Trước Hương thôn dã tôi chưa từng nghĩ mình sẽ viết được truyện ngắn đề tài lịch sử.
Đến năm 2013, khi Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát động cuộc thi truyện ngắn, thấy nhiều bạn viết chung lứa 8X tham gia, rồi đi trại sáng tác, tôi cũng đâm nôn nao theo. Đang không biết kiếm đề tài nào để viết gửi dự thi, tình cờ tôi bỗng đọc được vài dòng ghi chép về Đặng Mậu Lân trên mạng. Trí nhớ chạy về những ngày nhỏ, khi tôi xem Đêm hội Long Trì, bộ phim khắc vào tôi ấn tượng một Cậu Trời hung hãn, háo sắc, cậy thế làm càn. Chống lưng cho Cậu Trời, là người chị, một người đẹp tai tiếng trong sử Việt: Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Tôi tự hỏi Tuyên phi đã cảm thấy thế nào khi em mình trượt dài trong bùn, bị người đời nguyền rủa, rẻ khinh? Tôi cũng có em trai. Tôi tin mình hiểu được yêu thương, nuông chiều và đôi lúc bất lực của một người chị. Cũng chính điều này thôi thúc tôi viết. Tôi quyết định sẽ xây dựng một Đặng Thị Huệ khác đi, ở một góc nhìn nhân văn hơn, bên cạnh vết đen vốn đóng đinh bà trong chính sử.
Truyện được hoàn thành chỉ trong vòng một tuần. Nhưng trước đó, tôi mất hơn tháng trời cho khâu tìm tư liệu, xâu chuỗi các sự kiện. Bởi càng viết, tôi càng nhận ra nỗi khổ của viết truyện lịch sử. Có lúc, mạch viết đang ào ạt, ngòi bút đang hăng hái đuổi theo ý tưởng bỗng khựng lại. Đơn giản, vì tôi không biết mình tả cái chén uống trà thời chúa Trịnh có đúng không. Lại phải lục tư liệu, tìm cho bằng được ảnh cái chén, để so với hình ảnh vừa được tưởng tượng vẽ ra trong đầu. Và vất vả trong khâu tư liệu, thật ra, cũng chính là cái thú của viết truyện sử. Nhiều lúc, tôi cảm giác các dữ kiện, các điểm thời gian có mãnh lực không khác gì thác cuốn. Trôi theo dòng cuốn tôi bị dẫn về nhiều ngã rẽ, nhiều luồng chảy khác nữa. Để rồi trong hợp lưu lấp lánh bụi thời gian của lịch sử tôi vớt được thêm nhiều phận người, nhiều nhân vật hấp dẫn khác. Chính từ Hương thôn dã tôi nhận ra mình có thể tiếp tục với đề tài lịch sử, dã sử. Những ý tưởng, câu chuyện liên tục xuất hiện trong đầu thôi thúc viết…
Mới đấy đã ngót nghét mười năm từ ngày truyện ra đời. Đọc lại, giữa đôi chỗ vụng về câu chữ tôi mừng vì thấy mình vẫn còn nguyên rưng rưng cảm xúc cùng Tuyên phi, nhân vật lịch sử đầu tiên của tôi.
Nhà văn NGUYỄN THỊ KIM HÒA
************
I
Thu Nhi đã về. Gói giấy nhỏ vừa lấy ra khỏi thắt lưng đã chênh chao lòng ta vì một làn hương quen thuộc. Mùi khê khê nồng nồng của những liếp rơm vàng lựng ngả màu dưới nắng. Mùi bảng lảng quyền quyện của đám gió kéo nhau về từ đâu đó trên những vườn trái chín. Và cả mùi thanh tao như cất ra từ những mảng trong vắt của khí đất, khí trời. Bàn tay ta tự dưng run lên. Mùi quê hương ta đó. Mùi dịu dàng ngọt mát lòng bàn tay ta. Mùi chảy tràn ra từ những kẽ ngón tay, để giọt nối giọt rơi xuống, rơi xuống… rơi vào lòng ta nhói buốt. Kinh Bắc… ôi Kinh Bắc! Có phải quê hương đang gọi ta bằng những giọt thiết tha này.
- Lệnh bà! Sao lệnh bà lại khóc?
Ô hay! Là ta đang khóc sao. Nước còn có thể trào ra từ khóe mắt khô kiệt này sao?
Thu Nhi đang quỳ kia. Tội nghiệp, con ơi. Con có lỗi gì đâu. Con là người ơn của ta đấy chứ. Giờ phút này, còn ai nữa ngoài con kính ta, ở bên ta. Ngoài con, còn ai nữa cho ta nghe lại một lần tiếng gọi âm thầm, da diết của quê hương.
Tiếng gọi lẫn trong làn hương trào ra tự bao giờ khỏi lớp giấy gói thô mộc, đơn sơ. Tiếng gọi sắc lại đậm như màu đen sẫm trên nhúm sợi khô gầy. Nhón một sợi nhỏ đưa lên môi, ngậm chặt, ta như lịm đi vì vị quê hương không chỉ vỡ òa trên đầu lưỡi thô sần. Vị quê hương dắt ta đi.
Đất Kinh Bắc, làng Chè. Ngôi làng nhỏ quanh co uốn theo chiều lượn một dòng sông. Nơi nắng rải mật không hết những đồi chè, những mênh mông thẳm xanh ngút ngát. Nơi gió dạo mỏi chân nghỉ lại làm bay tung váy áo đoàn thiếu nữ mỗi sáng ra đồi, để hương con gái, hương chè thanh thoát quyện tràn trề trong gió. Ta thấy lại ta trong đoàn con gái đó. Má thắm, môi hồng, bàn tay thon lướt trên những búp chè. Lá chè xanh lắm, xanh óng ánh, xanh non tơ. Tiếng hát bầy con gái cao và trong lắm. Hơn cả tiếng suối, tiếng sương vỡ mỗi tinh mơ.
Hát rằng:
Lá xanh, hoa trắng, hương nồng
Gói duyên em đợi tấc lòng trượng phu.
Ta lại thấy ta bẽn lẽn không dám nhìn lên trong đêm Hội Gióng đầu làng. Ánh mắt người cầm trống chầu nhìn ta sao còn ấm hơn bếp lửa hồng mẹ nhóm.
Ánh mắt rơi bỏng rát gót chân ta ngày mười sáu tiến cung.
Buổi ấy, nắng đứng, gió ngừng. Hương chè bị buộc lửng lơ tắt giữa lưng trời. Ta đợi mãi, đợi mãi để nghe một mùi vị quê hương, một tiếng gọi quê hương. Nhưng vô vọng. Quanh ta chỉ toàn nước mắt.
Nước mắt người mẹ áo nâu sờn dấm dúi vào tay ta túi tiền đổi bằng nửa mảnh vườn. Nước mắt người cha xấp xõa mảng tóc bạc trắng rơi trên vành khăn xếp ông đồ. Nước mắt nhem nhuốc gương mặt em trai vừa chạy vừa ngã dúi dụi sau đoàn người ngựa xe trống lọng.
Ta cố quay đầu, quay đầu. Bụi mù lên che mất dáng em ta nhỏ nhoi, lạc lõng. Ta lại cố căng mắt, cố kiếm tìm. Chỉ thấy ráng đỏ thẫm bưng bít không gian chiều. Ụ rơm vàng, mái tranh, đồi chè, dòng sông. Quê hương chỉ còn là một vệt xanh mờ giữa biển trời đỏ lừ. Đỏ ngút ngàn, hun hút. Sao quê hương không gọi ta một lần từ ngày ta mười sáu tiến cung? Ta đã ôm vào cả trong giấc ngủ lạnh lẽo của một cung nhân hình bóng của những cánh đồng mượt lúa, những vạt đồi phủ xanh óng lá chè. Ta đã bao lần lén hít cho đầy căng, ngạt ứ trong lồng ngực mùi nước chè thơm mỗi lần pha hầu Trịnh tiệp dư.
Túi hạt ta mang theo từ quê nhà chỉ cho lên được cụm cây nhỏ nhắn ngang cửa sổ. Chè nhú lên, thân lẫn lá ngăn ngắt một màu. Ta chưa đợi được một búp hoa, một chiều mở cửa đã thấy những thân cây mảnh dẻ sõng soài trên nền đất lạnh.
Trịnh tiệp dư bỗng nhiên muốn trồng cúc. Cả mảnh vườn đất bị xới lên, băm nát. Trăm hồng nghìn tía rã rợi, tả tơi. Đến những thân tre khẳng khái cũng gãy gập khóc than, thì sá gì phận chè nhỏ bé của một cung nhân.
Ta không khóc trước những phiến lá chưa kịp phô hết màu xanh, còng queo rên xiết trong đám lửa rừng rực một khoảnh vườn.
Mười sáu tuổi, ngọn lửa góc cung Trịnh tiệp dư dạy ta: Không quyền lực, kiếp con người như kiếp cỏ cây hèn mọn. Sống - chết là tùy ý thích (dù là bất chợt) của chủ nhân.
Ta khéo léo hơn trong từng câu thưa bẩm, từng cái cúi đầu. Ta đẹp tay hơn trên những miếng trầu têm, những mâm bày hoa quả. Ta sớm hôm tưới bón, chăm chút cho thứ hoa tước đoạt mất của ta chút màu xanh ngắt quê nhà. Trịnh tiệp dư chung quy cũng một người đàn bà cô quạnh, thèm bầu bạn. Ta đợi một ngày mưa rả rích nhuốm lạnh lên cả ngọn đèn Trịnh tiệp dư thắp ngồi khâu, thẽ thọt khẽ khàng:
“Con nghe chúa đang ngự ở hậu viện. Sao mình không nhân lúc Khê Trung Hầu vắng mặt, đút chút tiền cho bọn thị nội để con vào dâng giúp bà một khay hoa. Con sẽ sửa soạn khay hoa thật khéo, biết đâu chúa được đẹp lòng, Người nhớ đến bà.”
Tiệp dư suýt đâm cả mũi kim vào đầu ngón tay. Ánh mắt tin cậy ngước nhìn ta rạng rỡ cháy bùng một hi vọng đủ đánh tan hết màn mưa ảo não.
Ta có nghĩ về ánh mắt ấy lúc tẩm lên người thứ hương mê hoặc ta học được cách chưng cất bằng những quan tiền mẹ ta đổi nửa mảnh vườn. Thứ hương chắt chiu từ loài hoa trắng muốt mang tên ta.
Ta loáng thoáng nhớ rằng có một ánh mắt như thế lúc vờ luống cuống rơi khay hoa, để người đang ngồi miệt mài xem tấu phải ngước nhìn.
Và ta, trong cơn hoan lạc đến tận cùng giữa những mắt, môi, hơi thở..., lạ thay, không còn lởn vởn, nắm níu bởi một ánh mắt nào. Chỉ thấy rõ ràng một thảm rực vàng hoa cúc đang trườn lên, nuốt dần, nuốt dần một thân chè mỏng manh, bé nhỏ.
Cuộn mình trong lòng người đàn ông uy quyền đã bị ta nắm trọn cả trái tim, ta biết thứ đầu tiên phải vòi chúa trồng bằng được cho ta trước cung Đoài: một hàng chè. Hàng chè xanh màu quê hương ta thân thiết. Hàng chè chiều nào cũng nghiêng nghiêng lá uống từng giọt nước từ tay ta. Hàng chè được ta nâng niu từng búp nõn, từng cánh hoa. Thế mà sao hương tỏa ra từ những cánh mỏng trắng ngần, từ những phiến lá óng mướt lại nhạt thếch, vô hồn đến vậy. Hoa trắng kia, lá xanh kia nào khác đám đèn lồng rực rỡ chăng khắp lối Long Trì. Nào khác ngọn trúc xanh màu giả tạo không đủ làm ta vui trọn một trống canh.
Quê hương từ chối ta sao? Hương chè không một lần ôm ấp nữa cõi lòng ta sao? Ta bao đêm thao thức đợi. Ta bao ngày thơ thẩn đợi. Lá vẫn xanh, hoa vẫn trắng. Nhưng vô hương.
Kẻ dưới nói lén sau lưng ta: “Tuyên phi tâm ác, đến trồng chè cũng không tỏa được hương.”
Lân nghe được, kiếm xỏ lưỡi kẻ ấy, kiếm vung gẫy lìa hơn nửa hàng chè mạn trái. Lá rụng đầy thê thiết cả một góc cửa cung. “Em sẽ tìm cho chị thứ chè biết tỏa hương!” - Lân nói, rồi hùng hổ xách kiếm đi.
Am Thiềm, Lệ Mỹ, Lương Quy…, cả Đoài Cung trở thành một vườn chè rối mắt.
Ta lại nâng niu từng chiếc lá, ta đợi những búp hoa. Ta ngày ngày vò lá xanh đưa ngang mũi đợi một mùi hương trở lại. Và ta đợi mãi… Như buổi chiều mười sáu tuổi tiến cung.
Lân lại thêm một lần vì ta điên cuồng vung kiếm.
Lá nát, hoa rơi. Bọn thị nữ ra nhặt những cánh hoa, những đoạn cành gẫy lìa rưng rưng tiếc công chăm bón.
Ta đón túi chè khô Lân mang từ làng cũ về. Nhìn gương mặt lấm bụi đường, nhìn đôi mắt trũng quầng thâm đầy háo hức mong đợi của em, nhớ gương mặt trẻ con lem nhem nước vừa chạy vừa ngã dúi dụi sau đoàn người ngựa xe trống lọng.
Ta đã áp lên mũi, cố hít thật sâu dúm lá chè khô khét lè, hăng hắc. Ta vờ lâng lâng như trôi giữa mùi vị thân quen, mà đắng lắm cay lắm trong từng tiếng cười, từng câu reo mừng sung sướng.
Đủ rồi em ơi! Lân ơi! Lân có chặt bao thân cây, bao đầu người nữa thì có được gì đâu. Ta biết chứ. Quê hương đã cắt lìa ta đến cả chút hương vị cuối cùng rồi.
Quê hương cắt lìa ta như ngàn vạn mũi dao từ lời cha kí thác cắt lìa ta. “Ta tiếc cho con được một ánh mắt trong mà không phải một tấm lòng trong...”.
Cha ơi. Một tấm lòng trong thì sao sống được giữa thâm cung nội phủ ngập ngụa những mưu toan tranh đoạt.
Cha ơi. Một tấm lòng trong thì muôn đời con của cha cũng như bao đóa phù dung nơi trướng phủ màn che này. Lặng lẽ tỏa hương, lặng lẽ đợi, rồi lặng lẽ tàn trong mỏi mòn đơn lạnh.
Tấm lòng trong thì Huệ này vẫn chỉ là loài hoa hương ngạt ngào mà vô sắc, lôi kéo sao được loài bướm chúa chỉ ngự tít trên tầng cao, ngắm hoa bằng mắt chứ không phải bằng trái tim.
“Được ở trên muôn người rồi, chị… chị… sống có vui không?”
Chờ đợi lớn nhất của Trịnh tiệp dư chắc là để trả lại ta bằng câu hỏi đó. Nên đôi môi khô khốc vừa thều thào dứt lời vào tai ta đã an nhiên vẽ thành một nụ cười lạnh giá. Ta không dám nhìn nữa thân người rộc rạc, mái tóc xơ xác lơ phơ trổ từng mảng da đầu. Ta đã phải thét gọi lũ cung nữ gỡ phụ ta cánh tay trơ xương nổi từng đám gân xanh chằng chịt như những thân dây leo cứ đu bám, níu chặt. Cánh tay người chết đã buông thõng, nhưng sao ta cứ thấy đám dây leo ấy không hề rời khỏi ta. Chúng cứ thít dần, siết dần cổ tay ta, tim óc ta, hơi thở ta. Ta không cách nào chợp mắt được.
Chúa hối hận vì trót chút thương cảm mà khuyên ta đến thăm Trịnh tiệp dư nằm bệnh lâu ngày. Chúa đốt sạch cho ta đám cúc héo úa, thơ thớt ở góc cung kẻ dám làm ta kinh sợ. Những cánh hoa vàng đã hóa khói lên trời mà vẫn không khiến lòng ta nhẹ nhàng như khói.
“…Chị… chị… sống có vui không?”
Thảng hoặc đâu đó len trong tiếng nhạc, lời ca réo rắt của đêm hội ngả nghiêng rượu, ngả nghiêng sắc đèn lồng. Đâu đó giữa những thầm thì âu yếm, êm ấm của gối chăn. Ta nghe những chuỗi lời gãy khúc, rì rầm.
Ta có vui không?
Vui không, khi trước ta, sau ta, quanh ta chỉ toàn là những sợ hãi, dè chừng, căm ghét. Những mũi tên tẩm độc ẩn dưới những cái đầu cúi, lưng khom, những tiếng cười đãi bôi giả tạo.
Ta vui không, khi bàn tay nắm quyền lực không lơi mà lại để buông tuột, để lạc đường mất đứa em ruột thịt.
Là ta hại em sao? Đứa trẻ mặt lem nước ngã dúi dụi chạy theo ngày ta được tiến cung.
Cả đời mình ta chỉ muốn dành cho em tất cả những gì gọi là sung sướng, đẹp đẽ nhất. Ta muốn bù đắp, muốn em ta có được mọi thứ mà cả tuổi thơ nghèo khó, cả những ngày đầu trưởng thành chính ta chưa dám một lần mơ tới.
Vậy mà chính tình yêu của ta, nuông chiều của ta đã biến Lân thành một kẻ bạo ngược, tà dâm sao.
Ôi, Mậu Lân! Có khi nào em oán trách, em chạnh nghĩ giá đừng làm em một người chị như ta?
Minh họa: Tô Chiêm
II
- Lệnh bà có cần con đun nước?
Ơ hay. Thu Nhi vẫn còn đang quỳ đấy sao?
Thảng thốt, ta đỡ lấy bàn tay con trẻ thon mềm. Bàn tay này đây, giờ chỉ còn bàn tay này sửa giúp ta mái tóc búi chưa đều. Còn mỗi bàn tay này mang cho ta thêm tấm chăn bông ủ thân người lạnh cóng khi gió đông luồn qua cửa. Cũng bàn tay chưa đủ lớn này, mỗi nó dấm dúi vào tay ta lúc mấy cuộn chỉ thêu, lúc mấy phong kẹo lạc, và giờ là một gói chè.
Người lính già gác ngoài Vọng Lăng cảm thương ta, thỉnh thoảng vờ như không thấy để đứa con gái mười tuổi của ông lẹ bước qua. Ta nào đã làm được gì để khiến phải mạo hiểm cả hai cha con. Ta lo sợ thay hai con người chưa một lần quen biết. Ta vờ nổi giận, ta xua đuổi Thu Nhi. Để rồi mỗi lần gót hài con bé tiu nghỉu quay lui, khuất dần sau dãy nhà ngang, ánh mắt ta như bị đứt lìa, nửa tung hê chới với trong khoảng xanh bé tí lặng phắt sau ô cửa tò vò, nửa lông lốc lăn trên lởm sân rêu đổ những vệt chiều thâm thẫm. Ta thấy mình hay ra ngồi bên ô cửa trông về hướng dãy nhà ngang ấy những chiều sau, sau nữa… Ta ngong ngóng, ta thấp thỏm liệu có thấy lại không một mái đầu trẻ con lấp ló, một câu bẩm ấp úng rụt rè.
- Lệnh bà chớ lo. Người ta không bắt tội con đâu. Con sẽ nói mải chơi nên lạc ra đây. Ai mà lại đi bắt tội trẻ con!
Trẻ con! Ôi... trẻ con.... Con trai ta, Cán của ta. Nó cũng chỉ là một đứa trẻ đấy thôi. Người ta đã toan giết nó lúc nó khóc đòi mẹ, đòi ăn. Người ta đã giam cầm, bức bách nó. Người ta nào thiết tha đến sinh mạng mong manh của nó. Con biết không? Mỗi đêm nhắm mắt ta đều nghe tiếng nó gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi”. Thao thiết không biết bao nhiêu lần. Vậy mà ta bất lực, ta buông xuôi. Ta không vuốt nổi đôi mắt con ta ngày nó lìa đời, ta không ôm được mái đầu non nớt của nó vào lòng mà gào khóc, không mặc được cho con ta bộ áo quần đẹp nhất để nó đĩnh đạc xuống dưới kia với tư cách một vì tiên chúa. Cung Quốc Công Phủ có bao xa mà mẹ con ta nghìn trùng cách trở.
Lãnh cung đêm ngày lạnh cóng, họ Dương lệnh cấm không được đem cho ta đến cả một tấm chăn mỏng. Ta hiểu nỗi hận của bà ta. Nỗi hận của kẻ dù sinh được trưởng tử cũng vẫn canh trường thao thức ôm sầu muộn, tương tư mong ngóng, khác nào phận cung nhân thấp hèn. Đàn bà chốn cấm cung đau khổ, tị hiềm, thù hận nhau quanh đi quẩn lại cũng vì một chữ tình. Cả họ Dương, cả ta đều xoay vần trong cái vòng tròn tàn nhẫn tẻ nhạt đó, mà nào đã nhận ra.
Lãnh cung cũng có một ô cửa tò vò. Nhưng đến ngay cả nó cũng bị gông xiềng bởi hàng chấn song sổ dọc. Loáng thoáng bên ngoài những chấn song, ta thấy vài gương mặt quen. Những tia nhìn liếc nhanh thấp thỏm. Những dáng người vội vã lẩn lút. Ta không trách chúng. Đâu phải chỉ mình ta mới biết quên ánh mắt Trịnh tiệp dư. Ta đã là một bức tường đổ thì trách làm gì những phận dây leo.
Giữa bốn bức tường nặng nề tù hãm, ta không một lần khóc than. Không một lần để những kẻ bên ngoài chấn song nhìn thấy ta thảm sầu, đau khổ.
Ta hát. Ta cười.
Lũ rệp giường không làm giấc ngủ ta bớt sâu. Đám chuột trùi trũi, trơ ghẻ thình lình lao ra không làm bữa cơm nào của ta phải buông đũa nửa chừng.
Ta phải sống. Vì một lẽ duy nhất: Con ta, Cán của ta.
Ngôi chúa của con, ta phải sống để giành nó lại cho con.
Vậy mà… Hỡi ôi, sao Cán không hiểu lòng ta. Sao con lại bỏ ta đi giữa lúc ta chẳng lúc nào ngơi dặn mình đừng bỏ cuộc.
Họ Dương thương hại ta hay cơn oán hận đã lên đến đỉnh điểm mà không cho ta hay ngày Quốc Công Phủ trắng màu tang.
Ta đã hát, đã cười điềm nhiên ngày con ta chết. Ta đã ăn thật no, ngủ thật ngon ngày con ta dưới ba tấc đất hồn khóc gọi “Mẹ ơi!”
Những bức tường lạnh lẽo chốn lãnh cung che mắt, bịt tai, trời ơi lẽ nào cũng bưng bít luôn linh cảm, luôn trái tim người mẹ của ta sao? Sao một người mẹ như ta mà không cảm được tiếng gọi đau đớn từ giã từ chính núm ruột của mình.
Dây trói, chấn song sắt, tường giam cao. Ta đã từng bất chấp tất cả thoát ra ngoài với ý nghĩ duy nhất là đến Quốc Công Phủ tìm con. Cửa Tuyên Vũ đầy lính gác ta cũng bằng mọi cách trốn qua khỏi để gặp được con.
Bọn lính Tam phủ đuổi được đã trói giật cánh khuỷu, lôi ta từ bến đò phố Khách qua khắp nẻo kinh kì như một mụ điên. Bọn cung nữ đã túm tóc xô ta ngã xuống sàn nhà ngay giữa Hữu Cung. Nhục nhã. Đau đớn. Nhưng ta vẫn ngẩng cao đầu, ta kiêu hãnh vì nghĩ đến con. Cán của ta. Điện Đô Vương của ta. Không thể có một người mẹ phải gằm mặt, thần phục, phải khóc lóc van xin.
Họ Dương bĩu môi xỉ vả ta mê hoặc tiên chúa, tráo thứ đổi ngôi. Nhưng còn đám quân tam phủ công kênh hè nhau tràn vào phủ chúa, cướp giết ngang nhiên bát nháo như giữa nơi phố chợ. Mẹ con bà ta dựa vào lũ chúng để truất phế mẹ con ta thì khác nào chắp thêm nanh vuốt cho bầy sói dữ. Liệu rồi xem họ thần phục chúng được đến bao giờ.
Chỉ thương Quận Huy vì ta mà mang thân hổ xuống đồng bằng.
Ta nhớ người. Tấm áo choàng trấn thủ lấm bụi ngày mới từ Nghệ An về yết kiến làm tim ta không dưng thắt lại, nôn nao.
Ta nhớ người. Bàn tay không dám nắm cánh tay ta đưa ra, cung lại trước mặt cùng cái cúi đầu: “Thần sẽ làm hết sức mình để bảo vệ thái phi và ấu chúa, theo di chiếu của chúa thượng.”
Ta đã nghe tiếng người thét giữa điện, tiếng voi rống khóc chủ thảm thương, phẫn hận. Bầy sói lang dùng móc lôi người xuống từ bành voi, chúng lao vào cắn xé người, băm nát người.
Than ôi! Bậc quận công oai thế ngất trời còn gì đâu ngoài một vũng máu thịt lầy nhầy ngay chính điện.
Phải chi người nghe ta không để những giọt nước mắt của họ Dương lung lạc mà tha cho Khải. Phải chi người không năm lần bảy lượt ngăn ta: “Đừng để anh em nhà chúa cốt nhục tương tàn.” Ta biết, người kém trọng lời ta vì chung quy ta cũng một mụ đàn bà, một ả gà mái học đòi tập gáy. Người cho ta tính việc nước bằng lòng dạ đàn bà hẹp lượng. Người quên rồi. Lòng dạ đàn bà và tiểu nhân thì khác gì nhau. Bọn tiểu nhân ấy. Ta đã thấy chúng xoen xoét bên người. Chúng vờ vịt khiếp sợ, tôn kính người. Ta đã nghe ra trong câu líu ríu đội ơn của chúng tiếng rít của loài rắn quyết báo thù. Nhưng than ôi. Người đã chẳng nghe ta.
Chim bằng cất cánh về đâu.
Chết tại trên đầu hai chữ Quận Công.
Lời sấm truyền hai trăm năm thuở nhỏ ta thuộc làu ra là vận vào người đấy sao? Còn lời nào nữa dành cho ta, cho triều chúa nhiễu nhương soán đoạt?
III
Đêm dày. Gió thông thốc qua ô cửa lạnh. Bếp lửa Thu Nhi nhen cứ bàng bạc, chập chờn. Khói len thành đụn mỏng vờn từng ngón tay ta bắt ánh lửa đỏ hồng. Siêu đất cũng đỏ lừ lừ ánh lửa. Ta nhớ chiếc siêu đồng soi được cả bóng ta nơi nội phủ Thị Đoài. Chiếc siêu biết reo hòa cùng bản nhạc muôn loài chim quý trong Ngự Uyển mỗi sớm mai. Mỗi sớm ấy, ta ngồi bên bếp lửa thích tự tay mình nhóm lò, đun nước cho chúa hãm chè. Chúa sợ lấm tay ta truyền mua loại than gỗ thông Trung Hoa vừa giữ được lửa lâu lại vừa có hương thoang thoảng. Chúa yêu ta nhấp từng ngụm, từng ngụm chè quê ta trồng vô hương vô vị mà cứ tấm tắc, xuýt xoa. Bọn triều thần được chúa ban chè muốn đẹp lòng ta cùng tấm tắc, xuýt xoa. Buổi thưởng chè nào có họ cúm rúm, quây quần bên chúa ta lại không kềm mình được một tiếng cười dài. Ta giấu chúa nhỏ hương hoa nhài vào mỗi chén ngự của Người, để dù chè nhạt vị phai Người vẫn dễ chịu vì còn có mùi hương hoa phảng phất. Còn bọn họ, cứ tấm tắc đi, xuýt xoa đi để ta được cười thói đời xu nịnh, a dua.
Ta dốc siêu. Ấm đất đón dòng trong vắt lãng đãng khói. Phải loại ấm nặn từ đất tử sa Nghi Hưng nâu đen ủ chè lâu không phai vị?
Ta ngồi bên ấm, miên man chìm vào hương chè loang trong nước, loang trong khói. Một luồng hơi mỏng mảnh len lỏi chui khỏi vòi ấm thôi cũng tỏa lan, bọc lấy hết ta trong màn hương bồng bềnh, váng vất. Quen thuộc lắm, gần gũi lắm mà sao cứ ngỡ như mơ. Hương chè nồng chén đất ta pha cho cha nhấp giọng lúc giảng bài. Hương chè vướng vít tay áo mẹ ta đảo những nong lá chè phơi dưới nắng. Hương chè ủ trong túi áo em Lân ta, đứa trẻ hay giấu xác chè cha uống, nghịch chơi. Hương chè đấy. Trọn vẹn hương làng quê xứ sở đã trở lại với ta, cánh hoa rã nát không sắc không hương.
- Ta chẳng còn gì cho con cả, chỉ có vật này…
Thu Nhi đón chiếc vòng đá trên tay ta, môi con bé run run. Nếu có thể, nếu ta vẫn là bà chủ Đoài Cung, vẫn là một thái phi, ta còn muốn cho con bé nhiều hơn. Nhưng hỡi ôi, với một tội nhân bị giam cầm như ta, một kẻ suốt đời phải làm bạn cùng bài vị, mồ mả nơi Vọng Lăng này như ta, đó đã là món trang sức cuối cùng rồi.
Thu Nhi dập đầu lạy tạ rồi lui.
Cánh cửa gụ nâu khép lại tự bao giờ mà ta vẫn không muốn rời ấm chè quẩn quyện mùi quê hương ngan ngát. Tóc búi đẹp rồi, môi thắm son rồi, mày ngài kẻ cũng đã cong vút rồi. Ta soi mình trên mặt bàn lên men nâu bóng, tiếc tấm áo sô trắng không hóa được thành áo cung phi lộng lẫy sắc màu.
Chè đủ đậm rồi, ta rót thôi. Không phải cái chén đất sứt quai mà loại chén sứ vẽ men lam hồi đặt làm tại Cảnh Đức trấn tận Trung Hoa hứng từng giọt chè quê ta trong vắt. Không phải màu đất lỗ chỗ nâu xỉn mà đôi phụng - long chầu chữ Thọ tròn, giơ năm móng uy vũ. Ta nghiêng chén trên tay. Một làn khói mỏng tỏa loang ra từ miệng chén. Ta nhìn xuyên qua khói, tiên chúa đang âu yếm nhìn ta, ngài khẽ mỉm cười.
- Thiếp mời Người!
Ta hớp từng giọt quê hương ta. Hớp đến giọt cuối cùng. Ngọt ngào làm sao vị quê hương thấm đẫm đầu lưỡi, đẫm mọi giác quan ta. Vị quê hương dịu dàng vuốt trên từng đoạn ruột ta đang dần thắt lên, đau nhói. Vị quê hương mơn man cổ họng ta đang tắt lại, cay xè.
Chênh chao, vị quê hương đỡ những gót chân ta. Chênh chao, ta bước giữa mơ hồ hư thực.
Gian phòng chật chội, lối đi hẹp, điện thờ ngun ngút khói hương. Không phải. Là dòng sông uốn khúc bờ xanh mướt cỏ quê ta, đường làng rộng quanh co thấp thoáng mấy ụ rơm vàng. Là cánh đồng chiều réo rắt tiếng sáo diều và thơm lựng khói nhà ai đốt rạ. Và kia nữa, những đồi chè bạt ngàn xanh nơi nắng rải hết sạch lớp mật vàng, nơi gió mỏi. Đoàn con gái hái chè đã lên đồi rồi sao? Họ hát gì mà tiếng trong như suối, như sương vỡ buổi tinh mơ. Ta lắng tai nghe.
Hát rằng:
Lá xanh, hoa trắng, hương nồng
Cung son, điện ngọc, má hồng phai phôi
Lầu vàng một giấc mơ thôi
Sao không quên bỏ để đời thong dong.”
Chao ôi! Tiếng hát… Sao trước đây ta chưa từng nghe bao giờ lời ca ấy. Ta cũng muốn hòa cùng lời ca. Môi ta mấp máy, cổ họng ta run run. Nhưng ta mệt lắm rồi. Mắt đã díu, hơi đã tan… Ta không quằn quại đau đớn nữa. Mùi độc dược ta pha chung làm sao vẩn được hương chè thơm Kinh Bắc quê ta.
Quê hương đã đến đón ta.
Ta chỉ ngủ thôi, một giấc dài. Để khi mở mắt là quê hương ta đó, làng Chè ngun ngút màu xanh.
Ta chỉ ngủ thôi. Và linh hồn như có cơn gió bốc bay lên, lên mãi.
Trên cao ấy, trên lơ lửng ngang những vầng mây trắng như màu huệ trắng, nhìn xuống ta thấy một thân hình đàn bà áo trắng nằm an nhiên, mắt nhắm, mà bàn tay vẫn ôm cứng trong lòng một tấm bài vị sơn vàng.
N.T.K.H
VNQD