Giao thừa

Thứ Bảy, 21/01/2023 11:37

. NGUYỄN XUÂN THỦY
 

Lúc ấy quãng mười giờ khuya đêm giao thừa. Chiếc U-oát vừa bò lên từ ngầm chữ S thì hục hoặc mấy tiếng rồi hộc lên như một lời trăng trối trước khi đổ vật xuống hệt một con ngựa đua đột quỵ ở chặng nước rút.

- Thế chứ lị! - Chú Tạo chép miệng như khẳng định một sự cố không mong đợi. Rồi chú toạch ngay bộ đồ lề trong chiếc túi vải dù xuống đường, toạch cái nữa tấm bao nilon dã chiến trải ra, chui vào gầm xe vật ngửa mình sau khi ấn chiếc đèn pin vào tay Thiên. Hai người đàn ông một trẻ một già, người lụi cụi soi đèn, kẻ loách choách chọc ngoáy…

- Thời nào rồi mà cái loại chiến mã từ thời Napoleon này còn lưu hành chứ! - Thiên làu bàu.

- Thời nào mà bị quăng bom vào bụng còn không biết thì nó vẫn cứ lưu hành thôi - Chú Tạo tưng tửng.

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

Là chú muốn ám chỉ tới cái của nợ vừa được đưa ra khỏi xe. Ả đang được Hậu và Nhàn cho ngồi nghỉ tạm bên ria núi. Kể cũng đúng. Ai mà không ấm ức về cái nguồn cơn gốc dẫn đến sự thể này. Mà cái của nợ này đúng là gà mờ. Trong rất nhiều bị cáo khác coi cái thứ ả đang có kia ngang trúng Vietlot thì của nợ này lại vô tình ôm vật báu khư khư mà không hay, quá trình thụ lí vẫn cứ đều như cháo chảy. Ả chẳng hay biết hoặc ả chẳng quan tâm, chỉ biết khi về thụ án tại Trại Cây Xoài, một buổi đang đi lao động ả bị xây xẩm mặt mày thì mọi sự mới hé mở.

Bữa ấy đúng ca trực của Thiên. Thiên cho hai phạm nhân nữ dìu ả về bệnh xá, y tá Hậu mới nghi ngờ, cho test nhanh thì đúng như dự đoán. Hai vạch căng đét! Sự việc được báo lên ban giám thị, ban giám thị báo lên trên để xin hướng xử lí. Trong khi đó thì cái mầm sống kia chẳng cần báo cáo ai cứ vô tư lớn dần. Thì quần chun áo sọc sẵn đấy, rộng thùng thình đấy khác gì đồ bầu đâu. Khi bụng to vượt mặt được đặc cách mặc đồ thường phục là váy Mông. Ăn uống thì bạn cùng buồng cũng ưu tiên hơn, lao động nặng thì không phải đi nữa, được làm việc nhẹ, dọn dẹp quanh khu vực buồng giam. Gớm, lại chả sướng hơn ở trên bản nhà ả mãi vùng biên giới Sơn La chán vạn. Ngẫm mà buồn cho cái cảnh ma túy giấu trong quẩy tấu đi làm nương này lắm. Bản làng sát biên giới, cái đám trùm cuối giấu mặt chơi trò đại lí đa cấp, cứ chiêu mộ toàn những đối tượng ngu ngơ làm việc vận chuyển. Và gà mờ Mùa Thị Sáy là một trong số đó…

Thế chứ lị! Mọi thứ thật khéo sắp đặt. Chỉ còn vài chục phút nữa là năm mới rồi. Năm con người ngày bình thường mỗi người mỗi việc giờ tụ cả ở đây. Chú Tạo lái xe. Không lái xe thì rửa xe, tưới cây, chăm hoa ở khu nhà công vụ đội. Thiên việc chính là mũ cối súng AK khoác vai đứng coi phạm lao động ngoài đồi. Chị Hậu quay cuồng trong trạm xá với đủ thứ bệnh tật từ “cửa vào” lẫn “cửa ra” của phạm. Còn Nhàn, tên nhàn mà bận quay cuồng với đám lít nhít tít mù, đứa hát, đứa khóc, đứa đòi bô đi ị, đứa giành nhau đồ chơi. Trong đó chuyện của Nhàn là đáng kể đến nhất, vì nó lạ lùng…

*

*         *

Ngày đầu làm cô giáo mầm non bất đắc dĩ Nhàn phát khóc lên với chúng. Tất cả những kĩ năng giao tiếp với phạm nhân cũng như cách thức ứng phó với các tình huống có thể xảy ra mà cô được đào tạo gần như vứt bỏ trong một nốt nhạc. Cô chưa hề nghĩ khi theo ngành quản lí trại giam là sẽ phải thông thuộc các kĩ năng nuôi dạy trẻ. Nghĩ mà ức! Nhưng rồi cũng quen dần. Điểm trường mầm non ba nhăm cháu, nhưng có cháu mới bốn năm tuổi, có cháu lại những chín tuổi.

Các mẹ chúng nó thì đi đâu?

Thiên đang bồng súng quản cả đám ngoài đồi chứ đâu.

Trước khi đi các mẹ có con thì tay bế tay dắt đem gửi trẻ. Chiều đi làm về thì lại ghé nhà trẻ đón con về. Cứ thế, mẹ đi tù, con đi học. Con ở đây không phải được sinh ra tại Trại Cây Xoài. Hầu như tất cả chúng đều là con ma túy. Sao lại là con ma túy? À ha! Thì đấy! Các mẹ đã biết cầm mấy gói bột trắng từ chỗ này qua chỗ khác để kiếm tiền, có khi là vài gói, có khi lên đến cả cân cả yến. Mẹ nào nhúng chân vào mà không biết theo luật nếu đang có thai hoặc cho con bú thì sẽ được hoãn thi hành án đến khi con đủ ba sáu tháng tuổi. Nhưng dù thế nào thì ba sáu tháng rồi cũng hết. Thì đi. Nhưng các mẹ không đi một mình, đẻ ra thì phải nuôi, nội ngoại anh trên em dưới lúc này đi vắng, từ mặt, ở xa, đã mất… tất tần tật. Các mẹ dắt con đi tù mà cứ vui hớn hở, vui ngấm ngầm trong bụng, mắt cụp mắt xòe lấm lét đầy toan tính. Đó là lí do ở phân trại phạm nhân nữ này có những hơn ba chục trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo.

Thực ra tên chính xác của trường là Điểm trường mầm non Phân trại 5. Trại có tên theo phiên hiệu hẳn hoi, nhưng chả ai gọi là Trại 5 mà toàn gọi là Trại Cây Xoài, trường cũng theo thế mà gọi. Là vì trước cổng khu buồng giam của các nữ phạm có một cây xoài to, không biết được trồng từ bao giờ. Nghe nói sau giải phóng, khi mà các phạm nhân của chế độ cũ ở miền Nam về thụ án, thân nhân ra thăm và tắc tế đã mang theo hoa trái, quả ăn rồi hạt mọc lên. Một người quản giáo già yêu cây đã ươm trồng một cây xoài nhỏ. Khi người ấy nghỉ hưu về quê còn lưu luyến cây xoài cao ngang thắt lưng mãi. Đến lượt một anh quản giáo trẻ tiếp quản, chăm sóc cây xoài. Hết lứa phạm này ra lứa phạm kia vào, cây thì vẫn ở đấy và lớn dần theo năm tháng. Sau mấy chục năm thì cây xoài nhỏ ngày nào đã bề thế một góc, tỏa bóng, không cần ai chăm sóc nữa, thậm chí nó quay lại chăm sóc con người. Đến mùa quả, các phạm nhân thuộc đối tượng tự giác khi đi làm về thế nào cũng lượm một nón quả chín rụng quanh gốc về buồng giam chia cho nhau ăn xí xoét. Cán bộ nhìn thấy có khi không nhắc mà còn thò tay nhón một quả. Cây xoài cứ thế từng bước dự phần vào những vui buồn ở trại.

Và mầm non cũng có học sinh cá biệt. Ở đây là cá biệt về tuổi. Con nhà người ta sáu tuổi đã vào lớp một. Thì đúng rồi, nhưng lớp một ở đâu? Lớp một ngoài thị trấn, nghĩa là phải vượt qua cái cung đường mà cái tổ 5 người đang đi đây. Ba mươi cây. Ba ngầm, hai cầu. Có hai cầu là cả một sự cố gắng như trái núi, kinh phí của trên cộng với công sức của hàng trăm phạm nhân phân trại nam mạn bên kia núi trong mấy tháng trời. Trước đây có phạm nhân nam trốn, trại tổ chức vây bắt, tìm khắp rừng không thấy. Hóa ra gã phạm già ma mãnh ẩn trong hốc khai thác đá gần trại, chờ cho đội quân truy tìm vượt qua mới cắt rừng đi tiếp. Nhưng rồi đi mấy ngày, đèo cao suối sâu, không thể lặn lội thêm phạm đành quay về khóc tu tu đầu hàng xin nhập trại trở lại trong tình trạng lả vì đói và kiệt sức.

Nhàn nhớ hôm có cô phóng viên trẻ về viết bài, nhìn cậu bé Thiện chín tuổi vẫn tha thẩn chơi với các em mầm non như chú công lạc giữa bầy gà thì động lòng, cảm thương, sôi sục lắm. Cô phóng viên ấy cứ quay qua chất vấn các cô giáo sao không cho người đưa cháu đến trường. Các cô bảo trường xa những ba mươi cây, đường sá cách trở, không đưa được. Cô phóng viên lại tìm cán bộ phân trại chất vấn, tại sao không cố gắng giải quyết việc này, sao lại để con phạm nhân đã quá tuổi vào lớp một ba năm mà vẫn học mầm non. Hỏi mãi mà đồng chí trưởng phân trại vẫn cứ ngồi rít thuốc lặng thinh bên mâm cơm đãi khách, cô phóng viên tự nói tự nghe một lúc mới nhận ra mình đang độc thoại, quay ra, bốn mắt nhìn nhau, phân trại trưởng mới cất giọng trầm khàn chậm rãi: “Con chúng tôi cũng không đưa đi được, đến tuổi đều phải gửi về quê nhờ ông bà cho đi học cô ạ !” Thế là cô phóng viên ấy im như thóc, lúc sau gỡ kính ra hết lau mắt lại lau kính, bỏ cả cơm, bỏ cả chất vấn, khóc tu tu như một đứa trẻ. Mãi sau này thì lãnh đạo trại mới làm việc được với hội chữ thập đỏ của tỉnh Thanh để gửi các cháu đi học. Nhưng cũng có trường hợp là phạm mẹ lại không đồng ý, cứ lí sự mẹ ở đâu con ở đấy.

“Cái mẹ ta cần là xin được giảm án để về nuôi con ăn học cơ. Thế chứ lị!”

Đấy là lời chú Tạo kết luận thắc mắc về chuyện cô phóng viên mà Nhàn hỏi. Chú như cái kho chuyện của Trại Cây Xoài, nên những lứa cán bộ sau như Thiên, hay sau nữa như Nhàn đều biết về lịch sử trại những năm tháng trước từ chú…

*

*         *

“Thế chứ lị!”

Chú Tạo lại vừa thốt ra câu ấy. Và khi chú thốt ra câu ấy nghĩa là mọi sự vẫn đang còn tung toét, chưa thể giải quyết. Cái ông Thế chứ lị này đã hai mươi sáu năm cột mình vào con đường rừng rú, còn lạ gì từng cua kẹo, từng viên sỏi trên mặt đường hay giấu mặt dưới ngầm. Một lần đi công tác cùng, Thiên đã được nghe chú kể, ngày mới về trại, trẻ như Thiên ngày mới về, anh em lính cũ truyền tai nhau câu chuyện, vào những đêm trăng, hổ vẫn táo bạo mò ra dạo chơi trên cung đường nối thế giới biệt lập với thế giới bên ngoài. Chính chú Tạo cũng cho là cánh lính cũ bốc phét để hù lính mới.

Thế rồi trong một lần chú đưa lãnh đạo trại đi công tác, trở về một mình vào ban đêm, đường rừng trăng sáng như soi tỏ từng khe lá, tí tách hương đêm và mùi cỏ cây ngai ngái. Đang ngất ngây đi trong hương rừng, đến trước ngầm chữ S, ánh trăng phản chiếu xuống mặt nước lấp lóa, những gợn sóng ánh vàng bỗng chú khựng vô lăng, chiếc U-oát hực lên rồi đứng chết lặng sững sờ. Ở đúng đoạn có lõng qua ngầm, trên phiến đá nổi lên giữa lòng suối, một con hổ lửa vàng ruộm đang ngẩng đầu trầm mặc và kiêu hãnh. Trong một giây hoảng hồn, chú định mở cửa xe chạy trốn nhưng ngay lập tức chợt hiểu ra, nếu đó là một nguy hiểm thì làm vậy chẳng phải là cách tốt nhất nộp mình cho mãnh thú hay sao. Chú liếc ra cửa xe như thể khẳng định lại một lần nữa rằng nó đã chốt và đủ chắc chắn. Ánh trăng rọi qua làn kính trong suốt không hiểu có làm con hổ nhìn thấy chú hay không còn chú thì nhìn nó rõ lắm, hiển hiện trước mắt chứ không phải một ảo ảnh. Và nó vẫn lặng thinh không phản ứng kể từ khi chiếc xe xuất hiện. Sau một phút trấn tĩnh chú cũng hiểu ra chúa sơn lâm đang nghênh đón, nhưng không phải là nghênh đón chiếc xe phì phạch cùng ông lái ẩm ương mà nó đang nghênh đón đất trời, chiêm bái mặt trăng thiêng và núi rừng uy vũ.

Từ đó chú mới tin chuyện hổ là có thật.

Nhưng đêm nay thì làm gì có trăng. Đêm ba mươi thì trăng còn ở phía bên kia bầu trời, ở những miền xa lắc. Giữa đường khuya dặm thẳm, đến ánh đèn điện thân thuộc còn là một thứ xa vời. Hơn chục cây nữa mới có thể nhìn thấy ánh đèn khi chạm vào rìa thị trấn. Nơi ấy cũng là điểm đến của họ - bệnh viện huyện. Tối nay, khi Thiên đang cùng anh em loay hoay khênh cây đào trồng trong chậu từ trước sân vào trang trí phòng của đội để đón tết thì nhận lệnh chuẩn bị tư trang đi công tác gấp. Nhàn cũng thế, cô đang cùng chị em trong phân trại trông nồi bánh chưng. Lẽ ra phụ nữ sẽ được ưu tiên hơn khi giải quyết nghỉ tết, nhưng tổ mầm non lại ở trường hợp đặc biệt, nếu nghỉ hết thì ai lo sữa cháo cho lũ trẻ. Nghĩ đi nghĩ lại cô xung phong ở lại cho hai đồng nghiệp đã có gia đình về. Riêng y tá Hậu luôn luôn nằm trong danh sách trực tết của trại, gì chứ y tế là thứ không thể vắng bóng một ngày. Theo kết quả khám lần trước của phạm nhân Mùa Thị Sáy thì thai nhi là con trai, dự kiến phải qua rằm tháng giêng mới sinh. Y tá Hậu cũng đã lên phương án cho việc này, một là đề xuất phối hợp với bệnh viện huyện cử bác sĩ sản khoa về đỡ đẻ tại trại, hai là đề nghị trại cho xe chở sản phụ về bệnh viện huyện sinh nở. Phương án hai là sẽ như chuyến đi này. Nhưng không ngờ nó lại diễn ra sớm hơn dự kiến cả hai chục ngày. Chiều tối nay Mùa Thị Sáy kêu đau bụng, được đưa lên bệnh xá trại. Chị Hậu thăm khám, cho chườm nóng và theo dõi nhưng mọi thứ có vẻ bất ổn. Đến tám giờ tối thì chị ta ra một chút máu, không có kiến thức sâu về sản khoa nhưng khi tra Google tìm hiểu thêm Hậu khá lo với khả năng sản phụ có dấu hiệu sinh sớm. Thế là báo cáo tình hình lên lãnh đạo trực phân trại. Thế là chỉ đạo, dù sinh sớm hay không cũng phải đưa đi viện khám. Thế là gấp, cả ekip lên đường theo phương án. Y tá, cảnh sát bảo vệ, quản giáo nữ và lái xe. Chưa kể một khẩu AK Thiên mang theo đúng quy định áp giải.

Thế nhưng tình huống ngang đường này lại ngoài dự kiến của họ.

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

May là từ lúc lên đường gà mờ Mùa Thị Sáy lại có vẻ ổn hơn. Nhưng khi xuống nghỉ thì lại kêu đau. Ả ôm bụng nhăn nhó. Y tá Hậu kiểm tra huyết áp, bấm mạch trong khi Nhàn thì xoa lưng thai phụ an ủi. Lúc này đêm có chiều hướng lạnh sâu hơn, gió từ khe núi rít hun hút bên tai. Nhàn lấy chiếc chăn trong xe choàng lên vai nữ phạm trong nỗi ái ngại. Cô rụt rè đề nghị:

- Hay là gọi về trại xin xe khác đi?

Thiên chưa kịp phản ứng thì chú Tạo lừ mắt.

- Xe khác cái con khỉ. Xe kia đi Hà Nội đã về đâu.

Thiên cũng biết điều đó và đang nghĩ đến một phương án khác. Anh quyết định lên tiếng:

- Hay là…

- Cậu đừng bảo tôi thử gọi xe ngoài thị trấn nhá. Năm mới đến nơi, không đứa nào đi đổ cái phong long này đâu. Chờ thêm một lúc đi.

Hóa ra chú Tạo đã nghĩ đến đủ các phương án trong khi khắc phục sự cố. Chú chui ra khỏi gầm xe leo lên ghế lái nổ máy. Chiếc xe ì ì đáp lời, tiếng nổ kêu to dần, to dần, nó phì phạch cố kêu to nữa theo chân ga của chú. Chú lại tắt đi tiếp tục chui xuống gầm xe chọc ngoáy. Tình hình có vẻ khả quan. Chú có vẻ thuộc tính nết của ông bạn già khụng khiệng.

Nhưng cũng lúc đó thì gà mờ có vẻ đau dữ dội hơn. Mặt ả méo xẹo đi trong khi gió núi ù ù phụ họa. Rồi ả kêu rên vật vã. Giống như chiếc xe, tiếng kêu cứ tăng dần âm lượng. Ả kêu la đến mức nếu như việc có hổ ở khu rừng này là thật thì chắc chắn chúa sơn lâm sẽ vì những tiếng kêu ấy mà hiện diện ngay tức khắc bởi mấy chục năm nay nó chỉ quen nghe tiếng chiếc xe từ thời Napoleon của chú Tạo gầm lên bất chợt chứ chưa nghe tiếng phụ nữ la hét thảm thiết thế bao giờ. Nhưng có khi vì buồn quá mà nó bỏ đi nơi khác rồi cũng nên. Con đường ba mươi cây số từ trại giam ra huyện lị nhiều năm nay mặc nhiên chỉ dành cho những người như chú Tạo. Đôi khi cũng thoáng bóng người dân tộc bản địa xuất hiện trên đường, họ đi rừng hái măng, lấy củi, đào cây củ thuốc, ghé qua đi tắt một đoạn cho gần rồi lại lủi tọt vào rừng như chưa từng xuất hiện. Xôn xao nhất có lẽ là những đợt nhập phạm mới hoặc đưa những người đã mãn hạn ra lò…

Bỗng cơn đau của gà mờ có vẻ đột biến, mắt ả trợn ngược, toàn thân rung lên, ả như cố ưỡn cái bụng tròn căng về phía trước trồi cuộn. Y tá Hậu nhảy phắt lên như đội 114 nhận lệnh, ra hiệu cho gà mờ dạng chân rồi lùi hẳn về phía bờ âm của sườn núi lật váy bắt quản giáo mầm non Nhàn soi điện thoại để kiểm tra. Mấy phút sau thì ngẩng lên, giọng bạt đi trong gió:

- Chết thật! Hình như thằng cu này nó muốn ra...

Ôi thôi! Như một kết luận điều tra, nhẹ và mảnh, nhưng có sức sát thương lớn. Tất cả lặng đi.

Thiên rụt rè hỏi:

- Chị xem mở mấy phân rồi? Trước vợ em mở bốn phân là gần đẻ đấy.

- Tôi đẻ rồi, cậu không phải dạy - Y tá Hậu bực mình gắt nhưng hạ giọng ngay khi đưa ra dự đoán - Chưa đến mức bốn phân nhưng dễ lắm…

Sau phút trấn tĩnh Hậu bảo Nhàn để mắt đến gà mờ, lẩm nhẩm tính toán rồi bấm số gọi đi đâu đó trong khi Thiên gọi về trại báo cáo tình hình. À, ngành dọc có khác. Xe cấp cứu của bệnh viện huyện. Phương án có vẻ khả dĩ. Ối giời! Xe cấp cứu vừa đưa bệnh nhân về tỉnh, khi về đến sẽ điều lên ngay. Mọi sự về như cũ. Nghĩa là tiếp tục xoa lưng, tiếp tục theo dõi, tiếp tục sửa xe, và tiếp tục chờ đợi.

Thế chứ lị!

Những sự trớ trêu cứ hay tìm đến nhau để mà nhấn nhá thêm khi những tréo ngoe chưa đủ độ. Cơn đau của gà mờ lại dịu đi đôi chút, mắt ả nhắm ti hí, vừa có vẻ đau đớn, vừa như vô can trong thân hình khum khum như một dấu hỏi lớn. Không biết ả có một chút nào nghĩ đến cái gọi là năm mới hay không.

Lúc này gió núi cũng đã lặng, mọi thứ lại có vẻ tạm yên.

Nhìn gà mờ vật vã Thiên bỗng nhớ đến vợ. Vợ anh dạy học dưới Thanh, quen nhau trong một buổi giao lưu giữa quản giáo và nhà giáo. May là trường vợ Thiên dạy gần nhà ngoại, tạm thời cứ dúi vợ vào nhà ông bà. Bốn năm trước, sau một cơn đau vật vã như thế này Ánh Linh vợ anh đã cho ra đời một cô con gái mắt hí vô cùng dễ thương. Đợt ấy Thiên đang dở lớp tập huấn ở trại nên không kịp về trực, nghe điện thoại vợ nói gần trở dạ vội báo cáo tổ chức, lãnh đạo linh hoạt giải quyết trường hợp đột xuất cho xe chú Tạo chở về. Trên đường đi, bà chị vợ liên tục cập nhập tình hình và giục giã. Đi được qua ngầm chữ S thì bà chị gọi thông báo, “chú sắp về chưa, dì ấy vào viện rồi”. Thế là thay vì sẽ về nhà chú cháu tính chuyển hướng chạy thẳng vào bệnh viện thành phố. Đi được qua cầu chữ A thì bà chị hổn hển, “chú đi đến đâu rồi, dì ấy vào phòng sinh rồi đấy”. Xe ra đến thị trấn thì, “chú nhanh lên, dì ấy mở hai phân rồi”. Chạy thêm được chục cây nữa, thì “mở bốn phân rồi chú ơi, nhanh lên về kịp đón tay con”. Cuối cùng thì vợ Thiên sinh khi chiếc xe vừa chạm vào thành phố. Đến khi chiếc U-oát cập cổng bệnh viện, Thiên lao lên tòa nhà khoa sản được vài phút thì cô hộ lí bế ra một bọc vải xíu xiu gọi rổn rảng như tiếng reo chuông gió: “Người nhà của sản phụ Ánh Linh đâu! Ra đón công chúa nào!” Bế con gái nhỏ trên tay anh quản giáo lần đầu làm bố run run nghe những nhịp đập trái tim mình. Sau này nghĩ lại thấy mọi thứ như trong phim. Mà đêm ấy, chả hiểu chú Tạo kiếm lúc nào và ở đâu mà trước khi lên xe quay đầu về Trại Cây Xoài còn dúi vào tay Thiên một bó hoa rừng, “nhờ chuyển cho bà mẹ trẻ và công chúa nhỏ”. Bây giờ thì cái cục cưng ấy đã biết gọi video cho bố để hỏi bao giờ bố về thay cho mẹ được rồi. Nhưng khổ nỗi sóng điện thoại ở trại cứ chập chờn, nghe được tiếng thì mất hình, nhìn được hình lại mất tiếng. Có lúc hình méo xẹo khiến mặt con gái xinh là thế cứ nhòe đi, bố con trò chuyện à ơi, xì xoẹt, cảm nhận nhau là chính.

Đến đợt về đầu năm nay thì vợ chồng anh có cái thằng trong bụng vợ bây giờ. Theo kế hoạch, sang năm tới, vợ chồng anh sẽ có một hoàng tử. Lần này thì Thiên sẽ thu xếp công việc, báo cáo lãnh đạo phân trại để có thể về trước hẳn một tuần chờ vợ sinh, bù cho lần trước. Tết này vì phải trực nên trại đã giải quyết cho anh về đợt một, cả tuần ở nhà, đêm nào Thiên cũng áp tai lên bụng vợ nghe tim thai của con trai đập bì bọp. Qua làn da bụng ấm mềm của vợ Thiên có thể cảm nhận thấy hơi thở mỏng như sương của cu cậu, trái tim ông bố trẻ không khỏi rung lên xao xuyến.

Chú Tạo thì con lớn rồi. Bố ở xa thế, vất vả thế nhưng ông tướng con trai vẫn chọn theo ngành. Học Trường Trung cấp cảnh sát VI xong thì được phân về mãi Trại giam Cái Tàu, trong đất mũi Cà Mau tút hút cuối trời. Vợ chú cũng làm giáo viên như vợ Thiên nhưng ở Thái Bình quê chú. Chú thì ở mãi vùng rừng núi heo hút nơi tỉnh Thanh này. Cô con gái theo nghề mẹ thì đang học sư phạm văn trong Huế. Thế là nhà có bốn người rải khắp Bắc – Trung - Nam. Suốt ba mươi năm trong ngành, những lần về nhà của chú có thể đếm trên đầu ngón tay, dù tiếng là lái xe hay đi thật đấy, nhưng là đi công việc, đâu có thể tụt tạt mà về ngang tắt được. Chú đang tính vài năm nữa hưu sẽ vào Cà Mau thăm thằng con một chuyến, xem điều kiện làm việc, nơi ăn chốn ở chỗ nó có khá khẩm hơn anh em ở Trại Cây Xoài này hay không, rồi sau đó về quê sống cảnh vợ chồng son bù đắp cho vợ những năm tuổi già.

*

*          *

Giao thừa thì không có trăng. Và đau đẻ cũng không chờ sáng trăng. Nhưng đêm ấy là một đêm trăng đặc biệt. Tôi sẽ không kể tiếp việc đỡ đẻ đã diễn ra thế nào. Chỉ biết là thấy dấu hiệu sản phụ sắp sinh, y tá Hậu đã đề nghị giữ nguyên hiện trường, không đi đâu nữa để xử lí, dù xe đã sửa xong. Chú Tạo bằng kinh nghiệm của mình, khi chiếc xe nổ máy trở lại được đã để nguyên máy nổ, lúc sau xách ra một bình nước nóng bốc hơi nghi ngút từ két nước làm mát của xe. Đồ nghề y tế được bày ra. Y tá Hậu “vô trùng” dụng cụ và vào việc, dù thao tác không hẳn là thuần thục. Quản giáo mầm non Nhàn hỗ trợ sản phụ và tiếp bông băng dao kéo. Còn Thiên, nhiệm vụ chính vẫn là bảo vệ vòng ngoài. Nhưng dường như anh lại là người cảm xúc nhất, trong giây khắc, anh nghĩ đến bố mẹ, đến vợ, đến con. Khi tiếng oe oe vang lên xé toạc sự tĩnh lặng của núi rừng phút sang canh, mắt Thiên nhòa đi. Anh nghe đâu đây tiếng cô hộ lí gọi lảnh lót: “Người nhà của sản phụ Ánh Linh đâu! Ra đón hoàng tử nào!” Thiên như mơ cúi xuống đưa tay đón sinh linh bé bỏng giữa những bờ hư ảo. Cả một vùng rừng núi nở bừng trong thứ ánh sáng màu nê-on xanh mướt, vạn vật được tưới đẫm bởi vầng trăng xanh linh diệu, như đêm trăng gặp hổ chú Tạo kể năm nào.

Giao thừa đã điểm mà không ai để ý ngoài chú Tạo. Ông Thế chứ lị cung cấp nước sôi cho ekip đỡ đẻ xong vừa theo dõi, cập nhật tình hình tại chỗ vừa lướt điện thoại cập nhật tình hình đón năm mới trên mạng. Bất chợt ông lướt thấy bản tin đưa về công dân đầu tiên của năm mới vừa chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cái tin làm ông bức xúc. Ông Thế chứ lị bật loa cho mọi người cùng nghe và nói oang oang giữa rừng xa vi vút: “Sai toét! Đây mới là công dân đầu tiên nhá. Tao đã bấm giờ, thằng cu này ra trước hai phút”.

Và một năm mới đã đến!

N.X.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)