. TRÌNH QUANG PHÚ
Tết Tân Tỵ 1941, trên đất Quảng Tây, đồng bào Nặm Quang trang trí nhà cửa, trưng hoa tết, cúc vạn thọ, cúc vàng như ở Việt Nam, làm cho nỗi nôn nao giục giã Bác về nước càng tăng lên. Tối 29 Bác dẫn cả nhóm thanh niên đi xem địa phương tổ chức kịch Choang ngoài trời. Kịch Choang là một loại kịch dân gian được mọi người yêu thích. Con trai trong phục trang áo không cổ, cài nút vải, quần ống rộng, đầu quấn khăn. Trời rét khoác chiếc áo bông chần nhưng khi ca hát thì bỏ áo bông. Con gái váy gấp nếp, áo ngắn viền hoa to ở cổ chạy chéo qua khuôn ngực đầy và khép ở nách, đầu độn khăn hoa quấn rất khéo có hai tai xòe hai bên rất rực rỡ như bông hoa nở trên đầu mà cũng như dang đôi cánh bay… Xem xong, Bác khen “Loại hình nghệ thuật này độc đáo, kết hợp cả kịch, múa và ca cổ rất phong phú”.
Bác Hồ câu cá trên sông Phó Đáy. Ảnh: TL
Sáng mồng một, Bác cùng anh em đi chúc tết. Lương y Đặng Văn Cáp làm cho Bác những đồng bạc tròn bọc trong giấy đỏ để Bác mừng người cao tuổi và lì xì kẹo cho các cháu bé theo phong tục của người Choang. Sau đó, ai ở nhà nào về chúc tết nhà ấy và dự bữa cơm đầu năm. Người Choang nổi tiếng với món cơm nếp ngũ sắc và các loại cơm nếp nấu với bí đỏ, cơm nếp nấu với khoai lang, các loại bánh để ăn với thịt lợn quay. Họ có món cơm trắng cúng với thịt kho truyền thống.
Chiều đó, cả đoàn họp lại. Bác chỉ đạo đưa anh em được huấn luyện về nước. Bác nói:
- Trong dịp này, bọn mật thám và lính lệ cũng lo đón tết, việc tuần tra canh gác cũng lơ là, mọi người đi chúc tết đông vui, chúng ta nhân dịp này trở về sẽ thuận lợi. Ngày mai, mồng hai, chúng ta sẽ xuất hành vào giờ Mẹo, đi sớm sẽ an toàn.
Mồng hai(1), trong trang phục người Nùng, quần áo màu chàm, khuy cài bằng vải, chào tạm biệt bà con Nặm Quang, Bác cùng cả nhóm lên đường. Sáng sớm, sương mù phủ trắng, chỉ cách một thước cũng không nhìn thấy nhau. Đoàn có lương y Đặng Văn Cáp, các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, do Thế An vừa từ Cao Bằng qua dẫn đường. Đi được vài ba tiếng đồng hồ trong sương mù dày đặc như đi trong mây, Bác cho cả đoàn dừng chân ăn sáng, món cơm nếp ngũ sắc với thịt lợn quay của đồng bào tặng, ăn xong uống nước trong các ống bương lấy lộc đầu năm mang theo. Ai cũng thỏa thuê. Bác nói vui: “tết vẫn theo ta”. Mặt trời lên, sương mù tan bớt mới hay cả đoàn đang ngồi giữa đồng trống không. Mọi người nhìn nhau ngỡ ngàng, giật mình. Bác nói: “Phải đi nhanh, không ở giữa đồng trống thế này được”. Thế An vội vàng dẫn cả đoàn đi vào chân núi. Lên dốc, xuống dốc, trên tay cầm một cây gậy tre, nhưng Bác đi thoăn thoắt, không chống, chỉ khi xuống dốc lởm chởm mới dùng đến. Bác bảo: “Mọi người cứ sợ lên dốc, nhưng thực ra khi xuống dốc mới sợ vì chùn chân, dễ ngã”. Lên đến eo đỉnh núi, Thế An reo lên: “Đến bia giáp ranh rồi”. Một bia đá hiện ra. Bác dừng lại, cúi khom đọc những dòng bằng chữ Trung Quốc và chữ Pháp ở cả hai mặt cột mốc, sau đó nghẹn ngào thốt lên: “Cột mốc 108. Tổ quốc đây rồi!”. Nhìn về phía Nam núi non trùng điệp, không xa lắm, mấy bụi mận rừng đang nở hoa trắng xóa, có cả hoa đào và một mùi thơm thoang thoảng theo gió đưa đến, Bác hỏi:
- Hoa gì thơm, giống mùi hoa huệ thế?
- Dạ thưa, hoa bjoóc chỉ có ở vùng này thôi ạ - Thế An trả lời.
Xuống núi được một lúc thì gặp một hồ nước nhỏ, mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra, và từ đây tạo thành dòng suối lượn theo chân núi chảy xuống làng Pác Pó. Bác đưa tay khoát nước rửa mặt, mọi người làm theo. Ai cũng khen nước mát và sạch.
- Ở đây là đầu nguồn của suối ạ, tiếng Tày gọi là Pác Pó ạ - Thế An thưa.
- À, Pác Pó, đầu nguồn - Bác nhắc lại - Các chú có thấy duyên trời định không? Ta về đúng đầu nguồn. Cách mạng chắc chắn sẽ từ đầu nguồn này lan tỏa nhanh.
Nhìn kĩ bốn bề, Người nói:
- Ở đây, dễ đường lui khi gặp khó khăn, và thuận đường tiến. Từ đây thông về Tuyên Quang, Thái Nguyên rồi thông cả nước để phát động vũ trang, tốt lắm.
*
* *
Chúng tôi trở lại thăm Pắc Pó, nơi đầu nguồn cách mạng. Một quần thể di tích làm rung động cháu con. Trong đoàn chúng tôi có đồng chí Hà Ngọc Chiến, người dân tộc Tày đã từng là Bí thư Cao Bằng và Anh hùng tàu không số huyền thoại Hồ Đắc Thạnh. Anh Thạnh nói: “Tôi đã dọc ngang, giữ thông đường Hồ Chí Minh trên đại dương, giờ được đặt chân đến mảnh đất đầu nguồn này, nó thiêng liêng làm sao”.
Từ bờ suối trong mà Bác đã đặt là suối Lênin in bóng núi cao mà Bác gọi là núi Các Mác, chúng tôi đã vào thăm hang, một hang nhỏ chưa đầy một trăm mét vuông, nhưng có đường xuyên qua biên giới rất an toàn, đồng bào gọi là hang Cốc Pó. Đồng chí Hà Ngọc Chiến cho biết Cốc Pó tiếng Tày có nghĩa là cửa nguồn. Hang Cốc Pó đã trở thành căn cứ đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Một hang đá ẩm lạnh, măng đá và nhũ đá nhiều hình thù lấp lánh. Từ đây, Bác đã cảm hứng viết thành thơ: Sáng ra bờ suối, tối vào hang,/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng./ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,/ Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Vùng đất Pác Pó nói riêng và Cao Bằng nói chung là vùng núi, nên đồng bào chủ yếu trồng bắp, miền Bắc gọi là ngô, đồng bào Tày gọi là “bẹ”. Những ngày đó, với Bác cũng chỉ là cháo bẹ chứ không có cháo gạo, nhưng Bác vẫn thấy sang, có lẽ cái sang của Bác là bữa tiệc đời, tiệc cách mạng thành công đã trước mắt Bác. Tư tưởng Lênin, chủ nghĩa Mác đã nhập tâm, Bác khắc tạo một măng đá tượng Các Mác và đặt tên cho mạch suối ngầm vô tận là suối Lênin. Từ nơi đầu nguồn này, Bác đã lan tỏa chủ nghĩa Mác và tư tưởng Lênin về với mọi miền Tổ quốc. Bác quyết tâm Hai tay gây dựng một sơn hà(2).
Trong ba mươi năm bôn ba Bác đón ba mươi mùa xuân với nhiều sắc thái. Nhiều mùa xuân cô đơn, đói khó, khổ nhục nhưng cũng có những mùa xuân ngập tràn niềm vui. Đó là mùa xuân 1922, Bác tìm được con đường cứu nước và trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam được đón tết với những người đồng chí và đồng bào Việt Nam yêu nước ở Pháp như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền... Mùa xuân 1924, Bác sống trong tự do của đất trời Xô viết ở Liên Xô. Mùa xuân 1927 Bác được đoàn tụ với sáu bảy chục thanh niên yêu nước khắp ba miền đất nước Việt Nam về Quảng Châu dự lớp bồi dưỡng lí luận cách mạng. Mùa xuân 1930, Bác thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và mùa xuân 1941 là mùa xuân lịch sử, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 22/12/2023
T.Q.P
--------
1. Tức ngày 28/1/1941.
2. Trích thơ Pác Bó hùng vĩ của Bác.
VNQD