. HỒ TĨNH TÂM
Việt là thượng sĩ tiểu đoàn 3 lữ đoàn thông tin. Chỉ bấy nhiêu đã là oách lắm rồi. Không có trình độ làm sao được tuyển vào binh chủng kĩ thuật - mạch máu của toàn quân, mạch máu của đất nước.
Nhớ ngày nào mới nhập ngũ, lần đầu Việt được kiểm tra tập rải đường dây hữu tuyến để đánh giá trình độ thực binh. Tổ của anh thế quái nào lại có cô gái Bích Hà mười chín tuổi của trung đội nữ bổ sung vào. Cậu Quân số một, là người định hướng rải dây. Việt với Bích Hà là số hai số ba, có nhiệm vụ cố định và ngụy trang đường dây. Cả ba ai cũng phải đeo trên lưng ba lô, rồi cuộn dây hình chữ H, xẻng, cuốc chim, quân dụng, và tất nhiên, lính thông tin mặt trận thì ai cũng phải có tiểu liên, dao găm, lựu đạn… Ôi dào nhiều thứ lắm, nhưng tất cả đều phải đeo thật gọn trên người. Mọi thứ đều giả định nhưng cứ phải như thật. Và thật nhất là chặng đường dài hai cây số rưỡi, chìm dưới nắng mùa hè chang chang lửa. Lúc chạy khom. Lúc bò. Lúc trườn. Cả lết qua trận địa hỏa lực của đối phương. Vừa cuốc rãnh chôn dây vừa đóng chốt ghim rồi lấp đất khỏa lá ngụy trang, cùng lúc đôi mắt phải cảnh giới quân thù. Biết là giả đấy, nhưng không tập trung là bị cấp trên nhắc nhở ngay. Là con gái vừa học hết lớp mười hai, mà chuyện gì Bích Hà cũng nhanh hơn, chính xác, giỏi hơn cả hai thằng con trai xứ Quảng mới lạ chứ. Cách cô ấy ngồi quỳ vung cuốc chim lên cao bổ xuống mặt đất chắc nịch, nhát nào ra nhát ấy, mà đôi mắt vẫn hướng về phía quân thù, cấp trên chẳng thể nào trừ được một điểm. Còn Việt thì lâu lâu lại bị sĩ quan huấn luyện nhắc nhở. Nằm sát xuống mặt đất. Quỳ thấp xuống chút nữa. Đường dây bị lòi ra đấy. Đóng cọc ghim và quấn hai vòng dây đúng cách vào… Rõ ràng cả Quân và Việt đều bị thua Bích Hà đứt đuôi con nòng nọc. Chẳng biết Quân thế nào, chứ Việt thì Việt ức lắm. Kiểm tra huấn luyện cũng là thi đua. Đàn ông thua đàn bà thì nhục lắm. Đến khoa mục rải dây qua sông, Việt quyết chứng tỏ bằng được mình là dân xóm Vạn Đò bên dòng sông Thạch Hãn, nhất định phải giỏi hơn cô gái Hương Điền - Thừa Thiên Huế.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng khi tiến hành lại là một chuyện. Rõ ràng Bích Hà vẫn nhanh và chính xác hơn. Cô thoăn thoắt cởi ba lô lấy ni lông gói ghém mọi thứ, buộc thắt thành gói phao gọn gàng. Đến gác khẩu tiểu liên trên gói phao bơi đẩy qua sông cũng nhanh thoăn thoắt. Leo lên bờ đeo thắt lại các thứ vẫn đâu vào đấy. Không nói ra, nhưng Việt vẫn biết là đến từng cây cọc ghim của cô gái Hương Điền cũng cứng và chắc hơn, dù vẫn chỉ là các cành cây chặt đem về từ những sườn đồi xung quanh doanh trại...
Sau đợt huấn luyện ắc ê, lăn lê bò toài, bắn bia số bốn, bắn mục tiêu di động, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào cả Việt và Bích Hà đều được về C vô tuyến điện, tiếp tục học kĩ thuật truyền tin vô tuyến. Bích Hà ở trung đội nữ. Trung đội Việt thì toàn là con trai lộc ngộc. Lính trẻ có trai có gái mà không thể gặp nhau ngoại trừ đêm sinh hoạt tiểu đoàn. Nhưng những lúc ấy cũng ngồi theo đội hình. Biểu diễn văn nghệ cũng theo từng trung đội. Thoải mái, cơ hội nhất vẫn là giờ chăm sóc rau buổi chiều. Nhưng may mắn lắm mới tranh thủ hỏi thăm nhau được vài câu lúc xuống ao xách nước. Chung quy lại lấy lòng nhau vẫn chỉ bằng những rau muống, rau dền, rau mùng tơi, rau cải… đua nhau vươn xanh mướt. Con vịt, con gà, con ngỗng sởn sơ, và bầy lợn trong chuồng lớn nhanh như thổi.
Sau khóa huấn luyện vô tuyến điện, cả Việt và Bích Hà đều được cấp trên tuyển vào lớp thông tin kĩ thuật số. Máy vi tính bàn, máy laptop, cái nào họ cũng sử dụng thành thạo. Lại còn truy bắt hacker, tóm cổ gián điệp mạng, lấp lỗ hổng, nhảy qua các bức tường lửa, dò tìm thông tin giữa trận đồ bát quái. Ôi trời, cả một thế giới rộng lớn đầy phức tạp đang mở ra. Không học thì thôi, càng học càng thích, càng thích càng bị lôi cuốn. Kết thúc khóa huấn luyện đợt một đạt loại giỏi, cả Việt và Bích Hà đều được thưởng mấy ngày phép về thăm nhà. Bích Hà về Hương Điền, Việt về Triệu Phong.
Nhờ lữ đoàn mà Việt trở thành nhà thông thái tin học của làng Gia Độ. Anh nói với lớp trẻ về lợi ích của tin học. Học giỏi chuyên môn là phần cứng, giỏi tin học với ngoại ngữ là phần công cụ, giỏi quan hệ trong xã hội là phần mềm. Lính đơn vị thông tin kĩ thuật số, cả ba phần ấy khó mà chê được chỗ nào. Lấy chồng lính thông tin, đảm bảo nhanh chóng, bí mật, chính xác, lại an toàn tuyệt đối.
Việt nói với Thủy con bà o: Mày thích học kế toán chứ gì. Kế toán bây giờ toàn làm việc bằng vi tính, mày giỏi nghiệp vụ mà không giỏi vi tính thì vứt. Mày giỏi ngoại ngữ nữa thì được làm việc với công ti nước ngoài, đơn vị tao thượng sĩ Bích Hà nói tiếng Anh như gió, thủ trưởng còn phải nể đấy. Bích Hà ấy à? Đẹp người đẹp nết nhé. Văn nghệ một cây. Tin học khỏi chê chỗ nào. Lính nữ mà bơi đẩy phao vượt sông không phát ra tiếng động, mười ngón tay gõ bàn phím cứ mềm như múa. Hồi còn học rải đường dây hữu tuyến, Bích Hà cầm xẻng cầm cuốc chim giỏi phải biết nhé. Bích Hà ấy à…
Nghe Việt cứ Bích Hà Bích Hà, Thủy hỏi đốp một câu: Cô ấy là người yêu của anh à? Bị hỏi bất ngờ, Việt ngớ ra, sượng lại một lúc rồi trả lời. Lính lữ đoàn đang thời gian học tập, yêu đương là thế nào. Chỉ là Bích Hà… Thủy phá ra cười. Lại Bích Hà nữa rồi. Không yêu mà ca người ta lên mây thế à. Đôi mắt Bích Hà đen lay láy này, ánh nhìn của Bích Hà mượt như nhung này. Mái tóc Bích Hà lại dày óng ả, xòa như mây như suối này. Sao anh không khen hết đi. Còn chỗ nào của thượng sĩ Bích Hà thì khen hết đi. Ừ nhỉ. Lúc ngồi xe với Bích Hà vượt qua đèo Hải Vân Việt im như khúc củi, toàn dõi mắt nhìn ra biển, vậy mà gặp con em bà o lại cứ huyên thuyên Bích Hà thế này, Bích Hà thế nọ.
Việt đánh trống lảng hỏi: Vợ chồng cậu Đức bây giờ ra sao rồi. Thương binh mặt trận biên giới phía Bắc đấy. Thủy nhìn ông anh họ, cười rất tươi, nghiêng đầu nói. Mới có con. Thằng cu tròn lăn lẳn đã bốn tháng tuổi. Nhỏ rứa mà hắn đẹp lắm. Anh đạp xe qua thăm cậu Đức đi. Cậu kể cho nghe chuyện lấy vợ.
Nhỏ Hường, con bà cô bị nhiễm chất độc màu da cam, mười bốn tuổi mà như đứa bé lên năm, lại mát mát khùng khùng, nãy giờ ngồi dựa cột nhà hóng chuyện, đứng dậy dúi vào tay Việt: Cho eng tiền qua đò nì. Trời ạ. Tờ năm trăm đồng mà Hường xếp nhiều lần chỉ còn nhỏ như ngón tay. Qua cầu phao mất hai ngàn. Qua đò ngang đi tắt cho gần mất tới năm ngàn, năm trăm đồng thì làm được gì. Thương quá. Thương con Hường tưởng năm trăm là to lắm. Việt cầm tờ năm trăm mở dần ra, vuốt đi vuốt lại cho thẳng, xoa mái đầu tóc cháy vàng hoe của nó mà nói: Cám ơn em. Con Hường chớp chớp đôi mắt nhìn Việt nhoẻn miệng cười. Nhìn đôi mắt, nụ cười ấy, chẳng ai dám nói nó là đứa con gái mát mát khùng khùng.
*
* *
Năm mười tám tuổi, cậu Đức xung phong nhập ngũ, cùng mười sáu trai làng Gia Độ lên đường ra biên giới phía Bắc. Cuộc chiến khốc liệt đã nổ ra mấy tháng. Huấn luyện cấp tốc. Xung trận cấp tốc. Trận đánh đầu tiên diễn ra trên đỉnh núi Lão Sơn. Pháo kẻ thù bắn cấp tập như dội bão. Đất đá bay mù mịt. Cây cối cháy ngùn ngụt. Lửa khói mịt mù. Anh em đội lửa nhô lên chiến hào, xiết cò bắn liên thanh từng tràng từng tràng, quân thù cứ phún lên, đặc ngừ đặc nghịt như kiến như mối, thi nhau chết ràm rạp xếp đống. Máu người tuôn ra thành dòng chảy bầm lưng núi. Mấy cuộc xung phong của kẻ thù, mấy lần kẻ thù bị đốn ngã. Tiếng đạn pháo rú rít rợn người, mảnh bay veo véo. Cả đỉnh Lão Sơn chìm trong biển lửa. Bộ đội như đang bị rang lên trong lò bát quái. Cuối buổi chiều khi sắp ngớt trận cuồng phong của đạn pháo cậu Đức của Việt ngã vật ra chiến hào, đau đớn đến co thắt từng thớ thịt.
Chiến tranh đã lấy mất bàn tay trái của cậu. Trở về từ chiến trường, bao năm mà vẫn một mình. Bởi con gái bây giờ lớn lên, chẳng còn ai nghe theo lời cha mẹ. Chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đã thành cổ tích đã lui vào dĩ vãng và lỗi thời lạc hậu. Thương binh xuất ngũ về làng lãnh mỗi tháng ít tiền còm có là gì đâu. Phải nhà mái bằng, xe máy, tiền tiêu rủng rỉnh. Chân trực điện thoại cho xí nghiệp tư nhân như cậu Đức thì có cô nào để ý. Ngoảnh đi ngoảnh lại gần chục năm, thấy buồn, tự ti, vậy là cậu lại bỏ làng đi, lên núi làm trang trại nuôi gà, thả cá, trồng rau với mấy người bạn cùng đơn vị.
Hôm ấy cậu Đức xuống núi đón xe về nhà lấy tiền thương binh gần năm rồi chưa nhận, tiện mua ít giống gà đen lên cho trang trại. Bất chợt một cơn giông đen trời vần vũ. Hơi gió lạnh thon thót. Cậu chạy đi tìm chỗ núp. Vừa đến khúc quanh dưới chân núi thì mưa bắt đầu rớt hạt. Một cô gái dựng chiếc xe máy bên đường, đang cuống quýt tìm cách che chắn cho mấy túi đồ. Dọc đường chỉ toàn cây tràm bông vàng, cô gái kiếm đâu ra chỗ mà tránh mưa. Cậu chạy vội tới lấy áo mưa trong túi, xé rộng ra che cho cả hai người. Mới đầu mưa nhỏ hạt họ còn đứng. Nhưng rồi mưa càng lúc càng lớn, từng hạt mưa to như hạt đậu quất thẳng vào mặt rát rạt. Gió thổi lồng lên như lốc xoáy. Áo mưa bay phần phật. Hai người phải nắm bốn góc áo ngồi thụp xuống, che kín cả xe cả người, cả mấy cái túi vải.
Nghĩ cũng kì, giữa cơn mưa giông đen trời mù mịt, lại nơi vắng vẻ dưới chân núi thế này, một trai một gái mà ngồi sát rạt bên nhau, cứ nhúc nhích chút là đụng. Cậu đành phải bắt chuyện hỏi thăm cô gái. Cậu hỏi cho có mà cô gái lại trả lời rất thật thà. Rằng cô là quân nhân chuyên nghiệp ở lữ đoàn thông tin. Rằng hôm nay cô được nghỉ phép về thăm nhà. Rằng nhà cô chỉ có người mẹ già gần bảy mươi tuổi. Cậu Đức cứ hỏi. Cô gái cứ trả lời. Rồi gió lặng dần, mưa rơi đồm độp thưa thớt, mặt trời hửng lên. Xong cô gái mời cậu lên xe đi chung về Lăng Cô. Qua hết Hải Vân thì trời sâm sẫm tối. Cô gái ngỏ lời mời cậu về nhà mình nghỉ lại qua đêm, sáng mai đón ô tô đi tiếp.
Bữa cơm chiều giản đơn có thêm chai rượu. Bà mẹ lớn tuổi phủi chân đi ngủ trước. Thượng úy chuyên nghiệp và chàng thương binh đánh Tàu ngồi cò cưa kể cho nhau nghe về chuyện cuộc đời. Rượu ấm nóng nồng nàn lên men trong mắt hai con người đã luống tuổi. Rượu làm mềm môi xui họ nói ra những gì lúc qua đèo chưa dám nói. Và xa hơn, cao hơn, ấm nóng, rạo rực hơn nữa, rượu dính họ lại với nhau…
Để rồi bốn tháng sau chàng thương binh cưới cô quân nhân chuyên nghiệp.
*
* *
Đó là chuyện lấy vợ nhanh gọn của cậu Đức. Còn Việt giờ muốn tiếp cận mục tiêu Bích Hà mà ngại, vì cả hai cùng là thượng sĩ, cùng chức vụ tiểu đội trưởng như nhau. Nhưng vận may đột nhiên mỉm cười với Việt, cả hai được phân công đi thực tập tận An Nhơn, Bình Định. Thực tập đánh chặn các thông tin xuyên tạc, nói xấu chế độ, phối hợp với lực lượng an ninh mạng, truy tìm địa chỉ IT của kẻ xấu, lôi cổ bọn hacker ra ánh sáng. Tính chất công việc giúp cho họ luôn phải ngồi bên nhau trong phòng vi tính suốt cả ngày cả đêm. Nhưng công việc bắt họ phải dán mắt vào màn hình, phải gõ bàn phím mỏi nhừ mười đầu ngón tay các lệnh điều khiển chương trình, phải căng óc giải các mã độc, phải kiên trì đào bới sục tìm các dữ liệu, chẳng còn lấy đâu ra thời giờ hỏi thăm nhau chuyện này chuyện nọ. Hết ngày này sang ngày khác, chiến trường của họ là cái màn hình vi tính, chứa đựng cả một thế giới phức tạp, đầy bí ẩn, đầy những nguy cơ rình rập.
Ròng rã suốt một tháng trời đến mụ mị cả người, Việt với Bích Hà mới được một ngày nghỉ ngơi, thư giãn. Mượn được chiếc Honda công vụ của đơn vị, đổ đầy bình xăng, hai người quyết định đèo nhau đi thăm thú An Nhơn.
Theo lời gợi ý của đại úy Quyết, hai người đưa nhau đi thăm làng Song Thằn bên bờ sông Côn, bởi đây là làng bún, bánh tráng nổi tiếng của Bình Định. Nghe nói ngày xưa đại quân của Nguyễn Huệ xuất quân từ Thuận Hóa tiến đánh Thăng Long, tướng sĩ ai cũng đem theo bên mình hàng xấp bánh tráng. Đường dài vạn dặm, vượt núi băng rừng, quân sĩ chỉ cần vài cái bánh tráng nhúng nước là tạm đủ no lòng, không cần phải chén đũa hay dừng lại nấu nướng mất công. Đại quân Tây Sơn cứ thế mà hành quân thần tốc, bí mật, bất ngờ diệt Hạ Hồi, Ngọc Hồi, bao vây tiến đánh Đống Đa bằng tượng binh, hỏa hổ khiến quân giặc không kịp trở tay.
Nay đến tận nơi, Việt với Bích Hà mới cảm nhận điều đó. Sợi bún làm bằng gạo, mà bột gạo còn pha thêm bột đậu xanh. Bánh tráng thì có rắc thêm mè trắng mè đen rang chín. Đó là thứ lương khô ăn dọc đường vừa bổ vừa tiện lợi. Đại úy Quyết còn nói rằng, bánh tét cũng ra đời từ thời Nguyễn Huệ lên ngôi, vén tay áo rồng thảo chiếu phạt Thanh phò Lê. Thứ bánh ấy cũng như bánh chưng nhưng do gói thành hình ống nên vừa chặt vừa để được lâu ngày. Dọc theo bờ bãi sông Côn là muôn vàn sạp bánh, ánh lên nắng mặt trời rực rỡ. Câu “trai An Thái gái Bao Vinh” chính là nói về vùng đất này, vùng làng nghề thượng võ. Nào là nghề dệt chiếu, nghề trồng mai kiểng, nghề đổ bánh tráng, nghề đúc cồng chiêng, nghề điêu khắc chạm trổ các loại sản phẩm bằng gỗ quý.
Gần trưa, Việt chở Bích Hà đến thăm nhà anh Tuấn, anh cả của đại úy Quyết. Sau lưng nhà anh Tuấn có cái sân rộng, là võ đường của trường phái võ Tây Sơn truyền thống. Môn sinh là học sinh cấp một cấp hai, tranh thủ sau buổi học đến nhà anh Tuấn luyện côn thương đao kiếm. Họ cũng chỉ ăn vài cái bánh tráng nhúng nước qua trưa mà thế trụ thế công mạnh mẽ nhường nào. Bay lên hạ xuống uyển chuyển nhẹ nhàng. Tiến thoái ra đòn nhanh như chớp và quyết đoán. Từng đường đao loang loáng. Từng đường côn vù vù. Lính thông tin như Việt với Bích Hà nhìn họ đi quyền như thấy cả cánh sóng truyền đi biết bao nhiêu tín hiệu rạo rực trong lòng.
Nhờ được anh Quyết báo trước nên bàn rượu của võ sư đã sẵn sàng. Mấy cái bánh ít, quýt đường, mận, kèm một đĩa thịt ba chỉ để cuốn rau sống chấm mắm nêm. Một chai rượu Bàu Đá chính cống, rót sủi tăm từ đáy cốc lên tận miệng, đọng đầy bong bóng xung quanh mấy cái li thủy tinh. Nhìn thấy máy vi tính của anh Tuấn có màn hình rộng tới 21 inch, có cấu hình khá mạnh, Tuấn hỏi thì anh Tuấn cười hà hà. Chú Quyết tặng đấy. Nhờ nối mạng mà tôi học được cả Vịnh Xuân Quyền, Karate, Judo, Vovinam và võ Thái. Chỉ có võ bùa là tôi không học. À, mà tôi nghe chú Quyết nói cô Bích Hà thích văn thơ lắm. Để tôi kêu con Mùi vào cho cô có bạn. Nó đánh võ như múa, hát hay nhất làng Bao Vinh đấy. Quả thế thật. Mùi mười tám tuổi mà nhỏ nhắn như cô bé mười ba mười bốn. Cô hát tuồng hay tới mùi mẫn. Xong đến đọc thơ do cô tự sáng tác:
Chảy thẳng từ dải Ngân Hà lóng lánh
Dội sao trời xuống dòng nước sông Côn
Tháp Cánh Thiên vút trời đêm lành lạnh
Ta với An Nhơn thắp lửa chạm linh hồn
Nghe Việt khen thơ của cô Mùi, anh Tuấn nháy mắt nói: Đời ấy mà. Anh là thầy dạy võ cho cô Mùi, nhưng cô ấy lại dạy ngoại ngữ cho anh. Già tới nơi rồi, sợ thua lớp trẻ, phải ráng mà học. Chú Quyết mỗi lần về thăm nhà bao giờ cũng nói với đám môn sinh của anh, thanh niên phải giỏi võ để luyện trí lực, nhưng dốt tin học và ngoại ngữ, thời nay dễ bị đào thải ra ngoài xã hội lắm…
Một ngày trôi qua nhanh, Việt và Bích Hà đã phải chia tay anh Tuấn và cô Mùi để ra về. Họ đi tắt qua cầu Sạp đến lộ An Khê về đơn vị. Lần này thì Bích Hà cầm lái. Cô không mấy tin tưởng các chàng trai đã uống rượu ngà ngà. Chính cô đã đọc thơ của mình để nhắc khéo cho Việt:
Cạn chén hoàng hôn dòng sông dậy sóng
Đất chao nghiêng trời cũng chao nghiêng
Lửa đốt sạch hết bao kì vọng
Ta hóa rồ chìm trong nỗi niềm riêng…
Dòng sông Côn chiều nay không dậy sóng. Một làn nước xanh uốn cong mềm mại. Một đàn cò chớp cánh nắng dọc triền sông. Một bờ bãi dâu xanh ngút mắt. Việt hơi nhoài người sang một bên, say sưa ngắm những tia nắng sau dãy núi xa mờ xòe rẻ quạt lên bầu trời đầy những đụn mây như thành như quách. Anh chợt thấy một cô học trò đeo cặp sau lưng, ngồi sát bên mép cầu giữa dòng sông, thả đôi chân đánh đòng đưa nghịch nước. Khi bánh xe vừa chạm xuống sạp tre trên cầu nghe ràm rạp, cũng là lúc cô học trò thọc tay khỏa nước sau đó té ùm xuống dòng sông.
Bích Hà cũng nhìn thấy. Cô xiết ga chiếc Honda phóng tới. Mặt cầu bằng sạp tre rung lên bần bật. Chiếc xe vừa chạy phăng phăng vừa tung nảy trên cầu. Cô bé sẽ chìm mất. Vướng bộ váy áo học đường và chiếc cặp to đùng trên lưng. Mùa mưa chỉ mới bắt đầu vài ngày, nhưng nước từ thượng nguồn đã về tới, bắt đầu xuất hiện những vòng xoáy rờn rợn. Cô bé đang hụp hửi dưới dòng sông. Khi Bích Hà vừa dừng xe Việt đã nhảy xuống, lập tức phóng người lao xuống. Anh gồng sức quạt mạnh hai tay bơi trườn sấp nhanh vùn vụt. Anh đã chạm tay vào quai chiếc cặp sau lưng cô bé. Anh dựa vào dòng chảy, dùng kĩ thuật bơi đẩy phao vượt sông của lính thông tin dìu cô bé vào phía bờ xanh mướt dâu xanh.
Bích Hà cũng đã chạy xe qua bờ bên kia. Cô cúi người để Việt đặt cô bé trên lưng, nhảy nhảy mấy cái cho nước từ trong miệng cô bé ọc ra rồi đặt nằm xuống bãi sỏi, triển khai bài cấp cứu đuối nước của lính vượt sông. Cũng đè bụng, ép ngực, hút đờm dãi trong miệng, rồi thở hà hơi chống ngạt. Khi cô bé từ từ mở mắt nhìn ngơ ngác cũng là lúc bốn năm người từ bờ bên kia chạy đến. Người đàn ông lớn tuổi ngồi bán vé qua cầu, nước da ngăm đen, gương mặt vuông vức cất giọng ồm ồm: May mắn! Quý hóa quá! Anh chị là bộ đội thông tin à?
Cả hai thượng sĩ đồng thanh “vâng ạ” rồi vội vã xin phép ra về.
Ngồi sau xe, lần đầu tiên Bích Hà cảm thấy chàng trai cầm lái không chỉ là người đồng cấp. Việt đã là người đàn ông cứng cỏi và vững chãi. Một cảm giác rất mới, rất lạ dâng lên trong lòng, Bích Hà ngả đầu áp má vào tấm lưng rộng dài, vòng tay con gái ôm siết. Toàn thân run lên, hơi thở có chiều bấn loạn nhưng Việt vẫn cố giữ tay ga êm dịu và tay lái thăng bằng.
Sao đường về doanh trại cỏ hoa bên đường đẹp thế?
H.T.T
VNQD