. HOÀNG MINH PHƯƠNG
Minh họa: Bùi Quang Đức
Tôi sinh ra trong gia đình có hai anh em trai tại huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Bố là cán bộ văn hóa xã nghỉ hưu sớm do mất sức lao động, thu nhập của gia đình chủ yếu từ nghề nông. Vất vả từ nhỏ nên sau khi học xong cấp 3, tôi đăng kí thi vào Học viện Chính trị quân sự (nay là Trường Sĩ quan Chính trị) vì yêu màu xanh áo lính từ nhỏ, phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Ngày tôi nhập học, bá Bình, người ủng hộ và gửi gắm hi vọng vào tôi với niềm tin và tự hào ân cần bảo: “Cháu ạ! Ông nội trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng, ông bị địch bắt tra tấn dã man nhưng không khai nửa lời để đảm bảo an toàn cho cán bộ cách mạng, còn bác Phúc có quyết định đi học ở một trường sĩ quan trong quân đội nhưng bác xấu số nên không thực hiện được ước mơ ấy; giờ đây tất cả niềm hi vọng của gia đình, dòng họ đều đặt lên cháu, vì thế cháu phải cố gắng làm sao cho xứng đáng với niềm tin đó, làm rạng danh cho gia đình và dòng họ”. Khi xe đưa tôi và mấy đồng chí cùng huyện lên tỉnh làm thủ tục để nhập học chuẩn bị lăn bánh, bỗng bá Bình chạy theo xe cố với để đưa cho tôi một bọc gì đó. Lúc mở ra, tôi hết sức ngạc nhiên, những tưởng bá gửi đồ gì đặc biệt hay quà tặng có giá trị, nhưng không phải, đó chỉ là một bộ quân phục cũ. Tôi thầm thắc mắc: “Mình đi bộ đội được người ta phát quân phục rồi, cần gì phải dùng mấy bộ đồ cũ từ thời chống Pháp, chống Mĩ này nữa”. Nhưng khi đọc bức thư của bá thì tôi không khỏi xúc động. Hóa ra, bộ quân phục ấy gắn với kỉ niệm của bác Phúc, người anh trai của bá và bố tôi. Trong thư bá Bình kể. sau khi đi bộ đội tham gia chiến đấu 3 năm ở chiến trường, bác Phúc năm đó 25 tuổi, được về nghỉ phép để chuẩn bị nhập học ở một trường sĩ quan. Vì nhà đông anh em, hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn nên bác cùng với bố tôi vào rừng cắt gỗ bán để kiếm thêm thu nhập phụ ông bà trang trải cuộc sống. Trong một lần vào rừng, khi chạy xuống lấy cưa, bác bị một cây gỗ to bất thình lình đổ xuống đè ngang người và qua đời. Bộ quân phục này của bác vừa là kỉ vật gắn với ước mơ dang dở trở thành sĩ quan, vừa gắn với kỉ niệm câu chuyện tình thật đẹp. Trong thời gian nghỉ phép định mệnh ấy, bác Phúc có yêu thương một người tên Yến vốn là cô gái đẹp nhất vùng, tính tình hiền lành, ai cũng quý mến. Nhiều thanh niên trong làng đến dạm hỏi nhưng bá Yến vẫn lắc đầu. Thế rồi, sau một lần đối đáp giao duyên ngoài đình làng, bá Yên và bác Phúc đã phải lòng nhau. Không biết có linh tính gì không, nhưng lần gặp cuối, bác Phúc có trao cho bá Yến bộ quân phục vào sinh ra tử cùng mình với lời dặn dò: “Để sau này nếu đôi mình đến được với nhau và sinh con trai, nhớ đưa cho con bộ quân phục này và cho nó vào bộ đội giống như anh”. Từ khi bác Phúc mất, bá Yến trở nên tiều tụy và ít nói hơn, cứ thế sống cô đơn suốt 30 năm liền. Bộ quân phục sau này bá Yến đã đưa lại cho bá Bình vì đó là kỉ vật duy nhất của bác Phúc để lại. Bác Phúc mất, bá Yến ở thui thủi một mình nên gia đình bên này coi bá như người thân, việc lớn, nhỏ gì bá đều tham gia.
Giờ đây, khi được giữ bộ quân phục cũ cùng lời nhắn nhủ “Bá hi vọng cháu sẽ thực hiện những dự định còn lại, hãy cố gắng phấn đấu phát huy truyền thống gia đình và viết tiếp ước mơ của bác Phúc”, tôi biết mình đang mang một sứ mệnh lớn lao: Hoàn thành ước mơ của người bác đã mất. Bộ quân phục đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin giúp tôi vượt qua khó khăn, vất vả, những giờ huấn luyện, học tập mệt mỏi, cùng tôi sẻ chia buồn vui qua những tháng ngày tân binh. Có những hôm, huấn luyện vất vả lại phải hành quân trong đêm mưa gió, nhưng cứ nghĩ tới những dòng thư chứa chan tâm sự, tới bộ quân phục cũ và những hi vọng mà bá gửi gắm, tôi lại quyết tâm vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Kết thúc sáu tháng huấn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi được trở về học tập tại Học viện Chính trị quân sự. Không giấu được niềm vui sướng khi đã vượt qua thử thách của đời quân ngũ, người đầu tiên tôi gọi điện để khoe những thành tích đã đạt được sau thời gian đầu huấn luyện chính là bá Bình.
Bộ quân phục cũ tiếp tục cùng tôi suốt 5 năm học tại trường với biết bao kỉ niệm vui buồn. Và bây giờ, nó lại theo tôi trong hàng ngũ của những người lính Quân chủng Hải quân. Có rất nhiều người khi thấy tôi thi thoảng mang bộ quân phục cũ ấy ra xem không giấu được sự tò mò. Tôi không mặc, nhưng lúc nào nó cũng là hành trang thường trực trong ba lô của tôi trước khi làm bất cứ nhiệm vụ gì. Những khi ấy, tôi lại bâng khuâng cố hình dung người bác, chủ nhân của bộ quân phục cũ thế nào, nhớ tới những lời dặn dò ân cần của bá Bình và tự nhủ, bác sẽ mãi là niềm tự hào của con, tận đáy lòng con biết ơn bá rất nhiều vì món quà tinh thần vô giá đó.
H.M.P
VNQD