Nàng Sita cù lao

Chủ Nhật, 21/08/2022 00:19

. HỒ THỊ LINH XUÂN
Trên xe lúc ấy ngoài gã tài xế coi bộ vận chẳng có vẻ gì là quan tâm đến thế sự còn có hai người nữa. Người đàn bà vừa lên ở ngã ba, xách khệ nệ giỏ nhựa đựng lỉnh kỉnh đủ loại đồ dùng bánh trái. Xe lượt lên những ngày này la liệt ghế trống đến nỗi gã tài xế chẳng buồn sắp chỗ, khách ngồi đâu tùy thích. Nhưng vô tình thế nào người đàn bà lại lom khom ngay cạnh ghế gần cửa xuống - đối diện Sáu Chơn đang khe khẽ mở mắt sau giấc ngủ chập chờn. Có cái gì quen thuộc từ hình dáng của bóng áo trắng kia. Là ai được nhỉ, trong số rất nhiều người từng gặp gỡ mà linh cảm cho biết phải là một người đã để lại nhiều khoảng kí ức khó phai mờ. Phải có nét gì để lại ấn tượng sâu sắc hoặc chí ít là một vết sẹo. Sáu Chơn lấy tay sờ lên trán, như vết sẹo này, một vết cứa cắt hai đầu mày đánh vòng cung lên phía trên tạo thành cái dáng lưỡi liềm - là dấu tích của một lần cõng người qua bãi bùn té dúi dụi vào mảnh xác bom, sau này trở thành đặc điểm nhận dạng ghi trên căn cước: sẹo lồi 8cm hình bán nguyệt.

Minh họa: Phạm Hà Hải

Khi người đàn bà ngẩng lên, đôi mắt, một đôi mắt khoen sâu ấp trong hàng mi dài rậm với ánh nhìn thăm thẳm như thể đã bị thời gian bỏ quên khiến kẻ đang cố triệu hồi kí ức để chất vấn và xác minh danh tính người đàn bà kia phải giật mình.

- Trời đất ơi! Nàng Sita!

Sáu Chơn nhớ lại… bao năm rồi… người ở cù lao Chàng Bè vẫn quen gọi Sê Tha là nàng Sita - người đã hóa thân rất ăn vai thành vợ của thần Rama trong vở dù kê được trình diễn trong lễ nhận tuổi phục vụ bà con đồng bào. Ai chứ nhỏ Sê Tha thì Sáu Chơn rành, con bé hồi nẫm bé choắt, đen nhẻm, cũng thường thường như bao đứa con nít ở xóm bãi bùn, ngày lễ tết, giỗ tiệc hay nghe lời má nó là thím Chệt Kim cầm hui ná mang đồ sang nhà Sáu Chơn cho. Đồ không quý nhưng lúc nào cũng gói ghém và giấu trong cái giỏ hoa đan tre của người Tiều coi rất lịch sự. Bữa là vài khúc lạp xường, bữa là một góc tư chiếc bánh in. Nhà Sáu Chơn thì ít rườm rà hơn, được con cá hay lá rau thì cứ vậy mà mang qua biếu hàng xóm.

Có một bận cũng khá lâu, Sáu Chơn theo ông chú họ ra đất liền học nghề thợ đá. Ngày về đúng hôm ngoài nhà dựng sân khấu hát kịch nói, vở Nàng Sita. Vậy là hắn cùng đám thanh niên trai tráng kéo nhau ra xem vì nghe nói nàng Sita đêm nay là một thiếu nữ rất xinh đẹp.

Lời đồn quả không sai, nàng Sita chẳng những gương mặt như hoa mà giọng nói cũng ngọt ngào và thánh thót. Đám thanh niên chỉ chú ý bầu ngực căng tròn của bà hoàng phập phồng sau tấm vải xô giả mốt-sơ-lin quê kệch. Riêng Sáu Chơn thì đờ đẫn trước ánh mắt sâu hút huyền diệu dường như biết kể cho khán giả nỗi lòng của nàng Sita: dù giàu đức hi sinh và lòng dũng cảm vẫn không tránh được tai bay vạ gió như thể trời cao cứ nhằm vào phận má hồng mà ghen ghét. Hắn cứ gặng hỏi hết người này đến người khác có thiệt đó là con giữa thím Kim? Không gặp có bao lâu mà người đâu lại khác ra nhiều vậy? Ông già bà cả cười cười, “nó trổ mã nhìn được gái quá hén bây”. Sáu Chơn vặn vẹo nói thầm “phải gọi là tuyệt đẹp”.

Sau đêm diễn, Sáu Chơn đi theo tiếng gọi của ái tình cứ mon men sang nhà thím Kim rủ thằng em út của nàng Sita đi bắt cá sau khi thủy triều rút. Bất kể khi nào nhà thím Kim có việc đều có mặt Sáu Chơn, khi thì chở củi, lúc lại dựng nhà. Mỗi lần cô ra triền sông hái bần về nấu ăn, thể gì Sáu Chơn cũng vác dầm xuống xuồng chờ để đưa nàng đi vì lo sông sâu sóng cả. Mấy lúc nàng vào rừng nhặt bần chín sẵn dịp ghé thăm bầy khỉ nhỏ, Sáu Chơn luôn sẵn sàng xung phong: “Cô ba lên tôi cõng, nước mới rút rất lầy”. Ngày lễ lạt tết nhất của người đồng bào, hắn lại kéo thêm thanh niên bãi bùn sang rủ chị em Sê Tha chạy be kèm qua chùa Mơn bên bờ tây để ca hát vui chơi. Cứ tưởng mưa dầm thấm lâu, đợi nàng mười tám đôi mươi Sáu Chơn sẽ nhờ tía mẹ sang hỏi nàng về làm vợ…

 

Minh họa: Phạm Hà Hải

Người đàn bà nheo mắt dường như cũng đang lục lọi kí ức về người vừa gọi biệt hiệu của mình trong tiềm thức cũng bao điều quên nhớ. Và khi người đàn ông bỏ xuống cái nón bê-rê cũ kĩ làm lộ vết sẹo mà bà đã từng nhai nát lá bần để đắp vết thương thì ánh mắt bỗng sáng lên một nỗi vui mừng rất đỗi thật thà.

- Anh Sáu! Phải anh Sáu đó không?

- Tôi đây, cô Ba.

Trong giây phút đoàn viên là nghèn nghẹn biết bao nỗi niềm, có người mừng, kẻ lại tủi thân. Cả hai cùng gật đầu trong buồn vui lẫn lộn, ngầm hiểu ý gặp nhau đây chung quy là vì người ấy…

Người ấy, ở cái lần đầu tiên Sáu Chơn bắt gặp, đang nằm gục ở bãi bùn chỉ còn chút hơi thở thoi thóp. “Mèn đét, lính tráng gặp phục kích đây mà”. Tròng dây giỏ vọp mới bắt qua cổ thòng trước ngực, Sáu Chơn xốc người bị thương lên lưng, miệng cứ lẩm bẩm “ông anh ráng lên, cặp xóm chài tụi tui có trạm trị liệu”.

Trời tối, nước triều dần lên cao xóa đi vết tích những cụm rễ bần lô nhô như chông nhọn. Sáu Chơn cứ thế cõng người chạy xuỳnh xuỵch về phía bìa rừng. Đôi chân quen đường nhưng trong bóng tối cũng không tránh khỏi vài lần bước xiên xẹo vào chông. Bàn chân rát rạt nhưng Sáu Chơn cứ mặc kệ. Còn vài bước nữa chạm bờ thì Sáu Chơn vấp vào vật gì ngã chúi. Một cảm giác đau buốt khi vầng trán chạm mặt đường. Lồm cồm đứng dậy dựng người bị thương lên, hai dòng nước lẫn bùn đất chảy tràn xuống khóe mắt Sáu Chơn âm ấm.

Nàng Sê Tha cũng đang ở trạm trị liệu. Cổ đến nhận thuốc để giữa đêm nay lên đường. Khi người trọng thương được thả gấp xuống băng ca là chiếc chõng tre, nàng hốt hoảng gọi bác sĩ:

“Trời đất, hai phân nữa là trúng tim rồi”.

Trong lúc người ấy được khiêng vào trong để chăm sóc vết thương, bên ngoài Sáu Chơn cũng được nàng Sê Tha sát trùng rồi nhai lá đắp. Đau thì có đau nhưng... sướng thiệt. Sáu Chơn vừa nghĩ ngợi vừa cười híp rí cặp mắt một mí. Nàng Sê Tha nhéo nhẹ, “Chứ anh Sáu cười cái gì?” Chưa kịp trả lời thì bóng áo trắng từ trong đi ra vẻ khẩn trương: “Mất nhiều máu quá, ở đây ai máu O, tiếp cho ảnh một đơn vị”. Nàng Sê Tha đứng dậy không cần suy nghĩ. Mọi việc diễn ra chớp nhoáng khiến Sáu Chơn cũng không thể nào trở tay kịp.

Sau kíp mổ, trưởng trạm nhíu mày vẻ không chắc chắn: “Giờ ảnh tỉnh hay không còn trông vào ông trời”. Đêm ấy, nàng Sê Tha giao lại cái cà om đựng dây câu giấu bên dưới là thuốc men cho Sáu Chơn. “Em giao cho anh Sáu gửi ra vàm cho anh em. Gắng mà hoàn thành nhiệm vụ”.

Nằm mê man ba ngày liền thì người ấy tỉnh. Sáu Chơn hay tin cũng xấp xải chạy qua thăm, đem theo cà mên cháo cá ngát bổ khí huyết, sinh tân, ích khí lợi cho người vừa bước qua ải tử thần.

Sau này nghe dân xóm chài thuật lại rành rọt quá trình mình được cứu sống đã khiến hai người ơn ai cũng đổ máu, Hai Kiên xúc động vô cùng. Nhìn đôi chân chi chít sẹo lồi lõm lẫn vầng trăng khuyết coi rất lạ trên trán Sáu Chơn, Hai Kiên cảm khái: “Ơn này, anh ghi lòng tạc dạ”. Sáu Chơn nghe lời khách sáo hổng quen, gãi đầu cười cười: “Gặp ai người Chàng Bè cũng giúp, huống gì còn là cán bộ du kích. Mà công lớn nhất là cô Ba đây”. Nàng Sê Tha mắc cỡ còn vân vê vạt áo không dám nhìn Hai Kiên. Hai Kiên thầm cười đưa tay sờ lên ngực - trong cơ thể này đây có chạy dòng máu của nàng.

Suốt cả tháng trời nằm dưỡng thương ở đất cù lao, Hai Kiên luôn được bà con đùm bọc che chở hết lòng. Chỉ tội cho Sáu Chơn, nhiều lúc thấy người yêu dấu thân thiết quá mức với kẻ nọ mà không thể nào hờn ghen được. Mình chưa là gì của người ta mà. Dân xóm chài gặp Sáu Chơn thì nhỏ to trêu ghẹo, “thanh mai trúc mã chứ cũng hổng bằng tốt mã hen”. Buồn quá, Sáu Chơn một mình chống xuồng qua coi kịch bên chùa Mơn. Hắn thấy mình sao giống hệt gã khỉ thần Hanuman. Dù có hào hiệp và muôn phần tốt đẹp ra sao vẫn phải chịu ra rìa, không thể thắng nổi thứ tình yêu có sự giao hòa từ hai phía. Nhưng không duyên nợ thôi cũng chẳng thù ghét nhau, ganh tức mà làm gì, Sáu Chơn nghĩ vậy rồi tự chôn chặt mối tình đơn phương vào dạ. Với tình địch, Sáu Chơn vẫn hết lòng tương trợ. Hôm đưa Hai Kiên qua bên kia bờ, người cán bộ bá vai Sáu Chơn, một mực nhận đây như đã trở thành quê hương thứ hai của mình. Đợi nay mai hòa bình anh sẽ trở lại cùng bà con kiến thiết lại đời sống dân cư xứ cù lao sao cho thiệt ấm no, phồn thịnh. Nghe Hai Kiên bảo vậy, Sáu chơn cười xòa: “Cỡ anh Hai phải làm nhà kinh tế mới vừa”. Hai Kiên ôm chặt Sáu Chơn: “Biết vậy…”

Sau đấy Sáu Chơn đi lính, quân tình nguyện sang đất bạn Campuchia, cũng vào tử ra sinh, mạng sống treo trên đầu súng. Nhưng trời cho phải sống, hết lần này đến lần khác vào ải tử nhưng Sáu Chơn vẫn tai qua nạn khỏi một cách khó tin. Mùa khô năm ấy, sau chiến thắng của cuộc tiến công quyết định Sáu Chơn đã tính hồi quê. Sau lần khần, ở lại chiến trường thêm gần hai năm nữa mới phục viên...

*

*         *

- Tôi đi tròn bảy năm, ngày trở về xóm làng tất thảy đổi thay, không còn ai quen, không còn gì như cũ.

- Một số già yếu về với ông bà tiên tổ. Lớp trẻ khó sống quá, kẻ vượt biên, người tìm đến vùng kinh tế mới, nhiều đổi thay là phải anh Sáu à!

- Cả cô cũng bặt tin. Khi giải ngũ về xin vào làm ở nông trường 304 tôi có gặp anh Hai Kiên. Gặng hỏi tới lui về cô nhưng ảnh cứ lấp lửng tỏ vẻ đau khổ rồi lảng sang chuyện khác. Tôi còn ngỡ chuyện tình của cô và ảnh kết thúc không có hậu vì sao đó mà cô đi lấy chồng...

Nước mắt có khi nào chảy ngược bao giờ. Nhưng đã khóc nhiều suốt từng ấy năm, đến ngày giờ này những đớn đau cũng nguôi ngoai, niềm vui của người đàn bà hiện giờ là đứa con trai ở mãi trong tầm vóc của đứa trẻ lên bảy lên năm, dù ngờ nghệch nhưng vô tư, chẳng bao giờ biết làm đau lòng người mẹ.

- Chuyện dài lắm, anh Sáu à! Chứ hồi giải ngũ anh gặp anh Hai thế nào?

- Ảnh làm trợ lí cho giám đốc nông trường. Cũng tình cờ lắm. Dù có nghề thợ đá nhưng thiệt với cô là tôi vẫn yêu rừng.

*

*         *

Hôm ấy, Sáu Chơn thập thò ngoài cổng trung tâm điều hành nông trường. Trời tháng sáu nóng như đổ lửa mà nghe đâu ban giám đốc đang họp. Đang tần ngần định trở ra quán nước hút điếu thuốc ngồi đợi thì Sáu Chơn gặp Tám Nhơn, ngày trước cùng trong đám thanh niên sức vóc giăng câu thả lưới ở bãi bùn. Bạn cũ lâu ngày gặp nhau mừng quá, Tám Nhơn biểu để tao xin ông anh họ đang làm trong này cho mày một chân nông trường viên. Biết Sáu Chơn từng bảy năm quân ngũ, chiều đó được gọi vào bảo tạm thời canh giữ rừng phòng hộ ven sông đang khuyết người để chờ sắp xếp công việc.

Mấy lần ra vô nông trường, Sáu Chơn nhác thấy bóng người năm cũ. Có lần đánh bạo chạy theo chiếc 67 gọi với “anh Hai Kiên” mà người nọ chẳng biết có phải tên đó hoặc nghe có rõ không mà vẫn chạy xa dần. Đêm nằm trong căn chòi cất tạm phía bìa rừng, Sáu Chơn cứ gác tay lên trán sầu muộn không tài nào ngủ yên. Cái ơn cứu tử khi xưa sau ngày giải phóng coi chừng chỉ được đến vậy. Cứ nhớ đến cái bá vai hồi nào của anh Hai Kiên, rồi thái độ của anh hồi này, Sáu Chơn thiệt khó nghĩ quá chừng.

Một bữa nọ ban điều hành nông trường có chuyến tham quan để lập kế hoạch mở rộng rừng phòng hộ ra phía bãi bùn. Nước lớn, Tám Nhơn được giao nhiệm vụ chạy tắc ráng, trên vỏ lãi có giám đốc, hai ông phó giám đốc, trưởng phòng này, phó phòng nọ, có cả anh Hai Kiên tháp tùng ra sông lớn. Đang yên đang lành thì trời nổi gió, sơ sẩy thế nào lại để lật thuyền. Sáu Chơn đang thăm rừng trồng mới cách đó một đoạn vội chạy đến ứng cứu. Giữa ông này ông nọ đang ngụp ngửi, Sáu Chơn chỉ nhiệt tình vớt cho được chiếc áo xanh nhạt chẳng bao giờ nhìn ngoảnh lại mỗi khi nghe tiếng gọi: “Anh Hai Kiên”.

Tối đó, sau khi trở về từ rạch bần với mấy con cua đực và bầy cá thòi lòi trong giỏ, đang đứng rửa chân thì một ánh đèn pin pha vào chòi, nhất là cái giọng nói đã từng quen thuộc khe khẽ “có nhà không chú Sáu ơi” khiến Sáu Chơn giật mình. Anh Hai Kiên cầm chai rượu đế tươi cười bước vào trong rất đỗi tự nhiên như thể lâu ngày được dịp đến thăm người bạn cố tri; còn mọi sự gì lợt lạt mấy tháng qua đều bỏ xó. Sáu Chơn đứng ngây người ra chẳng biết phải chào đón người quen đây thế nào cho phải. Mới tối qua nằm hắn còn nghĩ bạn bè trong quá khứ sao mà lỉnh lảng như nước đìa.

“Vô đây chú Sáu! Tối nay anh em mình nhậu cho quắc cần câu một bữa nghen!”

Sáu Chơn phủi tay bước vô, gường gượng chào: “Anh Hai ghé chơi. Chứ khuya khoắc vầy, uống say lát nữa sao anh chạy về được?” Vẫn là cái bá vai thân mật như cũ mà sao Sáu Chơn thấy sự thân thuộc đã trôi tuột đâu mất. “Tối nay cho anh ngủ lại với chú. Sự đời, nhiều chuyện nhìn vậy chứ chẳng phải vậy. Lai rai đã rồi anh em nói chuyện. Lúc đó chú sẽ hiểu anh”.

Sáu Chơn đem mớ cua và cá bắt lên luộc bày thêm chén muối tiêu. Hai Kiên rót rượu ra, bưng lên kính, “chú bỏ qua cho anh, gặp chú mà anh lờ đi, chú vào nông trường mà không giúp được chú một chỗ thật tốt”. Hai Kiên dốc hết chung vào miệng, khà một cái thiệt đã rồi nói tiếp: “Mà anh nói thật, chân gác rừng có thể là chỗ yên ổn, ít thị phi nhất trong cái nông trường này!” Thấy Sáu Chơn vẻ khó hiểu, Hai Kiên vỗ vai bạn một cái mạnh rồi nói luôn: “Chú không biết đâu, đất nông trường này ngày trước mang tiếng là đất công. Mà chú nghĩ coi, rừng rậm hoang vu, lam sơn chướng khí không dấu chân người; muốn canh tác được phải bỏ công bỏ sức vào mà khai phá. Nhưng người khai phá đất đai bờ cõi nào giờ là ai? Là dân. Mà để người ta tự nguyện vào khai phá đâu phải cứ thuê ba cọc một đồng mà được. Đất đai muốn mở là phải đổ mồ hôi lẫn máu xương. Nếu không phải nghĩ được sở hữu miếng đất khai phá để làm của cải vốn liếng cho con cháu đời sau thì đời nào người ta bất chấp tính mạng mở đất chốn rừng thiêng nước độc”. Nhấp thêm một ngụm, gắp thêm miếng cá thòi lòi bỏ vô miệng, Hai Kiên tiếp: “Để chú làm nông trường viên có đất đai canh tác thì cũng được. Nhưng ở nội bộ, anh biết cái chuyện kí khoán và cấp đất hiện đang nhì nhằng. Bàn tay mà người ta muốn lật hết cùng lúc hai bề tất loạn. Tình hay lí gì cũng kẹt. Nay mai hổng chừng có biến, thu xếp không khéo có thể kiện tụng rộng tháng dài ngày. Mệt lắm chú Sáu ạ! Chú là người ơn mà sao anh gặp lại vẫn vô tư vậy, ấy là anh muốn chú yên ổn không dính vào ba cái chuyện lôi thôi nay mai sẽ xảy ra bây giờ”. Chuyện kiến thiết đất đai kinh tế những năm qua thiệt Sáu Chơn không mấy rành, nghe Hai Kiên bảo vậy thì nghe vậy. Rồi đang nói chuyện nông trường thì Hai Kiên chuyển chủ đề qua chuyện sáng nay. “Sáng này trên tắc ráng toàn hạng có chức sắc. Khi thuyền lật, người ta ai nấy ngoi ngóp vẫn cố hét “cứu lấy giám đốc”, còn chú tay bơi siêu hạng, chỉ quần đục nước cứu người anh em một thời của mình. Người như chú, ai cũng thích làm bạn nhưng lại không hợp ở trong chốn quan trường đâu”.

Một li, hai li…, đẫm hết hai lít rượu đế Gò Đen ai cũng ngà ngà lâng lâng đến độ có thể trút hết cả ruột gan với bạn. Chuyện đất đai nông trường, chuyện chính trường khanh tướng Sáu Chơn đâu có bận, hắn chỉ lè nhè hỏi miết về nàng Sê Tha. “Sau giải phóng hai người có đến với nhau không? Rồi giờ cổ ở đâu? Thiệt tôi có đi tìm cổ mà hổng gặp”. “Gặp làm sao được khi mà nàng đã chuyển đến sinh sống ở một vùng đất khác rồi cắt hết mọi liên lạc”. Say vậy nhưng Hai Kiên vẫn còn giữ một chút lí trí sót lại để không kể câu chuyện tày trời rằng chính anh đã vì tham vọng thăng tiến của đời mình mà phụ bạc người ta. Rằng sau những mặn nồng ngày cũ, nàng Sê Tha có mang. Đứa trẻ sinh ra chẳng nói chẳng rằng, sau đó ít năm thì nó chẳng bao giờ lớn nữa. Cuộc đời và sự nghiệp đều vào thế bế tắc thì một hôm Hai Kiên bảo sẽ sang Liên Xô học tập về kiến thiết kinh tế một thời gian. Trước khi đi còn nhắn nhủ: “Em coi không chăm sóc thằng Tít nổi thì gửi nó vào trung tâm khuyết tật cho người ta nuôi. Anh đi lần này nhanh thì ba bốn, lâu cũng phải chín mười năm. Em còn trẻ đẹp, chớ có dại mà chờ. Còn nếu em vẫn vững dạ thì ngày anh về mình sẽ làm lễ cưới”. Và cái hẹn đó chẳng bao giờ tới...

Chuyện nọ xọ chuyện kia, Hai Kiên kể hiện tại có cô Nhung và cô Thúy đều con sếp đang tuổi cập kê đều để bụng thương anh. Sáu Chơn à lên một tiếng, cô Năm Thúy thì anh biết. Mấy lần vào trạm điều hành báo cáo tình hình rừng trồng đều gặp cổ đến chơi. Cổ con quan mà lại hiền lành, biết thương người. Lần nào tới cũng mua nước nôi bánh trái cho gác rừng và bảo vệ. Vuột miệng, Sáu Chơn nhận xét: “Tôi thấy cô Năm Thúy đẹp người đẹp nết, anh coi được thì bỏ trầu cau coi cũng xứng với anh quá chừng”. “Nhưng cổ là con giám đốc!” Sáu Chơn chưng hửng. Thời nào rồi mà e lệ cái chuyện môn đăng hộ đối. Chỉ cần thương nhau về rồi cùng lo mần ăn là được, anh Hai Kiên lại là người có đầu óc thì sợ chi nghèo. Như đọc được suy nghĩ của bạn, Hai Kiên cười buồn. “Anh nói chú nghe rồi quên đi. Giám đốc hiện giờ thậm thụt ngân sách, lập quỹ trái phép, mai này chuyện vỡ lở thì chắc cũng tắt đài hoạn lộ. Cô Nhung mặc dầu con phó, nhưng quan phó lại biết tỏng quan trưởng sai to nên không nhúng tay vào bùn để chờ ngày tiếm chức, đổi ngôi. Mà thôi anh em mình đừng mải nói những chuyện đó chi. Còn chú thì sao? Đã ưng được ai để anh còn uống rượu mừng nữa?” Sáu Chơn ậm ừ. Sao mà nói được cái chuyện mình vẫn còn nặng tình với nàng Sita. Cứ đuổi theo bóng con phượng hoàng nên có thiết gì những xác diều lơ đễnh.

Sáng sau, khi Sáu Chơn thức dậy trong túp lều tranh chỉ còn lại một mình. Không biết Hai Kiên đã rời khỏi từ lúc nào. Nhưng có một điều rõ ràng hơn là từ đó về sau, đến tận ngày nông trường giải thể mỗi người mỗi phương, cứ mỗi lần thấy bóng Hai Kiên, Sáu Chơn có gọi khàn cổ thì người anh em kia cũng chớ hề quay đầu lại…

Sau đó phận đời run rủi Sáu Chơn còn gặp lại Hai Kiên lần nữa, khi nhận làm đá cho căn biệt thự nghe đâu lấy thiết kế từ châu Âu châu Úc rất hoành tráng. Sáu Chơn không biết đó là căn biệt thự của anh Hai Kiên. Sau gặp ảnh về thăm công trình mới nghe nói giờ ảnh đã lên lãnh đạo huyện sắp ứng cử lên tỉnh. Chuyện thăng quan tiến chức của anh Hai Kiên, Sáu Chơn biết chỉ là chuyện sớm muộn. Chỉ là hổng ngờ ảnh phất lên nhanh và xây được căn biệt thự tầm cỡ như vầy.

Suốt cả tháng trời Sáu Chơn bám theo công trình ốp đá, anh Hai Kiên về nhà chẳng mấy lần. Nếu có về, hễ bước qua sân trước vô tình chạm mặt Sáu Chơn, anh cũng làm ngơ rồi nhanh bước vào trong. Mãi đến bữa cuối cùng nghiệm thu anh Hai Kiên mới chủ động mở lời “để anh đưa chú Sáu ra bến xe” khi Sáu Chơn chờ hoài mà không đón được xe buýt. Cùng ngồi băng sau trên chiếc Camry bóng lộn anh Hai Kiên trước sau chỉ bảo “làm lãnh đạo không ai được sống là mình” như để giải thích cho tất cả sự vô tình hờ hững vừa qua. Xong thì anh nói chuyện xóm ấp, kể sơ chuyện học hành của thằng con. Anh có vẻ tự hào về cậu hai Cường. “Thằng nhỏ khá lắm, mới tốt nghiệp thạc sĩ bên Úc”. Đó cũng là lần cuối cùng họ gặp nhau cho đến khi Sáu Chơn thấy chân dung Hai Kiên trên mặt báo cúi đầu gục mặt trước vành móng ngựa…

*

*          *

Qua hết đoạn đường đang thi công này sẽ đến lối rẽ dẫn vào trại giam. Gã tài xế giờ mới nhẩn nha cất giọng. Trên xe có tiếng thở dài. Gương mặt người đàn bà vẫn thản nhiên, bình lặng.

- Ảnh có tội nhưng mà đời ảnh cũng tội anh Sáu à! Ảnh giờ dằn vặt dữ lắm, cứ canh cánh chuyện đời chuyện người ngày xưa. Quyền vị như chất gây nghiện, càng dấn thân vào càng khó dứt ra. Vì nó tình thân mất cả. Nhưng dù trách móc bao nhiêu thì ảnh cũng là cha đẻ của con tôi, dù nó bất hạnh tật nguyền.

Câu nói của người đàn bà làm sáng rõ mọi mọi khúc mắc vẫn luôn hành hạ Sáu Chơn. Người ta nói đàn bà tài sắc thường khổ. Nó như ứng vào cái lao đao lận đận của người con gái đất cù lao sắc nước hương trời.

- Ấy rồi cô có... ưng thêm ai để...

- Cả đời tôi chỉ có mình ảnh.

...

- Không biết lát nữa gặp ảnh, đám già tụi mình sẽ nói gì với nhau?

Phải rồi, sẽ nói gì đây? Kể những ngày gian khổ mà vui lúc xưa hay là chuyện nay đời sống đủ đầy mà phũ phàng cay đắng? Đó là Sáu Chơn đang nhớ lại chuyện hồi sáng này hắn có ghé qua nhà anh Hai Kiên. Gặp chị Nhung, Sáu Chơn biểu “tôi sắp vô thăm anh Hai”, chị ái ngại cười cười rồi hỏi “vậy hả”. Ngay vỉa hè cách đó một đoạn là gã tài xế từng sớm chiều đưa đón anh Hai Kiên đang tựa hông vào chiếc xe mới cóng thường chở chị Nhung. Gã gác một chân lên bánh xe, tay cầm điện thoại đưa lên nói chuyện. Giọng gã the thé và nhanh, miệng nói đầu gật môi cười. Nỗi vui khiến gã mặc kệ đời, chẳng thèm quan tâm có ai vô tình nghe được câu chuyện của gã.

“Thằng sếp anh hả, vi phạm về quản lí đất đai gây thất thoát lãng phí. Ừ đấy, lại còn tư biến công sản, ừ, sao nhà cửa không bị tịch biên à? Có phải đứng tên họ hàng nhà hắn đâu. Dù sao anh cũng cha đẻ thằng Cường, lọt sàng cũng xuống nia ấy mà. Ôi trời, hắn dễ gì biết, hắn khôn chuyện đời chứ dại chuyện nhà. Mà thực ra dại tất, giấy tờ hắn kí là ông già vợ vẽ cả. Con tốt thí thôi… khà khà”.

Nghĩ về chị Nhung, gã tài xế rồi cô Ba Tha, Sáu Chơn ồ ra mình chẳng có quyền gì để phán xét quyết định đúng sai việc làm của mọi người. Bởi có khi đúng với người này lại sai với người kia và ngược lại. Ngay lúc này đây, khi xuống xe đứng ở cổng trại giam Sáu Chơn chỉ biết một điều, dù anh Hai Kiên đã trót đi vào con đường không sáng để lỡ vận sa cơ thì vẫn không vì vậy mà đánh mất đi sự thủy chung của những tấm chân tình…

H.T.L.X

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)