Chuyến than cuối

Thứ Sáu, 30/12/2022 07:45

Tôi trở lại Ngọc Hiển thăm cậu tôi, đó là những ngày mưa dài của mùa hè năm 2009, khi tôi còn là giáo viên cấp 2 đang lấn cấn nỗi buồn về nghề nghiệp mình đang theo đuổi, những khuôn mẫu giáo dục áp đặt với phương pháp dạy học kìm hãm sự sáng tạo của học trò, tôi mắc kẹt giữa những dự định tương lai: tuân theo tư duy giáo dục của số đông để tiếp tục công việc dạy học hoặc bỏ nghề khi thấy công việc mình làm không còn nhiều ý nghĩa.

Cậu tôi là một người thợ rừng, có ngôi nhà cao dần theo mùa nước lớn nằm gần dòng Tam Giang xuôi ra biển Đông. Đêm nằm nghe sóng vỗ vào chân “nhà cao cẳng” vài vạt đất đổ xuống lòng sông, buồn không ngủ được ngó ra ngoài cửa sổ ngắm những đốm lân tinh sáng vụt lên theo tôm búng mình rồi tắt lịm trong phút chốc. Tôi thấy những chiếc xuồng xé nước chạy trong đêm chở củi, hỏi ra mới biết đó là những người thợ than.

Tôi theo cậu vào rừng, những người thợ than quắc thước, da sạm đen, đôi bàn tay gân guốc. Hầu hết là đàn ông nhưng cũng có đàn bà theo nghề này, họ làm lụng nặng nhọc, vất vả không kém gì đàn ông. Bụi than che lấp hết các đường nét gương mặt họ dù đã bịt kín bằng khăn, khẩu trang vải, duy chỉ có đôi mắt sáng và miệng cười lộ hàm răng trắng. Họ hiền hòa, vui vẻ, chân thật rất khác với vẻ ngoài “dữ tướng”, bữa cơm ngoài bìa rừng không nhiều thức ăn nhưng không hiểu sao với tôi rất ngon, đến giờ còn nhớ mãi.

Theo họ một ít lâu thì tôi được đến các hầm than ẩn sâu trong rừng. Một lần, có người thợ than lúc đốn củi, dao phát trượt tay chém phăng nửa bàn tay, máu xối đỏ cả tán cây đổ gục trước đó. Thợ than được đưa đi trạm xá với một nửa bàn tay còn lại, nửa bàn tay bị chém lìa văng đâu đó xuống kênh nước, anh em cùng đi đã nhẩy xuống mò nhưng không tìm được. Đêm đó lửa vẫn phải đỏ, hầm than vẫn phải đốt, tôi nhìn thấy những ngọn lửa ba chòm kì dị…

Ba đêm trắng, sau khi rời Ngọc Hiển, tôi viết Chuyến than cuối.

Câu chuyện ấy ám ảnh tôi mãi. Một năm sau tôi bỏ nghề dạy học và theo hẳn nghiệp viết văn.

Nhà văn NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ

*****************************

1.

- Má! Tưởng trót lọt. Ai dè xui tận mạng.

Tư sẹo ném rựa xuống bùn chửi thề. Vết sẹo kéo dài từ cổ cho đến ngực trái lồi những đường thịt đỏ lựng gớm ghiếc. Nghe đồn vết sẹo này do vợ Tư chém khi Tư đấm vỡ hàm nhân tình của thị. Đờn bà khi chung tình thì tới chết mà phụ bạc thì ác cỡ Phan Kim Liên. Tư ôm ngực xách con gởi cho bà nội rồi bỏ vô rừng sống cả chục năm nay. Từ đó tên Tư có thêm đuôi “sẹo”, Tư sẹo lâm tặc.

Bắt đầu mưa, nhóm thợ than năm người chạy thục mạng trốn kiểm lâm bỏ bốn hầm đang đốt trong rừng đước. Bỏ hết đồ nghề, chỉ kịp xách mấy cây rựa. Lố nhố người đứng, người ngồi, người nằm xoãi ra trên nền đất ướt. Mưa lớn hột, thây kệ, không thèm vuốt mặt. Bụi than bám trên mặt, trên người, mưa loang lổ đám đậm, đám lợt, hòa vào nhơn nhớt lờ nhờ lẫn với máu đỏ từ bàn chân thằng Tám đạp lên gốc đước tét thịt hồi nãy.

Tư sẹo bật dậy khoát tay:

- Má! Khổ như con chó. Tao còn tiền, giờ ra chợ uống rượu xả xui rồi tính tiếp.

Không ai nói gì, vục mặt xuống kênh té nước lên mặt. Mặn. Chu choa xót. “Rẹt”, thằng Tám xé vạt áo cột bàn chân chảy máu.

- Thằng ngu, nhiễm trùng chết cha. Để đó tao.

Trung nói xong quẳng áo xuống đất, ngồi bóp mạnh vết thương cho “máu độc” chảy ra, xong bứt nắm cỏ dại rửa qua nước nhai nhồm nhoàm đắp vô.

Mưa dứt.

Lại đi.

Năm người. Như năm con quỷ chui từ dưới địa ngục lên. Đen. Dơ dáy. Hôi hám. Lết trên đường. Rừng Xẻo Cạn hốc hác lùi sau lưng lở loét. Thị trấn lên đèn, năm người rừng kéo vô quán thụt sâu trong hẻm. Chủ quán gặp khách quen hất hàm hỏi:

- Đầu, dụm chó, cháo đậu xanh hả?

- Thêm mấy cái c. chó cho sung.

Chủ quán bĩu môi:

- Toàn thứ vợ bỏ mà làm phách.

- Câm họng. Vô làm đi, nhiều chuyện.

Tư sẹo nhổ nước bọt, gườm mắt nạt. Chủ quán lúc lắc đi vô, mặt bóng nhẫy nặng nề, từng múi mỡ rùng rùng theo bước chân. Tư sẹo nói vọng:

- Cho tui thêm xoong nước nóng để thằng Tám tắm sơ nghen. Nếu có sẵn mấy viên đề xa quẳng ra cho thằng nhỏ uống luôn.

- Nó sao?

- Đạp gốc đước.

Tư sẹo dòm Tám. Nó gầy như nhánh đước khô bị người ta quẳng ngoài bìa rừng. Vài tháng trước nó từ đâu chui ra không biết tới tìm Tư, năn nỉ cho theo hầm than kiếm sống. Hỏi sao nó biết mà tìm thì nó nói để ý Tư lâu rồi. Nó không còn cha mẹ, sống đầu đường xó chợ như con chuột. Tư không nhận nó, xã hội có thêm thằng ăn cướp là lỗi của Tư. Xách lỗ tai thằng nhỏ ăn nói bặm trợn bợp một cái là xong thủ tục nhận lính mới.

- Cho mượn chỗ một đêm nghe bà chủ. - Tư sẹo vóng lên.

- Phía sau chỗ cái lò nấu rượu đó. - Chủ quán vừa vung dao chặt ức chó vừa đáp hắt ra.

Những kẻ đói ăn lâu ngày, loáng một lát, trên mâm sạch bách, chỉ còn cái đầu chó cười hềnh hệch theo chiều xoay của Tư sẹo. Mõm nó hếch về phía ai người đó cạn li. Rượu không làm người ta vui hơn hay buồn thêm, nếu có chỉ là cái cớ. Thằng Tám leo lên võng cuốn tròn nằm ngủ. Một lát sau đã nghe tiếng nó ngáy đều.

Minh họa: Đặng Tiến

Chủ quán gật gù bên mớ thịt đã tẩm ướp. Không gì vô duyên giống quán nhậu ế khách, cũng như gái đẹp vô duyên không lấy được chồng. Chủ quán hồi con gái đẹp mê hồn, nhiều người mê, mà mê là mê vậy, chứ dòm thấy người phụ nữ một tay thọc huyết chó, một tay thui rồi xả thịt, không ai dám nghĩ đến cưới hỏi gì. Mấy mươi năm thừa mứa để người ta quên mất từ Nguyệt trong tên, gọi chỏng lỏn Hằng thịt chó.

Tư sẹo nhìn đám anh em đang ngà ngà. Mọi lần uống rượu bọn chúng luôn chửi thề theo thói quen hoặc chọc ngứa bà chủ quán lắm lời cho xôm. Nhưng hôm nay thấy mặt ai cũng làn lạt, buồn buồn.

- Nếu không bị bắt mình chia nhau cũng vài triệu heng anh Tư? - Mở lời là Pho Lil người Khmer, đen nhẻm như cục than, duy có đôi mắt lúc nào cũng sáng như chứa lửa hực lên.

- Em tính xong đợt này về quê cưới vợ. Nó nói kì này không về hỏi cưới nó bỏ đi lấy chồng Đài Loan. - Đô cúi xuống nhìn cái đầu chó chán nản.

- Thằng này coi vậy mà sến dễ sợ. Đờn bà xứ này nhiều như muỗi U Minh…

Trung phá lên cười. Tiếng cười không ai hưởng ứng thành ra đắng nghét kì kì. Mắt Đô đỏ quạch, nốc cạn li rượu, mặt vẫn không ngẩng lên hệt như đang băm nát cái đầu chó bằng mắt. Nghe rõ hết nhưng Tư không nói gì. Cái vẻ côn đồ khi tranh giành địa bàn với các nhóm đốt than khác đi đâu mất, lúc này Tư hiền khô, ngực phanh để hở vết sẹo kinh sợ khác với đôi mắt Tư. Mắt Tư hơi sụp, buồn buồn. Bốn hầm than hòm hòm cũng được gần bốn trăm kí, tính ra cũng được gần hai mươi triệu. Than Cà Mau có giá, người ta chuộng vì là than đước, cứng chắc, cháy lâu, ít khói, mùi khói thơm. Cũng tính làm chục hầm nữa rồi giải tán anh em. Nghề than nó bạc dữ thần. Nó ám đen hơn mõm chó. Tư hé mắt nhìn thằng Đô, cái thằng tướng tá ngon lành chỉ mắc cái tội nghèo. Nhà nó đâu bên Lung Sình, Bạc Liêu, theo Tư ba năm chưa khá. Nó lì, không sợ thứ gì mà lụy tình phát ớn. Cực khổ, đói bệnh không kêu, nhớ người yêu than trời. Đờn bà là cái thứ sanh ra để làm khổ đờn ông, Tư nói nó vậy, nó quay qua trả miếng: Không phải ai cũng như vợ anh Tư đâu nghen. Ờ, có ai như vợ Tư. Tư đau hơn bị chém, nhưng không hề giận nó. Kì này Tư kiếm chỗ mới đốt chục hầm biết đâu thằng nhỏ kịp lấy vợ.

- Thôi nghỉ bây. Mà ngủ đỡ đêm nay trong quán được không? Mai tụi này qua Xẻo Đôi. - Tư sẹo quay qua chủ quán hỏi lớn.

- Được, trải đại ra sàn đi. Xong trả tiền đi mấy cha, hai trăm. - Hằng giật mình tỉnh đáp gọn lỏn, quơ nắm chiếu cũ quẳng ra đằng trước.

- Ai giựt mà dữ…

- Coi vậy chớ đây bị giựt không ít rồi nghen.

Nói rồi chủ quán phủi tay xếp ba mớ thịt chó vô trong thùng xốp ướp lạnh, nhanh tay lấy tiền từ Tư, thảy đại mâm chén vô thau, kéo cửa đánh rẹt vô buồng ngủ.

Đám thợ than để nguyên bộ mình lẫn lộn đủ thứ mùi hôi hám lăn ra chiếu. Có rượu, sau vài cái trở mình lẫn tiếng thở dài than oán của Đô rồi ai cũng ngủ ngon ơ. Nhưng Tư không ngủ được, Tư vuốt vết sẹo trên ngực, chỗ đó tự nhiên nhói chịu không thấu. Tư nhìn qua tấm liếp, mảnh trăng non thả sáng yếu ớt. “Má! Muỗi.” Tư quơ tay ram ráp. Tư đi ra phía sau gắp mấy cục than còn đỏ bỏ vô cái lò nhỏ ăn cháo khi nãy, kiếm mấy miếng vỏ dừa chất lên cái um muỗi đặt dưới chân đám thợ rồi tới chỗ thằng Tám. Thằng nhỏ ngủ chỗ này coi bộ có lí, khói củi mắm chát ngắt muỗi không dám tới. Tư lách tấm liếp đi ra, lót dép ngồi ngay hàng ba. Bụng dạ hỗn độn một đám y ngày Tư xách thằng nhỏ ba tuổi gởi má rồi đi biền biệt tới giờ, ba tháng một lần gởi tiền về lo ăn học. Chắc con Tư giờ cũng trọng trọng, chục năm đằng đẵng chớ ít gì. Mà cũng ngộ ghê, mười mấy năm chui rúc trong rừng, Tư chẳng ngán gì ngoài cảnh nhìn đám anh em gân guốc bầy hầy thấy tội, miếng ăn sắp đưa lên miệng mất trắng. Trăng non xê xế, lác đác tiếng chó sủa đêm, mấy bóng cây trùm xuống đường nhìn giống đám người rách rưới không nhà ngủ gục. Sớm mai mới dẫn anh em vô Xẻo Đôi, chuyến này nhất định không để sơ sót gì.

- Khó ngủ heng?

Tiếng chủ quán, Tư giật thót. Mẹ này ngộ, ra đây chi giờ này. Chỗ Tư với Hằng thịt chó quen biết cỡ ngoài chục năm. Gọi là thân không hẳn, sơ cũng không đúng. Ba bữa nửa tháng Tư dắt đám thợ tới nhậu chơi riết thành mối quen.

- Ờ.

- Mai đi Xẻo Đôi heng? Kì rồi mấy hầm đứt vậy cha?

- Bốn.

- Uổng quá hà... Mà... Sao không về nhà kiếm công chuyện khác làm? Đốt than giờ khó ăn dữ lắm đâu như xưa. Rừng riết cũng cạn. Mà còn tiền xài hông? Dòm cái tướng là biết hết tiền. Lấy đỡ tiền tui xài nghe. Tui cho mượn mãn đợt hầm này trả cũng được. Heng? Còn không trả được thì lo thọc huyết chó dằn công cho quán tui trừ nợ.

Hằng nói liền mạch, tính toán tới lui hăng say. Tư cười khùng khục. Dưới trăng non nhan sắc cuối mùa của Hằng còn lại cái sống mũi cao, mắt có húp thịt nhưng vẫn còn to, da mơn mởn. Hằng quay qua đụng vô mắt Tư đang dòm mình. Tư bối rối hỏi trớt quớt:

- Sao mập dữ vậy?

- Thì buồn, ăn hoài. Mà thôi hỏi chi vụ mập ốm của tui. Nè, cầm tiền lo mấy hầm mới. Tui vô à.

Hằng ấn tiền vô tay Tư rồi mở liếp đi vô. Đêm xuống thấp, vạt rừng phía xa ẩn hiện, vệt đen vòm cây như bóng người lẩn lút kéo nhau vào rừng...

 

2.

Sâu trong Xẻo Đôi, mảng rừng lớn đổ rạp, những thân đước chục tuổi ngổn ngang. Năm người dưới ánh sáng của đèn pin đeo ở đầu rọi một tầm vừa đủ để hạ gốc. Rợn. Tiếng chim lợn xoắn ngay lỗ tai. Muỗi bu kín. Ngứa ran. Cành lá quất ngang mình mẩy. Nghiến răng chịu đau. Tiếng thở năm cái bóng chìm trong mớ âm thanh gãy đổ. Mặt sình non rùng rùng, tiếng óc ách của những bước chân di chuyển đan nhau.

- Má! Chết đi!

Trung gầm lên quất mạnh con rắn nước cỡ ngón chân cái vào thân đước. Con rắn quẫy thêm vài cái rồi nằm thẳng đừ trên mặt sình. Cả bốn người cùng dừng lại. Có tiếng Tư sẹo.

- Sao?

- Con rắn nước chui vô háng nhột thấy cha.

- Hên không gặp rắn hổ mổ chết nhăn răng.

- Thôi, làm đi. Còn chở qua bãi. Con trăng này nước lên sớm.

Loang loáng ánh đèn. Tám kéo lướt thướt những thân đước đã hạ ra một khoảng xa, hồng hộc thở. Đô kéo những cây đã phát gọn ra mé sông bó lại, dùng thùng mốp cho vào bao cột hai đầu bè cây. Tư ngẩng mặt nhìn trời, một khoảng trống lộ ra, áng chừng gần ba giờ sáng, sắp đến giờ kiểm lâm đi tuần.

- Rút!

Năm người trên hai bè gỗ theo thủy triều xuôi về bãi. Mệt bã, đói cồn cào, khát cháy họng. Xung quanh nước mênh mông nhưng mặn chát. Xuồng kéo bè trôi chầm chậm. Tám nằm co như tôm luộc ngủ gục trên xuồng. Phía sau lưng mảng rừng trống trơ gốc giống đoàn người mất đầu câm lặng. Dòng nhựa đỏ như máu tươi loang ra mặt sông bị màn đêm nuốt chửng. Nghe như có tiếng chân người đuổi phía sau, có tiếng gào khóc, Tư giật mình ngoảnh lại.

Đêm đen… Đoàn người không đầu rầm rập đuổi, máu từ những vết chém rực lên phía đám rừng vừa triệt hạ. Tư rùng mình, đấm ngực, từ dưới bùn nhô lên người đờn bà cao lớn tóc tai rũ rượi, hai con mắt to không tròng trắng rừng rực màu lửa vươn tay nắm cổ Tư thít chặt. Tư rú lên, lòng tay người đờn bà đẫm máu đựng hai con mắt đen ngòm vừa móc. Tư rú lên kinh hãi…

Tư té xuống lòng sông. Trung nhanh tay nắm cổ áo kéo lên.

- Anh Tư trúng gió hả?

Nằm trên xuồng Tư thở dốc, nạt:

- Tắt hết đèn. Chỉ để lại một cây rọi đường. Coi chừng chúng hốt.

Xuồng vẫn xuôi.

Gần sáng thì đến bãi, mảnh rừng khô nằm sâu heo hút trong cánh rừng phòng hộ. Kéo gỗ lên bờ xong, cả năm lăn ra nền đất lán nằm thở thác lác. Nhựa đước nhuộm đỏ. Đói muốn gục. Bò dậy lục ba lô lấy mấy gói mì tôm nhai sống.

- Sẵn làm luôn rồi nghỉ. Thằng Tám kiếm chỗ ngủ thêm, sáng chạy xuồng ra chợ mua đồ tươi, lát tao ra toa.

Tiếng lưỡi cưa liếm gỗ. Đô với Pho Lil vô lò, củi dựng đứng chồng từng lớp khít rịt, sát nóc chừa lỗ nhỏ cho khí lưu thông. Lúc này những con “quỷ đước” khéo léo điệu nghệ thuần thục chăm chú vô công việc. Tư sẹo đốt lửa ngọn, lửa dương.

Xế trưa năm lò than kín củi. Trung quây kín cao su xanh vào các lò che bớt khói lan xung quanh. Tám kéo xuồng vô lạch, bẻ mớ lá che xuồng rồi xách đồ vô lán. Tư lục mấy cái đĩa, lấy vạt áo lau bụi, xếp mấy trái xoài để trước cửa hầm gục đầu cúng bái. Lạ, hồi nào tới giờ Tư vô thần, nhưng không ai hỏi, muốn nói Tư ắt nói.

Bữa nay tươi. Tư chơi sộp, ngoài mấy xị đế ngâm chuối hột cho anh em đấm lưng, còn có thêm mấy gói ba số. Lán nóng hầm hập, hơi từ năm lò than ập vô. Môi ai cũng xám khói. Vậy mà bụng dạ nghe mừng rơn, nhất là Đô. Thằng chả gọi điện thoại cho người yêu năn nỉ ráng chờ thêm tháng nữa. Bữa đắp lò Tư kêu ráng đắp chín cái đốt một lượt cho có tiền bù vô bốn lò bị bắt trước đó. Đước Cà Mau mênh mông chặt đâu có hết. Nghỉ đêm nay, đêm mai chặt thêm bốn lò nữa. Ra than đợt này Tư cho anh em nghỉ chừng hai tháng coi tình hình chỗ nào dễ mần, tính tiếp. Riêng Tám nói Tư đi đâu nó theo đó. Nó đâu có nhà mà về, tiền được chia gởi Tư luôn để mai mốt có đủ một món cưới vợ chớ không như anh Đô người yêu hù hoài, nản.

Cả chục năm ăn than, nhìn khói Tư biết củi còn hay hết nước. Năm lò này chắc cỡ bốn ngày, bốn đêm là hết khói trắng, khỏi vô củi nữa, chỉ dùng lửa âm trong tro giữ nóng. Khi ngọn khói có màu ngũ sắc rồi lợt đi tỏa ra xanh biếc là than chín. Nhìn ngọn khói đó sướng gì đâu. Ngửi mùi than chín thơm y như khoai lang nướng, bắt ham.

Không nấu cơm chiều, hồi sớm Tư dặn thằng Tám mua chục ổ bánh mì với lố xúc xích, nước tương. Mấy anh em ngồi trước sông, hút tầm mắt trùng điệp là đước.

- Má! Thuốc lá thơm mà hút không ra ôn gì? - Tư quăng điếu thuốc xuống đất, dí nát.

- Ngon chớ! Ổng này ngược đời - Trung rít thuốc thả khói thành vòng.

Sẩm tối, mấy anh em nằm sắp lớp trong mùng trốn muỗi. Tưởng mệt đặt lưng là ngủ nhưng mấy người lăn qua lăn lại trên tấm nệm lác thao thức hoài, đành chuyện gẫu.

- Mày thứ tám nên tên Tám luôn hả?

- Ờ, má tui sanh tui thứ tám.

- Có thằng Chín thằng Mười hông? Ba mày làm ăn cũng dữ.

- Có. Nhưng không phải con má tui. Sanh tui được tháng má chống xuồng gỡ lưới rồi té sông chết. Ba tui lấy vợ mới, mấy thằng sau là con ổng với bả.

- Sao hồi đó mày nói không có cha mẹ nhà cửa chi? Mà ở nhà với ổng bả cho sướng đi theo tao chi cho cực?

- Bả đem má tui ra chửi hoài. Nổi khùng tui cuốn đồ bỏ đi.

Thằng nhỏ coi vậy mà lì trời thần. Nhớ đợt than mùa khô năm trước ở cồn Ông Trang, lúc mấy anh em kéo nhau ra chợ mua đồ, mình thằng Tám ở lại coi lò. Lũ cướp cạn bốn thằng rình vô cướp hầm. Chúng xáp lại, đè Tám xuống, trói siết cứng quẳng một chỗ rồi nhào vô hốt than. Làm sao đó lát sau thằng nhỏ tự tháo dây vung rựa hét lên: Tụi bay cà trớn dám ăn than mồ hôi nước mắt của anh em tao, tao chém hết! Ba lò, bọn cướp đã hốt gần hết hai, khẳm xuồng, thấy thằng nhỏ dữ quá chúng vội vàng leo lên xuồng giựt máy. Vừa lúc đó, đám Tư sẹo về tới chặn xuồng, nắm đầu xách thằng cầm đầu lên bờ. Tư sẹo xé áo, vết sẹo giựt giựt, mắt dồn đỏ như muốn bể mạch máu. Má! Muốn ăn than tao cho bọn bây ăn than. Tư sẹo đè ngửa thằng cướp nhét cục than còn nóng vô miệng. Nó lạy như tế sao, kêu tại khổ cực quá, đốt lò nào bị kiểm lâm dỡ lò đó, vợ đói con than, thấy nhóm này làm ăn đỡ quá, hên đủ đường nên rình hốt bậy lấy tiền xài. Tư kéo thằng đó lên dí sát vô gốc đước tính đấm cho bể đầu. Ngần ngừ Tư đấm thẳng vô gốc đước. Một mảng vỏ cây văng xa. Thằng cướp run lập cập. Tư chỉ mặt:

- Cũng là dân làm than, mày biết cực cỡ nào mới được nhiêu đó. Má! Ăn dộng thứ gì thì ăn lại đi ăn xương cốt của loại nghèo mạt hạng y chang nhau không biết nhục hả con? Má! Đói quá qua đây xin ăn tao cho, ăn cắp tao chém cụt đầu. Giờ hốt than lên! Nhìn kĩ mặt tao nghen, lần sau không có đường về xứ đâu con.

Kì đó Tư thả không cho mấy thằng ăn cắp. Nói mà không nhìn mấy anh em: Nghèo nó nhục dữ lắm. Đói thứ gì cũng quơ quào ăn bậy.

- Tư tính về thăm thằng nhỏ không? Lâu dữ... Tui tính xong mấy hầm này xin Tư cho ra học sửa máy rồi túc tắc kiếm con vợ. - Đô ướm hỏi.

- Xong chuyến này về đi Tư. Tui cũng nhớ má tui quá. Tui về kì này cũng vô chùa tu chừng một năm báo hiếu tạo phước cho ba má. - Pho Lil nói theo.

- Chị Tư phụ tình kệ thây cha chị. Con mình mình thăm. Mà Tư cũng tính chuyện cưới vợ mới đi. Coi vậy chớ bà Hằng thương thầm Tư rồi nghen. - Tám pha trò.

Tư nhăn mặt không nói gì. Hỏi chi mấy chuyện Tư không muốn nhắc tới. Tư nhớ con chớ sao không, thương thì ém ở trong bụng chớ không lẽ la làng. Chuyện vợ Tư, Tư đâu có hận. Mình bỏ đi miết đờn bà chịu đâu có đặng, không sanh chuyện này cũng chuyện nọ. Sống vầy Tư quen rồi, về nhà bó buộc Tư không chịu nổi. Mấy tờ tiền Hằng đưa Tư bữa giờ còn ấm trong túi, ấm tựa như cái bữa cổ đưa. Tư chui ra khỏi mùng coi vô củi mấy hầm than. Nhìn lò ngúm khói, Tư vái trời chuyến này êm xuôi, Tư về thăm má, thăm con một chuyến.... Bỗng Tư giật thụt lùi, thót tim trông thấy từ trong rừng người đờn bà đêm trước hốc mắt đỏ như lửa đưa tay móc hai con ngươi đen ngòm vươn tay tính nắm cổ Tư. Tư sụp quỳ, trời ơi thần rừng hiển linh tha mạng cho bọn nghèo đói này ăn than trót lọt chuyến cuối. Trong lán đã có tiếng ngáy đều, chỉ còn Tư đứng giữa trời đất mênh mông, bao quanh Tư trùng điệp, đám người kì dị nhổ bùn bước tới dần vây kín. Rồi họ bỗng tan ra hóa thành đám khói ngũ sắc khổng lồ y hệt đám khói đang tỏa ra từ năm hầm than. Thể xác người đờn bà méo đi, hốc mắt đổ máu, thân thể bị xé thành trăm mảnh quăng về phía Tư…

 

3.

- Còn bốn hầm, phải ráng. Thằng Tám với thằng Pho Lil ở lại canh lò. Đô, Trung theo tao.

- Cho em theo Tư. - Thằng Tám sấn đến xin.

- Ờ, cũng được. Cho ở nhà sướng không chịu, đi cực thấy mẹ mà đòi.

Tư chậc lưỡi, gật đầu. Bốn người nhảy lên xuồng vô rừng, sâu mãi vào đêm. Chỗ này lẫn lộn đước, mắm, dà. Tư chắp tay xá ba xá rồi vung rựa hạ gốc đước bự chảng. Tư quyết rồi, cỡ nào cũng phải đủ cây cho bốn hầm đêm nay. Ở các góc tiếng cây đổ ràm rạp. Tư dừng rựa nghe tiếng khóc yếu ớt như vọng từ mặt đất. Rừng đêm lạnh mà mồ hôi Tư đầm đìa như đứng kế hầm than. Tư hỏi lớn:

- Mấy đứa bây nghe thấy tiếng gì hông?

- Tiếng vạc chớ gì? - Tiếng Trung vọng lại.

- Tui không nghe thấy chi. Chỗ này thưa mà cây ngon quá Tư ơi.

Rõ ràng tiếng khóc lẫn tiếng thở đứt quãng của người đang hấp hối ngay sát Tư, day dứt, bám riết xuyên qua da thịt. Ánh sáng đèn pin rọi tứ phía. Không ai cả ngoài mấy thợ than. Thằng Tám phát cành tỉa ngọn ngay phía sau Tư. Tư căng mắt, nghiến răng chém mạnh vào gốc đước. Trời ơi! Gương mặt ma quỷ của người đờn bà đêm nọ. Mà không, ẩn hiện là gương mặt của vợ Tư. Không, không phải, phút chốc đã biến thành gương mặt của Hằng, tay cổ lăm lăm cầm con dao đâm chó nhắm thẳng ngực Tư.

- Đừng… đừng đến đây… chuyến này là cuối… tha cho Tư…

Tư hét lên, lùi lại, chạy bạt mạng như lên cơn thần kinh mà những gương mặt vẫn dai dẳng bám theo. Tư quơ rựa. Toàn thân Tư đẫm máu, rựa của Tư băm nát cả ba người đờn bà cùng đám người kì dị hàng ngàn chân mọc ra từ giữa thân.

- Máu người?

- Không. Máu của rừng đước đó! - Tiếng gằn vang giữa không trung. Người đờn bà mất đầu bàn tay vẫn còn cầm hai con ngươi đen nhánh túm lấy Tư. Tư cố sức giãy giụa kêu nhưng không ai nghe thấy. Người đờn bà giận dữ ném mạnh Tư xuống, bùn đen nuốt chửng.

- Trời ơi, Tư… Tư… Anh Đô, anh Trung ơi, Tư sao vầy nè…

Thằng Tám hét thất thần. Tư giãy giụa dưới thân đước lớn trấn ngang, cẳng tay trái muốn lìa, máu xối ra. Đô quăng rựa, đẩy cây, xé áo cột vết thương. Trung kéo xuồng nổ máy, hối:

- Từ đây ra trạm cỡ ba tiếng xuồng chạy. Siết đi... Trời ơi trời, máu chảy khiếp quá!... Cái rựa hồi chiều tao mới mài bén dữ lắm. Chắc trượt tay…

Xuồng lao đi trong đêm, phía sau đoàn người cụt đầu gục hẳn. Ánh đèn pin nhợt nhạt rọi trên lòng sông. Đô ôm lấy Tư. Tám siết cứng ngắc giữ hai phần tay sắp rời của Tư. Máu vẫn xối không ngừng. Tám khóc nấc lên, nước mắt chảy ròng. Tư sẽ chết… Ý nghĩ đó khiến Tám hoảng loạn.

- Nhanh lên đi trời ơi!

Tiếng xé nước ràn rạt, xuồng đã chạy hết cỡ mà Đô còn thấy chậm rì, hối miết, Trung muốn nổi quạo.

Tư nằm bình thản, không một tiếng rên. Tư mở mắt nhìn trời đêm. Đêm trong vắt, tiếng cá quẫy, tiếng chim lao xao gọi bình minh từ những vòm xanh. Chuyến này ra than, thằng Đô lấy được vợ, Pho Lil vô chùa tu báo hiếu, Trung về học sửa máy, còn thằng Tám không thích về nhà thì đi với Tư, Tư về kiếm bậy cái nghề nào đó nuôi con, má Tư già yếu rồi. Cũng có khi Tư đi bán thịt chó thiệt. Đầu óc Tư bồng bềnh...

Vừa lúc đó, khoảnh rừng sau lưng Tư năm lò than bỗng trổ lửa ngũ sắc cuộn lên kì dị rồi phát hoả ngùn ngụt. Chuyện chưa từng xảy ra ở nghề than vùng này…

N.T.V.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)