Lựa chọn thứ ba

Thứ Sáu, 14/07/2023 09:14

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhập ngũ tháng 9/1973 khi vừa tốt nghiệp phổ thông trường cấp III Chu Văn An, gần tròn 18 tuổi, đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đang ở giai đoạn cuối. Nói giai đoạn cuối là cách nói sau này khi nhìn lại một giai đoạn lịch sử. Sau khi được huấn luyện tại Tân Lạc, Hoà Bình thuộc C89, D78, Trung đoàn 59 Bộ Tư lệnh Thủ đô, đơn vị chúng tôi vượt Trường Sơn xuyên qua Campuchia xuống thẳng chiến trường miền Tây Nam bộ. Đây là lần đầu tiên những người lính Thủ đô có mặt ở chiến trường miền cực Nam của Tổ quốc.

“Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan”, điều này hoàn toàn đúng với tình hình chiến sự ở miền Tây Nam bộ, nơi mà tận sát ngày chiến thắng tương quan lực lượng ta vẫn yếu hơn địch. Chúng tôi được biên chế vào Trung đoàn 1, đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Quân khu 9. Trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị chỉ tác chiến theo mô hình đại đội có sự hỗ trợ của hỏa lực tiểu đoàn. Mục tiêu là các đồn bốt nhỏ, lớn hơn là hội đồng xã với cách đánh cường tập “đánh nhanh, rút gọn” nhằm tạo thành các vùng giải phóng liên thôn, liên xã.

Ngày 12/4/1975 với đà thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh ở khắp chiến trường miền Nam, lần đầu tiên chúng tôi đánh trận với quy mô trung đoàn và mục tiêu lần này là yếu khu quân sự Ba Càng, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Rất tiếc trận đánh bất thành. Hàng chục người lính trẻ đã anh dũng hi sinh. Tôi và hai đồng đội người Hà Nội bị bắt làm tù binh.

Đương nhiên tôi bị tra tấn, đe dọa, mua chuộc. Tình huống cho tôi hai lựa chọn: một là cương quyết không khai, hai là khai thật và chiêu hồi. Cả hai cách này đều dẫn tới cái chết. Một cái chết về sinh học và một cái chết không danh dự. Là lính chiến ai cũng thuộc nằm lòng câu “Nếu bị địch bắt, dù bị tra tấn cực hình tàn khốc thế nào cũng nhất quyết không bao giờ phản bội xưng khai”. Tôi đã quyết định chọn cách một.

Nhưng số tôi may mắn. Qua lắng nghe quan sát tình hình và thái độ của địch, tôi cảm nhận ngày chiến thắng sắp tới. Vậy là tôi có thêm lựa chọn thứ ba.

Được sống và trở về đời thường nhưng 18 ngày lao tù năm ấy luôn ám ảnh tôi. Ám ảnh như mối nợ tới tận mấy mươi năm thời hậu chiến. Chính sự ám ảnh đã hối thúc tôi phải viết. Viết ra không chỉ để thế hệ sau, nhất là lớp trẻ không trải qua chiến tranh hiểu về những hi sinh mất mát bởi chiến tranh của thế hệ đi trước, mà điều quan trọng là để tỏ lòng biết ơn đồng đội, nhất là những đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh bất thành ngày 12/4/1975 tại Ba Càng.

Nhà văn HÙNG LÝ

**************

Hai thằng lính bẻ chéo tay tôi đẩy vào một căn phòng tối. Chưa kịp định thần, tôi nghe một tiếng nói khều khào như cất lên từ cõi âm ti:

- Ai... đấy? Mới... vào... phải... không?

Khoảng tranh tối tranh sáng. Nhập nhòa một bóng ma. Cố trấn tĩnh, gắng nhìn. Không lông mi, lông mày, những vảy khô thâm sì đóng mảng trên khuôn mặt đen cóc cáy với đôi mắt trắng dã và vành mi đỏ vằn. Tôi đang ở địa ngục chăng?

Trận mật tập chi khu quân sự Cái Vồn bất thành. Rạng sáng địch tăng cường hỏa lực. Đơn vị tan tác. Tôi chạy. Lăn lê bò toài trên đồng lúa đang thì con gái. Đạn réo quanh mình. Ngoái nhìn lại, thấy đám lính rằn ri dàn ngang với xe lội nước đang tràn xuống từ mé lộ. Tôi cứ nhằm phía trước. Chạy… Bò... Tới lúc kịch bờ ruộng, nhìn lên, thấy lá cờ ba sọc đang phất phới trên cái đồn bê tông giữa hàng rào dây thép gai. Tôi thở hắt ra. Kiệt sức rồi. Chỉ còn cách nằm chờ may rủi. “Có một thằng chạy zô đây. Tìm kĩ đi. Phải bắt sống bằng được!” Nghe tiếng bọn lính lùng sục, tôi ép người xuống đất, đưa tay lần sờ quanh mình. Trần một mảnh quần xà lỏn. Vẫn còn dây thủ pháo quanh hông, nhưng trong lúc chạy chúng đã rơi rụng, chỉ còn quả duy nhất.

Tôi nằm chúi trong bùn, cầm chặt quả thủ pháo trong tay. Dù thế nào cũng không để địch bắt. Bị bắt rồi cũng sẽ bị giết.

Bọn địch đã phát hiện ra tôi. Chúng hét lên. Những bước chân sùng sục chạy về phía tôi toé cả bùn nước.

Tôi thầm gọi “Mẹ ơi!” rồi giật nụ xòe, lật người úp ngực lên trái thủ pháo. Mắt nhắm nghiền. Chờ đợi…

Tụi lính ào ào xô tới. Bị mấy gót giày nhà binh chặn cứng gáy và chân tay, tôi không kịp lật người. Sau khi một thằng lính đã luồn tay dưới ngực tôi bóp chặt quả thủ pháo lôi ra, tôi bị kéo giật cánh khuỷu đẩy về phía bờ lộ. Hai cánh tay tôi bị siết chặt. Đau nhói. Một chiếc báng súng giơ cao đập thẳng xuống. Đầu tôi bung lửa, mắt chỉ còn thấy một đám lố nhố, súng ống, mũ sắt…

Tôi lịm từ lúc đó đến giờ.

Đạp chân xuống đất đẩy người lùi lại, lưng tôi va đánh rầm vào cửa sắt, đau điếng. Tiếng nói của người kia lại yếu ớt khều khào:

- Đừng... sợ! Tôi... là... người... bị... cùi. Họ... nhốt... tôi... vào... đây... để... dọa... những... người... mới... vào. Người... ta... hỏi... gì... anh... nói... đi. Không... người... ta... nhốt... anh... ở... đây... mãi... đấy.

Tôi im lặng tựa cửa nhìn về phía người hủi. Ông ta cũng không ngủ. Làm nhàm, phều phào nói những chuyện đâu đâu về gốc gác, về thời trai trẻ chưa bệnh tật, rồi rên rẩm vì chẳng tội tình gì mà bị nhốt vào đây. Từ ông ta bốc lên mùi hôi như thịt mốc. Rồi tôi thiếp đi....

Nghe tiếng khóa tra vào cửa tôi bừng tỉnh. Qua ánh sáng hắt qua lỗ thông hơi tôi thấy người đàn ông bệnh tật đang nằm co ro trên manh chiếu rách góc phòng. Một thân hình trần truồng cáu vảy, những ngón tay ngón chân cụt trụi.

Cánh cửa sắt rít lên chói tai cùng tiếng quát:

- Thằng Việt Cộng đâu, ra!

Tôi nặng nhọc bước ra. Tên lính dẫn tôi qua khoảng sân đến một phòng lớn có tên sĩ quan đang đi lại vẻ sốt ruột.

- Báo cáo đại tá, thằng đó đây!

Tên sĩ quan quay lại, ngó sát mặt tôi vài giây rồi hỏi gằn trong họng:

- Tao hỏi mày một câu, một câu thôi. Hoặc mày trả lời cho thật, hoặc mày quay lại phòng thằng cùi và ở lại đó vĩnh viễn. Khẩu pháo 105 li mà chúng mày lấy được khi tấn công vào chi khu quân sự Hòa Môn giờ để đâu?

À, thì ra chúng đang truy lùng khẩu pháo từng tác oai tác quái cả một vùng đã trở thành “tù binh” của đơn vị tôi. Chúng cay cú bởi chiến lợi phẩm ấy được trung đoàn tôi mang đi triển lãm nhiều nơi nhằm cổ vũ tinh thần chiến sĩ. Tôi biết nó hiện đang được cất giấu trong một căn hầm ở trung đoàn bộ. Nếu tôi khai, địch sẽ lập tức đổ quân bao vây cướp lại khẩu pháo bằng mọi giá.

- Tôi là lính mới, vừa về đơn vị hôm trước, hôm sau đã ra trận. Tôi không biết khẩu pháo nào hết.

Tên đại tá gằm sát mặt tôi. Qua cặp kính cận dày cộp của gã, tôi nhìn thấy những sợi lông to như rễ tre trên đôi lông mày sâu róm giật giật liên hồi. Gã quát:

- Xòe bàn tay ra!

Thì xòe. Tên đại tá dí mắt nhìn. Lòng bàn tay tôi mềm. Những ngón tay không thon dài nhưng trắng nuột, những móng tay còn hồng như móng tay con gái. Bất giác gã lùi lại và buông lệnh:

- Giải nó về trung tâm!

Chiếc jeep nhà binh chở tôi từ trại giam tỉnh Vĩnh Long về Trung tâm thẩm vấn Vùng 4 chiến thuật. Tôi ngồi phía sau, mặt quay xuống đường, hai tay bị khóa chặt. Hai bên sườn là hai họng AR15 kè sát. Tôi vẫn mặc độc chiếc quần đùi đen. Nắng phương Nam chan chan trên con lộ rộng hai làn đường tấp nập người xe từ Sài Gòn di tản về. Đến bến Bắc Cần Thơ, chiếc xe nhà binh hú còi vượt lên rồi vọt xuống phà đầu tiên.

Tôi ngỡ ngàng nhìn dòng sông rộng mênh mông và chiếc phà hai tầng to sừng sững. Trên phà người ta bán dạo đủ thứ từ nước uống, bánh trái đến hoa quả. Hàng trăm người tò mò đổ dồn ánh mắt vào thằng Việt Cộng mặt búng ra sữa. Từ lúc bị bắt tới giờ tôi chưa được ăn uống gì mà không đói, chỉ thấy khát. Nhìn dòng sông mênh mang, cơn khát càng cồn lên. Không hiểu sao tôi lại nhớ về bến phà Chèm, nơi tôi đã vẫy vùng thỏa thuê thời sơ tán. Nếu trong hoàn cảnh tự do, rất có thể tôi đã phóng mình xuống dòng sông này bơi lặn một trận đã đời…

Bỗng một túi đá lạnh trộn si rô đỏ chìa trước mắt. Bàn tay con gái. Tôi ngước nhìn. Một nữ sinh trong tà áo trắng ôm chiếc cặp nhỏ. Thấy tôi không thể đón nước, cô đưa ống hút lên đặt tận miệng tôi. Ngần ngừ một chút, tôi ngậm và hút một hơi hết sạch túi nước. Cô gái nhìn tôi, ánh mắt vừa thân thiện, vừa ái ngại. Đôi mắt màu nâu trong trẻo với hàng mi cong vút. Giống hệt mắt Dung, cô bé khác phố cùng trường mà tôi đã kịp làm quen mấy tháng trước khi nhập ngũ...

 

Minh họa: Đỗ Dũng

Trung tâm thẩm vấn Vùng 4 nằm sát sân bay Trà Nóc. Đây là một nhà tù thu nhỏ với những bức tường cao. Tôi bị nhốt vào một xà lim chính giữa. Vì quá mệt, cả đêm tôi đã ngủ rất ngon. Nói là ngon, bởi trong giấc ngủ ấy tôi đã mơ gặp mẹ. Hôm chuẩn bị đi B, đơn vị tôi tập trung ở Văn Điển. Mẹ đạp xe gần hai chục cây số đến chơi và ở lại để sáng sau ra ga tiễn tôi. Nhưng đêm đấy đơn vị đột ngột hành quân chuyển vị trí và lên tàu từ ga Thường Tín, tôi không có cách nào báo cho mẹ biết. Ngồi trên tàu, tôi âm thầm tiếc và ngậm ngùi. Đến lúc tàu hú còi chuẩn bị chuyển bánh, tôi nghe một thằng bạn cùng tiểu đội gọi: “Hùng! Mẹ mày đến tìm kìa!” Tôi chạy băng qua các toa tàu đầy lính đến gần cuối tàu. Nhìn xuống lòng đường thấy mẹ hớt hải dắt xe đạp, vừa đi vừa ngóng lên các toa. Tôi nhảy từ sàn tàu xuống lòng đường ôm chầm lấy mẹ. Mẹ oà khóc và vội vàng lấy từ trong chiếc làn treo ở ghi đông xe đạp ra một gói bọc giấy báo dúi vào tay tôi. Tôi chỉ còn kịp siết chặt bàn tay mẹ rồi nhảy lên con tàu đang từ từ chuyển bánh. Nhìn xuống, thấy mẹ vừa lấy ống tay áo quệt nước mắt, vừa giơ cao nón vẫy. Hình như mẹ cố nói điều gì đấy nhưng tôi không thể nào nghe được. Chiếc nón trắng của mẹ tôi, của bao người đi trên đường, cả những cánh tay cứ vẫy mãi, vẫy mãi cho đến khi xa khuất. Tôi mở gói quà. Sau lớp báo là một lớp lá sen xanh nõn có nửa con gà vàng ươm ấp lên một vầng xôi trắng còn nóng hổi, thơm phức. Đấy là món tôi thích nhất. Nhưng lúc đó nước mắt tôi cứ ứa ra. Nhìn quanh, mấy thằng bạn cũng thế. Gói xôi phải cất đi cho đến tận ga Thanh Hoá mới cùng tiểu đội lôi ra ăn chung… Tôi đang mơ ăn xôi gà với bạn bè, đang lâng lâng với vị ngọt béo, với mùi thơm thảo thì phải choàng tỉnh bởi tiếng cửa sắt rít lên. Rồi cửa xà lim bật mở. Rất nhiều tiếng động từ bên ngoài vọng vào. Rõ nhất là tiếng động cơ máy bay hoảng loạn. Tên lính thò đầu vào quát:

- Ra ngoài!

Thằng lính đưa tôi qua khoảng sân chói nắng rồi vào một phòng đối diện khu xà lim. Ngồi bên bàn hỏi cung là tên sĩ quan với một bông mai trên ve áo và cái tên được đính ngay trước ngực: Nhơn. Mặt hắn bị thịt. Cái đầu trọc lốc. Đôi mắt ti hí ném vào tôi một cái nhìn lạnh buốt. Chẳng đợi tôi ngồi xuống cái ghế gỗ tròn và cao lênh khênh, hắn bật dậy như lò xo, quát:

- Cho mày cơ hội cuối cùng, khai thật rõ ràng tên tuổi, cấp bậc, chức vụ và ngày về đơn vị!

Tôi nhìn tên Nhơn và hiểu, hắn đã nắm được thông tin gì đó về tôi. Quả thật tôi không phải là lính mới. Tôi đã về đơn vị hơn năm. Đã tham gia cả chục trận đánh. Hiện là trung đội trưởng. Nhưng tôi nhìn thẳng mắt hắn và khẳng định:

- Tôi đã nói ngay từ đầu rồi. Tôi là lính mới được bổ sung nên không biết gì về đơn vị.

Nhanh như cắt, tên Nhơn giáng vào giữa mặt tôi cú đấm của tay đao phủ nhà nghề. Tôi bay khỏi ghế, mắt nảy đom đóm, đầu đập vào bức tường phía sau choáng váng. Tôi nằm sóng soài trên nền gạch. Vừa gượng ngồi dậy máu từ hai lỗ mũi ộc ra. Tên Nhơn lao đến túm tóc tôi lôi bật dậy. Hắn dí sát mặt tôi vào cái dây lưng đeo và cả quả thủ pháo đã giật nụ xòe, gầm lên:

- Mày tưởng chúng tao không biết là chỉ có những thằng cấp trung đội trưởng mới đeo dây thủ pháo này và đảm nhận đánh mũi chính à?

Máu từ hai lỗ mũi chảy tràn qua miệng xuống đến cằm và rỏ tong tỏng lên mặt bàn. Chúng mày biết thì kệ chúng mày. Tôi vẫn cứng:

- Cái này không phải của tôi!

Tôi nói trong nghèn nghẹt của máu chảy qua lỗ mũi. Bất ngờ tên Nhơn túm tóc tôi kéo giật. Cả người tôi bật ngửa, đầu giáng xuống nền nhà. Toàn thân tôi bất động. Đầu óc tôi lơ mơ. Hồi bé, tôi nghịch chạy đuổi theo các bạn, định nhảy qua cái tăng xê tránh bom đào trước cửa, nhưng hụt chân, rơi từ trên cao xuống lòng hầm lổn nhổn những viên gạch làm chỗ ngồi khi có báo động, tôi cũng choáng váng và khó thở như thế này. Khi đó bố đã bế tôi lên đặt nằm trên chiếc phản gỗ lim mát rượi và khuôn mặt mẹ rất gần, đẫm nước mắt…

Trong khoảng tối mờ mịt tôi lại nhìn thấy khuôn mặt mẹ đẫm nước mắt. Tôi với tay, nhưng không thể chạm vào mặt mẹ. Hốt hoảng, tôi bật khóc. Đầu tiên còn cố kìm, tức tưởi. Rồi khóc thành tiếng, tu tu như khi bị bắt nạt được mẹ bênh vực, che chở. Nước mắt làm tôi tỉnh ra. Tôi nhận ra hoàn cảnh hiện tại. Và lạ lùng, tôi bỗng nhớ đến tất cả những món khoái khẩu từng ăn. Nhớ lần theo bố vào chợ Đồng Xuân bán mấy đôi cá thần tiên, bố cho ra Hàng Buồm ăn món mì xào thịt bò rau cải. Nhớ trước trận đánh mấy má trong “Hội má chiến sĩ” đãi món bánh bò chan nước cốt dừa và thịt trâu xào cần, ngon ơi là ngon. Mà sao hôm đó tôi ăn ít thế. Giá như bây giờ, tôi sẽ ăn thật nhiều cho bõ…

Có tiếng đập cửa, tiếng loạch xoạch rồi cái ô sắt bằng bàn tay xoẹt mở. Một cái mồm nói chõ vào:

- Cầm cái nón sắt góc phòng lên, đưa đây lấy cơm!

Phải mất cả phút tôi mới ý thức được mình đã bị ném lại vào xà lim từ bao giờ. Tôi làm theo, nâng cái mũ sắt nhà binh lên ngang ô cửa. Một cái muôi thò vào. Một muôi cơm, muôi tiếp theo là nước. Tôi nghe mùi cá tanh xộc. Nước bọt tứa ra. Khi cái ô cửa chưa kịp đóng tôi đã thò tay bốc cơm cho vào mồm. Vị mặn chát của mắm cá, mùi hôi của gạo mục. Kệ. Chỉ một loáng cái mũ sạch bong. Tôi đưa những ngón tay lên mút cho đến không còn mùi vị của cá, của cơm.

Đêm đó tôi đã ngủ mê man. Trong mơ đi đâu cũng được mời ăn. Tôi đã ăn thỏa thích mà bụng vẫn đói.

Sáng, vừa nghe chùm chìa khóa xủng xẻng đập vào cửa sắt tôi đã bật dậy đứng chờ sẵn. Tôi biết sẽ bị chúng tiếp tục đánh đập, tra khảo. Nhớ đến những cú đánh đầy hận thù của tay Nhơn, tôi rùng mình.

Nhưng hôm nay tôi bị đưa đến một phòng khác. Một tay sĩ quan đeo hai bông mai với tên Đạt gắn trên ngực áo, đã ngồi chờ sẵn. Hắn nhìn tôi cố cười hiền hậu rồi chỉ vào chiếc ghế đối diện:

- Chú em ngồi đi!

Rồi tiến về phía tôi giọng miền Bắc bả lả:

- Tôi nghe mọi người nói về chú em mà không tin. Quả nhiên là đẹp trai, thư sinh.

Hắn đưa bàn tay vuốt những lọn tóc xoăn đang xõa trước trán tôi:

- Chú em đã có đào chưa? Chưa phỏng. Nhìn chú em là biết liền!

Tôi liếc nhìn hắn. Ngoài cái giọng eo éo, hắn có đôi mắt rợp mi đen thẫm, cặp môi mỏng, má lúm đồng tiền. Tôi giật mình. Hay gã pê đê? Hắn nháy mắt một cái đầy đĩ thõa rồi vứt toẹt trước mặt tôi quyển tạp chí ảnh đã mở sẵn.

- Ngoài đó có loại này không, chú em?

Tôi nóng bừng cả người. Nhịp tim đập hối hả trước hình một người phụ nữ đang ngồi trên ghế tựa, chân duỗi thẳng, người không một mảnh vải. Tất cả đều rõ mồn một, từng đường tơ kẽ tóc.

- Giở tiếp mà xem. Càng về sau càng hay.

Thấy tôi không đụng cựa nhưng mắt vẫn dán vào tấm hình, hắn thong thả lật từng trang một. Tôi bật dậy, thở hổn hển, cổ họng khô khốc. Hắn nhìn tôi từ đầu đến chân, chăm chú như dò dẫm trên thân thể thằng đàn ông mới lớn trong chiếc quần đùi lụa mỏng manh. Bất giác hắn cười rồi bảo:

- Thôi hôm nay đủ rồi. Cho chú em về phòng. Mai chúng ta sẽ nói chuyện như hai người đàn ông, hai người bạn. Tôi muốn chỉ cho chú em một con đường sáng. Đi theo hướng đó chú sẽ sung sướng hưởng thụ cuộc đời.

Đêm, tôi nằm mãi mà không ngủ. Hình ảnh những người đàn bà khỏa thân cứ hiện lên mồn một, lấn át cả những suy nghĩ về cái đói, cái chết đang hiện hữu, giày vò. Và tôi nghĩ về Dung.

Buổi chia tay, sau khi dự liên hoan cùng gia đình và bạn bè, tôi và Dung đứng nơi con phố đầu ô lặng như một vùng quê. Quả tim thằng thanh niên chưa đầy mười tám đập hối hả. Dung đứng rất gần, trong đêm tôi vẫn nhìn thấy hàng mi dày, bờ môi cong. Tôi cảm nhận được sự mời gọi từ hơi thở gấp gáp thoang thoảng mùi sấu non và ánh mắt Dung nhìn tôi lấp lánh. Thế mà chả hiểu sao chân tay tôi cứng đơ. Im lặng rất lâu. Trên đầu chúng tôi những chiếc lá bàng khô lao xao va nhau. Chúng tôi sẽ cứ đứng thế không biết đến bao giờ nếu như từ phía vòi nước công cộng gần đó không vọng lại tiếng loảng xoảng, lệch kệch, rồi tiếng nước xối vào thùng lôông bôông… xòe xòe… Dung giật mình ôm choàng lấy tôi, hôn phớt lên má một cái rồi ngoắt người. Tiếng guốc gõ nhịp trên vỉa hè như lời tạm biệt mối tình đầu trong sáng từ cô bé mới tròn mười sáu…

Tôi ngủ lịm đi. Hình ảnh những người đàn bà khỏa thân và ánh mắt, nụ hôn từ Dung cùng ẩn hiện chập chờn. Người tôi cứ nóng dần, nóng dần. Rồi nóng rãy như thỏi sắt nung trong than rừng rực. Và khi tôi vừa ôm được Dung vào lòng thì, như mũi tên trên cánh nỏ bị cướp lẫy, toàn bộ sinh lực đầu đời của tôi phóng bay ào ạt trong thác lũ mê man…

Sáng, khi tôi vừa bước chân vào phỏng thẩm vấn, gã trung úy Đạt bật dậy nhìn chăm chăm vào tôi rồi bật cười ha hả:

- Chú em quá giỏi, chỉ trong một đêm mà vẽ xong bản đồ thế giới!

Tôi nhìn xuống. Chiếc quần đen loang lổ những vệt trắng như bức tường cũ bị tróc vôi. Mặt tôi nóng bừng.

- Nào, ngồi xuống. Hôm nay chúng ta sẽ chỉ nói chuyện như hai thằng đàn ông.

Quả nhiên cả buổi hắn chỉ nói chuyện gái gú. Chuyện về những mối tình của hắn. Chuyện uống rượu, chơi gái trong các hộp đêm sang trọng ở Sài Gòn, Cần Thơ, Vĩnh Long... Bất chợt hắn nhìn thẳng vào mắt tôi độp hỏi:

- Chú em có muốn hưởng thụ cuộc sống như qua không?

Trước câu hỏi đó, tôi im lặng. Bởi tôi hiểu đằng sau nó là một điều kiện.

- Nếu chú em muốn, qua sẽ giúp, chẳng khó khăn gì.

Tôi vẫn im lặng. Tên Đạt nhìn tôi mấy giây rồi ngửa bài:

- Chú chỉ cần khai thật, khẩu pháo 105 li đang ở đâu, vậy thôi.

Tôi hơi ngạc nhiên. Quân lực Việt Nam Cộng hòa được Mĩ trang bị tận răng, xe tăng máy bay pháo lớn nhiều như núi, hà cớ gì lại cố công truy lùng một khẩu pháo nhỏ? Có một điều gì đó bất thường trong vụ này mà tôi chưa hiểu nổi nên vẫn chọn cách trả lời như cũ:

- Tôi đã khai từ đầu rồi. Tôi là lính mới. Tôi không biết khẩu pháo nào hết.

Vẻ trai lơ của tên Đạt biến mất. Quai hàm hắn bạnh ra. Cặp mắt lồi đột ngột, đỏ vè. Hắn nhìn tôi như muốn ăn sống nuốt tươi ngay lập tức. Nhưng hắn phải đột ngột dừng lại lấm lét ngó ra ngoài trời. Một phi đội A37 vội vàng cất cánh bay đi đâu đó. Dáng bay không hùng hổ, động cơ không gầm rú hung hăng như mọi khi, mà hấp hoảng hoang mang. Tên Đạt bặm môi nghĩ ngợi. Căn phòng trở nên ắng lặng. Tôi nghe rõ những tiếng nổ rền rền, âm âm từ xa vọng lại…

Những hình ảnh ấy cộng với thái độ của tay Đạt khiến tôi bừng hiểu. Địch đang bị tấn công nhiều hướng. Và chúng truy lùng khẩu pháo không phải lấy lại, mà muốn biết trung đoàn chủ lực của tôi đang ở đâu, sẽ đánh hướng nào để đoán ý đồ chiến lược của ta. Quả thực, đến lúc đó, trung đoàn tôi ở đâu tôi không thể nào biết được. Cấp cán bộ trung đội như tôi chỉ được phổ biến mục tiêu, nhiệm vụ trước trận đánh vài giờ. Đánh xong là rút. Đơn vị di chuyển đi đâu, làm gì tiếp theo, làm sao tôi biết được. Nhưng địch vẫn đang hi vọng vào tôi. Chúng còn kiên trì giở trò mua chuộc, đe dọa là vì nghĩ tôi vẫn còn giá trị khai thác...

*

*          *

Sáng hôm sau tay Đạt dẫn tôi ra cuối sân, chỉ về phía bên kia hàng rào:

- Chú em nhìn đi. Đấy là trung tâm chiêu hồi. Chỉ qua ngày hôm nay chú em sẽ được chuyển sang đó. Sẽ gần hơn với thế giới tự do. Thế giới của những lạc thú, hơn hẳn những gì chú em đã nhìn qua tranh ảnh. Chỉ cần chú em kí vào đơn chiêu hồi, khai báo chút đỉnh, rồi có người bảo lãnh là chú em ra khỏi đây.

Tôi nhìn sang bên kia hàng rào kẽm gai. Những người trong đó đi lại thong dong, cười đùa, văng vẳng tiếng hát hò, tiếng đàn ghi ta xập xình. Bất chợt tôi nhớ đến ông chú ruột vốn là một du kích gan dạ, sau bị bắt, quay sang làm chỉ điểm, rồi di tản vào Nam năm 54. Biết đâu giờ ông đã là sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Biết đâu tôi sẽ được gặp ông ta và sẽ được bảo lãnh, sẽ thoát chết, sẽ an nhiên hưởng thụ những lạc thú mà đời mình chưa từng nếm trải. Tên trung úy Đạt nhìn tôi, vẫn ánh mắt soi mói. Tôi nhìn vào đôi mắt đen thẫm như mắt ả đàn bà đa tình của hắn và mỉm cười.

Tên Đạt đưa tôi trở vào, cố tình dẫn qua phòng tên thiếu úy Nhơn. Tôi nghe tiếng va đập uỳnh uỵch và tiếng la hét. Nhìn vào, tôi sửng sốt khi nhận ra Dũng, thằng bạn chí thiết là tiểu đội trưởng tiểu đội 1 trong trung đội tôi. Trên khuôn mặt trắng trẻo thư sinh của Dũng một bên mắt thâm bầm và máu đang ộc ra từ hai lỗ mũi, nhòe nhoẹt quanh miệng. Nhìn cảnh ấy, tôi đau đến điếng người. Và cảm thấy lo lo. Dũng gào lên, bọt máu sủi trên miệng:

- Chúng mày giết thì giết đi! Tao là lính mới, không biết gì hết!

Tôi bậm môi suýt khóc. Khóc không phải vì thương Dũng. Mà khóc vì mừng bởi Dũng vẫn chưa khai.

Tôi với Dũng cùng là tân binh huấn luyện ở Tân Lạc, Hòa Bình. Dũng nhà phố Ngõ Huyện, nhưng nó tháo vát, năng nổ như trai nông thôn. Tôi thì ngược lại, lóng ngóng vụng về trong nhiều chuyện. Có lẽ vì thế mà tôi thân với nó. Có nó, tôi như được đỡ đần, che chở. Lần đánh đồn Đông Châu, tôi được phân là mũi trưởng, dẫn đầu mũi đột kích. Nó mũi phó, đi sau cùng yểm trợ. ĐKZ vừa nổ phát lệnh, tôi ôm thủ pháo lao lên. Nhưng bọn địch trong đồn bắn ra xối xả. Tôi buộc phải nằm chết dí ngay hàng rào ngoài cùng. Chợt thấy bóng Dũng từ phía sau ôm thủ pháo băng lên, vượt qua tôi. Máu tự ái trỗi dậy, tôi cũng vùng lao theo. Bỗng Dũng quay phắt lại ôm tôi vật xuống. Một tràng tiểu liên cực nhanh xoẹt qua đầu chúng tôi. Chỉ ít phút chúng tôi đã chiếm lĩnh trận địa. Sau khi chớp nhoáng thu dọn chiến trường, chúng tôi rút. Trong khói súng còn chưa tan, tôi gặp Dũng. Mặt đen nhẻm, thất thần Dũng bảo: “Anh Tao hi sinh rồi!” Tôi ngỡ ngàng nhìn theo tay Dũng. Nguyễn Thanh Tao, người Nghệ An, tiểu đội trưởng tiểu đội 2 đang nằm dài trong lòng xuồng với một vết đạn xuyên giữa trán. Anh Tao là người duy nhất trong trung đội tôi có vợ và một đứa con gái mới một tuổi. Suốt chặng đường về cứ, Dũng cầm chèo ngồi sau, vừa nghiến răng quạt nước, vừa đăm đăm nhìn vào khuôn mặt anh Tao…

Về đến phòng thẩm vấn, tên Đạt tươi cười đưa tôi tập hồ sơ xin chiêu hồi. “Chiêu hồi là con đường duy nhất để kết thúc chiến tranh và hòa hợp dân tộc”, dòng chữ này in ngay trang đầu của tập tài liệu. Tôi không đả động đến tập hồ sơ, tai vẫn nghe tiếng la hét của Dũng vọng sang từ phòng tra tấn. Và rồi Dũng cũng sẽ phải lần lượt trải qua các chiêu trò của địch. Như tôi…

- Qua đã khai đầy đủ cho chú em rồi. Chú em chỉ việc ghi tên người bảo lãnh và kí vào là lập tức có thể ra khỏi đây.

Tôi ngập ngừng, rồi ấp úng đáp lại:

- Ông cho tôi suy nghĩ thêm. Sáng mai tôi sẽ trả lời.

Tên Đạt nhìn sững vào tôi, đôi mắt đen sẫm mất đi vẻ đa tình, hắn gằn giọng, nhỏ nhưng lạnh:

- Mày chỉ có hai sự lựa chọn. Một là kí vào rồi khai báo để hưởng những ưu đãi của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, hai là chết, không phải nghĩ nhiều!

Rồi tên Đạt hạ lệnh. Tên lính dẫn tôi trở về xà lim, vẫn cố tình cho tôi đi qua phòng tra tấn Dũng.

Tôi nằm sõng sượt trên nền xà lim lạnh ngắt, trằn trọc vật bên nọ, vật bên kia mà không thể nhắm mắt. Cái nhìn của Dũng như đốt cháy tâm can tôi. Qua cái nhìn giao nhau chỉ một vài giây lúc đó, chúng tôi đã hiểu hết. Tôi bỗng nhớ đến ông chú ruột theo giặc năm nào.

Hồi học lớp 2 lớp 3 gì đó, đêm tôi ngủ với bà nội. Nửa đêm nghe bà khóc. Tấm tức, hậm hực như cố nín mà rồi cứ vỡ dần, to dần: “Tung ơi! Con ở đâu? Sao không về với mẹ!” Tiếng khóc của bà không to nhưng nghe ai oán và da diết lắm. Bố tôi dậy, chui hẳn đầu vào màn, ghé sát tai bà tôi, giọng chì chiết: “Bà tưởng nó hay ho lắm hay sao mà gọi nó về. Thằng Minh con nhà ông Hành vì nó mà không được kết nạp Đảng, thằng Tuất con nhà bác Thành vì nó mà không được vào đại học. Cả họ đang oán hận nó kia kìa!” Bà nội tôi lập tức im bặt tiếng khóc. Nhưng nước mắt vẫn chảy ướt cả bàn tay tôi đang áp vào khuôn mặt bà. Tôi hỏi: “Bà thương chú Tung lắm à?” Bà gật đầu, ôm lấy tôi, xoa vào lưng tôi, thủ thỉ, giọng vẫn đầy nước mắt: “Nhưng chú mày sai lắm. Đã sai như thế là không có đường trở lại được nữa. Mẹ mất con rồi, Tung ơi!”

Câu nói của bà năm ấy khiến tôi nghĩ tới lời đe của tên Đạt. “Mày chỉ có hai lựa chọn…” Với tôi, trong tình thế này, cả hai lựa chọn ấy đều đi tới cái chết. Một cái chết bất khuất và một cái chết tủi nhục.

Ngay từ khi bị bắt tôi đã xác định sẽ chết, chắc chắn là sẽ chết theo cách một. Và Dũng cũng xác định thế. Nhưng mấy ngày nay, qua những gì đã quan sát và cảm nhận, tôi hiểu tình thế đã cho chúng tôi sự lựa chọn thứ ba. Bằng linh cảm, tôi biết ngày ấy sắp tới. Gần lắm rồi. Chúng tôi phải sống. Phải sống để đợi ngày ấy. Chiều nay, khi đi ngang phòng tra tấn Dũng, tôi đã truyền đi cái tín hiệu đó, không biết Dũng có giải mã được không…

*

*           *

Thêm một tuần nữa trôi qua. Một tuần tôi phải cù cưa với tên Đạt bằng đủ cách. Tên Đạt vẫn phải lặp đi lặp lại cái viễn cảnh huy hoàng sẽ dành cho tôi, và tôi, sau khi giả vờ háo hức lắng nghe thì luôn cám ơn hắn và nói câu “cho tôi suy nghĩ thêm rồi trả lời.”

Nhưng chiều nay, sự kiên nhẫn của hắn đã hết. Đang nói những lời đường mật với tôi, tên Đạt phải chúi người xuống gầm bàn bởi hàng loạt tiếng nổ sấm sét. Sân bay Trà Nóc bị pháo kích. Căn phòng tôi ngồi rung chấn như động đất, vữa gạch rụng lả tả. Khi tiếng nổ dứt, tên Đạt lóp ngóp chui lên đập bàn đánh rầm rồi chỉ thẳng tay vào mặt tôi:

- Mày chỉ còn đêm nay suy nghĩ!

Trước khi vội vàng bỏ đi, hắn còn quay lại nhìn tôi một cái. Khuôn mặt hắn khi ấy rất lạ. Nó lộ rõ sự cay cú nhưng có cả nét hoang mang tuyệt vọng.

Về đến phòng giam, tôi ngả người ra sàn, giang chân giang tay. Chỉ còn đêm nay. Đêm nay thôi... Dù sao thì mình cũng đã sống thêm được một tuần. Thế cũng là lãi rồi.

Nửa đêm trời bỗng nổi cơn giông. Sấm ầm ầm, những tia chớp xanh lè nhóa vào tận buồng giam. Rồi mưa như trút nước. Tôi thiếp đi. Tôi nhìn thấy anh Tao đang tươi cười bế trên tay đứa con gái bé xíu có bím đuôi sam dài đến tận gót chân. Trên trán anh còn nguyên vết đạn. Anh nói với tôi bằng chất giọng xứ Nghệ nghe như hát: “Hòa bình rồi. Mình về nhà đi em ơi!” Và Dung, cũng tóc tết đuôi sam, ánh mắt trong veo với hàng mi cong vút, một tay cầm cành hoa phượng đỏ rực, một tay cầm lá cờ giải phóng hai màu đỏ xanh vẫy vẫy, giọng nhí nhảnh: “Đố anh bắt được em đấy!” Tôi đuổi theo tiếng cười của Dung. Hai chúng tôi chạy về nhà tôi. Mẹ đứng đợi ở cửa, ôm siết lấy tôi, giọng nghèn nghẹt nước mắt: “Con trai của mẹ đã về!”…

“Uỳnh uỳnh uỳnh uỳnh!” Một loạt tiếng nổ rất gần kéo tôi ra khỏi cơn mơ. Ánh sáng từ lỗ thông hơi bé tí đã soi những tia nắng xuống tận sàn xà lim. Lại một loạt tiếng nổ nữa. Một loạt nữa… Tôi lắng tai nghe. Tiếng pháo 130 li của quân ta! Liền sau đó là những âm thanh ầm ào nhưng hỗn độn của động cơ trực thăng địch bên sân bay Trà Nóc lên xuống không ngừng…

Cả ngày tôi không bị gọi đi lấy cung. Bữa cơm hẩm với nước cá mắm cũng không có nốt. Gần về tối, nhiều tiếng súng rộ lên rất gần. Tiếng pháo tăng bắn rung tường, tức ngực. Tiếng súng lác đác, xa dần, và dứt hẳn.

Rồi im lặng.

Im lặng đến rợn người.

Đêm xuống. Cái lỗ thông hơi mọi đêm còn lờ mờ sáng nhờ ánh đèn từ ngoài sân rọi vào. Giờ tối thui.

Bỗng có tiếng xủng xoảng mở khoá. Bản lề cửa nhà giam rít lên. Những bước chân chạy đi chạy lại thình thịch dọc hành lang. Tiếng đập thùm thùm vào cánh cửa các phòng giam. Và một giọng miền Nam hỏi dồn dập, sắc đanh nghe như thuốn vào màng nhĩ:

- Có ai trong này không? Ra đi! Ra ngay đi!

Đang ngồi nép trong góc xà lim, tôi bật đứng dậy. Chắc chúng mang tôi đi thủ tiêu? Chẳng hiểu sao, lúc ấy tôi không hề thấy sợ.

Cửa phòng giam bật mở. Ánh đèn pin loang loáng. Tôi nhắm mắt chờ tiếng đạn.

- Có đồng chí nào trong đấy không? - Một giọng Bắc dõng dạc cất lên.

Tôi bừng mở mắt hét lên lạc giọng:

- Quân ta, quân ta!

Vừa nhao ra ngoài tôi đã nhìn thấy Dũng đứng sừng sững trước cửa xà lim. Rồi không ai bảo ai, cùng lúc chúng tôi đổ vào những cánh tay vừa giang ra. Và chúng tôi khóc. Khóc trong đêm pháo sáng và đạn lửa được bắn lên tung trời trong niềm vui tột độ. Đấy là đêm 30/4/1975.

Cộng hòa Liên bang Đức, tháng 4/2017
H.L

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)