Người Phùng Thiện

Thứ Năm, 22/12/2022 00:48

. ĐINH NGỌC LÂM
 

Quốc lộ 10 đưa chúng tôi rẽ sang đường vành đai chạy dọc qua các xã phía đông của huyện Yên Khánh. Đang cảm nhận về con đường và những sự đổi thay của một vùng quê, Bùi Đình Liệp, người bạn dẫn tôi đi tìm tư liệu, chỉ tay: “Kia là làng tôi, xa xa kia là đê Đáy đấy”. Qua cánh đồng lúa đã ngả vàng hiện lên một bức tranh đa diện, giữa nền xanh nổi lên những ngôi nhà tường xây, mái ngói đã sẫm màu, điểm xuyết một vài công trình cao tầng, anh kể, trước đây chỗ này có cây gạo rất to, ai đi đâu về cũng hướng mắt lên đó. Người Nam Định bên kia sông Đáy trông sang bóng cây cao vút, họ bảo nhau đấy là làng Phùng Thiện, Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình. Năm 1949, vô tình cây gạo lại là tiêu điểm để giặc Pháp căn toạ độ câu pháo vào làng không chệch quả nào. Khi biết điều ấy, các cụ trong làng đã cho đốn hạ…

Chúng tôi tìm đến nhà ông Bãng sinh năm 1932, tham gia du kích năm 1949. Năm 1954 khi hoà bình lập lại ông được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, trở thành biểu tượng của Phùng Thiện, được viết thành giáo trình dạy học cho học sinh trường làng. Ông hồ hởi đón chúng tôi, tiếng cười và giọng nói còn sang sảng. Xăm xắn đi vào buồng, ông cầm ra một cuộn giấy cùng mấy khung kính. Một là Giấy khen về thành tích trong trận đánh ngày 3 tháng 10 năm 1953 do Trung tá Hoàng Việt Tỉnh, Tỉnh đội trưởng Ninh Bình kí, lồng vào hai góc là hai tấm ảnh đen trắng đã ố vàng, một tấm là chân dung ông Bãng hồi còn trẻ, một tấm chụp hai khẩu súng ông thu được của hai tên địch; một Huân chương Kháng chiến hạng Hai; một Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; một Bảng gia đình Vẻ vang. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ngoài những ghi chép của ông còn có bản điếu văn ông chuẩn bị sẵn cho mình.

Về trận đánh năm xưa, ông kể:

- Tám giờ tối hôm trước chúng tôi nhận lệnh đi phục kích địch trên đê Hồng Đức thuộc địa phận thôn Duyên Mậu, xã Khánh Mậu. Bên ta gồm hai trung đội du kích xã tôi và xã Khánh Trung, kết hợp với một trung đội bộ đội huyện. Lực lượng của địch gồm một đại đội lính ngụy có hai xe bọc thép yểm hộ. Quân ta tập kết tại làng Nhuận Ốc, xã Khánh Cường rồi từ đó hình thành ba mũi bí mật đến nơi phục kích. 4 giờ 50 phút rạng sáng ngày 3 tháng 10 năm 1953, đội hình đi càn của địch đã lọt vào vòng vây. “Bắn!” “Xung phong.! Xung… phong...!” Cùng với những tiếng hô đó, súng ràn rạt quét đạn lên mặt đê. Loa chỉ huy phát mệnh lệnh nghi binh: “Đại đội Một! Theo hướng dọc đê, tập trung tiêu diệt địch… Đại đội Hai! Tấn công đồn Mới Trung!” Bị bất ngờ bọn địch chạy tán loạn. Hai xe bọc thép đi đầu quay lại chạy phía sau che chắn, bắn yểm trợ cho đồng bọn rút lui. Một mũi của ta thừa cơ đánh vào đồn Mới Trung, nghe tiếng súng, bọn địch trong đồn câu cối “mooche” dồn dập một hồi về phía ta rồi im bặt. Phía ta một sĩ quan quân đội hi sinh, một số người bị thương. Tờ mờ sáng, bọn địch đã chạy xa, phía đồn Mới Trung im bặt, trên mặt đê phơi đầy xác địch. Mải truy kích, khi quân ta được lệnh thu chiến lợi phẩm, rút về căn cứ thì tôi bị cách khá xa đội hình. Trời đã sáng hẳn. Quan sát địa hình tôi thấy ven đê có nhiều bụi cây, chân đê bèo tây dày đặc. Chợt thấy mảng bèo tây động đậy, vòng qua lùm cây, nhìn kĩ, tôi phát hiện thấy hai tên lính ngụy đang lóp ngóp. “Hạ súng xuống, đầu hàng!” Tiếng quát đanh, mạnh, đột ngột làm hai tên lính đứng bật lên, bèo tây bám đầy người, hai khẩu súng tuột khỏi vai. Tiếng lên đạn tiếp theo làm chúng hoảng hồn hai tay giơ lên. Tôi ra lệnh: “Kéo súng lên bờ đầu hàng mau. Chống cự tao bắn!” Hai tên lẩy bẩy, một tay kéo súng, một tay giơ lên cao. Tôi rê nòng súng theo cho đến khi hai thằng vào sát bờ. “Đặt súng lên bờ. Giơ tay lên!” Tôi lấy nòng súng ra hiệu cho chúng bước lên, đi theo hướng tôi chỉ. Khoác hai khẩu súng chiến lợi phẩm lên vai, lệnh cho chúng đi nhanh, tôi kẹp súng rảo bước theo sau, hướng về làng Nhuận Ốc. Trận này ta tiêu diệt hơn một trung đội, bắt sống 2 tên, thu nhiều súng đạn của địch.

Nét mặt hồng hào rạng rỡ, ông cười:

- Trận ấy có vậy thôi các anh ạ.

- Ngoài trận ấy bác còn tham gia nhiều trận nữa không, có được giao nhiệm vụ khác không? - Tôi hỏi.

- Úi giời. Ác liệt lắm. Vào du kích lúc bấy giờ làm sao mà ngồi yên được. Hết đào hầm bí mật, lo súng đạn, bàn chông, giáo mác, tuần tra canh gác, diệt ác trừ gian… Còn chiến đấu á! Tôi chả nhớ hết… Có lúc tả đột hữu xung, có lúc địch rình rịch trên mặt đất mà mình thì phải nằm im dưới hầm bí mật, biết là phải bảo toàn lực lượng nhưng nghĩ cũng uất ức, có lần biết mười mươi chúng bắt được đồng chí của mình mà không được xông lên vì không có lệnh, ấy là lúc sôi máu nhất, nhưng phải kìm nén. Khổ thế!... Dạo ấy bí thuyền đưa bộ đội qua sông Đáy, tôi mạnh dạn đề xuất với Thôn đội trưởng lấy trộm thuyền vận tải lớn của Ban Hội tề ở nhà xứ Phúc Hải, xã Khánh Trung. Hội ý xong, Thôn đội trưởng cử tôi đi. Nhằm một buổi tối mưa rét, tôi cải trang lần xuống bến thuyền Khánh Trung, nửa đêm đằm mình dưới nước cắt dây buộc, cứ thế vừa lội, vừa bơi, ròng thuyền theo ven sông Đáy ngược nước đến sáng thì về đến bến đò thôn Năm, anh em đón sẵn ở đó mừng quýnh, chiếc thuyền có tải trọng 10 tấn. Chúng tôi đục một lỗ ở phía lái sát đáy thuyền, quê tôi gọi là lỗ “rồ” to bằng miệng bát. Nâng mũi lên một chút là nước rồ vào, 5 phút sau thì giấu xong thuyền, khi vận tải chỉ cần 6 người khoẻ xuống nâng thuyền lên, nước theo lỗ “rồ” chảy ra, dùng dụng cụ nút lỗ “rồ” lại là thuyền nổi bình thường. “Chiến công” ấy đã góp phần đưa hàng chục tiểu đoàn bộ đội qua sông… Nhiều lần tôi được cử làm giao liên cho các đơn vị bộ đội quân chủ lực, có lần đưa cả trung đoàn đi từ Khánh Thiện qua Khánh Lợi, vượt qua đường 10 sang Khánh Vân, qua Khánh Thịnh, về vùng tự do Khánh Thượng, tập kết ở núi Sậu, tăng cường cho chiến dịch Tây Nam Ninh Bình. Xong nhiệm vụ một mình tôi lại trở về an toàn. - Ông dừng lại nhấp một hớp nước rồi tươi cười - Lúc đó mặc dù gian khổ, vất vả, đói khát nhưng vẫn vui, chỉ thấy vui thôi.

- Thế còn chuyện ông Du, người chở đò giỏi nhất vùng… ? - Anh Liệp khẽ nhắc.

Một thoáng trầm tư, ông Bãng trả lời:

- Đúng rồi, lão du kích Phạm Văn Du, làng mình gọi là Ru. Ông ấy cao tuổi nhất, cả đời gắn với sông nước, nhiều năm liền đưa cán bộ, bộ đội Liên khu 3 qua sông an toàn. Lần ấy khi trở về thì bị địch bắt, chúng đánh đập tra tấn rất dã man ngay ở đầu làng. Chúng hỏi đi hỏi lại một câu: “Du kích đâu?” Ông chỉ một mực: “Không biết!... Không biết!” Sau mỗi câu trả lời, đòn tra tấn lại tới tấp như mưa lên người ông. Ông bật dậy, nhổ vào mặt bọn chúng: “Mả cha chúng mày, ăn cái con tườu bố đây này. - Hai tay ông giật phanh ngực áo, hét lên - Du kích ở đây này!”. Chúng xông lại gí súng vào ngực ông bóp cò, máu phun đầy mặt tên ác ôn khiến bọn địch run sợ. Ông hi sinh và không biết chuyến đò cuối cùng của ông đã chở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ Ninh Bình sang Nam Định an toàn.

Bùi Đình Liệp rưng rưng tiếp câu chuyện:

- Nghe người lớn và mẹ tôi kể lại, mỗi lần bắt được du kích, chúng tra tấn bắt khai báo hầm bí mật, rồi hỏi giấu Việt Minh, giấu bộ đội ở đâu, mày có phải là du kích không, du kích ở đâu… Không khai, chúng giết. Chúng bắt dân làng không từ người già, trẻ con từ trại tập trung đến, tận mắt nhìn thấy cảnh hành quyết để thị uy. Hồi ấy mới chín tuổi nhưng tôi vẫn nhớ như in trong đầu đến tận bây giờ… Khi bắt được ông Ngọc, đánh đập chán, chúng đè ông ra, lấy chiếc đục vụm thợ mộc đục giữa ngực ông hai chữ “du kích”. Chúng thả ông ra, chạy được mấy bước ông gục ngã. Chúng cười sặc sụa rồi bỏ đi. Ông Ngọc được cứu sống. Sau này ông xuống Công Điền làm ruộng, cởi trần tát nước, đánh giậm, mọi người còn nhìn rõ đường sẹo lồi nổi rõ hai chữ “du kích”. Ông lành như đất, ai cũng thương. Ông ấy đã mất, chẳng có chế độ gì sất cả. - Anh dừng lại nghẹn ngào rồi nói tiếp - Tôi còn nhớ, chính mắt tôi nhìn cảnh chúng tra tấn bà Chính… Bà Nguyễn Thị Chính bị địch xăm trúng hầm, bắt được, chúng treo ngược lên xà nhà tra khảo, đánh đập hết sức dã man, chết đi sống lại nhiều lần nhưng bà vẫn một mực không khai. Một thằng lính lột hết quần áo bà, tẩm dầu vào búi bông băng, châm lửa đốt người, rồi thằng ác ôn lùa bùi nhùi vào cửa mình bà. Lửa tắt chúng lại đổ dầu vào, lại châm lửa đến khi bà ngất lịm. Tưởng bà đã chết chúng mới thôi. Năm ấy bà chưa đầy 20 tuổi. Được cứu sống, hoà bình lập lại bà dạy học, ốm đau liên miên, đến năm 1957 thì mất. Bà được tặng danh hiệu Liệt sĩ…

Không khí cuối chiều bỗng nhiên ắng lặng. Ông Bãng xúc động nắm tay chúng tôi, siết chặt…

*

*       *

Chia tay ông Bãng, chúng tôi đi dọc bờ sông Đáy. Ven đê, bãi ngô xanh mướt đương thì phơi hoa. Sau vài lần hỏi thăm, chúng tôi có mặt tại nhà ông Bùi Xuân Hạng. Ông sinh năm 1931, tham gia du kích năm 1947. Cả hai ông bà bước xuống sân đón chúng tôi, họ đều còn khoẻ mạnh. Sau những câu chuyện mào đầu, ông Hạng ngập ngừng rồi chậm rãi:

- Tôi tham gia nhiều trận đánh, cũng như các đồng chí khác thôi. Chúng tôi từng độn thổ rồi xông lên đánh bốt Chùa Cao, bí mật hỗ trợ nhân dân đốt phá trại tập trung Tam Châu xã Khánh Nhạc. Tôi cùng ông Bùi Củng dưới sự chỉ huy của anh Tiếp tiểu đội trưởng bộ đội huyện nhiều lần phục kích gài mìn đường 10 cản đường tiến công của địch, tham gia bao vây đồn Đò Mười… Tôi từng biết vụ địch bắt được cán bộ kháng chiến và du kích trong vùng, chúng đã chôn bán thân xuống cánh đồng Đò Mười rồi cho trâu bừa, đến khi xương thịt và máu của họ nhuyễn vào đất mới thôi. - Ông dừng lại, hai ngón tay chấm lên hai khoé mắt - Cũng chính vì thế mà trận Đò Mười năm ấy đối với tôi là trận đánh ấn tượng. Với lòng căm thù, chúng tôi đánh rất hăng, rất gan dạ đã làm cho quân địch khiếp sợ, phải gọi quân cứu viện. Trận đánh không cân sức, chúng tôi đành phải dùng chiến thuật nghi binh, rút ra khỏi vòng vây của địch để bảo toàn lực lượng. - Ông dừng lại, lộ vẻ đắn đo trong câu chuyện sắp kể - … Có một lần tôi gài chông, mìn trước cổng nhà bà Thuật, phục kích địch vào làng lùng sục. Một toán địch mò vào, tên đi đầu bị sập hầm, nó rống lên, hai tên khác nhào tới cứu đồng bọn, vừa đến cách hầm chông hai mét thì trúng mìn, cả ba tên đã mất mạng. Địch hoảng sợ khiêng xác nhau rút lui, để lại bàn chông còn mắc nguyên chiếc giày săng đá. Cán bộ trên Liên khu về yêu cầu tôi thao tác lại, chụp ảnh để đúc kết kinh nghiệm. Sau này tôi biết thành tích ấy đã làm nhầm sang một đồng chí khác. Với tôi không nghĩ là chuyện lớn, chỉ hơi băn khoăn. Tôi là người duy nhất của du kích Phùng Thiện được Huyện đội đưa sang Thái Bình dự lớp huấn luyện về chông mìn của Liên khu rồi về huấn luyện lại cho anh em. Tôi còn nhớ rất rõ về cách làm, bàn chông không được cắm dày và các mũi chông không được cao bằng nhau, phải mũi cao mũi thấp, khi địch giẫm lên mới dễ xuyên thấu chân, bàn chông phải được neo chốt chặt xuống đáy hầm để chúng không thể tự nhấc bàn chông lên được, cạnh đấy phải gài mìn để bọn vào cứu vướng phải mới có cơ hội diệt được nhiều địch. - Ông Hạng chỉ tay lên khung kính có tấm hình ông với những huân, huy chương trên ngực, bên cạnh một bức ảnh đen trắng phóng to - Đây là bức ảnh cán bộ Liên khu về chụp tôi.

Nhìn bức ảnh ông Hạng hồi trẻ đang ngồi làm động tác gài chông, tôi chăm chú quan sát rồi tò mò:

- Ảnh phục chế phải không bác. Ảnh gốc bác để đâu?

- Ồ. Có chứ! - Ông vào buồng lấy ra tấm ảnh đen trắng đã ố vàng nhưng vẫn nét, loại giấy ảnh lụa quả là bền. Dưới tấm ảnh có dòng chữ: “Bùi Xuân Hạng”, mặt sau tấm ảnh là dòng chữ: “Anh em du kích đặt chông mìn chống Pháp tại cổng bà Thuật diệt 3 tên quãng đường này” cùng một loại chữ viết tay bằng mực xanh rất đẹp, màu mực phai theo nét chữ và thời gian. - Tấm ảnh này tôi nhận từ tay một người mua đồng nát, tìm được trong mớ sách báo cũ, họ nhận ra tôi nên mang đến trả. - Ông cười hiền lành - Thật là hạnh phúc khi nhận được tấm ảnh này. Tôi có báo cáo với xã, được giải thích là đã lâu rồi nên không được xem xét nữa. Tôi biết vậy. Dù sao thì cái băn khoăn của tôi cũng đã được giải toả. Chỉ cần có thế. Tấm ảnh đã nói hộ tôi, tôi coi đó là kỉ vật quý nhất của cuộc đời.

*

*        *

Những tài liệu, những thông tin, nhân chứng về cái tên Phùng Thiện, bỗng nhiên làm cho tôi thấy quá đỗi gần gũi, thân thương. Chúng tôi gặp con trai thứ hai của Liệt sĩ Phạm Văn Đề trong vụ địch hành quyết dã man ba du kích, một dân thường tại nhà ông Lịch. Phạm Đức Ánh nguyên là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thị xã Ninh Bình (nay là Thành phố Ninh Bình). Anh kể. Đêm ngày 7 rạng 8 tháng 5 năm 1953, tổ du kích Phùng Thiện gồm bốn người nhận nhiệm vụ bảo vệ và đưa đoàn cán bộ kháng chiến vượt sông sang Nam Định. Có tin báo địch lùng sục, nên không đảm bảo an toàn. Đoàn cán bộ phải ém lại trong hầm bí mật ngoài bờ sông. Gần sáng tổ du kích trở về làng, đến đầu làng, sợ bị lộ cả bốn người nhanh chóng về căn hầm bí mật ở rìa làng. Vì nóng ruột, ông Mỡi ra khỏi hầm với ý định đột nhập vào làng để nắm tin tức. Đúng ngày địch mở trận càn lớn, ông bị địch bắt. Sau một hồi tra tấn đánh đập, không chịu nổi đòn địch, ông Mỡi đã khai rồi dẫn bọn địch chỉ hầm bí mật. Bị bất ngờ, bọn địch đông, không kịp chống cự, ba du kích còn lại đã bị bắt. - Anh dừng lại như để nén cảm xúc - Khi biết tin cha tôi cùng anh Vũ Văn Đan (gọi cha tôi là cậu ruột), ông Phạm Văn Điệu (em kết nghĩa với cha tôi) bị bắt, mẹ tôi đưa anh em tôi tạm lánh để tránh bị bọn địch dồn ép đến nơi tra tấn cha tôi. Còn lại dân làng khoảng ba chục người bị chúng dồn đến…

Bùi Đình Liệp rưng rưng kể tiếp:

- Bọn địch đưa các ông về ngôi nhà của ông Lịch, cạnh bến đò thôn Năm. Chúng bắt được một người dân nữa là ông Phạm Phi (anh ông Lăng bây giờ còn sống). Đánh đập bốn người dã man, quá trưa chúng treo ngược chân họ lên bốn cột nhà rồi tháo lưỡi lê ở đầu súng trường ra lần lượt xọc vào cổ từng người. - Kể đến đây tất cả chúng tôi lặng người. Bùi Đình Liệp như lấy hết can đảm - Chưa hết, một thằng chạy vào cầm câu liêm bập vào bụng một người rồi kéo rạch xuống đến mỏ ác, mọi người trong làng nhắm mắt không ai dám nhìn, có người rú lên rồi ngất lịm. Đến bây giờ cảnh tượng đó còn hiện lên trong óc tôi rõ mồn một, nhưng rất lạ là dân làng có mặt ở đấy đến bây giờ vẫn không ai nhớ rõ là chúng mổ bụng ai trong bốn người. Cả ruột gan của ông ấy xổ hết ra ngoài. Tôi còn nhớ chúng lấy bộ gan cho vào nồi luộc, vớt ra, một thằng cầm lên cắn một miếng rồi ném vào bể nước. Cùng ngày chúng còn bắt được ba người nữa, trong đó có một du kích là ông Điều. Chúng đánh đập rồi buộc ép ông Điều vào giữa hai cánh cửa, hai tên ác ôn lực lưỡng nâng lên dộng xuống làm ông chết đi sống lại. Sau đó chúng buộc dây kéo chạy dọc trên mặt đê, cuối chiều chúng dựng vào gốc cây xả đạn xuyên qua cánh cửa găm nát cơ thể ông. Ông Vũ Đễ bị chúng trói vào gốc cây dùng chai thay nhau đập vào đầu cho đến chết. Cuối chiều, trước khi rút lui chúng lôi ông Phạm Yên ra bến đò thôn Năm bắn chết rồi đạp xác xuống sông trôi mất tích. Trên đường về địch cũng đã bắn chết ông Mỡi…

Phạm Đức Ánh nhìn mãi vào khoảng không trước mặt, giọng anh nghẹn lại:

- Đêm hôm đó tôi cùng anh trai mình theo du kích mang bao manh bằng cói và mấy lá chiếu lần vào ngôi nhà ấy, cửa để trống không, chúng tôi dò dẫm tìm được cha mình và anh Đan. Anh Đỉnh tôi kiệu cho tôi trèo lên cắt dây, cha tôi và anh Đan rơi xuống bao manh. Mấy du kích cùng cắt dây cho hai người còn lại. Xác của bốn người được gói bằng bao manh rồi bó chiếu khênh ra bãi chân đê. Anh em tôi chôn cha và anh Đan cùng một huyệt, đặt hai cậu cháu trở đầu đuôi. Xác ông Điệu và ông Phi được du kích chôn cạnh đấy. - Ngừng một lát, anh quay lại chúng tôi - Ấy thế mà thằng Mơi con ông Mỡi chỉ điểm bắt cha tôi ấy, cùng đi bộ đội chống Mi với nhau, tôi đã chủ trì làm lễ kết nạp Đảng cho hắn. - Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh hạ giọng - Lịch sử đau thương không muốn để nó lặp lại. Khi tôi làm Chính trị viên đại đội, nhìn nhận về đạo đức, về thành tích chiến đấu, thấy hắn đủ tiêu chuẩn, bỏ qua quá khứ, tôi đã bảo vệ… Thế thôi! - Anh thở dài - Cuối cùng xuất ngũ về địa phương hắn lại cũng hỏng...

Chúng tôi cùng im lặng. Cả ba như vừa từ nơi có chiến sự trở về...

*

*        *

Phùng Thiện với tôi lần này đã thành thân thuộc. Những con đường, những chòm xóm, những con người “lành như đất”. Mỗi lần nói chuyện làng, Bùi Đình Liệp lại rưng rưng:

- Người già quê tôi ấy, có cụ cả ngày cứ lẩm bẩm, đi ra đi vào như ngóng người về, bao nhiêu năm rồi mà có ai về đâu. Có cụ cả ngày chỉ cầm con dao vót mấy cái nan tre, vót đi vót lại nhẵn như sừng, khoanh tròn lại quặc lên vách bếp, kín rồi mà vẫn không thấy đan gì.

- Sao thế? - Tôi hỏi.

- Có lẽ tâm tưởng của họ vẫn đang còn ở những năm tháng chiến tranh. Ánh mắt vô hồn, như mất hết cảm giác về thời gian. Ông nhìn kìa. Có thương không?

Tôi đến gần chào cụ già, hỏi tuổi, cụ chỉ cười rồi lắc đầu, trên tay cụ cầm mấy thanh tre chưa pha nan. Nắm tay cụ, đôi bàn tay gầy guộc, cỗi cằn run run cùng ánh mắt mông lung như muốn nhắn gửi về mai sau một điều gì sâu xa lắm.

Chúng tôi tiếp tục lần theo danh sách, gặp được các ông Bùi Văn Cộng, Bùi Văn Tụng, Phùng Văn Thố, gặp lại ông Nguyễn Văn Bãng. Những nhân chứng cuối cùng của một thời oanh liệt.

- Trận chiến đáng nhớ nhất của các bác thời kì ấy là trận nào? - Tôi quay sang ông Thố.

Ông Thố vỗ tay lên trán:

- Nhiều lắm. Cơ mà nhớ nhất là trận địch càn vào hai làng Phùng Thiện, Tiên Tiến kéo dài ba ngày từ sáng ngày 8 đến hết ngày 10 tháng 5 năm 1953. Chúng hành quyết bốn đồng chí du kích và ba dân thường. Ngoài ra chúng còn bắt, đánh đập và bắn chết gần 100 người, đốt trụi cả làng. Nhưng địch cũng bị thiệt hại nặng nề, bọn chúng khiếp sợ chông mìn của ta. Mũi đánh hăng nhất, sáng tạo nhất là tổ du kích xóm 4 Phùng Thiện do ông Bùi Xuân Hạng làm tổ trưởng, ông là người rất giỏi về đánh chông mìn.

- Các bác có nhớ hết được các trận đánh mà các bác tham gia không?

- Trận đánh thì nhiều, sau cái ngày tiểu đoàn Ba Lựu khét tiếng ác ôn cùng lính đồn Cầu Xanh càn vào làng, theo bọn chỉ điểm chúng đã bắt hàng trăm người dân của xã chúng tôi, đánh đập tra khảo, nhiều người đã bị chúng giết hại. Chúng tôi càng đánh hăng hơn để lấy lại sự bình tĩnh và lòng tin cho nhân dân. Đặc biệt là khi được bộ đội của Liên khu 3, bộ đội tỉnh, bộ đội huyện trợ lực, chúng tôi càng tự tin tổ chức đánh nhiều hơn. Những trận đáng nhớ như trận đánh bốt Chùa Cao tháng 5 năm 1951, làm cho bọn địch hoang mang. Tháng 6 năm ấy được sự hỗ trợ của bộ đội tỉnh, có nội ứng chiến, ta đã san phẳng bốt Cầu Xanh, bắt sống 57 tên địch, có 1 sĩ quan Pháp, thu 32 súng trường, 7 tiểu liên, 32 hòm đạn. Nghe tin, bọn địch ở đồn Tiên Yên bỏ chạy. Rồi trận đánh địch tấn công vào làng Tiên Tiến, có máy bay, xe tăng, tàu chiến yểm trợ. Cuộc giao chiến ta diệt hơn 100 tên, trong đó có 4 sĩ quan Pháp, cùng nhiều tên khác bị thương. Bên ta, đồng chí Chính trị viên và đồng chí Đại đội phó đại đội 195 cùng một số đồng đội đã hi sinh. Đáng nhớ nữa là trận giao chiến ngày 4 tháng 1 năm 1952 giữa bộ đội chủ lực cùng du kích chúng tôi với bọn địch kéo dài suốt mấy ngày, chúng bị tiêu diệt đến vài trăm tên, 3 xe tăng bị phá huỷ. Hoả lực của địch rất mạnh, bộ đội và du kích bị thương vong cũng đáng kể, đau đớn hơn là 52 người dân làng tôi bị chết vì bom và pháo của địch. Trận đánh cuối tháng 6 năm 1952 cũng là trận đáng nhớ, bộ đội và du kích chia lực lượng thành từng tổ nhỏ lẻ với chiến thuật thoắt ẩn, thoắt hiện, bám sát thắt lưng địch nhằm vô hiệu hoá hoả lực của chúng. Với chiến thuật cài răng lược, ta đã nhanh chóng đánh bại tiểu đoàn lính lê dương và quân ngụy. Trận càn với quy mô lớn vào hai làng Phùng Thiện, Tiên Tiến lần thứ nhất vào tháng 12 năm 1952, toàn bộ lực lượng du kích chúng tôi được sự hỗ trợ của một đại đội bộ đội của tỉnh đương đầu với bọn địch đông gấp mấy lần. Ta đã chiến đấu ngoan cường tiêu diệt được nhiều địch. Trong trận đó nữ du kích Nguyễn Thị Kiền đã nêu cao tấm gương dũng cảm, hoạt động dọc chiến hào, nhiều lần nhảy ra khỏi công sự để cứu anh em bị thương, buổi chiều hôm ấy bà trúng đạn hi sinh. Nhân dân chúng tôi vô cùng thương tiếc, nhưng lại cảm thấy như nhận được sự động viên khích lệ vô cùng to lớn. Mộ bà ấy đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ mới xây gần trụ sở xã bây giờ đấy.

Ông Bãng tiếp lời:

- Trận càn lần thứ hai lớn hơn, đấy là ngày tháng 5 năm 1953, bọn địch huy động với quy mô lớn nhất. Chúng tôi chiến đấu dai dẳng nhất. Trận chiến ác liệt không cân sức nên địch trụ lại được ba ngày, chúng đốt phá, bắt bớ giết chóc hết sức dã man…

- Các ông còn nhớ ông Điều không? - Bùi Đình Liệp bất chợt hỏi.

- Ông Điều là người bị địch ép trong hai cánh cửa. Ông là người chiến đấu rất ngoan cường, một mình đánh lạc hướng kéo giãn đội hình địch cho quân ta tiêu diệt, cuối cùng ông bị bắt. Đến bây giờ nhắc đến cả làng vẫn thương nhớ ông. Hồi cải cách ruộng đất, gia đình ông bị quy là địa chủ. Chúng tôi tưởng không ai kê khai ông vào trong danh sách đề nghị tặng danh hiệu liệt sĩ. Sau đấy chúng tôi mới vỡ lẽ trong danh sách đó có ông, nhưng mang tên theo hồ sơ kháng chiến là Nguyễn Văn Thiều.

- Trời ơi! - Bùi Đình Liệp kêu lên - Tôi vẫn cứ ngậm ngùi suy nghĩ về điều đó. Hơn nửa thế kỉ trôi qua đến hôm nay tôi mới được biết như vậy. Tôi cứ tự lục vấn mình, thế là hôm nay tôi đã được biết chắc chắn. Thú thật, đắn đo mãi mà tôi có dám hỏi ai đâu.

- Làm sao mà các bác nhớ chi tiết được đến cả ngày tháng như vậy? - Tôi ngập ngừng hỏi.

- Làm sao chúng tôi quên được. Chúng tôi nhớ ngày giỗ của nhau là nhớ lại hết thời gian diễn ra từng sự kiện… Cứ ngày 25 tháng 3 âm lịch hàng năm cả làng chúng tôi có giỗ. Đấy là ngày 25 tháng 3 năm Quý Tỵ (8/5/1953), diễn ra trận càn lịch sử của quân Pháp vào Phùng Thiện. 19 năm sau, trùng đúng ngày 8 tháng 5 năm 1972 (25/3 năm Nhâm Tý). Tối hôm trước cả làng lưu luyến tiễn đưa một đơn vị chuyển quân vào tuyến trong. Hôm sau, 9 giờ sáng, một tốp máy bay phản lực Mĩ từ phía biển bay vào đất liền, chúng đột ngột sà thấp xuống, tiếng rít chói tai, rồi một loạt bom bi xé tung mặt đất dọc làng Phùng Thiện (từ bến đò Độc Bộ đến Đình Bông). Cả làng đang sắm giỗ cho những người bị giặc Pháp giết hại cùng ngày âm lịch năm 1953. Phùng Thiện như chìm trong khói lửa, tiếng thét, tiếng kêu cứu xé lòng của những người bị thương, rồi tiếng kêu gào của những người thân... Phùng Thiện chìm trong đau thương tang tóc. Những năm sau đó cứ đến ngày này cả làng lại giỗ, giỗ trùng lên giỗ, giỗ trùng đời trước đời sau, cùng một mâm cúng. Có nhà giỗ đến 4 người cùng ngày, có nhà không còn người cúng giỗ!”

Kết thúc cuộc chiến tranh chống Pháp, hai làng Phùng Thiện, Tiên Tiến (xã Khánh Tiên ngày nay) có 67 liệt sĩ, 44 thương bệnh binh, 2 mẹ Việt nam Anh hùng, 697 người dân bị giết hại, 78 người bị địch bắt tù đày, trên 400 ngôi nhà bị giặc đốt tàn phá nhiều lần. Nhân dân và Lực lượng vũ trang xã Khánh Tiên được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, xã Khánh Tiên đã tiễn 845 con em nhập ngũ chiến đấu, trong đó: 153 gia đình có từ 2 con nhập ngũ, 114 gia đình cả hai cha con cùng nhập ngũ tham gia chiến đấu (không có quân nhân nào đào ngũ). Có 101 liệt sĩ (14 gia đình có 2 con liệt sĩ), 117 thương bệnh binh, 2 mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, bom Mi giết hại 196 người, 278 người bị thương; 175 ngôi nhà dân, 14 lớp học bị phá huỷ, 1 xóm bị tàn phá huỷ diệt, có gia đình không còn ai sống sót.

Buổi chiều, gió từ những cánh đồng cần mẫn thổi về làng xóm. Những chùm phượng vĩ cháy hết mình, hi vọng thắp sáng cho một tương lai. Bùi Đình Liệp đưa tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Khánh Tiên. Chúng tôi dâng hương, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng Liệt sĩ, những người con quê hương Phùng Thiện, Tiên Tiến. Đứng lặng rất lâu trước ngôi mộ mang dòng chữ “Liệt sĩ Nguyễn Thị Kiền, hi sinh ngày 15 tháng 12 năm 1952”, mắt ướt nhoà, bên tai chúng tôi văng vẳng tiếng sáo diều vi vu êm đềm, tấu lên khúc nhạc đồng quê thân thương như lời ru ngày xưa của mẹ. Chúng tôi nghe thấy tiếng thầm thì, nôn nao dưới cỏ.

Đ.N.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)