. TỐNG PHƯỚC BẢO
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
1.
Ghe cập mé sông đúng ngọ. Con nước đứng. Nắng tháng bảy đổ tràn lên mặt sông hấp nóng, oi bức làm da thịt cứ rin rít. Đám lá huyết lệ ven bờ kinh Trà Ếch bắt đầu tươm giọt. Trong những cơn say lảo đảo Tự hay hỏi tía mắc gì ông cứ bám cái con kinh xa mút chỉ này. Từ Cái Răng chạy về Phong Điền, qua kinh Tắc mới mò được tới bên này thả neo cắm sào. Chằng chịt kinh, mịt mùng rạch. Mệt thí mồ tổ cho từng buổi chợ. Cái ghe bẹo ngày hai bận, xuôi chợ nổi buổi sớm khi miệt vườn hàng cây, đám lá còn là một bóng đen giữa màn đêm mờ mờ, mịt mịt. Nắng bắt đầu giòn như ông trời đang thẳng lửa cho một mẻ rang lại tất tả ngược con nước về núp vào đám lá huyết lệ. Tía chán hông? Chứ tui chán quá chừng. Tía buồn thì tui chịu. Chứ tánh tui có sao nói vậy. Mình thương hồ sông nước cập mé nào thì cũng ở đậu được. Tía cứ làm như đây là đất mình. Bên kinh Thác Lác người ta cho xáng cạp. Xáng quần có hơn tuần là mấy mé sông sạt hết. Đám ghe bẹo trú nơi đó cũng phải chịu đậu lại Cái Răng, hoặc về Ba Láng. Nói thiệt tình, mình chui rúc vô con kinh này nó hiu hắt như hốc bà tó. Rồi cũng có ngày người ta cho xáng múc. Nước càng ngày càng cạn. Khắp miệt đồng bưng này người ta cho xáng cạp để dẫn nước vào đồng, chỗ nào khơi dòng không được thì người ta lấp kinh rạch hết. Người ta cán đường, trải nhựa, làm lộ để xây khu công nghiệp hết trơn. Ngay cả cái chợ nổi, bạn ghe họp chợ cũng thưa dần theo năm tháng. Cầm cự cũng bao nhiêu bạn hàng đâu. Người ta lên bờ hết rồi tía ơi!
Tự nằm ngay mũi ghe lằn nhằn như vậy. Trăng khuyết vắt nửa vành trên nền trời thẫm đen. Tiếng ếch, nhái, ễnh ương ca chi mấy cái bài buồn hơn vọng cổ. Tự say rượu mận xứ vườn. Rượu được ủ bằng loại mận An Phước với mạch nha dìu dịu, không nhức đầu, không mệt mỏi nhưng cứ thế mà say lúc nào không hay. Thứ rượu nhấp một li thấy ngọt, nhấp hai li thấy cay, nhấp li thứ ba thấy mặn. Đó là lúc môi mình tự mấp máy nói những điều thật thà. Khi say là tỉnh. Thứ rượu mà theo Tự nó quỷ quái quá chừng. Càng muốn say thì lại càng tỉnh. Tỉnh rơn người, tỉnh thẳng ruột. Tỉnh để nhìn và nói. Nói mấy thứ lúc hổng có rượu chẳng ai dám mở lời. Xứ này ngộ kì thời. Toàn dân mượn rượu mà nói.
Nhưng tía thì khác, tía chẳng nói. Tía càng uống càng im. Tía như một người nào đó chẳng dính dáng ăn nhập với cái đất Tây Đô này. Đôi khi Tự chẳng biết tía say hay tỉnh; buồn hay vui; khóc hay cười; thật hay giả. Tía chỉ một gương mặt khắc khổ đen sì. Chưa lần nào tía gọi Tự bằng con, tía toàn kêu mày. Thể như những tiếng yêu thương ngọt ngào tía chẳng biết. Mà tía thì đâu phải mù chữ. Tía ghi đơn hàng tính giá cái rẹt. Bữa bà Lành nhìn cái đơn rồi ngó tía lom lom. Thằng cha xấu quắc mà chữ như rồng như phượng. Chữ biết múa, biết lượn. Cha nội hồi trẻ đào hoa lắm nghen bây. Giờ về già quắt quéo như đám tàu lá mo quá nắng. Hom hem, cằn cỗi, xiêu vẹo. Vậy đó, mà cái chữ thì chẳng đổi. Cái chữ nói lên cái tính mà. Bà Lành đánh đàng xa mà mấy câu nói cứ âm ba theo sóng nước. Tía ngồi thản nhiên cộng sổ, đếm tiền, lẩm bẩm mấy cái tên vẫn còn thiếu nợ. Nhưng tía cứ nói với Tự, tía thất học, nên đời mới gieo neo theo vơi đầy con nước. Xứ này người có học đi hết trơn rồi. Tự không cãi tía, bị tía nói đúng mà. Mấy đứa trẻ nhỏ gom đủ chữ là sang bắc Cần Thơ hoặc lên thị thành Sài Gòn làm việc. Lễ lộc tết nhứt dăm ba đứa về, í ới rủ nhau nhậu. Câu chuyện kể về chốn xa lắc lơ phồn hoa đó lúc nào cũng lấp lánh một hấp lực quyến dụ Tự. Tàn buổi nhậu, tụi bạn hả hê về phố thị, Tự lảo đảo đi về phía ghe. Mỗi mình Tự ở lại xứ này. Chẳng hiểu vì sao.
2.
Khi thằng nhỏ chạy về được kinh Trà Ếch là một đêm lòng sông đỏ quạch. Trái châu vẫn rơi sáng cả khu Áng Khám. Tiếng súng vang ì đùng tứ bề. Những mảng đất bị xới tung lên lẫn xác người rơi vãi. Bò một đoạn thấy được cánh tay. Lòn vào đám cây cối gãy đổ thấy cái chân. Lội xuống con kinh thấy những ánh mắt trừng hoảng hốt. Thằng nhỏ áo quần rách te tua, ánh mắt bàng hoàng, đầu óc hoảng loạn. Chỉ biết từ phía nhà thờ Ông Hào ngổn ngang xác, về tới tiểu khu của trung đội nữ Ô Môn trấn giữ là cả một quãng vô định. Mang máng trong đầu nó là lời ngoại dặn đi tìm má. Ngoại nói được bao nhiêu thì bom dội xuống nhà thờ. Ngoại phủ lên người thằng nhỏ. Chỉ kịp nghe tiếng kêu thất thanh chẳng rõ ngôn từ, cái hơi nóng cứ vướng vào áo, vào mặt mũi tay chân thằng nhỏ. Tiếng la hét kêu khóc, tiếng những mảng tường đổ xuống, mùi khói thuốc nổ bốc lên nồng nặc. Thằng nhỏ thấy nơi đầu môi mình vị mặn tanh. Cố nín tiếng thở. Nhắm mắt lại. Những dòng đỏ sệt vẫn bắt đầu lan đều trên mặt. Một tiếng. Hai tiếng. Ba tiếng. Hay là bao nhiêu thời gian cũng chẳng biết. Chỉ biết trong chập chờn cơn mê nó vẫn nghe rõ mồn một tiếng hát của má mỗi bận chèo đò qua sông Cần Thơ. Cái bài hát mà từ hồi thằng nhỏ bắt đầu biết nhớ, má vẫn hay hát những đêm trăng tròn bên mé sàn lãng. Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Thương tui thì cứ tới liền. Chớ có lụy phiền cách trở đò giang. Nhưng suốt cả tuổi thơ mình, thằng nhỏ đâu có thấy ai tới theo câu hát xế xảng của má. Đò má qua sông Cần Thơ ắp lẵm xoài, đầy vun chôm chôm, hay có khi chỉ là mấy thiên trầu. Nhưng mà bao năm rồi, người thương chinh phu của má thì chưa một lần quay lại.
Thằng nhỏ nằm đó. Chẳng biết mình còn hay mất, chỉ biết khi hơi ấm của ngoại cạn dần. Khi cái lạnh da thịt chạm vào mặt mình, thẳng nhỏ mới bừng tỉnh. Ngoài trời dần tối, mọi thứ im ắng như thời gian cũng ngừng trôi, chỉ có mùi chết chóc xộc thẳng vào người thằng nhỏ. Ngoại cứng đơ trong cái tư thế co mình phủ lên thằng nhỏ. Không một hơi thở. Thằng nhỏ cựa quậy, nhưng chẳng thể lòn ra ngoài. Nó bóp bàn tay ngoại, trong nước mắt rấm rứt, ngoại ơi giờ con đi được chưa? Tiềm thức cứ vọng vang lời nửa như hỏi nửa như khẩn cầu. Bàn tay ngoại bắt đầu dịu lại. Thằng nhỏ trườn ra ngoài. Trườn lên những đôi chân cháy xém. Trườn lên những thân thể bất động. Trườn lên những mặt người hoảng hốt. Bụi bám vào máu. Máu bám vào đất. Đất toạc thành những vết xẹo trên xứ quê. Thằng nhỏ ngó lại nhìn ngoại. Cánh môi ngoại như cười.
Trăng rọi vào lòng kinh, màu đỏ lênh loáng bám lên mé nước. Dập dềnh. Sền sệt. Dòng nước mà chỉ mấy ngày trước vàng màu phù sa, đám con nít cứ canh chiều chiều lại réo tên nhau mà nhảy ùm xuống lội tung tăng. Nay dưới ánh sáng bàng bạc, thứ màu huyết dụ đặc quánh lênh bênh như miếng sương sâm trưa hè đám trẻ hay bứt lá vò ra pha nước để ăn giải mát. Thằng nhỏ không dám nhìn về phía kinh. Bởi từ phía ấy những con mắt trừng vẫn sáng quắc giữa thâm u. May còn đám lá um tùm để thằng nhỏ trốn vào. Đồn chỗ má ở bị càn tan hoang. Má đâu? Má kịp rút hay nằm lẫn vào những cái xác lềnh bềnh. Má đâu? Thinh không vẫn rền vang những trận pháo kích, tiếng máy bay quần hú gầm rú như xé toang trời đêm, như muốn nuốt chửng dải đất Tây Đô. Má đâu? Câu hỏi chẳng có lời đáp. Thằng nhỏ cứ thế mà co rút mình vào đám lá mỗi khi đợt pháo kích dội xuống xứ mình. Nó lả đi.
Năm đó, thằng nhỏ mới lên mười, hai trăm con người vùi thây trong lòng nhà thờ Ông Hào, cả một trung đội nữ gục xuống chính trên dòng kinh xứ sở của mình. Tây Đô những năm đó, biệt kích “Cọp đen” càn rát cả thủ phủ của chín nhánh Cửu Long.
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
3.
Tự bắc nước nấu nồi lá huyết lệ. Trăng tròn vành vạnh. Trăng mười sáu dát bạc lòng kinh. Cái ghe bẹo nhấp nhô theo từng làn sóng nước. Phía lòng kinh vẫn là tiếng ai oán mỗi độ ngày vong hành. Trời khuya se thắt ngọn gió đồng. Gió phả vào sông. Gió quyện sóng nước. Gió nâng lời khấn bay vang trên thinh không. Tía vẫn khuấy nước kinh tạo thành một vòng tròn lan rộng. Chín khúc mía đã chìm nhưng Tự có cảm giác nó chần chừ trong lưng chừng màu nước đỏ. Cầu cửu khúc liệu có giúp những oan vong hồn phách bước qua các cửa hoan, lạc, hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si để trở về hay không? Dẫu sự trở về này đã muộn mằn sau đằng đẵng chiến cuộc. Thanh bình của xứ này vẫn còn những bàn thờ trống trơn, chỉ mỗi cái bài vị, hoặc dăm ba cái áo cũ kĩ, có khi chỉ là cái lược chải tóc hoặc cái cúc áo mà người nhận đinh ninh của người đã nằm xuống. Không có gì xác thực cả.
Khói nhang tỏa ra cái mùi ma mị bao trùm lên mé sông. Lửa từ nhang bập bùng đóm đỏ trên nền đen kịt. Lòng kinh dậy sóng. Lòng người dậy lên những ẩn ức. Lời kinh cầu siêu rấm rứt. Tía gọi hồn từ muôn năm xưa. Biến thiên thời cuộc nhưng anh linh biết có thấu đặng lời cầu. Áng Khám, Trà Ếch, Ông Hào. Hồn ơi vất vưởng nương vào Cửu câu. Cầu này bắt nhịp mà về. Lang bạt chi bấy xứ quê đợi chờ. Hồn thiêng sống thác quy hồi. Cốt xương cố quận mà trồi lên đây. Tía nhấp ngụm rượu, phun xuống lòng kinh. Đôi tay huơ nhang thành những vệt sáng. Vệt sáng cắt ngang màn đêm những vết cắt bén ngót. Khói đi theo vệt sáng. Khói tạo thành một luồng xoắn ốc. Khói bám vào tía. Tía bám vào câu triệu hồi. Câu triệu hồi liệu có bám vào lòng kinh hay không? Sao mãi bao năm những con người của đêm hôm ấy chẳng quay về?
Tự vẫn ngồi trên mũi ghe nhìn xuống lòng kinh. Từ khi biết nghe biết thấy, Tự đã tập quen dần với cái điên này của tía. Chỉ một đêm trăng tròn thôi, tía sẽ thành người khác. Chẳng phải là ông ghe bẹo tính nhẩm giỏi nhất chợ nổi. Chẳng còn là ông hai Thiệt ít nói lạnh tanh của giới thương hồ sông nước. Tóc tai sẽ rũ rượi, tía sẽ cởi trần, nhảy xuống giữa kinh khi đêm đúng mười hai giờ. Thời khắc giao thoa của ngày rằm và ngày vong. Tía như một người khác. Tía khóc với sông, tía cười với gió. Tía ngó đám lá mà kể chuyện cũ càng. Chẳng biết đám lá nghe có chán hay không chứ Tự thì thuộc nằm lòng.
“Sở chỉ huy Tiểu đoàn Tây Đô của ta điều động Đại đội 23 vào chi viện cho trung đội nữ dân quân đang cự địch ở Ô Môn. Trung đội nữ quyết bám trụ, giằng co quyết tử. Địch gọi máy bay dội bom và trút pháo xuống trận địa như mưa. Nhờ sự có mặt kịp thời của Đại đội 23, trận địa được giữ vững. Đêm ác liệt định mệnh đó, khi mặt trận đã im tiếng súng, Đại đội 23 trở lại con kinh để tìm kiếm đồng đội thì phát hiện thằng nhỏ nằm thoi thóp giữa đám lá ven triền sông”. Tự thuộc đến nỗi mỗi lần tía bắt đầu khóc cười là nó lại nhìn đám lá. Đám lá xanh nổi lên bề mặt là đốm đỏ như hình giọt nước mắt. Ngày nhỏ mỗi lần đánh nhau với đám bạn sông nước bị thương máu chảy, tía hay hái một nhúm, đem đâm nhuyễn đắp lên vết thương để cầm máu. Ngủ một đêm tới sáng là đám lá tự khô và rớt xuống, nơi vết thương ngay da thịt sẽ khô lại, đắp thêm hai ba ngày vết thương thành mài và tự rụng, chẳng để lại sẹo. Hay như mấy lần Tự chóng mặt say nắng đồng, tía lấy mớ lá non nấu canh với xương cá. Nước canh mằn mẵn, lềnh lềnh, màu đỏ bầm. Tía kêu Tự húp cái nước ấy đi, bổ lắm, sẽ không còn chóng mặt hay nhức đầu. Mình người quê, sống khỏe là nhờ năm ba cái lá cây xứ sở. Lá dại um tùm ven sông vậy chứ là bài thuốc quý của cha ông để lại. Lá cũng như người, sinh ra đều sống một cuộc đời có nghĩa. Thảo thơm miệt phù sa cũng được vun bồi từ tinh túy đất trời xứ mình mà thành. Tất cả đều tốt tính. Chẳng qua là mình dùng có đúng bài bản hay không mà thôi. Lá huyết lệ từ đó theo tía con Tự như loại thuốc phòng thân.
Tía luôn dặn Tự, đất có thổ công, sông có hà bá. Sau những lần tía khuấy đảo cõi u minh thủy tề thì phải dội lên người tía mớ nước lá huyết lệ. Thứ nước màu đỏ bầm này sẽ gột rửa những âm trì còn đeo bám tía, để tía lên ghe sẽ trở lại vẹn nguyên phần người. Tự chẳng hiểu những thứ tía làm, những điều tía nói. Nhưng dội nước để trả lại cho Tự cái phần người của tía thì Tự làm theo liền. Cứ mỗi khi bó nhang tàn, vệt cắt sáng chẳng còn vướng víu mắt Tự, tía bơi về phía mũi ghe, Tự đứng từ trên dội nước lá xuống. Tía ngước lên cho nước chảy từ đầu tóc xuống cả thân mình. Một tay tía vuốt nước một tay tía bụm vào đáy quần. Bóp chặt. Thảng thốt. Rồi tía mở mắt ra, cặp mắt vàng màu hổ phách. Dòng nước đọng nơi khóe mắt những giọt đỏ rực. Những lúc ấy Tự thấy trong ánh mắt của tía là những hình hài xương cốt được làm bằng mớ phù sa. Chúng hiện ra trong tròng mắt tía. Ầng ực. Chấp chới. Những giọt nước lá như giọt máu tía khóc. Tự quay đi lủi vào lòng ghe. Những điều này Tự chưa bao giờ kể tía nghe.
4.
Xứ này nếu có ma, thì những con ma châu thổ sẽ như thế nào? Sẽ lặc lìa tay chân, sẽ ngặt nghẻo đầu cổ hay sẽ rũ rượi thân xác, hoặc cũng có thể hốc mắt trắng dã như bà Lành. Ma châu thổ có biết ca vọng cổ, biết hò Cần Thơ, biết hát xế xảng gọi bạn thương hồ như mấy bận bà Lành say rượu hay nghêu ngao trên ghe? Thoảng khi ghé đến cái ghe bẹo sau ngày tía triệu hồi anh linh, nhìn tía nằm thiêm thiếp, rã rời sau đêm quần thảo sóng nước, bà Lành hay xua tay nói tía bao đồng. Xứ này chẳng có ma. Người ta đi đầu thai hết trơn còn một mình ổng tin chuyện linh hồn. Hồn nào vất vưởng mấy chục năm mà tìm. Xác nào còn đó mà kiếm. Xương cốt cũng thấm thành đất, hòa thành phù sa, chảy tràn từ miệt vườn lan khắp đồng bưng, tỏa vô ngóc ngách bưng biền. Xương cốt thấm vào xứ sở, độ cho mảnh đất này trù phú bốn mùa. Nước đầy rồi nước lại vơi. Cây trổ cành sanh trái. Hết mùa này tới mùa khác. Chiến tranh đi qua rồi mà tía bây cứ còn ở lại. Ở miết vào cái thời bom đạn khổ đau nên tía bây hành xác bản thân.
Bà Lành nhấp miếng rượu mận, thở cái khà, miệng cắn trái cóc xanh lè. Hỏi chua không má? Bà Lành cười hềnh hệch. Tổ cha mày! Kêu vậy thiên hạ cười thúi mặt. Bảy chục rồi thèm gì mà tía với má. Nhưng cũng có bận, Tự hỏi bà Lành, cả cuộc đời bà bám cái chợ nổi này thiệt tình hổng có mảnh tình nào vắt vai hay sao, hay bà hổng thèm. Đời con người ta mà hổng thèm thứ gì hết, chắc là một cuộc đời bỏ đi. Tỉ như xứ mình thứ gì hổng xài nữa người ta bỏ xuống sông. Sông trôi mải miết. Sông trôi ra biển. Biển trôi tới chân trời nào đó thì Tự không biết. Cả đời Tự quẩn quanh chín nhánh sông miệt đồng làm sao biết cuối biển rồi thì nước trôi về đâu. Nhưng lạ một cái những đớn đau, những kí ức, những vết xẹo của tía, sao sóng nước hổng trôi đi hết. Hay cũng như bà Lành nói, có những thứ nó rõ mồn một trên thân thể mình thì sóng nước ngàn năm cũng không cuốn được. Đó là cái hôm bà Lành say rượu ngồi khóc ngon ơ.
Bà Lành bảy mươi chỉ còn một con mắt. Con mắt kia trận càn Cái Tắc hồi bảy tư đám “Cọp đen” nã pháo vào khu giấu bộ đội, mảnh đạn rơi trúng, múc con mắt bỏ đi mới cứu được mạng sống. Bà Lành cười lơ lãng. Hổng cười chẳng lẽ khóc. Khóc cho đám ác ôn nó cười à! Còn một con mắt cũng phải sống. Nhưng sống chưa đi qua một năm thì những ngày tàn của cuộc chiến. Vùng bốn lúc đó rào rạo giao tranh, nhỏ thì đánh ấp đánh xóm, lớn thì đánh khu đánh vùng. Đánh cuộc nào rát cuộc đó. Đánh tới đâu chết và bị thương tới đó. Địch thả trận lưới bom ngăn đại đội 31 tiến vào Tây Đô. Chiến tranh mà, bom rơi đạn lạc biết đường đâu lần. Đài phát lời đầu hàng, nhưng vùng bốn còn ráng chống, mấy thằng tướng tiếc cái xứ màu mỡ này, liều một trận cuối rồi theo tàu trốn ra biển lớn. Trận cuối đó lấy đi một phần ngực của bà Lành. Năm đó bà Lành mười tám. Đầu quấn khăn rằn, tay ôm súng, ngực bê bết máu. Mừng là hổng chết đó bây. Ông trời thương ổng cho còn sống để cười. Chứ sống mà khóc thì sống mần chi. Sống mà khổ quá thì thà hồi đó bom đạn chết luôn cho nhẹ kiếp người. Dẫu không lành lặn nhưng mình còn về là còn mừng. Có những người nằm lại mãi mãi trong lòng cuộc chiến. Nằm mà cũng chẳng trọn trẹn, chẳng toàn thây. Vậy đó bây coi tao yêu đương nỗi gì?
Bận đó Tự hai mươi hai. Cũng chẳng mối tình vắt vai. Một đêm sóng nước dập dình. Tỉnh làm cái hội chợ du lịch, trên bến dưới thuyền tấp nập khách thập phương. Tỉnh biểu mấy ông bà bán chợ nổi ban đêm cho khách tham quan. Bình thường bán buổi sáng người ta còn ngủ, khách du lịch về tỉnh mình phải chiều lòng họ, mình bán ban đêm cho xôm tụ, mỗi ghe thắp đèn sáng choang cả vùng sông nước Cái Răng. Bán ban đêm vui ít mà cực nhiều. Dân thương hồ quen buổi chợ sáng. Buổi chợ đêm cứ ngáp vắn ngáp dài. Ngáp quá thì đem rượu ra nhậu. Nhậu rồi thì kể. Cứ vậy mà câu chuyện tràn trề như lũ kéo về trong tiềm thức.
Tía đâu nói gì, chỉ ngồi khật khưỡng dáo dác ngó lên trời đen đặc quánh những u tịch hoài cổ. Kí ức bủa vây. Trận cuối đó, thằng nhỏ khi xưa nơi đám lá ven triền sông tròn mười tám, cũng quên rồi cái tên cúng cơm, chỉ nhớ từ hồi mình được đem ra khỏi cái đêm kinh hoàng đã được đặt cho tên mới: Hai Thiệt. Bữa đó công đồn Trường Long thành công nhưng người bạn thân là Năm Thành nằm cứng đờ, mắt không nhắm nổi. Thân thể đầy những vết cắt của tra tấn. Năm Thành càng không khai kế hoạch của chiến dịch thì càng chọc máu điên đám khát máu. Chúng nhét đầy miệng Năm Thành mớ bùn vàng đục. Mười đầu ngón tay bị bẻ gãy loe loét máu. Máu tụ thành cục che lên vết bấm của cây kềm. Hai Thiệt chạy ra mé sông múc mớ nước tắm cho thằng bạn. Thay cho mày bộ đồ ngon lành láng lẫy, chải tóc mớ bảy mớ ba để mày đẹp trai mà đi thanh thản nha Năm Thành. Hai Thiệt lần xuống phía dưới, bàn tay bỗng nhiên giựt lại. Tiếng thét gào như xé toang cả niềm vui thắng trận. Giữa hai cái đùi gầy nhom thiếu ăn của thằng thanh niên vừa tròn hai mươi đầy thanh tân, chẳng thấy bộ hạ đâu hết, chỉ còn một vùng lõm nhờn nhợt máu. Chuyện này Hai Thiệt chẳng dám kể cho bà Lành nghe. Giấu mãi cho đến tận đầu pha màu sương mai. Hổng lẽ nói với bà Lành cái thằng bạn thân hồi ba đứa còn tóc miểng vùa chạy đồng, cái hồi hay lén lên chùa xin bùa cầu ông mấy bận tết nhứt, bùa không thiêng, nên ba đứa xin mà chỉ hai đứa về, đứa còn lại, cái thằng hẹn thề sau ngày giải phóng sẽ lấy nhau với bà Lành, đến cả cái thây còn mất đi thứ làm nên giống nòi.
Đêm vẫn lấp lánh rộn ràng tiếng khách dập dìu hỏi mua cái này, tìm thứ nọ trên chợ nổi. Ghe cập ghe, tiếng đãi bôi của buổi chợ lạ cứ dao dác tận khuya lắc lơ. Tía vẫn nhấp rượu. Bà Lành vẫn khề khà chuyện cũ. Gió lành lạnh. Gió có mang hồn người lây lất từ sau cuộc chiến về chiếc ghe bẹo hay không? Sao bỗng dưng Tự lạnh nơi sống lưng quá chừng!
5.
Bận có khách cắc cớ hỏi ông già khú đế lụm đâu ra thằng con mới hai mấy vậy ông nội. Hay ham của lạ rồi ai ăn ốc mình đổ vỏ. Tự nóng mũi. Tía chỉ à ờ “tui lụm nó thiệt mà”. Tía thối tiền dư lại cho khách mua khoai rồi im thin thít. Đám choai choai ăn mặc xanh đỏ tím vàng nói giọng đâu chắc trên thành phố cười cợt rồi bỏ đi. Cây bẹo treo mấy củ khoai đã vài ngày, bắt nắng nên lớp vỏ nhăn nheo, hình hài teo tóp. Tiếng cười không rớt xuống sông mà đậu mãi nơi cây bẹo chỗ Tự đứng chưng hửng nãy giờ. Hồi nhỏ đi học, có lần cô giáo hỏi ba má Tự đâu, sao thấy bà Lành suốt ngày đưa đón. Tự hổng biết trả lời sao đây. Trưa tan lớp Tự theo bà Lành về lại chợ nổi, Tự hỏi bà Lành y hệt câu của cô giáo. Bà Lành cười sang sảng. Mai mốt bây trả lời từ đất nẻ chui lên. Mà đất có bao giờ nở ra con người. Tự thôi chẳng thèm hỏi ai. Tía thích thì tía tự nói. Chứ gốc gác của Tự thì chắc cũng phường trôi sông lạc chợ như bao đám trẻ của chợ nổi. Có đứa không cha, đứa chẳng mẹ. Có đứa ai đem để đại lên cái ghe lúc tối trời rồi lặng lẽ bỏ đi. Chừng nghe tiếng khóc thì chủ ghe mới hay. Thương hồ sông nước nên dăm ba cuộc tình vụng trộm cũng là lẽ thường. Chồng bà ghe muối cặp vợ ông ghe trái cây. Hay bà bán bún riêu léng phéng với thằng nhỏ hơn chục tuổi ghe dưa hấu cũng rân trời dậy sóng. Chuyện chợ nổi ngồi kể hoài hổng hết. Tỉ như bà Lành kể chuyện hồi xưa. Tỉ như tía vẫn đi tìm đồng đội trên con kinh Trà Ếch. Tỉ như Tự cũng vậy, muôn đời hổng biết mình từ đâu ra.
Mà cũng tỉ như chuyên tía ở vậy mình ên sau cuộc chiến. Nghe đồn cũng năm bảy lần người ta đánh tiếng mối mai cho con gái họ, mà tía ngó lơ. Bà Lành nói tía bây đào hoa, hồi đi lính mấy cô giao liên cho đến nữ dân quân chọc ghẹo mãi có được ổng đâu. Rồi ổng về, vẹn nguyên lành lặn, chẳng mất miếng đẹp trai nào, thế mà cũng lắc đầu. Ổng nói ở vậy, lấy ai chi mệt. Mảnh vườn xưa ổng cũng cho tỉnh làm trường học. Ổng quảy cái túi đựng mấy bộ đồ nói đi tìm cha. Mà hỏi cha ổng ở đâu, ổng lắc đầu. Ổng nói đi tìm má. Hỏi má ổng ở đâu, ổng chỉ sông nước. Ổng biểu đi tìm đồng đội. Mà đồng đội ổng thì nằm rải rác khắp đồng bưng miệt thứ. Vậy là ổng lênh đênh tới bây giờ. Chừng ổng lốm đốm tóc ngả muối tiêu thì về con kinh cũ, sắm cái ghe, bắt đầu buôn bán. Bây cũng theo ổng về từ bận đó.
Tự chỉ biết như vậy về cuộc đời mình, còn những thứ cần thiết nhất thì tía im bặt. Những lần buồn Tự cũng hay ra mũi ghe ngồi nhậu một mình. Xòe bàn tay ra đếm tuổi. Tự vẫn cứ quẩn quanh với sông nước Cần Thơ, chưa một lần bước chân lên thành phố để biết tòa nhà cao tầng là gì. Nói chi xa xôi, ngay cả cái chuyện muốn thương một người, Tự cũng chẳng dám. Vậy nên, Tự càng uống lại càng nghĩ. Thấy cái đầu của mình tỉnh rụi. Càng tỉnh thì càng sợ. Sóng nước Cửu Long ngọt đồng nhưng nghiệt nỗi đời người châu thổ lắm!
6.
Con trăng tròn, mưa sa giông. Bây giờ là tháng tám. Đám lá đậm sắc tươm đỏ hình giọt nước sấp đồng. Đêm muộn mằn đúng giờ vong hành, Tự bắt nồi nước lá huyết lệ. Tía lại khuấy đảo dòng nước liên hồi. Chín khúc mía đã ở đâu giữa lòng châu thổ, họ có bắc cầu được không? Lòng kinh nhỏ nhưng hoài vọng thì to. Lòng kinh vàng màu phù sa quanh năm suốt tháng. Một đời kinh chỉ một mùa trở dạ mà đỏ au. Anh linh nào còn xương cốt? Anh linh nào đã thoát thai chuyển kiếp? Còn hay mất của cuộc đời này quan trọng đến thế hay sao? Nước tạo ra sóng. Sóng tan rồi thì cũng thành nước. Cốt xương dân mình tạo từ phù sa. Hồn thiêng tạo từ xứ sở. Muôn đời dân miệt này có đi khỏi chín nhánh sông người ta nhìn cũng kêu dân đồng. Tay chân có tắm táp bằng thứ xà bông đắt tiền thì cái màu phèn vẫn ngấm vàng da thịt. Phấn thổ đồng bưng muôn đời vẫn quyện lấy đất này, thấm mưa, chịu nắng mà thành thứ bùn non châu thổ. Vỗ vào triền sông những bồi lở hai bên. Tự còn biết vậy sao tía cứ hoài vọng những điều không thể.
Bận cơm chiều tía biểu Tự đi chặt chín lóng mía, tía làm lần cuối. Đầu tuần sau, tỉnh cho xáng múc kinh Trà Ếch. Sau này chắc mình neo lại Cái Răng. Tự hổng biết mình vui hay buồn khi nhìn mặt tía héo hon. Tía nốc rượu. Tự nốc rượu. Rượu chảy vào cổ Tự hết ngọt lại cay, hết cay lại mặn. Bìm bịp khản cổ gọi bạn từ phía lòng kinh.
Tía gọi anh linh bằng những câu triệu hồi quen thuộc. Tía nấc lên: Má ơi. Tía thét gào những Tí, những Tèo, những Hết, những Hận, những cái tên đồng đội vẫn còn nằm lại đâu đó trên sóng nước Cửu Long. Tàn cuộc chiến mấy mươi năm vẫn chưa chịu về. Là lạc đường, là quên nẻo, hay còn chần chờ chi nữa? Chẳng ai nghe thấy tía. Mưa bắt đầu nặng hạt. Mưa quất ràn rạt vào mặt tía. Mưa bắn những giọt buốt rát vào mắt tía. Nhưng mưa không làm bó nhang tắt được. Những đốm lửa cứ nhói lên giữa u tịch sóng nước. Thâm thâm. Mênh mênh. Tự ngồi ở mũi ghe, người cũng ướt đẫm. Triền sông đám lá huyết lệ đọng nước mưa nhỏ xuống từng giọt đỏ bầm liên hồi. Sấm chớp lóe sáng ngay lòng kinh. Gió rú những tràng thanh âm ghê rợn. Bó nhang lập lòe rồi dần chìm. Từ mũi ghe Tự chỉ kịp la lên: Tía ơi…
Người ta nói tía bị ma da kéo chân, chứ ổng bơi như rái cá, lính đặc công mà dễ dầu gì bây. Lòng kinh thì sâu, đời người thì cạn. Trời đày ổng xong một kiếp đoạn trường, thì cho ổng về với đồng đội. Tự không biết xứ này có ma hay không nữa, nhưng Tự cũng bắt chước tía thả cầu cửu khúc. Tự cũng rì rầm câu khấn triệu hồi, Tự cũng đốt nhang để tía nương theo khói mà thèm mùi quê mà chịu về. Tự cứ quần đảo giữa lòng xong ba ngày chẳng tìm được.
Ngày xáng lấp ló đầu con kinh Trà Ếch, người ta tìm được tía bị quấn vào rễ đám lá huyết lệ mọc sát triền sông, nơi cái ghe bẹo đang neo đậu. Tía trương sình lên, miệng ngậm đầy bùn. Bà Lành tắm tía bằng rượu mận, thay bộ đồ đẹp cho tía. Lần xuống đáy quần, lừng khừng một đỗi. Mớ tóc trắng như cước còn lưa thưa được chải thành mớ bảy mớ ba. Bà Lành súc miệng cho tía bằng nước lá. Tía ọc ra những dòng đỏ lòm. Uống li này là li cuối nhen anh. Bà Lành nhấp li rượu cái ót, cúi xuống hôn lên môi tía. Hệt như cái lần bà Lành thấy tía hôn Năm Thành bận đó. Chỉ là bà Lành không nói. Có những thứ cứ để nó ngủ yên sâu thẳm trong lòng, dẫu đớn đau nhưng thời gian rồi sẽ khỏa lấp. Như phù sa lấp biết bao hình hài những đứa con châu thổ dưới đáy sông, kinh rạch, của miệt Cửu Long này. Ba đứa bạn thân cùng ra chiến trường, cùng quay tròn đời mình với nòng súng và tình yêu; đan chéo nỗi thương thắt thẻo để sống và chết. Vậy là hai ông cũng bỏ tui đi. Hai ông vui nhen! Hứa là chờ tui ở dưới. Bà Lành từ lòng ghe chui lên. Khóe môi đỏ, khóe mắt đỏ. Con mắt trắng dã tựa hồ như cũng chuyển màu đỏ bầm.
Ghe bẹo rời con kinh Trà Ếch. Buổi trời trưa đúng ngọ. Con nước đứng. Phía kinh chỉ còn trơ trọi đám lá huyết lệ đứng nhìn từng nhát cạp của xáng. Lớp phù sa bị xới lên theo dự án khu công nghiệp vùng Áng Khám. Đêm mưa nào đó giữa tiếng rào rạo của gió, phía con kinh cũ có giọng hò dằn dặt của người con gái chèo đò: Hò ơi Cái Răng trăng nước mộng mơ. Đò sang chợ nổi, Ngã Bảy, Phong Điền. Chợ tan qua bến Ninh Kiều thăm anh… Hình như là điệu xế xảng. Nhưng lòng kinh xưa giờ đã thành lộ cái, làm gì còn sóng nước mà chèo đò. Ai hát? Ai nghe? Có chăng chỉ còn lại đám lá trơ mắt dòm châu thổ khô cằn, dần cạn phù sa
Trại sáng tác VNQĐ - Cần Thơ tháng 6/2022
T.P.B
VNQD