. HOÀNG GIÁ
Năm ấy nước muộn. Gần tết Canh Tuất sông Thiên Đức vẫn mênh mông. Mưa từ tháng bảy, tầm tã mấy tháng liền. Những đám mây hình chiến trận xám xịt phủ kín bầu trời. Phía tây, một cây cầu vồng cong vút bỗng nhiên xuất hiện. “Sấm đông, vồng tây, chẳng mưa dây cũng bão giật”, dân làm bãi ven sông hô nhau về. Dưới sông, thuyền hối hả tấp vào bờ cắm sào trú ẩn. Mấy ông thợ câu vội vã cuốn dây, vác giỏ chạy ngược phía bờ đê. Chỉ có một thiếu phụ vẫn ngồi đóng tượng trên mỏm đất nhô hẳn ra sông. Từng đàn ong bướm, những con chim trả xanh lét mặc trời sắp bão bùng vẫn lượn quanh. Từ mỏm đất, mùi hương ngan ngát phủ lên mặt sông, bờ bãi.
Minh họa: Đỗ Dũng
Thiếu phụ ấy chính là nàng Biện Thị Vĩnh Ngọc - chiêu nghi của chúa Trịnh Cương vừa đột ngột qua đời hồi cuối tháng mười.
Cái chết của chúa thật vô lí. Chúa con nhà võ, thân hình rắn chắc, có thể cùng lúc địch mươi đối thủ. Là vị chúa anh minh, trên kính vua Lê, dưới yêu dân mọn, sáng suốt dùng người nên nhiều bạn ít thù. Chúa ra đi, ngay trên cỗ xe tứ mã, ngay trên đất mẹ Như Kinh. Trưa hôm ấy, chúa còn cho hạ trại trên núi Lạn Kha, còn cùng chiêu nghi ân ái, mong có quý thai, hấp thụ tinh trời, tinh đất, tinh núi, tinh sông, hấp thụ khí chất ngàn năm Kinh Bắc, mong cho đất Việt thêm một nhân tài.
Thế mà, người lại lẳng lặng ra đi.
Chiêu nghi như người mất trí. Viên quan hộ tống nghi nàng đầu độc chồng, sai bắt tống vào cũi sắt, bịt kín vải điều giải về kinh thành. Chả bận tâm, nàng chỉ thấy bầu trời đổ sập, thấy chúa vẫn ôm ấp, phả hơi nóng lên mặt, lên mắt, lên đôi môi mọng đỏ của nàng.
Nàng bị tống vào ngục tối. Những tên coi ngục trước kia còn khúm núm trước nàng, nay bỗng trở nên cục cằn thô lỗ mang tới những bát cơm nguội lạnh. Chẳng phải nàng chê, hoặc không biết phận. Nàng không ăn vì không đói. Nàng không thoát khỏi bóng của chúa, không ý thức được nỗi kinh hoàng khi chúa đột ngột ra đi.
Chỉ đến khi bà thái phi Trương Thị (nay đã được chúa Trịnh Giang phong thái tôn) giận dữ hét lên “Kẻ nào? Kẻ nào dám giam cầm con dâu yêu quý của ta…” thì nàng mới bừng tỉnh. Người ta đưa nàng ra khỏi ngục. Nàng ngước mắt nhìn trời, ngác ngơ. Mãi nàng mới nhìn thấy thái tôn. Nàng vội chạy tới. Nhưng chân nàng khuỵu xuống. Thái tôn cúi xuống nâng nàng lên. Nàng nức nở khóc, thái tôn cũng âm thầm khóc. Nước mắt bà nhỏ xuống đầu nàng. Nàng ngẩng mặt lên, há miệng chờ những giọt nước mặn chát ấy. Nhưng những giọt nước nàng mong đợi không tới được miệng. Nàng Vũ Ngọc Nguyên, chính thất của chúa Trịnh Cương đưa chiếc khăn tay lau mắt cho bà. Thái tôn gạt tay nàng Nguyên, kéo chiêu nghi ngồi dậy, ấp mặt nàng vào mặt bà, rồi sai người mang kiệu rước nàng đi. Quan coi ngục luống cuống không biết xử lí thế nào, bèn chạy về bẩm chúa. Chúa Trịnh Giang trừng mắt:
- Ai dám trái lời thái tôn, ta chém.
Lúc sau, chúa mới ôn tồn:
- Thực ra ta đã xem xét kĩ càng. Sự ra đi của phụ vương ta, có liên quan tới chiêu nghi. Nhưng chiêu nghi không có lỗi. Chiêu nghi là người vô tội. Phụ vương ta mất, chiêu nghi đau khổ chẳng kém gì thái tôn, thái phi ta. Thôi. Hãy trả tất cả những gì phụ vương ta đã ban cho nàng. Hãy làm theo ý chỉ của nàng.
Nàng biết, cả chúa và vua đều tin nàng, xóa mọi tội lỗi cho nàng. Nhưng phủ chúa cung vua thì không ít người ghen ghét, coi nàng là gái giết chồng. Miệng thế gian còn hãi hùng hơn gươm đao, rắn rết. Trước sau gì những cái miệng khủng khiếp ngọt ngào kia sẽ làm chúa thay lòng. Nàng lo cho hai đứa con. Chúng, đứa vừa đi vững, đứa còn lẫm chẫm, như hoa mới nở, như chim mới ra ràng. Nàng không thể để hoa sớm lìa cành, chim sớm lìa tổ. Chúng là tinh huyết nhà chúa, tinh huyết người chồng vĩ đại, hết mực yêu thương. Nàng có thể chết cùng cha chúng, nhưng chúng thì không. Thôi, thà làm một thường dân còn hơn thế tử không đầu. Nàng bí mật cùng chị vú và người phu xe trung thành đưa hai con xuôi mãi về thành Nam gửi thằng anh, rồi thuận xe vào tít xứ Thanh gửi nốt thằng em. Dẫu sao thì những nơi ấy xa kinh thành, gần quê nội chúng hơn. Nàng hi vọng sẽ có ngày chúng tìm được quê cha, được mang họ chúa. Còn giờ đây nàng phải đổi họ đổi tên cho chúng. Nàng phải vứt bỏ những gì chúa đã ban cho, chỉ giữ lại những thỏi vàng bạc không vết nhà chúa gửi lại cho con. Nàng thuyết phục người phu xe sống nốt quãng đời còn lại với chị vú trọng nghĩa trọng tình. Những gì nàng có, cho hết hai người. Nhưng cả hai không nỡ rời bỏ nàng. Nàng trừng mắt rút dao dọa quyên sinh nếu hai người không làm theo ý rồi quỳ xuống nước mắt lã chã cầu xin. Hai người luống cuống quỳ rạp vái nàng rồi đánh xe leo dốc lên thượng nguồn sông Mã. Ở đấy sẽ không ai tìm được họ, không ai có thể dò hỏi tin tức của hai đứa con nàng. Xong xuôi, nàng tìm đường về Kinh Bắc, về dòng sông Thiên Đức đặc quánh phù sa, làng Khang giàu đẹp ân tình. Ở đó nàng có gia đình, họ hàng, bà con lối xóm. Nàng sẽ sống nốt những năm tháng cuối đời trong sự thương yêu cháo rau quê kệch.
Bước qua cổng làng, nàng ngạc nhiên khi làng Khang giàu có dường này lại lạnh tanh khói bếp. Không tiếng chó sủa lợn kêu. Không thập thình gạo giã. Không tiếng khóc trẻ thơ, không cả lời ca ngây ngất lòng người. Không có tuần đinh canh gác, nàng đi mãi trên những con đường lát gạch nhưng vẫn tịnh không bóng người. Nàng buồn bã quay ra phía bờ sông. Người làm muộn chưa thấy mặt nàng, chỉ thấy mùi hương thoang thoảng đã vội lẩn đi. Họ tránh mặt nàng. Tới bờ sông, nàng mới gặp một ông lão quăng chài. Ông như có ý đợi nàng. Ông chăm chắm nhìn nàng rồi hỏi:
- Này. Tôi hỏi thật. Có phải cô đã giết chúa, vì chúa đã già không đáp ứng được ham muốn của cô?
Nàng bật khóc rồi kể vắn tắt mọi chuyện cho ông lão nghe. Ông lão bùi ngùi bảo:
- Thế mà quan phủ sức giấy về nói những điều như tôi vừa nói, còn bảo nay mai nhà cô sẽ bị tru di tam tộc. Ai che giấu sẽ bị tội chém ngang lưng. Tôi và nhiều người không tin. Nhưng cẩn thận vẫn hơn. Họ Biện, họ Vương nhà cô phải đổi họ, li tán khắp nơi. Các nhà khác sợ liên quan cũng lánh đi chờ xem thời vận. Cô về, chẳng ai dám chứa cô đâu. Tôi người mãi dưới Đồng Đông. Đêm qua nằm mơ, thần bảo chiều nay sẽ gặp quý nhân. Thì ra là cô. Tôi tin cô. Mà tôi cũng chả sợ. Nếu không có nơi nào đi thì cô cứ về nhà tôi. Nói dại, nếu cô có mệnh gì thì cứ xin được an táng ở vườn nhà tôi. Đừng ngại. Thôi. Tôi về.
Minh họa: Đỗ Dũng
Chả mấy chốc người làm bãi, đi câu, đánh cá đã về hết. Chỉ còn lại dòng sông tê tái rét và lũ côn trùng, chim trả vây quanh nàng. Gió tây bắc càng lúc càng mạnh, đẩy mây đen phủ khắp bầu trời. Sấm chớp rền vang. Người ta liên tưởng tới năm Nhâm Tuất thời vua Lê Thái Tông, đại công thần Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, trời đất bất bình, mưa gió, sấm chớp từ tết ông Công tới tết Nguyên tiêu năm Quý Hợi. Dải đất bờ Nam sông Thiên Đức từng xảy ra bốn vụ án oan ngàn năm sau vẫn còn vương nước mắt. Đớn đau, thảm khốc nhất là vụ Lệ Chi viên. Chả nhẽ năm nay lại có thêm một nỗi đau vườn vải?
Rất may. Chiều về, sấm chớp thưa dần, mây đen bị gió kéo phăng ra biển. Bầu trời quang đãng như mới vào thu.
Nàng chiêu nghi vẫn ngồi im như tượng. Nàng nhớ mẹ kể rằng: Năm Kỉ Sửu, Trịnh Căn mất, thế tử Trịnh Cương lên thay ngôi chúa, tháng sau thì xa giá về làng Khang bái tế đức Nam Bang Thủy Tổ. Xong, chúa đòi vào thăm nhà Thắng Trung hầu. Vừa yên vị, chưa kịp mời chúa nhấp chén trà sen thì chúa đã đứng dậy, quay người bốn phía rồi hỏi Trung hầu:
- Nhà khanh có mùi hương gì như cốm đầu mùa, lại như hương phong lan rừng rậm, hương sen mùa hạ giữa đầm?
Trung hầu cũng thấy lạ, cho rằng hương ấy là từ chúa. Chúa vội xua tay, rảo bước khắp nhà. Chúa dừng lại, chỉ tay vào căn buồng bên phải, khẳng định rằng hương từ căn buồng ấy tỏa ra. Trung hầu thưa rằng đó là căn buồng cữ mà vợ ông mới sinh cháu gái được bảy ngày. Chúa cả mừng, bảo:
- Hãy cho người bế ấu nữ ra đây. Ta sẽ có quà mừng.
Khi cô hầu gái bế nàng ra, nàng còn đang ngủ. Chúa bước lại gần thì nàng bừng tỉnh, chăm chắm nhìn vào mặt chúa rồi nhoẻn miệng cười. Từ người ấu nữ, mùi hương dìu dịu quyến rũ lan tỏa khắp nhà. Chúa vừa ngạc nhiên, vừa vô cùng bối rối. Đến khi Trung hầu xin phép cho ấu nữ vào buồng thì nàng òa khóc, mùi hương cũng tan dần. Thấy vậy, chúa gọi cô hầu gái quay lại thì nàng lại nhoẻn cười, lại sực nức mùi hương. Cứ thế, năm lần, bảy lượt, chúa chẳng nỡ về mà ấu nữ cũng chẳng nỡ xa người. Sợ không kịp về kinh, chúa đành nói lớn:
- Ta với ấu nữ chắc là có duyên tiền kiếp. Nếu đúng thế thì trước sau gì cũng sẽ có ngày hội ngộ.
Thế là nàng nín bặt. Hương thơm còn quấn quýt theo chúa về tận kinh thành.
Năm năm sau, nàng theo mẹ đi hội chùa Ninh Phúc. Mẹ nàng thành kính dâng hương còn nàng mải mê cùng bạn chơi trò chăn trâu cắt cỏ. Năm ấy, chúa về ban Lưu Khánh bi kí. Thấy đám trẻ chơi vui, lại thoảng mùi hương như mùi năm xưa chúa từng được thưởng, chúa cao hứng hỏi:
- Các cháu chơi trò gì mà vui quá vậy?
Lũ trẻ sợ hãi chạy tìm chỗ nấp, riêng nàng đứng lại dõng dạc trả lời bằng hai câu thơ: Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Ra tay sắp đặt sửa sang cõi bờ.
Chúa cả kinh, bèn hỏi:
- Cháu con cái nhà ai mà khẩu khí đế vương? Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
Nàng cất câu hát rằng: Ta là cháu cụ Tổng binh/ Trung hầu là bố, xóm Đình là quê/ Ta năm tuổi, thạo năm nghề/ Múa, ca, cắt cỏ, chăn dê, nuôi tằm/ Quê ta đã mấy ngàn năm/ Nam Bang Thủy Tổ - Hội rằm tháng giêng…
Giọng nàng cao vút, ngân dài, vang xa. Chúa càng kinh ngạc khi từ phía nàng tỏa ra ngan ngát mùi hương. Chúa chợt nhớ ấu nữ ngày xưa. Miệng chúa lẩm bẩm “Chả lẽ chuyện duyên tiền định là có thật?”
Từ đó, năm nào cứ rằm tháng giêng là chúa lại về làng Khang, lại vào thăm cụ Tổng binh, ông Trung hầu. Nhưng chưa một lần gặp lại nàng.
Cho đến Nguyên tiêu Bính Ngọ. Xa giá chưa qua đầm sen làng Bến, chúa đã nghe văng vẳng tiếng hát chầu văn, đã ngửi thấy mùi hương cốm, hương phong lan, hương sen ngào ngạt. Lập tức chúa nghĩ tới nàng. Nàng đang quanh quẩn đâu đây. Lần này nhất định chúa phải gặp nàng.
Cỗ xe tứ mã như bay trên đê đại hà. Năm ngoái mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Năm nay tháng giêng mát mẻ, không mưa dầm gió bấc nên không chỉ dân làng Khang mà dân cả ba tổng Đình, Hồ, Mão cũng đổ xô về đón chúa. Chúa cho vén rèm, hạ nóc, uy nghi đứng giữa xe vẫy chào thần dân trăm họ. Cả vạn người hô vang “Vạn tuế!” Cả vạn cánh tay giơ cao. Cả vạn tiếng vỗ tay như sấm. Chúa đưa mắt âu yếm nhìn thần dân, cố tìm một gương mặt thân quen. Nhưng trời muốn thử lòng người. Gương mặt ấy vẫn xa xăm, vẫn như còn ở chân trời góc bể.
Vào đền, mùi hương quen thuộc lại sực nức quanh chúa. Một cô gái ngồi giữa chiếu hoa, vừa gõ phách, vừa hát chầu văn khan. Giọng nàng cao vút, quyến rũ. Nhưng, trời ơi, dưới vành khăn đỏ đỏm dáng kia lại là gương mặt đầy kịt những nốt rỗ đậu mùa. Mũi nàng to khoằm giống mũi diều hâu nhòm xuống cái miệng trề. Chỉ có đôi mắt long lanh, thăm thẳm là của giai nhân tuyệt sắc. Chúa buông một tiếng thở dài, trách tạo hóa trêu ngươi, xấu đẹp chen nhau cả trong cõi đời, trên từng khuôn mặt. Chúa chán nản quay ra. Nhưng trái tim người lại bảo đấy là nàng, đấy là cái duyên tiền định. Đúng lúc ấy, nàng cất lên câu quan họ đầy níu kéo: Ấy ai tháng đợi năm chờ/ Mà người ngày ấy, bây giờ là đây/ Khéo là dại dại ngây ngây/ Mười bảy năm, đợi một ngày, bỏ sao?
Nghe vậy, chúa vừa thũng thẵng bước, vừa ngâm mấy câu tùy hứng: Nếu là tiền định duyên trời/ Mặt xin tỏ mặt, ngỏ lời giao duyên/ Bắt nhau ngồi tựa mạn thuyền/ Anh hùng thảng thốt, thuyền quyên đau lòng…
Dứt câu, chúa quay lại thì ôi trời, kia há chẳng phải cô gái đầy kịt những nốt đậu mùa, sao bỗng nhiên biến thành mặt hoa, da phấn, khác gì tiên thế giáng trần? Chúa sững lại rồi lao tới bên nàng, ngất ngây dồn dập hỏi:
- Nàng là Ngọc? Là con gái Trung hầu? Là ấu nữ năm xưa? Là cô bé “Tay cầm bán nguyệt xênh xang”? Là…
Nàng bật cười khanh khách. Chúa vội quỳ xuống, nâng đôi bàn tay búp măng trắng muốt, nâng cái cằm tròn trĩnh. Bốn mắt nhìn nhau, ánh thu ba dập dồn cuộn sóng.
Ngày hôm sau, dân ba tổng kéo về trẩy hội, dự lễ thành thân của nàng với chúa Trịnh Cương.
Đúng một năm sau, Nguyên tiêu Đinh Mùi nàng sinh cho chúa một cậu con trai giống chúa như tạc. Chúa mừng, cho xây phủ đệ ở Cổ Bi, đưa mẹ con nàng về ở, bãi bỏ các loại thuế ở chợ khắp kinh thành. Năm sau, năm sau nữa, lại đúng Nguyên tiêu Kỉ Dậu, đứa con trai thứ hai chào đời. Ba tháng sau, chúa làm theo kế của chiêu nghi đòi lại được bốn mươi dặm đất nhà Thanh từ lâu chiếm giữ. Nàng được thân mẫu chúa là thái phi Trương Thị Ngọc Chử và chính cung Vũ Thị Ngọc Nguyên hết lời khen ngợi. Xinh đẹp, thông minh, sớm sinh quý tử, nàng được chúa yêu, họ hàng quý trọng, cung vua phủ chúa người người vì nể. Tưởng rằng mãi mãi phú quý vinh hoa, hạnh phúc tràn trề. Nào ngờ…
*
* *
Lũ ong bướm lượn quanh chiêu nghi hát cho nàng nghe. Những chú chim trả xanh nhao lên lộn xuống ca lảnh lót. Nàng đột nhiên bừng tỉnh, ngước đôi mắt đen láy nhìn trời, nhìn dòng sông dùng dằng trôi xuôi. Muôn vật như đang hồi sinh vì đấng tối cao đã dẹp cơn thịnh nộ. Nàng biết, trời đã thương nàng, đã tha thứ cho nàng. Nhưng còn con nàng, còn dòng tộc, còn dân làng Khang? Con nàng đâu có tội tình gì. Chúng phải đổi họ đổi tên, xa cha xa mẹ, mạng sống mong manh bèo bọt, bám vào chút lương tâm của những người xa lạ, liệu các con có thể tha thứ cho nàng? Liệu nàng có còn đủ nghị lực để sống khi không có chúng? Cha mẹ nàng mang nặng đẻ đau, nàng đâu đã báo hiếu được gì. Cả hai dòng họ Biện, họ Vương danh giá, cả làng Khang giàu có lịch lề chỉ vì cái tiếng nàng là gái “sát phu” mà phải bạt phiêu, li tán. Chẳng ai còn muốn gặp nàng. Không có dân thì dẫu là hoàng đế cũng chẳng có đất dung thân, huống hồ nàng chỉ là phận cung tần may được quân vương sủng ái. Người xưa nói: Ta chẳng hại người, nhưng người đã vì ta mà khổ đau, đói rét… thì cái lí ấy ai thông cảm cho nàng?
Bây giờ nàng phải làm sao? Có lẽ trên đời này nếu không có nàng, không có cái mùi hương nghiệp chướng trên cơ thể nàng thì mọi thứ mới trở lại như những gì vẫn có, mới trả lại cuộc sống bình yên cho thế gian này.
Có lẽ nàng chỉ còn một lựa chọn là cái chết. Và dòng sông quê thân yêu sẽ là cỗ quan tài thủy chung, tinh khiết, ngàn đời bao bọc tấm thân nhỏ bé của nàng.
Nàng từ từ đứng dậy, chắp tay vái bốn phương trời, quay về hướng làng Khang tạ từ chín lạy. Xong xuôi, nàng mỉm cười, nhìn dòng sông nghiêng nghiêng chảy. Nàng thấy chúa Trịnh Cương giơ tay vẫy gọi. Nàng gào lên “Phu quân! Phu quân ơi, đợi thiếp” rồi nhẹ nhàng lao xuống. Chúa chờ sẵn, đón nàng, ấp đôi môi nóng bỏng lên đôi môi lạnh buốt của nàng. Họ ôm nhau, mặc cho thời gian cứ thế trôi đi, mặc cho thế gian bể dâu, dâu bể.
Nhưng rồi, chúa bừng tỉnh. Đôi lông mày cau lại. Chúa phũ phàng đẩy mạnh nàng ra, giận dữ mà mắng rằng:
- Ta tưởng nàng là người con gái thông minh, nhân hậu, ai dè cũng chỉ là nhi nữ thường tình. Tại sao nàng lại có thể bỏ lại tất cả mà đi? Nàng đang giận ai, trách ai? Tại sao nàng không thể vì con cái chúng ta, vì cơ nghiệp nhà ta, vì nhân dân, vì đất nước này mà sống? Ta biết Trịnh Giang là đứa ham chơi. Nàng phải giúp nó hoàn thành những ước mơ, những hoài bão lớn mà ta với nàng đã đàm đạo trên đỉnh Lạn Kha. Vì thế ta yêu cầu nàng phải sống.
Nàng mơ màng thấy mình nằm trên lưng một cụ rùa già. Cụ rùa đưa nàng ngược dòng táp vào Bến Phật. Một vị sư già dìu nàng lên tam bảo, sai người xuống tóc cho nàng. Nàng cầu xin nhà sư cho nàng về gặp dân làng Khang dù chỉ một lần. Nàng hứa sẽ trở lại chùa, sẽ mãi mãi là đệ tử Phật môn linh ứng. Nàng ngẩng lên thấy chim chóc phủ kín bầu trời. Nàng nghe tiếng của ông lão quăng chài gọi cha mẹ nàng. Tiếng người í ới. Có cả tiếng xe tứ mã nạo bánh trên khúc đê đại hà.
Khi bừng tỉnh, nàng thấy mình trong một lâu đài.
Người đầu tiên nàng nhìn thấy chính là mẹ nàng. Người mẹ nấc lên, thảm thiết gọi “Con ơi!” Nước mắt bà đắng nghét, tràn trên mặt nàng. Khi nàng đã hoàn toàn tỉnh táo, người mẹ ấy vội vàng sửa lại áo khăn, vừa dịu dàng, vừa nghiêm túc đúng như phép tắc quân thần:
- Bẩm chiêu nghi. Mọi việc đã được đức vua phân minh sáng tỏ. Những kẻ truyền tin thất thiệt đã bị nghiêm trị. Dân làng Khang cũng đã trở về. Họ Biện và họ Vương vẫn bình an vô sự. Còn đây là hành cung Cổ Bi của Người, mong người giữ gìn tấm thân quý giá ngàn vàng.
Người mẹ vừa dừng lời thì thái tôn, thái phi, cả chúa Trịnh Giang bước tới. Nàng vội vàng tuột xuống giường, quỳ lạy. Nước mắt nàng chảy dài trên má. Cả hành cung sực nức mùi thơm.
Thái tôn âu yếm ôm nàng. Hai người đàn bà, một già, một trẻ quấn chặt lấy nhau. Không ai bảo ai, họ cùng thành tâm bật ra lời cầu “Mô Phật!”.
Làng Bến, tháng 11/2022
H.G
VNQD