Gió mỗi mùa vẫn thức

Thứ Năm, 05/01/2023 00:01

. TRẦN THỊ TÚ NGỌC
 

Nhà ngoái mặt ra phía bờ kinh. Đêm u u gió. Những liếp dừa khô trở mình sột soạt. Ngọn đèn dây tóc treo ngoài hàng ba như mắt người mất ngủ, soi một bóng lưng lẻ loi ngồi thức chong chong. Út Thơm nhón chân bước lại gần, khẽ bảo:

- Khuya quá rồi, mình vào nhà nghỉ nghen má.

- Đợi thêm tí nữa đi con, hình như má vừa nghe thấy có ai trở về ngoài kia mà sao giờ yên ắng quá.

Minh họa: Lê Anh Vân

Út Thơm lắng tai nghe gió luồn theo hàng sầu riêng thao thức, con vạc sành ăn đêm ngang qua thả xuống những thanh âm xa vắng buồn buồn. Lát sau má chậm chậm bước vào trong, út Thơm tưởng má muốn ngủ rồi nên hạ tấm liếp xuống, xếp lại mấy cái ghế tụi trẻ con hàng xóm chơi đồ hàng lúc chiều vứt lỏng chỏng khắp nơi. Vừa lúc với tay định tắt đèn thì lại thấy má mang theo cái ca lớn đi ra nên vội vàng lại đỡ tay. Má nghỉ hơi rồi bảo:

- Nước sâm má vừa mới nấu đó, con đem bỏ ngoài bộ vạt để lát cậu Ba ghé qua còn có uống. Cứ để đèn sáng cả đêm đừng tắt, trời đất tối thui thế này bao nhiêu người âm thầm băng đồng băng bãi nhờ nhìn ánh đèn bà con mình treo mà biết hướng.

Một làn hơi mỏng khẽ khàng bay lên từ ca nước sâm hãy còn âm ấm, mang theo hương thơm thoang thoảng của lá dứa, rễ ngò hòa cùng mùi ngọt từ râu bắp, mía lau, mã đề, cỏ tranh má gom phơi mấy mùa đặng nắng. Út Thơm nắm lấy đôi bàn tay gầy xo của má trong tay mình mà thấy lòng nghẹn nghẹn. Chiều nay đi làm về thấy má cứ loay hoay ngoài nhà củi, út tưởng má tìm gì định hỏi nhưng ngó ánh mắt má thương quá lại thôi. Lụi hụi suốt cả buổi đun được chừng này nước chắc mệt quá chừng, ngồi thêm một lát nữa đã thấy má tựa lưng vào vách thiếp đi như trẻ nhỏ.

Út Thơm nhẹ nhàng đỡ má lên để luồn gối kê đỡ mỏi, nghe những đốt xương gầy dưới lần áo mỏng cộm lên. Trên phía bàn thờ, ngọn đèn treo bên ngoài rọi qua kẽ vách hắt một vệt sáng lên bức chân dung một người thanh niên còn rất trẻ. Sáng nay má vừa têm trầu vừa nhắc út Thơm đón ghe hàng bông lựa hoa cúc cúng cậu Ba, xế chiều lại nấu nước sâm chờ người đánh trận. Thời gian nghiệt ngã đổi tóc xanh thành tóc trắng, chẳng biết tự bao giờ đã phủ lên kí ức của má một màu sương lẫn lộn giữa hai bờ nhớ nhớ quên quên.

*

*            *

Lần cuối cùng cậu Ba ghé qua nhà cũng đã cách đây lâu lắm rồi, thuở má chừng hai mươi còn cậu Ba mười tám tuổi. Đêm hôm ấy trời tự nhiên trở gió, má vừa xoa chân xoa tay cho bà ngoại vừa ngóng ra ngoài nghe tiếng lá trong vườn xào xạc bồn chồn. Lúc đó bà ngoại yếu lắm, mấy năm bị đày ải tù tội vì nhà có người tập kết đã làm ngoại liệt nửa người và mờ cả hai mắt, cứ trái gió trở trời là vết thương nhức nhối mãi không thôi. Chừng quá nửa đêm khi ngoại vừa thiếp ngủ thì má nghe thấy tiếng gõ vào tấm liếp thật khẽ:

- Má ơi, chị Hai ơi.

Má nhận ra cậu Ba ngay lập tức, liền vặn nhỏ đèn lập cập bước ra. Đúng là cậu thật rồi. Mới hai năm rời nhà đi kháng chiến mà cậu đã cao vổng lên, mái tóc cắt ngắn và khẩu súng khoác sau lưng gọn ghẽ. Cậu khom người chui qua mái lá, bước lại gần chiếc giường nhỏ lặng ngắm bà ngoại đang ngủ say. Chỉ ghé chút xíu thôi cậu bảo phải đi rồi, quay qua nắm tay chị gái, cậu dặn:

- Sáng sớm mai thế nào địch cũng càn sang, chị Hai nhớ giữ gìn cẩn thận. Xong trận này em sẽ xin cấp trên cho về ít hôm để lợp lại mái nhà.

Đêm hôm ấy trời tối lạ lùng. Má cõng bà ngoại cùng mấy cụ già, trẻ con trong ấp dắt díu nhau bì bõm lội tắt cánh đồng, phía sau lưng là một dải bờ kinh Ông Hào trở mình trong cơn gió nổi.

Xóm làng đi qua một đêm thức trắng, lòng ai nấy đều thắt lại vì âu lo. Sáng ra mệt quá má vừa chợp mắt trong hầm thì chợt nghe tiếng súng nổ rền phía bờ kinh, trực thăng gầm rú náo loạn cả vùng trời, tiếp sau đó pháo từ Cái Tắc, Cái Răng bắn vào cấp tập. Ai đó nói tiểu đoàn 44 biệt động từ rạch Trà Ếch càn qua kinh Áng Khám đã đánh thẳng vào đội hình trung đội nữ dân quân Ô Môn. Tiểu đoàn Tây Đô yểm trợ du kích kiên cường đánh trả giữ vững công sự. Súng nổ liên tục từ sáng sớm đến quá trưa. Trực thăng quần thảo liên hồi rồi đổ quân, lính Cọp Đen khét tiếng tham chiến chia ba mũi đánh vào sườn sau trận địa. Tiểu đoàn Tây Đô đã bố trí lực lượng sẵn sàng trên từng đoạn bờ kinh, tiếng súng càng lúc càng dữ dội.

Đó có lẽ là ngày dài nhất trôi qua trong cuộc đời của má. Phía bên này bà ngoại lên cơn sốt, bên kia cậu Ba cùng đồng đội đang chiến đấu giữa bom đạn mịt mù. Trận mưa trút xuống lúc xế chiều càng làm má lo cháy ruột cháy gan. Thế rồi tin thắng trận báo về, má thức cùng bà ngoại ngóng cậu Ba suốt đêm không ngủ.

Cậu Ba cũng trở về nhà nhưng không phải như lời đã hẹn. Cậu nằm lặng dưới lá cờ màu đỏ. Đôi mắt khép hờ như đang ngủ. Khuôn mặt mười tám hiền khô.

Cậu Ba hi sinh, bà ngoại gắng gượng được ít lâu rồi về với đất. Má lẻ loi một mình đằng đẵng mấy chục năm như con cá lạc bầy mùa nước cạn, mỗi lần xóm ấp gọi má bằng cô Hai ai nấy đều không giấu được vẻ ngậm ngùi.

 

Minh họa: Lê Anh Vân

Út Thơm được má nhận về nuôi trong một lần theo ghe chở dừa xuôi chợ nổi Phong Điền, lúc đó má hãy còn trẻ lắm, mái tóc dài đen nhánh bới gọn gàng sau gáy và nụ cười thật hiền. Má chở sầu riêng đi bán, thấy đứa trẻ nhỏ xíu ngồi dang nắng một mình bên bến mới hỏi ba mẹ con đâu. Nó ngơ ngác lắc đầu. Bà con xóm chợ nói hồi trước thấy nhỏ này được một người ăn xin dắt theo lúc mới biết đi, mấy năm sau người kia ốm bệnh rồi mất, mình nó lớn lên nhờ những thuyền ghe xuôi ngược cưu mang. Má tháo nón đội lên mái đầu khét nắng của con bé rồi bảo: Hay con về ở cùng với má đi.

Ngày hai má con lên xã làm nốt các thủ tục giấy tờ xong thì đã rất muộn, tàu đò rời bến từ lúc nào. Đang nhìn ngược nhìn xuôi chợt một chiếc ghe máy vòng qua mấy lần rồi tấp lại, người đàn ông đầu trần chân đất từ dưới nhảy lên bờ buộc dây neo xong xuôi quay qua nói với má:

- Má con cô Hai có về ấp Bàu thì quá giang cùng tôi.

Lúc đó bàn tay má đang nắm lấy tay đứa con gái bé bỏng bất chợt siết chặt, má quay mặt đi mặc kệ người đó sượng trân. Mặt trời nguội dần sau một ngày dài ủ lửa, bóng chiều chạng vạng buông xuống bờ kinh vắng ngắt, người đàn ông vẫn nhẫn nại đứng chờ. Cuối cùng má đành dắt theo con bước xuống. Tiếng máy nổ vang lên, ánh mắt người đàn ông nhìn hút vào những con sóng đầu mũi ghe bạc xóa. Giờ lâu ông ấy chợt quay sang con bé ốm nhom đen thủi đang chơi với đoạn dây cột tóc bên cạnh má, khẽ hỏi:

- Cô Hai lên làm giấy khai sanh cho cháu phải không, cô gọi tên cháu là gì thế?

- Dạ, tôi đặt tên cháu là Thơm.

Sau đó là một khoảng lặng im kéo dài vô tận, người đàn ông và má không nói gì thêm với nhau tới tận khi xuồng cặp bến. Nhiều lần về sau út Thơm còn thấy chú ấy ngập ngừng ghé qua, ngỏ ý đỡ má sửa lại chỗ này chỗ kia trong ngôi nhà nắng mưa xói lở nhưng đều bị từ chối. Sách vở đồ chơi chú mua ngoài chợ xã về tặng cho út Thơm, má trông thấy là bắt đem trả lại. Út Thơm tiếc nuối ôm những chiếc vòng xanh đỏ kêu leng keng đi qua cây cầu ván sang túp lều nằm cạnh bờ kinh, nói má con không cho nhận. Người đàn ông nhìn út Thơm với vẻ mặt buồn xo.

Đôi lúc nửa đêm nghe tiếng đờn kìm buồn bã của chú Tư ngân lên dọc theo bờ bãi vắng, út Thơm muốn biết giữa hai người ngày trước có chuyện gì mà thấy má nén tiếng thở dài nên định hỏi rồi thôi.

*

*          *

Đêm càng về khuya càng yên tĩnh, chỉ còn tiếng trái cây chín nẫu rụng lộp bộp đâu đó cuối vườn. Hai San trở mình mãi mà vẫn không ngủ được, đành dậy đốt thuốc dõi theo ánh đom đóm lạc bầy chớp tắt trong thinh lặng. Anh đã thương út Thơm từ lâu mà chưa dám nói, lần này về phép tính lựa dịp để ngỏ lời nhưng sao thấy khó quá chừng.

Sắp tới ngày giỗ em trai của má Hai, sáng nay hai anh em loay xoay đi cắt lá về chuẩn bị gói bánh, trông út Thơm buồn thật buồn.

- Hình như dạo này má em bỗng nhiên như bị lẫn anh Hai à. Một buổi chiều em đi làm về thấy má dọn ra năm cái chén năm đôi đũa, tưởng nhà có khách nhưng hóa ra má chờ ông bà với cậu Ba cùng về ăn. Một lần khác nửa đêm tự nhiên má trở dậy, bảo nghe tiếng cậu Ba về gọi cửa. Em không dám nói gì, theo má rọi đèn ra hàng ba chống tấm liếp dừa lên đợi, chỉ có tiếng gió nổi lên suốt dọc bờ kinh.

- Hay tại má già rồi - Hai San quay sang phía Út Thơm thoáng chút ngập ngừng - Má anh kể hồi trước nội anh cũng vậy đó, nhiều khi nửa đêm dậy lụi hụi xếp đồ. Hỏi nội tính đi đâu thì bảo đi qua chợ Vàm ăn cưới, hôm trước người ta đã dặn sang sớm để phù dâu. Chắc nội nhớ cái hẹn từ sáu bảy chục năm về trước.

Út Thơm siết mớ lá đang ôm trên tay, giọng yếu xìu như sắp khóc:

- Má già từ lúc nào mà em cũng không hay.

Giây phút đó Hai San chợt thấy lòng rối như con nước ngược, muốn nói điều gì đó an ủi út Thơm nhưng cuối cùng chỉ biết lặng yên. Không hiểu sao càng lớn út Thơm càng có nhiều nét giống má Hai đến thế, cũng mái tóc dài đen nhánh, đôi má bầu bầu, nhất là ánh mắt với cái nhìn mênh mang không thể tả. Nhà anh và nhà má Hai vốn là hàng xóm sát vách thân thiết với nhau từ lâu lắm. Mỗi bận làm bánh ú nước tro hay bánh da lợn, má anh đều xếp một đĩa đầy bảo anh đi tắt qua lối rào bông bụt mang sang. Trong trí nhớ non nớt của anh ngày ấy, cô Hai có gương mặt thật đẹp và buồn đến lạ lùng. Hết chiến tranh cô vẫn cứ ở vậy một mình mãi chẳng lấy chồng, may sau này có út Thơm về sống chung cho cửa nhà đỡ quạnh quẽ.

Có lần ba anh từng nói, chú Tư Ngang nhà này bước nhầm một bước mà thành ra nợ người ta cả một đời. Chú Tư cúi đầu im lặng.

Gió cứ thổi xạc xào suốt một dải bờ kinh.

Trong đêm khuya bất chợt vẳng lại đôi tiếng đờn kìm, âm thanh chảy từng sợi buồn xa vắng. Hai San lặng lẽ bước ra phía ngoài, thấy ngọn đèn dây tóc trong túp lều nhỏ của chú Tư vẫn còn le lói sáng, vậy là đêm nay chú cũng không ngủ được. Phía sau quầng sáng ấy là bóng tối mịt mùng. Đom đóm lập lòe tụ họp.

*

*           *

Người xứ khác ghé ấp Bàu thường ngạc nhiên hỏi sao tự nhiên có túp lều của ai trơ trọi một góc bên kia bờ kinh nhìn buồn dữ vậy. Nhà Tư Ngang em ruột của ba Hai San chớ còn nhà ai nữa. Chú sống mấy chục năm ở đó mà trong mắt người ta xưa giờ cứ giống như cái bóng, thậm chí còn không bằng cái bóng cũng nên. Cái bóng còn biết in dấu trên bức vách, đằng này Tư Ngang từ lâu đã trở thành kẻ vô hình.

Mặc cho người lớn tỏ thái độ lạnh nhạt lạ lùng, Hai San và út Thơm từ hồi bé vẫn thường rủ nhau qua nhà chú Tư chơi, giúp chú dọn dẹp căn lều bừa bộn rồi nấu món này món kia cho bếp đỡ lạnh. Chú Tư Ngang đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ được vóc người cao lớn rắn chắc, làn da sạm màu nắng đồng, đôi mắt hay nheo lại như kiểu chói nắng. Một mình chú lầm lụi tối ngày theo con nước lên xuống quăng chài thả lưới, thỉnh thoảng chở hàng thuê cho dân xóm chợ.

Út Thơm còn nhớ cuộc trò chuyện hiếm hoi giữa má và chú Tư sau cái đận được chú cứu sống khi không may trượt té xuống mương. Hôm đó bọn trẻ con chơi trên bờ trông thấy nhưng hoảng sợ quá mãi sau mới kêu cứu thì út Thơm đã lờ đờ uống no bụng nước. Má hay tin xấp xãi chạy về, khóc quá trời là khóc. Chú Tư sơ cứu xong đưa út Thơm lên trạm xá, trong lúc đông người chộn rộn chú lặng lẽ lui về. Má đợi vài ngày cho út Thơm khỏe lại rồi bảo má con mình qua đó cảm ơn người ta.

- May bữa đó có anh Tư không là tôi mất con rồi - Má nói với chú Tư mà mắt nhìn đi chỗ khác.

Chú Tư khi đó đang ngồi đan giỏ, lúng túng một hồi rót được nước mời má xong chú lại loay hoay với đống lạt chẻ dở đầu hè, bảo phải làm gấp vì người ta hối quá. Má ngồi chưa ấm chỗ đã về. Út Thơm lẻo thẻo chạy theo sau, thì thầm với má:

- Chú Tư lạ lắm má ơi. Lúc má con mình ở đó con thấy chú chẻ lạt để dao cứa đứt tay chảy máu mà không hề hay biết.

Má bước lạc chân vấp phải cục đá, lặng đi một hồi lâu rồi mới nói với Út Thơm:

- Kệ người ta đi con. Vết cắt ngoài da có chảy máu cũng đâu có đáng sợ bằng vết thương không nhìn thấy được.

Nói thế nhưng rất nhiều khuya tự nhiên tỉnh dậy, Út Thơm thấy má cứ thao thức trông sang phía bên kia bờ kinh, nơi có ngọn đèn cô độc cháy suốt đêm trong túp lều mất ngủ. Không biết chú Tư nghĩ gì mà vẳng lại từng tiếng đờn kìm buồn đến não nề. Sáng ra thấy lá rụng đầy sân, má bảo chắc đêm qua trời nổi gió.

Ngày tháng cứ thế trôi xuôi như nước chảy suốt triền sông. Chú Tư và má già theo từng ngày bóng đổ. Hai San lớn lên đi bộ đội rồi đóng quân nơi biên giới. Út Thơm một mình qua lại cây cầu ván giữa cơn nắng vắng hoe, tự nhiên thấy lòng nhớ nhung điều gì đó mơ hồ xa xôi lắm.

*

*           *

Mãi đến gần đây út Thơm mới được anh Hai San kể cho biết chú Tư từng là người yêu cũ của má Hai. Ngày đó chú Tư theo anh trai thoát li đi kháng chiến còn má Hai ở nhà vào du kích. Một lần chú Tư cùng tiểu đội trinh sát Tây Đô về huấn luyện chiến đấu cho dân quân, tình cờ gặp lại cô bé hàng xóm ngày xưa nay đã trở thành thiếu nữ. Những ngày tháng cùng nhau đào hầm, lội ruộng, băng đồng băng bãi dưới họng súng giặc rình, hai người đã quyến luyến với nhau từ lúc nào không hay biết.

Sau đó ít lâu em trai má Hai cũng lên đường vào cứ, bà ngoại trở bệnh mỗi lúc càng thêm nặng nên má đành phải ở nhà coi sóc ruộng vườn. Vì lẽ đó trận đánh ác liệt trên kinh Ông Hào má không tham gia, những gì má biết về chú Tư chỉ là nghe người ta kể lại. Những câu chuyện trong hồi ức mỗi người sẽ khác đi một chút, nhưng ở ấp Bàu này, không ai quên rằng ngày hôm đó khi giặc tiến vào, Tư Ngang đã buông súng ngay sau loạt bắn đầu tiên. Biệt động quân phía địch không giết Tư Ngang mà lôi ra giữa đồng trống. Sau này còn nghe đồn thổi rằng để giữ được sinh mạng, Tư Ngang đã chỉ điểm cho giặc nã pháo chính xác vào trận địa phòng thủ của tiểu đoàn bố trí dọc bờ kinh. Trong những người lính ngã xuống sau trận pháo kích có cả cậu Ba mới chỉ mười tám tuổi…

Người ta vẫn nói chiến tranh qua lâu lắm rồi mà không biết đến chừng nào buồn đau mới hết. Ấp Bàu có nhiều gia đình bị xẻ làm hai, nhiều đôi lứa chia lìa trong cuộc chiến. Mà lòng người đâu phải như lòng sông để bao nhiêu vết cắt cũng lành. Một đêm rất khuya cùng với má thức ngồi nghe tiếng đờn kìm, út Thơm mới hỏi sao má không bỏ qua chuyện cũ mà mở lòng đến với chú Tư, ngó bộ hai người vẫn còn vương vấn lắm. Má ngồi lặng hồi lâu rồi mới nói, mỗi người đều có những điều ẩn khuất đành để trong dạ, sống giữ chết mang theo. Ngày ấy trở về ổng chờ mãi để gặp được nhau ở chỗ gốc dừa hồi xưa từng hò hẹn, ổng nói mình chưa bao giờ phản bội đồng đội anh em. Mang nỗi hàm oan này sống không bằng chết, nhưng chỉ cần em tin ở tôi thì tôi sẽ ráng đến ngày sự thật được tỏ tường. Lúc đó hai người đứng gần đến nỗi nghe được nhịp tim ổng đập, cả mùi mồ hôi từng quen thuộc, cả hơi thở phả trên tóc, cả bàn tay ổng run run. Má muốn cầm tay ổng quá chừng. Thế nhưng không hiểu sao trong khoảnh khắc ấy, hiện lên trong đầu má lại là gương mặt u buồn của cậu Ba, những thi thể đẫm máu vương vãi sau trận pháo kích, mắt đứa trẻ chết bom mở trừng trừng. Khói lửa từ ngày bi thảm ấy ngốt lên làm má dường như nghẹt thở. Má khóc. Ổng cũng khóc. Nước mắt đàn ông làm má tan nát cả cõi lòng...

Tư Ngang dựng một túp lều sống đơn độc ở phía bên kia bờ kinh. Má dặn lòng mình cố giữ khoảng cách giữa hai người để nguôi quên chuyện cũ. Cách ra một chút biết đâu vết thương sẽ mau lành, chứ mỗi lần nhìn vào mắt nhau mà đớn đau thế thì làm sao sống nổi...

*

*           *

Đám giỗ cậu Ba xong rồi, Hai San cùng với út Thơm đưa má lên bệnh viện quân y khám. Ngó Hai San chạy ngược chạy xuôi út Thơm thấy thương quá chừng. Ba Hai San từng bảo anh có nhiều nét giống chú Tư Ngang hồi trẻ, tướng tá cao to mà mặt mũi thiệt hiền, lúc nào cũng tất bật lo lắng cho người khác.

Ngày nhận kết quả khám bệnh của má, út Thơm như lặng người đi. Bác sĩ nói má có dấu hiệu bị teo não sớm, thuốc thang chỉ có thể làm chậm lại quá trình này chứ không chữa được. Rồi một ngày nào đó má sẽ dần quên hết cả, kí ức bị xóa trắng để lại một màn sương mờ mịt. Ngay cả tên út Thơm chắc gì má còn nhớ nữa.

Út Thơm gục đầu vào vai Hai San bật khóc. Gió nổi lên từng đợt quẩn khắp vườn. Lá rụng tơi bời như mưa đổ. Má đem chổi ra quét lạo xạo ngoài sân, vừa quét vừa nhắc cậu Ba sao lâu rồi chưa thấy ghé về nhà. Mùa sầu riêng đang rộ.

- Biết đâu như thế này lại đỡ cho má hơn em ạ - Hai San lúng túng đưa tay chùi giọt nước mắt lăn trên má Út Thơm, giọng bất chợt trầm xuống - Cuộc đời má mất mát nhiều rồi, giờ tự nhiên lãng quên hết những đau thương xưa cũ.

Một buổi tối Út Thơm đang ngồi chải tóc cho má thì nghe thấy tiếng người gọi ngoài ngõ, kế đó anh Hai San cùng với chú Tư Ngang băng qua vạt sân nhỏ bước vào. Má như không nhìn thấy chú Tư mà cứ mải ngóng ra màn đêm lập lòe đom đóm.

- Chú Tư muốn nói chuyện với má một lát, út Thơm à.

Út Thơm nghe gió cuộn lên từ phía bờ kinh. Ngọn đèn dây tóc chao qua làm những quầng sáng đổ nghiêng như sóng.

Ngày trước chú Tư từng nói duy nhất một câu rằng xin hãy tin ở chú. Mãi cho đến tận hôm nay, khi tìm được những nhân chứng hiếm hoi còn sống ở cả hai bên chiến tuyến, mọi thứ mới được làm sáng tỏ. Chuyện xảy ra với chú Tư ở trận đánh ấy thật ra chỉ là một sự hiểu lầm. Trong cõi mờ mịt của chiến tranh, có bao nhiêu số phận bị vùi lấp bởi nhầm lẫn và oan khuất.

- Chú Tư và má đã đợi biết bao lâu để đến một ngày có thể ở cạnh nhau mà cõi lòng thanh thản. Chỉ tiếc rằng đời người ngắn ngủi mà những cách ngăn sao dằng dặc quá chừng.

Út Thơm khẽ khàng đưa bàn tay mình chạm vào tay Hai San. Họ tìm thấy ánh mắt nhau trong lặng lẽ. Khoảnh khắc này sao lòng mỗi người lại thấy ngậm ngùi đến thế, tóc chú Tư và má đều chớm bạc, bao nhiêu năm tháng thanh xuân vĩnh viễn mất đi rồi.

Đêm u u gió. Những liếp dừa khô trở mình sột soạt. Bên ngoài hàng ba, ngọn đèn dây tóc như mắt người mất ngủ, soi hai bóng lưng nhìn ra phía bờ kinh. Giờ lâu chú Tư khẽ nói:

- Cô Hai có nhớ ra tôi nữa không. Tư Ngang đã về đây rồi nè.

Má thảng thốt ngước nhìn lên người đàn ông đang đứng lặng yên trong bóng tối. Trong kí ức mờ mịt màn sương lẫn lộn giữa hai bờ quên quên nhớ nhớ, má có còn nhận ra người cũ đã trở về?

Trại sáng tác VNQĐ, Cần Thơ tháng 6/2022

T.T.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)