa ngó đầu vào phòng tập thể thì Hồng đã trừng mắt, hét toáng lên:

“Đồ phản bội! Cút đi!”

Không để cho Dũng kịp thanh minh, Hồng nhao ra cắm đầu chạy không quay lại.

Chờ mãi đến tối không thấy Hồng về, Dũng buộc lòng phải khoác ba lô trở lại đơn vị, tự nhủ lần sau quay trở lại sẽ phân giải hết mọi sự tình.

Nhưng rồi do yêu cầu cấp bách của chiến trường anh lại theo đơn vị hành quân gấp vào Nam.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 Dũng có dịp trở lại Tân Mỹ để tìm Hồng. Nhưng vừa đến cổng trường thì anh nhận được tin Hồng đã không còn ở đây nữa. Cô đã lấy chồng và xin chuyển công tác về quê ở Nghệ An. Có đôi chút buồn bã, hụt hẫng nhưng Dũng vượt qua rất nhanh. Bởi anh cùng đồng đội nhận lệnh cấp tốc hành quân ra Bắc. Nơi tiếng súng quân thù đã vang trên bầu trời biên giới…

*

*         *

Cuối buổi gặp đường đột Duyên đã cố mời Dũng cùng ra Vinh để tham dự buổi giao lưu văn nghệ ngoài đó.

Khi tiết mục Câu hò bên bờ Hiền Lương do Dũng đàn và Duyên hát vừa dứt thì một người phụ nữ vội bước lên sân khấu tặng hoa. Trong một khoảnh khắc Dũng bất ngờ và khá lúng túng vì người tặng hoa đó chính là Hồng.

Tiếp đó, Hồng đã mời Duyên cùng Dũng về thăm nhà mình ở cách đó vài con phố. Trong buổi trò chuyện có cả chồng Hồng, một giáo viên cấp ba. Anh bình thản kể lại những ngày mình bị bắt, lần quay lại tìm Hồng sau Hiệp định Paris, lần nữa sau ngày đất nước thống nhất năm bảy lăm và cuộc sống hiện tại. Dũng chẳng trách cứ ai cả, từ lính quân y thời chiến anh chuyển sang bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu trong thời bình, công việc vẫn là cứu người chẳng thay đổi. Còn cây đàn bầu thì vẫn sống cùng anh, mỗi khi chạm vào nó là cả một trời quá khứ lại hiện về…

H.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)