Sẻ cụt ngón bay đi

Chủ Nhật, 19/03/2023 00:36

Lẽ thường, con người khi đã nuôi con gì thì phải thịt, phải thành thứ sử dụng. Vậy mà ông lão lại đi nuôi chim trời, rồi suốt ngày lo lắng chỗ nào cũng thấy bê tông, nhựa đường, rồi chim trời sẽ ăn gì, sống bằng gì...

Với tôi, câu chuyện giữa ông lão và chú sẻ cụt minh chứng cho sự giao cảm dung dị giữa con người - loài vật trong tổng hòa thiên nhiên. Nhìn rộng ra, muốn những đàn chim xa bay về xây tổ thì nơi trở về phải thật ấm áp, không lạnh lẽo dối lừa.

Nhà văn PHAN ĐÌNH MINH

*************

Đúng ngày ba cữ, sáng từ năm giờ, buổi trưa mười hai giờ và chiều xuống lụi đụi khi không còn một chút nắng vương ở mỏm cây cột trước nhà, bầy chim sẻ lại rủ nhau về. Đến bữa, ngó những chiếc bát đựng thức ăn còn trống huơ là lũ chim cứ đậu lì trên mấy thanh lan can ở tầng hai, nơi ông lão đặt ngay ngắn chậu cây thạch lựu. Lũ chim, con thì lặng phắc, xù lông. Con đứng hót, véo von. Con thì mài mài mỏ vào cánh con chim khác. Có con ngủ gật, trượt chân khỏi lan can, quay đơ, rơi như một viên sỏi, rồi lại xoải cánh vù bay lên. Lại nhẹ nhàng đậu xuống đúng chỗ ấy. Im phắc. Gật gà, và rồi lại rơi như viên sỏi… Dù thế, tất cả lũ chim đều có ý chăm chắm ngó xuống khoảng sân rộng phía trước khu nhà vì biết thể nào ông lão cũng về, cho chúng ăn. Khi thấy bóng ông lão khật khờ dắt chiếc xe đạp cà tàng đi dưới sân, bầy chim đồng loạt phấn khích kêu rinh.

Tính ra đã được nửa năm, việc cho đàn chim sẻ ăn đã trở thành thường nhật của vợ chồng ông lão thuê nhà.

- Cứ như là cuộc sống của tôi và ông, nhỉ.

Bà lão ngừng tay nạo khạo hộp đựng kim chỉ, vừa khuấy vừa buông câu. Ông lão nhìn sang vợ, cười khì, một tiếng.

- Cái gì cuộc sống, bà?

- Thì việc cho lũ chim ăn giống cữ mình uống thuốc tiểu đường, thuốc nhức xương, đau dây thần kinh tọa. Cả chuyện tưới mấy khóm lan cằn nước treo vất vưởng của ông, còn gì.

- À, ờ.

Kể ra cái việc nuôi chim trời như nhặt gió ném vào gió này cũng quấn bận, cách rách tiêu tốn của ông mất bao nhiêu thời gian. Ông lão cười, lắc đầu rồi cứ duỗi ra, gập vào đôi chân xương xẩu. Bệnh thấp khớp hành hạ khiến hai đầu gối ông đau nhừ mỗi khi chuyển mùa, gió bấc kéo về ù ào đầu hiên. Vợ chồng ông chẳng có con cái. Họ hàng thì ở xa. Ông lão thở dài một tiếng, rồi hướng ánh mắt ra lan can gần cửa sổ. Chỗ ấy, lúc nào cũng có nắng vàng tươi.

Mé cuối tầng, có một hộ thuê được mấy tháng. Gã chồng tuổi ngoài bốn mươi, tóc tai chẳng mọc, râu ria để dài thườn thượt. Mụ vợ thì váy áo xanh đỏ tím vàng, đeo mí giả, mỗi tuần thay một kiểu tóc. Họ với vài người tỉnh xa, hành nghề bói toán, cúng vong, suốt ngày trong nhà nhang đèn nhập nhoạng, tiếng khấn vái, đồng cốt rầu rĩ. Nghe đồn gã trọc chuyên lừa lọc những người mê tín, nhẹ dạ về dâng lễ cầu xin ở điện nhà hắn. Toàn những người lạ hoắc chứ quanh đây, ai vãng. Cũng lạ, gã hành nghề gạt người nhưng lại là chủ một cơ sở chăm nuôi từ thiện và đảm nhận vài công việc giúp đỡ bệnh nhân lao phổi nặng của một bệnh viện đa khoa thành phố. “Dối trá chẳng có chân, nên nó không đi xa được, còn tiếng lành thì luôn có cánh”, gã hay ra rả với đồng môn về hai công việc trái ngược này.

Một ngày, gã trọc vảng sang đầu tầng bên này, mon men nghiêng ngó căn hộ ông lão thuê, ngắm nghía rất lâu. Chả chào hỏi gì, gã ngây ngây nhòm mấy giò lan, cất miệng ông ổng:

- Cụ già kháu lão. Bán cho tôi đám lan cỗi này nhé?

Ông lão ngẩng lên:

- Mua lan hở bác? Ờ. Cỗi í mà.

- Cằn nước, bán thôi. Cụ khốt.

Trán ông lão thoáng nhăn. Rồi ông cũng mỉm cười:

- Thế bác trả tôi bao nhiêu?

- Thì, mỗi xách hai triệu gì đó.

Ông lão giật mình, trán nhăn lần nữa. Ông chiếu ánh nhìn có vệt vào mặt gã cúng vong. Mắt ra rã, chớp lia lịa. Lưỡng mục bất đồng ắt nhân tâm bất chính. Mũi lại be be giống bẹ cau phơi quá nắng thế kia..., ông lão thoắt nghĩ. Gã trọc cũng nhìn lại ông như buộc:

- Đồng ý, tôi xuống tiền?

Ông lão quay đi:

- Không, thứ này là quà tặng, tôi không để cho bác đâu.

- Tặng cũng bán được chứ sao.

Lão trung niên vật nài những gì, huyên thuyên bao chuyện ra sao, ông lão chẳng nhớ, chỉ nghĩ gã này rai nhách, giọng lại kéo rê, hoăn hoắt kinh tai. Nhưng đấy không phải lí do ông lão từ chối bán mấy giò lan. Điều khiến ông lão phát hoảng là giá tiền gã trả. Cao quá. Kể ra gã phát giá re rẻ chắc ông lão đã bán bởi ông đâu rành chơi lan. Mấy giò lan chủ trước bỏ lại, ông chỉ phun nước lã, thế mà chúng cứ rờ rỡ, đẹp lung linh. “Hay là mình nghe nhầm?” Lúc tĩnh tại, ngẫm lại ông lão cứ phì cười vì không tin cả đôi tai mình nữa.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Tối nào cũng thế, khi ông lão cần tĩnh tại thì gã cúng vong lại sang, loa loa cái miệng như ống điếu cày sứt phán toàn điều gở. Nào là căn hộ ông lão đang thuê có ác phong, tà khí. Nào là hướng xấu, dương trạch bất ý nhất khu nhà. Một tối, không chịu nổi nữa, ông lão gằn giọng:

- Bác ạ, tôi dứt khoát không bán mấy giò lan. Bác đừng tốn công thuyết phục. Từ nay, bác đừng sang. Tôi không có thì giờ tiếp chuyện đâu.

Gã thầy cúng chưng hửng, như bị ông già ném nắm thạch tín vào mặt. Mồm gã đắng ngắt. “Sư lão dở! Cũng chỉ thân phận thuê nhà chứ tươi tốt gì. Đã thế ông quyết phá cái hợp đồng, đuổi trắng. Đồ nuôi chim hoang!” Thút một cái ra cửa, vừa đi gã cúng vong vừa lùng bùng trong miệng.

Lại nói về chuyện nuôi chim trời của ông lão. Thực ra nó vừa là niềm vui thư giãn cũng vừa là công việc để lấp đầy thời gian cô quạnh tuổi già. Những lúc cho lũ chim ăn, ông lão hay ngồi ngắm nghía từng con một. Lâu dần, ông thuộc tính nết hết thảy lũ chim. Con thì háu đói lanh chanh, ăn nhiều vô kể. Con thì cứ khuỳnh đôi cánh vạy cái đuôi chen lấn để giành thức ăn, mà giành rồi chẳng ăn mới buồn cười. Độ một tuần nay, ông còn phát hiện lũ chim dù chật hẹp chỗ đậu, chỗ ăn thế nào, chúng cũng không phá phách, giẫm lên mấy giò lan và cả cây thạch lựu bên cạnh. Thời gian này ông và vợ có đi đâu qua ngày, tự nhiên lại thấy lo lo. “Ai sẽ cho lũ chim ăn, rồi cho uống nước nữa. Chúng bị đói, kiếm mồi ở đâu khi chỗ nào cũng đầy bê tông, toàn đường nhựa, thế này.” Ông lão hay thủ thỉ với vợ thế. Có lúc ông tính nhờ hàng xóm cho lũ chim ăn mỗi khi đi vắng, nhưng lại sợ mọi người cười, bảo rằng vợ chồng ông dở hơi, không bình thường. Thành thử công việc nuôi chim trời cứ phải lén lén lút lút, thế mới khổ. Mà rồi ông lão cũng chỉ giấu giếm được một thời gian.

Nguyên do cũng bởi một buổi chiều, ông lão về khu nhà trọ cũ để lĩnh lương hưu. Đến cữ ăn, đàn chim sẻ lại tới đậu kín lan can, chờ ông. Bỗng dưới khoảng sân trước xuất hiện một thằng thanh niên tuổi nhầng nhầng. Nó lom khom tiến đến tì người vào cây cột điện, chĩa khẩu súng hơi nòng dài ngoẵng, có gắn cả ống ngắm vào bầy sẻ. Tiếng súng pặc lạnh lùng. Mỗi phát pặc là một con sẻ rơi tạch. Cả những con đang ngủ gật, chết bất đắc kì tử mà không biết can cớ làm sao. Khi ngọc ngạch chiếc xe đạp về đến khu nhà, chứng kiến sự việc ông hoảng hốt trợn mờ cả mắt. Ông quăng xoảng cái xe, hét lên:

- Bớ thằng nửa đời kia! Ông giết!

Mặt ông lão đỏ tía, rồi chuyển sang trắng bệch, hai bên tóc mai dựng ngược. Cái xe đạp vứt chỏng hơ, bánh trước quay xành xạch. Ông lão vơ tay nắm được một hòn gạch nguyên. Chỉ một chút không kìm chế là ông đã rọi viên gạch chính mặt thằng săn chim. Thằng thanh niên chộp vội mấy con sẻ chết dưới chân cột điện, ôm súng, nhảy lên xe máy vù đi. Đến lúc này vài ông già tổ hưu đang chơi cờ tướng ở đầu nhà, có cả anh cảnh sát khu vực đứng chầu rìa mới đồng loạt ngẩng đầu lên. Đến hôm nay thì họ tin việc ông lão nuôi chim trời là có thật.

Khi thằng săn chim đã đi xa, mấy ông già tổ hưu lại chụm mắt xuống bàn cờ; anh cảnh sát khu vực lên xe đi cụm dân cư khác, ông lão mới thũng thẵng lên căn hộ tầng hai, xúc bơ cơm nguội khô ngồi xuống cạnh lũ chim. Tay ông cứ lóng ngóng, run run mãi. Lũ chim không hề biết câu chuyện vừa xảy ra và mối hiểm nguy vừa rình rập chúng đã được giải tỏa. Cả đàn sẻ vẫn vô tư vây quanh ông rồi mổ cơm nguội rào rạc.

Từ hôm đó, mọi người trong khu nhà theo cữ, cứ lặng lẽ ngó nghiêng dõi theo công việc nuôi chim trời của vợ chồng ông lão. Ông thì tuyệt nhiên không để ý đến mọi người, cứ chăm chú vào công việc của mình. Ông ân cần chỉ chỏ, mắng mỏ từng con chim mà ông đã quen hình dáng, tính tình. Buổi trưa, trong lúc cho lũ chim ăn, ông lão sửng sốt vì bắt gặp một con sẻ mất một ngón chân bên phải xán đến bên ông. Con chim đứng nghiêng nghiêng, chực đổ.

Ông lão dụi mắt nhìn kĩ. Có phải nó không?

Gần hai năm trước, ông trọ trong một căn hộ cấp bốn bên khu phố khác, cách nơi này mươi cây số. Một hôm, khi mở cửa gian phòng tồi tàn, tối om, ông nghe thấy có tiếng chim kêu thất thanh. Cúi xuống, ông thấy một con sẻ non đang giãy dụa lách chách dưới chân. Máu ở bụng con chim chảy từng giọt, thấm ngoang ngoách góc viên gạch chỉ. Ông giơ tay chộp lấy con chim. Nhìn kĩ, một ngón chân của nó bị đứt lìa. Những giọt máu li ti vẫn chảy. Ông vô cùng bối rối không hiểu được bằng cách nào mà con sẻ lại chui vào được căn nhà trọ, để rồi bị cánh cửa kẹp đứt lìa ngón chân. Ân hận vì vô tình làm con chim bị thương, ông lão ra chợ mua về một cái lồng nhỏ rồi thả con sẻ non vào. Lúc đầu, con chim không chịu ăn dù ông cho nó thóc, hạt kê hay tép… Ông định giữ con sẻ để chờ nó lành vết thương mong chuộc lỗi, chứ thả nó lê lết vậy, chỉ một khắc nó sẽ là miếng mồi ngon của con mèo tam thể hay thành món chả nướng của thằng bé con nhà hàng xóm. Đến lúc con chim chịu ăn uống bình thường thì chân nó cũng đã lành trở lại. Ngày ông thả con sẻ cụt ngón cũng đặc biệt lắm. Vợ ông cứ nhìn con sẻ bay đi, rồi buồn, bỏ bữa trưa. Cứ tưởng chim trời đã bay thì biệt tăm, thế mà sau đó hai hôm, lúc đi họp tổ hưu trở về, ông thấy con sẻ cụt ngón đang đứng đợi ở giàn hoa giấy trước cửa. Nó cứ kêu chí chách chí chách như kể lể điều gì.

Ông lão chuyển về thuê trọ ở khu chung cư mới này là để gần bệnh viện mà hai vợ chồng ông mua bảo hiểm. Vậy mà con sẻ lại theo được. Chỗ này phải cách nơi ở cũ đến mười cây số. Ông nhận ra con sẻ không chỉ vì ngón chân cụt, mà điều khiến ông lão nhớ như in là ánh mắt cứ ngời ngời mỗi lần nó nhìn ông.

Việc làm của vợ chồng ông lão khiến tiếng chim ở khu chung cư hàng ngày ríu ran. Nhưng vào một buổi sáng cuối tháng tư âm lịch bỗng không còn thấy tiếng chim ríu rít đòi ăn như mọi khi. Lạ quá, ông lão vội vàng nhó người ra hiên. Xoẹt. Chiếc khuy áo buột tung. Cái móc khóa cửa cọ vào mạng sườn ông đau điếng. Giá kể ông beo béo một chút, chắc không cảm thấy đau. Căn hộ ông thuê ở đầu hồi của khu nhà, cũng nhiều ánh sáng lắm. Thế mà mỗi bận nhó mặt ra cửa, ông vẫn thường phải hấp háy đôi mắt đã viễn lại không mang kính. Có con gì đen đen bên dưới. Ông lão giơ chân. Rồi vội rụt ngay lại. Ông thấy mềm mềm. Cúi thấp người xuống, ông tá hỏa. Trước mắt ông lù lù một con mèo đen tuyền đang phục kích chỗ để thức ăn dành cho lũ chim trời. Con mèo chăm chú săn mồi đến nỗi chẳng thèm để ý đến ông. Ông lão tức giận chộp chiếc dép ném vèo một cái, sượt qua lưng con mèo. Con mèo ngẩng phắt, nhảy cẫng lên. Xong, nó quay lại nhe nanh, đưa ánh nhìn giận dữ về phía ông. Ông lão giậm chân. Con mèo phóng vút về cuối hành lang.

Buổi trưa, rồi cả chiều hôm đó không thấy bóng dáng con sẻ nào đến. Ông lão bỏ vào mấy chiếc bát những thìa lúa mạch vàng chới và ngồi đợi. Ông tin lũ chim nhìn thấy ông chúng sẽ về thôi.

Nhưng đợi đến hai ngày mà không thấy bóng chim về, ông lão mới thũng thẵng đi vòng quanh khu nhà, sang cả rặng trúc của công ti bên cạnh tìm kiếm. Rặng trúc thường ngày có rất nhiều chim đến hót râm ran, vậy mà nay ắng lặng. Những chiếc lá hình mũi mác cứ chĩa ngược lên, không một chút động đậy.

Ông lão chờ đợi. Đúng một tuần trôi qua thì con sẻ cụt ngón trở về. Và chỉ có mỗi mình nó. Đầu tiên nó liệng ngang một đường, cái đầu ngó rạp xuống hồi nhà. Nó lượn thêm một vòng cung rồi sựng lại, bay đứng tắp trên không. Rồi nó sà xuống trước mặt ông kêu lên những tiếng mừng rỡ. Nó không để ý đến bát thức ăn. Mắt nó ánh lên, cái đầu gật gật liên hồi. Nó nghiêng mình, cọ cọ cánh vào bàn tay ông… Con sẻ cứ cuống quýt mãi như thế, như là kể lể, tâm sự điều gì. Giống hệt cái hồi ông thả nó ở khu nhà trọ cũ.

*

*         *

Mưa nặng hạt. Từng đám mây kéo về ụp nước xuống căn nhà ông lão nuôi chim trời. Buổi sáng, khi bước chân ra cửa như mọi ngày, lần nữa, ông lão suýt ngất lịm vì ngay cạnh chiếc bát đựng thức ăn cho lũ chim là một đống lù lù đen. Con mèo! Lần này thì nằm rạp, không phủ phục rình mồi. Ông lão cúi xuống cầm chiếc dép. Đụp! Chiếc dép bay trúng giữa con mèo. Nhưng thật lạ, con mèo chẳng hề động đậy. Ông lão nhìn kĩ. Rồi mắt ông đổ quầng vàng. Con mèo đã chết sùi bọt mép từ bao giờ, tứ chi co rúm, mắt vẫn mở trừng trừng. Bát thức ăn không phải là thóc của ông lão thường ngày dành cho lũ chim sẻ, mà là một chút cơm nguội vàng khè bốc mùi khó chịu. “Bả chuột!” Ông lão ngồi bệt xuống ô gạch vuông trước cửa. Ông gọi như hụt hơi:

- Bà ơi… ra đây… mà xem!

- Có việc gì đấy ông?

- Thì bà cứ ra đây!

Bà vợ ông lão lật đật bước ra. Nhìn thấy con mèo đen chết cò quăm, bà hú lên một tiếng rồi ôm mặt chạy vào phòng.

Không biết được kẻ nào đã trộn cơm với bả chuột cho vào bát thức ăn, nhưng vợ chồng ông lão biết chắc kẻ này có ý định giết lũ chim trời. Nhưng chim trời không chết, lại chết kẻ thường ngày rình bắt lũ chim.

Buổi chiều, hai vợ chồng ông lão nước mắt lưng tròng lập cập đi chôn con mèo xấu số. Đêm về, ông lão già nua thở dài đến thượt rồi nói như tiếng gió với vợ:

- Bà ơi, tôi không thể lí giải được, tại sao lại có người độc ác với cả chim trời.

Bà lão gièm chiếc chăn đơn cao quá ngực chồng, rồi cũng thở dài.

Ông lão nắm bàn tay nhăn nheo của vợ, ngậm ngùi:

- Bà à, ngày xưa, lúc tôi với bà còn trẻ, chẳng hề có chuyện như thế.

Bà lão để nguyên bàn tay cho chồng nắm, giọng buồn ngui ngút:

- Bây giờ khối người tay trái tưởng làm việc thiện, tay phải lại làm chuyện tối tăm.

Từ hôm đó người trong khu nhà lại chứng kiến một nghịch cảnh. Buổi sáng năm giờ, buổi trưa mười hai giờ, chiều thì sáu giờ, ông lão cầm gậy đứng ở đầu hành lang xua đuổi những con chim theo cữ về đòi ăn. Vừa vung gậy ông lão vừa kêu những tiếng đầy lo lắng: “Chim ơi bay đi! Sẻ cụt ngón ơi, bay đi!”

P.Đ.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)