. NGUYỄN THỊ TOÀN
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
Chiều hè nhưng không nắng gay gắt như vài ngày trước. Gió từ con sông quê mang theo hơi nước mát rượi. Phía nhà bác Trực, lễ nhận anh em, họ mạc của thằng Kiếm con cô Xinh đến hồi cao trào. Tiếng loa xen tiếng vỗ tay, tiếng người hỉ hả chốc lại rộ lên. Người làng, kẻ mừng cho cô Xinh, nhưng cũng không ít kẻ vẫn nguýt mỏ bĩu môi cười khẩy. Làng quê không như thành phố, lại càng không giống trời Tây, có những vết nhọ bám mãi. Mấy ai có tài, đức để rửa cho mẹ như thằng Kiếm. Bao năm qua, nó tài trợ cho trường học, đóng góp làm đường sá thôn. Rất nhiều người trước đây hắt hủi, chế giễu thằng Kiếm là con hoang giờ cũng đang có mặt hỉ hả nói cười. Họ lấy nó ra khoe khoang, hãnh diện, vơ công với thiên hạ: Nó người làng tôi đấy! Ngày xưa...
Ngày chưa tắt hẳn, trăng bắt đầu ló phía rặng tre, tôi lững thững đi ra cánh đồng làng. Hình ảnh tụi trẻ trâu tóc vàng màu nắng, mặc những chiếc áo bạc màu đầy mảnh vá lấp loáng đâu đây làm cay sống mũi. Quê hương đã thay da, đổi thịt, những tưởng mọi câu chuyện thuận theo tự nhiên đã nhận về số phận của nó, ngờ đâu vẫn có một câu chuyện không theo lẽ ấy. Chuyện này phần nào cũng ở tôi, bởi ngoài người trong cuộc, có lẽ chỉ mình tôi biết. Ngót mấy chục năm nó chìm nghỉm như hòn sỏi ném xuống đáy hồ. Nhưng giờ…
Câu chuyện đang diễn ra khiến ngôi làng nhỏ bé này xôn xao mấy ngày nay. Kí ức xưa sống dậy khiến tôi bần thần, lòng ắp đầy cảm xúc. Kể từ khi xa xứ, khoảng chục năm đầu tiên, tôi lặng tiếng im hơi vì lí do cá nhân, dù nhiều khi nhớ quay quắt cha mẹ, người thân và cái xóm nghèo, nơi tôi đã lớn lên với bờ sông, bãi sú; những lúc triều dâng sóng xô ì oạp, bọn trẻ trâu bơi lội, đuổi bắt cà da, vô tư khỏa nước; những chùm khói bay lên từ những mái bếp rạ trong làng lúc chiều tà…
*
* *
Có một chuyện khắc dấu, luôn xuất hiện trong tôi mỗi khi kí ức trở về. Đó là chuyện nhà chú Tư. Ngày địa phương thông báo tổ chức truy điệu cho chú, tôi nằng nặc đòi bà cho sang nhà chú thật sớm. Trời rét buốt. Tôi từ trên giường bước xuống thấy nền nhà, đất khô cong và đổi màu bạc phếch. Ngoài sân con gà hoa nổ xòe cánh che đàn con co ro chẳng chịu bới mồi. Gió bấc hun hút. Hàng xóm như bớt ồn ào hơn, nhà ai cũng đóng cửa im ỉm. Mẹ mở tủ lấy ra chiếc áo bông chần màu đỏ bảo tôi mặc vào cho khỏi rét. Chưa đóng xong chiếc cúc cuối cùng, tôi đã vọt đi.
Tôi không hiểu lễ báo tử là gì. Chú Tư mới đi bộ đội được mấy tháng. Hôm chú lên đường, cả xóm tiễn ra đầu đình, tôi cũng đi theo, còn được chú bế bổng lên nữa. Cảnh tượng buổi truy điệu làm tôi ngỡ ngàng hiểu lơ mơ nhưng cũng biết không phải chuyện vui. Một chiếc bàn phủ cờ Tổ quốc. Rầm rĩ tiếng khóc của cô Xinh vợ chú. Cô kêu gào lăn lộn. Tôi không nhớ hết. Hình như cô trách cứ chú. Không, hình như cô rất đau lòng. Chú hẹn với cô đi đánh giặc, tết về, mua quần áo đẹp cho cả nhà nhưng rồi chỉ có tờ giấy báo tử kia trở lại. Xung quanh hàng xóm cũng sụt sùi. Mắt ai cũng đỏ hoe. Tôi ngơ ngác nghe, thần người nghĩ ngợi, ngó nghiêng chỗ này chỗ kia. Bà tôi tới bên từ lúc nào cúi xuống bảo: “Chú Tư hi sinh rồi, không về được nữa, cả đơn vị bị bom Mĩ thả trên đường vào Nam…”.
Cô Xinh rộc hẳn đi, đôi mắt vô hồn, thâm quầng. Hàng xóm thay nhau tới động viên, chăm sóc. Thằng cu Cần, em út chú Tư, mới lên sáu, chẳng hiểu mô tê gì, đứng đầu ngõ chặn bọn trẻ trong xóm lại:
- Tao không cho chúng mày xem đám ma nhà tao đâu.
Bọn trẻ nghệt mặt ra, đứa nào khéo nịnh, biết làm cho nó xuôi thì nó buông tay xuống, đồng nghĩa với việc cho vào nhà. Còn lại mấy đứa nữa cứ đứng ngoài bờ rào bồ kết gai cố kiễng chân ngấp nga ngấp nghển nhìn vào trong xem người ta khóc. Mấy đứa trẻ trước khi bỏ đi còn nói đổng:
- Được rồi, đến lúc nhà tao có đám ma mày cũng đừng hòng xem.
Tôi ngẩn mặt ra, thầm trách thằng Cần, nghĩ: khi nào nhà tao có đám ma, bọn mày cứ xem thoải mái. Bà Cạc, mẹ chú Tư, ngồi gục ở góc sân người rũ như tàu lá chuối héo, giọng khản đặc phều phào hờ con: Ối Tư ơi là Tư ơi! Cục vàng thì mất, cục đất thì còn…
Bà hờ vậy vì chú Tư có một người em trai kế chú tên Lập, người đơ đơ, suốt ngày ngẩn ngơ cười, chẳng biết làm gì, ngật ngừ đi gật về lắc. Nhiều lần máy bay giặc rít trên đầu, còi hú, bom nổ mọi người xuống hầm hết, nhưng chú vẫn coi như không, đứng trên mặt đất nhe răng cười, thậm chí còn giơ tay lên giả súng miệng pằng pằng liên hồi. Ấy vậy mà bom đạn tránh chú, chưa bao giờ chú mảy may bị sao, dù không ít gia đình trong làng chết cả nhà vì hầm trúng bom Mĩ.
Lần đầu tiên tôi hiểu, người chết là ra đi không bao giờ trở lại, không bao giờ gặp nữa. Mấy ngày liền cô Xinh không ăn, người lả đi. Mấy bà còn rang gạo vàng lên rồi nấu cháo lấy nước cho cô uống. Thằng Cẩn chẳng biết buồn, cứ hết chặn ngõ lại la cà cùng đám trẻ hái hoa bồ kết dại bó thành từng chùm bày lên mặt bể. Loài hoa này vàng suộm, nhìn thì đẹp nhưng ngửi hắc rất khó chịu. Vậy mà bọn chúng vày vò, bó lại rồi bứt cánh suốt ngày.
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
Những ngày đó làng quê chỗ nào cũng xôn xao chuyện chú Tư. Ai cũng đau xót. Vài tháng trước chú còn ở làng, luôn miệng huýt sáo. Mỗi lúc có máy bay Mĩ xuất hiện trên bầu trời là chú lại bắc loa, trèo lên ngọn cây gạo đầu đình thông báo cho bà con xuống hầm trú ẩn. Cả làng từ người già tới em bé, ai cũng quý mến chú. Trong xóm, nhà ai có việc nặng nhẹ gì cũng gọi chú. Mất chú rồi, cả làng cùng đau lòng. Tôi nhớ cái hầm chữ A bên cạnh cây chanh đầu nhà, nơi cả nhà tôi trú bom cũng do chú hướng dẫn, giúp đào đắp. Chú Tư khéo tay, hàn dép rất giỏi. Chú hơ thanh sắt lên bếp lò cho đỏ rồi khẽ đặt vào chỗ đứt vuốt khẽ một cái, nhựa bốc khói xèo xèo khét lẹt. Tay chú thoăn thoắt, loáng cái là xong. Những chỗ hàn, không nhìn kĩ không phát hiện ra, vì thế, ai bị đứt dép cũng đến nhờ chú. Hình như chú chẳng bao giờ từ chối ai điều gì. Đã vậy, công việc dù nặng nhọc thế nào, chú vẫn vừa làm vừa huýt sáo… Bao nhiêu kỉ niệm về chú, tôi nhớ hết.
Cô Xinh vợ chú nhà ở xóm Liễu bên kia bờ mương dạy cấp một. Cô không những có chữ nghĩa mà còn là người nổi tiếng dịu dàng, xinh đẹp. Hồi mới yêu nhau, những đêm hè trăng sáng, cô vẫn sang sân hợp tác, cùng các cô chú đoàn viên dạy bọn trẻ múa hát. Cô vẫn đi tát nước với chú Tư rồi làm nhiều việc nhà cho bà Cạc. Có hôm bà ốm, cô còn ngủ với bà. Hàng xóm xung quanh xì xèo cô mất nết, chưa trầu héo cau khô, đã phải dâu con gì đâu mà vác xác sang nhà người ta ngủ. Nghe vậy, cô chỉ cười, không thanh minh thanh nga. Cưới nhau xong thì chú Tư lên đường vào Nam. Lúc chú ra đến ngõ bà Cạc còn dặn với:
- Vào Nam, gái Nam ngọt mồm cũng nhớ giữ mình, đừng quên ở nhà có vợ rồi đấy.
Chú Tư quay lại cười ha hả:
- Bu cứ chuẩn bị nuôi con lợn, con về mổ khao đầy năm cháu đích tôn, chắc chắn quân ta chỉ dăm bảy trận nữa là đại thắng. Con về khéo lợn của bu chưa kịp lớn.
Cô Xinh nghe chú nói thì đỏ mặt.
Ở nhà, ngoài giờ dạy học, cô Xinh cũng làm ruộng cùng bà Cạc. Lúc nào nhìn ống xà cạp dưới chân cô cũng đỏ quạch vì phèn chua bám vào. Mỗi khi cô cởi nó ra rửa, dù không muốn, không ai có thể cưỡng ánh mắt liếc xuống đôi chân thon trắng nõn nà. Ngày chú Tư chưa đi bộ đội, tối đến cô chú vẫn hò đối đáp với nhau. Nhất là những đêm trăng sáng, hai bên bờ đầm, trai gái từng tốp kéo nhau ra cùng hò hát tới nửa đêm. Bọn trẻ choai choai ra nghe say sưa không sót buổi nào. Trong khi hò đối đáp, có đôi trao nhau lời dịu dàng, có đôi lại hò điệu cay ca. Bến Đầm đêm nào cũng rộn ràng.
Bà tôi chẳng ưa gì bà Cạc, vậy mà hôm báo tử chú Tư, bà vứt bỏ hết việc nhà, chạy xuống nhà bà Cạc, đi ra đi vào săn sóc, động viên đến đêm cũng chẳng chịu về. Từ ấy, không bao giờ nghe thấy bà tôi và bà Cạc lộn xộn, nói xấu nhau nữa. Bọn trẻ trong xóm, chẳng đứa nào bảo đứa nào, cũng lễ phép hơn với bà Cạc.
Nhà cô Xinh chung bờ rào với nhà tôi. Sau khi bà Cạc mất, cô để lại nhà cho chú Lập cùng thằng Cẩn, trở về nhà mẹ đẻ. Cô rất quý tôi, hay gọi tôi sang góc sân ngồi để cô bắt chấy, tết tóc. Có lần, cô nhờ tôi đưa thư cô viết cho bác Trực, cô dặn tôi đừng nói cho ai biết. Có lẽ cô tin tôi là đứa trẻ biết giữ bí mật. Tôi biết hai người có hẹn hò nhưng tuyệt không nói lại với ai, kể cả bà và mẹ. Cả xóm thì vẫn yên, không ai biết họ phải lòng nhau. Ngoài những bức thư ra, tôi còn một bí mật nữa về họ, có thể coi là chuyện “động trời”.
Tôi nhớ, sẩm tối hôm ấy, tôi lấy cần câu, cuốc vài con giun và đi thẳng xuống ao nhà bác Trực. Đó là cái ao rất lớn. Xung quanh tre dây um tùm. Những bụi tre mọc lòa xòa kín cả bờ. Tôi ung dung chui vào một bụi thả câu. Cá ao nhà bác Trực nhiều, có lúc nổi lên dày đặc. Trời nhập nhoạng tối, vài con cá rô câu được để bên cạnh tôi thi thoảng lại giãy rùng rục. Từ ngõ nhà tôi, tiếng bà nội, tiếng anh và mẹ bắc loa tay gọi liên hồi. Tôi đang định chui ra thì bất ngờ, cô Xinh ở đâu mang bèo xuống cầu ao rửa. Tôi nhẩm tính, chờ cô rửa xong, bê giành bèo đi sẽ xách cần câu với túi cá về. Tôi nín thở nằm im trong gốc tre rất gần cô, tưởng như tiếng thở mạnh một chút cô sẽ phát hiện ra. Cô đang lúi húi cầm giành bèo xoay xoay, giũ giũ thì bác Trực trong nhà thủng thẳng đi ra. Hình như bác biết đúng giờ ấy, cô Xinh đến. Bác rón rén xuống cầu ao, bước đến tận bậc cuối rồi ôm chầm lấy cô. Mắt tôi căng ra. Tôi tưởng cô Xinh sẽ la làng. Nhưng lạ thay, cô cũng buông giành bèo ra và ôm chặt lấy bác Trực. Nhà bác Trực cuối xóm, lại sát triền đầm nên chẳng ai đến vào lúc đó. Vợ và các con bác đã chuyển đi vùng kinh tế mới. Vì vậy, căn nhà với cái ao đầy cá và vườn cây um tùm này chỉ mình bác ở. Tôi căng hết tai mới nghe được tiếng bác Trực:
- Lũ cá nhà anh khôn lắm, cho nó ăn, anh vẫn gọi tên em. Nghe thấy anh gọi là chúng nhao nhao tới.
Cô Xinh cũng hỏi nhỏ:
- Cá nhớ em, thế anh có nhớ em không?
Rồi họ kéo nhau lên góc vườn. Bác Trực kéo tung hàng cúc bấm trên áo cô Xinh và gục mặt vào bộ ngực căng tròn, động tác vồ vập, hối hả. Tôi nghe rõ cả hơi thở gấp gáp của họ.
Tối rồi, vừa sợ chuột, vừa muỗi đốt, vừa sốt ruột nghe cả nhà réo gọi, người tôi run lên như phát sốt. Tiếng thì thào của họ cứ nhỏ dần.
Vài tháng sau, cái bụng cô Xinh lùm lùm rồi nặng nề không giấu được ai. Buổi tối, buổi trưa, cuộc tụ tập nào người làng cũng xì xào. Họ nói cô là vợ liệt sĩ mà hủ hóa, chửa hoang. Đi làm công điểm, dù là việc chung, cũng không ai muốn kết hợp với cô. Các cô gái dàn hàng ngang trên ruộng cấy cũng tách hẳn cô ra, một mình cô một lối. Tát nước khau đôi hai người cùng kéo sẽ nhẹ nhàng, còn cô phải dùng gầu sòng, ì ạch múc từng khau nước. Tội nghiệp cô cứ lủi thủi chẳng nói chẳng rằng. Nhà cô chỉ có một mẹ một con. Mẹ cô đã sớm bị lòa, hàng ngày chỉ ở yên trong nhà, chẳng đi đến đâu.
Cô Xinh sinh, đứa con khỏe mạnh nhưng cô rất yếu vì băng huyết. Cũng thời gian đó, một buổi tối, mẹ tôi đi họp xã viên về, vừa vào góc sân đã to nhỏ với bà chuyện bác Trực bán xong nhà, ra vùng kinh tế mới cùng vợ con rồi.
*
* *
Bác Trực giờ đã thành người thiên cổ. Cô Xinh, người vợ không chính thống của ông vẫn ở làng quê. Đứa con của họ cũng lớn dần lên và trở thành một tiến sĩ, giáo sư. Cuộc đời cứ cuốn đi như thế, chẳng bao giờ ngưng lại. Câu chuyện của họ vẫn là bí mật mà tôi cất giữ bao năm.
Tôi bỗng cảm thấy có lỗi. Tôi tưởng giữ chặt câu chuyện quá khứ ở trong lòng mới là người quân tử. Tôi không biết cô Xinh đã phải chịu những búa rìu gì. Trẻ con, một đứa trẻ lên mười, chưa nghĩ được, có thể tha thứ. Nhưng lớn lên, đã có rất nhiều cơ hội, nhưng tôi im lặng, chẳng làm gì để giúp mẹ con cô.
Vài năm sau, mấy đứa con bác Trực về quê, trả giá cao mua lại khu nhà cũ để làm một ngôi nhà chung hoành tráng làm từ đường. Mảnh đất này của ông cha họ. Có một lần, cách đây khá lâu, tôi tham gia một cuộc tụ tập bạn bè nhân dịp về thăm quê do thằng Trinh, con bác Trực, khi ấy đã khá giàu có, mời bạn bè một chuyến du lịch ba ngày ra đảo. Lần ấy, nó chi khá tiền. Thằng Kiếm khi đó, chắc mới học cấp hai. Cô Xinh gặp tai nạn bị thương ở chân, không chữa được để thành tật, đi lại vô cùng khó khăn. Để nuôi con ăn học, cô vẫn hàng ngày gồng lên, làm đủ việc mà cô có thể làm. Một cái lều xiêu vẹo ở góc chợ làng là nơi mỗi ngày cô mua đi, bán lại kiếm lời. Quả thật, lần ấy, tôi đã định nói ra với Trinh câu chuyện về thằng Kiếm. Nhưng chẳng hiểu thế nào, tôi lại im.
Tận hôm nay, tôi cũng không hỏi ngọn ngành xem vì sao cái kim trong bọc lại lộ ra trong khi cả hai vợ chồng bác Trực không còn nữa. Chắc là từ phía cô Xinh… Rồi tôi vẩn vơ nghĩ, nếu thằng Kiếm không phải thành đạt như bây giờ mà vẫn trên răng dưới đạn thì mấy ông con bác Trực có nhận nó không nhỉ? Mà biết đâu, bác Trực trước khi mất đã tiết lộ cho các con, và giờ họ mới là người tìm đến? Nhưng dù ai tìm đến ai thì cũng là một cái kết vô cùng tốt đẹp.
Còn lại một mình tôi bên tách trà đã nguội. Tôi nghĩ về cô Xinh. Sau khi sinh thằng Kiếm, cô từ chối chế độ vợ liệt sĩ, bỏ nghề giáo viên. Nếu không có chiến tranh, chắc cô Xinh sẽ rất khác… Thằng Kiếm xây nhà lại cho cô khang trang nhất xóm. Nó muốn đón cô lên thủ đô nhưng cô nhất định không chịu. Có lẽ, cô không thể xa được ngôi làng nơi cô đã vất vả lam lũ, chịu tủi nhục suốt nửa cuộc đời. Mấy lần gặp lại cô, tôi đều thấy cô cười tươi. Chưa bao giờ tôi nghe cô phiền trách, kêu ca ai cả. Cô bảo tôi, làng mình nghèo nhưng dễ sống, chịu khó buôn đầu chợ, bán cuối chợ cũng không sợ đói. Mất mùa xách giỏ xuống sông kiếm con cáy, con còng, đầy việc. Dân mình thô nhưng thật thà, chất phác, hiền lành. Chẳng đâu bao dung như quê đâu cháu ạ.
Ngôi làng xa xôi, đồng chua nước mặn, bao nhiêu người trong đó có tôi, có cơ hội là bỏ xứ ra đi mong được đổi đời. Còn cô sống, chết với mảnh đất này, vượt qua tất cả, thanh thản giữ lại cho mình lời cảm ơn sâu sắc về quê. Làng tôi trước giờ không có được truyền thống hiếu học, giờ có một vị giáo sư trẻ, cả làng cũng được thơm lây. Giờ đây, nhà nhà nhìn gương cậu nhắc nhở con cháu. Cô Xinh chính là người mẹ vĩ đại đã góp phần làm nên kì tích. Chuyện cũ trôi đi, sau mấy chục năm, giờ cái tên “Xinh chửa hoang” đã được người làng gọi lại là “mẹ giáo sư”.
Những tia sáng của một ngày tắt hẳn. Trăng đang buông phủ xuống làng quê một thứ ánh vàng yên ả và tĩnh mịch. Lác đác ánh đèn điện từ những ngôi nhà trong xóm được bật lên. Đêm sâu dần, trong vườn bảng lảng chút hơi sương, gió mang theo hơi nước từ khu đầm ba xã rộng lớn, lan tỏa nhẹ nhàng. Làng quê vẫn còn giữ nếp ấy, những ngày sáng trăng, điện đường cũng thắp muộn. Xa xa, từ phía bờ sông, tiếng sóng vọng về rì rầm không ngớt như kể lại với bờ cát ướt đẫm những câu chuyện xa xưa về người làng tôi.
Bầu trời đêm cao lộng, trăng vẫn không ngừng rắc những ánh vàng chơi vơi xuống làng quê.
N.T.T
VNQD