. NGUYỄN TRỌNG LUÂN
Gần cuối năm 1973, Trung đoàn 64 quyết định thành lập một đội văn nghệ để biểu diễn trong Lễ đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất. Nhận lệnh, những hạt nhân văn nghệ từ các tiểu đoàn lục tục tìm đường về đội, ai nấy ba lô bùng biêng, không hăm hở lắm, vì nhiều thứ…
Mới qua những ngày tháng chiến đấu ác liệt, các chiến sĩ lên đội văn nghệ được gọi là diễn viên nhưng cũng chỉ biết hát vài bài, biết thổi sáo ti toe và í a dăm làn điệu chèo mà thôi. Vừa mới hôm qua đánh nhau thí xác, chôn nhau ở những cánh rừng đất đỏ nên những ngày đầu về đội văn nghệ ai cũng buồn bã, chưa bắt nhịp với nhiệm vụ. Thấy tình hình như vậy Ban Chính trị cử cán bộ tới đả thông tư tưởng: “Các đồng chí tập văn nghệ cũng là làm nhiệm vụ. Các đồng chí cần nhận thức đúng đắn rằng, trong khi chúng ta về phía sau tập chương trình thì các đồng đội của chúng ta phải căng sức ra chiến đấu thay cho sự thiếu vắng của chúng ta. Không nhẽ nào chúng ta phụ lòng tin cậy của anh em đơn vị. Việc đàn hát cho hay phục vụ anh em chiến sĩ cũng là chiến công. Mà chiến công đó đâu có phải ai cũng làm được”.
Từ hôm ấy lính văn nghệ mới xuôi xuôi, lao vào tập luyện. Cả đội có một cây ghi ta bị đạn bắn thủng một lỗ từ mặt trước xuyên ra mặt sau, vá víu lại cũng phập phành được. Nhưng chỉ có một cây đàn thì nghèo nàn quá. Vậy là cả đội lao vào tìm vật liệu “chế tạo” nhạc cụ. Đàn tứ, đàn nguyệt, nhị, líu, đàn bầu, sáo trúc… chúng tôi tự làm lấy tất. Sau một tuần, Đại đội 18 thông tin nơi đội văn nghệ ở nhờ đã rộn rã tiếng đàn sáo nhị lừng phừng ò í e, vui ra phết.
Về tiết mục, tôi dùng cây đàn bị thương viết ca khúc Đi dưới cờ Quyết thắng cho tốp ca mở đầu chương trình; một hoạt cảnh chèo của anh Khuất Quang Thụy trên sư đoàn đưa xuống; một bài đơn ca, một độc tấu đàn bầu, một ngâm thơ. Thế là tạm ổn. Nhưng thủ trưởng trung đoàn yêu cầu phải có một tiết mục tấu hài. “Nhất định phải có tấu hài!” - Ông nói. “Nhưng đánh nhau đói khát chết chóc đau thương thế này, hài chỗ nào được?” - Chúng tôi hỏi lại. “Cuộc chiến đấu của chúng ta có nhiều bi tráng, nhưng cũng có cái hài đấy. Hài chỗ nào là nhiệm vụ của các đồng chí phải nhìn ra!”
Quân lệnh như sơn. Bí quá, mọi người trông cả vào tôi, kẻ có chút khả năng viết lách. Nhưng đã mấy ngày mà tôi không thể nào viết được. Đúng lúc ấy anh trợ lí tuyên huấn trung đoàn ra thăm đội văn nghệ, kể một câu chuyện vui.
Số là Đại đội 15 DKZ nuôi được một đàn lợn, vẫn thường thả lã ngoài nương. Đang lúc mặt trận đói, đơn vị nào cũng phải tăng gia trồng sắn trồng rau để mà sinh sống, thế mà đàn lợn của Đại đội 15 DKZ cứ ung dung đào sắn của Đại đội 14 cối 82. Một chiều tối, chiến sĩ canh nương của Đại đội 14 nhìn thấy con lợn sề tưởng là lợn rừng liền nã cho một điểm xạ AK. Con lợn mẹ lăn đùng ra chết, bầy lợn con chạy tứ tung. Đại đội trưởng DKZ bê con lợn sang bắt đền Đại đội trưởng cối 82. Hai ông đùn đẩy, đổ lỗi, bắt vạ nhau mãi, cuối cùng Trưởng ban Hậu cần trung đoàn xuống giải quyết cho mổ ngay, trả toàn bộ thịt cho Đại đội DKZ…
Được câu chuyện gợi ý, ngay tối ấy tôi viết xong vở tấu hài Chuyện hai mẹ con nhà lợn xứ Pơ Lang. Thằng Hoan được phân công đóng vai lợn mẹ, còn tôi đóng vai lợn con. Hai mẹ con nhà lợn than thở với nhau về sự đói kém khó khăn trong thời buổi loạn lạc. Cao trào là đoạn lợn con vừa khóc vừa kể lể: “Khổ cho mẹ tôi thân gái truân chuyên, con đã đông mà rừng thì đói. Nhưng mẹ quyết nuôi chúng tôi qua cơn gian khó, sáng tối tảo tần kiếm sắn đào măng. Nhưng một hôm đang đưa chúng tôi đi ăn, thì bất chợt pằng pằng… mẹ tôi bị bắn. Mẹ tôi trúng hai viên AK nhỏ nhắn. Thế là còn may vì qua đời nhưng vẫn cho bộ đội một bữa tươi. Chứ nếu mẹ tôi trúng đạn cối 82, thì xác đã tan mà hồn cũng nát…”
Phải nói là vở tấu rất vui. Hôm biểu diễn lính ta cười ngả nghiêng, cười và vỗ tay ràn rạt.
Chương trình biểu diễn thành công ngoài sức tưởng tượng khiến chỉ huy trung đoàn mừng lắm. Vì sắp đến tết nên các thủ trưởng quyết định cho đội nán lại biểu diễn phục vụ thêm bốn tối.
Ba tối đầu biểu diễn ở ba tiểu đoàn bộ binh, khỏi phải nói anh em thích thú thế nào. Nhưng tới đêm diễn cho các đơn vị trực thuộc thì chúng tôi bị Đại đội 14 cối 82 phản đối dữ dội. Tiết mục tấu hài vừa diễn ra được một phút thì Đại đội trưởng Cõn nhảy lên sân khấu gào um: “Việc bắn lợn của Đại đội 15 chỉ là một sự nhầm lẫn, chúng tôi đã giải quyết ổn thỏa. Vậy mà còn đưa lên sân khấu như thế này là bôi bác, là thóa mạ thành tích của đơn vị tôi. Về! Anh em, về!”
Thế là cả Đại đội 14 cối 82 bỏ về hết.
Hôm sau trung đoàn tổ chức tổng kết đội văn nghệ. Điều bất ngờ là trước khi các diễn viên chuẩn bị về đơn vị thì Đại đội 14 mang quà tết đến tặng. Nghĩa cử này làm cả đội mừng rơn. Nhưng… đội có 17 diễn viên mà Đại đội trưởng Cõn chỉ trao cho 16 người, mỗi người một chiếc bánh chưng sắn, còn tôi là tác giả bài tấu thì… mừng hụt. Mấy anh em trong đội động viên tôi: “Thôi mày đừng buồn”. Tôi đáp: “Tao không buồn, mà chỉ… buồn cười. Vì ông Cõn giận chứng tỏ tác phẩm tấu hài của tao có sức sống, sức lay động, he he!”
Mặc dù bị đại đội cối phản đối như vậy nhưng chính ủy trung đoàn quyết định năm sau vẫn diễn lại vở tấu. Diễn để cảnh báo các đơn vi không được bo bo giữ nương của mình mà coi thường thành quả tăng gia của đơn vị khác. Năm ấy tôi bận chiến đấu dưới đơn vị nên vai lợn con được giao cho thằng Sáng người Đoan Hùng, Phú Thọ. Vai lợn mẹ vẫn là thằng Hoan. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh thằng Sáng hi sinh, còn thằng Hoan tiếp tục chiến đấu ở biên giới Tây Nam và sau này lên đến Phó Tư lệnh Quân đoàn 3.
Trở lại chuyện văn nghệ.
Những ngày đầu sau giải phóng sư đoàn tôi đóng quân ở Củ Chi. Chúng tôi được lệnh xây dựng một chương trình hoành tráng để biểu diễn mừng công. Tôi viết một tổ khúc 4 bài mang tên Đại đoàn Đồng Bằng trên đường chiến thắng thật hào sảng và cảm động. Một đêm cuối tháng 7/1975 đội văn nghệ trung đoàn biểu diễn ngay tại căn cứ Đồng Dù, nơi hơn hai trăm chiến sĩ của sư đoàn tôi đã ngã xuống vào ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Tôi là người chỉ huy tiết mục tổ khúc. Người biểu diễn và người xem đều là những người lính chiến đấu hôm qua. Chúng tôi đang hát về chúng tôi. Chúng tôi đang nhớ về những đồng đội đã hi sinh trên cửa mở. Sư đoàn tôi đã gửi vào lòng đất biết bao nhiêu chiến sĩ từ Tây Nguyên về đến Sài Gòn…
Mấy ngàn người rưng rưng nước mắt. Nước mắt tôi cũng ướt đầm má.
Tổ khúc dài 19 phút vừa dứt, có một người chạy lên sân khấu nắm chặt tay tôi, nhìn vào mắt tôi rồi ôm chầm. Tôi nhận ra anh Cõn, Đại đội trưởng 14 cối 82. Anh không nói gì cả. Tôi nhìn rõ nước mắt anh lăn trên gò má sạm đen.
12/ 2023
N.T.L
VNQD