. ĐỖ NGỌC THÁI
Mới tờ mờ sáng tôi đã nghe tiếng lục cục dưới bếp. Tung chiếc chăn mỏng, tôi vươn vai uể oải bước ra khỏi chiếc giường còn ấm sực hơi người. Trong căn bếp nhỏ, ánh lửa lập lòe in dáng nội chảy dài ra tận giữa sân. Tôi đứng đó, lặng ngắm hình bóng nội như muốn níu giữ những khoảnh khắc thời gian mà có thể nó sẽ không bao giờ trở lại…
- Đã dậy rồi đấy ư? Bà đang nấu cho cháu bà ít xôi đây. Con chịu khó mang đi ăn đường cho đỡ đói.
- Vâng ạ!
Minh họa: Hà Anh
Tôi đáp lời bà, cổ họng đã thấy nghèn nghẹn. Để nén cảm xúc đang trào dâng trong lòng, tôi sà vào bếp, luồn hai tay ôm trọn nội vào lòng. Buổi sáng mùa thu, không khí trong lành, mát mẻ, nhưng trong căn bếp nhỏ của bà, hơi nóng từ bếp lửa theo gió cứ hầm hập phả vào mặt từng đợt. Vậy là thêm một mùa lúa mới bắt đầu. Cái mùi rơm thơm thơm cùng với những tiếng lốp bốp của những hạt thóc đầu mùa còn sót lại làm tôi bất giác thấy bâng khuâng.
Trước đó, nhận được giấy báo nhập học của Học viện Phòng không - Không quân, cả đêm tôi cứ trằn trọc mãi với suy nghĩ: “Nhà chỉ có hai bà cháu, giờ mình đi rồi thì nội ở với ai?” Dường như thấu hiểu nỗi lòng tôi, nội bảo: “Học là mơ ước, cũng là tương lai của con. Con cứ yên tâm mà phấn đấu, nội ở nhà đã có họ hàng và bà con làng xóm.” Và hôm nay là một ngày rất đặc biệt - ngày tôi chính thức xa vòng tay yêu thương của nội. Cái cảm giác nghẹn ngào bỗng trào dâng. Tôi lặng lẽ lau những giọt nước mắt đang ứa ra, lăn dài trên má…
*
* *
Tôi vốn là cậu bé mồ côi mẹ từ nhỏ. Mẹ tôi mất do bị mắc bệnh tim nên mới chỉ 5 tháng tuổi tôi đã phải xa bầu sữa và vòng tay yêu thương của mẹ. Tôi về sống cùng ông bà nội, nhưng chỉ dăm bảy năm sau, ông nội tôi cũng mất. Trong căn nhà đơn sơ chỉ còn lại tôi và nội sớm tối nương tựa vào nhau. Trong kí ức tuổi thơ của tôi, nội chính là người mẹ thứ hai ôm ấp, chở che, bù đắp cho tôi những mất mát thua thiệt ấy. Vì vậy, cuộc sống của tôi dẫu có lấm láp, nhọc nhằn nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương vô bờ bến của nội.
Trong những lời thủ thỉ tâm tình của nội, tôi đã phần nào hiểu được nguồn cội của mình. Có lẽ nội muốn tôi luôn nhớ về quá khứ mà trân trọng, phấn đấu nên đã kể: Ngày xưa, nhà mình rất nghèo, ông bà sinh được 7 người con, 5 trai, 2 gái. Một bác không may mất sớm do trận càn và nạn đói năm 1945. Cả nhà trông vào gánh hàng xén của nội ngoài chợ Sóc. Ông thì vất vả, hết làm công nhân ở đồn điền cao su, rồi lại làm mỏ than Quảng Ninh. Sau này ông trở về quê hương chăm chỉ cày xới ruộng vườn. Cái vùng đất chiêm trũng bên con sông Kiến Giang này chỉ trông chờ vào những vụ lúa do những người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời tần tảo gây dựng mà thành. Cuộc sống gia đình mình lúc ấy vất vả lắm. Quanh năm cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Những bữa cơm nhà ta thường xuyên chỉ có rau luộc và bát mắm cáy, thi thoảng mới có thêm quả trứng bác với ít sườn sụn băm nhỏ kho mặn. Các bác, các chú cũng từ củ sắn, củ khoai mà từng bước trưởng thành. Bố cháu lớn lên đi làm công nhân trên Thái Nguyên rồi gặp gỡ và thành duyên với mẹ cháu. Nhưng mẹ cháu vắn số, mới sinh cháu ra đã từ giã cõi đời. Vì thương cháu nên nội đón cháu về quê nuôi. Cháu lớn lên bằng dòng sữa của cả làng đấy, biết không?
Giọng nội nghẹn lại rồi đột nhiên im lặng. Tôi hiểu cái cảm giác thương cảm xen lẫn với những hoài niệm đang dội về trong kí ức của nội. Ở đó có cả một quãng thời gian đầy ắp những kí ức không thể nào quên về đứa cháu côi cút của mình. Rồi nội kể tiếp:
- Ngày ấy nhà mình làm gì có tiền để mua sữa ngoài. Mỗi lần cháu khóc vì khát sữa, nội chỉ biết dỗ dành bằng những chén nước cơm pha với một chút đường cát. Có lần vì đói quá, cháu khóc như xé vải. Nội phải một tay bế cháu, một tay rờ múc nước cơm loãng dưới ánh đèn dầu lập lòe, yếu ớt. Nhưng rồi cháu khóc ngằn ngặt trên tay, vừa khóc vừa giãy đạp nên đã làm đổ cả nồi cơm trên bếp. Nhìn bát nước cơm loãng toẹt lẫn đầy tro rơm mà bà khóc, cháu khóc. Đận ấy, nếu không có sự cưu mang, giúp đỡ của bà con xóm giềng thì nội cũng không biết phải làm sao với cái tính háu đói của cháu đâu. Thấy cháu luôn khát sữa, mấy thím hàng xóm mới sinh con thi thoảng cũng sang cho cháu bú rình. Cháu bú quen đến nỗi, cứ thấy các thím ấy đi rửa rau ở cái cầu ao trước cửa là oặt người khóc đòi ti. Khổ, dù bận mấy mà nhìn thấy cảnh ấy cũng không ai cầm lòng được. Thế nào cũng phải vạch ti cho cháu ực một chặp rồi mới đi được. Đấy, tình nghĩa dân làng mình là thế đấy. Sau này, nhớ nghĩa mà đáp đền cháu ạ!
Vừa kể nội vừa lùa bàn tay nhăn nheo có những nốt chai sần vào tấm lưng vuông vức của tôi: Vậy là thằng cháu của nội đã lớn thật rồi. Nội thương cháu lắm. So với các bạn cháu thiệt thòi rất nhiều. Người ta thường nói “sẩy cha ăn cơm với cá, sẩy mẹ liếm lá dọc đường”. Cháu lại gần như không có cả cha lẫn mẹ. Cũng chính vì thế mà nội dành cho cháu sự yêu thương vừa như con lại vừa như cháu. Để cháu được như hôm nay mạnh khỏe, thành tài là cả một chặng đường vất vả, gian nan. Nội đã gần 80 tuổi rồi, cũng không còn sống được bao lâu nữa đâu. Chưa chắc đã sống được đến khi cháu thực sự trưởng thành lấy vợ, sinh con. Vì vậy mà ra ngoài cháu phải cố gắng phấn đấu cho bằng anh bằng em. Học thầy không tày học bạn, thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li. Đi học nhớ giữ gìn sức khỏe và ghi thư thường xuyên về cho nội. Nội sẽ giữ nhà này cho cháu, không đi đâu hết.
Nội buông một câu chắc nịch rồi khóc. Tôi cũng tu tu khóc như một đứa trẻ. Tôi muốn nói với nội cả ngàn lời yêu thương nhưng cổ họng cứ nghẹn cứng lại. Nhìn gương mặt thân thương của nội, ngắm lại ngôi nhà quen thuộc, những kí ức tuổi thơ cứ ùa về trong tôi rõ như những con chữ mà tôi đánh trên bàn phím.
*
* *
Để chuẩn bị cho tôi lên đường, từ tối hôm trước nội đã chuẩn bị chu đáo từ quần áo, bàn chải đánh răng, cho đến cả chiếc khăn mặt đã cũ… cứ như thể tôi vẫn là đứa cháu bé bỏng ngày nào cần được dạy bảo, quan tâm.
Sau khi xôi chín, nội giục tôi xới một đĩa to mang lên bàn thờ tổ tiên. Tôi đứng sau nội chắp tay vái lạy. Nội khấn, giọng run run thành kính:
- Ông ơi, ông sống khôn, thác thiêng về phù hộ cho bà cháu tôi. Đến giờ thì tôi đã hoàn thành ý nguyện của ông là chăm lo cho nó trưởng thành rồi nhé!
Rồi nội giục tôi chuẩn bị sắp đồ để ra xe đến trường kẻo muộn. Từ nhà ra nơi tập trung chỉ vẻn vẹn 500 mét, nhưng nội vẫn bảo để nội tiễn tôi. Nghĩ mà thương nội vô cùng. Cả cuộc đời, biết bao vất vả thăng trầm, hết nuôi con rồi lại nuôi cháu chỉ bằng gánh hàng xén làm lưng nội giờ đây cong giòn như một cành củi khô.
Tôi cùng nội thập thõm bước trên con đường làng phủ đầy rơm mới. Nội bước những bước chầm chậm, một tay cầm gậy, tay kia xách gói xôi thịt thõng sát mặt đất. Đi được vài bước nội lại dừng lại, vỗ vỗ chiếc lưng còng cho đỡ mỏi. Vừa đi nội vừa căn dặn tôi những điều nhân nghĩa. Đi bên cạnh nội, tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác ngày mà cả họ họp bàn xem có đủ sức lo cho tôi đi học hay không. Tôi cũng không quên những tháng ngày sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông phải bươn chải đủ thứ việc trên đời. Tôi đi làm công nhân cầu đường, đi bán thêm bia ở bảo tàng thành phố… để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi mộng bước chân vào một trường Quân đội.
Giờ đây tất cả đã lùi xa, bởi mơ ước của tôi đã trở thành sự thật. Tôi - chàng trai quê lúa Thái Bình chính thức trở thành học viên của Học viện Phòng không - Không quân với bao háo hức và kì vọng.
Chiếc xe khách từ từ tiến vào lề đường, nội tôi run run, nghẹn ngào dúi vào tay tôi mấy tờ tiền đã cũ:
- Nội chỉ có chút này cho cháu mang theo phòng thân. Giờ là người Nhà nước rồi, họ sẽ thay nội chăm lo dạy bảo cháu nên người. Thấy cháu chững chạc thế này nội mãn nguyện lắm. Hãy gắng phấn đấu học tập, công tác cho tốt, đừng phụ công của gia đình và của mọi người cháu nhé!
Tôi nhảy vụt lên xe, cố ngăn để không òa khóc trước mặt nội.
Chiếc xe dần lăn bánh, tôi thổn thức dõi theo dáng lưng còng của nội khuất dần trên con đường làng ngập đầy rơm mới. Nước mắt tôi bây giờ mới được dịp lã chã tuôn rơi. Từ vồng ngực thanh xuân căng tràn nhựa sống, cứ vọng mãi hai tiếng “Nội ơi!”.
Đ.N.T
VNQD