Miên man câu hát lưu dân

Thứ Hai, 19/09/2022 00:44

. PHẠM HỌC
 

Đi tìm dấu chân của những gánh hát cửa đình xưa kia, tôi miên man tự hỏi: Con sóng nào đã đưa câu hát vượt biển đến vùng đất địa đầu Tổ quốc và có sức sống lâu bền đến vậy? Không ai cho tôi một câu trả lời cặn kẽ chỉ có câu hát là mãi ngân vang trong tâm trí như một tiếng thở dài nuối tiếc, xa xăm…

Những mảnh vỡ tìm lại

Theo như tôi tìm hiểu, bản gốc của loại hình này là ca trù. Không gian tồn tại của ca trù ban đầu chỉ từ Đèo Ngang trở ra Bắc Bộ. Khi ca trù đến đất Quảng Ninh nó vừa mang tính chuyên nghiệp cao là hát cửa quyền lại vừa mang đậm yếu tố dân gian trong tín ngưỡng thờ thành hoàng là hát cửa đình và kể cả bán chuyên nghiệp như hát nhà tơ. Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình được xác định là một biến thể, một mảnh vỡ đáng quý của ca trù.

Cùng một thể loại nhưng nếu tách bạch ra thì hát nhà tơ và hát cửa đình có sự khác biệt ở tính chất giao duyên và tính chất tín ngưỡng. Sách Việt Nam ca trù biên khảo giải thích rằng thời xưa, dân chúng ít khi tìm ả đào về nhà hát, chỉ các quan khi yến tiệc trong dinh hay trong ti (tơ) nên gọi là hát nhà tơ, nghĩa là hát ở trong ti quan.

Tuy nhiên, theo danh sĩ Phạm Đình Hổ thời Lê Thánh Tông thì ti (tơ) lại được hiểu là giáo phường, một thiết chế do triều đình sắp đặt để trông coi âm nhạc chốn dân gian. Về sau, khái niệm này còn được dùng phổ biến ở thế kỉ XVII, XVIII trong các văn bia, khế ước. Và như thế, hát nhà tơ có thể chỉ là cách diễn nôm phiếm chỉ loại âm nhạc của ti giáo phường. Còn hát cửa đình, đúng như tên gọi nó, gắn chặt với các lễ hội tại đình làng, mang nặng tính nghi lễ, tế thần, lễ thành hoàng làng. Luật lệ hát rất chặt chẽ, nghi lễ linh thiêng.

Tôi quan sát thấy trong những cuộc hát, các ca nương hát nhà tơ - hát, múa cửa đình hết sức coi trọng múa. Sau múa hương là múa dâng hoa. Múa đội đèn là muộn nhất, thường diễn ra vào quá nửa đêm. Lúc này, lễ hội đã không còn ồn ào nhốn nháo, mà không khí nửa đêm về sáng se lạnh, nơi thờ phụng trở nên trầm mặc, thiêng liêng hơn. Buổi sớm ngày kết thúc, trước lúc rước bài vị các vị thần thành hoàng rời đình về miếu, khoảng bảy giờ sáng, còn có một điệu múa đậm màu sắc tâm linh nữa là múa tống thần.

Minh họa: Đỗ Dũng

Về trang phục, ca nương (đào hát) mặc áo dài trong màu hồng, ngoài màu đen, đầu đội khăn vấn đen; nam (kép) mặc áo dài xanh hoặc đen, đầu đội khăn xếp, quần trắng. Nhạc cụ là đàn đáy, phách, xênh, trống con (trống chầu), trống cái. Trống chầu do ông cầm chầu sử dụng trong lúc thưởng thức tiếng hát của ca nương. Và ở đây ca nương đứng hát chứ không ngồi hát như ở ca trù.

Lần theo tiếng trống chầu, tiếng đàn đáy tôi đến gặp nghệ nhân Trương Thị Phượng ở thôn Đồng Cậy, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. Bà kể với tôi rằng, khi mới chập chững biết đi đã theo các chị gái đến đình làng xem và học hát. Trở về nhà, những làn điệu, âm hưởng bài hát cứ khuấy đảo trong tâm trí của cô bé Phượng chẳng yên. Để rồi đến năm mười hai tuổi, bằng niềm đam mê và sự sáng tạo, cô bé đã vận dụng những vần thơ ru con của mẹ mình áp vào cách hát nhà tơ, hát múa cửa đình rất thành công. Và đến năm mười ba tuổi Phượng chính thức được tham gia các buổi hát tại đình làng.

Nhưng rồi niềm đam mê ấy vì sự thay đổi của thời thế mà mai một dần. Mãi đến gần đây, những bài hát một thời tưởng chừng đã quên ấy lại ùa về tiếp thêm cho bà nghị lực sống. Bà cố gắng nhớ lại, truyền dạy cho các con cháu trong gia đình và những người yêu thích. Số lượng học trò có lúc đông lên đến hơn bốn mười người.

Trước khi chia tay, bà rủ rỉ nói với tôi, trước đây, hát, múa nhà tơ không chỉ ở Vân Đồn mà còn phổ biến ở các xã ven biển các huyện miền đông Quảng Ninh như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên. Tuy nhiên, đến những năm sáu mươi của thế kỉ hai mươi do một số nguyên nhân lễ hội đình ở nhiều địa phương không được tổ chức nữa. Hát nhà tơ, hát cửa đình chìm dần vào quên lãng, chỉ thỉnh thoảng mấy nghệ nhân làng lưu luyến vẫn hát cho nhau nghe trong niềm nhớ tiếc khôn nguôi...

Theo lời nghệ nhân Trương Thị Phượng, từ Vân Đồn, tôi tiếp tục ra miền đông để tìm gặp cụ Đặng Thị Tự, ca nương nức tiếng một thời, hiện ở thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà. Đây là người có thể hát năm mươi bài hát với 746 câu bằng 9 giai điệu khó của hát ả đào như: giọng vọng, giọng thét nhạc, giọng thả, giọng huỳnh, giọng giai, giọng phú, giọng ca trù, giọng hãm và giọng nhị thập tứ hiếu. Ngoài ra cụ còn có thể múa bốn điệu phụ họa khi hát: múa tế, múa dâng hương, múa đội đèn và múa bông (múa tống thần).

Từ trong bếp bước ra, lau vội đôi mắt kèm nhèm vì khói bếp, cụ mời khách lên nhà. Chưa ngồi ấm chỗ cụ đã than tiếc: “Bọn trẻ bây giờ mải làm ăn, tôi bỏ công ra dạy nhiều mà chúng chẳng học được mấy. Nhiều lúc tủi thân lại nhớ ngày xưa…”

Ngày xưa của cụ Tự là những năm nửa đầu thế kỉ trước, khi năn nỉ theo chú thím học hát. “Toàn học mót thôi, ấy thế mà cũng biết hát hết cả chín thứ giọng với cỡ khoảng năm mươi bài đấy...” Với vốn đã có, cụ Tự cùng năm đào nương khác và một ông kép hình thành nên một gánh hát đi biểu diễn khắp từ Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà đến Móng Cái. Có khi hát đến khản cả giọng vì một nơi mời hát cũng hát luôn dăm ba đêm. “Tiền thù lao chẳng đáng là bao vậy mà chúng tôi đi hát rất hăng hái. Sau đó, đình bị phá hết chẳng còn có chỗ mà hát. Giờ có đình thì già mất rồi…” Cụ Tự bùi ngùi tiếc ngày son trẻ. Nhưng tiếc là tiếc thế thôi, cụ còn may mắn hơn nhiều đào nương khác khi gia đình chồng chẳng những không phản đối mà còn tạo điều kiện cho mình. Bởi ở thời của cụ quan niệm “xướng ca vô loài” nó nặng nề lắm. Phụ nữ đi hát lại càng khổ. Các đào nương vẫn ngậm ngùi bảo nhau rằng: “Chúng mình đừng mong bước ra khỏi sân đình”. Ấy vậy mà có rất nhiều trai làng si mê cụ từ lời ca tiếng hát. Nhưng si mê là si mê vậy thôi chứ lấy nhau lại là chuyện khác. Đa phần cha mẹ cấm cửa không cho con trai mình lấy về một cô đào. Người đàn ông chung tình nhất trong số trai làng sau này chính là phu quân của cụ Tự. Quả đúng là, cụ Tự “không bước ra khỏi cái sân đình” thì cụ ông “bước vào sân” để rước. Để cho vợ yên tâm đi hát, cụ ông đã làm tất cả mọi việc khi vợ vắng nhà. Cụ ông vừa làm cha vừa làm mẹ của đàn con thơ ngây. Cụ không thể quên được sự ân cần chu đáo của người chồng đã quá cố. Có lẽ đấy cũng là lí do để cụ không đi bước nữa, cho dù khi cụ ông mất cụ Tự vẫn còn trẻ. Nói rồi cụ cất giọng, lời hát vấn vương đượm buồn màu hoài niệm: Quân tạo hóa trêu ngươi chi tá/ Đem sắc tài đúc cả vào khuôn/ Hiên thì thấp thoáng trăng tròn/ Gió vàng hiu hắt như khuôn mặt sầu/ Niềm tâm sự thấp cao mọi lẽ/ Tình cảnh này biết kể cùng ai/ Chống tay ngồi nghĩ thở dài... Nỗi buồn cứ thế vương vấn, bám víu theo câu hát cuộc đời.

Lúc tôi chào ra về cụ ngập ngừng đưa tập bài hát viết tay nhờ đánh máy, in cho chục bản để dạy đám trẻ những lúc nông nhàn. Cụ băn khoăn là bây giờ, đám trẻ, đứa say mê lắm cũng chỉ học được dăm bài không làm chủ chiếu sân đình được. Mấy lần đang giữa hội hát người ta yêu cầu hát thêm hết vốn đành ngượng nghịu đi xuống...

 

Những mái đình làng biển

Qua việc tìm hiểu không gian diễn xướng đình làng, tôi ngờ rằng hát nhà tơ - hát, múa cửa đình có nguồn gốc từ vùng Thanh - Nghệ. Có nhiều cơ sở để khẳng định như thế, bởi nguồn gốc dân cư ở các địa phương này có một bộ phận không nhỏ từ miền trong di cư ra. Đó là các ngư dân tìm vào bờ lấy nước ngọt, tránh bão và ở lại hình thành nên các cụm dân cư ven biển.

Trong các dòng họ di cư từ Thanh - Nghệ ra có họ Phạm, họ Nguyễn, họ Bùi, họ Lê, họ Trần, họ Vũ... Nghe những câu hát thể hiện nỗi lòng của người lưu dân, tôi tin vào nhận định rằng hát nhà tơ - hát, múa cửa đình không phải là một loại hình nội sinh. Tai tôi đã nghe rất nhiều câu ca bày tỏ nỗi nhớ cố hương, sự lạ lẫm trước vùng đất mới, kiểu như: Ai đưa tôi đến chốn này/ Bên kia Trà Cổ, bên này Vạn Ninh. Và từ đó, những người dân chài ấy động viên nhau ở lại lập làng: Ở đây vui thú non tiên/ Mò cua bắt ốc lấy tiền nuôi nhau...

Nguồn gốc hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở Quan Lạn, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) cũng được các cụ nghệ nhân kể lại tương tự như với Móng Cái. Còn ở Đầm Hà, nguồn gốc hát cửa đình được dân gian giải thích bằng câu chuyện bảng lảng sắc màu huyền thoại: “Ở xã Đầm Hà, có hai người con gái từ phía trong ra cách đây đã năm, sáu trăm năm đến dạy hát cho trai gái trong làng. Khi hai người con gái ấy mất đi tại nơi đây đã mọc lên hai cây đào rất đẹp. Sau đó, người dân trong làng lập miếu thờ và một ngôi đình được lập nên giữa làng…” Đó là sự tích miếu Hai Cô thờ hai ca nương từng được dân làng đón từ vùng Thanh - Nghệ về dạy dân làng hát múa.

Là một trong bảy ngôi đình nổi tiếng ở Đầm Hà xưa, đình Tràng Y ở xã Đại Bình có nguồn gốc lịch sử từ lâu đời. Căn cứ theo sắc phong, thư tịch cổ Hán Nôm, đình Tràng Y phối thờ nhiều vị thần: Cửa Hà Thái liệt đại vương, Cửa Hà Khánh thiện đại vương, Thổ địa đô quan, Hà bá Long vương đại đế, Thủy thần Phùng Di Dương hầu long vương, Hải thần Hải nhược Vĩ Long vương chính thần đại đế. Đền còn thờ hai ông tổ của họ Hà, họ Phạm, hai dòng họ đã sinh sống lâu năm ở vùng đất này.

Trong lễ hội đình Tràng Y bao giờ cũng có hát nhà tơ. Theo lời kể của nghệ nhân Đặng Thị Tự, xưa kia, hát nhà tơ ở đình Tràng Y có ngay trong phần lễ. Ngay khi tiến hành tế, đội nhà tơ vào múa dâng hương, dâng hoa, múa đèn, múa bông, còn gọi là múa tống thần.

Trước kia, múa bông được diễn ra ở trong hậu cung, nay múa ở sân đình. Trưởng nhóm hát cầm hai cây bông vừa đi vừa múa theo tiếng nhạc cổ. Sau đó chạy ra cửa ném hai cây bông ra ngoài sân đình rồi chạy vào cửa hậu cung cùng thầy mo mỗi người giật một dải vải đỏ treo ở cửa. Họ buộc dải đỏ vào bụng, vái lạy thành hoàng và mở cây cái đám, rồi cất cây đóng đám ở bên tây đình. Đến phần hội, nam thanh nữ tú tha hồ hát nhà tơ, đối đáp nhau bên ngoài cửa đình. Họ không chỉ hát ở hội đình mà ngay cả ngày thường, khi không mở hội thì đình Tràng Y cũng là một không gian diễn xướng quen thuộc của những cuộc hát nhà tơ...

Như vậy, ngang qua những ngôi đình làng biển từ Trà Cổ, Quan Lạn đến Vạn Ninh, Đầm Hà, tôi nhận ra rằng, ca trù có sự phát sinh và lan rộng thành một vệt từ vùng ven biển Thanh - Nghệ đến tận Móng Cái. Cũng vì điều này tôi ngược ra vùng đất “địa đầu” để tìm gặp nghệ nhân đàn đáy Phạm Văn Lận ở xã Vạn Ninh. Vừa gặp, cụ Lận nghiêng đôi tai sang bên, ra chiều chưa nghe rõ hỏi lại: “Ở tỉnh vào ư? Ngày xưa… ông vào tỉnh hát nhiều lắm đó. Mấy chục năm nay, không đi được nữa. Buồn thật!” Rồi bằng giọng buồn buồn, cụ kể về những tháng ngày lận đận gần một thế kỉ của mình. Trí nhớ không còn tốt và lời nói yếu ớt đã khiến câu chuyện của cụ lõm bõm, đứt đoạn liên tục. Phải cố gắng lắng nghe, xâu chuỗi tôi mới hiểu được.

Theo lời cụ Lận thì những gì cụ học được về đàn đáy, trống chầu đều từ người cha của mình. Và cụ mang lưng vốn học được lập gánh hát vừa để mưu sinh vừa là để nối nghiệp cha. Thời ấy ở vùng miền đông của Quảng Ninh có nhiều gánh hát, cụ vừa làm kép vừa đánh đàn, vừa lo chuyện hậu cần lẫn ra giá thương thảo với những người thuê đoàn hát như ông bầu. Một ngày kia duyên trời đưa đến, cụ yêu thương một cô đào, quyết tâm lấy về làm vợ, dù biết nếu trong nhà cả hai vợ chồng cùng đi hát thì cuộc sống sẽ chật vật lắm. Niềm hạnh phúc dâng tràn khi hai người lần lượt có với nhau hai mặt con. Tưởng như cuộc sống tươi đẹp đang hiện dần ra trước mắt thì một ngày nọ cô đào xinh đẹp bạo bệnh qua đời. Cụ Lận đau đớn như chết nửa con người. Không lâu sau đó đứa bé thứ hai còn ẵm ngửa, thiếu hơi sữa cũng theo mẹ mà đi. Từ đây người đàn ông tài hoa với cây đàn nức tiếng khắp vùng lâm vào cảnh gà trống nuôi con. Hành trang trong mỗi chuyến đi hát giờ nặng thêm bởi cắp theo đứa nhỏ...

Khi cụ bà mất nhiều người cũng tìm đến “dan dan díu díu” với cụ vì mê cái tài đàn hát. Nhưng rồi mê là mê thế thôi, đến cuối cùng vẫn mỗi người mỗi nẻo. Anh tính mấy chữ tương vàng/ Công anh dan díu với nàng đã lâu/ Bây giờ nàng ở nơi đâu?/ Để anh tích trữ trăm câu nghìn vàng/ Trăm câu anh để cho nàng/ Một trăm câu nữa giải oan lời thề…

Bà Thén, một người cháu của cụ Lận kể: “Tổng cộng có sáu bà ở với ông tôi, người nào ít thì cũng dăm bảy năm, bà nào nhiều thì lên đến hơn chục năm. Không ràng buộc con cái nhưng cũng đá vàng lắm ấy chứ. Vì mê tiếng hát của cụ mà các bà ấy theo cụ. Có bà còn mang theo con riêng đến ở cùng cụ Lận. Các bà cứ tuần tự về sống với cụ như thể vợ chồng nhưng chẳng con cái gì. Sau đó, có bà thì chết bà thì bỏ đi. Rốt cuộc cụ vẫn một mình.”

“Giờ mà có mấy bà ấy lên hát cùng để ông chơi đàn thì vui phải biết!” Cụ lẩm bẩm, nửa như nói với tôi, nửa như đang tự nói với mình. Loan thương phượng lắm, phượng ơi!/ Đang ăn nhớ đến lại rời đũa ra/ Đêm năm canh anh ngủ có ba/ Còn hai canh nữa anh ra trông trời. Dưới những ngón tay gầy guộc từng âm thanh vang lên run rẩy. Giọng cụ đã yếu lắm rồi, nhưng tôi nghe vẫn còn mùi mẫn lắm. Chả trách ngày xưa các cô thôn nữ ngơ ngẩn vì tiếng đàn, lời hát của cụ.
 

Nhớ thương câu hát cố hương

Qua ngả Móng Cái, câu hát theo chân người Việt làm thành cái lõi văn hóa của dân tộc Kinh bên nước bạn Trung Quốc. Tại cửa khẩu tôi may mắn gặp ông Tô Minh Lợi, sáu hai tuổi ở làng Vạn Vỹ, thị trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây. Qua trò chuyện ông cho biết họ Tô của mình là một trong mười hai dòng họ từ Đồ Sơn (Hải Phòng) sang Giang Bình lập nghiệp. Mười hai cụ tổ sống ở ba hòn đảo hoang lập ba làng Vạn Vỹ, Sơn Tâm và Vu Đầu. Ba làng đó được gọi chung là Tam Đảo. Và người Trung Quốc gọi bộ phận người dân gốc Việt ở đây là Tam Đảo Kinh tộc, một trong năm mươi sáu dân tộc ở đất nước họ.

Gia phả họ Tô ghi lại rằng năm 1511 có bảy dòng họ với tổng số chưa đến một trăm người từ Đồ Sơn đến Giang Bình, sau tăng lên mười hai dòng họ. Còn theo truyền thuyết, do mải đuổi theo đàn cá song cha ông của họ đã lưu lạc đến ba hòn đảo hoang vắng. Quá khứ lưu lạc ấy vẫn được các bậc cao niên hát cho con cháu nghe, trong đó có câu: Ngồi rồi kể chuyện ngày xưa/ Cha ông truyền lại là người Đồ Sơn.

Theo ông Lợi mười hai dòng họ người Kinh ở Tam Đảo hiện nay vỏn vẹn chỉ có hơn hai vạn người. Dù là dân tộc thiểu số nhưng văn hóa người Kinh Tam Đảo thuộc loại độc đáo bậc nhất ở Trung Quốc. Còn riêng những câu hát khi ở trong nước được lưu giữ chủ yếu bằng hình thức truyền miệng thì qua đây được chép lại, lưu giữ bằng chữ Nôm. Chương trình học cũng đưa chữ Nôm vào giảng dạy.

Ở Trung Quốc, ông Lợi đang phụ trách đội hát dân ca của người Kinh. Hát không chỉ là hoạt động đơn lẻ mà có đội hát, câu lạc bộ, thậm chí còn có cả một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm theo nghi lễ cúng thần biển diễn ra ở đình làng. Cả ba làng đều có đình. Người Kinh ở Tam Đảo trồng thị và đa trước đình như cha ông họ ở Đồ Sơn xưa kia vẫn làm. Riêng đình Vạn Vỹ còn cây đa cổ thụ 200 năm tuổi được gắn bia đề là “Cây tương tư Nam quốc.”

Ngày làng vào hội, phụ nữ người Kinh mặc áo dài trẩy hội, đi hát nhà tơ, hát cửa đình. Năm nào, hội làng cũng đón những vị khách đặc biệt từ Móng Cái sang hát giao lưu. Quốc tịch có khác nhau nhưng tiếng hát vẫn được truyền lại từ trong tiếng nói ông cha. Không có gì xa cách chia cắt tình cảm bởi vì chỉ cần đứng ở bãi biển Vạn Vỹ, ngó về hướng Nam, sẽ thấy một vệt mờ mờ xanh xanh, đó là Trà Cổ.

Câu nói “người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” quả thật chẳng sai. Như thế người Kinh ở Tam Đảo và người Trà Cổ có cùng chung tổ quán. Hơn nửa thiên niên kỉ đã trôi qua, người Kinh ở Tam Đảo đã tích cực giao lưu, hòa nhập với xã hội ở vùng đất mới để thích nghi, làm giàu thêm vốn văn hóa, nhưng vẫn luôn quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam. Vốn văn hóa Việt vẫn chảy trong huyết quản; tình yêu cố hương, lối sống lạc quan vẫn được gửi gắm theo lời hát.

Sang Quảng Ninh lần này ông Lợi mời hai bà Bùi Thị Chiên và Lê Thị Lộc là những nghệ nhân dân gian ở Vạn Ninh, bạn hát lâu năm của mình đi cùng để có bạn hát dọc đường. Nói rồi ông Lợi cất giọng ấm trầm: Lấy anh anh sắm sửa cho/ Áo đơn áo kép sắm cho để dành/ Ba bốn năm anh chẳng nói nặng một nhời/ Ở đâu có đám vui cười anh lại cho đi. Xong ông Lợi phân trần rằng đó là bài ông vẫn hát thời trai trẻ. Chứ bây giờ những người như ông và bà Chiên con cháu đề huề cả rồi, dẫu có hát như thế thì cũng chỉ là nhu cầu tinh thần thôi chứ chẳng ai dám “xé rào” mà tơ tưởng chuyện ngoài chồng ngoài vợ.

Đến bây giờ, chỉ còn những người có tuổi như ông bà mới thuộc nhiều bài hát, vì vậy trước mỗi cuộc hát ông phải mời các bạn hát từ Móng Cái sang. Mỗi năm, chỉ hát chung vài ngày nhưng cũng đủ nhớ nhung.

Bà Chiên bảo những câu hát xưa cũ lại làm trái tim bà thổn thức như thời con gái. Nhưng cái ngáng trở là tuổi tác của bà đã cao mà “đối tác” thì ai cũng có vợ con rồi. Bởi vậy bà hay hát những câu lỡ dở duyên tình kiểu như: Từ ngày quen mặt biết tên/ Miệng cười tiếng nói chưa quên câu nào/ Bây giờ như cá trong ao/ Trở ra vướng lưới, trở vào vướng câu.

Trước khi ông Lợi bắt tay từng người, tạm biệt Quảng Ninh để về bên kia biên giới, bà Lộc, bà Chiên không ai bảo ai bỗng cất giọng hát: Chàng về cứ việc mà về/ Chàng ơi đừng nhớ đến thiếp lại mơ tinh thần/ Nỗi đây quán Sở lầu Tần/ Xin chàng giữ lấy mối tình đôi ta.

Nghe họ hát, tôi chợt nghĩ đây không chỉ là mối tình của những cặp bạn hát mà là mối tình với cố hương, tình nghĩa của những người cùng chung nguồn cội...

P.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)