. NGÔ HÒA BÌNH
- Á… đau quá. U ơi! Á… á… chị Thanh cứu em! Á… á… đau quá! Con xin thày, con sai rồi… hu hu…
Tiếng thằng Thạnh gào khóc thảm thiết sau mỗi nhát roi. Thày rất dữ đòn, đứa nào mắc lỗi cũng bị nọc ra đánh. Roi của thày là một nhánh tre già bé như ngón chân cái nhưng cực kì dẻo và cứng. Mỗi lần cánh tay thày đưa lên, tiếng roi rít trong không khí nghe rất rợn. Chúng tôi gọi nó là “nhất đả roi tre”. Vì sợ đòn roi của thày mà tám đứa chúng tôi cứ răm rắp như doanh trại quân đội, cực kì nề nếp. Tính từ tôi là cả, chị em tôi lần lượt mang tên: Thanh, Thạnh, Thành, Thảnh, Thu, Thoa, Thi, Thơ. Chả là u tôi tên Thỏa, thày tôi thích tên các con giống âm Th của u nên đặt như vậy. Đấy là thày tôi nói thế, nhưng tôi hiểu khác, có thể thày mong các anh chị em chúng tôi thừa hưởng nét đẹp của u nhiều hơn. Dầu vậy, kì vọng của thày tôi chỉ có mình tôi đáp ứng được. Còn lại cơ bản giống y thầy, chẳng khác gì những con chữ nhảy ra từ cái máy đánh chữ.
Minh họa: Lê Anh Vân
Thạnh là con trai duy nhất trong gia đình. Nó cứng đầu và hay nghịch dại. Có lần tôi vừa quẩy thùng nước tưới rau về đến cổng, thấy Thạnh ngồi vắt vẻo trên cây nhãn bên hồi nhà. Nó rối rít gọi. “Chị Thanh qua đây, em chỉ cho cái này hay lắm”. Tôi đề phòng: “Tao đang bận, mày lại giở trò gì phải không?” “Có chim sáo làm tổ trên cây nhãn nhà mình này, lại đây em chỉ cho xem.” Nghe thế, tôi sớn sác chạy lại ngửa cổ lên hóng, vừa hay một dòng nước ấm nóng, khai mặn tuôn xối xả vào mặt, mắt, mũi, miệng. Ướt luôn cái áo u tôi vừa vá hai miếng to tổ chảng trước ngực. Bực quá tôi lấy sào khua thằng Thạnh xuống phang trước khi nó kịp chạy mất. Biết chuyện, thày nhẹ nhàng an ủi tôi: “Người đi làm đồng, bị say nắng hay cảm nắng, lấy nước tiểu vã vào mặt là sẽ tỉnh táo trở lại, hết bị cảm”. Nói thế nhưng thày vẫn cho thằng Thạnh một trận lằn đít. Buổi tối cả nhà ngồi đan thúng, Thạnh và thày ngồi chuốt nan. Được một lúc chắc cu cậu chán việc nên quay ra chòng ghẹo con Thu. Hai đứa lấy nan thúng ném nhau, chả hiểu thế nào Thạnh phi cái nan thúng cắm phập vào mặt, cạnh khóe mắt con Thu khiến nó khóc ré lên, máu tứa ra. Lần ấy thằng Thạnh bị thầy tôi nện hằn mấy con lươn ở mông đỏ lựng. Bị ăn đòn nhiều là thế, nhưng Thạnh vẫn không chừa nghịch dại. Lần khác, mấy chị em ngồi đun cám lợn. Tiện tay, tôi vùi vào bếp mấy củ khoai lang. Mùa lạnh ngồi bên nồi cám lợn nướng khoai lang còn thú nào bằng nên đứa nào cũng giành phần việc này thay vì đan thúng. Tối đó việc này là của tôi và con Thoa. Nó mới lên tám nhưng đã rất nhọn việc. Hai chị em đang nướng khoai thì thằng Thạnh ở ngoài chạy vào. “Mày không đan thúng với thày xuống bếp làm gì?” “Em khát nước, đi uống, thấy mùi khoai lang nướng thơm quá, cho em ăn với”. “Anh đi mà nướng”, con Thoa bảo. Thạnh bĩu môi ra điều chẳng thèm, nó chạy ra đống khoai lang ngoài sân nhặt vào mấy củ, ngồi nướng. Hí hoáy thế nào nó nướng luôn mảnh bát vỡ vứt lăn lóc cạnh bếp tro, gắp lên chân con Thoa. Con bé khóc thét, nhảy dựng lên. Mảnh sành nóng để lại trên chân con bé một vết bỏng, nhiễm trùng mãi không khỏi. Thày tôi lại có dịp dùng tới “nhất đả roi tre”. Sau này mỗi lần nhìn vết sẹo trên chân con Thoa chị em chúng tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ đến Thạnh. Đôi lúc trong đầu tôi thoáng hiện lên suy nghĩ, không biết Thạnh có phải con thầy u tôi không nữa. Tính cách không giống ai, hay bị thầy đánh, chỉ có u là bênh vực. Thày còn luôn miệng bảo: “Đấy, bà xem con giai của bà đấy”. Cứ như Thạnh là con riêng của u vậy. Còn với tôi, ông thường ít nóng giận, thậm chí đôi khi còn quan tâm chăm sóc từng li từng tí. Có thể do tôi là con gái nên biết việc, lại có nhiều nét giống mẹ, mà ông thì yêu mẹ tôi hết mực. Thày tôi là người chịu khó. Buổi tối sau khi gánh nước tưới rau, ông thường lặng lẽ ngồi vót nan đến khuya cho chị em tôi kịp đan vào ngày hôm sau. Mỗi khi u tôi càu nhàu vì tiếng vót nan làm bà không ngủ được, ông lại ý nhị mang đèn đi về phía bếp tiếp tục làm tới khuya. Mỗi khi vào vụ thu hoạch mùa màng, trong làng ngoài chợ người ta mua thúng mẹt nhiều, thày động viên mấy chị em chúng tôi thức khuya một chút để làm cho nhanh. Nhưng ông lại luôn nhắc mẹ tôi đi nghỉ sớm. Thày bảo: “U chúng mày lấy thày đã thiệt thòi, sinh đẻ nhiều mất sức. Thày cố một tí, chúng mày cố một tí là thương u rồi.” Có lẽ thày muốn bù trừ cho u bởi ngày con gái, u xinh đẹp nhất làng, lại con nhà giàu nên đám con trai trong làng ngoài xã đứa nào cũng mê. Vậy mà duyên số thế nào lại gắn với anh chàng đã nhà nghèo lại xấu giai như thày. U tôi chỉ có ăn với đẻ. Cách một, hai năm lại ở cữ liền tù tì tám đứa (chưa kể những lần hỏng hoặc sinh thiếu tháng không nuôi được). Trừ tôi ra, các em tôi đều có nét nông dân giống thày, nhất là cái trán dô và mũi tẹt. Chị em chúng tôi lớn lên trong sự gồng gánh tất bật của thày. Vất vả, cơ cực là thế nhưng ông chẳng hề phàn nàn, ánh mắt lúc nào cũng thấy ngời hạnh phúc. Tôi không cảm nhận được mình hạnh phúc hay không, nhưng làm nhiều cũng thành thói quen. Tất cả việc đồng áng, vườn tược đều do hai thày con tôi đảm nhận. Rảnh một chút thì đan lát để kiếm vài đồng đong gạo. Để có giá hơn, thày đan đồ bằng song. Cây song là loại thân dây, to cỡ cổ tay trẻ con, có bẹ nhiều gai nhọn và sắc, thân rất dẻo và bền, có thể uốn thành hình tròn mà không gãy. Loại cây này chỉ mọc sâu trong rừng rậm nên tôi và thày phải cơm đùm cơm nắm đi lấy. Những lần đi cùng, thày vừa đi vừa bày cho tôi nếu gặp thú dữ thì phải đối phó thế nào. Bao giờ gần tới trưa cũng mới tới chỗ song mọc thành cụm um tùm rậm rạp dài bốn năm mét quấn lấy nhau với những bẹ cây tua tủa gai nhọn. Tôi tìm ngọn chúng để chặt, thày chặt gốc và róc bẹ. Không may một lần trong lúc róc, thày bị một bẹ rơi trúng ống chân, gai song gãy ngầm làm ông không thể cử động chân được. Mỗi lần bước đi, gai cọ vào xương nhức buốt. Thấy thày đau, tôi vứt lại cả đám song vừa chặt, không còn tâm trí đâu mà lấy nữa. Hai thày con quyết định quay về. Thày tôi lết từng bước chậm chạp được vài chục mét thì gần như không thể đi nổi. Tôi bảo, để con cõng thày, thày đi thế này đến đêm cũng không về tới nhà. Tôi cõng thày băng rừng xuyên qua nhiều bụi rậm, tán cây, loanh quanh thế nào lại về đúng chỗ cũ. Hai, ba lần vẫn vậy, tôi luống cuống, chân mỏi nhừ, lưng đau như muốn gãy. Đâu đó tiếng lợn lòi hộc lên trong rừng già thanh vắng, càng làm tôi thêm sợ hãi. Trong cái đầu giỏi tưởng tượng của tôi thoáng cảnh một con lợn lòi cỡ hai tạ lao tới. Tôi thoăn thoắt trèo lên cây trốn, trong khi thày đau chân không leo được.... Nghĩ tới đó, tôi cắn chặt môi đến bật máu để kìm tiếng khóc.
- Mày đặt thày xuống, trèo lên ngọn cây nhìn xem hướng nào về làng.
Tôi ngần ngừ, bóng dáng con lợn lòi lởn vởn.
- Nhanh lên!
Thày giục bằng thái độ dứt khoát. Tôi vội vâng lời đặt thày xuống, tìm một cây cao nhất trèo lên nhìn ra xung quanh. Hai phía có núi chắn tầm mắt. Phía còn lại có vẻ như là bìa rừng, bởi ánh mặt trời chiếu rọi bầu trời xanh ngăn ngắt. Tôi tụt xuống bảo thày:
- Thày lên con cõng, lần này chắc con sẽ không lạc đường nữa.
- Mày cõng thày mấy vòng cũng mệt rồi, để thày tính.
Ngẫm nghĩ một lát, thày bảo tôi rờ trên chân thày xem chỗ nào nhói buốt, rồi ông dùng đầu mũi dao nhọn rạch. Mỗi nhát rạch, tôi lại nhặt ra một chiếc gai song. Dọc theo ống chân, hơn mười nhát rạch như thế. Tôi vừa nhặt gai cho thày vừa khóc khi thấy máu chảy ra, miệng liên tục hỏi. “Thày có đau không? Thày có đau không?” Ông không trả lời, bảo tôi xé tay áo ông để buộc lại vết thương. Nhìn nét mặt bình thản của thày, tôi không còn cuống lên nữa. Có lẽ thày đã phải cố nén nỗi đau chày da xước thịt để tôi vững tâm hơn. Những lúc như thế, thái độ bình tĩnh của thày là liều thuốc trấn an tốt nhất cho sự sợ hãi của tôi. Trên ngọn cây, ánh mặt trời đang chạy trốn rất nhanh, cánh rừng già như sậm lại âm u hơn. Thày đã đứng lên được, tôi dìu ông đi nhanh về phía bìa rừng.
Minh họa: Lê Anh Vân
Chưa bao giờ thằng Thạnh hứng trận đòn khủng khiếp đến thế. Chiếc roi tre nát bươm, gãy làm tư vì cơn giận của thày. Chuyện là, tôi và thày đi rừng lấy song, ở nhà có đàn lợn nái giao cho nó trông. Không biết mải chơi hay làm gì mà nó để con lợn mẹ sổng chuồng đi mất khi trong bụng lúc nhúc đàn con lứa mới chuẩn bị chào đời. Nặng nề hơn, vì bí tiền cho u tôi ở cữ sinh con út, thày tôi “bán non” lứa lợn chưa kịp ra đời ấy. Giờ lợn mất, tiền cũng tiêu hết rồi…
Thằng Thạnh tối đó nằm ì trong buồng u, không chịu ra ăn. U mắng nhẹ “thày đánh không oan đâu, giờ lấy gì trả cho người ta”. Thạnh nằm im hồi lâu nghe u mắng, không cãi tiếng nào.
Sáng hôm sau cả nhà nhốn nháo. Thạnh bỏ đi mất tích không một lời từ biệt. Năm đó nó vừa tròn mười sáu tuổi, sắp học hết chương trình trung học phổ thông. Ngày nó bỏ đi, con út cũng vừa tròn tháng. Không biết có phải thày hối hận, hay vì chiếc roi tre đã gãy, kể từ đó thày tôi không còn đánh con nữa.
*
* *
Tôi dắt con út men theo đường làng mót rau tàu bay. Loại này mọc nhiều ở hàng rào, bờ dậu. Xào hoặc luộc ăn cũng khá ngon. Nhưng vì nó là rau dại nên chẳng mấy ai ăn, chủ yếu hái về nấu cho lợn. Con út giờ đã lên sáu, nhằng nhẵng đi theo. Tôi dắt nó men theo hàng rào nhà thím Bảy. Rau tàu bay mọc tốt lợp, xanh mướt.
- Con nhà quân phản bội, cút ngay.
Tiếng thím Bảy quát lên gay gắt làm con út giật mình nắm chặt vạt áo tôi. Tôi ngơ ngác nhìn quanh, thím quát ai vậy nhỉ? Xung quanh chẳng có ai.
- Tao nói chị em tụi bay đó. Còn giả vờ cái gì nữa, khắp làng trên xóm dưới người ta đang đồn ầm lên kia kìa.
- Đồn chuyện gì vậy ạ? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Chuyện thằng Thạnh nhà mày bỏ đi ấy. Nó vào Sài Gòn theo ngụy rồi.
- Thím đừng nói linh tinh.
- Mày về hỏi thày u mày xem.
Tôi kéo vội con út ra khỏi hàng rào nhà thím Bảy, tay kia giữ chặt rổ rau lợn chạy về nhà. Thày đang ngồi chuốt nan thúng ở đầu hè. U lụi hụi dọn chuồng lợn, tôi phăm phăm đi vào tính gạn hỏi, nghĩ sao lại thôi. Đã sáu năm kể từ ngày Thạnh bỏ đi không một dòng thư từ hay tin tức gì, thày u tôi nhờ người tìm khắp nơi, nhưng không ai biết nó đi đâu, làm gì. U tôi vì thương con mà ốm lên ốm xuống, thi thoảng lại khóc lóc trách móc thày về việc đánh đòn nó. Bây giờ người làng đồn đại như thế, không hiểu thực hư thế nào.
Cũng từ ngày đó hàng xóm láng giềng xa lánh gia đình tôi. Đồ đan lát không bán được cho người làng, vườn rau và đàn lợn cũng trở nên ế ẩm. Tôi và thày vất vả hơn vì mỗi lần đem bán phải đi bộ hơn hai chục cây số sang làng khác hoặc lên chợ huyện. Hễ gặp người quen là y như rằng tiếng xì xào to nhỏ của họ làm thày con tôi chỉ còn nước gánh hàng về. Bữa cơm độn sắn giờ là sắn độn cơm. Mang danh nhà có người làm lính ngụy không khác gì bệnh hủi. Ai cũng tránh. Chuyện của tôi lại càng khóc dở mếu dở. Gia đình bác Mân, nhà ở cuối xóm, có con trai tên Nam hơn tôi hai tuổi. Anh Nam đi bộ đội đã lâu, hiện ở chiến trường miền Nam. Thày u tôi và gia đình bác ấy vốn có giao tình từ trước nên hai nhà có hứa hôn, sau này chúng tôi trưởng thành sẽ tính chuyện cưới hỏi. Ngày đó chuyện cưới xin không như bây giờ, con cái do bố mẹ sắp đặt là bình thường. Tôi cũng không phản đối gì vì từ nhỏ đã rất thích anh Nam. Giờ khắp làng trên xóm dưới người ta nói Thạnh là lính ngụy khiến bác Mân mười phần khó xử. Nhà bác là gia đình cách mạng lẽ nào kết giao với thành phần như vậy. Thày u tôi giữ thái độ im lặng và bình tĩnh lạ thường, cứ như thiên hạ nói con nhà người ta vậy. Thày bảo, chiến tranh loạn lạc, tin thất thiệt không thể nào tránh khỏi. Đợi nó trở về, mọi chuyện sẽ sáng rõ. Nhưng có vẻ như mọi chuyện không theo sự mong đợi của thày u tôi.
*
* *
Ba năm sau ngày đất nước thống nhất, Thạnh vẫn chưa về. Thày tôi đổ bệnh viêm phổi nặng. Có lẽ do lao động nặng nhọc cộng với dậy sớm thức khuya không kể ngày đông tháng giá và những đồn đoán ác khẩu của người làng đã làm thầy tôi tổn hao tâm sức. Những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, thày luôn hướng ánh mắt ra phía cửa ngóng trông bằng niềm hi vọng mãnh liệt, bằng cả nỗi ăn năn. Có lẽ thày đang nghĩ về chiếc roi tre đã gãy ngày con út tròn tháng tuổi khiến Thạnh bỏ đi biệt tích. Thày tôi về trời mang theo nỗi niềm không tỏ cùng ai.
Theo thời gian, sự kì thị trong nghi ngờ đồn đoán của người làng giảm đi phần nào. Không khí xung quanh gia đình tôi cũng bớt phần lạnh lẽo. Tôi quyết định sau khi cúng trăm ngày cho thày xong sẽ đem hết số tiền dành dụm được để đi Sài Gòn một chuyến tìm thằng Thạnh. Nó sai thì vẫn là con thày u tôi, là em trai của tôi. Tôi không thể chờ đợi thêm nữa.
- Nhà có ai không ạ?
Một người đàn ông dáng người cao ráo, mạnh khỏe, vững chãi đứng ngay trước cổng nhà réo gọi, sau đó là tiếng con Thơ đang chơi ngoài sân léo nhéo. Tôi khấp khởi vừa chạy ra vừa nghĩ, ngày Thạnh đi con Thơ còn quá nhỏ nên không nhận ra anh trai mình cũng nên. U tôi nằm bẹp trong buồng như người ốm dở suốt từ ngày thày tôi mất đến giờ, nghe tiếng cũng lật đật chạy ra.
- Thạnh… Thạnh ơi!
- Cháu chào bác ạ! Chào Thanh!
- A… anh…
Sau một thoáng bối rối trước người đàn ông có làn da rám nắng, nụ cười tỏa nắng ấy, tôi nhận ra anh Nam. Nam về nhưng không phải để hỏi cưới tôi mà là chuyển giấy báo tử của Thạnh. Hóa ra nó không phải lính ngụy như đồn đại ác khẩu của người làng. Thạnh đã vào bộ đội, chiến đấu dũng cảm và hi sinh tại chiến trường Tây Nguyên tháng 3/ 1975. Do thiếu thông tin về nhân thân nên giấy báo tử chỉ về được đến tỉnh đội rồi nằm lại đấy. Run rủi sao, anh Nam chuyển công tác về tỉnh đội, làm ở ban Chính sách. Trong một lần rà soát hồ sơ liệt sĩ của tỉnh, tìm kỉ vật trong ba lô, đọc nhật kí, anh mới biết đó là Thạnh. Ngày Thạnh trốn nhà theo mấy chú lên tỉnh đội, xung phong vào Nam, lúc đó nó chưa đủ tuổi để tuyển quân chính thức, lại sợ bị thày u bắt về nên nó không khai rõ lí lịch, nơi ở. Nhưng thấy nó quyết tâm, nên mấy chú cũng không nỡ từ chối. Nghe chuyện, u tôi khóc ròng, tôi gạn hỏi thì u bảo đêm trước khi Thạnh bỏ nhà đi, nó nằm ôm lấy tay u và bảo muốn đi bộ đội. Vì thế, u chưa ngày nào tin nó làm lính ngụy. Vậy mà u im lặng tới giờ không nói với ai. U bảo u đã nói với thày nhưng vì thày u biết không có bằng chứng, khó lòng chứng minh với mọi người, nhất là trong lúc đất nước đang còn chia cắt. Chỉ là u không nghĩ đến ngày nó trở về theo cách này.
Anh Nam chuyển lại cho tôi chiếc ba lô nhỏ của Thạnh. Ngoài mấy thứ đồ dùng cá nhân lặt vặt, tôi thấy có cuốn nhật kí làm bằng tập vở học sinh nhiều trang bị ố vàng do ngấm nước, một góc đã bị cháy lẹm. Nhiều trang nhòe mực không rõ nội dung. Một vài trang cuối có vẻ rõ chữ hơn.
Ngày thứ 10 trong rừng. Đêm không ngủ. Pháo sáng của địch bắn từng đợt. Tiếng súng không ngớt. Không hiểu chúng lấy đâu ra đạn pháo mà bắn nhiều thế. Chúng mày rồi cũng phải tháo chạy thôi, vì chúng mày thiếu một thứ rất quan trọng, đó là lòng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và tinh thần dân tộc.
…
Ngày thứ 15. Đói bụng quá, vắt cơm và ít mắm cóong chả thấm tháp vào đâu so với thằng lính nông dân như mình. Nhớ nhà. Nhớ thầy u, mong ngày chiến thắng trở về... Giờ này chắc thày u cũng đã nhận được thư mình rồi nhỉ? Thèm củ khoai lang nướng của chị Thanh. Trở về mình sẽ nói với chị ấy rằng, mình đồng ý cho chị ấy lấy anh Nam nhà bác Mân. Mình không thèm giữ chị ấy làm bà cô già nữa…
Tới đây, mắt tôi nhòe nhoẹt nước. Không ngờ thằng em nghịch như quỷ sứ, bỏ nhà đi không lời từ biệt ấy lại sống tình cảm đến vậy. Nó vẫn nhớ chuyện hứa hôn của thầy tôi và bác Mân. Ngày xưa, năm nào, sáng mùng hai tết, bác ấy cũng dắt theo anh Nam sang nhà chúc tết thày u tôi. Trước khi ra về bác ấy thường xoa đầu tôi và bảo “lớn nhanh về làm con dâu bác”. Thạnh còn nhỏ nghe vậy thì khóc sướt mướt, ôm chặt lấy tôi và bảo “không cho chị Thanh lấy anh Nam, chị Thanh không được đi đâu hết”…
Ngày… Không biết thư mình gửi có tới tay thày u không nữa. Mình bỏ đi như vậy chắc thày u lo lắm. Nhưng mình không thể tiếp tục đi học để trở thành bác sĩ như kì vọng của thày khi đất nước còn có giặc. Chiến thắng đang tới rất gần rồi. Thày u đợi con về nhé, sẽ nhanh thôi. Con sẽ thi vào đại học Y để thày u tự hào về con. À mà không biết chị Thanh có biết chuyện chị ấy là con riêng của U không nhỉ. Mình biết thày yêu thương chị ấy hơn cả con đẻ…
Loáng thoáng tiếng anh Nam chào về ngoài ngõ, tiếng u tôi, tiếng con Thơ í éo gọi… Mọi âm thanh ở thời khắc đó bỗng nhiên nhạt nhòa vô nghĩa. Chuyện này là sao?
Mấy ngày sau, đợi cho việc hương khói và nghi lễ đón liệt sĩ cho Thạnh xong xuôi, tôi đem cuốn nhật kí của Thạnh ra đọc cho u nghe thay lời chất vấn. U tôi cũng bất ngờ không kém. Thư của Thạnh chắc đã thất lạc không về tới nơi, chiến tranh mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Ngoài kia liệt sĩ vô danh nhiều vô kể, nói gì tới mấy lá thư gửi từ chiến trường bom đạn. Mà sao nó biết chuyện con riêng? Rồi bà lại tự trả lời, có lẽ nó đã lén nghe được câu chuyện của thày u trước khi bỏ nhà đi. U khóc, u xin lỗi con, con đúng là con riêng của u với người khác mà không phải của thày.
Rồi u chậm rãi kể tôi nghe. Ngày còn con gái, u đã đem lòng yêu một người lính lạc đơn vị trong lúc bị thương. Ông bà ngoại đã giấu nuôi chiến sĩ ấy dưới căn hầm sau nhà. Hàng ngày u theo bà ngoại đem cơm và thay băng, rửa vết thương cho người ấy. Sau đó, những khi bà ngoại bận, mình u làm việc đó. Thế rồi tình cảm nảy sinh lúc nào không hay. Cho tới khi người ấy khỏe mạnh bình thường, trước khi trở về đơn vị, hai người đã trao thân cho nhau ngay trong căn hầm đó. Vài tháng sau u có bầu cũng là lúc nghe được tin người ấy hi sinh. Cho tới lúc đó, tất cả những điều u biết là người ấy tên Thành, quê Thái Bình. U định ở vậy mà sinh con. Thày biết chuyện nên đã quyết định hỏi cưới u, giúp u tránh mang tiếng không chồng mà chửa. Cũng là vì ông ấy có ý thương u từ lâu…
Câu chuyện vắn tắt của u tôi còn dài lắm, về người lính đó và cả thày tôi. Có phải trong chiến tranh người ta dễ gần nhau, dễ trao đi yêu thương như thế? Tôi là con của một người lính vô danh, là con của một người nông dân chân chất. Điều đó có khác nhau đôi chút, nhưng tôi tự hào vì được làm con của thày tôi, tự hào vì được là con của một người lính. Tự hào vì có em trai như Thạnh.
Ngoài kia mặt trời đã lên cao, tán cây rậm rạp không thể che hết ánh sáng chiếu rọi bung tỏa khắp mặt đất. Tôi ngửa mặt nhìn lên bầu trời xuyên qua tán nhãn, bất giác nhớ lại cảnh Thạnh ngồi vắt vẻo trên cây tưới nước vào mặt tôi. Mùi khai nồng xộc vào mũi làm tôi cay mắt. Kí ức lại ùa về mang theo tiếng chuốt nan thúng của thày, tiếng cười đùa của lũ trẻ em tôi. Tiếng gió vi vút thổi của núi rừng Tây Bắc và đâu đó câu nói của thày tôi lại vang lên trong tâm trí “cho đi là hạnh phúc”. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao.
N.H.B
VNQD