. TRẦN THANH CHƯƠNG
Trong một lần vào thăm trại giam tù binh Phú Quốc (còn gọi là nhà lao Cây Dừa), tôi đã vô cùng ngạc nhiên và khâm phục khi chứng kiến đoạn đường hầm dài hơn 80m do tù binh đào để vượt ngục thành công đêm 23/12/1971. Đây là cuộc vượt ngục bằng đường hầm li kì hiếm có trên thế giới. Tôi đã ước gì được gặp một trong số những con người huyền thoại ấy để biết về quá khứ và hiện tại cuộc đời họ ra sao.
Thật bất ngờ, có anh bạn thân cho tôi biết, người chỉ huy đào đường hầm vượt ngục này hiện đang sống tại thành phố Cần Thơ, cách nhà tôi không xa. Anh là Nguyễn Đức Hòe, 78 tuổi, nguyên cán bộ Trường Đại học Cần Thơ, đã nghỉ hưu.
Tôi đến thăm anh vào một chiều nắng đẹp. Cơn mưa đầu mùa lúc buổi sáng càng làm cho không khí thêm mát mẻ, trong lành. Đường Mậu Thân tấp nập người lại qua. Con hẻm nhỏ rẽ vào nhà anh ngay đầu cầu Rạch Ngỗng. Anh tiếp tôi trong căn nhà cấp bốn nhưng khá khang trang. Một người đàn ông vạm vỡ, da dẻ hồng hào, ngược lại hoàn toàn với sự tưởng tượng của tôi trước khi đến. Hình như nhận ra sự ngạc nhiên của khách, anh nói thay cho lời giải đáp:
- Tuy trải qua chiến tranh ác liệt, tù đày gian khổ, lại là thương binh loại 4, nhưng trời cho mình sức khỏe, đến nay chưa thấy bệnh tật gì đáng kể. Sáng mình đi bộ vài ba cây số cùng bạn bè, tư tưởng thoải mái, ăn uống điều độ.
Sau vài lời hỏi thăm anh về hoàn cảnh gia đình, tôi lái sang chuyện quá khứ. Giọng anh trầm ấm dẫn dắt tôi trở về với những năm tháng chiến tranh xa xôi...
Hồi đó, chàng trai Nguyễn Đức Hòe vừa tròn 26 tuổi đang công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang thì nhập ngũ, để lại quê nhà người vợ trẻ và ba đứa con thơ. Sau 6 tháng huấn luyện, ngày 10/7/1967 anh cùng đồng đội lên đường vượt Trường Sơn vào mặt trận phía Nam. Chiến dịch Mậu Thân lịch sử diễn ra, đơn vị anh tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Trong trận đánh ác liệt ngày 5/2/1968, anh bị thương rất nặng do sức ép của một quả bom nổ bên cạnh và căn nhà lầu sập xuống trùm lên. Đơn vị rút lui và tưởng anh đã chết. Ngày hôm sau, lính Lữ đoàn dù 173 quân đội Mĩ tái chiếm cứ điểm này, thấy anh còn sống nên đưa về bệnh viện dã chiến cứu chữa.
Điều trị, chăm sóc chu đáo cho anh là một nữ bác sĩ người Mĩ, nói tiếng Việt rất tốt. Một hôm, bà gặp riêng anh nói chuyện. Tên bà là Jemmy, hơn anh 10 tuổi, cấp bậc đại uý. Năm 1953, khi đang là sinh viên y khoa, bà bị điều động đi phục vụ quân đội Mĩ trong chiến tranh Triều Tiên. Không may bà bị quân đội Bắc Triều Tiên bắt làm tù binh. Bà đã được người chỉ huy trại tù này đối xử rất tốt nên không chỉ có cảm tình đặc biệt với ông ấy mà còn mang ơn ông ấy rất nhiều. Bà ta nói:
- Anh rất giống với ông chỉ huy người Triều Tiên này. Giống lắm. Lâu nay tôi muốn trả ơn cho ông ta, nhưng không được. Nay thì tôi có cơ hội trả ơn rồi. Đó là trả ơn cho anh!
Hòe ngạc nhiên. Bà tâm sự tiếp. Cha bà là chủ một công ti ở Hawaii, có hai con gái là bà và cô em đang học đại học. Bà muốn Hòe thoát khỏi cuộc chiến này bằng cách sang Mĩ làm con nuôi của cha bà hoặc con rể nếu đồng ý cưới cô em gái. Có thể cha bà sẽ cho anh đi học để sau này thay ông điều hành công ti. Với cương vị một đại úy bác sĩ, việc làm thủ tục đưa anh sang Mĩ đối với bà không khó.
Suốt một tháng nằm viện, bác sĩ Jemmy nhiều lần đến thuyết phục anh với những lời lẽ tha thiết và có vẻ chân thành, nhưng đều bị anh từ chối. Lần cuối cùng, bà đến mang theo một gói quà tặng anh và thông báo:
- Anh đã khỏe rồi, ngày mai xuất viện, họ sẽ đưa anh về trại tù binh giam giữ. Hôm nay, mong anh nhận lời tôi. Đó là cơ hội cuối cùng và là cách tốt nhất giúp anh thoát khỏi cuộc chiến, tôi có thêm một người thân, đồng thời cũng giúp tôi trả được ơn cho vị chỉ huy người Triều Tiên kia.
Nguyễn Đức Hòe lại kiên quyết từ chối.
Ngày hôm sau, anh bị đưa sang trại giam Buôn Ma Thuột, rồi lại chuyển tiếp sang trại tù binh Pleiku. Đến ngày 16/4/1968, máy bay vận tải C130 chở anh và nhiều tù binh nữa ra trại giam tù binh Phú Quốc. Trong khoảng thời gian gần 4 năm ở đây, anh phải chuyển qua nhiều phân khu, từ D1 sang D3, B3 rồi D5 và cuối cùng là A4. Sở dĩ bọn cai ngục di chuyển tù binh thường xuyên như vậy là để ngăn chặn họ tổ chức đào hầm vượt ngục. Và chính tại phân khu A4 này, Nguyễn Đức Hòe đã được bí thư chi bộ tin tưởng giao cho chỉ huy tổ đào hầm vì anh là đảng viên, có sức khỏe tốt, đặc biệt trong quá trình bị giam luôn tỏ ra dũng cảm, trung kiên.
Trại giam tù binh Phú Quốc rất lớn, nằm ở phía nam đảo, bao gồm 48 phân khu, mỗi phân khu có 9 căn nhà lợp tôn, trong mỗi căn nhà chúng giam từ 80 - 90 tù binh. Bao quanh mỗi phân khu có 10 lớp hàng rào thép gai và tháp canh ở các góc. Điện sáng suốt đêm. Để chống tù binh vượt ngục bằng đường hầm, có một đường hào bên ngoài hàng rào sâu tới 3m và quân cảnh thường xuyên dùng máy dò tìm đường hầm. Căn nhà mà Nguyễn Đức Hòe bị giam nằm phía trong cùng phân khu. Đường hầm phải đào sâu 3 - 4m, vượt qua hai căn nhà và 10 lớp hàng rào ra đến tận giao thông hào sát bãi cỏ tranh. Bọn cai ngục không ngờ tù binh ta lại đào hầm từ đây.
Được sự đồng ý của đảng ủy phân khu, đêm 18/7/1971 “khởi công”...
Tôi đột ngột ngắt lời anh:
- Ủa! Trong tù mà cũng có chi bộ và đảng ủy hả anh?
- Có. Mỗi nhà có một chi bộ, mỗi phân khu gồm 9 căn nhà thì có đảng ủy. Anh em bí mật thành lập ra và chọn những người tuổi cao, cấp bậc lớn, có uy tín làm bí thư...
Nguyễn Đức Hòe là người đào đầu tiên. Sau khi đường hầm được khoét ra một hố vừa lọt đủ thân người, đầu anh còn trên mặt đất thì quân cảnh đột ngột vào kiểm tra. Đồng đội vội đè đầu anh xuống và đậy nắp hầm lên. Hòe cố nén người cho lọt vào trong. Khi quân cảnh rút đi, đồng đội vội kéo lên thì anh đã ngất xỉu do thiếu không khí, anh em phải hô hấp nhân tạo hồi lâu anh mới tỉnh lại. Anh bảo, nếu thêm 5 phút nữa chắc chết. Theo anh, vất vả nhất khi đào hầm là ngộp thở do thiếu oxy. Lúc đầu chỉ 3 người đào, sau lên 5, cuối cùng tới 7. Tù binh vốn dĩ ốm yếu, mà bằng ngần ấy người chui trong một đường hầm chật hẹp, tối tăm, thiếu oxy, thì ta có thể hiểu được nỗi cực nhọc của họ đến mức nào. Vì vậy cứ cách chừng 8 - 10m họ phải làm một lỗ thông hơi. Đến lỗ thông hơi thứ 2 thì phát hiện hầm đào quá cong, lệch hướng quá xa. Phải đào lại từ đầu. Các anh đã chế ra 2 chiếc thước gỗ dẹt, dài 90cm, trên mỗi thước có ba lỗ cách đều nhau thẳng hàng. Dựa vào nguyên lí toán học “qua hai điểm luôn kẻ được một đường thẳng”, các anh chồng hai thước liên tiếp lên nhau sao cho hai lỗ cuối của thước này trùng với hai lỗ đầu của thước kia. Nhờ cách lấy hướng ấy, đường hầm đào từ đó hiệu quả chẳng kém gì dùng la bàn. Một sáng kiến thông minh, tuyệt vời. Dụng cụ đào đất thì các anh chế ra theo nhiều cách. Lúc đầu, cắt cán camen (thường dùng để đựng thức ăn) bằng inox ra làm cây xắn đất, cắt ca US (dùng đựng nước) ra làm xẻng, về sau kiếm được đoạn sắt chữ V đem đập dẹt đi làm thuổng.
Có một điều mà hầu hết các du khách khi chứng kiến đoạn đường hầm này đều thắc mắc: với khối lượng đất được đào ra lớn như thế thì các anh “tẩu tán” đi đâu mà bọn cai ngục không hề hay biết? Tôi đem điều này ra hỏi, anh giải đáp:
- Đây là khâu phức tạp và khó giải quyết nhất. Chúng tôi đào một hố khá lớn đầu đường hầm, đất đào được bao nhiêu thì cho vào bao tải kéo ra dồn dự trữ vào hố đó để “tẩu tán” dần. Lúc đầu, chúng tôi phát cho mỗi người một nắm đất, sáng dậy anh em giả vờ đi tập thể dục hoặc nhổ cỏ thì bỏ vào các lỗ vùi lại hay bỏ vào các hố nước cho tan ra. Nhưng cách này không giải quyết được nhiều mà lại dễ bị lộ. Về sau, chúng tôi lợi dụng các đêm mưa, đổ đất xuống rãnh nước quanh nhà, nước mưa ào ào cuốn đi. Hiệu quả tuyệt vời! Chúng tôi đào vào ban đêm mùa mưa, mà mưa ở Phú Quốc thì lớn lắm.
Còn một cách “tẩu tán” đất nữa cũng rất hiệu quả. Hàng ngày hai bữa cơm trưa - chiều, trực nhật phải đến nhà bếp khiêng mỗi lần hai thùng cơm về các phòng cho tù nhân ăn. Ăn xong, họ phải đưa thùng ra giếng rửa. Lợi dụng lúc này, trực nhật bỏ đất vào thùng khiêng ra giếng, đổ nước vào hoà tan đất rồi trút xuống rãnh nước cho trôi đi.
Ngoài ra, đào hầm trong tư thế ngồi nên kích thước chiều cao hơn 90cm, rộng 60cm. Đất khi chưa đào thì xốp, khi đào ra các anh nén chặt một lớp dày 30 - 40cm xuống dưới phía sau, thể tích giảm đi, giải quyết được một lượng đất đáng kể.
Đúng là “trong cái khó ló cái khôn”.
Tất nhiên khi di chuyển bên trong hầm thì phải bò.
Công việc đang tiến triển thuận lợi thì có tin sắp chuyển trại. Anh em tỏ ra lo lắng, chả lẽ công đào hầm bấy lâu nay trở thành “công cốc”. Ta liền tổ chức cho anh em học văn hoá, tập hát, diễn văn nghệ, thi đấu cờ tướng. Có thể bọn cai ngục thấy vậy tưởng rằng tù binh đã “an tâm” ở tù, không có ý định vượt ngục nữa nên sau đó không cho chuyển trại. Còn nếu không may chúng phát hiện được ta đào hầm thì theo kế hoạch từ trước, Hòe và hai người nữa đứng ra nhận để hạn chế tổn thất (bọn cai ngục thường tra tấn rất dã man hoặc giết hại những tù binh sau khi vượt ngục bất thành). Có lần, quân cảnh điểm danh đột xuất vào ban đêm, người chui lên sau cùng không kịp lau chùi, đất bám đầy người. Anh vội vàng lên giường trùm chăn kín lại, giả vờ lên cơn sốt rét, run cầm cập. Người đại diện báo: anh ta bị sốt rét. Thế là thoát.
Đến cuối tháng 11, đường hầm đã vượt qua lớp hàng rào cuối cùng, gặp đoạn hào sâu 3m thì phải đào sâu xuống 4 - 5m để tránh. Sau đó tiếp tục vượt qua con đường tuần tiễu ra tới giao thông hào giáp bãi cỏ tranh. Như vậy, sau hơn 5 tháng đào, chiều dài đường hầm lên tới hơn 80m với khối lượng đất đào ra khoảng 50m3.
Thời điểm khui cửa hầm để thoát ra được đảng ủy chọn vào đêm 23/12/1971 là thuận lợi nhất vì đêm đó bọn lính thường ăn chơi, nhậu nhẹt nhân dịp lễ Noel. Lúc đầu, chi bộ quyết định chỉ thoát ra 30 người gồm 23 người thay nhau đào hầm và 7 cán bộ chủ chốt. Nhưng đêm đó thấy tình hình thuận lợi, ta thoát ra 41 người. Tổ ba chiến sĩ đặc công ra đầu tiên lúc 9 giờ 30 có nhiệm vụ đi trước gỡ mìn và giăng dây nilon định hướng. Người cuối cùng ra lúc 4 giờ sáng. Đó cũng là lúc bị quân cảnh phát hiện, nhưng phần lớn tù binh đã đi xa trại. Anh em đi theo từng tốp 3 - 4 người hướng về khu rừng phía bắc, nơi quân giải phóng đang chiếm giữ. Kết quả: 26 người về đến đích, 9 người bị bắt trở lại, 6 người hi sinh trên đường đi. Đã có cả chục lần tù binh ta tổ chức vượt ngục bằng đường hầm, nhưng chỉ có ba lần thành công. Đây là cuộc vượt ngục bằng đường hầm thành công nhất trong lịch sử trại giam tù binh Phú Quốc. Ngay sau đó, một nhà báo phương Tây dự đoán: trong số những tù binh vượt ngục chắc phải có người đã từng đào hầm ở... Điện Biên Phủ!
Riêng với Nguyễn Đức Hòe, anh là người ra thứ 21, lúc đó khoảng hơn 12 giờ khuya. Tổ của anh đi đến rạch Đầu Sấu thì trời sáng. Phải ém lại chờ đến tối mới đi tiếp. Quân cảnh truy tìm, bủa vây khắp nơi. Đêm 28/12 gặp địch phục kích gần đồn Hàm Linh, một đồng chí hi sinh. Sau 10 ngày băng rừng, vượt suối, ăn quả xanh, rau rừng, tổ của anh mới về đến chiến khu của huyện đảo. Tại đây, anh gia nhập lực lượng vũ trang (huyện đội), cùng họ chiến đấu thêm nhiều trận cho đến tháng 9/1973 thì được chuyển vào đất liền thuộc Trung đoàn 101. Tháng 2/1974, trong một trận chiến đấu ở Hà Tiên, anh bị thương. Ra viện, anh được rút về Cục Chính trị Quân khu 9 cho đến ngày chiến thắng 30/4/1975.
Đầu năm 1976, cũng như hàng vạn chiến sĩ quân giải phóng, Nguyễn Đức Hòe vô cùng phấn khởi, náo nức khi được về phép thăm gia đình. Tròn 9 năm xa quê, niềm vui sum họp và hạnh phúc gia đình đang chờ đợi anh. Nhưng không, hạnh phúc chỉ đến với anh có một nửa. Người vợ trẻ xinh đẹp của anh từ lâu đành “đi bước nữa” sau khi đau đớn nhận được tin anh đã hi sinh. Ba đứa con gái của anh được ông bà nuôi dưỡng. Nghe tin anh trở về, chị chạy đến chỉ còn biết nhìn anh mà khóc. Anh cũng không ngăn được những giọt nước mắt rơi. Ở lại với người thân đến hết phép, ngày anh chuẩn bị lên đường trở vào đơn vị cũng là lúc chính quyền địa phương thu hồi giấy báo tử và cắt các chế độ kèm theo.
Chiến tranh thật oan nghiệt, nó đã mang bất hạnh và sự trớ trêu đến với biết bao người và gia đình của họ. Đối với Nguyễn Đức Hòe, hậu quả để lại là quá lớn. Nhiều khó khăn, gian khổ tiếp tục thử thách cuộc đời anh, nhưng anh không gục ngã.
Vào đến đơn vị không bao lâu, với quân hàm Trung úy, anh được chuyển ngành sang làm việc tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang. Nhưng ở đây cũng chỉ được một năm, anh lại chuyển về làm Trợ lí tổ chức Khoa Thuỷ nông, Trường Đại học Cần Thơ. Năm 1982, anh thi đỗ vào Khoa Nông nghiệp của trường này. Tốt nghiệp, anh được nhà trường giữ lại làm cán bộ quản lí. Anh về quê đón mẹ và các con vào thành phố Cần Thơ cùng sinh sống. Năm 1992, anh nghỉ hưu.
Trong thời gian anh làm trợ lí tổ chức ở Trường Đại học Cần Thơ, một cô sinh viên Văn khoa đã mang lòng yêu anh. Một cuộc tình rất đẹp xuất phát từ sự ngưỡng mộ cuộc đời như huyền thoại của người chiến sĩ. Họ nên duyên vợ chồng và có với nhau hai con gái, nhưng hạnh phúc gia đình lại một lần nữa trốn tránh anh. Nếu như mối tình đầu tan vỡ do chiến tranh thì mối tình thứ hai là do bất đồng quan điểm và lối sống giữa hai người thuộc hai thế hệ. Không thể sống cô đơn khi các con đều đã có gia đình riêng, đến năm 2009 anh lại kết hôn thêm lần nữa. Lần này là với một phụ nữ cùng quê - em vợ người đồng đội của anh. Tuy chị đã “qua một lần đò”, nhưng thông cảm hoàn cảnh của nhau, giờ đây anh chị có một cuộc sống rất hạnh phúc.
Sực nhớ đến câu chuyện về bà bác sĩ quân đội Mĩ năm xưa, tôi đặt vấn đề:
- Bây giờ ta xem xét lại, những điều bà ấy đưa ra thực sự chân thành hay chỉ là đòn tâm lí chiến để lừa anh?
- Có thể bà ấy nói chân thành - giọng anh trầm hẳn xuống. - Không phải người Mĩ nào cũng xấu. Nhưng hồi đó thì mình nửa tin nửa ngờ, xác định rằng mình mà nhận lời bà ấy thì coi như đã phản bội, đầu hàng. Nhục lắm!
Tôi đùa:
- Nếu như hồi đó anh nghe lời bà bác sĩ thì biết đâu giờ đây anh đã trở thành một ông chủ giàu có bên Mĩ.
Anh cười:
- Cũng có thể. Nhưng như thế thì sống coi như đã chết... Đời người lính kể cũng lạ, khi mình chọn con đường đi vào cõi chết thì lại sống đến tận ngày nay.
Cuộc vượt ngục mà các anh tiến hành thành công đã đi vào huyền thoại, thể hiện trí thông minh và ý chí kiên cường của người chiến sĩ quân giải phóng trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt nơi “địa ngục trần gian”. Các anh đã trở về với đồng đội tiếp tục chiến đấu và lập nhiều chiến công. Cuộc chiến không cân sức của các anh trong nhà tù còn ác liệt hơn nhiều so với khi ra ngoài mặt trận. Các anh xứng đáng là những anh hùng.
Tôi cố tìm ra một nét gì đó đặc biệt nơi anh, nhưng đành chịu. Anh vẫn bình dị như biết bao cựu chiến binh khác. Hình như những gì xảy ra hồi ấy, nay ta coi là phi thường thì đối với anh chỉ là bình thường. Suốt buổi nói chuyện, anh không hề kể lại cảnh đói rét trong tù, những trận đòn tra tấn dã man mà các anh từng hứng chịu. Anh bảo chuyện đó đài báo nói nhiều rồi, ai cũng biết.
Nhiều năm qua, anh tích cực tham gia vào các hoạt động ở địa phương. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến của phường, anh có nhiều cơ hội gặp lại đồng đội cũ trong đó có những người từng bị giam giữ với anh. Không ít lần anh cùng những cựu tù binh trở về thăm Phú Quốc, gặp lại đồng đội xưa vẫn còn cư ngụ nơi đây và cung cấp thêm nhiều tư liệu giúp huyện đảo tái tạo, phục hồi lại một phần trại giam, xây dựng thành khu di tích lịch sử. Có lần, lãnh đạo huyện mời anh đưa gia đình ra đây sinh sống, anh vừa làm công tác quản lí khu di tích vừa làm nhân chứng giới thiệu lịch sử trại giam cho du khách đến tham quan. Mặc dù biết đây là nhã ý rất tốt của chính quyền địa phương, nhưng anh đã từ chối với lí do mình sống ở Cần Thơ quen rồi. Khi được hỏi anh có hài lòng với cuộc sống hiện nay không, anh quả quyết:
- Hài lòng chứ! Được thế này là tốt lắm rồi. Mình có người vợ đảm đang, các con cháu đều sống quanh đây đông đủ. Hồi mới nghỉ hưu, mình sang tận Long An mua 10ha ruộng trồng lúa, rồi lại quay về làm chân giữ xe cho Trường Đại học Cần Thơ. Ngoài lương hưu và trợ cấp thương binh, mình phải làm nhiều việc để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình. Giờ đây, các con mình đều “có nơi có chốn”, công ăn việc làm ổn định, nhà cửa đầy đủ. Chỉ thương nhiều đồng đội đã hi sinh trong chiến tranh mà đến tận bây giờ vẫn chưa biết hài cốt nơi đâu...
Cuộc chiến đã lùi xa. Những mất mát, đau thương đang dần dần đi vào quá khứ, nhưng biết bao người lính từng lập nên những chiến công huyền thoại thì vẫn sống đâu đó quanh ta. Họ âm thầm cống hiến cho đời những gì còn lại. Họ ít khi đòi hỏi quyền lợi cho riêng bản thân mình, chỉ canh cánh nhớ về đồng đội đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà anh dũng hi sinh...
T.T.C
VNQD