Giấc mơ chỉ lối

Chủ Nhật, 31/12/2023 00:22

. NGUYỄN TIẾN LỢI
 

Trong công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hòa Bình tôi đã gặp không ít những trường hợp sai sót về hồ sơ quân nhân hi sinh, cũng như sai sót thông tin trên bia mộ. Do hoàn cảnh chiến tranh, sự nhầm lẫn cũng là dễ hiểu, nhiều trường hợp cứ tra cứu, tìm kiếm mãi rồi cũng kết luận được hồ sơ này, bia mộ kia chính xác của liệt sĩ nào. Nhưng cũng có những trường hợp trên bia mộ ghi quê quán tỉnh Hoà Bình mà tìm mãi không ra, cùng với những câu chuyện li kì về tâm linh không giải thích được đã để lại trong tôi những kỉ niệm khó quên…

*

*         *

Khoảng cuối năm 2016, khi tra cứu trên mạng xã hội, gặp trang web của Người đưa đò có đăng ảnh hàng trăm bia mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, tôi tìm được 11 liệt sĩ quê tỉnh Hoà Bình, trong đó 4 bia mộ có đủ các thông tin cần thiết như: Họ tên, năm sinh, năm nhập ngũ, tên đơn vị, cấp bậc, chức vụ, thời gian hi sinh. Còn lại 5 bia mộ đối chiếu với danh sách liệt sĩ của tỉnh thấy thiếu, sai tên hoặc quê quán, những trường hợp sai ít còn dễ nhận ra như: liệt sĩ Bùi Văn Nhong, quê xã Đa Phúc ghi thành Bùi Văn Phong; liệt sĩ Bùi Văn Kê, quê xã Kim Bình ghi thành Bùi Văn Kế; liệt sĩ Bùi Thanh Dương, quê xã Trường Sơn chỉ sai huyện Lương Sơn thành Hương Sơn. Nhưng có 2 liệt sĩ sai cả tên và quê quán phải kì công tìm kiếm, đó là liệt sĩ Bùi Văn Hòa, quê quán ghi Lạc Sơn, Hà Sơn Bình, một thời gian sau tôi đã tìm ra là Bùi Xuân Hoè, quê xã Phúc Tuy (nay là xã Quyết Thắng); còn liệt sĩ Bùi Quang Lãnh, ghi quê xóm Xẩm, Kim Bôi, Hà Sơn Bình lần mò mãi vẫn không tìm ra.

Mặc dù công việc bị cuốn hút vào tìm kiếm các liệt sĩ khác, trong tôi vẫn luôn đau đáu câu hỏi liệt sĩ Bùi Quang Lãnh là ai, quê ở xã nào. Hồi đó ông Quách Đình Hạnh còn làm Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kim Bôi đã cho cán bộ tra cứu tỉ mỉ từng xã, vẫn không tìm ra liệt sĩ nào có tên như thế và huyện Kim Bôi cũng không có xóm Xẩm.

Tôi chuyển sang tra cứu thông tin quân nhân hi sinh từ Cổng thông tin điện tử của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng cũng không có liệt sĩ Bùi Quang Lãnh. Chắc liệt sĩ này không phải tên như vậy, quê huyện Kim Bôi thì đã rõ, nhưng thuộc xã nào, vẫn còn là một điều bí ẩn.

Bẵng đi mấy năm, một lần có gia đình liệt sĩ Bùi Xuân Lý, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi đăng tin tìm liệt sĩ. Liệt sĩ này thuộc Sư đoàn 307, tôi nghĩ ngay đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai, nhưng tra cứu nghĩa trang liệt sĩ huyện này không có, hoá ra liệt sĩ Bùi Xuân Lý nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk Min, tỉnh Đăk Nông, cũng do tra cứu mà ảnh bia mộ liệt sĩ Bùi Quang Lãnh lại xuất hiện. Tôi điện thoại cho Đại tá Bùi Thanh Phương, nguyên Trưởng Công an huyện Kim Bôi, nhờ anh rà giúp xem xóm Xẩm thuộc xã nào. Đến chiều tối anh Phương điện lại quả quyết huyện Kim Bôi không có xóm Xẩm, vậy là bó tay thật rồi.

Đêm hôm đó tôi đang ngủ, bỗng có một giấc mơ kì lạ: Bùi Quang Lãnh xuất hiện trong bộ quân phục, đội mũ tai bèo, hai tay áo xắn quá khuỷu, anh chỉ vào mặt tôi quát: “Tao tưởng mày thông minh lắm, hoá ra mày vẫn ngu! Mày cứ hỏi những thằng còn sống sẽ tìm ra tao. Việc dễ như thế mà cũng không làm được…” Tôi vùng dậy toát cả mồ hôi, hay ông liệt sĩ này báo mộng mình? Sau một hồi trấn tĩnh, chắc không phải đâu, tại vì mình tối ngày liệt sĩ, khi ăn cơm cũng nhắn tin tư vấn cho gia đình liệt sĩ, rồi lúc ngủ cũng nghĩ về liệt sĩ nên vậy. Tôi lắc đầu rồi nằm ngủ tiếp, nhưng không sao ngủ được. Câu nói của Bùi Quang Lãnh trong giấc mơ vẫn còn rõ mồn một: “Tìm những thằng còn sống…” Ồ, có thể lắm chứ. Tôi vội vào phòng làm việc mở máy tính, tìm danh sách liệt sĩ quê Hoà Bình thuộc Sư đoàn 307, những trường hợp đã liên lạc với gia đình liệt sĩ đều được đánh dấu và ghi cụ thể tên thân nhân. Đây rồi, đó là trường hợp liệt sĩ Bùi Thanh Tịnh, quê xã Liên Hoà, huyện Lạc Thuỷ, đã có lần tôi trao đổi với gia đình về mộ liệt sĩ nằm ở Ia Grai. Đợi trời sáng hẳn tôi gọi điện thoại cho cháu Bùi Thị Vững, con gái của liệt sĩ Tịnh để hỏi cháu có biết ai là đồng đội của bố cháu hiện còn sống không. Cháu Vững cho biết có chú Đạt, hiện làm Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lạc Thủy. May rồi, tôi gọi ngay cho anh Hoàng Quốc Đạt:

“Anh Đạt ơi! Qua cháu Vững, con liệt sĩ Tịnh, biết anh cùng Sư đoàn 307. Vậy anh có biết liệt sĩ Bùi Quang Lãnh, quê Kim Bôi thuộc xã nào không?”

Anh Đạt trả lời: “Tôi không biết liệt sĩ Lãnh anh ạ. Anh hỏi mấy anh ở Kim Bôi chắc sẽ rõ.”

“Anh cho tôi xin số điện thoại các anh đó nhé?”

“Tôi không có đâu anh. Anh tìm hỏi anh Cộc, thương binh ở thị trấn Bo, có thể anh Cộc biết.”

Tôi gọi điện thoại cho Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Bo, thì được biết anh Cộc hiện đã chuyển vào xã Kim Tiến. Phải đợi đến ngày hôm sau mới có người cung cấp số điện thoại của anh Bùi Văn Cộc. Mừng quá, tôi gọi điện thoại ngay, nhưng mới hỏi câu đầu tiên, anh Cộc đã trả lời là không biết liệt sĩ Lãnh. Anh Cộc còn nói thêm có thể anh Lưu ở xóm Đúp, xã Tú Sơn biết. Thế là lại thêm một chặng tìm kiếm nữa mới có được số điện thoại của anh Lưu. Mãi đến gần tối tôi mới liên lạc được:

“Anh Lưu đấy à! Xin lỗi anh, tôi là Lợi, ở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh. Anh Lưu có biết liệt sĩ Bùi Quang Lãnh, quê Kim Bôi cùng đơn vị với anh không?”

Từ đầu dây bên kia giọng anh Lưu nói rành rọt: “Lánh, xóm Sằn, xã Hợp Đồng chứ gì? Tôi chôn nó bên tỉnh Pra Vi Hia, Campuchia, nghe đâu quy tập về Gia Lai rồi thì phải.”

Tôi toát mồ hôi hột. Một luồng điện chạy dọc sống lưng: “Vâng, vâng! Cảm ơn anh! Tên chỉ sai một dấu ngã, nhưng bia mộ ghi xóm Xẩm thì tôi không thể tìm nổi, hoá ra xóm Sằn. Xin cảm ơn anh nhiều!”

Thế là đã tìm ra liệt sĩ này qua một giấc mơ, chẳng lẽ linh hồn của ông hiện về chỉ đường, dẫn lối? Về mặt tâm linh tôi không dám chắc. Nhưng kì lạ ở chỗ mình làm theo cách mà liệt sĩ ấy mách bảo trong mơ và tìm được thật. Không thể trì hoãn niềm vui này, tôi tìm cách liên hệ ngay với gia đình liệt sĩ Bùi Văn Lánh. Anh Bùi Văn Chánh là anh ruột của liệt sĩ Lánh nói chuyện điện thoại với tôi, anh Chánh tỏ ra rất vui mừng khi biết tin tìm thấy mộ của em trai mình, anh Chánh vừa thở gấp vừa kể:

“Giấy báo tử ghi nơi hi sinh ở tỉnh vi hia, vi hiếc gì đó bên Campuchia. Hồi báo tử, cán bộ tỉnh đội về tận nhà bàn giao cho gia đình các di vật của chú ấy, ngoài một bộ quần áo và một chiếc bút máy Hồng Hà, còn cả tiền nữa, tôi nhớ là tám trăm hai mươi ba đồng bốn hào bảy xu. Hi sinh bên Campchia thì biết lối nào mà tìm. Nay bác tìm được mộ chú ấy gia đình chúng em cảm ơn quá!”

Anh Chánh mong được giúp đỡ để đưa hài cốt liệt sĩ Lánh về quê. Tôi nhận lời và hướng dẫn làm các thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ. So sánh với giấy báo tử, thông tin trên bia mộ chỉ sai chút ít, nên hơn một tháng sau Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã có quyết định trả lại tên và quê cho liệt sĩ. Và nếu dịch bệnh Covid-19 không hoành hành, thì liệt sĩ Bùi Văn Lánh đã được về quê ngay sau đó rồi.

*

*           *

Để có một đợt di chuyển cùng lúc nhiều hài cốt liệt sĩ về tỉnh Hoà Bình, phải tiến hành tìm hiểu nguyện vọng của từng gia đình có mộ cùng trong một nghĩa trang. Khi tổng hợp được tương đối đủ mới lập kế hoạch tổ chức di chuyển, càng nhiều bộ hài cốt đi chung một chuyến xe sẽ càng đỡ chi phí cho các gia đình liệt sĩ. Mỗi chuyến di chuyển từ 5 đến 15 bộ hài cốt thì mức hỗ trợ của nhà nước là vừa đủ chỉ phí. Sau khi thăm dò 7 gia đình có mộ nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai, có 2 gia đình chưa có nguyện vọng di chuyển về, còn lại 5 gia đình đồng ý di chuyển, vậy là đạt được mức tối thiểu rồi. Khi đang tiến hành hướng dẫn lập hồ sơ xin di chuyển, thì gia đình liệt sĩ Bùi Văn Nhong, xã Đa Phúc, huyện Yên Thuỷ thay đổi để sang năm mới di chuyển, vậy là chỉ còn 4 gia đình.

Nhưng một tình huống khác nảy sinh không lường trước, đó là mẹ của liệt sĩ Lánh chưa kịp làm thủ tục chuyển quyền thờ cúng cho một người khác trong gia đình trước khi bà qua đời. Theo quy định người đi nhận hài cốt phải là thân nhân chủ yếu (bố, mẹ, vợ, con), hoặc người được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thờ cúng liệt sĩ, nếu những đối tượng trên không trực tiếp đi nhận hài cốt được, phải ủy quyền cho người thân đi thay. Vậy là gay go rồi, mỗi năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ có một đợt ra quyết định thay đổi người thờ cúng liệt sĩ vào đầu năm mà thôi, nếu đợi đến đó thì sẽ bị lỡ chuyến. Chỉ còn một cách là phải tập trung làm gấp thủ tục, từ biên bản họp gia đình, đến xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, rồi qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, chuyển hồ sơ lên Sở để ra quyết định. Nhờ có sự giúp đỡ linh động của các cấp, mà chỉ trong một ngày đã có được quyết định của Giám đốc Sở giao cho ông Bùi Văn Chánh thờ cúng liệt sĩ Bùi Văn Lánh.

Ngày hôm sau tôi cùng đại diện 4 gia đình liệt sĩ hành quân vào Gia Lai.

Con đường tránh song song với quốc lộ 14 từ thành phố Kon Tum đi Đăk Lăk thẳng tắp, ít xe qua lại, đơn vị thi công đã bạt những quả đồi san đất xuống chỗ thấp, tạo thành những con dốc đẹp mê hồn. Qua thành phố Pleiku một đoạn ngắn, chúng tôi rẽ vào huyện Ia Grai. Do được thông báo trước, cán bộ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tiếp đón các gia đình liêt sĩ rất tận tình. Anh Lê Quang Long, Phó trưởng phòng nói:

“Đây là đợt đầu tiên di chuyển nhiều liệt sĩ một lúc, trước đây hầu hết mỗi đợt chỉ xin di chuyển một liệt sĩ thôi.”

Tôi trả lời ngay:

“Đợt này ít đấy anh ạ. Do các liệt sĩ quê Hoà Bình nằm ở Gia Lai đã về quê gần hết, số còn lại gia đình chưa có nguyện vọng đón về. Dù ít chúng tôi cũng di chuyển để đáp ứng nguyện vọng của các gia đình.”

Trước khi động thổ, chúng tôi làm lễ thắp hương ở Đài Tổ quốc ghi công. Bày xong mâm cúng xôi gà, hoa quả, tôi châm cả bó nhang cắm lên lư, rồi rót rượu từ chai ra bốn li nhỏ. Mọi người cùng chắp hai tay trước ngực nghiêm trang. Trong tâm thế xúc động lời khấn của tôi cứ thế bật ra:

“Kính thưa linh hồn các anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ tại đây. Kính thưa anh linh 4 liệt sĩ được di chuyển hôm nay gồm… Thưa các anh! Quê mình không được như ở đây, mùa đông rét cắt da, cắt thịt, mùa hè nắng như đổ lửa, mưa lũ, lở núi vùi lấp cả xóm, cuốn trôi cả làng. Ở đây, trên mảnh đất cao nguyên lộng gió, có nhiều đồng đội bên nhau mấy chục năm, mùng một, hôm rằm, ngày lễ, tết các anh được chăm sóc chu đáo. Nhưng theo nguyện vọng của gia đình, Tây Nguyên xa xôi, con cháu không có điều kiện thăm viếng nên muốn đón các anh về gần nhà. Nể tình con cháu, mong các anh chia tay đồng đội…”

Nói đến đây giọng tôi nghẹn lại, phải thật trấn tĩnh mới khấn hết bài và gieo quẻ đồng sấp, đồng ngửa trước sự rưng rưng của những người có mặt.

Tự tay bê bọc hài cốt của liệt sĩ Bùi Văn Lánh lên đặt vào tiểu sành đã được lót đệm những thước vải “mặt phà” (thổ cẩm) của dân tộc Mường mang từ Hoà Bình thơm phức, lòng tôi se lại. Đã hơn bốn mươi năm, hôm nay anh mới được ngửi lại mùi thơm của vải mặt phà, khi còn nhỏ mùi thơm ấy tỏa ra từ cạp váy của mẹ, lớn lên mùi thơm ấy theo cùng hơi ấm của những chiếc chăn bông. Từ nay mùi thơm ấy sẽ ấp ủ anh mãi mãi nơi suối vàng. Đậy nắp tiểu, quấn băng keo cẩn thận, phủ cờ Tổ quốc xong, tôi không quên dán mảnh giấy ghi rõ họ và tên, quê quán, rồi cùng anh Chánh chuyển bộ hài cốt lên Đài Tổ quốc ghi công xếp ngay ngắn bên cạnh các liệt sĩ khác.

Tôi cùng đại diện bốn gia đình thắp nén nhang cuối cùng tại đây, trước khi điểm danh mời các anh lên xe. Công việc xong xuôi, tôi cảm thấy nhẹ lòng, khi vừa làm xong một việc ý nghĩa, khác với những lần di chuyển trước đó, lần này tôi đã hoàn thành công việc từ một giấc mơ kì lạ.

N.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)