Sinh tử

Thứ Năm, 23/02/2023 00:33

. QUYÊN GAVOYE
 

Đoàn tàu cao tốc mang số hiệu 6057 của công ti đường sắt SNCF vun vút lao xuyên qua vùng thảo nguyên. Phía bên ngoài khung cửa sổ là không gian thăm thẳm của một đêm cuối đông không trăng, không sao. Trong khoang tàu, ánh sáng của hệ thống đèn néon tạo thành một vệt dài chói lóa. Nhìn từ phía thảo nguyên, con tàu giống như một đường hầm được thắp sáng đang di chuyển.

Ở khoang cuối cùng của đoàn tàu chỉ có ba người. Một vị bác sĩ nổi tiếng ở Paris. Một nhà văn, tác giả của những cuốn best-seller mà độc giả phải xếp hàng hàng giờ chỉ để xin được chữ kí. Và một nhân viên nhà xác.

Minh họa: Lê Anh Vân

Mỗi người một việc. Vị bác sĩ say sưa đọc cuốn sách dày ngang cuốn từ điển. Nhà văn lạch cạch gõ lên bàn phím, thỉnh thoảng rời tay gõ để chỉnh lại gọng kính. Chỉ mình anh nhân viên nhà xác là ngồi không. Anh ta thẩn thơ, hết nhìn trần tàu rồi lại nhìn về phía khung cửa sổ nơi màu đen quết thành hình một bức tranh đơn sắc. Anh ta cất giọng nói một mình nhưng đủ to khiến vị bác sĩ và nhà văn phải ngưng những việc đang làm để ngước nhìn.

Hẳn là một sự lãng phí. Bỏ ra cả trăm ơ-rô để bị kẹt ở bên trong đường hầm chết tiệt này trong khi ngoài kia thảo nguyên mênh mông. Giả sử đường hầm này lao ra ngoài vũ trụ, tất cả chúng ta chắc chắn sẽ chết… Mà nếu thật sự phải chết thì chết có đáng sợ không.

Vị bác sĩ nhủ thầm, một kẻ hoang tưởng.

Nhà văn lẩm bẩm, một kẻ mộng mơ.

Anh nhân viên nhà xác cười và tiếp tục những suy nghĩ.

Ở vận tốc 360km/giờ, chiếc tàu như mũi tên xé toác màn đêm chia thảo nguyên làm hai nửa. Nửa những quả đồi thấp lè tè với độ cao trung bình chỉ nhỉnh hơn bình nguyên phía dưới vài chục mét. Sườn đồi phủ kín những bụi hoa dại trắng muốt trải rộng đổ xuống từ đỉnh. Mỗi đợt gió thổi qua, cả quả đồi bồng bềnh như những lọn mây. Vào ban ngày ở vùng này cư dân chỉ là những con bò núc ních cặp mông tròn lẳn, dấu hiệu của một vùng cỏ non dồi dào. Người dân miền đông Pháp gọi vùng Vosges là thiên đường.

Đi hết thảo nguyên là đến vùng nước khoáng nóng nổi tiếng của dãy Vosges nơi có hệ thống nhà tắm nước khoáng nóng được xây dựng từ thời La Mã cổ đại vẫn đang được sử dụng. Vào thế kỉ XIX, Napoléon III đã chọn nơi đây để xây riêng một khách sạn để nghỉ dưỡng mỗi năm. Từ đó đến nay khoa học đã chứng minh, nước khoáng vùng Vosges có thể chữa bệnh đường ruột, bệnh khớp và rất nhiều những bệnh về da. Hàng năm, hàng trăm nghìn lượt khách du lịch từ khắp nơi đổ về Vosges kết hợp giữa chữa bệnh và du lịch tạo nên vẻ sống động cho một thành phố nhỏ vốn không có nhiều tiềm năng kinh tế. Rất nhiều hội thảo y tế đã chọn nơi đây làm nơi tổ chức.

Vị bác sĩ dừng đọc để suy nghĩ. Đây là lần thứ hai ông đến Vosges với tư cách là chuyên gia khoa tim mạch để tham gia vào cuộc hội thảo về một hiện tượng hết sức đặc biệt mà cho đến ngày nay, chưa ai đưa ra được câu trả lời xác đáng. Tất cả đều chỉ đều dừng ở mức độ giả thuyết. Là một nhà khoa học, bác sĩ chưa bao giờ tin vào yếu tố tâm linh. Đối với bác sĩ, hiện tượng này cũng giống như nhiều hiện tượng kì lạ khác vẫn xảy ra trong cuộc sống, chỉ có khoa học mới mang đến câu trả lời thích đáng, tâm linh không thể có chỗ đứng trong khoa học.

Cách bác sĩ vài hàng ghế là nhà văn. Nhà văn đến hội thảo với tư cách một tác giả nổi tiếng chuyên viết truyện kinh dị. Không khó để độc giả nhận ra, trong các câu chuyện của ông, các nhân vật thường có ít nhiều trải nghiệm với những yếu tố khác nhau và thường làm người đọc dựng tóc gáy.

Ngồi ở gần cửa ra vào là anh nhân viên nhà xác. Trước đây anh ta thuộc về vùng núi trung du này nên thuộc Vosges như lòng bàn tay. Anh ta đã từng đằm mình trong tất cả các dòng nước khoáng trước khi chúng đổ vào bể tắm của các khách sạn để phục vụ khách du lịch. Cuộc sống của anh ta từng tươi đẹp trước khi anh ta bị tai nạn ô tô. Nó biến anh ta thành một kẻ tự ti đến mức chạy trốn khỏi vùng đất mình từng gắn bó. Đó là lí do anh ta chọn công việc ở nhà xác bệnh viện. Nhưng cũng chính tại nhà xác, anh ta đã được chứng kiến rất nhiều trải nghiệm của những người tưởng như đã chết. Anh ta chính là nhân chứng gián tiếp của hàng chục trải nghiệm chết lâm sàng.

Ba con người, ba lí do khác nhau đến với hội thảo Những trải nghiệm chết lâm sàng.

Tàu vẫn lao đi với vận tốc chóng mặt. Ba vị khách vẫn ngồi tại vị trí của mình. Bất ngờ, từ phía đầu tàu, một tiếng nổ phát ra, tiếng va chạm của những vật thể lớn. Cả đoàn tàu rung lắc, chao đảo. Phanh tàu rít dài. Trong vài tích tắc, ánh sáng biến mất. Những âm thanh chói tai lịm dần rồi lặng hẳn, bóng tối trườn vào bên trong khoang tàu.

 

Minh họa: Lê Anh Vân

Người thứ nhất tỉnh giấc.

Sau một hồi dò dẫm, ngực trái đau đớn tưởng như có lưỡi dao mổ cắm phập vào, bác sĩ tỉnh giấc. Ông bất ngờ thấy mình đứng trong một đường hầm đen ngòm. Chết tiệt, trong lúc va đập, đôi mắt vốn tinh tường của một bác sĩ tim mạch hàng đầu đã bị ảnh hưởng rồi chăng. Đối với một bác sĩ, mất đi đôi mắt tinh tường cũng giống như một ca sĩ chuyên nghiệp mất đi giọng hát. Cố trấn tĩnh, bác sĩ tự hỏi liệu mình đã chết.

Thật may, cảm giác hoang mang chỉ thoảng qua như một cơn gió khi ông nhận ra ở phía cuối đường hầm một cánh cửa bật mở, lọt vào luồng trắng giống như thứ ánh sáng trong các phòng phẫu thuật. Theo phản xạ, bác sĩ bật dậy và bước về phía khoảng ánh sáng. Đón bác sĩ là một ông già mặc một chiếc áo choàng cài cúc phía sau lưng mà chỉ thoáng nhìn bác sĩ đã nhận ra đó là đồng phục dành cho các bệnh nhân. Bác sĩ nhận ra người đàn ông là bệnh nhân của mình từ nhiều tháng nay. Mối quan hệ bác sĩ, bệnh nhân theo thời gian đã trở thành mối tâm giao. Bác sĩ chữa bệnh cho người bệnh. Giữa họ, một sợi dây tri kỉ dần được kết nối.

- Tại sao ông lại ở đây? - Bác sĩ hỏi người đàn ông.

- Tôi chờ bác sĩ. Tôi không muốn để bác sĩ rời đi đơn độc.

Người đàn ông trả lời vẻ bình thản.

Câu trả lời vừa dứt và bác sĩ bắt đầu quan sát xung quanh. Căn phòng nơi họ đang đứng mênh mông, sáng rực rỡ. Những tia sáng xuyên qua người bác sĩ mềm mại như những cái vuốt ve. Nhìn kĩ người đàn ông, bác sĩ chợt nhận ra trên đầu ông ta có một chiếc vương miện được kết từ những chùm ánh sáng giống như ánh dương. Họ đang lướt đi giữa một vùng sáng dịu dàng.

- Bác sĩ không thắc mắc nơi đây là đâu ư?

Phòng phẫu thuật… Không phải, danh sách ghép tim vẫn còn dài mới đến tên của ông. Vậy thì đây là phòng thí nghiệm. Bác sĩ trả lời đầy tin tưởng.

- Không đúng. Đây chính là thiên đàng. - Ông già điềm tĩnh trả lời.

- Có thật tồn tại một nơi như thế chứ? - Bác sĩ hỏi lại ông già bằng giọng điệu của cuộc nói chuyện thường ngày.

- Có chứ sao không. Đó chính là nơi mà tôi và bác sĩ đang đứng. Bác sĩ có thể không tin điều tôi vừa nói. Nhưng tại sao bác sĩ không hỏi làm thế nào để tôi rời bệnh viện trong tình trạng sức khỏe hiện thời.

- Vâng, đúng thế. Ông đã đi đến đây như thế nào?

Ông già không trả lời ngay câu hỏi của bác sĩ. Bằng một động tác rất thân thuộc, ông cầm tay bác sĩ dẫn đi và bảo.

- Tôi đã lên đây trước bác sĩ. Vào buổi chiều hôm qua, lúc bác sĩ rời bệnh viện thì trái tim bệnh tật của tôi cũng ngừng đập. Nhờ thế nên tôi đã nhìn thấy những gì vừa xảy ra với đoàn tàu. Tôi đã đến ngay sau khi tai nạn xảy ra để đón bác sĩ vì không muốn bác sĩ đi một mình như tôi chiều hôm qua. Bác sĩ sẽ không giống tôi vì tôi sẽ chỉ đường cho bác sĩ trở về thay vì giữ bác sĩ ở lại nơi này.

Ông già dứt lời, một cánh cửa khác của căn phòng bật mở. Luồng ánh sáng chiếu tới lóa mắt. Sau một âm thanh chói tai, bác sĩ thấy toàn cơ thể run rẩy như đang đứng trong tâm một cơn địa chấn và thấy mình nằm sõng soài trên nền tàu...

Người thứ hai tỉnh giấc.

Cố mở đôi mi nặng trĩu như sức nặng của đôi cánh cửa hoen gỉ lâu ngày, nhà văn mở mắt. Khoang tàu đã biến mất. Nhà văn thấy mình đứng giữa một đường hầm sâu hun hút.

Ở vùng núi, vào cuối mỗi mùa đông, tuyết bắt đầu tan tạo thành những dòng chảy xiết thấm vào lòng đất trước khi luồn lách vào những mạch nước ngầm. Ở trên quãng đường đó, nước sẽ xuyên qua mái đường hầm gây ra những khe đứt gãy. Chuyến tàu của đêm qua là chuyến cuối cùng của mùa trước khi hãng đường sắt SNCF đóng cửa bảo dưỡng chờ mùa khô sẽ mở lại đường hầm.

Có lẽ nào trong lúc ngủ mơ, nhà văn đã đi lạc vào đường hầm xuyên núi? Nhưng bằng cách nào? Nhà văn cố nhớ lại nhưng không thể nào tìm ra câu trả lời.

Trong đường hầm vang lên giai điệu du dương của tiếng vĩ cầm và ánh sáng giống trong phòng phẫu thuật tim nơi nhà văn từng trải qua. Một người đàn ông với khuôn mặt thân quen tiến gần lại phía nhà văn. Dù cố tìm trong trí nhớ, nhà văn cũng không thể nhận ra người đàn ông là ai.

- Chúng ta đã từng gặp nhau? - Nhà văn hỏi người đàn ông.

- Ông là cha đẻ của tôi. - Người đàn ông trả lời.

- Tôi ư? Thật nhảm nhí. Tôi thậm chí còn không chạm tay vào một người đàn bà nào trong đời thì làm sao có thể sinh con. Anh là…

Không có câu trả lời của người đàn ông.

Trong một tích tắc, nhà văn bỗng thấy mình đứng trước màn hình rộng. Người đàn ông đứng kế bên anh. Màn hình bật mở. Những hình ảnh cuộc đời của nhà văn đang được chiếu trên đó, rõ ràng đến từng chi tiết. Bất ngờ đến thảng thốt, nhà văn tìm sự giải thích nơi người đàn ông. Khuôn mặt bình thản, người đàn ông đáp trả.

- Ông vẫn thường nói, công việc của một nhà văn chính là quan sát thế giới, nói chuyện với thế giới, cố gắng tưởng tượng ra những bí mật mà thế giới đang cất giấu. Nhưng ông lại quên mất một điều rằng thế giới cũng quan sát lại ông, ghi nhớ từng hành động của ông và thậm chí còn hướng ông đi đến đúng cái kết mà chính ông không thể lường trước.

- Thật nhảm nhí. Chỉ có những kẻ điên mới không thể quyết định cái kết của cuộc đời mình. - Nhà văn đáp lại. - Tôi là nhà văn, là người duy nhất quyết định cái kết của câu chuyện của người khác và của chính tôi.

Người đàn ông khẽ gật đầu thể hiện sự đồng ý và nói tiếp.

- Rất có thể, nhưng đó chỉ là trong những câu chuyện do ông viết ra. Ông nghĩ rằng thông qua các tác phẩm của mình, ông sẽ kiểm soát thế giới thậm chí là cả định đoạt sự sống còn của một ai đó dưới danh phận nhân vật do ông tạo ra. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện không nằm dưới quyền kiểm soát của ông. Không có nhà văn, thế giới vẫn vận hành.

- Không đúng, chúng tôi tái tạo thế giới giúp nó trở nên văn minh hơn.

Lần này thì người đàn ông cười to thành tiếng.

- Thế giới sinh ra trước hết thảy các nhà văn. Nhà văn không tái tạo thế giới mà chỉ vẽ lại nó bằng ngôn từ. Uy quyền duy nhất mà các nhà văn có được chính là tạo dựng nên những nhân vật từ các hình mẫu có thật ngoài đời. Tôi là một ví dụ của trò chơi tạo hình này. Ông đã tạo ra tôi, cho tôi đầy đủ những phẩm chất của một quý ông, biến tôi thành nhân vật chính. Độc giả yêu quý tôi. Họ muốn ông viết thêm về tôi. Nhưng ông đã chán tôi. Ông sợ độc giả chỉ nhớ đến nhân vật mà quên đi danh tiếng của người tạo ra nhân vật nên đã quyết định để tôi chết một cách oan ức với suy nghĩ một cái kết buồn sẽ khiến độc giả nhớ thương nhiều hơn là một cái kết hoàn hảo.

Sau một vài giây bất ngờ trước thái độ của người đàn ông, nhà văn nhếch mép cười.

- Và tôi đã đúng. Những tác phẩm của tôi thường được độc giả nhớ đến rất lâu thậm chí người ta còn ghét cả tôi dù họ vẫn trông chờ tôi viết những phần tiếp theo của câu chuyện.

Người đàn ông mím môi. Có vẻ như những lời khuyên của anh ta không chạm đến được tính tự cao tự đại của nhà văn.

Cuối cùng để phá vỡ im lặng, người đàn ông vẫn lên tiếng.

- Vì sao anh không dành chút thời gian để đọc lời bình của độc giả?

- Bởi vì độc giả đọc cuốn sách mà họ muốn đọc, không phải là cuốn mà tôi muốn viết.

- Ông có biết rằng độc giả tìm kiếm sự an ủi trong những câu chuyện của các nhà văn?

- Tôi rất ghét dòng văn học mang đến sự an ủi. Với tôi, văn học không nên chỉ có thiên chức chữa lành và hàn gắn những vết thương của thế giới. Đó không phải là liều thuốc tiên.

Người đàn ông gật gù, gần như thừa nhận với chính bản thân anh ta sự thất bại trong cuộc hội thoại với người khai sinh ra anh ta.

- Ông có nghĩ rằng ông không khác một tên độc tài khi tự mình quyết định số phận của một nhân vật?

Lúc đó tiếng vĩ cầm lại vang lên. Nhà văn nhận ra những giai điệu quen thuộc. Đó là bản nhạc đã phát trong phòng phẫu thuật năm ngoái. Vị bác sĩ phẫu thuật cho anh từng nói, âm nhạc có thể chữa lành mọi vết thương kể cả những vết thương gây sự tổn hại sâu sắc.

Nhà văn trả lời người đàn ông.

- Nhân vật không phải là một con người. Họ không có linh hồn nên không bị tổn thương.

Câu trả lời của nhà văn khiến người đàn ông tức giận. Anh ta hét lớn.

- Ông tạo ra chúng tôi, nhưng ông lại không coi chúng tôi là con người trong khi độc giả lại coi chúng tôi là một trong những con người tồn tại trong thế giới của họ. Ông là một nhà văn đê tiện.

Bị mắng bởi chính nhân vật do mình tạo ra, nhà văn lùi lại phía cửa đường hầm tìm cách thoát ra khỏi sự đeo bám của nhân vật nhưng đã quá muộn. Tiếng quát to đến nỗi đường hầm bỗng rùng mình rung lắc hệt như lúc tai nạn mới xảy ra. Ánh sáng vụt tắt cùng với âm nhạc. Đôi mắt của nhà văn trĩu nặng và khép chặt, cơn rùng mình đang đến.

Khi cơn rùng rình qua đi, nhà văn mở mắt thấy mình đang nằm bất động trên nền tàu…

Người thứ ba tỉnh giấc.

Trước khi tiếng rít rợn tai của tiếng còi phanh xe được kéo lên, không gian bên trong và bên ngoài khoang tàu bừng sáng. Thảo nguyên mở rộng ngay trước mặt anh nhân viên nhà xác, rực rỡ hương sắc. Anh nhìn thấy những cây sồi sần sùi vươn những cánh tay chắc khỏe ôm trọn thảo nguyên vào lòng.

Một người thông thuộc vùng Vosges như anh thì chỉ cần nhìn thoáng qua cũng biết là những cây sồi cổ kính tuyệt đẹp. Anh dừng lại, nhắm mắt, hít căng lồng ngực, tận hưởng những âu yếm vuốt ve của bao mắt lá. Bất chợt anh nghe thấy tiếng róc rách của con suối nhỏ. Tiếng róc rách mỗi lúc một rõ ràng và đều đều. Anh mở mắt.

Ở giữa hai ngọn đồi phủ những khóm hoa mua tím cùng những bông cúc vàng óng ả và một vài vạt hoa pâquerette trắng muốt là một dòng suối nhỏ mềm mại, nước trong đến mức có thể nhìn thấy những con cá nhỏ li ti. Chưa bao giờ, kể cả những năm tháng tuổi thơ vô tư đùa nghịch xuyên qua các thảo nguyên, anh được chứng kiến một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ đến thế.

- Đây chính là thiên đàng. - Anh thốt lên.

Suy nghĩ được đặt chân đến thiên đàng khiến anh lâng lâng sung sướng, cảm giác cơ thể nhẹ bẫng. Hình như anh đang bay. Đúng thế anh đang bay.

Từ độ cao gần ba mét so với mặt đất, anh nhìn xuống nền tàu nơi có ba cơ thể bất động nằm giữa lối đi của khoang tàu. Anh nhận ra một trong ba cơ thể đó. Người cao lớn nằm sát lối cửa ra vào của khoang tàu chính là anh. Không thể nào đó là sự thật. Anh đang bay cơ mà. Chết tiệt. Anh bắt đầu lúng túng không hiểu điều gì đang xảy ra.

Một chút thương cảm, anh hạ thấp độ cao cúi mặt nhìn cho rõ người nằm bất động phía dưới.

Trên khuôn mặt anh vẫn còn hằn những nét thảng thốt, bất ngờ của tai nạn, nhưng đôi môi hình như vẫn khẽ cười, bàn tay vẫn nắm chặt cây thánh giá. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh được nhìn từ vị trí khác lạ. Anh nhận ra mình là một người đàn ông đẹp với cơ thể cân đối, khuôn mặt góc cạnh, nước da bánh mật rất bắt mắt.

Sau khi ngắm chính mình, anh nhân viên nhà xác bỗng thanh thản, cảm giác cởi bỏ những định kiến bản thân giúp anh nhẹ nhõm hẳn. Hóa ra bấy lâu nay vấn đề của anh không phải là những hậu quả của vụ tai nạn mà chính là cảm nhận về bản thân mình. Bây giờ anh có thể thảnh thơi để tận hưởng thảo nguyên mênh mang.

Hai tay dang rộng, anh đang trôi đi giữa vùng bình nguyên bạt ngàn gió. Trên bầu trời, ánh dương tỏa một luồng ánh sáng trắng dịu Đôi chân của anh không bước mà lướt đi trên những thảm mây bồng bềnh tinh khôi. Chỉ cần liếc qua, anh cũng nhận ra mình đang ở thiên đàng với đủ những sắc màu bung biêng, cảm giác hạnh phúc vô biên bao bọc.

Anh nhân viên nhà xác cứ hồn nhiên lang thang trên thảo nguyên. Anh sẽ không vội vã quay trở về trước khi thăm hết các vùng miền tuyệt đẹp.

Đang mơ màng, anh nghe một tiếng rít của phanh tàu, một âm thanh chói tai. Con tàu rùng mình rung lắc hệt như lúc tai nạn mới xảy ra. Tất cả diễn ra trong vài tích tắc nhưng anh nhớ rất rõ khoảnh khắc anh nhập hồn vào cơ thể mình. Tất cả giống như một phân cảnh mà anh từng đọc trong một cuốn truyện kinh dị mới đây.

*

* *

Tiếng trực thăng mỗi lúc một dồn dập, cộng hưởng tiếng còi cứu thương chạy từ phía thành phố. Ba chiếc cáng thương được đặt cạnh nhau trong lúc chờ xe cấp cứu đến. Tiếng chẩn đoán của các bác sĩ cứu hộ để phân loại nạn nhân vang lên rõ mồn một. Anh nhân viên nhà xác mở mắt nhìn sang phía nhà văn. Anh ta nở nụ cười nói một mình đủ to để nhà văn và vị bác sĩ nghe thấy.

- Thật ra cái chết không hoàn toàn đáng sợ.

Lần đầu tiên từ lúc lên tàu, nhà văn nở nụ cười với anh nhân viên nhà xác và thì thầm đủ để cho vị bác sĩ cũng nghe thấy.

- Nhân vật cũng có linh hồn. Một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ lại gặp nhau ở một nơi nào đó.

Bác sĩ sau vài giây đắn đo cuối cùng cũng cất tiếng.

- Những ai đã từng qua cửa sinh tử rồi sẽ đều thay đổi...

Q.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)