. CHÂU NINH
Vào một ngày mưa phùn ẩm ướt, tôi bất ngờ nhận được túi bồ kết mẹ gửi qua đường bưu điện. Vậy là lại thêm một mùa bồ kết chín rụng vườn nhà, mẹ chắt chiu từng quả để dành cho con gái phương xa. Nhìn những quả bồ kết đen bóng, đượm nắng khô cong làm tôi xúc động vô cùng. Tôi bỗng nhớ mẹ, nhớ quê hương Thành Nam da diết…
Nhà tôi ở cuối làng, cái xóm nghèo ven con sông Đào quanh năm phù sa bồi đắp. Ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ ẩn mình giữa vườn cây trái xum xuê. Phía cuối khu vườn ấy có một cây bồ kết cao lớn với gốc cây xù xì, chằng chịt gai đan. Tôi nhớ, vào mỗi độ xuân về, cây bồ kết bắt đầu đơm những chùm hoa vàng nhạt, li ti, rồi kết thành những chùm quả lúc lỉu sai cành. Qua thời gian, những chùm quả ấy chuyển từ màu xanh sang màu vàng và cho đến khi đen sậm, già câng cũng là lúc thu hoạch quả. Bố dùng cây sào tre dài có gắn móc sắt để “giật” từng chùm xuống gốc cây. Tôi hăm hở nhặt từng quả bỏ vào chiếc rổ tre đan cho đến khi đầy ắp “thành quả” mang về cho mẹ. Dưới cái nắng vàng hanh hao của mùa đông, mẹ đem bồ kết ra sân phơi cho thật khô. Bố cặm cụi chẻ tre làm lạt, buộc từng chùm treo lên gác bếp.
Trong kí ức tuổi thơ của tôi là mỗi chiều đông lạnh gió, tôi chạy lon ton theo mẹ ra vườn cắt lá hương nhu, lá sả nếp, cỏ mần trầu để nấu nước gội đầu. Mẹ cẩn thận rửa sạch từng loại lá, múc nước giếng khơi đổ xâm xấp mặt nồi rồi bắc lên bếp đun. Khi nước trong nồi bắt đầu reo lên những tiếng tí tách vui tai là lúc mẹ lấy mấy quả bồ kết bám muội bồ hóng đen sì đang treo lơ lửng trên gác bếp, hơ qua ngọn lửa. Từng quả bén lửa xem xém, giòn tan, mẹ rửa sạch, bẻ nhỏ từng quả cho vào miếng vải màn quấn lại rồi thả vào nồi nước đang sôi. Nước bắt đầu đưa hương theo làn khói tỏa ra khắp gian bếp ấm áp tạo nên một mùi hương đồng nội vô cùng đặc biệt. Đó là mùi dìu dịu, ngan ngát của các loại lá cây vườn nhà quyện hòa cùng mùi nồng nồng, ngai ngái của bồ kết. Tôi cố hít hà thật sâu để cảm nhận sự khoan khoái, dễ chịu trong lồng ngực.
Mẹ bê nồi nước ra sân, múc từng gáo vào chậu, pha thêm nước giếng cho nguội bớt rồi gọi các anh chị em tôi đến. Chúng tôi ríu rít tranh nhau để được mẹ gội trước, cười nói ầm ĩ cả khoảng sân trước nhà. Một tay mẹ múc từng gáo nước xối lên đầu cho ướt dần, một tay mẹ nhẹ nhàng xoa xoa lên mái tóc xác xơ, bờm xờm của tôi sau những buổi trưa nô đùa cùng chúng bạn. Tôi cảm nhận từng ngón tay dịu dàng của mẹ mơn man trên mái tóc, nghe hương bồ kết thấm đẫm trong từng chân tóc, thấm đẫm tình yêu thương của mẹ. Hương bồ kết cứ thế mà theo tôi đi qua mùa đông căm căm rét, đi qua mùa hè chang chang nắng và đi qua những năm tháng tuổi thơ bình yên bên mẹ. Những năm tôi đi học xa nhà, mỗi lần về quê, mẹ lại nướng bồ kết, nấu nước và gội đầu cho tôi như thuở còn thơ ấu. Những ngón tay khẳng khiu, ram ráp vết chai sạn, chầm chậm chải xuống suối tóc đen dài của tôi. Nhìn đôi bàn tay gầy guộc quanh năm vất vả với ruộng lúa nương khoai, tất bật ngược xuôi nuôi anh em chúng tôi ăn học thành người, tôi thấy tim mình đau nhói…
Giờ đây, guồng quay của cuộc sống hiện đại đã làm mái tóc ám mùi khói bụi thành phố, tẩm ướp những mùi hương hóa chất từ dầu gội, thuốc uốn nhuộm công nghiệp, tôi lại nhớ biết bao cái mùi hương dân dã, bình dị của bồ kết quê nhà. Có lẽ, vì trong ấy có nỗi nhớ về những kí ức tuổi thơ, có niềm vấn vương quê hương hằn sâu trong tâm trí và có tình thương yêu của mẹ ủ men tâm hồn bao mùa tha hương:
Hương bồ kết đượm tình thương của mẹ
Nhẹ nhàng vương trên mái tóc con xanh
Hình bóng mẹ trong chiều đông gió lạnh
Sẽ theo con trên mỗi cuộc hành trình
C.N
VNQD