. TRUNG SỸ
Gần chục hôm nằm li bì, đến nay những cơn sốt ác tính tạm lui. Trung tỉnh dần. Đã chấm dứt những mũi quinin dầu tiêm buốt quắn mông, những đêm rấp khăn nóng day chườm cho cục u thuốc như trái táo độc tan nhanh. Cùng với sức trẻ trai, thính giác Trung dần hồi phục. Tiếng gió rũ sương lộp độp rơi trên mái lán, tiếng tắc kè chẵn mưa thừa nắng cầm canh từng khắc đêm thâu là những tiếng đời đầu tiên trở lại sau trận sốt ù tai.
Minh họa: Phạm Hà Hải
Gió chướng hun hút lùa qua kẹp núi, đẩy hơi xăng dầu bên khu hậu cần bay sang rạo rực. Mùi xăng dầu gọi nhớ những sá cày ẩm ướt, hăng nồng hương đất mới quê nhà. Lưỡi cày máy băng băng lật đất làm những con nhái nâu nhảy tứ tung vì hoảng sợ. Tàn giấc mơ trưa. Mùa đông Bắc Việt thoắt chìm vào xa lắc. Mái lán điều trị cựa mình, lắc rắc kêu nỏ trong buổi chiều khô xác. Trung mở mắt, ngạc nhiên khi thấy mình đang nằm trong chiếc võng lạ màu thiên thanh. Chỉ đôi dây võng sờn dường như vẫn cũ. Những tấm vách lán đan bằng cỏ gianh không vàng như thường thấy, lại ánh lên màu hồng nhạt.
Nghe chừng khô dữ vậy ta. Trung nhỏm dậy rờ rờ tấm liếp, thử bẻ mấy cọng vò nhẹ. Cọng cỏ gianh sắc lẻm vỡ vụn trong tay thành những mảnh thủy tinh hồng phấn. Một con chó hồng mượt chạy qua cửa lán dừng lại một thoáng, thè lưỡi nhìn Trung như chế giễu. Ngoài kia, rừng ruộng chân núi Kravanh cũng đang trải một màu đào hoa ngút mắt dưới bầu trời thiên thanh rực rỡ. Ngọn gió khô lạnh trào lên như biển dâng, cuốn theo lớp lớp lá rụng thành những con sóng đỏ chạy dọc triền rừng.
Thật lạ lùng đến không tưởng. Trung thuộc nằm lòng nguyên lí thị giác và phổ màu từ năm thứ hai trường đại học Mỹ thuật, mái trường Trung theo học trước khi số phận run rủi sang đây cầm súng trong cuộc chiến này. Lòng nghi hoặc phân vân, Trung lững thững lên phòng khám. Phiên chủ nhiệm khoa nội đang ngồi vào sổ y vụ, khuôn mặt thậm chí hồng rực như vừa uống rượu. Nghe Trung thắc mắc chuyện cảnh sắc đổi màu, Phiên trợn mắt nhìn, bày luôn vài thứ đồ sẵn có để thử thị giác. Chiếc quân hiệu vẫn màu đỏ nhưng chiếc mũ cối đã chuyển màu xanh dương. Khẩu súng K54 trên bàn vẫn màu đen sừng nhưng những viên đạn trong băng lại hồng lên như kẹo. Phiên trầm ngâm gõ bút lẩm bẩm:
- Khuyết sắc Dalton. Thể Tritanopia.
- Là gì thế bác sĩ ơi?
- Là trong máu có thể thiếu hồng cầu hình liềm nên tạm thời mắt bị khuyết màu vàng và xanh lam thể nhẹ. Em có bao nhiêu hồng cầu kí sinh trùng sốt rét nó gặm gần sạch rồi. Cứ yên tâm điều trị. Thể lực khỏe lên biết đâu sắc màu đời thường sẽ về lại. Ráng lên anh lính họa sĩ.
Phiên ghi bổ sung thêm mấy dòng bệnh án, ôm vai Trung động viên. Thế đấy! Kí sinh trùng nhiều hơn huyết sắc tố. Họa sĩ mù màu. Những con muỗi rừng bé tí nhưng khát máu lính còn hơn cả thần Ares. Trung cay đắng nghĩ rồi bỗng phát khùng. Miễn khẩu súng với áo địch vẫn đen như trước thì bố mày chơi ngon, chẳng việc gì phải ngán thằng lính Pốt nào. Mẹ kiếp!
Chủ nhật tươi hồng. Sáng đi xe bò, chiều đi xế lô. Tối lai con bồ, một trăm kí lô… Khi sức khỏe trở lại thì người ta vui vẻ và ham hoạt động. Trung huýt sáo theo ca khúc quốc tế thịnh hành đang rộn ràng tiết tấu từ chiếc radio của bác sĩ Phiên, thắng bộ tươm nhất ra chợ chơi. Bộ đồ trận bây giờ ánh lên màu xanh hồ thủy. Phải rồi. Mắt mình nay vắng sắc vàng lam nên màu lục đã biến thành màu trời xứ lạ. Bóng lam thạch dãy Hoàng Liên đổ xuống đồng vàng Than Uyên mùa gặt quê nhà chẳng biết bao giờ gặp lại. Điều đó thật buồn nhưng chẳng hề chi. Còn may mắn hơn khối thằng nằm trong những tấm tăng vùi ba thước đất ở nghĩa trang tạm sau quân y viện kia.
Phố xá hậu phương vui phơi phới. May mình không bị mù khứu giác. Những lò đường thốt nốt bên kia đường đang đỏ lửa khuấy lên ngọt lịm không gian, quện với mùi cà phê rang thơm phức. Hương đời bình dị khiến Trung bỗng nhớ hương dịu dàng một bó mùi già tất niên xa lắc. Thấy ngôi chùa gần quân y viện người xúm đông xúm đỏ, Trung tạt vào xem. Dân quanh vùng đang tập trung làm công quả, trùng tu những kiến trúc tôn giáo cũ bị bọn vô thần áo đen đập phá. Thợ nề bắc giáo trát lại các bức tường, bảo tháp long vữa. Phụ nữ trẻ em quét dọn lá rụng sân chùa. Tượng Phật lớn chính điện đã tu sửa xong, sắc màu rực rỡ. Gương mặt thiện lành phổ độ chúng sinh của đức Thích Ca Mâu Ni như tiếp thêm cho Trung những năng lượng mới, đầy tràn hi vọng.
Trên giàn giáo thấp, vị sư già trụ trì, một nghệ nhân thực thụ đang phác thảo những nét than phục chế bộ bích họa sự tích, sử thi nhà Phật. Giữa bức tường trắng nơi đây có ai ngờ hội ngộ toàn các vị thần quen biết Trung đã vẽ nghiên cứu, dựng hình họa từ tài liệu đọc thêm ở thư viện nhà trường. Thần Brahma bốn mặt, thần bảo hộ Vishnu, thần hộ pháp Dvarapala, vua khỉ Hanuman…
Vị cao tăng già vẽ chậm và có vẻ mệt mỏi. Mồ hôi người đã thấm ướt tấm cà sa khoác lỏng. Như có thần Phật xúi bảo, thêm sự tự tin về khả năng hình họa vào loại nhất nhì khóa như các thầy nhận xét, Trung cởi giày tiến đến chắp tay xin phép đỡ đần công việc. Vị sư già trao cho Trung nhánh than gỗ hầm, thản nhiên như trao phúc phần bố thí cho Phật tử. Tín ngưỡng cùng nghệ thuật luôn dành cho tất cả nhân loại, kể cả kẻ sáng tạo lẫn người thưởng thức. Trung cung kính đón lấy khúc than tràm, bắt đầu những nét dựng đầu tiên. Hẳn có bề trên độ trì, hoặc cũng thể có tô hủ tiếu cùng li cà phê dằn bụng, Trung vẽ không biết mệt. Anh càng vẽ càng đắm mình vào không gian cổ tích. Hương tinh dầu tràm quá vãng ngủ trong từng phiến than nung chừng thức dậy, phảng phất bay bổng trong không khí tịch lặng linh thiêng.
Hai người mải mê làm việc, quên hết những người dân quanh vùng vòng trong vòng ngoài đứng chiêm ngưỡng bên dưới. Chốc chốc vị sư già ngó sang, hài lòng ngắm những nét họa thanh thoát và chính xác trong một bố cục có nghề của chàng Phật tử vãng lai. Cây xoài sân chùa thu tròn dần bóng lá. Bức phác thảo than tràm mô tả trận chiến oanh liệt giữa quỷ chằn Reap với hoàng tử Ream Kê cùng thần khỉ Hanuman cũng dần hiện ra đầy sinh động. Lo muộn giờ bữa quá đường, vị cao tăng đứng vẽ giáo bên gọi sang bằng thứ tiếng Việt chuẩn giọng Sài Gòn:
- Nghỉ thôi. Đạo hữu à.
Thấy Trung tỏ vẻ ngạc nhiên, nhà sư già mỉm cười đặt tay lên ngực tự giới thiệu :
- Cựu học trò Collège Petrus Ký năm 1945 trước khi xuất gia. Phụ thân tôi có thương điếm bên đó. Sau biến cố Pháp gây hấn ngày 23 tháng 9 năm đó, tôi theo người trở về vương quốc.
Viên than cuối cùng vỡ vụn khi Trung thở phào nhấn mạnh nét cuối. Hai người bước xuống giáo trong những cái chắp tay cảm ơn thành kính của dân phum đứng xung quanh. Trung chắp tay đáp lễ, áo đẫm mồ hôi nhưng thấy hồn mình thanh thản vô cùng.
Minh họa: Phạm Hà Hải
Kể từ hôm đó, sau giờ lĩnh thuốc điều trị, Trung đến chùa vẽ từ sáng đến chiều. Anh như được sống lại thuở sinh viên thanh bình. Các tăng lữ Nam tông trên chùa chia bữa trưa khất thực cho Trung như một kẻ đồng đạo. Khi có những món nấu khéo từ thịt bò, đạo hữu luôn để dành cho Trung. Những loại thịt đỏ luôn tốt cho việc tái tạo hồng cầu. Dường như họ biết căn bệnh khuyết sắc của anh vậy.
Đã đến giai đoạn phủ màu. Trung ngạc nhiên, mê mẩn ngắm những tuýp màu dầu chính hãng hiệu Lukas được dân buôn chuyển về từ mãi tận Thái Lan. Loại màu dầu thượng hạng đắt tiền, nhiều thầy dạy anh cũng chỉ dám dùng trong những tác phẩm tâm đắc, nói gì đến đám sinh viên nghèo kiết xác. Michelangelo xưa bắc giáo vẽ trên thánh đường Sistine cũng chỉ ưa dùng đến loại màu này. Chúa với Phật đều dạy loài người đời là cõi tạm, nhưng các ngài lại luôn chọn những thứ tốt nhất cho mình. Trung bật cười liếc nhìn đức Phật Thích Ca đang lẫm chẫm những bước sen sau chính điện. Hẳn ngài đã thấu thị mọi ý nghĩ của gã Phật tử tinh quái nên độ lượng mỉm cười.
Những hộp thiếc chứa màu lóng lánh dưới nắng sớm, thơm như hộp kẹo. Thoạt đầu việc hòa sắc trên pallet khiến Trung khá lúng túng bởi khiếm khuyết thị giác. Trung mô phỏng theo tông màu của nhà sư già nhưng không cảm thấy thỏa mãn vì phần lớn trong bích họa dân gian là màu sắc nguyên khai. Trong mắt anh, màu đỏ và màu cánh sen vẫn nguyên như cũ. Màu lá cây xoài đã chuyển xanh ngọc bích. Thêm màu hường nhẹ gương mặt Mei, cô gái xinh xắn hay mang cơm lên chùa cúng dường. Trung ghi chép kí họa, mô tả luôn vẻ đẹp thuần khiết phúc hậu của Mei trên khuôn mặt công chúa Sita, thầm mong cuộc đời cô không phải trải qua những kiếp nạn trầm luân như nàng. Mei chăm chú dõi theo từng nét vẽ, nửa lo lắng nửa hạnh phúc ngắm hình ảnh của mình trong xiêm áo hoàng gia rực rỡ. Vị sư già hài lòng ngắm nàng Sita mang gương mặt đời, nhẹ nhàng bảo Trung:
- Đức Phật Thích Ca xưa cũng là người thật. Trong mỗi con người chúng ta đều có lòng từ bi Phật tính. Chỉ có điều khác nhau chính kiến hay lí tưởng mà thôi.
- Khmer Đỏ đã giết bao nhiêu người vô tội trên đất nước này rồi. Chính kiến cực đoan cũng giết luôn lòng từ bi bác ái trong chính họ. Họ chẳng còn là người nữa. Bạch thầy.
- Phải rồi! Chính kiến là thái độ xã hội và nó xuất hiện sau. Từ bi nhân văn là thuộc tính có trước tiềm ẩn trong mỗi tâm hồn. Có nhiều người không có chính kiến nhưng vẫn sống nhân văn bác ái, như cô Mei của chúng ta đây. Đạo hữu à.
Được sự khích lệ từ hòa thượng trụ trì, Trung đắm mình vào các nhân vật đang thể hiện theo cảm nhận màu sắc cuộc đời. Phật Thích Ca Mâu Ni nhập thiền an tọa dưới bóng cây bồ đề. Quanh tòa sen có nhiều đệ tử mang gương mặt các anh em ta đang theo ngài hành đạo. Trung đẩy đưa cây cọ mềm theo những kí ức còn tươi như máu. Đây là chân dung Tường gà, thằng bạn thân cùng trung đội với khuôn mặt màu tím nhạt. Trung nhấn vào khóe miệng tươi như con gái của nó thêm sắc đỏ, chứ thực ra môi Tường xám chì vì sốt rét kinh niên.
Những ngày dài nằm chốt Krako, lính đơn vị ai cũng nuôi một con vật gì đó cho đỡ buồn. Đứa nuôi sáo đen sáo đá, thằng nuôi két hoặc chó. Riêng Tường ra dân mua nguyên một ổ gà ấp, khệ nệ bưng về định gây đàn. Tường bảo nuôi những con vật quen thuộc ở làng quê cho đỡ nhớ nhà. Cuối cùng không hiểu sao ổ trứng hỏng cả, chỉ nở đúng mỗi một con. Hằng ngày sau cơn sốt, Tường vác xẻng bộ binh đi vạc các ụ mối ra cho gà ăn. Mẹ con nhà gà theo sát chân, quấn Tường như hình với bóng. Nhìn cảnh Tường vác xẻng đi trước, gà mẹ đi sau, gà con lon ton chạy theo sau rốt trong buổi chiều xanh xao ai cũng bật cười. Từ đó anh em gọi nó là Tường gà, gà trống nuôi con.
Gương mặt trẻ trung cùng thân hình còm nhom của Tường hiện dần trên bức họa. Không phải trong bộ quân phục mà trong tấm y đắp cà sa. Nó đang khum tay cúi xuống cho mẹ con con gà mổ thóc. Đơn vị đi truy quét mấy hôm, Tường sốt rét ở lại trông cứ một mình. Anh em về đã thấy Tường trùm tấm đắp tắt thở nằm còng queo trên võng. Mẹ con con gà vẫn lúc cúc ấp nhau trên bụng Tường, như đang muốn sưởi ấm cho chủ. Trên cánh tay Tường, lũ mạt gà mút no máu lạnh, lấm tấm bám thành một vầng đỏ tía.
Trung dừng tay cọ, buồn bã thở dốc. Anh muốn ra sân châm một điếu thuốc Mei cho nhưng lại thôi. Người đồng nghiệp già ngó sang thấy Trung buồn, lại thấy hình người Phật tử xòe tay cho gà ăn dường như thấu hiểu. Ông chậm rãi khuyên nhủ:
- Bích họa tôn giáo dân gian cần tính trang trí ước lệ. Đạo hữu đừng cụ thể vân vi quá làm gì. Như thế mình mới tĩnh tâm mà người đi mới nhẹ bước thanh thản được.
Trung chắp tay xá vọng, cắm cúi pha màu. Tín ngưỡng nào chẳng bắt nguồn từ cuộc đời. Chúa với Phật dẫu nghìn năm tuổi nhưng cũng xuất thân từ con người trần thế. Con người chẳng đến nỗi đói khát để ăn thịt nhau như con vật, nhưng luôn xuất hiện những kẻ sẵn sàng gây hấn giết chóc lẫn nhau vì tham lam lãnh thổ, vì trái nhau chính kiến, hay đơn giản hơn chỉ vì khác máu tanh lòng.
Trung thở dài cầm cọ vẽ tiếp. Mặt chằn Reap xanh lét, răng nanh trắng nhởn nhe ra khiến Trung nhớ hàm răng thằng lính Pốt lực lưỡng đang cắn ngập họng thằng Tuyên liên lạc trong trận giáp lá cà phum Sằm Lốt. Hai bên cùng hết đạn lăn xả vào nhau dưới lòng suối cạn. Thằng Tuyên bé nhỏ biết đấu không lại, kịp rút chốt trái lựu đạn tức thì chia đôi. Thân dưới hai kẻ thù nát bươm nhưng phần trên thi thể vẫn siết chặt lấy nhau trong phút giây sinh tử. Anh em thu gom tử sĩ phải gỡ mãi mới tách được họ ra. Trung vẫn nợ Tuyên 32 đồng tiền Việt và 15 đồng Rịa. Tiền này nó gửi nhờ Trung mua đôi dép tông Thái vì biết anh sắp được gọi về cứ trung đoàn vẽ trang trí hội nghị mừng công. Tuyên dặn đi dặn lại chân em nhỏ, anh mua cỡ 7,5 thôi. Chọn màu vàng ấy, còn thừa tiền thì mua cho em cái album nhựa.
Đôi tông Thái chưa kịp mua... Trung ứa nước mắt nghĩ đến món nợ. Không lẽ những nhân vật trong bức họa đời mình lúc nào cũng chất chứa toàn máu với nước mắt thế này. Những người lính chúng ta nào đâu phải thánh thần gì Tuyên ơi. Tăng đoàn thường đi chân trần trong chùa nhưng tao sẽ vẽ đôi tông cho chân mày nha Tuyên. Vẽ xong rồi tao phủ vạt cà sa lên. Như thế sẽ tròn ước mong ấm chân mà chẳng ai thấy để trách mày khiếm lễ. Còn tiền khi có ai đi phép tao sẽ gửi về quê. À thôi, tao vẫn sẽ giữ lại mua hai đôi tông Thái. Thiếu đâu tao bù, coi như quà mày gửi cho ông bà già. Chiến tranh dường như cũng là các món nợ của mọi dân tộc vậy. Nó không chỉ xảy ra ngoài đời mà xuất hiện ngay cả trên các bích họa tôn giáo kia, trong không gian đầy từ bi hỉ xả chùa này. Để bảo vệ lẽ phải, các thần hay á thần từ Đông sang Tây cũng đánh nhau chí chết. Hỉ xả từ bi hóa ra vẫn cần dũng sĩ. Tao cũng vậy thôi Tuyên à. Buông cây cọ ra khỏi chùa lại cầm súng như một định mệnh.
Bên cạnh Tuyên, Trung vẽ Hà ruồi, hai đứa bạn thân cùng làng. Mu bàn chân Hà có cái nốt ruồi lớn. Hà bảo đó là nốt ruồi sát cá con của Long vương. Nếu nó nằm dưới gan bàn chân thì tao đã vùng vẫy khắp thiên hạ như Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Vẫy vùng nào không biết nhưng từ khi có Hà, đi đến đâu đại đội cũng có cá tươi. Chốt biên giới ngã tư Nhà Thương mùa mưa nước ngập trắng đồng. Lính phải chôn các lu mái âm xuống đất làm công sự. Hà chôn thêm một chiếc lu cạnh bờ nước chảy, lấy bùn xoa nhẵn vùng quanh miệng lu làm nhậy bẫy, lại giả bộ hú gọi cá về. Cá nghe lời Hà về thật. Sau một đêm, dưới đáy lu đầy nhóc những con lóc đen lớn cỡ bắp tay, rô mề không kể. Khẩu phần cơm vắt chiến hào tiền duyên có thêm những khúc cá lóc kho khô thơm phức. Hà dính mìn K58 khi đánh vào Amleang. Cái bàn chân nốt ruồi con của Long vương bị hơi nổ tuốt lên đến tận đùi, trơ lại các lóng xương hồng nhám khói. Hà ngồi dựa vào Trung ngơ ngẩn nhìn cái chân cụt, thản nhiên bảo thôi từ nay chúng mày tự kiếm cá mà ăn. Ga rô làm đéo gì nữa. Tao đi đây! Nói xong Hà tắt thở. Đôi bàn tay Trung dính quánh đầy máu bạn.
Trung vẽ Hà còn đủ hai chân, vẽ cả cái nốt ruồi dị con của Long vương đen lánh dưới vạt cà sa. Anh vừa vẽ vừa âm thầm trò chuyện với những nhân vật của mình. Bây giờ Trung đã nắm bắt được bảng màu ưng ý nhờ quan sát phỏng theo màu thực thấy từ khung cảnh xung quanh. Dưới bàn tay Trung, những bạn bè tử trận dần tụ họp về quanh đài sen dưới bóng bồ đề. Tuyên con, Quang đen, Tường gà, Hà ruồi, Thành xoăn… những kẻ phong sương áo lính với đủ loại hỗn danh trần thế buông cây súng bỗng thành con nhà Phật. Mỗi người một sắc thái riêng, mỗi người một vẻ nhưng chưa kịp gợn nét khổ ải trầm luân như các vị La hán trong một bài thơ mà Trung vẫn nhớ. Từng gương mặt Phật tử nơi đây vẫn in dấu tuổi thanh xuân vĩnh viễn.
Ngày lại ngày cứ thế trôi. Bức bích họa hoàn thành cùng lúc Trung được ra viện. Nhà chùa giữ anh nán lại vài hôm gắng vẽ nốt cho xong. Sớm nay nghe tiếng chim hỉ tước kêu sớm, cha mẹ giục Mei đến chùa mời Trung về nhà chơi. Trung mượn tấm gương tròn của Mei, soi mặt mình tự họa nhân vật cuối cùng trong đoàn đệ tử theo đức Thích Ca đi truyền đạo. Việc này anh làm giống như để lại một chữ kí kỉ niệm, và cũng muốn để cho tụi thằng Tường thằng Tuyên thằng Hà ở đây luôn thấy mặt bạn chí cốt, chúng sẽ khỏi buồn.
Mei sợ xui không muốn Trung góp mặt trong đoàn tăng lữ, mếu máo giữ chặt tay không cho anh vẽ tiếp. Vị cao tăng già bước tới nhẹ nhàng lấy lại cây cọ, đẩy Trung về phía cửa, nơi Mei đang giàn giụa nước mắt:
- Phật đã chứng những dũng sĩ lòng thành. Con cần cho cuộc đời thực hơn. Đi đi các con!
Mei kéo Trung bước ra cổng tam quan. Trung xòe đôi tay xanh xao vẫn còn dính mấy vệt màu ướt đỏ tươi như máu, chùi vội vào gốc cây bồ đề. Anh quay sang Mei hỏi giỡn: “Có thực trên đường tu đến Phật / Trần gian tìm cởi áo trầm luân?”*. Mei không hiểu nhiều tiếng Việt, nhìn Trung rạng rỡ cười. Ngoài kia sông Pursat phấp phới bay như một dải lụa thiên thanh dưới nắng. Rừng khộp trào lên từng cơn sóng đỏ trên ngọn gió hoa đào.
T.S
--------
* Câu thơ trong bài Những vị La hán chùa Tây Phương của Huy Cận.
VNQD