Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa rừng xanh

Thứ Hai, 04/09/2023 00:24

. HỮU ĐẠT
 

Cơn đau ào đến, làm cho An vã mồ hôi ướt đầm, toàn thân run lên bần bật, mặt mũi tối tăm… Cô vội vứt cuốc, khụyu xuống đường. Đồng đội xúm đến đưa cô vào căn hầm chữ A sát bìa rừng để nghỉ. An cố mím môi không rên một tiếng, nhưng ai cũng biết là An đang cố chịu những cơn đau ghê lắm.

Gần một năm nay, cứ mỗi kì đến tháng là cô lại bị cơn đau như thế hành hạ. Mới đầu An cứ ngỡ là bệnh thường tình của phụ nữ sắp bước vào tuổi ba mươi, nhưng gần đây cơn đau kéo đến có vẻ dày đặc và quyết liệt hơn. An đã phải đến trạm xá xin thuốc. Mấy ông bác sĩ quân y chẳng hiểu lắm về bệnh phụ nữ, đã cho thuốc qua loa, nên bệnh càng ngày càng trầm trọng hơn.

Minh hoạ: Vũ Đình Tuấn

Có người nói đùa bệnh ống chề đó mà, chỉ cần cho thằng đàn ông nào đó sờ một cái là khỏi ngay. Nhưng nếu đó là sự thật thì cả cung đường này cũng không có lấy một bóng đàn ông để “làm thuốc”. Bởi vào thời điểm đó, có những đơn vị thanh niên xung phong quân số trăm phần trăm là nữ.

Khi cơn đau đã dịu, An nhổm dậy, quơ tay định tìm nước uống, thì đại đội trưởng xê gái bước tới đưa ca nước cho cô và khuyên nên tuân theo y lệnh của bác sĩ. An lắc đầu, vì cô biết ngày thống nhất đất nước sẽ không xa. Cô muốn được góp sức vào chiến dịch giải phóng miền Nam và trở về trong đoàn quân chiến thắng.

Nhưng xê trưởng đã nghiêm mặt:

“Bệnh em có vẻ trầm trọng. Em ở lại không những không làm được việc mà đại đội phải mất thêm một người để chăm sóc. Hơn nữa chỉ cần ra tới Vĩnh Linh điều trị xong là em có thể trở vào tham gia chiến dịch mà.”

“Em cũng muốn về hậu phương để điều trị, nhưng sợ sẽ nhớ chị em lắm.”

An ứa nước mắt, nhưng mệnh lệnh vẫn là mệnh lệnh, cô buộc phải khoác ba lô ngược ra. Thông thường chỉ cần ra tới đường mòn vận tải lớn là có thể xin xe ra Vĩnh Linh. Nhưng lần này thì gần như không thấy xe đi ra, mà chỉ có xe chạy vào. Những đoàn quân, xe tăng, xe kéo pháo cứ rầm rập chạy vào Nam tung bụi mù mịt. Các chiến sĩ trẻ đưa tay vẫy An. Cô cũng đưa tay vẫy lại trong dòng nước mắt lã chã.

Rồi người ta dừng lại hỏi: “Vì sao trong không khí náo nức ra trận, cô lại lủi thủi ngược ra?” “Hay là bị kỉ luật?” Khi hiểu ra vấn đề, ai cũng động viên An mau chóng khỏi bệnh để kịp quay vào tham gia chiến dịch.

Một người lính già dúi vào tay An mấy lá thư và chững chạc tuyên bố:

“Háo hức vậy, nhưng quét sạch nó đi đâu phải là ngày một ngày hai. Chiến dịch có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Đừng lo, bọn này vẫn chờ cô vào cùng giải phóng miền Nam đó.”

An gạt nước mắt, nhận thư quà của những người lính và hứa ra tới Vĩnh Linh sẽ tìm cách chuyển cho người nhà của họ.

Đêm đến, cô đã phải mắc võng ngủ một mình ở trong rừng. Rừng sâu hoang vắng đầy bí ẩn, duy có chiếc đài National chiến lợi phẩm làm bầu bạn, nhưng pin đã quá yếu, cô chỉ dám mở vào lúc chập tối để nghe các bản tin rồi tắt.

Sáng hôm sau, cô lại nảy ra ý định không muốn chạm trán với những người lính đang hừng hực khí thế ra trận nữa. Còn một ngày đường nữa là sẽ ra tới Vĩnh Linh. Vậy là cô bỏ con đường lớn, chọn một lối nhỏ trong rừng lầm lũi dấn bước.

Sau nửa ngày len lỏi trong rừng, An chợt hiểu ra là mình đã có một quyết định sai lầm. Giả sử gặp thú dữ, biệt kích, thám báo… thì không biết điều gì sẽ xảy ra? Hoặc cơn đau bỗng nhiên tái phát thì biết trông chờ vào ai? An rùng mình, định trở lui thì trời bỗng sầm mây, gió nổi lên, báo hiệu một cơn giông lớn sắp ập đến. Cô quyết định băng mình về phía ngọn núi cao trước mặt.

Tìm mãi rồi An cũng tìm được một cái hang rộng để trú chân. Cô bật đèn pin thận trọng dò từng bước chân vào thì thấy đây là cái hang đã có người ở trước đó, giữa hang còn sót lại chiếc sạp tre và những thanh củi cháy dở bừa bãi.

An quyết định nhóm lửa sưởi. Dưới ánh sáng bập bùng, những nhũ đá bỗng ngời lên một cách lung linh kì ảo. Cô vô cùng sung sướng khi thấy một bịch ni lon gạo, ống nứa đựng muối, vài bộ quân trang để sẵn trong một hốc đá cuối hang. Điều này chẳng có gì lạ, bộ đội Trường Sơn thường làm như thế ở những trạm trung chuyển không người. Khi những người lính có nhiệm vụ phải đi qua đó một mình, họ sẽ tìm thấy và dùng nếu cần thiết.

Cô lấy hăng gô ra chuẩn bị bữa cơm tối. Khi cơm bắt đầu sôi An bỗng thấy ớn lạnh, toàn thân ê ẩm. Chắc lại bị cảm rồi. Cô cố gượng, chờ cơm chín nhưng không thể. Cơn sốt sầm sập kéo đến làm cho toàn thân lẩy bẩy, mặt mày xây xẩm, đầu óc nhức ong ong…

Ném thêm vài que củi vào đống lửa, An ngã mình ra chiếc sạp cũ, kéo bạt trùm kín người co quắp. Không phải căn bệnh cũ tái phát, cũng chả phải là bị cảm mạo như cô nghĩ, mà là căn bệnh sốt rét rừng. Người nóng ran, mồ hôi nhễ nhại, rồi bỗng hạ xuống lạnh ngắt. Cô không đủ sức để lấy thuốc tự điều trị cho mình nữa. Lịm dần, An co quắp bên bếp lửa đang tàn dần.

*

*        *

An bất tỉnh bao lâu chẳng biết. Khi vừa he hé mắt tỉnh lại đầu ong ong như búa bổ. Cô muốn cựa mình để xem mình còn sống không nhưng cơ thể không theo sự điều khiển của cô.

“N…ư…ớ…c… Có… ai… không? Cho… tôi… hớp… nước!” An khẽ kêu lên. Nhưng tất cả vẫn bặt im, chỉ có tiếng mưa gió gầm gào đáp trả.

Rồi cửa hang bỗng xuất hiện một bóng người. Hắn lấp ló thoắt ẩn thoắt hiện tiến về phía An. Cô cũng đoán có thể đây không phải là đồng chí của mình, càng không phải là người dân bình thường. Cô muốn vươn tay lấy khẩu súng để tự vệ nhưng không thể được.

Loáng một cái, bóng đen đã tiếp cận vị trí An đang co ro. Một tiếng quát khô lạnh như dao chợt vang lên:

“Nằm yên! Cử động … tao sẽ bắn.”

An nhắm mắt nằm yên.

“Đừng giả chết nữa! Mày là đứa nào?”

An vẫn nằm im, chỉ he he mắt. Hóa ra là một tên thám báo địch.

Họng súng lạnh ngắt dí mạnh vào mang tai đau nhói, An nhắm nghiền mắt và bất giác kêu lên:

“Có ai… không? Cho…. tôi… nư…ớc.”

Tên thám báo bỗng chột dạ, từ từ rê nòng súng xuống lồng ngực của người đang thoi thóp. Hắn đưa chân đá mạnh khẩu súng CKC ra xa và giật mạnh tấm bạt đắp trên người cô.

“Ha ha… thì ra một tên Việt Cộng cái!”

An cựa mình, cố nhổm dậy, nhưng họng súng dí mạnh hơn vào ngực làm cô ngã ra bất lực. Tên thám báo gườm mắt nhìn An một lúc rồi đưa tay sờ soạng khắp thân thể cô để tìm vũ khí và tài liệu.

“Ủa sao thân thể mày lại nóng thế hở con Việt Cộng kia?”

An nhắm mắt thảng thốt:

“Nước… cho tôi nước.”

Tên thám báo vẫn dí nòng súng vào An, nhưng câu hỏi thì đã có chút tình người.

“Mày làm sao vậy? Sốt rét hả?”

An hé mắt nhìn tên lính vẻ chờ đợi. Hình như tên lính cũng hiểu được cái nhìn của cô. Hắn cẩn trọng lùi từng bước, nhìn quanh cảnh giới. Thấy một cái bi đông ở cạnh, hắn vội cầm lên lắc lắc, mở nắp và đưa cho An. Khi cô đưa tay định cầm bi đông nước thì hắn bỗng dừng tay lại và cười ngạo nghễ:

“Không dễ vậy đâu cô em ạ! Phải cho tôi biết đồng đội cô đang ở đâu? Có mấy người thì mới được uống”

“Nước… cho tôi… nước! Tôi… bị lạc… không có ai… làm gì... đâu. Cho hớp nước… rồi bắn… vẫn chưa muộn.”

Tên thám báo bỗng động lòng trắc ẩn, cẩn trọng đưa bi đông cho An. Cô ngửa cổ lên tu ừng ực. Mồ hôi cô túa ra, toàn thân bải hoải, An nhắm mắt toan uống tiếp. Bất thần tên lính giật phắt cái bi đông và nói:

“Đủ rồi! Bấy nhiêu đủ rồi. Bây giờ hãy nghỉ ngơi và trả lời câu hỏi của tao: Đồng đội mày ở đâu? Có mấy người? Sao mày lại nằm một mình ở đây? Nhiệm vụ đặc biệt à?”

An mệt mỏi, thở phì và rên lên khe khẽ.

“Nói! Nói mau không tao bắn!”

“Bắn đi! Tôi…. không có gì để nói.”

Họng súng lại dí mạnh vào mang tai.

“Vậy mày là ai?”

“Tôi là Việt Cộng thứ thiệt đây. Bắt tôi về mà lãnh thưởng. Nhưng áp giải đã khó, còn bắn… thì chỉ một tiếng súng là anh sẽ bị bao vây ngay.”

Tên lính giật mình, hạ nòng súng xuống. Hắn nhìn An trân trân, nhếch mép:

“Đúng là Việt Cộng nòi, sắp chết tới nơi mà còn hù. Nhưng tao có cách của tao. ”

Nói đoạn hắn rút con dao găm bên người ra, bước tới kề vào cổ An.

“Cách này thì đồng đội mày sẽ không biết mày chết khi nào và ở đâu.”

Hắn múa lưỡi dao qua trước mắt cô, ánh thép sắc lạnh rợn cả tóc gáy. An nhắm mắt, chờ đợi phút giây lưỡi dao xoẹt qua cổ.

Nhưng tên lính đã không làm thế, hắn tra dao vào bao nhã nhặn:

“Thôi chẳng đùa nữa, tao sẽ thử sống ít ngày với Việt Cộng xem thế nào. Cũng may có cơn lũ…”

Hình như An đã tỉnh hẳn, cô mở to mắt ngạc nhiên:

“Lũ, mưa, ngoài trời đang có lũ sao?”

Tên lính Cộng hòa phá lên cười sằng sặc:

“Ồ… có lẽ bị mê man mà cô em không biết vùng này vừa trải qua một cơn lũ kinh hoàng à?”

Cơn sốt lại ào đến, làm cho An nóng rần rần, môi tím bầm, toàn thân run lên bần bật. Cô nhắm nghiền mắt, ngã vật ra miên man. Tên thám báo cẩn trọng bước tới, đặt tay lên trán An thăm dò.

“Ui? Sao lại nóng dữ rứa? Chắc là bị sốt rét ác tính rồi.”

Hắn rụt tay lại, lấy ra viên thuốc đút vào miệng An, sau đó đỡ dậy dốc nước cho uống. Chừng mấy tiếng sau, An nghe như có chất lỏng gì đó đặc quánh, sền sệt đang chảy vào cổ, rồi xuống ngực. “Cháo! Cháo!” Cô kêu lên khe khẽ từ trong cổ họng và mở to mắt ngạc nhiên nhìn tên thám báo. Như hiểu được những suy tư của An, tên lính mỉm cười, khẽ gật đầu, nhỏ nhẹ:

“Cô… cô đã tỉnh rồi. Tốt quá… quả thực là tôi lo cho cô quá.”

An ngạc nhiên:

“Anh… anh lo cho tôi?”

Tên lính bối rối không trả lời. An ngập ngừng:

“Anh… anh có thể cho tôi đi ngoài được không?”

“Ra ngoài? Liệu cô có báo động cho đồng đội cô đến bắt tôi không?”

“Không… hoàn toàn không. Ý tôi muốn nói là anh để tôi đi tiểu tiện. Ngồi trong hang, trước mặt anh bất tiện quá…”

Tên lính cười thật thà:

“Cô có thể đi… nhưng phải để tôi cột tay cô lại và ngồi chỗ mà tôi nhìn thấy. Cô không cần phải xấu hổ. Tôi sẽ không làm gì nếu thấy an toàn. Còn trường hợp cô cố tình báo động hoặc bỏ chạy, thì…”

Hắn nâng súng lên và làm động tác giả xiết cò.

An để tên lính lấy dây võng buộc tay phải mình thật chặt, rồi xiêu vẹo lần dò ra cửa hang, cô tìm một bụi cây và ngồi xuống đó. Còn tên lính thì đứng trên tảng đá, nắm đầu dây, canh chừng.

Khi vào đến sạp, An liền vật người ra hổn hển. Tên thám báo rón rén tìm vị trí thuận lợi, tựa lưng đó, ôm súng ngủ ngồi. Hắn ngoẹo đầu và bắt đầu thở đều… An tranh thủ ngắm khuôn mặt của hắn. Một khuôn mặt rất điển trai, hiền hậu và hấp dẫn… Nếu như trong phim ảnh thì đó sẽ là một nhân vật có lòng nhân ái, bao dung. Cô bỗng cảm thấy xót xa cho cho số phận của tên lính. Bởi hắn vừa là ân nhân, vừa là kẻ thù đang nắm mạng sống của mình. An muốn tiến đến tước vũ khí và bắt nằm yên. Nhưng cô thừa hiểu, với một tên lính thám báo được đào tạo bài bản, thì chỉ một cử động nhỏ là hắn sẽ bật dậy, nổ súng không sai một phân.

Rồi hắn bắt đầu ngáy. Tiếng ngáy phá tan yên tĩnh của hang đá côi lạnh. Nhưng cũng nói lên rằng cơ hội giành chiến thắng đã đến. An run run bước tới, nhưng cô động vào viên đá khiến tên lính giật mình nắm chặt lấy ốp súng, mắt mở thao láo hỏi:

“Chuyện gì thế cô Việt Cộng xinh đẹp? Bộ muốn bỏ trốn hả?”

“Không! Tôi muốn nói với anh chuyện cho đỡ buồn thôi. Anh tên gì? Bao nhiêu tuổi? Quả là tôi có thiếu sót vì đã quên cảm ơn cứu mạng của anh. Không có anh hôm nay tôi đã thành ma rồi.”

Tên lính ngần ngừ rồi cũng đáp:

“Nhơn - Nguyễn Thành Nhơn, năm nay hai sáu tuổi.”

An khẽ khàng:

“Anh yên tâm ngủ tôi sẽ canh giúp cho. Tôi trả ơn anh không hết ai lại...”

“Người ta dạy tôi đừng vội tin bất cứ ai, nhất là Việt Cộng.”

 

Minh hoạ: Vũ Đình Tuấn

An khỏe dần, cô có thể vận động, đi lại ăn uống được nhờ vào những viên thuốc của Nhơn. Dù cô buộc lòng phải ăn ngủ, đi lại dưới sự cảnh giới của anh ta. Và tất cả đều phải cẩn trọng, nếu có động thái nghi ngờ thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Thông thường thì mỗi khi An đi tắm, vệ sinh là Nhơn lại cầm súng đứng canh chừng. Nhưng rồi dần dà, cả hai không còn hoài nghi dò xét lẫn nhau nữa. Họ đã ngồi húp chung một hăng gô cháo và nói chuyện bâng quơ...

Trời đã hết mưa, nước ở các con suối cũng dần dần rút. Họ bước ra ngoài để ngắm trời đất, thưởng thức những luồng gió mơn man, nghe chim hót. Nhưng một hệ lụy mới cũng vừa ập đến, số lương thực An mang theo và cả những gì dự trữ trong hang đã cạn kiệt. Hai người bắt buộc phải lần theo những con suối để hái rau rừng, đào củ, mò cua bắt ốc và cá về ăn. Một lần sau bữa ăn, An bảo:

“Anh vào cái hốc đá trong kia mà lấy bộ áo quần ra thay, để tôi giặt bộ trên người cho. Tôi thấy anh mặc nó từ hôm vào đây đến giờ.”

Nhơn ngần ngừ một chút rồi cũng uể oải bước đi. Mười phút sau bước ra, Nhơn ném bộ quần áo rằn ri xuống trước mặt An và bảo:

“Đốt giùm nhé!”

An ngạc nhiên:

“Sao lại đốt? Mai kia lấy gì mà mặc. Để tôi giặt giúp anh.”

Nhơn nhún vai điệu nghệ:

“Không! Tôi không cần và mãi mãi sẽ không cần tới nó nữa. Bộ đồ này trông có vẻ thanh nhã hợp với tôi.”

Sau lần ấy hai người có vẻ tin tưởng nhau hơn. An được tự do đi kiếm rau củ quả trong rừng, còn Nhơn thì tìm săn những con thú đem về làm thức ăn.

*

*        *

Khi mặt trời nhô lên cao, những tia nắng vàng vọt lọt qua khỏi vòm lá lung linh và kì ảo. Muôn điệu chim rừng cùng vang lên lảnh lót véo von. Tự nhiên An thấy trong người nóng bức khó chịu. Cô bước nhẹ xuống suối, từ từ cởi bỏ hết áo quần. Bất chợt có tiếng lá khô bị dẫm nát, An giật mình ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt Nhơn đang đắm đuối si mê. Cô hoảng hốt, thụp xuống giữa làn nước trong chỉ ngập tới đầu gối và thảng thốt kêu lên:

“Ôi!... Sao anh lại… Không biết xấu hổ à? “

Mắt vẫn chăm chăm không bỏ sót nét nào trên cơ thể ngọc ngà của An, Nhơn thẳng tuột:

“Cô không nhớ ai là người đã canh chừng khi cô tắm cả tháng nay rồi sao? Tôi đâu cần nhìn lén.”

Rồi bất ngờ Nhơn sắt nét mặt lại, nâng súng lên nhắm về phía An bóp cò.

“Đoàng”

“Roạc… éc éc éc...”

“Ối ối, ôi chao!”

An chới với ngã sóng soài bên mép nước, thân hình tê dại bàng hoàng không biết chuyện gì đã xảy ra.

Tiếng Nhơn vọng tới vẻ lo lắng hơn bao giờ hết:

“Cô… cô có bị làm sao không?”

An mở mắt, gườm gườm nhìn gã đàn ông đang từ từ bước tới.

“Sao... sao anh lại bắn tôi?”

Nhơn bước tới nhỏ nhẹ:

“Cô nhìn đi!”

An định thần nhìn lên một đoạn. Một con lợn lòi đang giẫy đành đạch, máu lênh láng pha đỏ cả dòng nước. Con lợn đã nhè thẳng vị trí An đang tắm mà lao tới. Và Nhơn đã nhanh tay xử lí. Đúng là phản xạ của tay súng cự phách. Chỉ một phát súng ở góc hẹp mà tiêu diệt gọn mục tiêu.

An ngượng ngùng:

“Em… Em… xin lỗi.”

“Ta cần rời khỏi đây ngay.”

*

*         *

Đã mấy lần trăng tròn rồi khuyết. Đã mấy lần hai người quyết định chia tay nhưng rồi lại nấn ná. An đã biết Nhơn là một người lính đào ngũ. Chính cơn lũ rừng hôm nào đã giúp anh ta thoát khỏi sự truy sát của chiến hữu. Còn vì sao anh ta đột ngột quay súng thì An chưa biết.

Rồi một hôm Nhơn đi miết, An ở nhà cứ hong hóng lo lắng. Nếu anh ta bỏ mặc mình nơi rừng núi hoang vu này để trở về Nam thì đi một nhẽ. Nhưng nếu anh ta bị bắt và khai báo thì sẽ rất hệ lụy đến mình. Lòng như lửa đốt nhưng An chỉ biết ra cửa hang ngồi đợi. Nhá nhem tối, Nhơn đột ngột quay về, người ướt sũng mồ hôi, rác bụi… Anh ta đưa mắt trìu mến nhìn An, rồi nhoẻn miệng cười hồn nhiên và móc túi lấy mấy cục pin cũ.

“Anh nhặt ở đâu vậy? Có làm được gì nữa đâu?”

“Tôi sẽ chế tạo lại thành những cục pin mới để nghe tin tức từ cái đài kia.”

“Nhưng anh chưa nói đã nhặt nó từ đâu”

Nhơn ngước lên nhìn An đầy bí hiểm rồi thì thầm như sợ ai đó đang nghe lén.

“Mò ra đường vận tải Nam Bắc và nhặt từ một trạm giao liên bỏ hoang.”

An dậm chân hoảng hốt, tròn mắt kêu lên:

“Trời đất! Sao anh liều vậy?”

Nhưng Nhơn không tỏ ra chút ân hận, thậm chí còn cười nhạo:

“Người Mĩ bỏ công đào tạo một tên lính thám báo đâu có rẻ. Về chiến thuật và độ táo bạo chúng tôi không được như đặc công Việt Cộng, nhưng kĩ năng tiếp cận, lẩn tránh kẻ địch một cách an toàn thì bắt buộc phải thuần thục.”

An không nói nữa, cô lặng lẽ ngồi nhìn Nhơn cẩn thận cắt một ống nứa khô và cho vào đó một ít muối, sau đó nhét những cục pin cũ vào. Hóa ra anh ta vẫn để ý việc An thỉnh thoảng lấy cái đài ra vặn vẹo.

Công việc hoàn tất, Nhơn đứng dậy phủi tay và nói:

“Vài tiếng nữa là chúng ta có thể nghe được.”

Đợi đủ thời gian, Nhơn đấu dây từ hộp pin ống nứa vào chiếc đài. Rồi tiếng loa rọt rẹt vang lên:

“Mời đồng bào và đồng chí nghe tin chiến thắng của phóng viên chúng tôi gửi từ mặt trận về: Tại thị xã Buôn Ma Thuột, quân chủ lực của ta đã đánh vào sân bay và căn cứ Mai Hắc Đế. Chúng ta áp chế hoàn toàn quân địch, làm cho sở chỉ huy địch rối loạn.

Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, bộ đội ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu trong thị xã. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng đã kéo lên. Thị xã Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn giải phóng.”

Nhơn ngẩng lên thở dài nói:

“Điều gì đến đã đến.”

Còn An tròn mắt sung sướng:

“Bắt đầu rồi!”

Cô bỏ Nhơn đứng chưng hửng, chạy nhanh vào thu xếp ba lô hành lí và giục:

“Khoác ba lô nhanh lên, ta cùng đi. Mau ra đường đón xe, nếu không có thì chạy bộ.”

*

*         *

Ngày sau, An và Nhơn đã gặp một đoàn xe chở lương thực vũ khí đang tiến vào Nam. Họ bước ra đường, dang tay chặn một chiếc xe lại. An nén cơn thở dốc, đứng nghiêm đưa tay lên chào vị chỉ huy và hổn hển nói:

“Báo cáo! Báo cáo đồng chí, chúng tôi là thanh niên xung phong đại đội M, tiểu đoàn X, đoàn K. Tôi được lệnh cùng đồng chí thương binh này ra Bắc để điều trị. Nhưng bây giờ chúng tôi đã khỏe. Tôi xin phép theo xe đồng chí trở lại đơn vị để tham gia chiến dịch.”

Ông chỉ huy cúi xuống ghi chép tất cả những lời của An vào một quyển sổ nhỏ bìa cứng, rồi ngước kính lên thăm dò.

“Hai đồng chí đã bình phục thật chưa? Liệu có đủ sức tham gia chiến đấu không?”

“Khỏe hoàn toàn rồi. Xin đồng chí yên tâm.”

“Vậy thì lên xe, hành quân thật nhanh kẻo lỡ mất thời cơ.”

Một ngày sau An được sung vào một đơn vị vận tải trên đường vận tải Bắc Nam. Nhơn được ở lại tham gia chiến đấu cùng đơn vị đã cho đi xe. Nhờ thông thạo địa hình và thói quen sở trường của lính thám báo mà anh đã dẫn đường cho đơn vị trong chiến dịch giải phóng, tiết kiệm được nhiều thời gian và tránh được những thương vong không đáng có.

Sau ngày 30 tháng tư 1975, Nhơn đến gặp ban quân quản và thú nhận tất cả. Theo quy định hiện thời, anh vẫn phải đi học tập cải tạo ba tháng và trở về địa phương. Lúc về thì má anh đã mất được hơn năm - lí do khiến Nhơn đào ngũ định trở về chịu tang. Chẳng còn gì vướng víu quê hương bản quán, Nhơn mang theo di ảnh má trong chiếc ba lô cũ ra đi. Từ đó người ta thấy anh đạp chiếc xe cà tàng đi thu mua đồng nát sắt vụn. Anh nhặt nhạnh từng đồng để tồn tại và đạp xe qua nhiều tỉnh miền Trung. Mục đích chính của anh không phải để mưu sinh, mà dò tìm tung tích của An.

Vào thời điểm đó thì An đã là cán bộ phụ nữ của một huyện miền biển. Cô vẫn ở vậy chẳng đến với ai. Và khi Nhơn bất thần xuất hiện trước cửa phòng làm việc thì An ngỡ ngàng. Cô òa khóc và ngã khụyu vào vòng tay anh.

Từ đó đến nay, Nhơn trở thành người nông dân nơi quê vợ. Anh chịu thương chịu khó. Ngày ngày chăm lô cao su, ngó bầy gà, con lợn… sống hạnh phúc bên vợ con. Còn An, thỉnh thoảng cô lại đem cái đài National ra ngắm nghía, ôn lại kỉ niệm lần gặp gỡ định mệnh của cuộc đời họ.

H.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)