. EM NGUYÊN
Một chiều, nắng nhạt chiếu xiên xiên trên những tàu dừa nước lay lắc gió.
Hắn từ dưới sông lên, bước ì ọp để lại trên bãi sình những dấu chân sâu hoắm. Bên sườn hắn là một thanh trường kiếm gỉ sét cộm lên từng cục lùi xùi, không còn chút dấu vết nào của lưỡi thép. Tiếng con bìm bịp chạy vang vang trên mặt sông kéo con nước mỗi lúc dâng lên, ngậm lút bãi bờ, đem theo bùn đất rác rến mau chóng lấp hết mấy cái vết sâu hoắm ấy.
Minh hoạ: Đặng Tiến
Hắn bước lùi lũi trên con đường đất dẫn vô xóm Lá, hai bắp chân dính đầy sình khô. Mấy bà mẹ vừa nách con vừa tám chuyện quay ra dòm, giật mình vì cái bộ dạng kì cục như bước ra từ một bộ phim cổ của hắn. Ông già ngồi trên mái nhà sửa mấy miếng ngói khom người nhìn: “Đại hiệp từ phương nào tới hè!” Chẳng là ông già vốn là người làu thông truyện chưởng Kim Dung. Bà già ngồi tước tàu cau dưới hiên con mắt nheo nheo: “A Di Đà Phật, cũng là cái nghiệp của người ta!” Con chó mực vừa chạy giật lùi, vừa sủa ong óc, một đoạn dừng lại, chân sau cào đất xoàng xoạc. Tiếng sủa báo động cho bọn con nít. Hai ba rồi bốn năm đứa thò đầu ra từ những cánh cửa làm bằng liếp tre, lúc sau đã thấy kéo rồng rắn theo sau lưng người lạ.
Con đường đất dẫn tới cuối xóm Lá chẻ ra làm hai nhánh, một hướng ra cánh đồng và một hướng về chợ xã. Chỗ đó con đường phình rộng, tạo ra một khoảng bằng phẳng, mát mẻ nhờ bóng của hai cây điều già. Hai cây điều vô tình mọc sát vô nhau, cành lá xâu ken với nhau, rậm rạp, xanh rì. Hai thân mẹ uốn lượn tuyệt đẹp giống như một cặp vũ công đang làm động tác xoải người xoạc chân. Tới mùa, cây thả lỏng dỏng những trái đỏ trái vàng, cắn vô chát quắn lưỡi nhưng một chút lại nghe ra cái hậu ngọt. Ngã ba cây điều quả là một chỗ lí tưởng cho tụi thằng Chuột, thằng Lỳ với đám con nít xóm Lá tụ tập để bày đủ trò đánh trỏng, tạt lon..., mệt thì nằm vắt vẻo trên cành điều nói chuyện tào lao. Và cái chỗ ấy chiều nay đột nhiên biến thành sân khấu cho tay đeo kiếm cùn.
Hắn hốt một mớ rơm quấn lại như một cái gối con, đoạn cột vào trước ngực rồi huơ kiếm vù vù miệng thét u... a... Đám con nít dõi theo nhất cử nhất động của người lạ giật mình chạy dạt ra, một lúc cao hứng cũng hò hét theo. Mấy người lớn đi ruộng, đi chợ về cũng ghé dòm, phút chốc làm ra một vòng tròn như coi sơn đông mãi võ. Mà thằng cha múa gọn hơ nghen! Kiếm chém trước đâm sau, người nghiêng bên này ngã bên kia dẻo nhẹo. Cuộn mấy vòng dưới đất, tay trái vẫn ôm khư khư... cục rơm, rồi lấy thế đứng lên tay kiếm xòe rộng, hai con mắt láo liên tưởng như đứng trước mặt có cả một đám kẻ thù đang vây bủa... Múa, quay, lộn, tiến, lùi động tác dứt khoát đẹp mắt. Cho tới khi thằng cha quỳ một chân xuống làm động tác cắn ngón tay, úi mà cắn thiệt luôn, rồi dí ngón tay ứa máu ấy vào cục rơm trước bụng thì ông Sáu Giàu nãy giờ chống cuốc đứng coi kêu lên: “Vai diễn đoạn Triệu Tử Long phá vòng vây cứu A Đẩu đây mà! Đang lấy máu cho ấu chúa đỡ đói đây!” “Chơi máu thiệt mới dữ chớ. Sân khấu người ta chỉ làm bộ, hay xài chút thuốc đỏ thôi!” Tiếng một người khác chen vô rồi tiếng vỗ tay đồm độp.
Xóm Lá từ bữa đó gọi hắn là Triệu Tử.
Triệu Tử ở lại xóm Lá. Cái xóm nghèo với vài chục nóc nhà, thuộc hết mặt nhau, chán ngấy hết mặt nhau nên một khuôn mặt lạ cộng thêm bộ dạng kì quặc của hắn cứ như một bức tranh cũ kĩ bụi bặm giờ được quét thêm một vệt sơn đỏ loét. Sáng sáng chiều chiều vì vậy mà rộn ràng. Người ta quen với hình ảnh Triệu Tử trời nắng chang chang cứ để đầu trần mà đi, kiếm đeo lách cách bên hông, gương mặt lúc nào cũng nghiêm nghị. Hắn không biết nói và cũng không biết cười. Chưa bao giờ người ta thấy hắn cười. Nhưng chính cái vẻ nghiêm trọng thái quá ấy lại khiến cho người ta buồn cười. Hễ nghe động tĩnh thì đàn bà trẻ con lại chạy ra coi Triệu Tử diễn trò gì, như một dịp vui vẻ. Người ta cũng thôi e dè vì Triệu Tử ngoài việc múa kiếm diễn trò thì không phá phách hay hại gì ai. Các bà mẹ lại còn sai trẻ con đem cho hắn khi thì gói xôi, trái bắp, củ khoai. Tụi nhỏ khoái chí cười lăn khi Triệu Tử chắp hai bàn tay thành một nắm tròn trước ngực rồi vái một cái.
Trong xóm có vợ chồng thằng Vương thường sáng sớm đã nghe cự cãi, xoong nồi xủng xẻng nhưng cả xóm không ai thèm can bởi thừa biết hôm sau sẽ lại thấy cảnh chúng vừa đi đồng vừa giỡn hớt với nhau.
Hôm ấy, thằng Vương vừa chửi vừa rượt, con vợ vừa la làng vừa chạy luồn trong vườn ra. Cái mương nước rộng quá, con vợ phóng một phát không qua hết, một chân còn lọt dưới sình, đang cố bò lên thì thằng Vương dù chân nam đá chân chiêu vẫn đón đầu được, chụp lấy “cái đuôi gà” mà giật ngược. Úi! Tay thằng Vương cùng lúc đó bỗng nghe đau điếng, tê rật. Thanh trường kiếm gỉ sét tuy không thể sát thương nhưng khá nặng. Là Triệu Tử! Triệu Tử lùi lại một bước, mắt long lên, những âm thanh u... a... vô nghĩa nhưng có thể thấy được sự giận dữ ghê hồn. Thanh kiếm trên tay hắn tiếp tục huơ lên. Thằng Vương dềnh dàng né tránh. Con vợ đã bò được lên bờ nhưng tình huống giờ đã xoay ngược 180 độ. Con vợ quay ra lo lắng cho an nguy của thằng chồng nên sẵn đống chà cây bên đường, hốt lên, rồi quất túi bụi vào người Triệu Tử. Triệu Tử ngơ ngác, đứng như trời trồng, cây kiếm xụi lơ. Xóm Lá cười rộ: coi ra vợ chồng nó cùng một phe!
Ngày chủ nhật, ông trưởng xóm lập phiếu cho mọi người ra nhận quà của một nhóm từ thiện ở chùa. Người lớn đi làm thì con nít cầm phiếu đi thay. Tất cả xếp thành một hàng dài, ai tới trước đứng trước tới sau đứng sau. Nhưng cái hàng chỉ thẳng thớm được một lát thì xảy ra đùn đẩy, cong quẹo rồi thậm chí đứt đoạn. Có đứa đi sau chen ngang, có đứa nhân cơ hội ong ỏng kêu tên các chủ hộ. Nguyễn Văn Đực, Trần Thị Gái... Ủa, có cần phải nói ra không, chứ ai cũng biết ba mày giống đực, má mày giống cái mà, ha ha! Cãi cọ rồi vật nhau um xùm, mất hết mặt xóm Lá. Tiếng hét của Triệu Tử đúng lúc đó vang lên khiến mấy ông con giật mình buông nhau ra. Rồi Triệu Tử kiếm giắt bên hông, hai tay khoanh trước ngực, mặt nghiêm nghị đứng canh suốt buổi. Người ta bụm miệng cười, rỉ tai với nhau “kiếm báu mà chạm một phát thì uốn ván như chơi nghen!”
Chỉ có mình ông già Sáu là không cười, giọng ông rè rè ngâm nga: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.” Ông già sống một mình trong căn nhà gạch duy nhất trong xóm. Hai đứa con đi làm ăn xa. Ông kêu buồn. Mấy lần thấy gọi Triệu Tử vô, ngồi trên thềm cùng uống vài chung rượu thuốc. Ông già nói thao thao bất tuyệt về các tuồng tích, rồi chuyện làng chuyện xóm, chuyện về bà vợ quá cố..., còn Triệu Tử suốt buổi ngồi làm thinh. Có khi say quá, hai ông con nằm chèo queo mà ngủ.
Chạng vạng tối, Bảy Hường đứng ở ngã ba cây điều, ngó trước ngó sau, chân rậm rịch cứ như đang chờ ai. Tối mà vẫn thấy cặp môi đỏ choét, đôi mi rậm đen chơm chớp, còn mùi dầu thơm thì đặc kẹo. Đúng là ở Bảy Hường, thứ gì cũng lố. Chồng Bảy Hường đi ghe bán lu bán khạp thường hay vắng nhà mười bữa nửa tháng, vậy Bảy Hường đánh quần đánh áo, son phấn đậm lè làm gì, cho ai! Mà cho ai, làm gì thì cũng thây kệ Bảy Hường, đụng vô làm gì cái đứa mồm miệng độc địa, không biết phải quấy gì. Với lại, túi nó lúc nào cũng rủng rỉnh tiền, biết là cho vay cắt cổ nhưng cả xóm lúc kẹt vẫn coi nó là Bồ Tát cứu độ chúng sinh. Vậy là sai cũng thành đúng. Ngẫm ra cũng đâu chết ai!
Rồi có tiếng xe máy kèm theo luồng ánh sáng vàng nhờ nhờ rọi tới. Một chiếc Honda 67 đen thùi, oai như con dế than ngừng phịch lại. “Chờ lâu gần chết hà!”, giọng Bảy Hường như có ai đổ nước mà mềm nhẻo, rồi ghé mông lên sau xe, cả người ngã gập trên lưng gã đàn ông. Chiếc xe phóng đi, tích tắc đã mất hút trên con đường tẽ về chợ xã.
Có bao nhiêu lần Bảy Hường hò hẹn như vậy trong khi chồng Bảy cứ đi biền biệt kiếm tiền. Mà cũng thây kệ Bảy Hường!
Hôm kia, Bảy dẫn vô xóm một người phụ nữ vận xà rông, mặt mũi choàng khăn kín mít không nhìn rõ, đeo bên nách một túi vải lớn. Cái túi thần kì đựng đầy thuốc tiên được luyện từ cây cỏ ngàn năm trên núi. Bà ta ngồi xuống bộ ván ngựa, ngó quanh ngó quất nhà gia chủ, bắn một hơi tiếng dân tộc rồi lấy ra xếp lớp những chai hũ lớn nhỏ đủ cỡ. Bảy Hường ngồi ghé một bên, hai bàn tay móng sơn đỏ huyết đeo nhẫn vàng chấp lại, ra cái vẻ thành kính. Bảy Hường dịch ra tiếng Kinh cho gia chủ nghe sau mỗi tràng tiếng dân tộc của bà thầy, về cái gọi thuốc tiên trị bá bệnh của người miền núi. Chà, nghe tới đâu thấy thấm tới đó, sao mà như kể bí mật thầm kín trong người, trong buồng nhà mình vậy! Vậy là mở tủ đếm tiền để “thỉnh” cho được thuốc tiên.
Minh hoạ: Đặng Tiến
Trưa vắng, bà bận xà rông ngồi chài bài dưới bóng cây điều nghỉ chân và... đếm tiền. Tiền lớn, tiền nhỏ nhét vô cái túi thổ cẩm đeo chéo trong người, chừa ra một xấp đưa cho Bảy Hường. Bảy cười hí hí, nhét xấp tiền vô túi: “Bà nể cái miệng tui chưa? Tui là tui đi guốc trong bụng mấy mẹ sồn sồn. Hỏi chứ mẹ nào mà không en en, nắng hỏng ưa mưa hỏng chịu, bịnh như giả đò, và có mẹ nào không muốn trị cái bịnh cương dương hỗn loạn cho ông chồng mình chớ. Mà mấy mẻ lại là người quản hầu bao trong nhà nữa...”
Bỗng cành cây phía trên đầu hai người loạc xoạc rồi “phịch”, một bóng người bất thần thả xuống. Hai người đàn bà giật mình bật ngửa ra, tiếng cười bị ngắt khúc, chẹn ngang trong cổ. Bảy Hường kịp nhận ra Triệu Tử. Cùng lúc, thanh kiếm cùn của hắn huơ lên kèm theo tiếng hét. Trời đất ơi, cái gì vậy? Bà bận xà rông hai tay hốt cái xà rông nắm thành hai guộn hai bên đùi bỏ chạy. “Bớ người ta, thằng điên nó giết tui! Bớ...!” Úi chà, lúc nguy cấp thì bắn tiếng Kinh quá sõi! Khăn áo xốc xổ, vừa té, vừa bò, vừa chạy, miệng la bài hãi. Dân xóm Lá nghe ồn thì nghĩ ngay đến trò vui nào đó của Triệu Tử, nên bước ra cửa dòm. Ủa, ủa. Bà thầy sao giống con mẹ xỏ lỗ tai dạo dưới chợ xã vầy nè. A thì ra cái quân lừa đảo! Rồi xóm Lá quay sang hò hét cổ vũ cho Triệu Tử. Xóm Lá hôm nay vừa tức lại vừa cười. Cười cho tới lúc cái bóng “bà thầy” chỉ còn một chấm nhỏ trên con đường tẽ ra chợ xã.
Bảy Hường núp trong bụi tim đập thình thịch, nghiến răng trèo trẹo. Sau ít hôm, Bảy bắn đi trong xóm tin đồn. “Điên gì, điên khôn thấy bà. Tối mò thì đi vạch lá coi đàn bà tắm. Có ngày tui móc con mắt tò mò của hắn đó!” Chà, nếu thiệt vậy thì nguy. Triệu Tử có điên mấy thì hắn cũng là đàn ông. Cái xóm Lá nghèo này nhà cửa lụp xụp, huống hồ mấy cái nhà tắm chỉ tạm bợ mớ lá dừa hay tấm bao vá víu, lâu ngày nắng mưa mục rữa. Trên không có nóc, gặp phải đêm trăng nhờ nhờ vừa nghe tiếng nước xả róc rách... Nghĩ tới đó thì đám các ông chồng đã thấy giận sôi. Phải rình bắt quả tang rồi đập cho hắn gãy giò mới được. Ba bốn ông tối tối kéo nhau đi rình, rình từ mùa trăng khuyết trời tối u u cho tới khi trăng tròn lồng lộng cũng chưa thấy gì, chỉ phát hiện thêm một sở thích kì cục của Triệu Tử là hắn rất khoái nằm trên cái chảng hai cây điều ngoài ngã ba. Mà có gì đâu, trong phim kiếm hiệp, mấy tay giang hồ cũng thích nằm vắt trên cành cây mà ngủ đó thôi.
Giữa ban ngày ban mặt thì người ta mới nhìn rõ người đi xe Honda 67 vào xóm Lá. Là Tư Đức, cháu ông trưởng xóm. Đầu tóc lúc nào cũng chải ngược lên bóng mượt, sợi dây chuyền to như sợi xích, chiếc xe gã cưỡi cuốn bụi trên con đường đất, trên treo cái túi bàng cài một thanh tre mỏng ngang miệng. Trong đó chắc chắn là một con gà độ. Xóm Lá vừa ghét vừa e dè, trừ vài phụ nữ ngợi ca cái chịu chơi cùng khuôn mặt đẹp như tài tử điện ảnh của gã.
Ít lần, Tư Đức nói xa nói gần với ông già Hai Ruộng về miếng vườn ngoài đầu vàm. Cải tạo một bãi lầy đầy dừa nước, dây mây, rắn rết thành vườn tược thì cực mấy ông cũng làm được, nhưng để kiếm một miếng bìa đỏ chứng minh chủ quyền thì ông đâu có để ý. Với lại chuyện nó xưa tự cái thời vợ chồng còn trẻ chưa con cái gì. Tư Đức nói Hai Ruộng chiếm đất công, khả năng là bị thu hồi. Hai chữ “thu hồi” hắn nói nghe nhẹ tênh. Thu hồi cho ai chứ! Cứ như chính quyền với gã là một. Một bữa gã dựng xe, chấp tay sau đít đứng ngó Hai Ruộng phát cỏ, nói bâng quơ xa xôi về cái dự định mở một nhà máy xay xát, chỗ này ghe hàng xáo ra vô tiện. Ông già chém phạc một mảng cỏ bự, cười: “Mày nói chơi!”
Mà Tư Đức không nói chơi. Một bữa gã kéo xuống một đám lạ mặt, dao rựa lăm lăm. Xoài, bưởi ngã la liệt. Hai Ruộng kêu trời kêu đất. Tư Đức giơ ra một tờ giấy nhin nhít chữ, có cái mộc đỏ mọc chình ình ở dưới. Cái mộc đỏ khiến ông già choáng váng, ngã phịch xuống đất. Đúng lúc ấy, Triệu Tử xuất hiện. Âm thanh từ miệng anh ta nghe như tiếng sói tru. Kiếm cùn huơ lên, tả xung hữu đột. Đám lưu manh bị bất ngờ lùi ra né tránh. Cái thằng điên ở đâu ra vậy!
Kiếm lia vèo vèo. Tư Đức hơi bất ngờ vì một vài lần vào xóm Lá, gã đã nhìn thấy Triệu Tử hiền lành chơi cùng đám con nít. Lúc lưỡi kiếm tràn tới trước mặt gã mới giật mình nhảy tránh. Vấp vào một gốc cây, gã té bò liền “ăn” một kiếm. Ớ trời ôi! Triệu Tử lao tới cưỡi đè lên người Tư Đức. Bàn tay gân guốc nắm chặt sợi dây chuyền giật ngược ra đàng sau, rồi lấy hết sức siết. Tiếng kêu của Tư Đức chỉ còn là những âm thanh méo mó, đứt khúc, cái mặt bị lèn chặt xuống đất đỏ tím như con gà nòi bị trúng cựa sắt.
Chậm một vài giây nữa Tư Đức có thể đã chết, nếu như bọn đàn em không kịp giải cứu. Một gậy quật ngang lưng Triệu Tử kèm theo những tiếng la. “Thằng điên, đánh chết nó đi!” Đấm, đá, quăng, quật, thụi, bịch lẫn cùng tiếng chửi thề, tiếng rú của đàn bà. Lát sau, mấy du kích xã được tin báo, xuống lôi Triệu Tử bấy giờ như một đống giẻ rách, đầu ngoặt một bên, máu từ thái dương rỏ dài xuống ngực áo bươm rách.
Triệu Tử bị giam trong cái thùng đặt trên bãi đất bên hông ủy ban xã. Đó là một cái hộp sắt to tướng, có khoét một cửa sổ nhỏ vừa đủ thò vào một tô cơm. Trộm cắp, say xỉn, đánh nhau thường bị các chú du kích nhốt vào trong đó. Ngày nắng đương nhiên cái hộp sắt ấy biến thành lò lửa. Đêm thì muỗi mòng từ dưới cái ao đầy cỏ rác bên cạnh sẽ lên phục vụ. Vài anh say xỉn đã kể lại trải nghiệm ấy. Nên người ta sợ.
Người đi qua xầm xì chỉ trỏ. Người ta hả dạ khi thấy Tư Đức bị Triệu Tử đánh, bởi nhiều người vốn không ưa Tư Đức. Nhưng không ai dám mở miệng bình phẩm một câu nào. Bởi không ai muốn đắc tội với Tư Đức, cháu ông trưởng xóm. Lạ là Hai Ruộng cũng im lặng. Nghe đâu ông già lăn ra bệnh mấy ngày, ho kinh khủng lắm, như muốn khạc cả phổi ra. Sau đó thì đóng cửa ngồi viết đơn thưa. Vợ con không ai dám tới gần. Nhưng đơn làm ra xong lại bị xé bỏ, cả xấp mà chưa có lá nào vừa ý, không có lá nào được gửi đi. Có người còn dọa, khéo Tư Đức nó thưa ngược lại việc ông xúi Triệu Tử giả điên giết nó thì ông chết. Mà có thể lắm chứ!
Bảy Hường xách chục trứng gà tới thăm Hai Ruộng. Ông già là chú ruột Bảy Hường. Cha mẹ mất sớm, bên nội Bảy chỉ còn người chú này là thân thích. Mấy ngày nay, Bảy thấy buồn bã chán ngán. Tư Đức hóa ra chỉ nói cái miệng chứ có coi Bảy ra gì, Bảy sống hết nửa đời người mà còn ngu! Bảy ham tiền ham quyền. Những tưởng một chút tư tình dành cho gã thì cũng nhận lại một chút quả ngọt. Dè đâu lại trở thành nạn nhân tiền quyền của chính gã. Cuộc đời Bảy Hường, mắc cười chưa, rốt cuộc lại được một cha điên như Triệu Tử chỉ cho biết cái “lố” của mình qua vụ đánh lộn. Bảy thấy mang ơn thằng chả. Mắc cười chưa! Bữa ấy trời tối như mực, Bảy đem theo một con gà luộc, mò lên chỗ giam để... thăm nuôi thằng chả! Từ này Bảy không trang điểm lố nữa, Bảy sẽ vẽ son lợt hơn, rồi ở nhà nấu cơm chờ chồng như đám đàn bà xóm Lá mới được.
Rồi một dạo, người ta không còn nhìn thấy Triệu Tử lầm lũi trên con đường đất xuyên ngang xóm Lá nữa. Người ta gần như quên Triệu Tử với mái đầu hớt cao, lởm chởm, thanh kiếm sét lủng lẳng bên hông, bước chân khập khiểng. Khuôn mặt gầy, hai má hóp, đôi mắt sâu thẳm buồn bã. Xóm Lá quay trở về với nhịp sống thường nhật của mình. Đàn ông mỗi ngày vác cuốc xuống đồng, hay ra sông quăng chài, đàn bà ở nhà lo con cái cơm nước. Ít lâu sau trong xóm nghe tin đồn về một xác chết trôi đàn ông có mang bên mình một thanh kiếm sét ở xóm Cù Lao. Người ta đoán đó là Triệu Tử, hắn lội như rái, sao lại chết đuối! Hắn đi lên từ sông rồi cuối cùng về lại với sông thôi... Xóm Lá nói về Triệu Tử như một kẻ chưa từng đến và những câu chuyện vui buồn...
Một chiều, nắng nhạt chiếu xiên trên những tàu dừa nước. Thằng Chuột, thằng Cu Lỳ cùng ngồi trên thềm ngôi miếu bà ngó ra sông. Hai thằng như mọi khi rủ nhau đi tắm sông. Thằng Lỳ kêu: “Coi kìa, đi hông?” Ngó theo ngón tay nó chỉ, phía bên kia, những chùm xoài chín cây de ra ngoài như khiêu khích, như mời gọi. Tới nỗi chúng quên đứt đây là giờ hoạt động của đám ma da.
Bơi ra tới giữa sông, bất ngờ thằng Chuột đụng phải cánh tay nhớt nhợt mềm oặt. Cánh tay dài bất tận ấy khoắng một cái đã quấn chặt lấy phần cơ thể phía dưới thằng Chuột. Bắp chân thằng Chuột đau nhói, cứng đờ, không đạp nước được. Nó cố trồi lên, giơ cánh tay làm hiệu kêu cứu với thằng Lỳ bơi cách đó một đoạn. Có tiếng cười khùng khục của con ma da và một cánh tay khác cũng nhớt nhụa dìm đầu Chuột xuống. Vài lần nỗ lực, Chuột quẫy đạp một cách tuyệt vọng. Trong làn nước nhờ nhờ cuộn quanh, nó vớ được một cái gì như thắt lưng quần của thằng Lỳ. Vội vã níu lấy. “Đồ ngu!” Con ma lại cười khùng khục, và lúc này nó như mọc ra vô số cánh tay. “Đồ hèn!” Chuột há miệng la nhưng chỉ nghe nước tràn òng ọc xuống bụng. Sóng dập khá mạnh và rõ ràng Chuột nghe được một giọng trầm đục. “Bỏ hai đứa nhỏ ra!” Rồi một thân người lướt sát cạnh rất nhanh. Đầu nó va phải cái gì đó sau đó thấy cơ thể mình được đẩy lên cao...
Tỉnh dậy, Chuột thấy mình nằm nghiêng trên bậc thềm miếu bà. Thằng Lỳ ngồi cách một quãng, ho khúc khắc. “Tao không nói, mày không nói, người lớn không ai biết đâu!” “Ừ!”
Người đi lên từ sông rồi lại về với sông! Khi Triệu Tử trở về xóm Lá, các bà mẹ đã cấm không cho bọn nhỏ ra ngã ba cây điều chơi. Triệu Tử quanh quẩn ở đó ít hôm rồi đi xuống mé sông, chỗ miếu bà. Hôm Triệu Tử bỏ đi, nước mắt ràn rụa trên má thằng Chuột và Cu Lỳ. Nhìn theo Triệu Tử, hai đứa trẻ sụp lạy xuống. “Không có chú Triệu Tử, chắc chúng mình bị ma da dìm chết rồi. Triệu Tử không điên đâu...”
E.N
VNQD