. HOÀNG MẠNH ĐỘ
Đang thiu thiu ngủ, anh phụ xe đập nhẹ vai tôi:
- Anh sĩ quan Phòng không, đến ngã tư Gạch rồi!
Tôi xuống xe, chỉnh trang lại quân phục, rảo bước.
Từ ngã tư Gạch về nhà tôi gần hai cây số, bao năm nay, vẫn con đường đất quen thuộc. Buổi trưa, con đường yên lặng như chìm trong giấc ngủ. Những tia nắng li ti xuyên qua những tán bạch đàn rải xuống mặt đường như dát bạc. Những mái ngói đỏ tươi nằm thấp thoáng dưới bóng cây, đâu đó tiếng võng đưa kẽo kẹt xen lẫn lời ru tạo nên những bản hợp âm xao xuyến đến lạ kì. Quê tôi yên bình nhưng còn nghèo lắm, cả xã chỉ lác đác vài ba nhà tầng, ngoài làm ruộng còn có thêm thu nhập từ nghề cào hến. Làng tôi - thôn Vân Lôi uốn lượn như chú rồng đang phun nước, được một đoạn sông Tích ôm trọn. Ngày đó, tôi còn nhớ, mỗi lần được theo mẹ xuống sông cào hến, mẹ dặn: “Chịu khó học con nhé! Quê mình còn nghèo, làm ruộng, cào hến như mẹ chỉ đủ rau dưa qua ngày thôi, bố mẹ vất vả, con cố gắng thi vào bộ đội, hai em còn nhỏ, lại hay đau ốm.”
Minh họa: Đỗ Dũng
Ngày nào cũng thế, gà chưa gáy mẹ đã nấu xong cơm sáng và không quên gọi tôi dậy học. Những sớm mùa đông, nhờ mẹ gọi, tôi lấy hết can đảm lật tung chăn ra, bật dậy bước ra ngoài sân. Từng cơn gió hun hút thổi. Cây bàng trước cổng to khỏe là thế mà lúc này còn mỗi một chiếc lá nhưng vẫn giương cao những cánh tay già nua lên trời như để chống chọi quyết liệt lại với thiên nhiên khắc nghiệt. Các khóm hoa ủ rũ, buồn rầu hơn khi thiếu nắng. Tất cả vẫn đang chìm trong giấc ngủ đêm đông. Chỉ có con gà mái hoa mơ đang túc túc gọi các con dậy. Tôi chạy vào bếp cùng mẹ. Mẹ xoa đầu tôi:
“Con trai của mẹ hôm nay dậy sớm thế, mới hơn bốn giờ mà, rửa mặt cho tỉnh rồi vào uống bọt cơm, mẹ cho thêm đường rồi đấy. Cuối cấp rồi, cố gắng dậy sớm, tận dụng thời gian để học, buổi tối con nhường bàn học cho hai em,”
Ngày cầm giấy báo trúng tuyển, chạy tắt qua đồi sắn, gần đến sông, thở dốc một lát, tôi khoe:
“Mẹ ơi ơi ơi... con đỗ rồi.”
Mẹ tôi đang sửa lại chiếc cào hến bị gãy mất mấy nan, lặng người một lát rồi rạng rỡ:
“Nói từ từ mẹ nghe xem nào.”
Tôi đưa giấy báo trúng tuyển cho mẹ xem, mẹ tôi xúc động khóc nức nở ôm chầm lấy tôi:
“Mẹ cảm ơn con, con của mẹ giỏi quá!”
Trên đường về, thỉnh thoảng mẹ lại đưa ánh mắt hạnh phúc nhìn tôi cho dù hôm ấy trong chậu chỉ được vài con hến. Về đến nhà, thay quần áo xong, mẹ đưa tôi vào nhà bác cả thắp hương. Bác cười nói:
“Nhà cô Lượng chuẩn bị chuyến này khao to nhé, có cậu cả đỗ học viện cơ mà, mà lại là học viện Phòng không - Không quân.”
“Vâng, để em hỏi xem nhà em có xin nghỉ được không.”
Cả ngày hôm đó mẹ vui lắm, ăn cơm tối xong, tôi cùng mẹ sang nhà cô Bảy gọi nhờ điện thoại. Ngày đó, điện thoại là thứ xa xỉ trong làng, chỉ là việc quan trọng mới dám nhờ máy.
“Anh ơi, con đỗ rồi, mai anh xin nghỉ về nhà được không?”
“Tốt quá, mai anh về!”
Dập máy xuống, mẹ tôi lấy trong túi tờ hai nghìn ra đưa cho cô Bảy:
“Chị gửi em tiền điện thoại.”
Cô Bảy cười:
“Thôi, em không lấy đâu, em mừng cho cháu.”
Năm giờ sáng hôm sau bố tôi về, dựng chân trống chiếc xe đạp Thống Nhất màu xanh, bố đạp ba bốn lần mới được vì lò xo bị hỏng. Sau chặng đường dài, một bên bàn đạp của chiếc xe bị long ra, chắn bùn phía trước chỉ còn một nửa. Bố ôm lấy tôi cười nói:
“Được lắm con trai, bố tự hào về con. Mẹ con đâu?”
“Mẹ con nấu cơm xong, xuống sông cào hến ạ.”
Bố vội vàng ra sông, gặp mẹ, bố dặn:
“Em đi làm sớm thế, lạnh không? Trưa nay em nấu cơm mời bác cả với chú út nhé.”
“Em tranh thủ sáng sớm kiếm thêm, sắp tết rồi, quần áo của thằng út ngắn hết, hai hôm nữa lại đến lịch lấy thuốc cho Giám.”
“À, tháng này anh bốc thêm được mấy chuyến xi, dư được ít tiền, em cất đi, mua thêm chút thịt cho con ăn.”
Tôi nghe mẹ kể, thời thanh niên, mẹ xiêu lòng vì bố nổi tiếng học giỏi, nhưng vì nhà nghèo nên theo các bác đào đá phụ giúp ông bà nuôi chú út ăn học, trong làng có mỏ đá ong nào khó nhất đều nhờ bố, đá xây nhà mình là bố con tự đào đấy. Mẹ say sưa kể tiếp, tết đến, tranh thủ buổi tối, bố đi gói bánh chưng hộ mọi người. Đến tuổi, bố đi bộ đội rồi xuất ngũ, nhưng nhiệt huyết của người lính vẫn nguyên vẹn, làm đủ thứ nghề để có tiền nuôi gia đình.
Buổi trưa, ăn cơm xong tôi nằm trong buồng, nhìn qua khe sáng của tấm vách ngăn bố đan tạm bằng lá cọ, tôi nghe được bố bàn với bác cả và chú út:
“Em định làm mâm cỗ báo cáo tổ tiên mừng cho cháu thi đỗ, em muốn mời thêm nhưng nhà em đang khó khăn.”
Nghe bố tôi nói xong, bác cả lấy trong túi ra tờ năm mươi nghìn:
“Cô chú khó khăn, anh và chú út góp cân gạo xấu đồ xôi cho cháu.”
“Vâng, vợ chồng em cảm ơn, bác cất giúp em, vợ chồng em lo được ạ.”
Đợi bác cả và chú út về, bố mẹ nói chuyện:
“Em xem còn lúa nếp không, đi xay lấy hai cân để đồ xôi, gấc ông ngoại cho anh cất dưới bếp, gà mái mơ đang nuôi con, anh muốn để lại, thịt con trống tía thôi.”
Mắt mẹ tôi thoáng buồn:
“Vâng, em cũng nghĩ thế.”
Chạy theo mẹ ra vườn, tôi thấy con gà mái đang cục cục gọi con, bộ lông hoa mơ pha lẫn chút nắng làm nó nổi bật giữa bầy con. Dạo này, vất vả vì chăm con cái mào đỏ tươi ngày xưa chuyển sang đỏ sẫm, xệ xuống cùng một cái mỏ cong đen và dữ tợn hẳn lên. Mỗi lần thấy con mèo mướp mon men đến gần, nó xù ngay lông, đôi mắt quắc lên những tia dữ tợn. Hai cánh của nó bây giờ xơ xác, cặp chân to bọc một lớp vảy cứng màu vàng luôn lấm láp vì bới đất tìm mồi.
Bữa cơm liên hoan tiễn tôi đi, cỗ khá tươm với thịt gà, xôi gấc. Mọi người cười nói vui vẻ, chúc mừng tôi và không quên dặn dò cố gắng học tập hơn nữa để xứng đáng với truyền thống gia đình.
Sáng hôm sau bố mượn thêm một chiếc xe đạp để mẹ tôi đi cùng. Dọc đường, bố say sưa kể về những kỉ niệm ở đơn vị rồi nhắc khéo:
“Con yên tâm học hành, vào vụ cấy, bố nhờ chị Lựu sang đỡ mẹ, làm hết năm nay bố nghỉ không đi phụ hồ nữa, con vào bộ đội bố mẹ cũng yên tâm hơn.”
Ngồi sau bờ vai gầy của bố cảm giác ấm áp và an toàn đến lạ kì.
Hơn tám tháng huấn luyện tạo nguồn, hạnh phúc lớn nhất của tôi là mỗi lần mẹ đạp xe từ nhà lên Hoà Bình thăm, trao gửi tình cảm với “các con” bằng kẹo lạc, bánh quy và đặc biệt là món khoai lang luộc mà tiểu đội tôi rất thích. Cứ chiều thứ sáu, xuống bể tắm, Nghị ruồi lại hỏi:
“Mai mẹ mấy giờ lên, lần này đến lượt tớ đón mẹ nhé!”
“Yên tâm, mẹ nướng riêng hai củ khoai tím rồi, nhất bạn!”
Năm tháng đó, kỉ niệm đáng quý, trân trọng biết bao.
Ngày bắn đạn thật, tôi đạt loại giỏi. Đêm ấy tôi chạy thật nhanh xuống căng tin gọi điện khoe với mẹ. Đầu dây bên kia là chị gái tôi. Chị kể hôm nay mẹ ốm không nghe máy được.
Tôi thương mẹ quá. Bất giác tôi nghĩ tới cảnh con gà mái mơ và đàn con. Tôi hỏi chị con mái mơ thế nào rồi. Chị tôi im lặng một lúc rồi khóc:
“Chị phải nói thật để cậu biết. Hôm liên hoan cho cậu đi, mẹ đã thịt thêm cả con mái mơ đấy. Mẹ cũng phải xay cả lúa nếp giống lấy gạo đồ xôi...”
Tôi buông máy thẫn thờ về phòng, úp mặt lên gối, hai hàm răng cắn chặt, nước mắt ào ạt tuôn.
Thấy thế, anh Trung đội trưởng sang giường tôi hỏi:
“Độ chia tay người yêu à?”
Tôi lau nước mắt:
“Dạ không ạ, em nhớ nhà thôi.”
“Cứng rắn lên, bộ đội ai lại khóc, ôn bài cho tốt, mai thi môn khó đấy.”
Tôi vâng lời anh, mang vở ra ôn bài. Nhưng từ đêm đó và cả nhiều đêm sau nữa, hình ảnh mẹ, những hạt nếp giống, con gà mái mơ cùng đàn con luôn trở về trong giấc mơ của tôi.
Ngày tốt nghiệp, mang trên vai quân hàm thiếu uý, tôi đã gửi hết tháng lương đầu tiên của mình nhờ chị gái mua giúp hai cân lúa nếp giống, một con trống tía và một con mái mơ làm quà cho mẹ.
Tôi không về được nên không biết khi nhận món quà này mẹ sẽ nghĩ gì. Nhưng tôi tin mẹ rất vui và tự hào về con trai đã trưởng thành.
Từ ngày trở thành sĩ quan, năm nào tôi cũng về phép. Gặp lại bố mẹ, thăm lại cánh đồng, gặp lại con trống tía, con gà mái mơ và những lứa gà con, tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng yêu thương từ mái ấm quê hương.
Và hôm nay tôi lại về thăm quê. Tôi háo hức bước nhanh. Chỉ ít phút nữa thôi tôi sẽ lại gặp được mẹ, gặp lại cánh đồng, gặp lại đàn gà...
H.M.Đ
VNQD