Trong sắc xanh của biển

Thứ Năm, 28/09/2023 06:32

. NGUYỄN THỊ KIM NHUNG
 

Cảng Cát Lái một sớm đầu tháng 5. Nắng như vàng hơn bởi sắc trắng trang nghiêm, oai dũng của con tàu mang số hiệu KN-290. Đoàn công tác số 9 chuẩn bị lên tàu để bắt đầu hành trình thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đứng dưới tượng đài tưởng niệm những liệt sĩ đoàn tàu không số tại Lữ đoàn 125, dẫu biển xanh còn khuất mắt nhưng trong mỗi người đã dấy lên những đợt sóng mênh mang.

Mặn chát nước biển Len Đao

Hai ngày đầu tiên của hải trình, biển làm chúng tôi say đắm. Mặt trời như đốm lửa được nhóm lên. Những cánh hải âu đậu trên sóng nước lấp lánh dưới nắng vàng. Mây ở biển cũng mang hình của sóng, trong một chớp nhòa tôi thấy như thể mặt biển vừa bay lên vẽ nên một đại dương khác, bồng bềnh nhẹ bẫng trên cao xanh kia. Buổi chiều, khi được ban chỉ huy tàu thông báo điểm đầu tiên đoàn đến là đảo Len Đao, tim tôi như hẫng đi một nhịp, đó là khoảnh khắc mà tất cả những gì tôi đọc được, nghe được về cụm đảo Len Đao - Cô Lin - Gạc Ma chợt hồi về.

Tôi lên boong tàu như thể đó là cách để được nhìn thấy Len Đao sớm nhất, cho dù phải sáng mai tàu mới đến đảo. Trên boong đã có vài người ngồi đợi ngắm hoàng hôn. Chân trời viền một đường cong óng ả, rực rỡ. Những con tàu phía xa như thể đang đi men theo đường chân trời ấy… “Biển thật yên ả”. Tôi nhìn sang phía tiếng nói, nhận ra đó là Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 9. Vị tướng dáng người bé nhỏ nhưng toát lên vẻ rắn rỏi, nghiêm nghị, đôi mắt và giọng nói ấm áp vô cùng. Tôi mạnh dạn bắt chuyện: “Sáng mai đến Len Đao, chắc cũng vẫn yên ả thế này chú nhỉ?”. Trong một khắc, tôi thấy gương mặt ông trầm xuống. Đôi mắt người chỉ huy như đắm vào sóng nước…

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng vào hải quân năm 1981 với mong muốn tiếp bước người bố là Đại tá Lương Mẫn, nguyên Tư lệnh Vùng 2, Vùng 3 Hải quân, sau đó là cố vấn cho Tư lệnh Hải quân Campuchia. Một đời binh nghiệp gắn bó với biển cả nhưng kỉ niệm lắng đọng nhất trong ông là sự kiện ngày 14/3/1988 xảy ra ở chính nơi mà tàu chúng tôi đang hướng đến. Ông là một trong những người lính có mặt trong những ngày biển Đông dậy sóng ấy. Lúc đó ông là Thuyền phó Tàu đổ bộ 555 kiêm Đội trưởng Đội chống đổ bộ, chốt giữ đảo. Khi nhận mệnh lệnh ra đảo ông đang là Thượng úy, 26 tuổi. Đó cũng là lúc vợ ông mang thai đứa con đầu lòng. Biết đi là khó có thể trở về, nhưng ông không do dự. Ông đã dành trọn một đêm viết tám trang thư gửi cho bố, nếu con của con là con trai thì đặt tên là gì, con gái thì đặt tên là gì; và nếu lỡ ông không trở về, thì hãy để vợ ông đi bước nữa, cô ấy còn quá trẻ, nhờ bố nuôi cháu giúp...

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng đã có 192 ngày ở Trường Sa trong năm tháng gian lao ấy. “Đó cũng là 192 ngày tôi không được cắt tóc, khi trở về hệt như Robinson”, ông hài hước khi thấy bầu không khí như chùng xuống xung quanh…

Khi Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng kể lại câu chuyện về những người lính năm xưa trong cuộc chiếm đóng bất hợp pháp của quân Trung Quốc, tôi thấy một người lặng lẽ lắng nghe từ đầu đến cuối, có lúc dường như anh không giấu nổi cảm xúc của mình. Trên boong gió khá lớn, gió tình cờ thổi lật tấm thẻ lên tàu anh đeo trước ngực. Tôi lặng người nhìn thấy dòng tên: Vũ Xuân Khoa. Nếu ai tìm hiểu về trận chiến trên cụm đảo Len Đao - Cô Lin - Gạc Ma trong ngày 14/3/1988 thì đều biết đến Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ-604 bị Trung Quốc bắn chìm ở Gạc Ma. Tôi biết anh Khoa là con trai của liệt sĩ Vũ Phi Trừ khi tìm đọc tư liệu, nhưng điều khiến tôi bất ngờ là gặp được anh ở đây, cùng chuyến đi và lúc này…

“Đây là lần thứ hai anh đi Trường Sa, nhưng là lần đầu tiên anh đến gần nhất nơi bố anh đã hi sinh. Lúc bố đi anh chưa đầy một tuổi…”, anh kể cho tôi nghe khi trên boong chỉ còn hai anh em ngồi nán lại. Anh lớn lên từ những câu chuyện mẹ kể về bố. Khi có thể tự tìm hiểu được anh đã tìm đọc mọi tư liệu về Gạc Ma trong năm tháng ấy. Lúc này tôi cũng chợt nhớ ra, hôm trước, khi tàu vừa khởi hành, tôi lên cabin để xem nhờ các thủy thủ tấm bản đồ biển đảo Việt Nam, tôi đã gặp anh ở đó. Khi ấy anh rất chăm chú vào tấm bản đồ, nơi đã tạo nên “vòng tròn bất tử”. Anh cũng đã tìm gặp những người đồng đội của bố năm xưa để được nghe kể về ông. Tiếp bước theo bố, anh trai của anh cũng đã quyết tâm trở thành người lính hải quân, là bộ đội chiến đấu của Lữ đoàn 125, đơn vị của bố anh năm xưa. Anh vì thương mẹ luôn phải lo lắng thấp thỏm nên lựa chọn công việc ở ngoài, nhưng cách đây một năm anh cũng đã chuyển vào công tác trong môi trường quân đội. Anh bảo, dần dần nếu thuyết phục được mẹ đồng ý, anh cũng muốn trở thành bộ đội hải quân. Trong lúc chúng tôi nói chuyện về liệt sĩ Vũ Phi Trừ - người đầu tiên được phong Anh hùng trong những liệt sĩ đã ngã xuống ở Gạc Ma, một chú chim én từ đâu bay đến, lượn vòng xung quanh boong tàu và nhiều lần như muốn sà xuống lan can ngay cạnh phía anh đứng. “Anh cảm nhận được bố đang ở rất gần anh”. Sóng biển chiều nay như lắng cả vào trong đôi mắt con trai người liệt sĩ anh hùng ấy.

Lúc này, phía cuối tàu mặt trời bừng lên trong khoảnh khắc cuối cùng để tạm biệt một ngày. Nơi mũi tàu trăng mười sáu mỗi lúc một rõ hơn. Chúng tôi đang rời bỏ mặt trời để đi theo ánh trăng bạc. Tàu thuyền xung quanh cũng đã lên đèn. Ánh đèn như được thắp lên từ những ngôi nhà của chòm xóm thân thương. Thì ra, đi trên biển, khi gặp được những tàu thuyền của ngư dân mình thì trong lòng cũng nhen lên cảm giác thân quen như mỗi xóm làng trên đất liền vậy.

Ngày thứ ba của hải trình, từ lúc trời và biển còn chung một bức màn mờ ảo, trên boong đã chật kín người.

Đảo Len Đao. Ảnh: Kim Nhung

Khi trời sáng hẳn cũng là lúc hiện ra trong sắc xanh của biển ngôi nhà kiêu hãnh giữa mênh mông sóng vỗ. Tàu thả neo, trong không khí trang nghiêm, đoàn công tác làm lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại quần đảo Trường Sa. Khi lời diễn văn xúc động vừa vang lên: “Kính thưa anh linh các anh hùng liệt sĩ…” thì cũng là lúc cơn mưa bất ngờ đổ xuống. Trước đó bầu trời không có dấu hiệu sẽ mưa. Mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, mưa như nói thay lòng người biết bao nhiêu nỗi niềm kìm nén. Chúng tôi lặng yên, trang nghiêm dưới cơn mưa của cảm xúc.

Khi vòng hoa tưởng niệm được thả xuống biển, khi những cánh hạc trắng được thả trôi hòa vào sóng nước Len Đao cũng là lúc cơn mưa vừa dứt. Nắng gió thổi khô những giọt mưa trên áo trên tóc mỗi người nhưng nước mắt vẫn âm thầm chảy. Những con sóng nối nhau xoa dịu nỗi lòng người con, biển khơi mênh mông như tấm lòng rộng lớn cao cả của người cha...

Những người lính trên đảo Len Đao đón chúng tôi bằng cái nắm tay thật chặt, nụ cười thật tươi. Nắng gió bão mưa như lặn sâu vào lớp da nâu giòn. Khi biết tôi đến từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đại úy Bùi Quỳnh Lâm, chỉ huy đảo vui vẻ chỉ cho tôi giá sách, nơi những cuốn tạp chí của chúng tôi được lưu giữ một cách cẩn thận và trang trọng. Anh bảo, ba tháng tạp chí mới đến với cán bộ chiến sĩ một lần, nên quý lắm. Có một chiến sĩ thường đọc trang thơ của tạp chí và viết rất nhiều bài thơ. Tôi ngỏ ý muốn gặp thi sĩ của đảo, Đại úy Bùi Quỳnh Lâm bảo tiếc quá, cậu ấy đang thực hiện nhiệm vụ được giao rồi.

Khi rời đảo, từ xuồng trở về tàu, một con sóng lớn bất ngờ ập tới. Tôi đã được nếm vị mặn chát của nước biển Len Đao. Một vị tướng đi cùng xuồng nói, “Nước ở cụm đảo này luôn mặn hơn nước ở những vùng biển khác”. Tôi không rõ ông đang nói với chúng tôi, hay nói với chính mình… Ông là Chuẩn đô đốc Mai Tiến Tuyên - nguyên Chính ủy Vùng 2 Hải quân, nguyên Thuyền trưởng Tàu HQ-604. Trước khi đi học ở Nga, ông đã bàn giao con tàu cho Đại úy Vũ Phi Trừ, khi đó đang là thượng úy, tiếp nhận vị trí thuyền trưởng. Khi ông đang học ở Nga thì biết được con tàu và những đồng đội của mình đã vĩnh viễn nằm dưới lòng biển quê hương…

 

Mưa ở Trường Sa

Tàu vừa cập đảo Trường Sa Lớn cũng là khi cơn mưa ào tới. Chúng tôi rời tàu lên đảo trong cơn mưa mà không một ai muốn trú tránh... “Sáu tháng rồi đảo không có mưa, đây là cơn mưa đầu tiên, trên đảo đang gần hết nước ngọt đấy…”, anh Lê Thế Hân, Thuỷ thủ Tàu KN-290 cho biết. Những câu chuyện của anh Hân về Trường Sa cho tôi hiểu hơn tình yêu những thủy thủ dành cho đảo luôn đặc biệt và lớn lao.

Tôi cùng Thuỷ thủ Võ Tá Quân và Hoàng Sỹ Thanh đi dạo trên con đường nhỏ vòng quanh đảo. Mưa len lỏi hoà cùng câu chuyện của chúng tôi. Tôi nhặt những vỏ ốc trên cát mang về làm quà cho con gái nhỏ. Quân cười, em cứ đi suốt thế này, biết khi nào mới có bạn gái để tặng vỏ ốc. Nói vậy nhưng tôi cảm nhận được niềm vui ấm áp bình dị đang nhen lên trong ánh mắt chàng thủy thủ trẻ nhất tàu.

Thanh trầm tính hơn, nhưng sự lãng mạn ở chàng thủy thủ này thì chẳng kém gì đồng đội. Khi nhận ra những vỏ ốc xinh đẹp nằm lẫn trong cát, em nhặt cất vào túi ngực, bảo sẽ đem về làm quà tặng vợ mới cưới, cô ấy luôn mơ ước được một lần đến Trường Sa.

Khi mưa tạnh, đi dưới những vòm tra xanh tươi, một chiến sĩ trẻ ngang qua, nhanh nhảu hái mời tôi trái tra chín thẫm, “Mời chị nếm thử nho ở Trường Sa nhé”. Lúc này tôi mới để ý, khuất trong những vòm xanh là những chùm quả lấp ló. Quả tra quấn quýt thành chùm, trông hệt như chùm nho vậy. “Nho Trường Sa” khi ăn sẽ thấy chan chát, mằn mặn, nhưng ngay sau đó là vị ngọt ngào lắng lại rất lâu. Chiến sĩ trẻ bảo: “Những lúc rảnh rỗi em thường ra đây hái tra, Ninh Thuận quê em trồng rất nhiều nho. Nhìn những chùm tra, em mường tượng đang đứng dưới giàn nho quê. Chị ăn nữa nhé, em hái thêm…” Tôi chợt nghĩ, lúc này, nếu tôi đang đứng trước vườn nho quê em, chắc em cũng sẽ mời tôi như vậy. Một niềm xúc động nho nhỏ len len trong tôi. Em lúc này hệt như chủ nhà nồng hậu hiếu khách, mang cây nhà lá vườn ra mời mọc. Và bởi vì em đã xem Trường Sa như chính quê hương của mình, xem những trái tra vừa mặn chát vừa ngọt ngào kia là hương vị của quê hương… Tình yêu với một mảnh đất nhiều khi được thể hiện trong những điều bé nhỏ ấy. Thấy tôi lấy bút và sổ ra ghi, em lại nhanh nhảu: “Chị đừng đưa tên em lên báo nhé. Em vừa ra đảo thôi mà đã hai lần có tên trên báo rồi, em ngại, mình còn chưa làm được gì…”

Ngoài bến cảng tôi gặp binh nhất tên Long, em vừa ra Trường Sa hồi đầu năm. Em hỏi đoàn lần này ra có ai ở Thái Bình không. Tôi bảo có đấy, em như vui hẳn lên. Gương mặt thư sinh dường như nắng gió còn chưa kịp ngấm vào. Tôi hỏi, mỗi lần có đoàn ra em mong gì nhất, em cười và chia sẻ hết sức hồn nhiên: “Được gặp đồng hương và được ăn hoa quả tươi chị ạ”. Sự hồn nhiên của em khiến tôi cay mắt. Niềm vui gặp đồng hương trên biển của những người lính thì tôi đã được nếm trải. Ngay ngày đầu của hải trình, khi tôi lên cabin xem nhờ bản đồ, biết tôi quê Phú Thọ, các thuỷ thủ đã giúp tôi kết nối ngay xuống phòng máy, anh Lê Hoàn là máy trưởng trên tàu, cùng quê với tôi. Thế là anh em râm ran trò chuyện, quê nhà tưởng rất xa nhưng ở ngay đây thôi, trong chén trà, trong bát cơm, trong giọng nói. Nếu là ở một nơi khác, không phải đảo xa thì hai điều Long mong muốn ấy dường như chẳng ăn nhập gì cả. Nhưng đây là Trường Sa, dù đời sống vật chất và tinh thần đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây nhưng làm sao có thể đầy đủ như ở đất liền. Thế nên mọi mong muốn đều chứa đựng biết bao cơn cớ…

Tôi dành cả buổi chiều để đi một vòng quanh đảo. Nhớ lời mời của người phụ nữ khi vừa lên đảo, tôi tìm thăm gia đình chị. Chị là Nguyễn Thị Phương Dung, 28 tuổi; chồng chị là anh Lâm Ngọc Vinh, 40 tuổi. Anh chị ra Trường Sa đã được gần năm năm. Con trai lớn của anh chị đã chín tuổi, con gái nhỏ ba tuổi. Ngôi nhà đơn sơ và tinh tươm, chỉ trưng bày nhiều đồ trang trí được làm tinh tế từ vỏ ốc biển. Ở đây ngày và đêm đều như dài hơn mà lại không có những công việc thường ngày như ở đất liền nên chị thường kiếm vỏ ốc làm thành đồ trang trí, thi thoảng gửi về làm quà tặng đất liền. Tôi hỏi, sao anh chị lại chọn ra đảo. Anh Vinh vui vẻ cho biết, anh từng là bộ đội nghĩa vụ, khoảng thời gian ấy anh được nghe nhiều câu chuyện về Trường Sa, nghe nhiều và tìm hiểu nhiều rồi thấy Trường Sa gắn bó với mình từ bao giờ. Khi hết nghĩa vụ, về lấy vợ, sinh con, được biết nhà nước có chế độ đưa các hộ dân ra đảo sinh sống, vậy là anh đăng kí ngay. “Anh là tiểu đội trưởng đội dân quân tự vệ của đảo Trường Sa đấy.” Anh nói như khoe. Tôi thấy rõ niềm vui, niềm tự hào trong đôi mắt anh khi chỉ cho tôi những tấm giấy khen trên tường mà anh được nhận vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hai đứa trẻ chơi gì đó mà cô em gái khóc ré lên, chị Dung nhẹ nhàng nhắc: “Messi, con không trêu em.” Tên ở nhà của cậu bé là Messi, bởi cậu thần tượng cầu thủ số 10 của đội tuyển Argentina. Tôi nói với cậu bé rằng cô cũng thích đội bóng Argentina lắm. Cậu bé hào hứng, “World Cup vừa rồi con xem hết các trận đấy cô ạ, con muốn trở thành cầu thủ nổi tiếng...” Nhìn cậu bé say sưa nói về niềm đam mê của mình, tôi nhận ra, ở nơi đảo xa xôi này mọi ước mơ, mọi đam mê vẫn luôn được nhóm lên, được nuôi dưỡng mạnh mẽ và cháy bỏng. “Cô ơi, chuyến sau cô ra mà không thấy con là con đã về bờ rồi cô nhé!” Messi nói với tôi lúc sắp chia tay. Tới đây gia đình cậu sẽ chuyển về đất liền để tiện cho việc học của cậu, do ở đảo trường học chỉ có đến lớp 5. Tôi hỏi Messi, về đất liền con sẽ nhớ điều gì nhất ở đảo. “Con nhớ các bạn học cùng và các chú bộ đội. Con mong các bạn và các chú sẽ hay ăn, chóng lớn để mai kia vào bờ tìm gặp con.” Trong sự ngây thơ ấy là biết bao nhiêu tình cảm gắn bó và lưu luyến…

 

Mênh mang nhà giàn

Trên hải trình của mình, chúng tôi gặp một cơn áp thấp. Những đợt sóng đủ khiến chúng tôi chao đảo nhưng dễ gì ra đến Trường Sa, nên ai cũng cố đứng cho vững để cảm nhận, về đất liền rồi là vời vợi cách xa.

Bên cửa sổ cabin, nơi con tàu lắc lư nhất, các thuỷ thủ vẫn đứng gấp hạc giấy. Những cánh hạc sẽ được thả xuống biển trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Những bàn tay thô tháp chai sạn gió sương lại hết sức mềm mại, khéo léo khi gấp hạc. Phó thuyền trưởng tàu KN-290 Nguyễn Đức Tài vừa say sưa gấp hạc vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện của biển. Tài chỉ tay ra xa xa hướng nhà giàn Huyền Trân, đó là nơi cậu từng có 13 tháng là phó chỉ huy trưởng nhà giàn ở đó. Tài quê ở Tiền Giang, là chàng trai miền Tây duy nhất trên tàu, cậu cưới vợ năm 2016 mà tính ra hai vợ chồng ở với nhau chưa được một năm. Lần lâu nhất hai vợ chồng không được gặp nhau là 15 tháng. Lúc cậu ở nhà giàn về thì con gái thứ hai đã được sáu tháng tuổi. “Nhiệm vụ của người lính mà…”, Tài cười hiền khô nói. Tôi thầm thán phục người bạn cùng tuổi. Trước khi gặp Tài tôi vốn nghĩ người làm công việc ấy trông phải dày dặn gió sương lắm. Tàu chúng tôi đi cách Huyền Trân khoảng năm hải lí, nhưng trên biển khoảng cách như được rút lại gần hơn. Nhìn từ xa, giữa bồng bềnh mây nước, nhà giàn như người lính kiên trung đang đứng canh giữ biển trời quê hương. Đi giữa cơn áp thấp, giữa hun hút biển khơi mà nhìn thấy nhà giàn như thể những chênh chao trong lòng tôi cũng bớt đi khi tìm được nơi neo đậu.

Nhà giàn DK1/11. Ảnh: Kim Nhung

Đến khi vào nhà giàn DK1/11, sau những chào hỏi xôn xao là những phút giây chúng tôi được chia sẻ, được lắng nghe nhau. Trung uý Trần Bé Thu, Chính trị viên nhà giàn còn rất trẻ, sinh năm 1995. Chàng chính trị viên với đôi mắt to và sâu chia sẻ rất chân tình. Xa đất liền, xa gia đình nên cán bộ chiến sĩ đều rất nhớ nhà. Nhưng đó cũng là động lực để anh em phấn đấu. Nhà giàn đã trở thành ngôi nhà thực sự của mỗi người lính. Anh em luôn xác định còn nhà còn người và không bao giờ vì bất cứ lí do gì mà trễ nải nhiệm vụ. Tôi hỏi, những lúc rảnh rỗi, nhớ nhà thì anh em thường làm gì. Thu hào hứng: “Chúng tôi uống trà, tập đàn, thổi sáo, hát những bài ca của người lính… Ở đây thời tiết xấu thường không xem tivi được, anh em hay đọc tạp chí, đọc sách báo để nắm bắt xã hội kịp thời và nhất là sau khi đọc xong thì kể lại cho nhau nghe về những câu chuyện hay, xúc động. Có chiến sĩ trẻ rất nhớ người yêu, nỗi nhớ ấy cũng sẽ được đồng đội chia sẻ qua những cuộc chuyện trò.” Nơi sóng gió này những người lính luôn mở lòng và thấu hiểu nhau. Lính biển bao giờ cũng lãng mạn, vui nhất là khi câu được cá bò bọc thép to, các chiến sĩ sẽ lọc lấy da làm lồng đèn, làm đồ mĩ nghệ gửi về cho bạn gái ở quê nhà.

Ở những đảo nổi, việc trồng rau đã dễ dàng hơn, nhưng ở những đảo chìm và nhà giàn thì rất khó. Thế mà anh em ở đây đã tận dụng được mọi khoảng trống để trồng rau, cải thiện bữa ăn, đảm bảo đủ chất trong lúc đợi tàu cấp hàng ra. Việc chăm rau bằng phân hữu cơ được làm từ giấy thừa cũng là một sáng tạo của anh em để có vườn rau xanh sạch. Không chỉ là cái ăn, mà những thửa đất, luống rau luôn gợi về một khu vườn nhỏ bình yên đầm ấm của mỗi gia đình… Cô bé phóng viên báo Tuổi trẻ đi cùng tôi không giấu nổi niềm xúc động, nghe đến đây đôi mắt trong veo đã rơm rớm. Tôi hỏi Thu có bạn gái chưa. Chàng sĩ quan trẻ bối rối nhìn sang cô bé phóng viên, gương mặt ngăm đen như ửng lên thấy rõ. Thu ngại ngùng bảo, em chưa yêu lần nào, hồi đi học mới hơi thinh thích một cô gái, rồi thôi, vì em đi miết ngoài này…

Dưới chân nhà giàn, những đàn cá tung tăng bơi lội khoe dáng vẻ lấp lánh trong màu nước biếc xanh. Trông chúng thật bình yên, vui nhộn, chẳng biết chúng có hiểu nỗi gian lao của các chiến sĩ nhà giàn không mà tôi cảm giác như chúng đang muốn bầu bạn, nô đùa. Khi càng lưu luyến, ta sẽ cảm giác thời gian càng trôi nhanh. Sóng ầm ào vỗ quanh nhà giàn như sự sốt ruột, những ngọn đèn đỏ mắt trông theo con tàu đang dần trôi xa trong chạng vạng. Nhìn cô bé phóng viên trẻ vội vàng lưu số của người lính biển, có một ngọn đèn ấm áp trong tôi được thắp lên.

 

Tình ca người lính

Hôm tàu đến Sinh Tồn Đông, sóng to, quá trưa rồi mà vẫn không thể vào đảo. Nhìn từ boong tàu, đảo hiện lên với ngói đỏ cây xanh, cảm giác quen thuộc như bất cứ làng quê nào, thành phố nào ở đất liền. Đảo ở ngay trước mắt như mời gọi khiến những người trên tàu lòng dạ cứ cồn lên. Ở phía đảo cũng là biết bao ánh mắt lo lắng mong chờ đang dõi ra tàu. Cuối cùng chỉ huy tàu quyết định xuồng chỉ chở quà, chở lãnh đạo, phóng viên và văn công vào đảo. Lúc lên đảo, thấy có ít người, một chiến sĩ đón đoàn có vẻ sốt ruột hỏi tôi: “Văn công có được vào đảo không chị?”. Tôi bảo, em yên tâm, văn công đi chuyến xuồng sau kia. Vậy là không chỉ một chiến sĩ, mà cả nhóm chiến sĩ như cùng ồ lên. Một chiến sĩ thật thà, “Mỗi lần đoàn ra, bọn em mong nhất là có văn công đi cùng”. Sau đó là những tiếng hát được cất lên, được hoà vào nhau, hoà vào sóng gió đảo Sinh Tồn.

Hôm sau tàu cập đảo Đá Tây C. Đảo chìm mịt mờ trong mưa nhưng vừa lên đảo chúng tôi đã cảm nhận được sự ấm áp khi những người lính quây quần vòng trong vòng ngoài cùng nhau hát những ca khúc da diết, bi hùng về biển đảo. Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh… Từ những người lính gạo cội như Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Chuẩn đô đốc Mai Tiến Tuyên, Trung tướng Nguyễn Trường Thắng - Tư lệnh Quân khu 7 cho đến những chàng lính trẻ vừa chớm đôi mươi đều say sưa thả hồn theo tiếng guitar bập bùng. Mỗi người một nỗi niềm riêng nhưng tình cảm với biển đảo như hoà chung một nhịp. Cô văn công Nông Thị Thuận Hà của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 không kìm nén được cảm xúc, nước mắt chan hoà cùng lời ca. Hà kể, khi nãy cô đã lên tầng cao nhất của nhà đảo, giữa mưa gió mịt mùng cô hát cho chàng Binh nhất Nguyễn Văn Nam đang canh gác nghe vì thương chiến sĩ đang làm nhiệm vụ không được tham dự giao lưu cùng đoàn. Khi hát xong, Hà ngỏ ý muốn nắm tay chàng binh nhất. Vững vàng trước sóng gió là vậy, mà sao khi nắm tay cô gái, chàng binh nhất cứ run run…

Tàu trở về sau năm ngày trên biển. Những lưu luyến nhớ thương đã đầy lên trong mắt mỗi người. Tôi lên boong tàu để có thể nhìn được lâu nhất nơi mình vừa chia tay. Tàu đi qua những đảo, những nhà giàn mà chúng tôi không ghé thăm trong lịch trình này nhưng sự thoáng qua ấy cũng đủ cho tôi thấy biển đảo quê hương mình giàu đẹp, lớn mạnh nhường nào…

Bình minh trên biển bắt đầu từ một dải mây đêm dần sáng phía chân trời. Dải mây mang hình tia chớp, hình con tàu, hình đất nước Việt Nam... Có thể là một dáng hình quen thuộc nào đó tuỳ theo trí tưởng của mỗi người nhưng nó báo thức ban mai, báo thức ngày mới với biết bao mong chờ, hi vọng. Những con tàu ẩn hiện trong sóng nước quê hương mang đến cảm giác bình yên vững chãi. Hải trình đi từ cực đông đến cực nam của Tổ quốc với hơn một nghìn hải lí mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, nhiều suy nghĩ. Đến Trường Sa, chứng kiến những gian khó, hiểm nguy của người lính tôi chợt nhận ra mình thật bé nhỏ bởi những vụn vặt đời thường. Những trải nghiệm và thấu hiểu dường như làm cho chúng ta lớn hơn chính mình.

Ngày cuối cùng trên biển, tôi bâng khuâng với những gì mình có được trong những ngày qua. Ban đầu biển cho tôi vẻ đẹp của những mộng mơ, còn lúc này biển đã trĩu nặng trong tâm khảm. “Chúng ta đang đi qua mỏ Bạch Hổ, nơi gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác bài hát Mùa xuân từ những giếng dầu đấy”. Anh Hoàng Sỹ Sự lái tàu KN-290 nói cho tôi biết khi hiện ra trước mắt ánh lửa đỏ rực trên mặt biển. Anh Sự cũng là người ngay từ đầu hải trình đã tận tình chỉ cho tôi biết về những nơi tàu đang và sắp đi qua, về độ sâu của từng vùng biển, về những hòn đảo mờ xa trước mắt nhưng rõ rành trên hải đồ… Nhìn những ngọn lửa cháy trên giàn khoan, nỗi bâng khuâng mơ hồ trong tôi như được lắng lại. Những ngọn lửa cho tôi thấy rõ tiềm năng, sức sống bất diệt của biển Việt Nam. Những ngọn lửa cũng như ngọn hải đăng soi sáng cho những người đi biển, cũng như khẳng định chủ quyền biển của chúng ta. Trong tôi, ngọn lửa tin yêu, tự hào đã được thắp lên tự bao giờ. Tôi thấy mình nhẹ bẫng như một làn mây. Trên kia mây trắng như những con thuyền đang trôi, như những núi đồi phiêu lãng, như những làng mạc, phố xá lô nhô. Tất cả đều gợi lên sự thân quen, máu thịt vô cùng.

Sau những ngày mất sóng, điện thoại mọi người bắt đầu đổ chuông. Tôi sẽ nhớ mãi nụ cười lấp lánh niềm vui của cô bé phóng viên trẻ khi cô giơ điện thoại cho tôi nhìn, cuộc gọi đầu tiên cô nhận được khi về đất liền là của người lính nhà giàn. Khung cảnh này khiến tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn/ Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc/ Thăm thẳm nước trời, nhưng anh không cô độc/ Biển một bên và em một bên…

N.T.K.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)