Tết của lính Vị Xuyên

Thứ Ba, 24/01/2023 00:40

. NGUYỄN QUỐC HÙNG
 

Năm 1985, cái tết đầu tiên xa nhà

Còn gần tháng nữa mới phải lên chốt, đơn vị dừng chân ở đồi cọ làng Mè, cách đường biên gần hai mươi cây số. Tiếng pháo ì ùng vọng về suốt ngày đêm. Cách lán bộ đội ở gần trăm mét là nghĩa trang tạm, đêm nào đất cũng động thình thịch, sáng ra có thêm không ít ngôi mộ mới. Vậy mà không người lính nào đang chuẩn bị bước vào chiến trận có cảm giác run sợ. Chỉ thấy nhớ nhà đến nao lòng.

Đơn vị cử một tổ lên rừng lấy lá dong gói bánh chưng. Lần đầu tiên tôi được thấy cây lá dong. Bạt ngàn rừng lá dong xanh mướt, mênh mang khiến tôi nhớ mẹ, nhớ nhà đến thắt lòng. Ngày nhập ngũ (mới chỉ ba tháng trước), mẹ tôi mua cho mấy cái bánh chưng con để ăn đường. Khi xe chở tân binh chuyển bánh, mẹ tôi đạp xe đuổi theo, bóng chơi vơi trên đường phố. Quê hương hiển hiện trước mắt. Những bông hoa dong riềng đỏ rực như đốm lửa lập lòe, lúc ẩn lúc hiện trong sương mù buổi sớm, trong tiếng suối tí tách đầy huyền hoặc.

Chuẩn bị lên chốt, lại là những ngày giáp tết chúng tôi được phép đi chơi “xả láng”. Thị xã Hà Giang mặc dù vừa trải qua những trận đánh khốc liệt, chứng kiến sự hi sinh mất mát không nhỏ của bộ đội ta, không biết có trầm hơn so với mọi năm hay không nhưng không khí đón tết, cái hồn dân tộc vẫn hiển hiện trên từng nét mặt tươi vui. Từng bánh pháo đỏ tươi bày bán trên quầy hàng mậu dịch. Mặc tiếng pháo xa xa ì ùng, lòng người dân Hà Giang vẫn tĩnh tại chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Chúng tôi rẽ vào một quán nước. Trên vách quán có dán trang trí bằng những tờ họa báo Liên Xô. Trong số đó, vài tờ in bức tranh Guernica của Pablo Picasso. Tôi hào hứng nói với đồng đội đi cùng về giá trị nghệ thuật cũng như giá bán và việc bảo vệ nó thế nào. Mọi người chăm chú nghe. Có người xin một tờ nhưng chủ quán không cho. Hôm sau chúng tôi lại ghé vào quán. Trên vách không còn tờ nào in bức Guernica.

Tối ba mươi, tám giờ, đại đội tổ chức liên hoan. Có bánh kẹo, trà, có văn nghệ cây nhà lá vườn.

Khoảnh khắc giao thừa đã đến. Những kìm nén trong lòng người lính chiến bung phá. Họ trút nỗi lòng lên bầu trời bằng các đường đạn lửa của súng AK, súng 12,7 li đan kín như mắt lưới. Bầu trời Vị Xuyên rực đỏ. Tiếng bộc phá, lựu đạn nổ uỳnh uỳnh không khác gì một trận đánh đang xảy ra. Nửa tiếng sau, nơi chúng tôi đóng quân đã bớt tiếng nổ nhưng phía đường biên vẫn còn vọng về tiếng ì ùng, bầu trời vẫn hồng rực, nhay nháy như chớp giông trước cơn mưa.

Tôi tha thẩn đi qua các lán. Gian nào cũng trống vắng. Có vài người nằm ôm chăn co quắp ở góc sạp, khóc nức nở. Mọi người đi đâu? Họ đang nhờ bóng đêm giấu hộ cảm xúc. Tôi cũng đi vào rừng.

Tuần sau chúng tôi lên chốt. Tư trang nhẹ bồng. Quân trang nặng trĩu.

Năm 1986, lần đầu tiên ăn tết cùng đồng bào dân tộc

Thay quân, đơn vị di chuyển về Quản Bạ. Tám tháng căng mình chịu đựng gian khổ, khốc liệt, hi sinh mất mát, thung lũng Quản Bạ bất ngờ hiện ra sau khúc quanh của dốc Quyết Tiến. Những mái nhà sàn nâu ấm trên thảm xanh mượt của ruộng nương. Thanh bình như khu vườn cổ tích. Vơi bớt những day dứt, mệt nhọc sau những trận chiến.

Sắp tết. Đồng bào vùng cao tết vui ở chợ. Họ đi chợ tết xuyên đêm. Từng đoàn người ngựa rình rịch ngang qua doanh trại để tới chợ sớm. Chợ chen chân đi, chen chỗ ngồi. Sắc khăn áo rực rỡ cùng sắc hoa. Tiếng cười rộn ràng ở bãi ném còn, vòng khèn Mèo. Đông nhất, trầm lắng nhất là quanh chảo thắng cố. Rượu chảy tràn nhưng không có ai đỏ mặt tía tai để rồi thấy mình nói chưa đủ to để người khác nghe thấy nên phải cố nói cho to hơn, không có vung tay vung chân. Say mềm. Người có vợ đi cùng thì được dìu lên ngựa về. Người chưa vợ hoặc không có vợ đi cùng nằm vạ ở vệ đường ngủ. Người dân vùng cao khi vui thì như suối chảy, lúc trầm lặng thì như đá núi.

Bộ đội nếm thử rượu, thử các thứ ăn được từ đầu chợ tới cuối chợ. Người bán thấy vui vì có người nếm. Bộ đội cũng giật ô của cô gái H’Mông. (Theo tục bắt vợ của người H’Mông là giật một thứ đồ của cô gái để cô gái phải đi theo; với người Dao thì tổ chức bắt cô gái mang về nhà trai, sau một tuần tìm hiểu nếu không đồng ý thì người trai đưa về đầu bản trả. Không bạo lực như trên những clip bây giờ). Cô gái bị giật ô đi theo anh lính trẻ: Bộ đội ơi, mình có chồng rồi mà. Bộ đội: Nói dối à, trẻ, xinh thế sao đã có chồng. Một chàng trai H’Mông chạy theo: Nó có chồng thật rồi. Tôi là chồng nó mà. Bộ đội trả lại ô. Đôi vợ chồng trẻ dẫn nhau về. Đến chỗ vắng, họ rẽ vào chỗ khuất tình tứ. Con ngựa buộc ngoài đường hí vang gọi.

Tết. Tôi đến chơi nhà bác Sanh, người dân tộc Tày. Bác cho tôi ăn món mà bác gọi vui là thịt bà Mèo. Mua ở chợ từng miếng trông như bánh đúc, màu nâu nhạt. Về, thái mỏng, xào cùng tỏi. Ăn sần sật như rau câu. Ngon. Hỏi bác, làm bằng gì. Bác không nói. Sau này trở lại Quản Bạ tôi tìm không thấy món này nhưng tìm hiểu thì biết, món đó là làm bằng củ khoai nưa. Khoai nưa giống như cây ráy, mọc trên rừng. Phải biết làm, không thì ngứa, không ăn được. Theo tôi, đây mới là món đặc sản của vùng núi đá Hà Giang.

Tôi đến chơi nhà chú Vảng, người dân tộc Dao. Tôi được mời ăn cơm. Rất nhiều khách. Đàn ông ngồi ở bàn dài giữa nhà, phụ nữ ăn ở bếp. Trong mâm đàn ông bao giờ cũng có trẻ em ngồi cùng. Những miếng ngon được dành cho đứa trẻ. Ăn xong, nó đến từng người khoanh tay lễ phép nói : “Cháu ăn xong ạ!” Rất văn minh. Không biết bây giờ còn tục này?

Ở Quản Bạ tôi được xem lễ hát then. Lễ hát then giống như hầu đồng dưới xuôi. Được xem lễ cúng ma. Bây giờ gọi là lễ cấp sắc. Người con trai không cúng ma thì không được cưới vợ.

Ở Quản Bạ, chỉ những ngày bên Vị Xuyên pháo bắn thật dữ dội mới nghe thấy ì ì. Một cái tết bình yên, khám phá nhiều điều mới.

Năm 1987, tết đầu tiên trên chốt

Trung đội tôi đảm nhiệm hướng chống đánh luồn sâu, tại một khe núi của cao điểm 788. Khe núi hẹp, dốc. Chính vì vậy mà chúng tôi mất cảnh giác. Đêm ấy có tiếng lựu đạn gài bẫy nổ. Sáng ra kiểm tra, chỗ lựu đạn nổ hằn rõ vết giầy đi xuống. Mấy ngày sau, một trận pháo chụp xuống quanh hầm. Những hầm bên trên chứng kiến, có người bảo chưa bao giờ gặp trận pháo khủng khiếp và chính xác đến thế. Quả xa nhất cách hầm cũng chỉ hai chục mét, quả gần vài mét. Có lẽ thám báo đã vào tới hầm chúng tôi chấm tọa độ. Kinh nghiệm tránh pháo giúp chúng tôi không xảy ra thương vong.

Tháng sau là tết. Dư âm trận pháo qua nhanh. Quen rồi. Gặp nhiều rồi. Hai bên ngừng bắn. Lệnh, không được để xảy ra tiếng nổ trong mấy ngày tết. Đêm ba mươi, sáng mùng một vẫn còn vài loạt bắn trộm. Khẩu đội cối 60 ngay cạnh hầm tôi cũng thả hai quả. Tôi là người chỉ huy trực tiếp, biết đấy nhưng cũng thông cảm nỗi lòng người lính xa nhà.

Ba ngày tết, không có bánh chưng, bánh kẹo, thịt tươi. Tiêu chuẩn tết được cấp nhiều hơn ngày thường. Vẫn chỉ là thịt rim, đồ hộp, ruốc cá, mắm kem, mỡ cừu.

Trưa mùng một, chuông điện thoại reo. Tôi nhấc máy. Đầu dây bên kia: Nghe nhé! Tổ hợp đầu kia để sát vào chiếc đài cá nhân. Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt, bên mưa quây… Tiếng hát của ca sĩ Hồng Liên cất lên qua làn sóng phát thanh. Tiếng được tiếng mất. Tôi lặng lòng nghe. Chưa khi nào mình được nghe ca nhạc hay đến thế. Chiến tranh khiến tuổi trẻ chúng tôi trầm lắng hơn. Biết là an toàn nhưng ai cũng ngồi âm thầm nhìn vực sâu chứ không háo hức đi đến các trận địa khác thăm đồng hương.

Nước mắt tôi trào ra. Vừa mấy hôm trước một đồng đội bị thương cáng qua hầm mình. Nhớ những đồng đội không được trở về cùng tôi sau mấy tháng nữa...

N.Q.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)