Chiếc ăng gô

Thứ Hai, 07/11/2022 00:06

. NGUYỄN TRỌNG LUÂN
 

Thời chống Mĩ, các đơn vị đi B thường được phát ăng gô loại vuông của Trung Quốc, hoặc loại móng trâu màu vàng của Liên Xô. Đoàn của tôi ngày ấy được phát loại ăng gô Liên Xô, to, sơn vàng. Loại này nấu được nhiều, một kí gạo cho vào đậy nắp chặt đun đến hết bọt sùi ra là chín. Cậy nắp ra bới lên nó nở tung đến khiếp, cứ như nồi Thạch Sanh. Nhưng nhìn những đơn vị có ăng gô vuông Trung Quốc vẫn thấy thích. Nó đẹp, gọn, lại bằng hợp kim cứng. Sau này khi đánh nhau mới biết lính nguỵ cũng rất thích loại gô vuông này.

Minh họa: Đỗ Dũng

Gô là cứu cánh cho người lính. Lúc múc nước để tắm, nấu cơm canh, lúc đựng các đồ linh tinh khi hành quân... Lính không có gô coi như cụt tay chân trong rừng hay đi công tác lẻ. Khi mới hành quân trên đất Bắc, gô vàng ươm trông thích mắt. Qua một lần đun nấu nó nhẻm đi nham nhở, vài lần đun thành đen tuyền, sơn bong hết đánh cọ lộ ra màu nhôm trắng lam nham. Lính mới, gô đẹp. Lính cũ, gô xấu. Lính đã qua đánh nhau nhìn gô, nhìn tăng võng là biết.

Tất cả lính ở chiến trường trừ cánh 559 và lái xe ra thì đều đói. Cho nên, gô nào cũng méo mó đen thui. Nhưng gô lồi đít, lồi xuống dưới rất sâu thì khó. Thế mà có một chiếc gô như vậy. Chuyện là thế này.

Một hôm, tôi và Lương Lợi sinh viên khoa chế tạo máy với cậu nữa tên Chung (người Ninh Bình) được lệnh đi công tác vượt qua sông Pô Kô sang phía Miên tới một kho của Binh trạm 70 nhận 75kg cá khô cho đơn vị. Khỏi phải nói bọn tôi sướng thế nào bởi đi như thế là ra phía sau, là gặp lính hậu cần, là có cái ăn và xin thuốc hút. Hăm hở, nói cười, được dịp xả láng thích thì đi, mệt thì nghỉ chả ai chỉ huy ai. Qua sông Pô Kô, nhìn mấy cô gái ở trần đi nương cặp vú nghênh ngang nâu sẫm, đeo gùi lên dốc mông tớn lên, những đường cong hoang dại khiến mấy chú lính tê hết sống lưng. Đến kho, chao ơi, cũng đời bộ đội sao người ta sướng thế. Nhà ở lợp bằng lá trung quân (thứ lá đan vỉ ghép lại, mà rất khó cháy). Có đài để nghe, chăn nuôi gà vịt, súng AK dùng để đi săn là chủ yếu, tăng võng làm ri đô che vách hầm. Trông ai cũng đỏ đắn, dễ nhìn. Chả bù cho bọn tôi hôi, bẩn, đói hốc đói hác. Còn hệ thống kho tàng thì… nhìn mà khiếp. Sàn kho cao chừng một mét rồi mới đến gạo mắm muối, lương khô, bột trứng, cá khô, thuốc men. Thấy bọn tôi vêu vao họ cũng thương, cho ăn bữa cơm. Cả đời ở lính B3, tôi chưa bao giờ được bữa ngon đến thế. Thịt hoẵng kho, cơm gạo nương, lại có cả quả sung muối chua thay cà. Ăn rồi họ cho mỗi thằng nhúm thuốc Miên, thứ thuốc lá của dân Khơ Me. Lúc lấy cá khô, họ cân đong hẳn hoi. Xong xuôi người nhà kho hỏi, có lấy cá khô đi mà ăn đường không. Ôi, còn gì bằng! Sáu con mắt sáng ngời long lanh không kịp gật đầu. Nhưng chúng tôi bỗng cụt hứng khi nghe nói chỉ cho một gô thôi. Thằng Lương Lợi bỏ gô ra. Chúng tôi bốc nhẹ nhàng từng nhúm cá chi chi cho vào, đến đâu lèn chặt đến đấy. Bốc mãi mới đầy, đầy rồi lại lèn nữa. Dùng hết sức bình sinh mà lèn đến nỗi cái đít gô lồi hẳn xuống, đến nỗi tay thủ kho phải kêu lên: Bục mẹ đít gô bây giờ! Lúc ấy chúng tôi mới thôi, nhìn cái gô tiếc rẻ, sao nó bé quá!

Ra về thằng nào cũng vui, cảm thấy ba lô cá nhẹ tênh. Mặt trời xuống đằng sau lưng, sông Pô Kô réo gầm phía trước mặt. Đêm ấy chúng tôi mắc võng bên sông. Tôi đi tìm lá bứa. Lợi và Chung nổi lửa ca cóng. Gạo xin, cá khô xin. Nấu ăn bên sông vắng. Không có tiếng pháo địch, không có thám báo. Vô tư mà ăn mà hít mùi cá khô lừng lựng thơm. Ngon và no quá. Gió thổi ù ù bên sông. Mùa khô trời trong veo lạ thường.

Nằm võng gần nhau, thằng Lợi bảo, hôm nay no quá lại nhớ cái hồi đói kém ở trường mày ạ. Tôi bảo, đói ở trường thấm gì với ở đây. Đời sinh viên là thiên đường rồi. Lợi nhỏm dậy, mày nhầm rồi, hồi tao làm tổ trưởng ở lớp, thằng P tổ phó nó còn làm giả được phiếu cắt cơm để lấy gạo về mang ra nhà dân nấu ăn thêm đấy. Đói ở trường khác gì đói ở bộ đội. Tôi cãi, đói ở trường không chết, đói ở chiến trường mới chết. Im lặng. Tôi đang nhớ đến thằng P. Cái thằng ấy học giỏi, kì khám bộ đội nào nó cũng trật. Hồi lâu, thằng Lợi quay níu võng tôi. Sau này mày về nói với P rằng, hồi ấy thằng Lương Lợi biết rõ nó lấy ra được bao nhiêu gạo mì nhưng không nỡ nói vì thương nó đói đó thôi. Tôi bảo thế mày không về sao. Nó im lặng. Nó ngủ từ lúc nào. Giấc ngủ của ba thằng con trai no nê với ba nụ cười ngây ngô trên võng. Đêm Tây Nguyên đì đùng đưa chúng tôi mơ về miền quê trung du khốn khó của mình.

Tôi về đại đội 7 còn Chung về đại đội 5 cùng Lương Lợi. Tháng bảy mùa mưa năm ấy, đại đội 5 đánh địch nống ra đồi Mắt Ngỗng. Trận ấy vì trinh sát bám địch không kĩ nên thất bại. Mười ba chiến sĩ hi sinh. Thằng Chung bị thấu phổi, may không chết. Nó may mắn được ra Bắc nhận cái thẻ thương binh.

Hai tháng sau khi thằng Chung bị thương, tôi và Lương Lợi gặp nhau ở lớp tập huấn bảy ngày về bắn cối bộ binh. Mùa mưa Tây Nguyên thối nát cả rừng, chúng tôi mắc võng kiểu chuồng trâu bên nhau. Nửa đêm Lợi moi trong cóc ba lô nhúm thuốc rê to bằng quả quýt vê cho tôi một điếu. Nó bảo, hôm ở kho quân nhu bên bờ sông Pô Kô tao xin của một thằng đồng hương, bốn tháng rồi vẫn để dành. Đêm thùm thũm đen và ì ầm pháo kích từ phía Thanh An vọng về, chúng tôi hút thuốc và nói với nhau ước vọng ngày trở về trường đại học. Nó thì thầm, tao muốn sau này ra trường xin về quê lắp trạm bơm sông Đáy. Nếu mày đi chùa Hương thì tao cho vào vườn nhà tao mắc võng ngủ nhờ. Hai thằng cười rinh rích. Tôi hỏi, hồi ở tân binh ngoài Bắc Thái, cái Liên mũi đỏ người Gia Lâm tới thăm mày ra sao rồi. Nó lặng im. Lâu sau nó bảo, tao chắc gì trở về. Tao bảo nó rằng tao không yêu được gái đại học đâu. Nghe thế nó khóc, rồi về và biệt không bao giờ thư từ nữa.

Vài tháng sau Lương Lợi hi sinh trên chốt ở tây Pleiku. Tôi không biết cái gô của nó ai giữ, hay có đưa về trong ba lô kỉ vật liệt sĩ không. Nếu có, những người thân liệu có hiểu vì sao cái đít ăng gô lại lồi ra như thế không…

Hoà bình năm 1975 tôi về lại trường. Cái thằng tổ phó của Lương Lợi đã tốt nghiệp và ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Tôi gọi nó là thầy. Bài thi kì đầu tiên từ chiến trường trở về tôi lên trả bài đúng vào nó. Hai chúng tôi như không quen biết. Nó cho tôi ba điểm rồi lạnh lùng bước ra khỏi phòng thi. Tôi cũng không muốn níu nó lại để chuyển lời của Lương Lợi. Mãi về sau tôi vẫn giữ kín lời ấy.

Đằng đẵng mưu sinh, mãi sau này tôi mới tìm về quê Lợi ở đoạn chùa Hương. Hỏi thăm loanh quanh mãi rồi cũng tới nhà. Thật ra, đây là nhà anh trai nó, người chịu trách nhiệm hương khói liệt sĩ đó thôi. Nó đâu có vợ con gì, cha mẹ thì đã về với tổ tiên từ lâu. Hoá ra ngôi nhà anh nó ở ngay trạm bơm thật lớn trên bờ sông Đáy. Bức ảnh trên bàn thờ là do cô bạn làng bên thời học cấp ba cung cấp còn tịnh nó không có thứ gì để lại. Trong khói nhang tôi thấy Lợi nhìn mình trách móc. Mày muộn màng quá. Mày cứ vin vào công tác công te ư. Đời người trả nghĩa mới khó chứ kiếm tiền đâu có khó lắm. Lương Lợi hiền từ, trẻ trung qua làn khói, còn tôi, tôi già cỗi trong nhiều ham muốn ở đời. Cái ăng gô lồi đít của Lợi chẳng ai đưa được về tới gia đình. Nó chìm vào dĩ vãng cuộc chiến như hàng chục vạn cuộc đời khác trên khắp cánh rừng bờ bãi đất nước mình một thời binh lửa.

Viết đến đây, tôi lại trào nước mắt, giọt nước mắt thật buồn. Nó đắng đót hơn là mặn.

N.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)