Bạn tôi thất thế về quê, trong túm hành trang mã hồi có con mèo lông gio. Biết bạn thích nuôi mèo từ lâu nhưng tôi vẫn cứ phán đùa: “Tí dậu mão ngọ tứ hành xung. Cậu cầm tinh con ngựa mà lại ham nuôi mèo thì tránh sao khỏi vận hạn đeo bám cả đời”. Bạn tôi cười gạt đi: “Cứ hay vin dựa, suy diễn vớ vẩn”. Ít lâu sau bạn tôi tìm được công việc thích hợp. Rồi bỗng nhiên con mèo biến mất. Bạn tôi đi chợ mua con mèo khác. Lại mất. Lại mua. Lại mất... Hai con dính bả độc, một con bị tai nạn giao thông, bảy con gặp miu tặc, vị chi mười con.
Mỗi lần mất mèo bạn tôi buồn đến ứa nước mắt. Bây giờ bạn tôi đang nuôi con mèo thứ mười một. Như lời bạn nói chưa có con mèo nào sánh được con mèo lông gio. Tôi biết những ai nhìn thấy con mèo lông gio của bạn tôi cũng khen nó đẹp, khôn chưa từng gặp. Bạn tôi vẫn đinh ninh rằng con mèo ngoan như thế, khôn đến thế tuyệt đối không thể dính bẫy bả, không một tay miu tặc nào đủ tài đánh lừa nổi nó. Con mèo ấy chỉ lạc vào đâu đó, có ai đó đang cưu mang nó. Khởi từ niềm tin của bạn, tôi viết truyện ngắn Con mèo lông gio.
Nhà văn TRẦN VĂN THƯỚC
*************
Đang ngủ say Từ bỗng choàng thức, cảm giác như có bàn tay mềm mại, ấm áp vừa trượt khỏi vồng ngực. Phải mất đến mấy phút Từ mới trấn tĩnh và nhận ra điều đó là vô lí. Họa có ma dại mới thèm rờ rí gã chăn vịt nằm trần trên chiếc giường ọp ẹp trong túp lều lúp xúp nơi chân đê này.
- Meo... meo...
Từ tỉnh hẳn và hết sức ngạc nhiên. Trong vệt sáng của ánh trăng giữa cửa lều một con mèo ngồi chụm, giương mắt nhìn vào. Từ nhận ra đó chính là “bàn tay” ấm mềm làm anh vỡ giấc. Cửa lều không khép, con mèo lang thang tạt vào và tìm được chỗ ngủ. Từ xoa bàn tay lên vồng ngực, cười khẩy với con mèo:
- Sao không tè luôn một bãi cho bõ công? Đồ mèo hoang!
- Eo... meo...
Con mèo rón rén đi vào. Từ quờ tay dễ dàng túm được nó. Con mèo sạch sẽ, không hôi hám và có vẻ dạn người. Mèo hoang không được mã thế này. Từ khẽ xoắn tai con mèo, nửa đùa nửa thật:
- Mày lang thang chơi bời nên lạc lối ra đây chứ gì. Thế là hư lắm. Rồi chủ mày cho no đòn.
Con mèo gừ gừ dớn dác. Từ ôm chặt con mèo vào lòng, vuốt ve bộ lông màu gio sáng. Được âu yếm con mèo thu mình lại và thoắt mềm như cuộn len, tỏa hơi ấm sực lòng tay. Từ châng lâng, cảm giác buồn buồn, âm ấm dần lan khắp người. Xong anh vò vỏ bao thuốc làm quả bóng chơi trò tung hứng. Càng chơi con mèo càng tỏ ra khôn ngoan. Từ giả vờ ném quả bóng xuống gầm giường rồi nhanh tay giấu ra sau lưng. Con mèo nhon nhón vài bước rồi như cắt ngoắt lại dụi đầu vào lưng Từ, đúng chỗ giấu quả bóng.
Ban mai òa theo tiếng các... cạc... của đàn vịt ngoài quây. Từ vội làm bữa ăn chia tay con mèo. Bát cơm nguội và khúc cá kho mặn. Đúng là con mèo ngoan nhà nghèo, nề nếp. Nó ăn từ tốn, ăn cơm nhiều hơn ăn cá. Khi con mèo đã no nê, Từ ôm nó lội tắt qua ngòi lên đường trục đồng. Vuốt ve con mèo một lúc rồi Từ đặt nó xuống lòng đường, căn dặn:
- Cứ thẳng lối này là về đến làng. Chắc chủ mày đang mong lắm. Thôi về đi.
Con mèo vẫn cứ quẩn quanh “eo... meo”. Từ giậm chân, phẩy tay giục gắt. Con mèo nhón bước một giữa lòng đường sương mai, hoa cỏ. Từ có cảm giác chỉ cần anh cất tiếng gọi lập tức con mèo sẽ quay lại. Nhưng Từ không đành. Cuộn len màu gio sáng khuất dần, khuất dần.
Đàn vịt ào qua bờ đê tràn xuống bãi sông. Từ xuôi cán cờ lững thững bám theo. Một lần hiếm hoi Từ thờ ơ với khung cảnh đồng bãi sớm mai, thờ ơ với đàn vịt sau một đêm giam cầm tóa ra, con lặn, con bơi, con rướn cổ vỗ cánh các... cạc... náo động cả một vùng sông nước. Từ cảm thấy hụt hẫng như vừa phải chia tay với con vật bấy nay dày công nuôi nấng, chăm bẵm. Đôi mắt con mèo... Màu gio sáng bộ lông mượt ấm bàn tay... Cái màu gio sáng gợi nhắc những kỉ niệm êm đềm đã xa lắc nhưng không hẳn đã mất hút. Như kỉ niệm mỗi lần cuối thu, khi những cây gai dại mọc hoang bờ bụi ngả vàng, người làng Lăng hái lá gai phơi khô, gói kĩ, cất nơi cao ráo. Sau Tết Nguyên Tiêu là đến hội làng. Hội làng có lễ rước thành hoàng, có múa giáo cờ giáo quạt, hát chầu văn, có thi nấu cơm, làm bánh gai, bánh dợm. Bánh dợm xâu chục, bánh gai xâu năm. Thứ vị ngọt, thứ tính mát nhưng cùng chung vị ngọt đường cát, bùi thơm nhân đỗ xanh. Xâu bánh thờ cúng tổ tiên, đi thi hội làng, làm quà biếu. Có một chặp liền ba năm Từ không về dự hội làng được. Mẹ vẫn treo xâu bánh để dành cho đến khi khô quắt. Bây giờ mẹ đã đi xa. Mấy năm nay mỗi dịp hội làng Từ cũng có xâu bánh. Nhưng là thứ bánh hàng quán, bột tam toạng, gói tam toạng, đếm xâu lấy tiền. Mà phải tan hội Từ mới chậm rãi, nhẩn nha ăn bánh. Anh coi đó là một cách để nhớ và hối lỗi với mẹ…
Rồi cũng qua một ngày không bình thường. Trời chợt oi chợt se. Nắng thoắt vàng thoắt lụi. Tâm thái Từ cũng thất thường. Hụt hẫng, bồn chồn, thẫn thờ đến lạ.
Chặp tối trời trở gió thốc thẳng vào cửa lều. Từ thấy gai gai rét nhưng vẫn ở trần không ra khép cửa. Từ nằm sấp trên giường, vóng mắt ra cửa. Linh cảm mách bảo anh rằng con mèo sẽ quay trở lại.
Trong lúc chờ con mèo Từ lật đầu giường lấy cuốn sách buổi chiều anh mượn của ông chủ quán bán văn phòng phẩm. Cuốn sách như vừa mới ra khỏi cổng nhà xuất bản. Mùi mực in quyến rũ, quen thuộc. Từ lật trang sách tìm đến truyện ngắn của nhà văn nữ mà anh sùng kính từ ngày còn là cậu học sinh trường làng. Từ đọc liền một mạch. Bất ngờ và thất vọng. Nhà xuất bản in nhầm tên tác giả? Nhà văn cầm bút trong tâm trạng bị cưỡng ép? Hay nữ nhà văn bị phụ tình nên mượn cây bút trả thù, miệt thị giới mày râu? Hay...? Tại sao bậc liền chị làng văn lại hạ bút viết câu chuyện dở đến vậy? Từ ấm ức như chính anh bị xúc phạm. Lòng kính yêu bấy nay bị tổn thương. Chỉ một điều duy nhất Từ thấy cần phải cảm ơn nhà văn. Ngòi bút tài hoa đã phác họa đầy đủ chân dung một gã đàn ông đớn hèn.
Từ lôi thốc gã ra khỏi trang sách. Mi đấy hả? Tử tế. Đẹp trai. Bằng cấp... Nhưng mi hèn, đại hèn. Ừ thì con đàn bà ấy đẹp, rất đẹp. Ừ thì mi với ả đã có một tình yêu tuyệt vời, đã từng có những năm tháng tuyệt vời hạnh phúc. A ha! Mi học cao, hiểu rộng mà dốt đặc cách tính tỉ lệ tình yêu hạnh phúc và lòng chung thủy của đàn bà. Chu choa, cái kiến thức tin học với tấm bằng đỏ của mi. Vợ đẹp của mi lọt vào con mắt hùm hụp của sếp. Con mắt bồ câu ả mê tít cái ghế và bịch tiền của lão. Sớm mai đưa mắt chiều hôm bịch bồ. Rồi ả vi tính đơn li hôn hai nghìn chữ. Kệ mả nó chứ. Đàn ông thì phải biết cách cười lên cả khi giáp mặt con đực trên giường vợ. Thế mà mi lại chơi trò cải trang mai phục ngoài cổng nhà chồng hai của vợ. Đó là một hèn. Mi giữ đơn li hôn cả tháng trời mới kí. Run rẩy kí. Có đúng không? Đó là hai hèn. Còn một hèn nữa... Mi có biết không? Cái hèn ấy bằng bảy những hèn kia...
Thoắt vỡ vụn cái mặt vẽ bằng những con chữ. Từ giật mình suýt đánh rơi cuốn sách khi nghe tiếng “eo... meo...” vọng lại. Giữa cửa lều, con mèo ngồi chụm, giương mắt nhìn vào. Không lẫn vào đâu được đôi mắt xanh và cái màu gio sáng ấy. Từ ngồi lên, giang tay như đón người bạn thân, nói lạc cả giọng:
- Vào đi... Vào đi...
Con mèo nhon nhón đi vào góc lều đúng chỗ ban sáng Từ đặt bát cơm nguội. Hẳn là nó không nhớ lối về và đang ngấu đói. Từ vội lấy bát xúc muôi cơm nguội, trộn nhúm bột canh. Bữa tối của anh chỉ có thế. Con mèo ăn ngon lành. Từ ngồi xuống vuốt ve cuộn len màu gio sáng. Cái thằng người bình thường nguội lạnh, sắt đanh lại vì đòn đời bỗng trở nên mềm yếu, rụt rè.
- Tao ở đây một mình. Chịu ở lại làm bạn với gã Từ - vịt gàn này không?
Con mèo dụi đầu vào bàn tay thô ráp, run rẩy. Nó ngẩng lên, đôi mắt xanh chớp chớp:
- Meo... meo...
Từ ôm riết con mèo vào lòng. Anh lặng ngây trong vòng xoay tâm thái. Bất ngờ. Xúc động. Ngậm ngùi. “Meo ... eo...” Đó là tiếng nói đồng cảm, chân thành. “Meo... eo...” Túp lều thoắt bừng sáng. Một thứ ánh sáng không phải của đèn của lửa và nó khơi mào những ý nghĩ hết sức mới mẻ. Rằng vòng luân hồi khe khắt hóa kiếp chúng sinh nào đó làm kiếp con mèo. Và anh về với đồng bãi, trở thành Từ - vịt gàn là để làm bạn với con mèo ham chơi lạc lối.
Minh họa: Hải Kiên
Làng Lăng đã đến kì leng keng liềm hái vào vụ. Từ kịp gột lứa vịt chạy đồng nhặt nhạnh những hạt lúa vương vãi. Và con mèo ham chơi lạc lối ngày nào giờ đàng hoàng ngôi đệ nhị chủ nhân túp lều dưới lùm cây vọng cách.
Cuộn len màu gio sáng hồn nhiên xóa tan những hiu quạnh tưởng như cô kết thành cỏ lợp, vách che túp lều gã chăn vịt. Chầm chậm từng ngày, từng đêm cuộn len lăn nhịp sống của Từ sang chiều nhộn nhịp. Đó là những xốn xang sớm mai cuộn len lon ton theo lên đê và chỉ chịu trở về khi Từ vuốt ve dặn dò. Đó là nỗi phấp phỏng khi Từ cùng đàn vịt lang thang ngoài đồng bãi; ở nhà cuộn len nằm phơi nắng hay sục sạo săn chuột nơi bờ máng, bờ ngòi, đùa giỡn với hoa cỏ, cào cào, châu chấu. Cũng kể từ ngày có cuộn len túi gạo, ba lô, sách vở của gã chăn vịt hoàn toàn miễn dịch đội quân gặm nhấm. Từ vợi hẳn nhọc nhằn chạy đồng, lội bãi. Khi chiều xuống cuộn len vút lên bờ đê cùng anh lùa đàn vịt no căng lạch bạch vào quây. Giờ đây những bữa cơm đạm bạc rộn rạo không khí gia đình. Từ ngồi đây. Con mèo đứng kia. Rau muối mà ngon miệng. Buổi tối Từ đọc sách. Con mèo quẩn quanh, rúc rúc, gừ gừ làm nũng một chặp rồi mới chịu đi làm bổn phận của loài mèo.
Hơn một lần Từ lục lọi trong trí nhớ những câu chuyện hay chút ít hiểu biết về loài mèo. Mèo làm xiếc. Mèo vượt hàng trăm cây số tìm về chủ cũ. Dân gian có nhiều câu chuyện về những con mèo được tôn danh linh miêu. Ai làm chủ linh miêu người đó sẽ được giàu sang, may mắn đường đời muôn nẻo. Từ chưa thấy con mèo nào khôn ngoan như cuộn len màu gio sáng. Có người sành chơi khen con mèo có nhiều tướng quý. Tới một thời điểm nào đó, qua một biến cố nào đó con mèo sẽ trở thành linh miêu. Từ không tin vào những lời đoán quyết đó. Với Từ cuộn len là người bạn, là đứa em, là những vui buồn, chở che, chia sẻ, cho và nhận từ hai phía. Bởi thế Từ luôn luôn nơm nớp một mối lo. Bỗng dưng một ngày nào đó cuộn len biến mất. Bỗng dưng ai đó nhận ra con mèo lạc.
Vậy mà có một lần Từ đã giận dữ gạt phắt con mèo xuống ngòi nước cả. Đó là buổi chiều anh ngồi dựa gốc cây vọng cách trước cửa lều. Đàn vịt đang tuổi ở quây nên chưa phải chăn dắt. Từ tĩnh tâm kiểm định lại những điều mà đêm qua anh cảm nhận được trong tác phẩm của một nhà văn trẻ. Như thế có quá khắt khe không? Có đáng thương không người đàn bà ấy?
Bỗng nhiên con mèo từ đâu lao về ngồi chồm hỗm trước mặt Từ, rối rít “eo... meo” làm lộn tung những điều anh đang suy kiểm. Từ nhìn lên, trên quãng đê lượn hình yên ngựa, một cặp vợ chồng dắt đứa con đi ngắm cảnh đồng bãi lúc chiều buông. Chắc họ mới ở xa về thăm quê. Có thể họ sẽ đến với quãng đê rợp bờ tre chắn sóng, nơi đàn cò đang trở về sau một ngày lặn lội tảo tần. Từ chợt nhớ đang là chiều thứ bảy. Con mèo vẫn chồm hỗm “meo... meo...”
Từ trừng mắt với con mèo rồi lại thở dài. Phải chăng cuộn len là linh miêu? Nó đã hay biết tất cả và giờ đây tinh quái khều lên cái bếp lửa đã than tàn tro lụi từ lâu? Nó bắt Từ phải nhớ rằng anh đã từng có một thời yêu trong sáng và mãnh liệt. Đã có một gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con ngoan. Có những buổi chiều thơ mộng hơn cặp vợ chồng kia... Rồi tất cả những cái đã có, sắp có vụt biến khỏi cuộc đời Từ. Xí nghiệp phá sản, Từ mất việc. Vợ bỏ đi với nhân tình. Đứa con đẹp như thiên thần chết đột ngột vì căn bệnh quái ác. Nó ra đi trong lúc Từ đang chầu chực ngoài cổng nhà người bạn thân. Từ cần một chữ kí vào tờ đơn xin việc làm, cùng lá thư riêng với vài lời nhắn gửi nếu được. Chữ kí của người bạn thừa sức cho Từ có một chỗ làm để tùng tiệm nuôi con và trợ đỡ mẹ già. Đợi mãi người đàn bà mới thướt tha ra cổng, lịch thiệp, thỏ thẻ: “Xin thứ lỗi. Nhà tôi đi họp trên trung ương.” Gắng lắm Từ mới không khụyu xuống. Anh vừa nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc thấp thoáng sau cửa kính. Từ xé vụn lá đơn. Gió thốc bay những vụn giấy.
Về làng, Từ im lặng trước những lời khuyên can, chấp nhận cái tiếng gã dở người. Từ vay vốn làm nghề chăn vịt. Nỗi đau dù đã cố kết nhưng vẫn không cơ may lên sẹo. Nhưng thời gian và công việc đã ít nhiều giúp Từ bình thản trước những cái được cái mất của cuộc đời.
Cặp vợ chồng và đứa con đã qua quãng đê lượn hình yên ngựa. Từ vẫy gọi con mèo. Anh muốn ôm cuộn len vào lòng và nhìn thẳng vào đôi mắt xanh ướt để bộc bạch, chia sẻ. Nhưng con mèo vẫn chồm hỗm, dướm lên phía bờ đê “eo... meo...” Cảm giác bị chọc tức, Từ nhoài người mạnh tay gạt phắt, giận dữ:
- Này thì linh miêu…
*
* *
Thêm một lứa vịt lên bờ vào sọt cánh lái buôn. Một chặp làm ăn trầy trật, đầy bất trắc mà khấm khá không ngờ. Từ tụ hội đám bạn nghề làm bữa rượu mừng. Thịt vịt luộc, cá đồng nướng vùi và rượu can. Tiệc tùng của đám người lam lũ thế đã là sang. Anh em vòng tròn trên vạt cỏ trước cửa lều. Con mèo nhấm nháp miếng cá nướng rồi bỏ dở mồi ngon lại nằm bệt bên cạnh chủ. Mấy hôm rồi con mèo lử thử, ăn uống chểnh mảng. Từ cũng bận việc nên ít nhiều lơ là với cuộn len. Ngất ngư, Từ nghiêng bát đổ rượu xuống lưng con mèo: “Mợ dỗi hả. Thì cho đây xin lỗi.” Con mèo chồm lên suýt làm đổ chai mắm. Nó vọt qua ngòi rồi mất hút vào ruộng lúa.
Cả đám ngất ngư say, ngày hết lúc nào chẳng hay. Bỗng từ phía cánh đồng tràn về tiếng mèo gào. “Ao... gao... ngao...” từng chặp dữ dội và thoáng chút rờn rợn. Một bạn nghề vỗ vai Từ:
- Nàng đến tuổi đực cái rồi. Cái giống mèo đến thì là khiếp lắm. Rồi đến phát ốm với nó cho mà xem.
Mải nhìn ra cánh đồng dõi theo tiếng mèo gào, lo lắng,Từ gật đại:
- Ờ... ờ... Đến thì... Rồi ốm.
Chưa đến nỗi ốm nhưng Từ bực và mất ngủ. Ban ngày con mèo bỏ ăn, nằm bệt. Vừa nhập nhoạng tối, nó rối rít đòi ăn, no nê rồi mất hút. Cả một vùng đồng lúa đang thì con gái đầy ắp tiếng mèo gào gọi bạn tình “ao... gao...” từng chặp, từng chặp dữ dội, thống thiết. Mười đêm như một. Sáng bảnh con mèo mới trở về, lem luốc, phờ phạc. Nửa tháng trời, mười lăm đêm... Cuộc săn tìm vô vọng đã biến cuộn len thành một con mèo hoàn toàn khác trước. Màu lông xám xịt, mảng bết, mảng rụng trơ màu da trắng hếu. Hai con mắt lồi ra, đầy nhử xanh và lúc nào cũng ướt nhèm như đang khóc. Cái đuôi dài bết bẩn, cứng quèo, vếch lên chường ra cái chỗ đáng phải che giấu.
Và oái oăn làm sao, cuộn len lăn vào cái đầu vốn đã chật ních chuyện sách vở, chuyện đời thực của Từ những dữ kiện mới về hậu quả tình đơn phương. Con mèo trở nên dữ tính, hơi một tí là chồm chồm ngoác mõm gào và huơ móng vuốt. Hơn một lần nó đáp lại bàn tay vuốt ve, dỗ dành của Từ bằng những nhát cào tứa máu. Nó không còn quẩn quanh, lon ton, gừ gừ sáng chiều, mỗi khi Tư nằm đọc sách, ra mở quây, chạy đồng, lội bãi trở về. Dường như nó đã tự đánh mất bản lĩnh oai liệt muôn thuở của loài mèo. Đêm ngày lũ chuột tự do rinh rích kiếm ăn và đùa giỡn. Chính mắt Từ nhìn thấy giữa ban ngày hai ba cặp vợ chồng nhà chuột đàng hoàng diễu qua trước mũi con mèo.
Có phải vì tình đơn phương mà con mèo nào cũng đổ đốn ra thế chăng?
Từ cũng đã hết cách trợ giúp con mèo. Vài lần về làng tìm mèo đực không có, Từ thấy vận hội đã đến với họ nhà chuột. Phong trào đặc sản tiểu hổ, bẫy bả các kiểu đã đẩy loài mèo đến nguy cơ tuyệt chủng. Họa hoằn lắm mới có nhà nuôi mèo. Mèo đực vừa ló dái đã bị thiến. Và đực cũng như cái, chớm tuổi giao tình là phải xích hoặc nhốt cũi. Chủ nuôi cốt lấy cái tiếng “eo... meo” để dọa lũ chuột bé gan…
Nay đêm trăng, Từ nằm thượt trên vạt cỏ trước cửa lều. Buồn và cô đơn. Cuộn len lăn hút đâu đó đã ba ngày. Một ngày ngóng đợi. Một ngày Từ cắm đàn vịt, đi lang thang khắp cánh đồng tìm kiếm và gào gọi đến khản cổ. Con mèo vẫn bặt tăm tích. Hơn ai hết Từ hiểu vì sao con mèo từ bỏ cuộc sống đầy đủ, cho qua những chiều chuộng, vuốt ve. Đáng giận, đáng thương, hay đáng khâm phục đây. Ý thức là kẻ có lỗi kết thành nỗi niềm vằm sâu vào giấc ngủ khó khăn, nông choẹt. Đó là cái lỗi của người không giúp được bạn mình một việc trong tầm tay, lỗi của người anh không mua nổi cho đứa em thứ mà nó đang cần. Đó là nỗi niềm của người siêng năng chằm bặp, một sớm mai ra vườn bỗng nhận ra bàn tay vun đắp bao giờ cũng yếu và chậm hơn bàn tay cào phá. Từ dán mắt lên vòm trời đầy trăng sao, tựa hồ cao xanh là điểm tựa cho anh đẩy vợi những ý nghĩ vẩn vơ, những phấp phỏng chờ đợi. Thật vô ích.
“Ao... ngao... ngao...”
Từ bật lên như chiếc lò xo. “Ao... ngao...” Không lẫn vào đâu được tiếng gào vừa dữ dội vừa thống thiết, lại vừa thoáng chút rờn rợn. Từ quay như dàn ra đa báo động rồi lao như tên bắn lên đê.
Đang kì con nước, dòng sông mênh mang, phù sa nhuốm ánh trăng ngả màu nâu sẫm lấp lánh. Con mèo đang đứng bên góc dứa dại mép nước. Nó gồng mình, thót bụng, rướn cổ đẩy tiếng gào qua sông. Dường như con mèo định dốc sức vào đêm cuối cùng trước khi gục xuống vì thất vọng. Từ dõi theo hướng bay của tiếng gào. Tiếng sóng. Tiếng gió. Và hình như có cả tiếng “ao... gao...” là lạ. Từ nín thở lắng nghe. Đúng rồi! Đúng rồi! Không lẫn vào đâu được tiếng gọi của khát vọng cháy bỏng yêu đương. Một tháng giời, ba chục đêm ròng, giờ đây cuộn len đã lăn gần tới đích. Nhưng sông to, nước cả, cuộn len lẩn náu đâu đó chờ đêm xuống lên bờ đê giao tình bằng tiếng gọi của giống loài. Ôi chao cái giống mèo! Không qua được dòng sông trước mặt có thể nó sẽ chết vì thất vọng và kiệt sức. Nhưng lao xuống sông cũng đồng nghĩa với cái chết bởi sông rộng nước sâu, loài mèo lại vốn rất kị nước. Từ thoáng điều ước về một cây cầu bắc ngang và hình dung tốc độ qua cầu của những con mèo đang tuổi yêu đương. Nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng, Từ nhao lại vồ gọn con mèo, ôm ghì nó vào ngực:
- Ta qua sông nhé!
Con mèo cào cào hai chân trước, dụi đầu vào vồng ngực vâm váp của Từ, ngoác cái miệng răng trắng, lưỡi đỏ:
- Meo... meo...
Qua sông, Từ dễ dàng tìm được nơi ở của bạn tình cuộn len. Cũng nhờ tiếng “ao... ngao...” của giống đực, khàn khàn, nhọc nhằn, tưởng như sắp gục xuống vì cơn khát tình đơn lẻ. Đó là ngôi nhà ngay đầu xóm trại nội đê. Cánh cổng tre không khép. Trên hiên nhà, chiếc đèn dầu nhỏ mà nhiều sáng. Bà mẹ và cô con gái ngồi chọn hạt giống đậu xanh. Từ ôm con mèo đi vào.
- Chào bà ạ! Chào cô!
Hai người cùng ngừng tay nhìn lên. Cô gái ngạc nhiên giây lát, ánh mắt ra chiều dò xét. Bà mẹ xởi lởi:
- Chào cậu. Ngồi cả đây cho mát. Ơ, con mèo à. Cậu ở bên kia sông phải không?
- Vâng ạ!
- Tôi đoán cấm có sai. Mấy đêm nay con mèo nhà tôi cứ vóng ra phía sông mà gào. Nhưng cứ phải xích trong bếp. Của giống má cả làng đấy cậu ạ. Sểnh ra là chết với bẫy với bả ngay. Cậu đưa con mèo cho em nó thả vào bếp với bạn.
Từ trao con mèo cho cô gái. Chờ cô gái vào hẳn trong bếp, Từ hỏi bà mẹ:
- Quãng mấy giờ thì cháu đưa con mèo về được ạ?
Bà mẹ cười:
- Rõ là cậu chưa nuôi mèo bao giờ. Cái giống mèo kĩ tính lắm. Ngược xuôi gào gọi làm như chết đến nơi không bằng. Thế nhưng gặp nhau rồi thì cô cậu làm bộ làm tịch chán chê. Cậu cứ để nó ở đây vài đêm cho chắc ăn. Có ai qua bên ấy tôi sẽ nhắn. Hoặc em nó ôm sang cho. Cậu uống nước đi.
Từ nâng chén nước nhâm nhi từng ngụm. Nước nụ vối sao vàng hạ thổ. Từ ngày mẹ mất đến giờ Từ mới được uống nước nụ vối vàng sẫm, thơm mát, uống no được.
*
* *
Chiều nay Từ lùa đàn vịt về sớm. Anh về sớm để qua sông đón cuộn len. Bốn ngày rồi còn gì! Vừa lên đến mặt đê Từ nhìn thấy cô gái ôm con mèo đứng trước cửa lều. Từ vung cờ thúc đàn vịt rảo bước.
Cô gái tinh nghịch chờ Từ cất tiếng chào lần thứ hai rồi mới thôi chăm chú vuốt ve con mèo. Cô thì thầm với con mèo một lát rồi đưa nó cho Từ, hóm hỉnh:
- Anh nhìn kĩ xem có phải nó không?
Từ ôm chặt con mèo như sợ nó quẫy ra mất. Con mèo đã hoàn nguyên là cuộn len hôm nào. Lanh lẹ, sạch sẽ, màu gio sáng mượt ấm bàn tay. Cuộn len có vẻ mập ra. Nó đã bắt đầu cuộc đời mới với niềm hạnh phúc và trách nhiệm lớn lao rồi chăng.
- Meo... meo...
- Cuộn len kêu lên và khẽ cào cào tay ông chủ. Từ như bừng tỉnh:
- Cảm ơn bà và cô. Tôi vô ý quá. Mời cô vào nhà uống nước.
- Em cảm ơn anh. Nhưng mà nước thì chưa nấu nhé. Còn nhà thì em đã vào rồi. Anh có nhiều sách hay quá. Cho em đọc nhờ với được không?
Từ đỏ mặt bối rối vì người lạ đã thấy nội thất túp lều.
- Được thôi. Chỉ ngại cô chê sách của tôi không hợp.
Cô gái vẫn hồn nhiên:
- Em khảo sát kĩ rồi. Anh khéo chọn thật đấy. Em đã đánh dấu mấy cuốn. Hôm nào anh phải mang sang tận nhà em. Coi như trả công. Thôi, em về đây.
Từ đứng ngây ra vì sự hồn nhiên của cô gái. Cứ như đứa em gái hay chọc nũng anh trai... Lại có gì như cô bạn thân thích đùa. “Eo... meo...” Con mèo khẽ kêu, quẫy khỏi tay Từ chạy theo cô gái. Nó “eo... meo...” quẩn quanh níu chân. Cô gái ôm con mèo trở lại, đặt nó vào tay Từ:
- Nó là linh miêu đấy. Mẹ em bảo thế. Nó bắt em quay lại hỏi rằng anh đã nhớ chưa?
Từ hết sức ngạc nhiên:
- Nhớ gì vậy cô?
Cô gái búng tai con mèo làm nhịp:
- Một nhớ mang sách sang trả công. Hai nhớ, mẹ em khen anh là người trai trẻ duy nhất còn biết thưởng thức nước nụ vối sao vàng. Ba nhớ chăm sóc linh miêu. Bốn nhớ là biết người mà chưa biết tên nhau. Nhớ chưa?
Như bị thôi miên, Từ buột miệng:
- Anh nhớ…
Từ ôm con mèo nhìn theo cô gái. Cô đi về phía quãng đê rợp bờ tre chắn sóng, nơi đàn cò đang trở về sau một ngày lặn lội đồng xa. Ở phía cuối bờ tre xanh thẳm ấy có bến đò ngang.
T.V.T
VNQD