. HOÀNG ĐĂNG KHOA
Mỗi thành phố tự trầm tích cho mình một mùi riêng. Với Hà Nội, đó là mùi của cà phê, hay là mùi của những người như nhân vật “ông” trong truyện ngắn Cũng tại mùa đông của Lê Minh Hà. Họ là những trí thức nghệ sĩ thời vang bóng. Họ tự mình cách biệt với lao xao ô trọc. Nhiều người rời đây mà đi, xa có gần có, nhưng rồi lại loay hoay trở về. Sau trước họ thuộc về thành phố này, dự phần sinh động kiến tạo nên linh hồn của vùng địa nhân này.
Ngày của “ông” trong truyện ngắn nói trên nối từ quán cà phê bình dân qua tiệm sang trọng. Cà phê phin, từng giọt ép mình rơi, trong gió trở đầu mùa se sắt hay trong hơi mưa phùn run rẩy. Những cuối thu đầu đông. Những chiều xuân chưa thấy hơi ấm. Bè bạn. Một mình.
Đời thi thoảng đãi kẻ khù khờ bằng những vỡ lẽ thú vị bất ngờ. Tình cờ một hôm tôi và một người anh cơ quan láng giềng có dịp đứng gần nhau và bắt chuyện. Anh nhìn đất nhìn trời liến thoắng: “Chẳng biết chú thế nào chứ anh mắc bệnh nhạy cảm với mọi thể loại thời tiết. Kiểu gì cũng cứ nao nao. Nhìn sáng nhớ trưa nhìn mưa nhớ nắng nhìn đông nhớ hè nhìn đầu năm nhớ cuối năm…” Ôi, bấy lâu tôi biết đâu người đó là anh đây, người mà luôn cười phô hàm răng màu khói thuốc, người mà lúc nào cũng quân phục chỉnh tề, mặc dù tôi vẫn biết người đó là họa sĩ.
Tôi vốn đồng bệnh với người anh vừa nhắc, thời tiết kiểu gì cũng khiến nao nao, mà đã nao nao là phải xuống đường. Vậy nên, tôi cũng tương lân với nhân vật “ông” đã kể, ngày lại ngày tìm đến những quán cà phê. Có điều, “ông” thì cà phê phin, còn tôi thì Espresso. Xưa nếu uống cà phê vào là tôi cứ như người mất hồn, nay tôi lại cứ như người mất hồn nếu chưa uống cà phê. Espresso kích ứng rất vừa độ đối với neuron thần kinh nhạy cảm của tôi, như thể nó là quà riêng dành cho tôi vậy. Này Espresso, mày cứ cô thế thì tao bao giờ mới hết đơn? - Single hay double là do mày chọn.
“Uống cà phê ngon nhất vẫn là uống một mình, nhưng phải là ở giữa những người khác. Trong tiệm. Nó vừa lặng lẽ vừa ồn ào. Nó chung chạ với người khác nhưng vẫn lắng vào trong. Để nghe ngóng được cả những cảm xúc và cảm giác khẽ khàng nơi nội tâm mình.” Nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc từ nước Úc xa xôi đã viết trên trang cá nhân như thế.
Trời khéo bù người sau những cuộc đày người. Ai rồi cũng được ít nhiều khoảnh khắc tự an ủi, rằng mình không đơn độc. Ấy là những khi họ run rủi thoáng chốc gặp tấc lòng tri kỉ. Một nhân vật trong trang sách. Một người ngoài đời thực. Một facebooker trên thế giới ảo… Thì ra mình chẳng đến mức phù phiếm đồng bóng gàn dở dị hợm. Thì ra mình chẳng phải là một là riêng và đương nhiên là thứ en nờ.
Thời sinh viên ở Huế, tôi cứ bị ám ảnh mỗi lần đạp xe ngang qua những quán cà phê khu vực Trương Định - Phạm Hồng Thái hay xung quanh Thành Nội. Ấy là bởi cái cảnh tượng người ta ngồi trong quán nhìn ra. Không phải là quán rượu người câm như cách miêu tả của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, mà là quán cà phê người không câm nhưng không nói, hoặc là nói nhỏ chỉ đủ cho người nghe nghe. Họ ngồi uống cà phê mà như thể tọa thiền. Như thể bất động trăm năm. Nhàn thân nhưng chẳng biết có nhàn tâm.
Sau khi rời Huế, giấc tôi mơ hằng đêm cứ chập chờn gương mặt bạn bè và không gian quán xá cà phê ở xứ thần kinh. Cũng phải, vì một phần thanh xuân rực rỡ thánh thiện của bọn tôi gắn với những quán cà phê. Chẳng biết có phải là quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối hay không, chỉ biết rằng những tên quán giàu tính kích thích như Cát Đằng, Cũng Đành, Dạ Thảo, Thảo Vy, Sông Xanh, Sông Trăng, Bốn Mùa, Lộng Gió… đã giải cứu hội nhóm “Lãng Tử” tự phong chúng tôi khỏi cơn buồn ngủ bất khả cưỡng những giờ học nhàm tẻ. Trong chuỗi giấc mơ của tôi liên quan từ khóa “cà phê Huế” có một giấc mơ tái đi lặp lại. Rằng Huế, “phía trước”, có một quán cà phê rất đặc biệt. Đó là quán cà phê giữa bạt ngàn hoa. Những bộ bàn ghế la liệt đặt lên hoa. Khách cứ rẽ hoa mà đi, vịn hoa mà ngồi. Thế mà, trước khi xa Huế, chúng tôi nỡ bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm không gian cà phê hoa này…
Giấc mơ thật đến nỗi, mỗi lần tỉnh giấc, tôi không minh định được là cái quán cà phê hoa ở Huế có thật hay không. Về sau, tôi thức nhận, thì ra bối cảnh của giấc mơ hoa Huế có nguyên mẫu là cái sác vừa nhãn tiền vừa khuất lấp nhìn từ nhà cũ của tôi ở quê xa. Nhà cũ của tôi nhìn ra vài nhà nữa là đến đường cái quan. Bên kia mương dẫn thủy lợi chạy dọc theo đường cái quan là dãy nhà quay mặt lại hướng nhà tôi. Sau lưng dãy nhà này là một khoảng đồng. Hết khoảng đồng là đến dòng sông ôm lấy làng. Không hiểu sao cái vùng đất xa xa phía đằng sông ấy người làng tôi lại gọi là “sác”. Tuổi thơ của tôi và bạn bè cùng xóm gắn với những buổi đi hái rau lợn, mò cua cất tép “trước sác”. Ở trước sác này có một cái nền cũ của đình chùa miếu mạo gì đấy, nơi mọc lên những câu chuyện hư huyền nhuốm phủ mảnh hồn non dại của tôi.
Mọi thứ đều được chuyển hóa, bảo toàn, quy hồi vĩnh cửu. Nước đi ra biển lại mưa về nguồn. Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa. Có ai ngờ, cái sác rậm rì cỏ cây đồng nội thời thơ thiếu nhỏ nơi quê nhà của tôi lại móc xích liên nối với hàng quán cà phê giữa bạt ngàn hoa trong giấc tôi mơ Huế. Rồi gần đây, không gian cà phê hoa Huế trong giấc mơ của tôi có dịp được tái gợi bằng những khung cảnh rất thực, rất trực quan sinh động, khi tôi khám phá quán xá cà phê Hà Nội. Ấy là lần bạn chở tôi lên Highlands Coffee trên đường Nhật Chiêu. Trước khi rẽ vào Nhật Chiêu là đi qua một nhà hàng nằm trên một bãi cỏ gần thung lũng hoa hồ Tây. Nơi bãi cỏ này cũng có rất nhiều hoa. Những cây hoa cao được bài trí bố cục chứ không phải mọc là là mặt đất. Giữa bạt ngàn cỏ hoa là ngổn ngang khách dừng chân ăn uống vui chơi tụ bạ. Nhóm ngồi trên bàn ghế của nhà hàng. Tốp nằm giữa tấm bạt trải lên cỏ... Một lần khác, tôi ngồi cà phê một mình trên đường Đinh Tiên Hoàng. Bên phía mắt phải của tôi là cầu Thê Húc cong cong dẫn vào đền Ngọc Sơn. Trước mặt tôi, xa xa ra mép hồ Gươm là tua tủa cỏ đuôi chồn hoải hoang tím rịm. Cỏ hoa dâng ngập lên cả những chiếc ghế đá mà các đôi tình nhân đang ngồi ngắm hồ… Ra thế, như dòng sông dẫu qua bao nhiêu ngả rẽ thì vẫn liền lòng, những đoạn đời rạc rời của tôi vẫn tự biết cách chắp mối bằng thứ tơ kí ức, keo giấc mơ. Quê nhà tuổi thơ, Huế thanh xuân và Hà Nội trung niên châu tuần hợp nhất. Cũng tại cà phê.
Uống cà phê quán quen, chỗ ngồi quen, cho ta cảm giác thân thuộc, tự tin, tự chủ. Uống cà phê quán lạ, cho ta cảm giác được xê dịch, được thay đổi thực đơn ngày. Chẳng hạn, cũng là Highlands Coffee, nhưng ngồi ở đối diện ga Hà Nội khác với ngồi ở bên chân cột cờ Hà Nội, ngồi ở Nhật Chiêu hồ Tây khác với ngồi ở Hàm Cá Mập hồ Gươm hay ở Trấn Vũ hồ Trúc Bạch. Ngồi ở Nhật Chiêu, ta như thể một chiều xa thành phố, trượt ra bên lề Hà Nội. Hay chẳng hạn, cũng là Giảng, nhưng Giảng Yên Phụ tất nhiên không giống Giảng Nguyễn Hữu Huân. Ngồi ở Giảng Nguyễn Hữu Huân là ngồi ở một địa chỉ đỏ cà phê mà bao nhiêu người mơ một lần đến thủ đô để được trải nghiệm. Đây là nơi thủy tổ khai sinh ra món cà phê trứng nức tiếng lừng hương. Thế nhưng, vào một ngày cuối năm chẳng hạn, ta tản bộ ra Giảng Yên Phụ. Chọn chiếc ghế bên ngoài cửa quán, dựa lưng vào tường, nghênh diện đông phong, nheo mắt thả khói thuốc sang bên kia, nhìn đường đời tấp nập, chẳng biết người ta đi về đâu để làm gì mà ai cũng vội, thương cho người rồi lạnh lùng riêng. Đấy, trung tâm rồi ngoại biên, chính rồi phụ. Mỗi ngày một bến lạ. Mỗi ngày một chỗ ngồi. Đời sống sẽ buồn tênh khi đơn điệu tẻ nhàm, khi lờn mòn cảm giác.
Khỏi phải nói cái độ cuồng cảm giác của tôi những mùa Hà Nội giãn cách vì dịch bệnh. Hàng quán đâu đâu cũng gắn biển bán mang về. Ôi chao, cà phê mà không được ngồi quán, mà mang về, thì còn gì là cà phê. Thế mới biết, mùa bình thường là mùa hạnh phúc. Con người chỉ hạnh phúc khi được là người bình thường.
Uống cà phê một mình trong tiệm, ở giữa những người khác, khi cầm tay là cả thế giới, đọc đọc gõ gõ, thì đó là cách thế dung hòa lí tưởng giữa chơi và làm, giữa thư nhàn và bận rộn, giữa ầm ồn và tịnh yên. Ngồi trong tiệm cà phê là ngồi giữa thiên nhiên, nhìn bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta. Khác với ngồi nhà.
H.Đ.K
VNQD