Nhà văn thường ít khi đọc lại tác phẩm của mình, một khi tác phẩm đó trình làng. Nhưng có những tác phẩm khiến mình muốn đọc lại, điều này không phải dạng thức “ái kỉ”, mà đọc lại cái mình đã từng dốc nhiều công sức, đọc lại mà không cảm thấy “mắc cỡ”. Ở một khía cạnh khác, đứa con của mình mà mình không yêu thích thì làm sao khiến bạn đọc yêu thích nó được.
Ba tao bay ra ngoài cửa sổ là một truyện ngắn mà tôi “tự thích”. Thật ra thì nội dung của nó chẳng có gì to tát cả. Một người đàn ông, khi qua triền dốc cuộc đời, nhìn lại cuộc đời tẻ nhạt của mình, chỉ thấy một điều khả dĩ thú vị nho nhỏ, đó là lần nhảy qua cửa sổ trốn học. Chỉ vậy thôi. Nhưng cuối cùng, gã cũng không đoán chắc được hành động ấy có thật không, hay đó chỉ là sự tưởng tượng, kiểu một giấc mơ tự dệt.
Ở khía cạnh nghề nghiệp thì đây là một truyện ngắn tương đối khó viết. Bởi truyện “không có gì” mà viết cho nó “có gì” thì đâu có dễ. Cái cấu trúc vòng lặp này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, thấy không gì phù hợp bằng cho một cú bay ra ngoài cửa sổ. Nhưng để phải ngồi xuống, bật ra những câu chữ đầu tiên, tạo ra được cái không khí truyện, là điều không dễ dàng. Tôi không phải là nhà văn tài năng. Tôi luôn cảm thấy khó khăn khi bập vào truyện. Có khi ghi chép, suy nghĩ chán chê rồi, nhưng vẫn không viết được chữ nào. Về sau này, có nhiều thứ trong cuộc sống cứ lặng thầm đùn vào, như mối đùn, khiến đầu óc của mình cũng như một đống đất vậy. Cho nên tôi phải luôn ghi chép. Những gì nảy ra trong đầu là ghi lại ngay, nếu không sau đó sẽ quên béng đi mất.
Một cú nhảy cửa sổ, được nhiều người tiếp cận ở góc độ tâm lí khác nhau, dĩ nhiên. Điều tôi cảm thấy có một chút gì đó gọi là “gặt hái” vì đã cài đặt câu chuyện vào đúng chủ đề giáo dục học đường. Xưa nay tôi ít khi viết theo một chủ đề rõ ràng. Tôi rất dở viết theo chủ đề. Nhưng truyện ngắn này thì tình cờ theo một chủ đề rất rõ ràng. Một chủ đề rất được quan tâm.
Cái cười, cũng là điều tôi muốn dựng lên trong truyện ngắn đó. “Chúng ta suy nghĩ, còn Thượng Đế thì cười”, đó là câu ngạn ngữ Pháp mà tôi rất thích. Tình cảnh con người không gì đúng bằng câu ngạn ngữ trên. Biên dịch nó một chút thì thế này: “Tôi bay ra ngoài cửa sổ, còn Thượng Đế thì cười”.
Văn chương không chết, nhưng nó đã qua cái thời có thể gây choáng động ầm ĩ. Thời nay, viết được một cái truyện, để có một số người đọc (đọc thật) và chia sẻ (thật) là niềm hạnh phúc vô biên với người viết rồi.
Nhà văn TRẦN NHÃ THỤY
**************************
“Búng một cái, ba nhảy ra ngoài cửa sổ lớp học. Sau lưng ba, nổi lên những tiếng ồ òa, nhưng ba phớt lờ không ngoái lại. Cứ như thế ba băng qua khu vườn thảo dược phía sau trường. Rồi ba hụp xuống, thật lẹ chui qua cái lỗ chó chỗ bờ rào tre, nhảy ra đường, bước thật nhanh về nhà.”
Hôm nọ gã kể câu chuyện thời đi học của mình, theo yêu cầu của cậu con trai mười hai tuổi, bằng một cú nhảy bay ra ngoài cửa sổ. Dĩ nhiên là đang trong giờ học. Khi thầy giáo đang tập trung viết cái gì đó trên bảng, hình như là chép một bài thơ theo trí nhớ. Khi cả lớp đang cắm cúi chép theo, thì phóc một phát, gã bay ra ngoài cửa sổ.
“Nhảy ra ngoài cửa sổ?”
Thằng con gã như không tin vào tai mình. Nó hỏi lại, như bị sốc, lại có vẻ khoái chí. Gã gật đầu, ừm, thì đúng vậy. Thời của ba đi học, bọn học trò nghịch ngợm nhảy cửa sổ cúp tiết là bình thường.
“Nhưng con thường nghe ba nói, ba là một học trò ngoan, ba đâu phải học sinh cá biệt mà nhảy cửa sổ?”
Thằng nhóc chất vấn. Nó không hề là một đứa trẻ đơn giản, nó có thể đặt hàng lô hàng lốc các câu hỏi, truy cùng hỏi tận mọi vấn đề. Với câu hỏi này thì gã không biết trả lời sao. Tại sao gã lại nhảy ra ngoài cửa sổ? Tại sao gã luôn chọn một chỗ cạnh cửa sổ để ngồi? Tại sao gã luôn được ưu tiên ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ, mà không có đứa nào bắt nạt giành phần? Có phải chính cái cửa sổ, hay những gì lao xao ngoài khung cửa, là lí do khiến gã luôn bị xao nhãng tâm trí, chẳng thể nào tập trung trọn vẹn cho việc học hành? Mặc dù gã luôn là một đứa học trò ngoan, một đứa biết khắc ghi đặt việc học lên hàng đầu.
Nhưng sao gã lại nhảy cửa sổ?
Những đứa nhảy cửa sổ, không nhất thiết phải ngồi gần cửa sổ, chúng nó lom khom nép sát vách tường, di chuyển như một con mèo, rồi bất ngờ phóng ra. Chúng phóng cửa sổ khi cô giáo vừa ra khỏi lớp hoặc vào những lúc lao nhao sắp hết giờ học. Chúng phóng cửa sổ để tụ tập nghịch phá. Còn gã nhảy cửa sổ, chỉ để đi về nhà.
*
* *
Nhà vắng lặng. Không một ai.
Chỉ nghe tiếng bọn vịt xiêm quạt cánh bay trên mái nhà. Thời ấy, bọn gà vịt thường bay vào những lúc chúng chán lệt bệt dưới đất. Dường như cả bọn chó mèo cũng bay được. Có khi gã thấy cả một con bò đang bay hoành tráng trên bầu trời. Nhưng nhìn kĩ thì đó là một đám mây. Công nhận mây hồi đó đẹp mê li với rất nhiều hình thù. Gã thường thấy mây như một con voi đang bơi ngửa, còn mẹ gã thì luôn thấy đức Phật dạo bước trên mây nở nụ cười không rõ giễu cợt hay độ lượng nhìn xuống trần gian.
Thằng nhóc là gã ngày đó, không mở cửa vào nhà mà ngồi bệt ngoài thềm hè. Nhìn bóng nắng của hàng cây so đũa, nó đoán chừng hơn mười giờ. Giờ này ai cũng có công có chuyện. Không có ai nhàn rỗi như một thằng học trò phóng cửa sổ bỏ học về nhà. Lúc này đây, nó dựa lưng vào gốc cột thiu thiu ngủ.
“Thằng oắt con, sao mày bỏ học hả?”
Một giọng ồm ồm cất lên, làm thằng nhóc choàng giật mình, nhưng rồi nó lại nhắm mắt ngủ tiếp. Thực tế không có ai đứng đó để mắng nó cả. Nhà vắng lặng. Không một ai. Nó lơ mơ ngủ. Trên nóc nhà, con vịt xiêm mập như quái thú bay qua bay lại, chốc chốc cái bụng nó sà xuống ngọn cây rột rẹt, rồi lảo đảo bay lên. Tít trên cao, xanh vời vợi, con voi bơi ngửa huơ vòi phun nước, đức Phật tọa sen tủm tỉm ngó xuống.
Minh hoạ: Nguyễn Vân Chung
“Ba tao, bay ra ngoài cửa sổ.”
Đứng giữa đám bạn, trông thằng nhóc nổi bật hẳn lên bởi chiều cao, kiểu tóc Mohican, đôi mắt sáng, chiếc mũi thẳng, trên sống mũi chấm một nốt tàn nhang đen nhánh. Giọng nói luôn đi kèm cử điệu. Thằng nhóc như vừa làm công việc sắp lại các chữ cái, nhón tay bốc chữ “nhảy” liệng đi, thay chữ “bay” vào.
“Ba tao, bay ra ngoài cửa sổ.”
“Điên.”
Một thằng lùn và còi, trán lấm tấm mụn trứng cá, răng niềng, xì ra một tiếng. Điên. Rồi thấy thằng bạn đẹp trai không hề nao núng, thằng răng niềng bồi thêm: “Ba mày có phải xúp bờ men đâu mà bay ra ngoài cửa sổ?”
Thằng răng niềng chắc là đang mường tượng ra cảnh một người quăng mình ra ngoài cửa sổ rồi dang hai tay như chao đôi cánh bay xuống. Cảnh đó, bọn nó thường thấy trong phim chiếu trên HBO.
Dĩ nhiên là thằng nhóc đẹp trai vẫn không hề nao núng, nó gật gù cái đầu tóc mào gà bảnh tỏn của nó, giọng cao vút.
“Mày không biết thì nín giùm cái đi. Bay ra ngoài cửa sổ thì cần gì siêu nhân. Ba tao hả, ba tao luôn là người đầy năng lượng. Chỉ cần búng một cái là ba tao bay ra ngoài cửa sổ.”
“Mà cửa sổ gì mới được?”
Một thằng béo, bụng phệ hở cả rún, nhưng mông lép xẹp, còn đôi bàn chân thì tong teo như bị bỏ lên đe lò rèn đập dẹp, có thói quen đứng bắt chéo hai chân vào nhau, rồi cứ đổi chân liên tục, lên tiếng hỏi.
“Cửa sổ lớp học chứ cửa sổ gì. Đang học, nhưng thấy chán quá, thế là ba tao bay luôn ra ngoài cửa sổ.”
Lúc này thì cả bọn tròn mắt nhìn nó. Còn nó thì giả vờ nhăn mũi, kiểu coi như chuyện nhỏ. Trên thực tế thì ba nó chưa bao giờ nói “thấy chán quá”, nhưng mà nó có quyền diễn dịch theo ý của mình chứ. Thế gian này, ai cũng có quyền diễn dịch theo ý của mình, chẳng hạn như đọc một cuốn sách, coi một bộ phim, nghe một câu nói, mỗi người đều có cách diễn dịch khác nhau. Quyền khác nhau.
Nhảy cửa sổ, chắc chắn là do chán học, nếu không chán học thì nhảy cửa sổ làm gì.
“Ba mày là học sinh cá biệt.”
Thằng niềng răng nhô miệng ra buông một câu khẳng định chắc nịch.
“Rồi ba mày có bị làm sao không?”
Thằng béo đứng chéo chân tò mò, hai cái chân nó lúc này như đang xoắn vào nhau. Thằng đẹp trai không trả lời ngay. Nó là một đứa trẻ thông minh và bản lĩnh. Thường thì nó đợi bọn kia tung ra hết các câu hỏi, rồi nó mới lần lượt trả lời, có khi nó trả lời một lần cho vài câu hỏi tương tự, có khi nó bảo đám bạn về nhà suy nghĩ đi, sử dụng hết các quyền trợ giúp đi, nếu vẫn không có đáp án cuối cùng thì hãy tìm tới nó.
Có một đứa nãy giờ vẫn im lặng, đó là đứa con gái khá xinh xắn nhưng dáng vẻ không mấy tự tin. Đứa con gái này không có ba. Mẹ nó là single mom. Nó thích lẽo đẽo theo chơi với thằng đẹp trai, không phải vì cái mã bề ngoài, mà thằng đẹp trai luôn nhìn nó bằng ánh mắt ấm áp, có khi lại hồn nhiên nắm tay nó kéo đi. Nó bị mê hoặc bởi lòng trắc ẩn và sự nhiệt thành. Khi nghe thằng đẹp trai nói “Ba tao bay ra ngoài cửa sổ”, nó mường tượng ngay cảnh một siêu nhân. Mẹ nó thì ngày nào cũng nhai đi nhai lại câu: “Đàn ông thì được tích sự gì. Đồ đàn ông đái ngồi”. Khi nói, gương mặt của mẹ nó chợt biến dạng đi, như quả cà chua căng mọng bị dí vào mỏ ngọn hàn xì. Nó không thể hình dung một người đàn bà bay ra ngoài cửa sổ thì như thế nào. Chắc là cái váy sẽ xòe ra như một chiếc dù.
*
* *
“Chuyện đó có không?”
Vợ gã vừa bật máy sấy tóc vừa hỏi. Cái máy sấy tóc nhỏ xíu kêu rồ ròa rồ ròa. Mùi thuốc nhuộm tóc thơm như sâm Hàn Quốc.
Gã vừa xếp mấy cuốn truyện tranh của thằng con lại, vừa nhìn vợ, không hiểu chuyện đó là chuyện gì. Không có quá nhiều chuyện xảy ra với gã trong một ngày, thậm chí là một năm, một đời. Nói một đời là tính gọn luôn quãng đời từ nay về sau, cho tới khi xuống mồ. Chắc cũng không có nhiều chuyện đâu. Như bạn gã, có một tay giờ bỏ hết không làm gì, cả ngày ra bờ sông ngồi câu cá, ai hỏi gì nói gì cũng chỉ mỉm cười. Một tay khác bị tai biến, dặt dẹo bấu víu từng vách tường trong khu phố, tự vật lí trị liệu, tự vượt lên chính mình, nhưng “ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu”. Một tay khác nữa thì nghiện facebook, hai bốn trên hai bốn trên phây sắm vai nhà phản biện các vấn đề chính trị xã hội.
Không có chuyện chi lớn lao. Không còn cả những bồn chồn nhỏ bé. Toàn mấy chuyện linh tinh lang tang, tầm phào tầm thường. Gã thử rà soát lại mình có làm gì sai quấy không. Cũng lâu lâu gã không tán tỉnh cô nào, cũng không bồ bịch gay cấn gì. Chỉ còn một thói quen cũ là đi mát xa. Lành mạnh. Gã vẫn ghiền những cú day ấn bằng hai ngón tay cái vào huyệt bả vai và đôi bàn chân trần dậm chậm rãi nhịp nhàng trên lưng. Nhưng tới màn cô nhân viên tung hứng gã trên đôi bàn chân thì cô cứ luôn miệng nhắc: “Đừng gồng quá. Thả lỏng đi. Sao người anh cứng đơ thế”.
Ở những chỗ mát xa lành mạnh, gã hay gặp những người nước ngoài, họ là khách du lịch, và thường thì họ cứ rúc rích vì không chịu được nhột. Có ông cười mãi cho tới khi rời khỏi phòng mát xa vẫn hí hí, về tới khách sạn còn hi hi, lên máy bay về nước rồi cứ hì hì.
Hồi xưa gã cũng không chịu được nhột, nhưng rồi cứ quen dần, thành lì đòn. Hồi xưa, mỗi khi say rượu vào tiệm mát xa, gã thường hét lên cho hả hơi rượu, cho bay bớt những phẫn uất đè nặng trong lồng ngực. Mỗi khi nghe hét như vậy, đám bảo vệ chỉ đ. mẹ thầm trong bụng, còn cô nhân viên thì phát bốp một cái vào mông kiểu mắng yêu. Còn bây giờ, nếu la hét thì bảo vệ lập tức ập vào. Họ coi đó là hành vi gây rối. Mọi giải thích đều vô nghĩa. Giải thích thì lên phường.
Đã lâu rồi gã không gây rắc rối gì. Đời sống cứ đơn điệu trôi.
“Chuyện gì?”, gã hỏi lại, trong khi cô vợ vẫn huơ huơ cái máy sấy tóc, rồi bất ngờ tiếng rồ ròa im bặt.
“Chuyện anh nhảy cửa sổ hồi còn đi học. Có không?”
Thì ra là chuyện đó. Thằng nhóc đẹp trai chắc đã kể cho mẹ nó nghe. Gã mỉm cười.
“Có. Chuyện đó có thật mà.”
“Nhưng sao anh lại kể cho con nghe chuyện đó?”
“À, nó cứ năn nỉ anh kể một câu chuyện đáng nhớ thời đi học. Anh nghĩ hoài không ra chuyện gì đáng nhớ, ngoài chuyện anh nhảy cửa sổ.”
“Sao anh nhảy cửa sổ?”
“Biết đâu.”
“Anh trẻ con thế.”
“Thì lúc đó, anh là một đứa con nít mà.”
“Không, em nói anh bây giờ kìa. Thứ nhất, bây giờ, khi kể lại chuyện này, anh đã ngoài bốn mươi tuổi rồi, anh đâu còn trẻ con, anh phải hiểu vì sao mình nhảy cửa sổ chứ. Thứ hai, cho dù đây là chuyện có thật một trăm phần trăm, nhưng anh kể cho con nghe với mục đích gì?”
Khi nghe vợ nói thứ nhất, thứ hai, thì gã bắt đầu đánh hơi thấy mùi gây gổ, mùi phải trái đúng sai, mùi công lí phải gấp rút thực thi. Gã oải hẳn. Nhưng rồi gã nói, giọng bình thản, vẻ bình thản này gã học được từ thằng con đẹp trai của gã.
“Nhưng anh thấy con nó thích chuyện này lắm.”
Vợ gã bật cái máy sấy tóc lên, nhưng rồi tắt, bật giọng lên.
“Con nít đương nhiên là thích rồi. Có đứa con nít nào lại không thích trốn học đâu. Em không ngờ anh lại thiếu ý thức giáo dục như vậy. Mà sao, chuyện này anh chưa bao giờ kể cho em nghe?”
“Anh không nhớ.”
Gã định nói vậy, nhưng rồi chủ động tắt đài, nhẹ nhàng rút sang phòng thằng con, mở hé cửa nhìn vào. Thằng nhóc đang cặm cụi làm gì đó trên máy tính. Nó thích làm những clip ngắn và những power point bằng tiếng Anh. Không thể nhìn rõ màn hình, nên gã không biết thằng nhóc đang dựng clip một đứa trẻ bay ra ngoài cửa sổ. Ngoài cửa sổ là bầu trời đầy mây bay.
Khép nhẹ cửa, gã đi xuống bếp, mở tủ lạnh lấy một lon bia rồi chậm rãi ngồi xuống.
“Tại sao anh chưa bao giờ kể cho em nghe chuyện này?”
Có gì hay ho đâu mà kể. Mà, câu chuyện này, thực sự gã đã không còn nhớ, sau bao nhiêu vùi lấp của thời gian, thì nó chợt hiện ra, như viên bi ve ấu thơ chợt nhú lên sau những cơn mưa bất tận mịt mù. Và, như một phép màu, gã đã có mặt ở đó, cúi xuống nhặt viên bi lên, chùi nó vào vạt áo.
Sau khi nhảy qua cửa sổ, thằng nhóc không về nhà ngay. Nó rảo một vòng cánh cung đường làng. Nó đi qua cây cầu ván ọp ẹp. Dưới mố cầu, có một người đàn ông đang đứng câu cá, trông ông lộ vẻ nhẫn nại, với cái đầu trần, cánh tay phải cụt tới cùi chỏ. Nó đứng chờ cho tới khi ông giật lên một con cá. Nhưng không có con cá nào. Nó tiếp tục đi. Nó vòng qua một cái hố từng là căn hầm bí mật, trong hầm này còn có nhiều mù cay, mà có lần nó cùng đám bạn chui vào rồi nháo nhào rút lui, ho sặc sụa, nước mắt nước mũi giàn giụa. Quanh đó vương vãi nhiều thuốc bồi, mà thỉnh thoảng nó cùng đám bạn tới nhặt lên phơi khô rồi dùng giấy bạc bao thuốc lá quấn lại châm lửa đốt cho nó bay chéo chít trên đầu.
Nó đi ngang ruộng mía, muốn bước xuống, bẻ trộm một cây xước ăn cho đỡ cơn khát, nhưng không dám. Nó chưa từng ăn trộm một thứ gì, kể cả một quả trứng.
Nó là một đứa trẻ ngoan. Nhưng sao nó dám nhảy cửa sổ trốn học. Nó cũng không biết. Nó tiếp tục bước đi. Không ai sau lưng nó cả. Nó bước qua một con mương nước trong vắt và mát lạnh. Nó đứng giữa con mương. Cảm giác có thể đứng mãi như thế. Chim hót líu lo khắp cánh đồng. Trên cao, tuốt trên cao xanh đức Phật dạo mây tủm tỉm ngó xuống, con voi bơi ngửa phun nước.
*
* *
“Ba có bị làm sao không?”
Gã chưa hiểu thằng con hỏi về cái gì, cái gì bị làm sao.
Dạo này, gã có vẻ chậm hiểu về mọi thứ, lại cứ hay quên, đôi khi gã có cảm giác như mình vừa bị tẩy não, gã ngồi coi một cái phim mà mình đã từng coi vài lần, nhưng không nhớ một chi tiết nhỏ nào, như mới coi lần đầu tiên. Gã cũng không nhớ là cách đây ba năm, vợ gã, ban đầu đi học yoga rồi sau gia nhập môn phái “Pháp luân đại pháp”. Bây giờ, rất có thể vợ gã đã phi thân bay lên nóc nhà vào mỗi tối, như con vịt xiêm mập ú bay là là trên mái nhà khi gã còn nhỏ.
“Ba bình thường.”
Gã trả lời con trai. Nhưng thằng bé thông minh hiểu ngay rằng ba nó đang lạc đề. Nó nói.
“Không, ý con hỏi là khi nhảy qua cửa sổ đó, ba có bị thương không?”
Chà. Suýt chút nữa thì gã phì cười, nhưng không cười được. Tới lúc không bình thường rồi. Thằng nhóc đã bị câu chuyện này ám ảnh quá mức rồi. Tâm trí nó cứ bị hình ảnh đó đeo bám không rời. Gã cảm thấy lo lắng, khi câu chuyện có vẻ đi hơi xa. Đi xa quá thì không thể quay trở lại.
“Không con. Có sao đâu.”
Gã trả lời, rồi xoa đầu khuyên thằng con nên quên chuyện này đi, chuyện cũng không hay ho gì, chỉ là một phút nông nổi trẻ trâu. Ai đã sống mà không từng nông nổi. Nhưng thằng nhóc vẫn cứ dai dẳng.
“Vậy rồi sau đó ba có bị sao đỏ ghi sổ, có bị ban giám hiệu mời lên uống nước trà không?”
“Không con.”
Gã trả lời nhẹ nhàng. Chính gã cũng ngạc nhiên về sự nhẹ nhàng đó. Gã đã nhảy cửa sổ trốn học. Nhưng không bị xử lí gì cả. Không bị sao đỏ ghi tên. Không bị cô giáo chủ nhiệm gọi lên bảng phạt roi. Thầy hiệu trưởng cũng không hề biết chuyện này. Lạ lùng. Có thể mọi người vì mải bận vào một chuyện gì đó hệ trọng mà quên khuấy chuyện cỏn con này.
Hay đây là một câu chuyện không có thật.
Không hề có một cú nhảy bay ra ngoài cửa sổ nào hết.
Đây chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chính gã đã dựng lên cú bay trong tâm trí mình. Một cú nhảy kĩ xảo nên không có chi tiết ngay từ đầu, mà nó cứ dần thêm thắt vào. Chẳng hạn, một bụi hoa ngũ sắc mọc trên vạt đất ngay ngoài cửa sổ, khi gã nhảy ra thì ngã dúi vào đó, làm cái cây rung lên dội ra một mùi thơm ngai ngái hoang dại.
“Thôi quên chuyện đó đi con trai.”
Gã nói, rồi vuốt vuốt đầu tóc của thằng con, nó đẹp trai thật chứ, hi vọng là đời nó sẽ có nhiều chuyện thú vị. Con người ta có thể học hành nhiều thứ, nhưng không có một trường học nào dạy con người ta sống thú vị. Hãy nhớ lấy điều đó, con trai.
*
* *
Khi gã tới thì họ đã ngồi sẵn ở đó. Ai nấy trong tư thế tập trung, chuẩn bị làm việc.
Người phụ nữ tóc uốn xoăn, tuổi ngoài năm mươi, đó là cô hiệu trưởng, gã đã biết mặt vào những dịp lễ của trường. Cô có vẻ mặt nghiêm túc bền vững, cũng có thể gọi là buồn bã, nhưng sắt đá, như sẵn sàng cho bọn học trò uống nước vắt ra từ giẻ chùi bảng. Cạnh cô là một anh chàng hơi mai mái, người sực nức mùi nước hoa như nước xịt phòng, đó là thầy giám thị. Cặp mắt của thầy sâu hun hút như vực xoáy sẵn sàng hút vào đó bất cứ điều gì, không có gì qua được mắt thầy. Cạnh thầy giám thị là anh chàng có râu quai nón, tay đeo rất nhiều vòng gỗ, hình như là tín đồ phòng tập gym. Gã không biết tay tập gym này là ai, cho tới khi cô hiệu trưởng giới thiệu. Phóng viên báo mạng Z.
“Mời anh uống nước.”
Cô hiệu trưởng nói, giọng như vừa trải qua một cơn bể tiếng và đang trong quá trình phục hồi.
Gã không có nhu cầu nước non. Gã nôn nóng muốn biết có chuyện gì mà gã bị triệu lên đây. Thằng nhóc học hành chăm chỉ. Không quậy phá, vô lễ. Gia đình không nợ học phí. Gã không viết điều gì nhạy cảm trên facebook. Chỉ mới hôm qua vừa xảy ra một chuyện, khi gã dừng xe chỗ ngã tư đèn đỏ, thì bất ngờ một chiếc xe máy qua phía bên phải cán lên chân phải của gã. Đau thấu óc. Gã tính đi bệnh viện chụp phim coi sao, nhưng cô vợ bảo không cần, để em chữa cho, nói rồi cô áp hai bàn tay vào cái chân đau của gã, chặp sau gã cảm thấy dễ chịu. Nhưng đêm đang ngủ thì nó trỗi lên nhức buốt.
Trong cơn nhức buốt đó, đột nhiên gã nhớ ra một chuyện.
Cái lần nhảy cửa sổ đó. Khi đứng ngâm chân dưới mương nước mát lạnh, cảm giác có thể đứng mãi ở đó, thì đột nhiên trên bờ mương xuất hiện thằng bạn thân, nó mỉm cười đưa tay chìa ra, như muốn kéo gã lên bờ. Gã mỉm cười đáp lại, nhưng rồi nụ cười nhanh chóng tắt lịm đi. Thằng bạn này đã chết rồi mà.
Hôm đó, trên đường đi học về, đám học trò nghịch ngợm lượm đất ném vào nhau, một viên đất bay về phía thằng bạn thì bất ngờ nổ tung. Hóa ra đó là một trái M79 bị chôn vùi dưới đất. Thằng bạn của gã bị thương nặng, được đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu, nhưng không qua khỏi. Đám tang của nó cả trường đến viếng rồi cùng rồng rắn kéo ra nghĩa địa. Nhiều người khóc nức nở, nhưng gã không rơi một giọt nước mắt, không phải vì sắt đá, mà lúc đó, gã chưa kịp nhận ra mất mát là gì, chết là gì.
Khi nhận ra thằng bạn thân đã chết nhưng lại đứng trên bờ mương mỉm cười chìa tay ra, gã quay đầu vùng bỏ chạy.
Thay vì chạy về nhà, gã quay lại hướng ngôi trường, cắm đầu thục mạng. Nhưng khi đến gần cổng trường thì gã dừng lại, nhận ra mình không thể ôm cặp vào trường lúc này, gã đành quay trở ra, thất thểu về nhà. Khi qua cây cầu ván ọp ẹp, chân gã thọt xuống một cái khe, một chiếc dép rơi tỏm xuống dưới, còn bàn chân thì xây xát tím bầm. Gã cầm chiếc dép còn lại lên, tập tễnh lê chân trần. Về đến nhà, không buồn mở cửa, gã nằm lăn xuống thềm hè mà ngủ.
Ngủ dậy rồi cái chân vẫn còn đau.
Và, bây giờ, khi ngồi trong phòng máy lạnh mở hết công suất này thì nó lại tê tái đau.
“Dạ, chuyện là thế này”, cô hiệu trưởng vào đề, gương mặt vẫn như định mệnh buồn, “Thầy giám thị đây phát hiện ra con trai anh hay tụ tập một đám bạn, chúng cũng không quậy phá gì, nhưng em ấy hay kể đi kể lại một câu chuyện tầm phào.”
“Ba tao, bay ra ngoài cửa sổ.”
Thầy giám thị chen vào, nói xong thì đưa tay che miệng như bụm vội một tiếng cười.
Phóng viên râu quai nón tập gym ngồi gật gù, tay nhoay nhoáy trên smartphone. Gã lạc hậu không biết là smartphone có công cụ ghi âm giọng nói rồi tự động chuyển thành văn bản. Các phóng viên không cần ghi chép. Nếu biết điều này, tốt nhất gã không nên nói ngọng. Mọi sự trên đời, thoạt nhìn đều na ná giống nhau, nhưng sự thật thì không như vậy.
Cô hiệu trưởng dùng ngón tay cái của bàn tay trái day nhẹ vào ấn đường, rồi nói tiếp:
“Câu chuyện hoang đường này khiến cho bọn trẻ rất thích thú. Anh cũng biết rồi, bọn trẻ thường thích những gì mang tính kích động. Khi thầy giám thị hỏi thì cháu nói chuyện này do ba kể lại. Có đúng là anh kể không, hay cháu nói dối?”
“Cháu không nói dối. Đúng là tôi kể.”
Gã nói, giọng hơi run và lập tức nhận ra mình đang rơi vào một tình thế buồn cười. Không phải cười như trong phòng mát xa.
“Ồ. Sao ba lại kể cho con nghe chuyện này?”
Cô hiệu trưởng hỏi, lần này cô thay chữ “anh” bằng chữ “ba”, không phải vì lí do thân mật mà theo thói quen nghề nghiệp. Trong khi gã chưa biết trả lời sao thì tay phóng viên râu quai nón tập gym lên tiếng. Hóa ra giọng anh ta khá hay, nghe cứ như ca sĩ giọng opera bẩm sinh.
“Chắc anh cũng biết là mới đây xảy ra vụ một học sinh trèo lên sân thượng trường học rồi nhảy xuống đất tự tử do không chịu nổi áp lực học hành. Sự việc này ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường giáo dục. Là người đi viết bài về vụ này, tôi vô cùng đau lòng, cho nên khi nghe câu chuyện các cháu phấn khích muốn nhảy ra cửa sổ, tôi rất là lo lắng, thậm chí có thể nói là phẫn nộ.”
“Phụ huynh cá biệt.”
Thầy giám thị bất ngờ xen vào, lại đưa tay bụm miệng bụm luôn cả mũi.
“Ồ không, xin đừng hiểu lầm, tôi không xúi các cháu nhảy cửa sổ, tôi chỉ kể lại một kỉ niệm đáng nhớ thời đi học mà thôi. Xin đừng hiểu lầm.”
Gã nói, lần này thì giọng không còn chất lượng chuẩn nữa. Tay phóng viên tập gym có vẻ nóng nảy, đốp luôn:
“Anh đừng biện hộ. Là phụ huynh, anh phải hiểu chuyện gì nên kể chuyện gì không. Câu chuyện của anh thật là phản giáo dục.”
Trong khi gã chưa kịp phản ứng thì cô hiệu trưởng lên tiếng:
“Về phía nhà trường, chúng tôi thấy mình có trách nhiệm lắng nghe và chia sẻ. Thú thật là chúng tôi không muốn làm ầm ĩ chuyện này, với lại các cháu cũng chưa làm điều gì sai quấy, nhưng việc cấy vào đầu chúng một câu chuyện không hay như vậy, chúng tôi nghĩ cần được can thiệp kịp thời.”
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh.”
Thầy giám thị đế vào, rồi đưa mắt nhìn gã tỏ ý khiêu khích công khai.
Lúc này, tay phóng viên tập gym cũng giơ smartphone lên, công khai chụp hình gã, bấm liền vài tấm cận cảnh. Người gã run lên như bị vi rút sốt rét tấn công bất ngờ. Quai hàm gã cứng lại như bị đóng băng. Giá mà lúc này thằng nhóc đẹp trai xuất hiện, chắc nó sẽ giải cứu được gã.
Tay phóng viên râu quai nón tập gym vẫn không buông tha. Hắn ta tung ra cú cuối cùng để hạ gục gã, hay làm thao tác sau chót để kết thúc nhanh bài báo:
“Ông xác nhận câu chuyện đó là do chính mình kể. Vậy qua câu chuyện đó, ông muốn nói lên điều gì?”
“Muốn điều gì à? Tao muốn đập bể đầu mày, thằng ranh con, đầu chưa ráo máu, bọn mày đã biết gì về cuộc đời này mà lúc nào cũng lên giọng phán xét với dạy đời người khác thế hả. Tao muốn đập bể đầu mày. Được không?”
Gã nói. Nhưng chỉ là nói thầm trong đầu. Không phải vì sợ hãi, mà gã chợt nhận ra toàn bộ câu chuyện nhảm nhí nực cười. Gã không muốn câu chuyện này được đưa lên báo, như là một câu chuyện giáo dục, và gã là một phụ huynh cá biệt điên rồ, đã gây ra một chuyện phản giáo dục.
Gã lấy lại bình tĩnh, như thằng con đẹp trai của mình vẫn thường cân bằng trạng thái bằng một nỗ lực tuyệt vời. Gã nói:
“Trước hết, anh làm ơn xóa giùm những tấm hình vừa chụp tôi đi, tôi không cho phép, và tôi có quyền. Còn về chuyện nhảy cửa sổ, đúng là do tôi kể, nhưng thực ra đó là câu chuyện bịa đặt, kể cho vui thôi, không có thật đâu. Quý vị cứ thử nghĩ mà coi, nếu như tôi nhảy cửa sổ thì phải bị sao đỏ hay như thầy giám thị đây phát hiện, rồi cô chủ nhiệm bắt làm kiểm điểm, rồi cô hiệu trưởng mời lên phòng uống nước trà, như vầy nè. Chứ làm gì có chuyện nhảy cửa sổ trốn học mà không bị gì. Chuyện kể cho con nít nghe thôi mà. Tôi xin lỗi vì mình đã đùa hơi quá trớn. Cũng có thể là thần kinh tôi có vấn đề. Tôi thành thật xin lỗi. Xin các vị hãy tha cho tôi.”
Gã nói, và còn nói thêm những gì đó nữa, xong gã vừa cúi chào vừa đi giật lùi ra khỏi phòng.
Tập tễnh suốt dọc hành lang, gã không thấy một khung cửa sổ nào, tất cả đều đóng kín mít, bởi bên trong phòng học đang vù vù máy lạnh. Gã hình dung thằng con đẹp trai đang ngồi trong một phòng nào đó, có thể là một chỗ cạnh cửa sổ, nhưng cửa khóa chặt, thậm chí đã bịt kín vĩnh viễn, nó thoáng đưa mắt nhìn ra ngoài, nhưng liền bị cô giáo nhắc nhở, tên của nó bây giờ đã nằm trong sổ đen.
Vừa nghĩ gã vừa tập tễnh đi ra khỏi cổng trường, gã quên mất mình đã gửi xe trong sân, quên luôn ý định gặp cô hiệu trưởng xong sẽ ngồi đợi đón thằng con luôn, cứ như thế gã đi dọc trên vỉa hè, đi mãi dưới hàng me xanh um, mắt cứ mãi dán xuống mặt đường, không biết trên cao kia có cái gì đang bay, hay chỉ là những hạt mưa đang bắt đầu rơi xuống.
Sài Gòn, mùa hè 2019
T.N.T
VNQD