Những ngày ở Mock Đen

Thứ Hai, 10/10/2022 00:36

. TRẦN CAO TÂN
 

Mưa chiều lất phất trên tán bàng phía góc vườn, tôi đưa mắt xa xăm về phía núi Quế qua màu trắng mờ quyện giữa mưa và khói bị ngưng lại. Dáng núi uốn cong, nhấp nhô sẫm mờ chạy vệt dài hệt ngọn núi Phượng Hoàng, nơi cao nguyên tôi từng đóng quân năm nào cùng cái lành lạnh của thời tiết khiến kí ức chợt thức dậy những tháng ngày ở Mock Đen.

Đầu tháng 12 năm 2010, tôi đang công tác tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Thông tin 575 Quân khu 5, thì được cử đi công tác tại Gia Lai. Tổ đài 15w chúng tôi có hai người, tôi là tổ viên, đồng chí Nguyễn Hữu Kiêm quê ở Hòa Vang, Đà Nẵng làm đài trưởng. Chúng tôi được lệnh phối thuộc cho cụm trinh sát vô tuyến điện 408 làm nhiệm vụ nối mạch thông tin giữa Trạm 3 với cụm 408 và Bộ Tham mưu Quân khu. Vị trí đứng chân của Trạm 3 là làng Mock Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai, cách cửa khẩu Lệ Thanh sang nước bạn Campuchia 10km.

Đơn vị giao cho chúng tôi tự cơ động hành quân lên Gia Lai. Chỉ có một chuyến xe duy nhất trong ngày nên mười giờ đêm chúng tôi xuất phát từ bến Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên trong đời quân ngũ tôi đi công tác xa, lúc bấy giờ, con gái đầu lòng của tôi vừa tròn 6 tháng tuổi, vợ lại đang làm công nhân phải tăng ca đêm, nên khi bước chân lên xe, có rất nhiều phập phồng, âu lo lẫn lộn. Tôi mắc phải cái tật kinh niên là say tàu xe, làm gì cũng không hết được, nên từ lúc lên xe tôi cứ nằm vùi, đầu óc quay cuồng, đoạn đường mấy trăm cây số như tra tấn. 4h sáng, chúng tôi đến Pleiku, phố phường im lìm như suy tư, trời cao nguyên se lạnh càng gợi cảm giác chống chếnh. Từ đây, chúng tôi tiếp tục bắt tiếp một lượt xe nữa với đoạn đường hơn 100km để về Ia Dom. Qua dốc Hàm Rồng là cái sốc lạnh, đến khi tới địa phận Đức Cơ thì ôi thôi nóng vì trên này một năm chỉ có hai mùa: nắng và mưa, mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11. Vật vã trên xe, cuối cùng cũng đến Trạm 3, người tôi muốn lả đi vì có bao thứ trong người đều đã nôn ra hết cả. Chúng tôi được anh Trí, Trạm trưởng Trạm 3 giao nhiệm vụ, quán triệt tình hình của trạm và địa bàn đứng chân. Thời điểm năm 2010, tình hình Tây Nguyên, đặc biệt là các hoạt động của đạo Tin lành Đề Ga rất phức tạp, nên anh đặc biệt lưu ý chúng tôi, đồng bào dân tộc Jarai trên đây hầu như đều theo đạo này vì thế phải hết sức cẩn trọng trong quá trình sinh hoạt công tác. Nghe anh quán triệt, dù chưa hình dung ra nhưng tự nhiên trong tôi cảm giác nơm nớp, lo lắng chợt dậy lên.

Sắp xếp đâu vào đó, đồng chí Kiêm trực máy còn tôi bắt đầu đi quanh để nắm tình hình và tìm hiểu thêm. Vừa ra đến cổng tôi nhìn thấy một chiếc công nông kêu phành phành phun khói mù mịt từ xa chạy lại. Trên xe chở một thân cây to khoét ruột, đậy nắp cùng mấy người đứng ngồi lố nhố. Chiếc xe giảm ga rồi chạy thẳng vào khu nghĩa địa lô nhô những mộ cũ mới. Chắc là đám tang, tôi nghĩ. Cái nghĩa địa ấy nằm chung rào với Trạm 3 nên sau này tôi còn thêm nhiều lần chứng kiến những cảnh như thế và thấy bình thường, nhưng lúc đó, tôi hết sức kinh ngạc. Ở quê tôi, khi có người mất, người nhà sẽ tiến hành xem giờ giấc, hung cát thật kĩ rồi mới tiến hành các nghi thức tang ma từ khâm liệm, sơ điện, chánh điện, cúng cơm, phục khăn, lễ viếng cho đến lễ động quan, di quan, hạ thổ. Khi di quan, ông tổng sẽ điều hành đội tổng sinh, ba li nước được đặt cân đối trên nắp quan tài, đội tổng sinh di chuyển sao cho thật nhịp nhàng, bài bản, không được làm đổ nước ra ngoài, tránh kinh động đến linh cữu người đã khuất. Sau này, khi tiếp xúc lâu, tìm hiểu kĩ hơn về tập tục của người Jarai và chứng kiến đám tang của bố Rơ Chăm Pi, một cậu bé hay vào chỗ tôi chơi, tôi mới thấy mình thật nông cạn. Người Jarai là dân tộc sinh sống lâu đời trên vùng này, họ rất tình cảm, làm gì cũng muốn cùng nhau. Khi lên rẫy, chồng mang cuốc thì vợ mang gùi, cùng đi, cùng về, cùng làm lụng lo cho con cái. Đám tang của họ rất bài bản, diễn ra ba ngày ba đêm, họ làm nhà mồ, phân chia tài sản với người đã mất. Họ vẫn giữ tục đưa cơm, một thân cây tre khoét ruột được đặt từ miệng người chết lên mặt đất và ngày ngày mang cơm ra đổ vào đó. Khi gia đình có người chết, họ để tang từ một đến ba năm, chỉ khi nào làm xong lễ Pơ thi (bỏ mả) - lễ tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng (trời) thì mới xem như là mãn tang.

Sáng sớm hôm sau, tôi được anh Xuân, người có nhiều năm sống trên này dẫn đi hái măng le ở núi Phượng Hoàng. Là chàng lính gốc nông dân chân đất cộng thêm sức trẻ đôi mươi, thế nhưng lần mò với dốc đá, dây leo mệt nhoài tôi mới lấy được một bao. Thấy tảng đá lớn nằm bên suối, áng chừng sẽ qua đó nghỉ chân một chút vì thành quả cũng kha khá và đồng hồ cũng 10 giờ trưa rồi, tôi ngắm nghía ước lượng cự li rồi tung ra một cú nhảy rất đẹp và gọn. Khi đã đứng chễm chệ trên tảng đá, phóng mắt nhìn theo hướng nước chảy, tôi suýt rơi tòm xuống suối vì sửng sốt. Không biết từ bao giờ, bốn “nàng tiên” người đồng bào đang tắm mát bên dưới, nghe tiếng động, bốn nàng ngước lên nhìn tôi cất tiếng cười vang.

- Bộ đội, bộ đội đi đâu đấy?

Mặt tôi đỏ ửng, từng nơron thần kinh như tê liệt, đôi chân cứng đờ, muốn vụt chạy mà không được. Bốn cô gái người dân tộc đang “tắm tiên”, không có thứ gì trên người nhưng lại không hề tỏ ra hốt hoảng hay có ý định che đậy gì. Tôi ú ớ hết quay mặt bên nọ, bên kia lại nhìn xuống nhìn lên. Luống cuống, tôi đánh rơi cả bao măng đang cầm trên tay, bốn cô gái thấy vậy nhìn tôi cười khúc khích. May thay anh Xuân cũng vừa đi đến. Không giống tôi, anh và họ trò chuyện với nhau rất bình thường như chẳng hề có gì. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia, dần rồi tôi cũng dạn dĩ ngồi trên tảng đá vừa nghỉ chân vừa chuyện trò cùng họ. Các cô biết tôi là người mới của trạm nên tranh thủ chọc ghẹo. Sau này, khi tìm hiểu tôi mới biết rằng đồng bào Jarai nơi đây vẫn giữ tục tắm tiên nên không ngại ngần gì khi chúng tôi đến cả.

Đó là những kỉ niệm về thời gian bỡ ngỡ ban đầu, nhưng có lẽ, găm sâu đậm trong tôi ở lần đi công tác ấy chính là cái cơ cực, vất vả của bà con nơi đây, cũng như tình cảm giản dị, chân thành mà họ đã dành cho chúng tôi.

Dạo ấy là những ngày cận tết, tôi có chút công việc của trạm phải ra liên hệ với già làng Rơ Chăm Cheo. Vừa đến trước nhà, tôi thấy một đám trẻ con mình mẩy đỏ quạch bụi, trên người mặc độc cái quần cộc mà cũng chẳng còn nguyên vẹn, tay cầm những quả điều bé tí xanh ngắt, thi thoảng lại đưa lên miệng làm một miếng ngon lành. Thấy tôi, đám trẻ nhao nhao cả lên. Từ góc nhà, một cậu nhóc gầy nhom, khoảng chừng sáu tuổi, nước da xanh, ngước nhìn tôi với ánh mắt cứ thăm thẳm thế nào. Tôi bước lại, lôi trong túi ra đưa cho em một cái kẹo lúc trước mua đồ ngoài cửa hàng tạp hóa được thối lại thay tiền thừa. Em đưa tay ra. Bàn tay em đen đúa gày guộc, nhỏ xíu và rụt rè. Già làng cho tôi biết, cậu nhóc ấy là Rơ Chăm Pi. Pi vừa lọt lòng, mẹ đã qua đời vì sinh khó, hiện cậu đang ở với bố. Ngày ngày bố Pi đi rừng, Pi đến chơi cùng đám trẻ tại nhà già làng nhưng lúc nào cũng ngồi ở một góc. Sau khi liên hệ công việc với già làng, về lại đơn vị, tôi mạnh dạn đề xuất với anh Trí và anh em, quân số của Trạm 3 được ba mâm cơm, chúng tôi sẽ chỉ ăn hai, còn dành một mang ra nhà già làng cho các cháu. Anh em trong trạm nhất trí ngay. Bữa đầu tiên, nhìn bọn nhỏ ăn ngon lành và vui sướng, nước mắt tôi chực trào ra vì hạnh phúc. Sau hôm ấy, là những đợi chờ trong mắt của tôi và đám trẻ dành cho nhau. Tôi đợi chờ được thấy ánh mắt trong veo, tiếng cười rộn rã vang lên khi chúng đón những món ăn do chính tay tôi nấu. Còn đám trẻ, tất nhiên, chúng dành cho tôi và những người lính ở Trạm 3 một tình cảm vô cùng tuyệt vời. Có một chút riêng tư tôi dành cho Pi, nên lâu lâu Pi lại nhận được những món quà nho nhỏ mà tôi đã để phần cho cậu những khi trạm có lễ tiệc gì. Tiếng reo hò của đám trẻ và nụ cười mộc mạc của già làng Rơ Chăm Cheo khiến chúng tôi cảm thấy cuộc sống xa nhà của mình thêm nhiều phần ý nghĩa. Sợi dây yêu thương được dệt từ tấm chân tình của người lính và nhân dân nơi đây ngày càng bền chặt giữa nắng gió biên cương, giữa bụi đất đỏ mịt mù.

Một ngày đầu năm 2011, tôi nhận được tin từ già làng Rơ Chăm Cheo, bố Rơ Chăm Pi đi rừng bị gỗ đè, vì ở trong rừng sâu nên khi đưa được đến trạm y tế thì đã quá muộn, không thể qua khỏi. Tôi bàng hoàng, giờ đây Pi thành mồ côi cả bố lẫn mẹ trong khi em còn quá nhỏ. Sắp xếp công việc chuyên môn ở trạm ổn thỏa, tôi có mặt tại đám tang của bố Pi. Khi tôi bước vào, cậu đang ngồi bó gối ở một góc nhà, mắt hơi ngân ngấn ngước nhìn tôi không chớp. Cái ánh mắt ấy ám ảnh tôi cho đến mãi bây giờ. Nó có một cái gì đó, không hẳn là lo lắng nhưng nhao nhác giống như chú gà con vừa mất mẹ, ngơ ngác như chú chó con lạc bầy. Tôi tiến lại gần, ngồi bên Pi, choàng tay ôm em vào lòng, Pi đặt bàn tay vào tay tôi. Tôi khẽ nắm lấy tay em, bàn tay bé nhỏ lọt thỏm trong bàn tay tôi như tìm chỗ trú ẩn. Già làng Rơ Chăm Cheo cho biết, từ nay sẽ nhận Rơ Chăm Pi làm con nuôi. Nghe vậy, trong tôi chợt nhẹ được phần nào.

Từ đó, mỗi khi có dịp xuống Đức Cơ, tôi luôn mang về cho đám trẻ những cái kẹo, tấm bánh hoặc vài thứ đồ lặt vặt. Một lần, tôi đang trên đường vào làng, nghe Rơ Chăm Pi gọi lớn:

- Rơ Chăm Tân.

Rơ Chăm là họ của đồng bào, chúng gọi tôi bằng họ Rơ Chăm nên tôi có thêm một tên nữa là Rơ Chăm Tân. Tôi nhìn thấy trên tay cu cậu một vỏ chai nhựa đựng đầy rết và bò cạp. Cầm trên tay một con vẫy vẫy, Rơ Chăm Pi nhìn tôi cười nhăn nhở.

- Bẻ răng rồi, không cắn đâu! Mang về ngâm rượu trị bệnh cho gà tốt lắm đấy.

Nhìn con rết dài ngoằng bò trên tay cậu nhóc tôi thấy ghê ghê. Tuổi thơ tôi là những trưa hè câu cá, bắn bi trên con đường quê yên ả. Quê hương tôi nép mình bên dòng Trường Giang thơ mộng, có cánh cò và đồng lúa ngát xanh. Còn tuổi thơ của lũ trẻ nơi đây là nắng gắt, mưa rào và những trò chơi mang hơi thở của núi rừng. Tôi cười cảm ơn cậu bé. Sau lần ấy, thi thoảng bọn trẻ lại để dành cho tôi khi là những con rết lúc là con bọ cạp to đùng mà chúng bắt được để tôi mang về ngâm rượu trị bệnh cho gà vịt. Nhờ có món rết ngâm rượu nên gà vịt của Trạm 3 chúng tôi chẳng bao giờ bị chết rù. Và những cái tết xa nhà của người lính ở Mock Đen luôn ấm áp trong ánh lửa bùng cháy trước ngõ từng ngôi nhà làng cầu mong một năm an lành, no đủ.

Tháng ngày thấm thoát trôi, kỉ niệm của tôi với Mock Đen dày thêm bằng những lần tắm suối, vào rừng bắt chim hay lội rẫy hồ tiêu trong đêm bắt rắn cùng lũ nhỏ. Tôi hòa mình vào với bản làng và đám nhóc nghịch ngợm. Với tôi bây bây giờ, đám trẻ như người thân trong nhà và chúng cũng xem tôi như một phần của bản làng. Mock Đen đã là quê hương thứ hai của tôi.

Một năm đi qua, đến lúc tôi phải rời xa bản làng, xa Trạm 3, xa đám nhóc. Ngày chia tay Mock Đen về hậu cứ tôi rất buồn, thấy vậy Rơ Chăm Pi mang đến trao cho tôi một túi nhỏ đựng đầy măng le, loại măng đã được tước nhỏ phơi khô, một đặc sản của rừng Tây Nguyên, nhưng sao tôi thấy hòa vào trong ấy có vị chát mặn của biệt li. Đám trẻ thút thít, còn tôi cố quay đi không dám nhìn thẳng vào ánh mắt chúng. Tôi phải quay về với hậu cứ, vì ở Mock Đen tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đến bây giờ, mỗi khi cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm với món vịt nấu măng le, tôi lại nhớ đến lũ trẻ ở Mock Đen năm nào. Vị ngọt của măng, vị cay nồng, chát mặn, luyến lưu của ngày chia tay ấy, nó chẳng thể mất đi, cứ ẩn sâu, thật sâu trong miền kí ức, để rồi thi thoảng, có những buổi chiều rỗi rãi kiểu lất phất mưa thế này, nó lại thức dậy trong tôi. Giờ này, đám trẻ đã lớn cả rồi, không biết chúng còn nhớ tôi không? Có nhớ anh lính đồng bằng đến với bản làng năm ấy? Mock Đen ơi, hẹn ngày trở lại!

T.C.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)