. HOÀNG CÔNG DANH
Chị Liên rủ tôi đi chơi. Đi chơi tất nhiên là ra khỏi chùa, về dưới phố nhòm ngó. Ấy là những lúc sư huynh Từ Chân đang ngồi chép kinh, hoặc vào mùa huynh ấy bận nhập thất. Chị Liên tới chùa không gặp được Từ Chân, nấn ná mãi bất tiện, đành giả bộ rủ tôi đi chơi cốt để lát nữa còn có cớ quay lại, và nhất là thông qua tôi chị tò mò thêm chuyện Từ Chân.
Chị đặt tôi lên yên sau xe đạp đèo đi như đèo một quả mít, không hơn không kém. Không quan tâm tôi ngồi sau có yên vị hay lung lay, bởi chị đạp vô thức và mải nghĩ đến Từ Chân. Có đoạn gặp ổ gà hay ụ nổi, xe xốc mạnh, tôi suýt văng ra, kêu á một tiếng. Chị mặc, cứ cắm cúi đạp. Không sao, tôi thích được ai đó rủ đi chơi, tôi lại thích đi với chị Liên vì mỗi lần như thế chị sẽ bồng tôi lên xe, lại bồng xuống xe vài lần.
Minh họa: Tô Chiêm
Có lẽ trông thân hình đứa gù lùn chị nghĩ tôi vẫn là một em bé. Kì thực mười tuổi tôi đã có những cảm giác khác giới. Có thể vì những thức ăn mặn do tôi tẩn vào những lần bắn chim, hoặc những khi lén sư thầy ra khỏi chùa mua trứng vịt lộn từ tiền mẹ tôi cho.
Mỗi lần chị bồng, tôi cố gắng bám hai tay thật chặt vào cơ thể dậy thì mơn mởn của chị. Lúc đó tôi cố tỏ ra yếu ớt thân phận quá chừng. Chị cười nói chú nhẹ hều, tôi bồng được chứ có thả đâu mà lo rớt. Tôi càng được dịp giả vờ yếu tay, để quắp thân hình vào người chị. Bầu ngực chị Liên bình thường cũng không quá đầy, nhưng vì chị bồng tôi, nên hai chân tôi ép bụng chị khiến ngực chị căng lên cọ xát vào tôi. Cái cảm giác đó càng khích cho phần giữa hai đùi tôi cứng lên. Chẳng rõ chị có nhận ra điều đó, mà sắc mặt không một biến đổi.
Thường những lúc như thế chị buông một câu hỏi về Từ Chân. Chẳng hạn, Từ Chân nằm ngủ nghiêng một phía hay thẳng đuột, Từ Chân có hay ngồi trầm tư không. Những câu hỏi cắt ngay cơn lâng lâng của tôi, và tôi trả lời dứt khoát khi chị đã thả tôi xuống. Tôi nói Từ Chân giữ giới ghê lắm, ngủ thẳng đuỗn người như chết, không nhúc nhích, huynh ấy cũng chả bao giờ ngồi tơ tưởng mông lung. Ngay khi trả lời xong, chính tôi lại cảm thấy mình bị hớ, mặc dù đó là sự thật. Hớ quá đi chứ, sao tôi lại nói tốt về Từ Chân như vậy, biết đâu chính vì Từ Chân nghiêm chỉnh thế càng khiến chị muốn chinh phục hơn. Chị mỉm cười chiếu lệ, lại bảo: “Thế là Từ Chân dễ đạt đạo lắm. Nhưng chị lại thích đi chơi với chú hơn, chú Sanh ạ. Hồn nhiên như chú thật dễ thương.”
Lời của chị khiến tôi chẳng những không vui mà còn dỗi. Như vậy là chị đang thương hại, chị coi tôi vẫn là trẻ nít, chị không biết những cựa quậy đàn ông đã chớm rớm trong cơ thể nhỏ con này. Hạt tiêu vẫn có thể cay, quả ớt vẫn có thể chín đỏ, dù chúng nhỏ xíu. Sao chị dám coi thường những thứ nhỏ bé. Hay chị đang so sánh tôi với Từ Chân.
Khoảnh khắc đó tôi thấy ghen tị xen lẫn tức giận Từ Chân. Huynh ấy cái gì cũng ngon lành, mười lăm tuổi đã trổ mã cao mét sáu lăm, mặt dậy thì mà không một hạt mụn. Có vài người còn khen Từ Chân là một thiên thần hay diễn viên Hàn nữa. Tôi ước tôi có thể cao và đẹp như sư huynh, lúc đó tôi sẽ bày tỏ một thứ tình cảm khác giới với chị Liên. Trông chị Liên cứng cáp, hơi đanh đá nhưng vẫn có vẻ đẹp quyến rũ. Thế mà Từ Chân bỏ lơ hết.
Tôi bắt đầu tìm cách giữ chị Liên cho riêng mình. Tức là tiết lộ thông tin kiểu mời gọi chị lên chùa nhưng chỉ chơi với tôi thôi.
Chị hỏi Từ Chân nhập hạ thế nào. Tôi bảo ba tháng, cứ sáng huynh ấy sẽ vào thất sau nương chùa ngồi, nội bất xuất ngoại bất nhập, không ai được ra vào đó. Cuối buổi chiều huynh sẽ được về chùa dùng cơm tối. Chị Liên tin tôi, cứ đưa tôi đi hết phố này quán nọ cho tận cuối ngày mới về chùa. Từ Chân cứ ngồi lì trên thất cho đến tối hẳn.
Những lá thư chị gửi nhờ đưa cho Từ Chân đều bị tôi bóc ra xem. Tôi chỉ học hết lớp một, vào chùa thầy kèm thêm chữ nên đã đọc được, dù chậm. Song, tôi vẫn đọc và hiểu hết thư chị. Những lá thư viết ngắn gọn, không một chữ yêu không một chữ nhớ nhưng toát lên tình cảm đơn phương mong ngóng. Tôi đọc thư, cứ cảm giác thư ấy viết cho mình. Rồi bồi hồi những ảo tưởng mơ mộng.
Thầy dặn người nhập thất như Từ Chân không được để tâm trí vọng tưởng. Tôi tin thầy, nghe lời thầy, và hơn nữa vì tôi dấy lên sự ích kỉ nên không đưa lá thư nào cho sư huynh. Tôi gom được một hộp mười bảy lá thư trong thời gian ba tháng Từ Chân vào thất. Những lá thư đó tôi đã thuộc làu, chỉ cần gợi lên một câu là tôi biết nó được viết ngày nào, trời hôm đó ra sao, cả cảnh chị đưa cho tôi cũng hiển hiện.
Kết thúc nhập hạ, tôi đưa xấp thư cho Từ Chân. Sư huynh lấn cấn cầm lên, rồi cho hết vào hộp không đọc một chữ. Tôi tiếc cho Từ Chân, tiếc công tôi chuyển thư, lại thấy giận thay cho chị Liên. Sao Từ Chân có thể dửng dưng đến phũ phàng như vậy.
Tôi định kể lại thái độ bất cần của Từ Chân cho chị Liên biết, nhưng sợ làm vậy chị không còn lên chùa chơi, nên tôi nói dối rằng Từ Chân đã đọc ngấu nghiến thâu đêm mười bảy lá thư.
“Ngấu nghiến sao?”
Tôi tả lại cảnh nhập tâm khi mình lén đọc thư. Chị Liên tin răm rắp, mắt sáng dần. Kể ra tôi có khiếu nói chuyện và khiếu nói dối. Lưỡi tôi không ngắn như thân hình.
*
* *
Phố là cách chúng tôi gọi cái thị xã nhỏ bé ở cách chùa năm cây số. Khoảng cách chừng đó không phải xa xôi gì, nhưng với một đứa trẻ như tôi thì nó đủ dài để khiến mình thèm thuồng. Có lẽ tại tôi ở trong một ngôi chùa cổ, với một ông thầy già đạo mạo, một sư huynh chuẩn mực, nên lúc nào cũng khát khao cái sôi động. Những quy tắc lễ thức ở chốn tu hành cũng khác ngoài đời, không cho phép những suồng sã náo nhiệt. “Tui thấy đi tu giống đi tù quá chú Sanh ơi”, có lần chị Liên nói như thế khiến tôi vừa sợ vừa được an ủi. Chí ít đã có người đồng cảm với tôi, nghĩa là những cảm giác buồn tẻ tôi tưởng tượng ra là có căn cớ. Và một khi đã nói như thế, chị sẽ thường xuyên lên chùa bày trò gì đó cho chúng tôi đỡ cảm giác cô quạnh. Như chiều nay đi phố, chị cứ khúc khích cười suốt dọc đường khi tôi kể vài chuyện lặt vặt trong chùa.
Chị dừng xe bên một chỗ bán kem, mua cho tôi một cây. Xe kem đậu dưới bóng râm, người bán là một chú trung niên đội mũ cao bồi, tay lắc lắc cái chuông đồng leng keng. Chị không ăn, ngồi nghỉ nơi gốc cây, chắc chị đạp xe đèo thêm tôi nữa nên đã thấm mệt.
“Chú liếm cẩn thận kẻo nó chảy ướt áo.”
Lần đầu tiên được ăn một cây kem mát rượi, tôi vụng về đến tội nghiệp. Hóa ra ăn kem cũng phải rành, phải mút liếm xoay trở que kem sao cho nước kem không bị chảy giọt.
*
* *
Tôi cẩn thận giữ chị Liên cho riêng mình. Tôi cũng không quên giữ Từ Chân cho riêng ngôi chùa này. Thế mà vẫn có lần sơ sểnh. Đấy là khi Từ Chân đang nhập thất, đinh ninh chị Liên chẳng thể gặp sư huynh. Tôi nằm ngủ mê man suốt cả buổi chiều. Khi tỉnh dậy đã thấy Từ Chân ngồi xếp bằng trong chánh điện, im lặng tĩnh mịch. Sao giờ này sư huynh đã rời thất về đây. Tôi chạy đi tìm sư thầy để hỏi, ra cổng chùa chợt gặp chị Liên ngồi bó gối, mặt rười rượi buồn. Chị kéo tôi vào lòng, rồi kể hết chuyện vừa xảy ra.
Quá ngọ, chị băng lùm cây tìm lên lán tranh để gặp Từ Chân. Chị bảo với huynh ấy là điệu Sanh, tức tôi, đang đánh nhau với trẻ chăn trâu ở ngoài suối. Chị phải nói dối vì biết Từ Chân rất thương sư đệ. Ngay lập tức Từ Chân rời thất chạy theo chị, điệu bộ gấp gáp không có vẻ an nhiên thường thấy. Ra đến suối, không thấy điệu Sanh đâu, Từ Chân biết bị chị Liên lừa nên định trở vào. Bất ngờ chị nói:
“Nếu em chết đuối anh có chạy đến cứu không, Từ Chân?”
Từ Chân không trả lời, quay mặt cất bước. Thì từ bên suối một tiếng ùm, chị đã nhảy xuống. Suối cạn ngang ngực thôi, nhưng chị ngụp đầu xuống để mái tóc xõa trên mặt suối, trông như một cái xác chết rũ rượi. Từ Chân để nguyên y áo nhảy xuống xốc chị lên ghè đá.
Chị kể, khi ấy giống cảnh trong phim lãng mạn lắm. Hai cái thân hình ướt át, mà trời lại bắt đầu mưa giông, kiểu mưa núi ào ào sấm động. Kiểu này không ai ra suối làm gì. Kiểu này chỉ có đôi ta ở đây. Chị nằm ngửa nhìn trời, hai bầu ngực phấp phổng dưới làn áo trắng mỏng manh. Chờ đợi.
Từ Chân ngồi bên, mưa gột mái đầu trọc lóc. Quả đầu như một trái bưởi tròn bóng và mưa xối xuống trôi tuột qua mắt một làn trắng. Thấy mắt Từ Chân đỏ, rồi cả khuôn mặt như dại đi. Tay chân sư huynh bỗng nổi những nốt sần da gà. “Trời ơi chú Sanh biết không, chị đã đọc hết mấy cuốn tâm lí bạn trai, tâm lí bạn gái. Cái lúc đó ấy mà, là cảm hứng nhục dục bắt đầu.” Nên chị đưa mắt nhìn qua. Từ Chân lóm liếc nhìn quanh. Nhìn gì chứ, toàn mưa và mưa, giữa bốn bề cây cối bao vây. Còn có ai ở đây, lúc này. Rồi Từ Chân run run chồm tới chống hai tay hai bên mặt chị. Đưa khuôn mặt thanh tú ấy tiến xuống, từ từ, từ từ. Mưa vẫn to, nhưng khuôn mặt Từ Chân đã che mưa cho mắt môi mũi miệng chị, chỉ có làn nước vo quanh đầu Từ Chân rót xuống mái tóc con gái đang xõa trên đá. Chị đã cảm nhận hơi thở gấp gáp hồi hộp của Từ Chân, chỉ còn một cái lóng tay nữa thôi là cái mũi cao thanh thoát ấy đã chạm mũi chị. Sấm đất ùm ùm những tiếng trầm, mưa bỗng tạnh ngớt bất chợt. Cơn mưa bị cắt đột ngột như mất hứng. Và Từ Chân vùng dậy, chạy đi. Chị biết thế là hỏng.
Từ Chân chạy dăm bước bỗng trượt ngã. Mặt sấp xuống cỏ mềm. Rồi bỗng huynh ấy chống tay vùng dậy, quay trở lại bên chị. Không ngần ngại lần lữa gì nữa, Từ Chân đưa tay cởi cúc áo chị Liên, từ dưới lên trên. Chị cảm nhận rõ cái luống cuống của Từ Chân mỗi lần cởi cúc áo. Nó vụng về trời ơi. Vụng về làm sao khi lần đầu cởi áo một người khác giới. Hay vì mưa làm cho áo dính sát vào da thịt khiến bàn tay cũng trở nhịp hơn. Chị nằm yên đếm từng cái cúc bị bật.
Một cái...
Hai cái...
Ba cái...
Bốn cái...
Cái thứ năm. Cái nút áo cuối cùng sau khi bóc tách nó lộ ra một vòm ngực da thịt trắng nõn. Nhưng trên vòm ngực ấy là một sợi dây chuyền đá có đính một vật. Chú biết vật gì không chú Sanh. Ngay lúc đó chị oán cái vật kia quá. Nếu không có nó, chắc chị và Từ Chân đã có những phút giây ngập ngụa. Nhưng giờ ngồi đây với điệu Sanh, khi mưa đã tạnh hẳn từ bao giờ và áo quần chị cũng đã rao ráo nhờ gió lộng, chị lại cám ơn vật đó. May có nó mà chị và Từ Chân không bước qua giới hạn. Nó giúp Từ Chân, nhưng cũng giúp chị.
Đấy là cái dây chuyền đính hình lá bồ đề bằng bạc, thứ người ta thường đeo như bùa hộ mệnh để ngăn mạo phạm gió độc. Hình như Từ Chân nhìn thấy cái màu bạc còn sáng, biết chị Liên ổn. Cái lá bồ đề nhúc nhích trông thấy người mang nó đang thở đều. Cùng lúc ấy một tiếng sét nổ lớn, nghe ở rất gần khiến cả hai thót tim. Cái lá kim loại ấy dễ bắt điện như chơi.
*
* *
“Mặc như lôi”, trong tôi chợt vang lên ba chữ ấy. Mặc là im, lôi là sấm sét. Mặc như lôi, im lặng như sấm sét. Tưởng tréo ngoe nhưng đấy lại là một công án thiền có lần thầy đã giảng cho Từ Chân, tôi chỉ được nghe lóm. Bây giờ thì tôi hiểu ra lờ mờ cái “mặc như lôi” ấy, nó ngộ ra tức thì và lóe sáng lên trong tâm trí non trẻ của tôi.
Mặc như lôi.
Im lặng như sấm.
Mặc như lôi.
Im lặng như sét.
Tựa hồ một bài kệ ngay lúc này tôi nhẩm thầm.
Tôi phải đem chuyện này thưa với sư thầy mới được. Chị, và cả sư huynh Từ Chân của tôi đã đi quá xa rồi. Những trò đùa vào lúc gió mưa sấm chớp thật nguy hiểm đúng nghĩa. Vùng này trước đã có mấy người chết vì bị sét đánh đen thui, đánh toác cả đầu. Thầy đã dặn chúng tôi nếu lúc trời chuyển thấy chớp sáng và liền theo tiếng ùm thì sét đang ở rất gần, phải trú ngay vào chùa. Hoặc lỡ đang ở ngoài trời thì không núp dưới những cây cao, không ở ven dòng nước. Sét sẽ tìm tới những điểm cao hoặc nơi ẩm ướt mà giáng một đòn thiên lôi như chơi.
Nghĩ tôi chỉ nói đùa, chị Liên thách tôi dám mách. Chị đâu có ngán gì cũng đúng, vì chị không phải người tu hành, chỉ có tôi và Từ Chân mới chịu sự quản của sư thầy. Chị Liên với ngôi chùa này là một con ngựa non trên bãi rộng hoang sơ, có thể ví von như thế, chị thỏa sức làm gì tùy ý. Mấy lần chị leo cây hái xoài hái ổi ném hai chú tiểu, sư thầy cũng chỉ quở nhẹ chứ không mắng.
Còn Từ Chân, tôi phải thử dọa huynh ấy xem sao. Khi tôi quay lại chánh điện thì sư huynh đã không còn ở đó. Tôi chạy về căn thất phòng ngủ, cũng chả thấy đâu. Lên trên lều tranh, cửa vẫn khép kín. Nhìn qua những ô rô, cũng không thấy có người. Vậy Từ Chân đi đâu. Tôi thoáng run run, có khi nào vì xấu hổ mà sư huynh đã bỏ chùa đi, hoặc tệ hơn, là thả trôi mình theo suối. Ngay lúc đó tôi rợn da gà và không còn ý định mách lẻo nữa, tôi sẽ xí xóa chuyện này ngay bây giờ.
Từ Chân ơi hiện ra đi, tôi thầm kêu lên. Rồi không còn chịu được sự sợ hãi nữa, tôi hét lên. Từ Chân ơi. Một lần, hai lần, ba lần. Giống như câu chuyện cổ tích kêu đến lần thứ ba ông Bụt sẽ xuất hiện trước mặt ta. Từ Chân của tôi đã tu bao nhiêu năm, trên con đường để thành ông Phật ông Bụt, hẳn sư huynh cũng đã mon men được chừng nào đó đạo hạnh của ngài. Phải vì sự cố chiều hôm nay, mà công năng tu tập bấy lâu bỗng mất sạch, thì cũng dễ hiểu thôi.
Tôi chợt nhớ đến cái tích cứu người thế mạng trên sông nước. Có lời nguyền độc địa rằng hễ thấy người chết đuối thì đừng cứu, số mạng họ như thế rồi, kẻ nào dám can ngăn thiên định thì thủy thần sẽ bắt kẻ đó đi tế sống và tế sông. Chợt rùng mình, tôi chạy ra chỗ con suối, sao nãy giờ tôi không nghĩ ra chỗ đó cơ chứ.
Con suối thường ngày Từ Chân dẫn tôi đi lấy nước về tưới cây. Từ chùa dẫn ra suối có một lối mòn cỏ hai bên mọc um rậm rạp. Cái lối mòn ấy đúng như ông nhà văn nào đó nói, trái đất vốn không có đường, đường là do người ta đi hoài mà thành. Huynh đệ chúng tôi đã đạp giẫm lên khiến cỏ không mọc nổi, tạo thành một cái vệt dài màu xám. Suốt mùa mưa không cần đi xách nước, đến kỳ nắng lên cỏ lau đã mọc choán lấy lối. Phải dùng dao vừa đi tới vừa phạt rạp mới tìm ra đường.
Bây giờ đã bắt đầu mùa mưa, cây trong vườn chùa không cần công lao của chúng tôi nữa vẫn xanh tốt. Cỏ lối ra suối tất nhiên nhờ ơn trời mưa móc đã dựng lên mãnh liệt. Trận mưa lúc chiều vẫn còn để lại nước âm ẩm trên nền đất, những chỗ cỏ dày đạp lên có thể cảm giác ướt nhẹp. Mùi trầm hương thoảng ra đâu đây, và càng thơm đậm một gần khi tôi chạy về phía suối.
Ba cây nhang được cắm ngay ngắn, chân nhang chụm vào nhau, phía tàn lửa xòe đều ra. Xung quanh đó, bày ra chín cái lá đa vây tròn lấy nén nhang. Trên mỗi cái la đa có một thìa cháo trắng. Không biết cháo ở đâu mà có sẵn, hình như nãy giờ Từ Chân đã bắc nồi lên bếp nấu cơm chiều, rồi tiện thể chắt nước cơm sôi. Nhìn kĩ thì đúng là nước cháo trên lá đa sánh như hồ quyện. Từ Chân ngồi xổm, đang vẩy cháo lên một cái lá đa, không tỏ vẻ gì khi thấy tôi và chị Liên tới.
“Đệ chạy tìm khắp nơi tưởng anh chết rồi. Bày trò chi nữa đây.”
“Tui đặt cháo lá đa cúng cho vong linh cô hồn.”
Điệu bộ nghiêm trang và khuôn mặt thành khẩn của Từ Chân khiến tôi quên béng việc phải trách huynh ấy chuyện khiến tôi thót tim.
Chị Liên không ngờ trò đùa vô tình, hay là cố tình của chị lại khiến Từ Chân cảm thấy nghiêm trọng đến thế. Tư lự như người biết lỗi, chị đứng đực ra một lúc rồi quay ra chùa lấy xe đạp về nhà.
Trèo cây ngã, ngụp nước, thì phải cúng cháo lá đa thế này. Sư huynh giải thích cho tôi biết. Những chỗ xảy ra xui xẻo ấy thường có các oan hồn không siêu thoát, lâu ngày đói khát tức giận, muốn kéo một đứa trẻ rớt xuống đất, chìm xuống sông biển. Ta phải đặt cháo cúng để vong hồn an yên, không đi theo quấy rầy người sống nữa.
Nghe có vẻ rùng rợn và hoang đường. Chẳng biết chuyện đó có thật hay không, cũng không biết Từ Chân học điều ấy ở đâu.
Bây giờ đã là tháng bảy, tháng của vong linh cô hồn.
H.C.D
VNQD