. TRẦN THỦY
Gió lồng lộng đẩy những đợt sóng mút vào chân đê, dập lên dềnh xuống rồi xoáy vào lòng biển mất hút. Từng đám mây đen cuồn cuộn phía chân trời. Nó ngồi đó, mắt trân trân vô cảm. Bên kia đại dương thế giới bao la lấp lánh hay cũng chỉ là màn trời xám xịt giống cái chảo tối thui bị áp thấp vần vũ đang lăm le ụp xuống đây.
Tiếng Thịnh, anh trai nó như loang trên biển đập vào không trung dội lại: “Tình ơi cẩn thận, sóng to lắm vào đi Tình ơi!” Giật mình, nó chạy hút hơi, mệt nhoài quay lại. Bò về đến nhà trong bộ dạng của con gà nhiếp lệt bệt, run rẩy. Mâm cơm tối lạnh tanh, trống vắng. Mặt nhàu nhĩ, mẹ xoa dầu, đút vội mấy thìa cơm rồi dỗ nó vào giấc ngủ.
“Phải cho nó đi thôi. Cứ kiểu này đời nó sẽ chẳng ra gì đâu. Hôm nay xóm Đông lại một đứa sốc thuốc...”
Tiếng mẹ nhỏ dần, thanh âm sắc gọn. Bố ngồi bó gối. Bóng ông sụp xuống. Miếng cơm vừa đưa vào miệng nghẹn ứ. Mưa vẫn đập từng cơn thịnh nộ lên mái tôn lùng bùng. Mắt bố trượt dài trong màn mưa dày đặc buồn thăm thẳm.
Minh họa: Tào Linh
Mười tháng trước, dì Ái từ Đức bay về. Người óng ả thơm tho như được ướp cả lít nước hoa hàng hiệu. Dì thả dáng điệu đà trên đôi bốt da ôm khít. Mái tóc gợn sóng lọn to. Đôi mắt kẻ nâu, sắc sảo, điệu đà. Sự lột xác thần kì so với cô thôn nữ nhu mì cách đây tám năm. Dì kể về cuộc sống viên mãn, hạnh phúc nơi xứ người. Nhưng sâu thẳm trong lòng luôn đau đáu một nỗi niềm khi hai chị em chưa đoàn tụ. Lần này, nhiệm vụ của dì là mang thằng Thịnh đi trước. Cái khoát tay quyết đoán, giọng nói đầy sức thuyết phục khiến bố mẹ dù là anh chị cũng chỉ biết gật đầu, tăm tắp lắng nghe. Viễn cảnh dì vẽ ra cho cả nhà cứ như người ta lấy kim chỉ nam ấn định cuộc đời vậy. “Nơi đó sẽ chăm sóc, dạy dỗ hai cháu nên người. Anh chị khỏi phải lo, xã hội bên đó rất quan tâm đến trẻ con.” Nhà có hai chị em, ông bà mất, dì may mắn lấy được tấm chồng Việt kiều. Ơn giời, sau một thời gian ổn định, hòa hợp, nay dì muốn kéo cả gia đình chị sang thì tình máu mủ ruột già quả là nhất phẩm.
Chuyến đi mạo hiểm nhưng trót lọt. Dì và thằng Thịnh đường hoàng qua mặt hải quan hai bên Việt - Đức bằng tấm hộ chiếu của thằng Lân con dì, kém Thịnh hai tuổi, có hình dạng giống Thịnh như đúc. Sau đó, dì thúc giục bố mẹ bán nhà để lấy tiền cho mẹ con nó đi tiếp. Dì giúp một đứa, còn lại dì bày cách bố mẹ phải lo tiền. Nghe đến bán nhà, bố trằn trọc thức trắng mấy đêm không ngủ. Cứ định ngăn cản thì mẹ lại ca một bài ca đầy trách nhiệm khiến bố im re. Thằng Thịnh nhanh nhẹn, tháo vát bao nhiêu, ngược lại nó là em chậm chạp, tự kỉ bấy nhiêu, lúc nào cũng thu mình như cái kén. Thế giới nhỏ hẹp của nó rất ít bạn bè. Mà thực ra bọn chúng chẳng ai muốn chơi với nó, sau lưng dè bỉu gọi nó là “thằng hâm” bởi những câu hỏi ngờ nghệch, những hành động khác người. Nó chỉ biết vùi đầu trong sách truyện, cùng niềm vui mỗi chiều là chạy biến ra biển, ngồi thu lu một mình trên triền đê, võng mắt nhìn vào đại dương mênh mông như lục tìm những ẩn ức xa xưa. Chỉ có biển bao la huyền bí mới biết vuốt ve nó bằng tiếng nhạc du dương, cuốn trôi trí tưởng tượng vẫy vùng trong trùng khơi khoáng đạt.
Nhưng trí tưởng của nó không thể dự đoán một ngày chòm quê nghèo bỗng đổi đời nhờ phong trào xuất ngoại. Đời sống khấm khá rõ rệt. Ngân hàng nhà nước án ngữ ngay đầu làng. Người ra vào rút tiền tấp nập. Tiếng loa phóng thanh í éo liên tục cập nhật thông tin về những mạnh thường quân ủng hộ giúp sửa đường, xây nhà thờ, bệnh xá. Chẳng cần biết họ kiếm tiền ra sao, bằng cách nào. Chỉ biết thiên hạ sôi sùng sục rỉ tai bày kế. Rồi anh em, họ hàng gồng gánh kéo nhau đi, không nản nguy hiểm, bất hợp pháp. Đám thanh niên làng bỗng ngại học, chán làm hong hóng chờ đến ngày xuất ngoại. Đất ruộng khô cằn, nẻ toác, quên dấu chân người. Chài lưới nhuốm màu thời gian gục đầu vào hiên, mục dần theo năm tháng.
Mẹ, dù cố gắng bươn chải nhưng vài ngôi nhà hàng xóm đua nhau mọc lên sừng sững, chờ chực nuốt chửng căn nhà hai tầng nhỏ hẹp mà cả đời bố mẹ nó chắt chiu xây dựng, khiến lòng người chao đảo, tụ ứa ghen tị, so đo. Mẹ tỉ tê bố. Ông một mực không nghe. Làng đã cho ông cái nghề gia truyền để sống thì ông nhất định bám làng chứ không đi đâu cả. Mẹ dằn dỗi, chì chiết: “Ông hèn hạ, ông không đi thì để mẹ con tôi đi. Ông muốn cả đời con ông mạt kiếp hay sao?” Tiếng dỗi dài ra quất vào lòng bố như kim châm, muối xát. Sau khi anh Thịnh đi, cứ vài ngày dì lại điện về thông báo anh đã hòa nhập với việc học, ở kí túc trường rất tốt. Mỗi lần nghe điện xong mẹ lại bồn chồn phấp phỏng. Chỉ có nó ở lại thiếu anh như con chim non lạc bầy, càng thui thủi buồn. Nó năng trốn lên triền đê mong ngóng, mặc mẹ rầy la, mắng mỏ. Năm nay nó bước sang tuổi mười lăm, lứa tuổi nhiều mộng mơ nhưng cũng đầy ẩn ức mà chẳng biết lấy ai chia sẻ. Bố cứ mải miết cặm cụi bên lò lửa. Những nhát búa nặng trịch, dền láng thấu đến tận óc. Có lẽ bố muốn vùi mình vào công việc để quên đi dự cảm khôn lường của người đàn ông trụ cột gia đình mà bất lực trước việc đang xảy đến. Khi mà ngôi nhà đã được bán, còn lại góc cửa hàng cho bố sinh sống chờ ngày đoàn tụ.
Mẹ nói, đích đến là một chân trời mới đẹp lắm. Nơi sừng sững những lâu đài cổ nguy nga, những cánh đồng mênh mông tuyết trắng. Nơi sẽ cho nó thỏa nguyện mọi ước mơ. Ừ thì thoát khỏi đây cũng sẽ chẳng ai để ý nếu biến mất một thằng khờ đâu mà. Thời gian vô tình, luôn dửng dưng với những gì đã cũ và vô dụng. Dù vậy nó vẫn đều đặn đến lớp vào trước ngày đi chỉ vì nó nhớ Tóc Mây. Dù nó đã vội vàng tỏ tình rồi bị mắng té tát: “Thần kinh à. Nhìn lại mình đi…” Câu nói như nhát dao sắc nhọn, vô tình cứa sâu vào trái tim đa cảm. Ở lớp, Tóc Mây ngồi bàn trên, nó ngồi dưới. Thỉnh thoảng đôi ba sợi tóc bồng bềnh láng trên mặt bàn. Nó vờ lấy tay miết mạnh. Kì thực, con dao lam nhỏ đã xén rơi lả tả những sợi tóc mềm, nó sẽ mang theo cùng mình đến đất nước xa lạ kia.
Đêm cuối, nó ngồi lì ngoài hiên nhìn ngắm ngôi nhà cũ. Ánh trăng non rờ rỡ chảy tràn trên mái tôn, loang loáng nhảy nhót trên sân thượng. Cây hoa móng rồng xõa mình, ướp không gian trong nồng nàn, ấm ngọt. Phòng ngủ của hai anh em cửa không đóng, miếng rèm thưa phất phơ cho gió len vào. Chẳng lâu nữa đâu, ngôi nhà sẽ bị kéo đổ. Người ta sẽ xây một tòa nhà mới, trên những tháng ngày hạnh phúc của gia đình nó. Nó tự hỏi tại sao người lớn phải làm vậy. Cứ mải bon chen ham muốn danh vọng phù du rồi đẩy con trẻ vào cuộc phiêu lưu. Phải chăng đó là việc làm cần thiết? Cắn chặt răng, hai tay bấu vào bậu cửa. Đôi dòng nước mắt đau đáu tiếc nuối cứ trào ra lăn dài trên má nó.
Minh họa: Tào Linh
“Nhanh lên Tình ơi!”
Xốc lại chiếc ba lô, nó gắng gượng cố chạy theo cho kịp đoàn người.
Trời vừa sập tối. Thỉnh thoảng đám cây dại loằng ngoằng đầy gai nhọn túm lấy chân nó, cào xước mặt, tứa máu. Lũ lá ngứa được thể bấu như ghẻ kềnh, nhức nhối. Đêm trăng trời Âu ẩn mình trong chiếc liễn bạc. Rời rợi một không gian lặng ngắt, thẫm mờ.
“Sắp đến biên giới. Qua đường cao tốc mọi người chú ý. Không thấy xe phải lao thật nhanh. Sang bên kia là địa phận của Đức rồi.”
Người dẫn đường dõng dạc thông báo. Đoàn người lệt bệt, rệu rã ồ lên như bấu được cọc. Quãng đường dài di chuyển trong lo lắng, mỏi mệt đã lấy gần hết sức lực. Gắng gượng bước nốt chặng cuối cùng. Chút ánh sáng lung linh đâu đó phía giấc mơ đổi đời vẫn ẩn hiện, dẫn hướng họ đến miền đất hứa.
“Con mệt quá mẹ ơi!”
Tình thều thào.
“Cố lên con. Dì đang chờ chúng ta bên kia.”
Mẹ xốc tay nó. Đoạn đường cao tốc ranh giới xuất hiện như một lằn sáng giữa um tùm rừng rậm mịt mùng. Từng người lần lượt lao sang đường, rồi quăng mình thật lẹ về phía bên kia như những kẻ trốn chạy. Nó cũng cố hết sức, bật thật nhanh qua thanh chắn khi xung quanh chẳng còn ai. Cao quá. Từ trên đường xuống dưới là cả một đoạn dốc hun hút, lấp loáng. Chả rõ cây cối hay vật cản.
“Tình ơi, lối này con ơi!”
Tiếng mẹ gọi trong đám người nhấp nhô vừa tụt xuống. Có bóng xe quét ánh sáng đi tới. Sợ bị lộ, nó quáng quàng vội vàng lao theo. Bỗng khục. Nó khuỵu lại. Lăn chẳng biết gì nữa. Tỉnh dậy chân trái đã mềm oặt, buốt lịm không nhấc lên nổi…
Fussen, thị trấn đẹp như mơ nằm ở miền Nam nước Đức. Cả vùng biên giới trùng điệp của dãy Alpen vẫn ướp mình trong sắc trắng. Những đám mây hình phễu đùn lên, cuộn giữa hai đỉnh, giống như ngọn núi lửa khổng lồ đang phì phì phun nhả khói. Dưới chân núi, mặt hồ bảng lảng, khoe mình bên những ngôi nhà gỗ sồi xinh xắn. Hơi nước rịn vào da thịt mát rượi. Tiếng lau sậy lách rách, phất phơ uốn theo gió lượn.
Nhà dì Ái nằm trên con phố nhỏ của thị trấn, có tên Asian Imbis. Nhà hai tầng. Tầng chính quá chật cho cả gia đình dì và người làm, nên mẹ con nó được bố trí dưới tầng hầm. Cái chân gẫy đã được nẹp tạm bợ bằng hai thanh gỗ. Một bà y tá nghỉ hưu vì thương hại những người tị nạn, đồng ý bó bột cho nó. Thời gian chờ tháo bột nó ru rú dưới góc hầm cũ kĩ, rặt mùi ẩm mốc. Tiếng tủ trữ đông chạy như cống nước bị sặc. Góc cửa sổ mắt cáo hắt chút ánh sáng nhợt nhạt. Gió vuốt những đọt lá khô giòn vun đầy chân tường. Nơi đó, nó ngồi buồn bã nhìn cái cẳng trắng toát. Dỏng tai nghe tiếng người qua lại, tiếng côn trùng kêu, đếm những chiếc lá vàng rơi và tưởng tượng ra cuộc sống ngoài kia đang trôi chảy. Dì, chẳng còn đâu tha thướt điệu đà. Đầu tắt mặt tối, ỏm tỏi từ sớm đến khuya. Mẹ dở khóc dở cười khi dì gí cho việc chăm đứa con mới hơn một tháng tuổi. Mắt mẹ thâm quầng vì lo lắng cho nó và cả đêm mất ngủ với con bé. Mẹ nghiễm nhiên trở thành vú em bất đắc dĩ mà đâu dám phản đối. Sự thất vọng phủ đầy gương mặt mẹ khi mong manh nhận ra những điều dì kể chỉ có đôi phần ít ỏi sự thực.
“Hôm nào thì con nhập học? Con chán ở đây lắm rồi.”
Mẹ xoa đầu, ôm nó vào lòng nghẹn ngào.
“Con yêu, mấy hôm nữa chân khỏi. Dì rỗi, sẽ đưa con đi nhập học. Con sẽ được gặp anh con.”
“Mẹ vào thăm anh em con chứ?”
“Ừ... mẹ... mẹ sẽ vào.”
Những giọt nước mắt nóng nghẹn của mẹ rơi trên tóc nó…
Rồi cũng đến lúc cái khúc bột cứng ngắc như bê tông được tháo ra. Mẹ sung sướng nhìn nó dò dẫm bước đi. Niềm vui chẳng đặng tày gang nỗi buồn đã loang đến. Nó bị tập tễnh chân thấp chân cao. Mẹ rũ như tàu lá héo. Nó nghe thấy mẹ và dì cãi nhau rất to trong kho thực phẩm. Mẹ bảo mẹ không ngờ cuộc sống ở đây lại buồn tẻ, thiếu tự do, nguy hiểm và vất vả như vậy. Mẹ lo cho tương lai của nó. Dì cười khẩy. Điệu cười vô tâm, chua chát. Chẳng có đứa tha hương nào ở nơi đất khách quê người mà vui cả. Không phải chị đã muốn vậy sao? Đã đánh đổi sang đến đây thì phải hi sinh. Không giấy tờ thì làm những công việc đó là đúng rồi. Hay chị muốn đi trồng cỏ? Còn cái ngữ nó ở nhà chắc cũng đến nuôi báo cô suốt đời. Thôi thì để xã hội ở đây lo cho có phải hay hơn không. Bày đặt.
Mẹ im lặng, cay đắng nuốt nghẹn. Còn nó ngồi bất động, đôi mắt nhợt nhạt. Gánh nặng cho bố mẹ cả đời ư? Không, sẽ không bao giờ như thế cả.
*
* *
Ngày dì đưa nó đi xa, những cánh rừng đang bồi hồi thay lá cứ lùi dần ở lại. Ánh tà dương héo hắt, vắt vài sợi nắng yếu ớt như níu kéo chút ngày tàn. Vòng vèo trên triền đồi hun hút gió, dì chỉ cho nó một khu nhà biệt lập nằm tách biệt trên đỉnh đồi. Dì không đánh xe đến mà đỗ vào nhánh rừng.
“Giờ con phải tự đi rồi. Dì và mẹ không thể đưa con đi tiếp.” Rồi dì hạ giọng, đanh thép. “Nghe lời dì dặn tối qua nhé: không nhớ, không biết, không thấy. Người ta sẽ lo cho con một tương lai tốt đẹp. Con sẽ sớm gặp anh con. Còn nếu lộ ra, mẹ con sẽ bị bắt. Bị đi tù. Con hiểu chưa?”
“Vâng.. . con hiểu.”
Môi nó lập cập, ánh mắt thẫm sầu, tội nghiệp. Nó ôm choàng lấy mẹ đang rưng rức khóc không nói nên lời. Vuốt nốt những giọt nước mắt nhòe nhoẹt trên gương mặt hốc hác của mẹ, nó lật khật lần theo hướng đỉnh đồi. Bóng chiều vàng vọt, xiên xiên đè theo bóng nó. Cái dáng nhỏ thó, đầy khổ đau cứ lặng câm lầm lũi bước. Đến trước cổng khu nhà, nó không dám vào mà nấp dưới bờ tường. Vài vạt nắng cuối cùng đã vén mình tìm nơi trú ngụ. Bỗng dưng nó hoảng sợ khi thấy bóng tối từ từ ụp xuống. Sự cô đơn nhen nhúm, xâm lấn dần vào từng thớ thịt. Tiếng dì thì thầm sắc lạnh “không nhớ, không biết, không thấy”. Trời, vậy ra nó là kẻ vô gia cư à, mà nó đường đường có một gia đình hạnh phúc, có bố có mẹ cơ mà. Chiếc xe của dì phóng vụt qua như tháo chạy. Nó bật dậy, lật đật đuổi theo gào lên.
“Dì ơi, mẹ ơi. Chờ con với... đừng bỏ con.. Dì ơi...”
Nó cố chạy theo chới với. Chiếc xe lao vào đêm tối, phả khói xa mờ rồi mất hẳn. Nó chợt tỉnh nhận ra, “nhập học” mà dì vẫn nói là đây ư. Bất giác nó nghĩ đến anh em cậu bé Hansel trong truyện cổ Grim bị bố mẹ bỏ lại trong rừng. Bơ vơ lẻ loi, không phương hướng giữa âm u đại ngàn. Tức tưởi, nó để mặc những giọt lệ tủi thân dãi dề trên mặt…
Nó ngồi lâu, run rẩy dưới bờ tường. Gió hun hút siết từng cơn ớn lạnh. Màn đêm buông lớp sương buốt giá trùm lên tóc, lên mặt. Rùng mình. Đói, rét, không thể chịu đựng được khi hai chân sụm xuống. Cố lấy hết can đảm, nó lết đến cổng khu nhà.
*
* *
Reng reng... reng reng... reng...
Tiếng chuông báo bữa sáng bắt đầu. Thịnh ra trước, tiến nhanh đến chỗ trứng chiên lấy một suất rồi kiếm cho mình góc khuất. Bọn trẻ con đủ mọi lứa tuổi bắt đầu lục tục xếp hàng chờ đến lượt. Mùi súp bò nóng hổi, mùi bánh mì nướng quết bơ thơm nức. Bất giác Thịnh nhìn ra cửa, mắt nó bỗng nhòe đi. Thằng Tình, đúng thằng Tình rồi... Cái đầu lù rù cứ thập thò ngoài cửa. Nó không dám lao ra ôm lấy em vì biết nguy hiểm. Ngoảnh mặt đi để tránh bị lộ, Thịnh lặng lẽ quan sát.
Ông đầu bếp vẫy vẫy. Mọi cặp mắt đổ dồn vào thằng nhóc mới đến, chân đi chấm phẩy. Múc một bát súp đầy rồi chỉ chỗ cho nó. Tình nhìn ông cảm kích, lấm lét ăn. Qua bao đợt tra hỏi của cảnh sát, đến hôm nay Tình mới thấy có chút tự do. Người ta chấp nhận cho nó nhập trại. Khi cạy mồm cũng chỉ những lời khai chung chung, không đoán định được mớm từ dì. Người phiên dịch hôm đó quát thẳng vào mặt nó: “Bố mẹ cậu ở đâu? Chả lẽ họ chết rồi? Họ thật vô lương tâm khi vứt cậu vào đây.” Cúi gằm mặt xuống vì xấu hổ, vì tủi thân. Nhưng nghĩ tới an toàn của người mẹ khốn khổ miệng nó im tịt. Tấm lí lịch được tích “không gia đình” bắt đầu cho thân phận mới.
Trời hôm nay lạnh quá. Gió mang hơi buốt quấn vào da thịt. Không gian khoác một tấm áo choàng xám xịt, ảm đạm. Đang co ro đơn độc dưới gốc táo già, bỗng có bàn tay bóp nhẹ lên bờ vai, Tình quay lại mồm há hốc khi Thịnh lấy tay bịt miệng. Nước mắt đầm đìa, nó lắp bắp nấc lên không thành tiếng.
“Anh... bố mẹ... bỏ anh em mình... ở đây rồi… Từ giờ... mình không có nhà đâu anh ạ…”
Không kìm được Thịnh ôm choàng lấy em. Tội nghiệp, mười lăm tuổi mà nó còi như đứa mười hai. Những dẻ xương sống gồ lên như xương cá sấu. Thịnh giận dì Ái ghê gớm. Nếu hồi đầu, nó hăng hái, hãnh diện với bạn bè khi được theo dì sang “du học” bao nhiêu thì sau đó nhanh chóng sụp đổ bấy nhiêu. Chỗ này chỉ dành cho những đứa trẻ hư hỏng bố mẹ không giáo dục nổi và đám trẻ mồ côi lang thang thiếu nơi nương tựa. Thịnh phải gồng mình để sống, để thích nghi với bọn trẻ đó, những mong có tương lai ở lại. Cái tương lai mà bố mẹ và dì Ái kì vọng sẽ thay đổi số phận cả gia đình. Cái tương lai mà bao nhiêu người quê nó đang mơ ước cố xây thành hiện thực. Nhưng đây chắc chắn không phải chỗ cho đứa em trai yếu đuối cả về thể chất lẫn tâm hồn của nó. Hôm trốn ra thăm dì, Thịnh đã phản đối kịch liệt việc đưa hai mẹ con Tình sang. Thịnh biết dì sắp sinh con, luôn miệng ca cẩm thiếu người làm. Việc dì thuyết phục đưa mẹ con Tình sang, trước mắt cũng chỉ phục vụ cho lợi ích cá nhân của dì.
Vậy mà... Tại sao bố mẹ lại nghe lời dì, tại sao, trời ơi?
Cây táo già rung lên nấc nghẹn, cố vươn đám cành khẳng khiu che giấu hai đứa trẻ đang dựa vào nhau rấm rứt khỏi những ánh mắt nghi ngờ.
*
* *
“Bụp, bụp, bụp…”
Nắm đấm nện vào đầu túi bụi. Thằng da đen có mùi hôi đặc trưng và mái tóc quăn tít cùng phòng, the thé thứ tiếng khó hiểu, vẻ mặt cau có, tức giận lôi xềnh xệch nó ra phòng tắm ấn đầu xuống. Mặt nó tái mét. Nước chảy lênh láng trên nền đá lạnh, ướt nhoẹt cả tấm thảm chùi chân. Bà quản lí được kéo đến để mách tội. Nào là nó toàn quên không tắt đèn, quên đóng lò sưởi, không bao giờ vặn kĩ vòi nước. Rồi chuyên dùng lẫn đồ của mấy đứa trong phòng. Nào là nó như thằng điếc ý, nói cái gì cũng không tỏ thái độ... Bà quản lí hếch cái mũi khoằm, giương mắt qua mục kỉnh rồi kéo phắt nó sang phòng phạt khóa cửa lại. Không biết đây là lần thứ mấy nó phải ngồi tự kiểm điểm hành vi của mình. Đấy là cách người ta vẫn làm đối với những đứa trẻ ngang bướng, khó bảo.
Hết đợt phạt nó ra ngoài thì tuyết đã rơi nặng hạt từ lúc nào. Bước chân mùa đông đang sầm sập đến. Những bông tuyết như đám bông lau xốp mịn, ướp mọi thứ trong triền miên sắc trắng. Tuyết thấm đẫm tháp chuông nhà thờ, cánh đồng xa và những con đường ngoằn ngoèo. Nó co người lại, rùng mình. Xa lạ quá. Giống như những bông tuyết lạnh giá thiếu hơi ấm kia, nó thấy mình lạc lõng giữa đám trẻ ích kỉ khác màu da và ngôn ngữ. Bà quản lí mũi khoằm cứ gặp nó lại lẩm bẩm như thằng ăn hại nhà bà vậy. Bỗng, nó nhớ đến nôn nao vùng quê tràn nắng. Nắng gay gắt trườn trên đồi cát, phơi mình bỏng rẫy. Nắng loang loáng phủ lên mặt biển nhóng nhánh dát vàng. Xiên xiên trên áo mẹ hàng ngày vẫn gò lưng chở hàng ra chợ bán. Bố vất vả, nhễ nhại bên lò bễ. Cái nắng thiêu đốt và ánh lửa rực đỏ. Cuộn vào nhau như muốn vắt kiệt những giọt mồ hôi của bố. Vắt kiệt cả sức chịu đựng của người dân nơi miền gió Lào cát trắng. Nó thương bố quá. Đã lâu không được nghe tiếng bố, chẳng biết bố sống ra sao? Chắc giờ này bố cũng đang cô đơn và bất lực giống nó.
Bất chợt đầu nó nảy ra một ý nghĩ rất nhanh. Bà quản lí hay vứt điện thoại chỗ phòng trực. Chờ lúc bà đi vắng, nó lẻn vào với ý nghĩ mượn tạm để gọi về cho bố vì vẫn nhớ số của bố trong đầu. Thật đen đủi, chưa kịp gọi bà ta đã về. Cái điện thoại cứ rung lên từng hồi chuông mà nó mù tịt chỗ tắt. Thế là bà ta lu loa lên, cho nó là thằng ăn cắp, mặc nó van xin rối rít. Cuối cùng, nó bị gọi lên phòng hiệu trưởng, rồi đưa đi khám bác sĩ. Cuối cùng nó nhận thông báo sẽ phải rời đi nơi khác, phù hợp hơn với bệnh tình. Nghe xong, tập tễnh bước ra gốc táo già mà lòng nó nặng trĩu như có ngàn mối lo đang quàng lên cổ.
“Tình ơi. Hôm nay đi học anh tìm mua được nồi cơm điện rồi.”
Anh nó mừng rỡ báo tin vì mấy hôm trước Tình than thèm cơm quá.
“Anh mua được gạo nếp và lạc. Mai anh thổi xôi cho em nhé.”
Khuôn mặt tư lự. Môi nó mấp máy:
“Vâng... nhưng...”
Nhìn sâu vào đôi mắt anh. Miệng nó méo xệch.
“Em sao thế? Nói anh nghe nào.”
Anh Thịnh rối rít lay vai nó.
“Mai người ta chuyển em đi rồi... em không được ở cùng anh nữa đâu…”
Thịnh lặng người. Đây là dự cảm mà từ lâu nó lo sợ. Nếu Tình ở đây nó sẽ biết đường để chăm cho em. Còn bị chuyển đi thì ai là người lo cho thằng bé. Mà thằng bé quá mong manh, nhạy cảm. Một mớ bòng bong rối trí. Nhưng đã ra sự thể thế này, không nên để thằng bé sợ.
Thịnh nhỏ nhẹ:
“Em à. Nhìn anh này. Bất cứ họ chuyển em đi đâu anh cũng tìm thấy thôi. Chỉ cần em biết lo cho mình. Cố gắng hòa nhập với họ là ổn. Anh luôn ở bên em. Cười lên đi nào đừng ủ rũ nữa. Em cười trông đẹp trai lắm.”
“Vâng...”
Tình cố mỉm cười. Nụ cười trệu trạo, vô hồn trên gương mặt bần thần ngơ ngác. Vậy là điểm tựa cuối cùng cũng đã tan biến. Một đứa ngáo ngơ không ai thấu hiểu. Một người chậm chạp, dở hơi bị bạn bè xa lánh. Một gánh nặng của gia đình. Bỗng nhiên nó thấy mình chao liệng giống như chiếc lá mồ côi. Chiếc lá cứ chơi vơi lạc trong từng đợt gió dập vùi mà chẳng biết tìm nơi nao đáp xuống…
Đêm cuối cùng trước khi chuyển đi, cơn lạnh luồn lên người nó, xối vào ngực, xoáy trong đầu nhe nhói. Từng cơn, từng cơn dồn dập tím tái. Nó run bần bật. Mơ màng đi vào giấc ngủ ma mị, chập chờn. Nó trở về quá khứ với ngôi nhà hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười của bố mẹ. Biển hiền lành êm ả từ từ hiện ra. Rồi đang xanh biếc bỗng cuồn cuộn nổi sóng hung dữ. Mặt trời đỏ lựng nhuộm cả ráng chiều rực trong màu máu. Máu lan nhòa ra biển, thấm vào bờ cát trải dài. Tóc Mây, Tình nhìn thấy Tóc Mây chạy trên bờ cát đó. Khuôn mặt cô ấy nhuốm máu bê bết. Cô ấy đang chạy trốn khỏi những lưỡi sóng đỏ khè dài thượt vươn ra như muốn nuốt chửng vào lòng biển sâu.
“Chờ tớ với Tóc Mây ơi!”
Vùng dậy thật nhanh, nó vớ lấy cái hộp đựng lọn tóc nhỏ, lặng lẽ mở cửa sổ tầng bốn. Bầu trời ngấn bạc. Không gian xổ tung như chiếc giường lông vũ ấm mềm, thiết tha mời gọi. Hít một hơi thật căng rồi thả mình vào chiếc giường êm ái đó.
Nó lịm đi trong giấc ngủ phiêu bồng…
Sáng sớm người ta đã nghe thấy tiếng hét, tiếng kêu gào thống thiết của một đứa trẻ. Bên cạnh, những miếng xôi tung tóe rơi trên nền tuyết trắng mềm, buốt lạnh.
T.T
VNQD