. SƯƠNG NGUYỆT MINH
Chợ Âm Dương hay còn gọi là chợ Âm Phủ.
Tôi ôm một con gà mái đen. Mẹ ôm một con gà mái đen. Những người khác cũng mỗi người ôm một con gà mái đen đi chợ Âm Dương. Con chó đen tai cụp đội cái nón mê thủng chóp lách nhách đằng trước mẹ con tôi. Nó đi thẳng đứng bằng hai chân sau. Hai chân trước như bơi bơi trong không khí. Con vật này là chó thật hay đã thành tinh, thành ma? Chịu không phân biệt nổi. Sau lưng tôi hình như có bóng dáng một con trâu dái nữa. Thoắt ẩn, thoắt hiện hình con trâu cụt đầu, không biết giống cổ cày vai bừa này đâu là thật, là giả? Tôi cố trấn tĩnh, nghĩ, mình đang mơ hay tỉnh? Chịu. Chỉ biết tôi đang đi chợ Âm Dương với mẹ.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Mơ hồ. Văng vẳng. Tôi nghe thấy tiếng gió rất nhẹ và vó ngựa gõ xa xăm vọng tới mỗi lúc một gần. Ông Cụt, còn gọi là Gió Ông Cụt. Con ngựa đen sừng sững đứng ở mom sông, ngập ngừng rồi bất thần chở Ông Cụt bay là là trên mặt nước sang bờ bên này. Gió Ông Cụt cũng đi chợ Âm Dương. Bóng người lạ không có chân, mặt chữ điền, ngồi sau vòng tay ôm khư khư lấy bụng Gió Ông Cụt, cứ y như ngài khoác ba lô vậy. Thêm một hình nhân trẻ được Gió Ông Cụt nhặt từ chân mây xó rừng nào đó, chở về đây đi chợ Âm Dương.
Mẹ con tôi chọn một chỗ ngồi dưới gốc đa cổ thụ bên miếu cô hồn. Mẹ lấy dao bài chích vào cánh gà đen rồi quệt máu bôi lên mặt. Tôi làm theo một cách chậm rãi, thành kính. Mẹ bảo: “Không bôi máu gà đen vào mặt là lú lẫn lúc nào không biết. Cô hồn nó dẫn đi, không biết đường nào mà về”. Tôi vâng vâng dạ dạ, nhưng trong lòng không biết đâu là thực là hư. Mẹ lại bảo: “Bôi máu gà đen vào mặt thì mới nhìn rõ hình người sống, con ạ. Lỡ tay quệt mất thì bị lẫn vào cô hồn. Không biết đâu mà tìm ra nhau. Con phải nhớ lấy.” Lại càng nửa tin nửa ngờ. Một người đi chợ ngồi ngay bên cạnh đế vào: “Thảo nào phiên chợ năm trước, có mấy người lẽ ra đi đò dọc xuôi xuống bến về nhà thì lại chèo ngược lên phía thượng nguồn. Họ lạc lung tung ở bãi tha ma chôn lính chết trận từ mấy trăm năm trước. Sáng bảnh mắt, mặt trời chòi lên, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất hồn.” Tôi rụng rời chân tay. Lần đầu tiên, mẹ cho đi chợ Âm Dương, tôi cảm thấy mình đang không phải là mình nữa. Đang sống cuộc đời thực, thoắt cái trôi vào miền hư ảo. Người không trọng lượng, lạc vào biển sương mù loãng bồng bềnh. Lúc nghĩ mình đang bay là là trên đường. Lúc biết mình vẫn đang đi trên mặt đất, chân đạp phải cỏ và những giọt sương đêm bắn vào da lành lạnh.
Con chó đội nón mê cứ sán vào gần. Mẹ tôi đuổi ra, một lát nó lại rón rén đến. Ngoắt cái, nó quệt máu gà đen còn tươi nguyên chưa kịp khô trên mặt tôi. Bàn chân trước dính máu gà bôi lên trán và lủi mất dạng trong lúc tôi chưa hết ngỡ ngàng, sửng sốt. Mẹ rủa đuổi theo con chó kì quái: “Đồ yêu tinh”. Đành phải quệt máu chưa kịp đông ở cánh gà đen bôi lại lên trán tôi, mẹ bảo: “Phiên chợ Âm Dương năm nào u cũng thấy con chó ranh mãnh này. Chắc là có oan ức, nhớ nhung gì đấy”. Giống vật mà cũng đi chợ Âm Dương? Thật không tin nổi. Thôi thì cứ coi như mình đang mơ.
Tôi tự nhủ phải tỉnh táo thoát ra khỏi cơn mê muội và định hình: Xa xa là núi Cánh Diều, còn gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân hình người con gái mình trần, ngực căng đầy, tóc xõa, nằm ngửa chênh hểnh giữa đất trời vạn vạn năm hứng hút tinh khí thiên hà vũ trụ, đang mờ dần. Trước mặt là núi đồi Eo Bát đen sắp chìm vào màn đêm xám loãng. Bầu trời như cái vung khổng lồ không ra tối, chẳng ra sáng nhờ nhợ. Trăng chưa đến tuần mọc và tinh tú cũng trốn sạch. Phía dưới, dòng sông Trinh Nữ nước xam xám dừng trôi, như thể ngưng đọng. Ở đây cũng có mom sông, gần giống cái phần đất nhô ra mặt nước bên kia sông trước cửa nhà tôi. Thuyền, đò nhiều vô kể, cái xuôi giữa dòng, cái sang ngang, cái cập bến. Chả lẽ cô hồn cũng đi đò đến chợ lau nhau đứng ở mom sông chờ thuyền? Cô hồn đi chợ nhan nhản những đêm động trời.
Tôi vẫn nhớ những đêm trở trời. Oi nồng. Bức bối. Người nhớp nháp mồ hôi. Lỗ chân lông mở ra. Thân da lạnh run… Ấy là lúc mẹ tôi than thở: Cô hồn lại nổi lên rồi. Như bị tẩu hỏa nhập ma, tôi rúm lại sợ hãi bởi tiếng kêu khóc, tru tréo. Kẻ kêu oan. Người kêu đói. Kẻ rống gọi tên người thân ai oán, thống thiết đi tìm nhau. Cô hồn nổi lên thật, đông như rươi. Lại thấy cả làng xao xác không sao ngủ được.
Vì sao lại sinh ra chợ Âm Dương và có từ bao giờ thì mỗi người kể một kiểu. Thực ra, câu chuyện từ cái chết của ông tướng thời xa xưa. Ông bị kẻ thù xâm lược kê đầu lên hòn đá, chặt đứt cổ. Đầu chôn một nơi, thân chôn một nẻo. Quanh năm suốt đời cái thân đi tìm đầu. Và đêm đêm, ông tướng cụt đầu vẫn thở than thân phận mình, câu chuyện theo chiều gió đưa từ đầu làng đến cuối xóm. Đêm đêm, người làng vẫn thấy ông mặc áo giáp, tay cầm thanh đại đao, cưỡi ngựa đen đi tuần, phóng vun vút như gió thổi ở đường. Cái tên Ông Cụt hay Gió Ông Cụt dành cho vị tướng mất đầu chẳng biết từ đâu, gọi mãi nên danh và thành huyền thoại làng.
Chuyện kể rằng: Có người vợ ở Đàng Trong khăn gói đi tìm chồng. Chị đứng lặng trước gò xương trắng nức nở. Tìm đâu ra hài cốt đức ông chồng giữa đống xương lổn nhổn chất cao. Chị khóc, nước mắt đỏ như máu, chảy dài thành vệt xuống hai gò má nhô cao tóp gầy. Không lời đáp lại chỉ có tiếng gió thổi vào hốc mắt hốc miệng xương sọ kêu u u như dàn kèn cất lên lời ai oán, thê lương. Chị mệt quá thiếp đi. Đương đêm, nghe tiếng vó ngựa kêu lộp cộp. Chị tỉnh lại, thấy bóng người mặc áo giáp, tay cầm thanh đại đao đứng trước mặt. Cái bóng người đen thẫm trên mình ngựa cao to đồ sộ không có đầu. Mỗi lần nói cổ họng cứ hí hóp, hí hóp.
“Có phải nàng đi tìm chồng?”
Một thoáng kinh sợ qua đi. Giọng nói hơi ngọng, trầm, đầy tin cậy khiến người đàn bà góa bụa yên lòng.
“Vâng! Thưa tráng sĩ! Người biết chồng thiếp nơi đâu, xin chỉ giùm. Thiếp lặn lội đi bộ từ miền Ngũ Quảng ra…”
“Nhìn đôi bàn chân nàng có những ngón nứt nẻ, rộp phồng, ta biết ngay mà. Chồng nàng có dấu vết gì ở mặt, hình dong ra sao?”
“Chồng thiếp chỉ cao hơn con ngựa này cái đầu. Mặt chàng có nốt ruồi đen bên gò má phải to bằng hạt ngô. Ở quê cứ gọi chàng là Nốt ruồi đen”.
“Ồ. Nốt ruồi đen”.
Con ngựa chiến quay đầu. Bốn vó lướt đi biến mất vào màn đêm tăm tối.
Quả nhiên, người đàn bà góa bụa ấy tìm được chồng. Gió Ông Cụt đã làm được một việc phi thường giữa mênh mông trời đất là tìm ra người lính chết trận có nốt ruồi đen ấy trong hằng hà sa số người lính xấu số…
Một đồn mười, mười đồn một trăm, một trăm đồn một ngàn... Rằng: Cứ đêm ấy, ngày ấy, tháng ấy đến chỗ ấy sẽ gặp cô hồn người thân. Muốn năm sau cô hồn lại quay về đi chợ thì mua vàng mã, gà đen rồi sáng ra lập ban thờ mà cúng. Cúng phải thành tâm, cô hồn người thân mới nhận được, như lộ phí và đồ ăn đi đường ấy mà.
Thế là thành chợ Âm Dương. Chợ họp trên mảnh đất vốn là bãi chiến trường ngày xưa.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Có dễ mới tám giờ tối, lác đác người đến chợ. Đường đất mờ mờ sáng tối. Mặt người tối sáng mờ mờ. Bãi đất cằn cỗi cỏ mọc lay lắt để trống không ban ngày rộng dài mênh mông, khi đêm về vẫn mênh mông dài rộng. Lố nhố bóng người. Liêu xiêu lều quán. Có người bán được hàng mang xu xèng đến chậu thau nước thử tiền âm dương. Thầm thũi. Thì thào.
Mẹ nhấp nhỏm chờ mong. Tôi nóng ruột và hồi hộp. Chưa thấy bóng dáng cha với anh Trưởng đâu. Cha và anh tôi đang ở xó rừng, góc biển, chân trời nào mà không về đi chợ âm dương?
Gần nửa đêm, chợ Âm Dương đông hẳn lên.
Vẫn chưa thấy cha và anh Trưởng về. Nhưng, tiếng gió chở tiếng lào thào nhiều hơn. Cô hồn đông quá. Mẹ và tôi bán tống bán táng gà đen rồi chen vào trong chợ. Mẹ bỏ tiền vào ruột tượng, vòng quanh bụng, thắt chặt. Tiền giấy bồng lên lào xào. Mẹ tìm chồng tìm con. Tôi tìm cha tìm anh. Chẳng biết chị Thơm có đi chợ Âm Dương cầu may tìm chồng? Từ ngày chị tái giá, tôi chưa gặp lại.
Tôi lạc lung tung. Bất chợt, tôi bỗng thấy mình ở bãi đất trống không bên ngoài chợ. Có thể nhà tôi phúc còn lớn, hoặc mầm sáng trong tôi chưa bị bịt kín, dập tắt. Tôi còn nghĩ mình đang thực thi sứ mệnh cao cả từ thần thánh hay siêu nhiên nào đó sai khiến. Tôi nhìn thấy vài chục anh lính vận đồ quân giải phóng đã ngồi chống súng AK47 giải lao. Vai áo người nào cũng đẫm mồ hôi. Mặt mũi không tái xanh tái xám thì cũng đỏ phừng phừng, có anh rên hừ hừ. Rõ ràng là lính sốt rét rồi.
Trên con đường quanh co ngoằn ngoèo từ phía đồi Eo Bát, đoàn quân áo xanh rung rinh lá ngụy trang tiếp tục người nối người đổ về. Họ đi chậm chạp, nhẫn nại, nhích dần một cách khó nhọc. Tay chống gậy, bước dẹo dọ, không phải quân thất trận mà đang kiệt dần. Cánh lính này chắc đã nằm lại ở các cánh rừng dọc đường hành quân. Sống hành quân, chết cũng hành quân! Sao những người lính khổ thế. Chẳng lẽ các anh bộ đội đây đã chết rồi cũng trở về đi chợ Âm Dương?
Chỉ một loáng, đoàn quân đã tập trung đầy đủ. Họ ngồi, nhưng theo hàng theo lối, súng dựa vào vai, ba lô vẫn đeo trên lưng. Tôi nhìn khắp một lượt rồi rụt rè hỏi thăm:
“Các anh ơi! Các anh có thấy cha tôi đâu không?”
Một anh lính lém lỉnh bảo:
“Cha nào? Cha em hay cha người yêu? Em thấy không, toàn lính trẻ đẹp trai nhé. Ông cụ nhà em làm sao đi cùng đoàn quân bọn anh được. Nói khí không phải, ông cụ nhập ngũ năm nào?”.
“Từ thời chống Pháp ạ”.
“Ô. Nếu ông cụ còn sống cũng phải cấp tướng chỉ huy cả quân đoàn. Còn không tiến bộ thì chỉ có thể đang làm anh nuôi suốt ngày làm bạn với nồi niêu xoong chảo. Lấm lem chân tay, nhọ nhem mặt mũi”.
Đám lính trẻ cười rộ cứ như đang tán phét lúc nghỉ trạm khách giao liên. Cả những điều nghiêm trang, hệ trọng cũng bị đưa ra giễu nhại làm chuyện cười.
“Các đồng chí trật tự”. Một người đứng tuổi có vẻ là cán bộ tiểu đoàn cụt hai tay, trông hình dáng chả khác gì cái cột di động, nghiêm giọng quát: “Không được ăn nói mất lập trường”. Anh quay lại đối mặt với tôi, bảo:
“Em thông cảm. Lính tráng tếu táo thế thôi. Nhưng mà anh nào cũng tốt. Đánh giặc rất lì”.
Tôi định cất lời cảm ơn thì anh bỗng kêu lên:
“Ôi giời! Có phải bác sĩ… ?”
“Vâng! Anh là…”
“Vâng. Tôi là tiểu đoàn trưởng bị thương nằm ở trạm phẫu tiền phương của chị bên suối Không Tên đấy mà”.
Kí ức mù mờ trong tôi hơi ló rạng.
“Sao lại đến nông nỗi này? Hai cánh tay của anh đâu?”
“Thật chả ra làm sao. Chị đã quên mất rồi. Người sống rất hay quên người chết. Chị đã cắt cụt hai cánh tay dập nát bị hoại tử của tôi mà.”
“Quả thực tôi cũng không nhớ cắt cụt tay anh khi nào.”
“Cũng phải thôi. Một ngày chị phải phẫu thuật bao nhiêu ca cụt chân, gẫy tay, thủng bụng, vỡ lách... Thương binh nhớ bác sĩ, chứ thầy thuốc sao nhớ nổi bệnh nhân. Đã nhiều năm tôi đi tìm chị. Tôi muốn hỏi: Chị cắt hai cái tay bị dập nát của tôi ra, lúc ấy chôn ở đâu”.
Anh sĩ quan cụt tay buồn rầu. Gương mặt hơi thất vọng, đầy nỗi trách cứ. Tôi ái ngại quá:
“Tôi làm sao nhớ được. Dạo ấy còn chiến tranh ác liệt, thời gian thì đã trôi qua bao nhiêu năm tháng, giờ đây biết lối nào mà lần. Tôi thật có lỗi khi không giúp được anh”.
“Thì nhân tiện gặp chị, hỏi thế thôi. Chị xem tôi đẹp trai thế này, đi hỏi vợ mà bị khuyết thiếu, mặc cảm mất tự tin”.
“Đúng đấy.” Cả đám lính nhao nhao. Một anh lính cụt bàn chân, chống gậy, rên hừ hừ, mặt xám ngoách bởi sốt rét ác tính vẫn cố lặc lên trước mặt tôi, bảo:
“Em thấy không. Một chân cao một chân thấp như anh đây thì cô gái nào thương yêu?”
Muốn cười mà lại không cười nổi. Khổ thân tôi. Tại sao bao nhiêu người lính chết rồi cứ hiện lên tìm tôi đòi chân, đòi tay, đòi những phần cơ thể bị khuyết thiếu do chiến tranh? Cái điệp khúc này lặp đi lặp lại mỗi khi tôi gặp họ. Tôi có lỗi gì đây? Con người rất lạ kì. Rất ít ai đó chuẩn bị cho cái chết của mình. Nhưng, một khi phải chết vẫn muốn cái chết vẹn nguyên cơ thể. Thiếu một cánh tay, hay cẳng chân họ còn đòi lại để dáng hình lành lặn. Có một cái gì đó cựa quậy thôi thúc lòng tôi: Hãy đừng lãng quên!
Quay mặt, tôi cố giấu những giọt nước mắt vừa trào ra. Cùng lúc, anh sĩ quan tiểu đoàn cụt hai tay đang nói cho phép những người lính dưới quyền tản ra, đi tự do vào chợ mà tìm gặp người thân.
Một người lính bảo:
“Thủ trưởng cứ ra lệnh đi. Sau mấy giờ thì tập trung. Chứ tản mát thế này thì biết bao giờ mới thu quân”.
“Tự do, ai đi đâu thì đi”. Anh sĩ quan cụt tay bảo: “Chết rồi mà không bỏ được ý thức chấp hành quân lệnh kỷ cương đội ngũ”.
Và họ hẹn nhau đến giờ ấy, đến phút ấy thu quân để về nơi họ đã ra đi. Tôi bảo:
“Cũng may chỉ anh là đòi tôi trả lại cánh tay cụt, chứ thêm vài chục người nữa quây lại đòi thì tôi tối tăm mặt mũi.”.
“Thương binh của cánh quân này không qua tay chị. Đây là tiểu đoàn tân binh, tôi chỉ huy hành quân từ Bắc vào Nam, đến nơi tập kết bị sốt rét, bị bom đánh chết quá nửa. Tôi không chết dọc đường đi dạo ấy. Lúc sống thì cùng đội hình đội ngũ, chết tụ vạ anh em với nhau cho đỡ bơ vơ thôi mà”.
“…”
“Có ai đưa được chúng tôi vào nghĩa trang, hay về quê nhà thì hết phận cô hồn, khỏi phải đi chợ Âm Dương”.
Nói xong, anh sĩ quan cụt tay gật đầu chào rồi biến mất vào chợ đêm. Một loáng, bãi đất trống không.
Nửa đêm. Chợ đông nghìn nghịt. Thật không thể tin được. Rất nhiều sắc lính, binh phục. Tốt đen. Tốt đỏ. Sĩ điều. Kị mã… Đánh nhau từ thời xa xưa ngùn ngụt oan khốc, không siêu thoát được cũng lộn về đi chợ Âm Dương. Cả nghĩa quân chống Pháp mặc áo nâu sồng, vác mã tấu. Quân cờ đen của Hoàng Vĩnh Phúc. Lính dõng. Lính com-măng-đô. Lính Pháp. Lính da đen Phi châu. Nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám. Bộ đội mặc áo trấn thủ thời đánh trận Điện Biên Phủ… cũng nức nở đi tìm người thân. Rồi những người lính Cộng hòa. Quân Giải phóng. Bộ đội Bắc Việt. Thanh niên xung phong... Vong hồn theo hài cốt chưa được quy tập về nghĩa địa, nghĩa trang còn đang lạnh lẽo nơi cánh rừng, thửa ruộng, đồi cao, suối sâu… cũng về ngong ngóng được gặp lại mẹ cha, vợ hoặc chồng con. Tôi còn bắt gặp cả những người mặc áo rách rưới, gầy gò như bộ xương di động đi tìm gặp người thân mà cứ vây quanh các mẹt đồ ăn, nhìn biết ngay là dân chết đói năm Ất Dậu 1945. Rồi các cô hồn rầu rĩ mặt mũi, hoảng hốt, mặc cảm thân phận, có thể đoán được là người không may bất hạnh chết đường chết chợ…
Tìm mãi, cuối cùng tôi cũng thấy mẹ đang len lách đám đông đi ra phía bờ sông. Mẹ leo lên các con đò. Mẹ đi tìm cha và anh tôi. Đò nan chòng chành. Đò gỗ dập dềnh. Mẹ chuyền từ đò này sang đò khác. Mẹ thất vọng. Mẹ ngẩn ngơ. Mẹ buồn bã trèo lên bờ, ngồi nức nở khóc. Những giọt nước mắt của sự bất lực, tuyệt vọng.
“U ơi! Con tìm u khắp chốn mọi nơi”.
Tôi sẽ sàng ngồi xuống bên người mẹ già tóc bạc, lưng đã hơi còng. Thương quá! Bao nhiêu u sầu chồng chất mãi. Tôi an ủi:
“Còn bao nhiêu người vẫn chưa về chứ đâu phải chỉ mình cha và anh con”.
Đi chợ Âm Dương, kẻ sống người chết không bao giờ chạm được vào nhau. Tôi nhìn thấy một người lính trẻ cụt hai đùi, đánh bệt mông xuống bãi cát, gãi tai, bối rối khó xử. Cạnh đó, người đàn bà góa đứng dựa vào cột lều chợ. Tối sáng nhập nhoạng lờ mờ nhìn không thật rõ mặt, hai hố mắt sáng như phim X-quang đen trắng. Có một thoáng mơ hồ, tôi tưởng họ là hai mẹ con, nhưng hóa ra hai vợ chồng.
Anh lính chết trẻ. Tôi nhận ra bóng anh đội mũ tai bèo quân giải phóng quen thuộc ngồi sau lưng Gió Ông Cụt lúc ngựa phi qua sông. Hay là anh Trưởng? Không! Chả lẽ anh tôi mất hai đùi, chỉ còn cái mông tròn ung ủng?
Người đàn bà trùm khăn mỏ quạ tùm hụp che gần kín mặt không nhận rõ là quen hay sơ. Bàn tay cầm đuôi khăn chấm chấm những giọt nước mắt mà tôi đoán là đang chảy dài xuống gò má cao. Bàn tay kia lóng ngóng đưa ra phía trước chới với như đang khều với điều gì đó mong muốn và khát vọng không thành. Hình bóng ấy rất giống dáng chị dâu chới với ngã hôm người ta báo tử anh Trưởng. Người đàn bà này tôi bắt gặp ở đâu đó rồi. Rất quen thuộc. Hay là vợ cũ của anh Trưởng nhỉ? Chị Thơm đã tái giá. Người đàn bà tái giá sẽ không còn quan hệ gì với gia đình nhà chồng cũ nữa. Cha mẹ chồng cũ chết không phải chịu tang. Ma chay cưới xin, đình đám ở nhà chồng cũ không phải đến. Chỉ khác người dưng ở chỗ người ta đến với nhau vì nghĩa, còn tình cảm sâu nặng hay nhẹ hều đều phụ thuộc vào sự ăn ở, đối xử với nhau. Chị dâu cũ là người tình nghĩa. Đi bước nữa cũng là vạn bất đắc dĩ. Gia đình tôi chưa một lần oán giận khi chị đi khỏi căn nhà quen thuộc anh tôi đã từng sống. Chợ Âm Dương đêm nay, chị vẫn mòn mỏi chờ anh tôi ở gốc cây đa bên miếu cô thần cơ mà. Có lẽ nào chị đang ở trước mặt mà chúng tôi không nhận ra nhau. Hay chị đã khóc, sầu não vô tình quệt mất vệt máu gà đen và đã bị lẫn vào những bóng cô hồn không rõ hình dáng người hay ma? Lòng dạ tôi rối bời đầy nghi hoặc.
“…”
“Anh mừng, bởi em đã không quên kí ức. Cái áo màu tím hoa cà em mặc làm anh nhớ đến vẻ thẹn thùng hiện trên gương mặt em hôm rước dâu về nhà anh. Ôi trời ơi! Vậy mà đã mấy chục năm. Em giữ gìn quá. Cái áo vẫn cứ mới như ngày nào”.
Tiếng người lính trẻ nghe quen quen và gần gũi. Sự quen thuộc chỉ có thể cảm nhận bằng linh cảm gắn bó từ trước, từ quá khứ không ngủ quên vọng về. Người đàn bà hơi thẹn bởi nhớ đến ngày xưa, chị bảo:
“Vâng! Cái áo anh tặng em trước ngày cưới. Cũng ít có dịp đem ra dùng. Lỗi mốt rồi, em mặc vào, người ta cứ thấy là lạ”.
Dán hai hốc mắt phát sáng vào mụn vá ở vạt áo, gương mặt mờ tối của anh lính trẻ vẫn lộ vẻ hơi tiếc nuối. Áo còn mới mà đã bị rách. Chắc lại có cơ sự gì đây. Áo được khâu bởi đường chỉ mảnh đều tăm tắp, nhưng mụn vá bằng vải hơi đậm màu lồ lộ như đang mách bảo điều gì đó rất trắc ẩn, đau lòng. Người lính hỏi:
“Em sống không hạnh phúc, vẫn bị thằng chồng thọt chân đánh đập hàng đêm phải không?”
“Em hạnh phúc. Sao anh hỏi em thế?”
“Đừng giấu anh. Vết bàn tay in hằn những ngón đù đẫn như chuối mắn trên má em mách bảo anh. Mụn vá trên vạt áo kia nói hộ điều ấy. Cái thằng ấy là… giống vũ phu”.
Người đàn bà ngồi thụp xuống lấy tay che mặt sụt sịt, nói trong nước mắt. Nước mắt đàn bà chảy làm mềm đá xanh, chảy sắt thép, làm yếu lòng người anh hùng. Tôi nghĩ nước mắt của người đàn bà này là nước mắt của tủi hờn, nhẫn nhục trong tâm trạng giằng néo cái cũ và hững hờ, neo đậu tạm bợ với cái mới. Bi kịch là điều tất nhiên.
“Vâng. Thôi thì em chẳng giấu làm gì. Thấy em mặc cái áo màu tím hoa cà này là không chịu nổi, anh ấy cứ nghĩ: em vẫn còn quá yêu chồng cũ. Thỉnh thoảng nhớ anh quá, đem áo này ra mặc lén một lúc rồi lại cởi ra cất đi”.
“Ghen với cả người đã chết. Cái thằng thọt chân đó không xứng với em”.
“Em chả biết làm sao nữa. Anh ấy cứ rủa em: Cái xác sống ở bên chồng, còn cái hồn theo người đã chết. Đánh thì đánh, nhưng mà thương em lắm. Có hôm uống rượu vào say, cứ đấm đá em liên hồi kì trận rồi chợt tỉnh lại ôm em khóc ời ời”.
Người lính trẻ vỗ về.
“Số phận anh đã như thế rồi. Em có yêu anh bao nhiêu thì anh cũng không sống lại được. Anh đã thuộc về thế giới khác, âm dương cách trở rồi. Em hãy sống với thời hiện tại, sống cho bản thân em và gắng sống với người ta cho vuông tròn”.
Người đàn bà này phốp pháp, béo tốt, hai đùi to nần nẫn như gốc chuối hột và ngực căng đầy. Chị ta gỡ cái khăn mỏ quạ khỏi đầu rồi trùm lên vai. Dường như chị cố ý chường cái mặt héo hắt, đang già cũ đi cho chồng xem. Đuôi mắt luôn là nơi cỗi cằn trước nhất, có nhiều nếp nhăn chân chim. Tôi nhận ra thời gian đang tàn phá không thương tiếc theo năm tháng cứ trôi đi mải miết. Ôi! Chả lẽ chị dâu cũ đã tàn tạ, mòn mỏi thế này? Tôi thảng thốt trong lòng mà không dám nhận. Tôi muốn bước lại thật gần nhìn cho rõ nhưng chân cứ ríu lại không bước nổi.
“Nhưng mà em vẫn cứ yêu anh. Em không thể ấm nóng, cuồng nhiệt xác thịt và tình cảm với người ta”.
Tôi nhận ra sự tuyệt vọng trên gương mặt non tơ rầu rĩ. Anh lính trẻ thở dài não nề.
“Nên hàng đêm em vẫn cứ bị người ta đánh đòn, cấu xé, tức ghen?”
“Em chịu được. Năm nay, em già lắm phải không?”
“Ừ. Em gầy và già đi nhiều so với phiên chợ năm ngoái”.
Thương quá! Tôi nghe họ nói chuyện với nhau mà mủi lòng rưng rưng và cả xót xa nữa.
“Lạy trời đất! Nếu như còn được gặp nhau nữa, em vẫn cứ già thêm. Anh có chê em xấu không?”
“Sao em hỏi anh thế?”
“Là em nói, nếu trời đất còn cho em khỏe, chúng ta còn được gặp nhau. Khi em đã tám mươi tuổi già khụ khị mà anh cứ trẻ trai mãi tuổi hai mươi thế này, liệu anh có còn nhận ra em không, và anh có chê em già xấu xí không?”
Tôi giật mình, nhận ra người chết trẻ cứ trẻ mãi. Người sống, mỗi năm thêm một tuổi, già đi theo lẽ tự nhiên… Họ nói chuyện với nhau mà cứ như đang nói với tôi. Tôi cũng sẽ già đi. Nếp nhăn nhiều hơn, dày hơn, mặt mũi nhăn nheo, da mồi, tóc bạc, rồi khụ khị. Còn Long của tôi cũng mãi tuổi hai mươi. Nhưng, Long của tôi vẫn chưa về đi chợ Âm Dương.
“Em nhìn lại anh đi. Cái thân hình thê thảm này cũng có ra cái giống gì nữa đâu”.
“Không! Thà anh thương tật cụt lủn thế này mà về được nhà, được sống cùng nhau, nghèo khó nhưng đẻ con đàn cháu đống thì em vẫn còn đỡ khốn nạn hơn”.
Người lính trẻ im lặng. Chỉ có tiếng sụt sịt người vợ lẫn vào tiếng lào thào của chợ đêm. Bất chợt chị ngẩng mặt lên nhìn chăm chắm vào người lính, bảo:
“Mẹ và em gái anh cũng đi chợ. Anh nên gặp mẹ anh và em gái đi. Đừng nên cư xử như thế…”
“… Anh nên gặp mẹ anh và em gái đi…” Tôi giật mình. “… Anh nên gặp mẹ anh và em gái đi…” Có lẽ nào lại là anh Trưởng? Có một tiếng vọng sâu thẳm của tình mẫu tử trào lên. Tìm mẹ, phải đi gọi mẹ lại đây gặp anh Trưởng. Tôi mừng rỡ với ý nghĩ đến bất ngờ.
Chợ đông quá. Đi lạc lung tung. Cuối cùng tôi cũng quay lại được bến sông tìm mẹ. Thuyền chở người sống. Thuyền chở cô hồn cập sát bên nhau. Bóng người sống đen thẫm. Bóng cô hồn xám đen loãng hơn. Đò vẫn tiếp tục cập bến. Bóng ma, bóng người vẫn đang tiếp tục đổ về chợ Âm Dương. Mẹ đang ngồi thẫn thờ trong tuyệt vọng, nhìn ra sông như trông ngóng chuyến đò cuối cùng chở cô hồn lên chợ.
Người mẹ già khốn khổ của tôi. Người mẹ tội nghiệp cuống quýt, chân ríu lại chạy theo con gái. Mẹ tôi hổn hển hỏi lại:
“Có thật anh Trưởng mày về không? Hay lại mơ?”
“Con nhìn rõ mà. Cả anh, cả chị Thơm”.
“Thế hình dáng anh mày thế nào?”
“Cũng có lúc nhìn rõ mặt, có lúc giống như phim âm bản. Con vẫn nhận ra khuôn mặt anh con vuông chữ điền”.
“Đúng rồi.”
“Miệng anh ấy rộng. Răng trắng đều tăm tắp, u ạ”.
“Ừ. Đúng rồi”.
“Hai chân anh…” Tôi chợt ngừng, suýt nữa lỡ lời.
“Hai chân anh mày thẳng, đùi ếch, bắp chân nở nang chứ gì?! Ngày ở nhà nó cứ đòi u cho đi tuyển cầu thủ bóng chuyền. Chỉ phải tội ngón cái tòe ra đấy con ạ”.
“…”
“Cái thằng chân dài, thẳng thớm, đẹp lắm. Thằng anh mày không tán tỉnh một câu mà lấy được vợ vì nó mê đôi chân ấy. U là mẹ nhìn cũng mê nữa là bọn con gái. U cứ khen đôi chân nó suốt đấy con ạ”.
Nghẹt thở. Cái gì mất đi khó tìm lại và thường quý giá không gì đánh đổi được. Mẹ tôi sẽ đổ gục khi nhìn thấy anh tàn tạ thê thảm, không vẹn nguyên. Chỉ còn cái mông tròn như cái nồi đình thôi.
Luồng hơi lạnh thổi ào qua. Ghê rợn. Sởn gai ốc. Hóa ra, mẹ con tôi đụng phải đám đông đang xúm quanh cha con người ăn mày hát rong. Đông quá. Vòng trong vòng ngoài. Chúng tôi khó mà thoát ra khi trong lòng sốt ruột đến chỗ anh Trưởng đang nỉ non với chị Thơm. Hai cái bóng cha con người ăn mày một to một bé tội nghiệp, đáng thương. Ông lão mặc áo nâu bạc màu, đội nón mê thủng chóp, tóc lòi lên. Con bé tóc đuôi gà cầm cái cóng bơ đi ăn xin. Đến chợ Âm Dương, họ chẳng có nhu cầu gặp ai. Cha con họ không có người thân thích tìm gặp. Nhưng, phiên chợ năm nào họ cũng về, cất những bài ca buồn não nề và ăn mày người sống. Thì đã có chợ là có ăn mày. Chợ người sống có ăn mày sống ngoay ngoảy. Chợ âm phủ có ma ăn mày dật dờ. Cái xưa vốn tiêu điều nhếch nhác, mòn mỏi. Nay có thêm tiếng đàn hát và lời cầu xin bố thí của ma ăn mày sẽ làm cho chợ sinh động, đỡ hiu hắt. Trong đám xúm đông xúm đỏ có rất nhiều nam thanh nữ tú xem và nghe hát chăm chú với vẻ háo hức, tò mò. Có chàng trai trẻ tóc dài, đi guốc mộc, mặc áo thổ cẩm cài khuy làm bằng gỗ tiện. Có nàng mắt xanh, môi đỏ, tóc xoăn như súp lơ, mặc quần jeans của đám cao bồi miền tây Mexico, áo chẽn hở vai, hở ngực, hở rốn. Các chàng nàng đi chợ Âm Dương để gặp người thân hay để thỏa mãn tính hiếu kì, tò mò?
Tôi nhận ra anh lính và đứa bé tật nguyền đã từng hát rong ở ga Xép dạo trước. Anh lính cất tiếng ca một đoạn ai oán:
“Âm dương có được đêm này
Chồng nam vợ bắc nắm tay sum vầy…”
*
* *
Mẹ con tôi thoát khỏi đám đông đang vây bọc quanh cha con người ăn mày rồi đến đúng túp lều xiêu vẹo khi tôi đã từng đứng chứng kiến cuộc tâm tình dứt ruột của anh tôi với người vợ cũ đau đớn, héo úa trước đó không lâu. Không thấy. Tôi hoang mang, nhớn nhác nhìn quanh. Chợ vẫn lào xào tiếng người, tiếng ma. Lẽ nào tôi không nhớ cái nơi chốn anh tôi và chị Thơm gặp nhau? Chỉ thấy một vết tròn lung lủng như mông người in xuống nền cát. Tịnh không còn bóng dáng hai người. Thay vào đó là một người đàn bà với mẹt cơm nắm chim chim. Chị hàng cơm khoảng bốn mươi tuổi. Gầy nhom. Mặt xương xẩu. Hai lỗ mắt lõm sâu, giống hệt người sắp chết đói. Giọng trả lời yếu ớt như đứt hơi. Không mời chào, loáng một cái đã bán hết sạch sành sanh. Chen chúc một đám cô hồn đói khát vừa đi vừa ăn ràu ràu, rồi vật vờ sang chỗ khác. Mẹ con tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Cứ y như anh tôi và chị dâu cũ chưa từng gặp nhau ở chỗ này. Cứ y như tôi vừa trải qua giấc mơ hoang tưởng bắt nguồn từ những ám ảnh mong ngóng chờ đợi.
Cuối cùng, mẹ con tôi lại về đúng gốc cây đa cổ thụ. Bất ngờ tôi gặp chị dâu cũ đang nhắm nghiền mắt, đứng im phắc như tượng trước cửa miếu cô hồn. Miệng chị lẩm bẩm không rõ tiếng cầu xin hay khấn vái với niềm tin thành kính thần linh hoặc cô hồn phù hộ, tâm lí người đi chợ cầu may gặp lại người thân.
“Chị ơi. Sao chị lại ở đây?”
Chị Thơm mở nhoàng mắt, ngạc nhiên.
Chị vồn vã với u tôi:
“U cũng đi chợ ạ”.
Chị quay sang tôi:
“Cô đấy à? Lâu quá rồi, từ ngày đi tái giá tới giờ mới được gặp cô.”
Mẹ ra chiều sốt ruột. Tôi bảo:
“Vâng! Lâu quá rồi. Em muốn hỏi: Sao chị lại ở đây?”
“Tôi ở đây chứ có đi đâu đâu. Từ lúc đầu buổi chợ mà”.
“Không! Lúc nãy, em thấy chị nói chuyện với anh Trưởng em bên cạnh cái lều ở giữa chợ cơ mà”.
Mẹ tôi bảo:
“U xin con. U năn nỉ con. Dù con đi tái giá, u vẫn coi con là dâu con. Nói chuyện với thằng Trưởng xong rồi thì cho u gặp nó với. Từ ngày thằng Trưởng đi bộ đội, u mất phúc chưa một lần được gặp nó”.
“Con vẫn đứng đây thật mà. Phiên chợ năm nay, hình như anh ấy không về. U ơi! Con chờ mãi. Khấn vái, cầu xin mãi, nhưng anh ấy vẫn biệt tăm. Con đang tủi thân nghĩ, anh ấy không về vì biết con mỗi năm già thêm một tuổi”.
Tôi kinh ngạc quá. Không thể lẫn lộn thực hư như thế được. Đúng cái khăn mỏ quạ này, chị dâu cũ chấm nước mắt. Đúng bộ quần áo màu tím hoa cà này. Đúng gương mặt đuôi mắt nhiều nét chân chim đẫm lệ này. Chả lẽ! Chả lẽ!
Tôi chợt nhớ đến vệt máu gà đen quệt lên mặt người đi chợ Âm Dương. Có thể chị đã lấy khăn mỏ quạ chấm nước mắt và vô tình lau hết máu gà đen. Thôi rồi! Ngẩn ngơ là phải. Quên hết những gì vừa gặp là phải. Cũng may cô hồn không dắt đi lang thang.
Bất chợt có tiếng gà gáy te te. Một con gáy, cả lũ đáp lại. Tất cả cùng cất tiếng râm ran. Té ra, có ai đó vừa bán con gà đen cuối cùng đánh rơi đồng tiền, liền bật lửa lên tìm. Họ quên rằng mắt gà đen thấy ánh lửa tưởng trời sáng thi nhau gáy. Đến lượt cô hồn nghe tiếng gà gáy cũng tưởng mặt trời sắp mọc vội vã biến mất khỏi chợ đêm. Thật kì lạ!
“Ôi trời ơi! Tiền của con? Tiền của con bán gà đen đâu rồi?”
Chị dâu cũ sờ nắn túi. Tôi và mẹ nhìn quanh. Chẳng thấy đồng tiền nào. Mấy người bên cạnh cũng xúm vào tìm giúp. Tôi hỏi:
“Chị nhớ xem. Lúc tối bán gà đen xong, chị bỏ vào đâu?”.
“Tôi bỏ vào túi này mà”.
“Đưa em xem nào”.
Tôi túm lấy vạt áo chị, thò tay vào trong túi. Chẳng có đồng xu nào, chỉ những tiếng lào xào phát ra. Tôi móc lộn túi chị ra. Trời ơi! Lá khô bay lả tả. Chị Thơm kêu thảng thốt:
“Mẹ móc túi mẹ xem nào.”
Mẹ tôi bảo:
“Tiền bán xong, u mua vàng mã và trầu cau đây rồi”.
“Còn cô. Cô xem lại tiền của cô đi”.
Tôi cũng móc túi. Chẳng có xèng nào. Các ngón tay chạm các vật cưng cứng kêu lạch xạch như vỏ hến cọ vào nhau. Tôi lộn mề túi ra. Ôi trời! Vỏ hến thật. Toàn vỏ hến với vỏ hà.
Tôi choàng tỉnh dậy. Mặt trời chiếu những tia nắng mới đầu tiên trên tàu lá chuối bên cửa sổ. Sáng bảnh mắt. Tiếng gà kêu táo tác. Mẹ tôi bưng thúng từ thềm hè bước vào nhà, đặt mủng đựng gạo nếp, hương, vàng mã xuống đất.
“Mẹ đi chợ Âm Dương về muộn thế. Con chờ chẳng được, con về từ lúc còn tối trời”.
“U đi chợ Bút chứ”.
Mẹ tôi mắng yêu:
“Cái cô này mơ ngủ. Chợ Âm Dương nào?”.
“Chợ Âm Dương tối qua ấy. U với con gặp chị Thơm ở gốc cây đa bên miếu cô hồn mà”.
Mẹ mỉm cười bởi sự hồn nhiên ngơ ngác của tôi, bảo:
“Đêm nay mới họp cơ mà”.
“Không! Con còn nhìn thấy anh Trưởng và chị Thơm gặp nhau. Chị ấy mặc cái áo màu hoa cà còn mới có một mụn vá”.
“Thì áo chị ấy có mụn vá thật. Nhưng, sáng nay nó mới đón đường u đi chợ qua rồi gửi cái áo này. Thằng thọt chân chồng nó ghen lồng ghen lộn. Tối nay, nó lén sang đây rồi mới dám mặc đi chợ Âm Dương”.
“Lạ quá, u ạ! Con còn thấy mẹ con mình bán gà đen và được toàn tiền vỏ hến với lá khô”.
“Ôi! Giời ơi! Con ơi là con. Ngẩn ngẩn ngơ ngơ thế? Mày bị cô hồn nó bắt rồi. Tối nay, chợ Âm Dương mới họp. Hai con gà đen còn kia kìa đã bán đâu”.
Ờ nhỉ! Hai con gà đen đang mổ thóc ngoài sân.
Tôi lạ quá.
Chả lẽ lại là một giấc mơ thật. Tối nay tôi mới đi chợ Âm Dương.
S.N.M
VNQD