Ai đến viện dưỡng lão rồi cũng sẽ khóc

Thứ Ba, 07/03/2023 14:09

. NGUYỄN HÀ PHƯƠNG THẢO
 

Trong căn phòng khung tranh và màu vẽ rơi ngổn ngang của Diệp, Lâm Anh ngồi vắt vẻo trên ghế, chân gác hờ lên bàn tạo một tư thế thoải mái nhất để đọc sách. Thật không ra dáng một kẻ ham đọc sách chút nào. Nhưng có bao nhiêu kiểu người trên trái đất này cơ chứ, không có một quy tắc nào đặt ra người đọc sách phải ngồi như thế nào thì mới giống “người đọc sách” cả. Nhưng Diệp vẫn rất không thuận mắt với tư thế ngồi thiếu nghiêm túc của em trai đối với việc đọc sách. Với Diệp, đối diện với sách vở phải có một thái độ nghiêm túc, tôn trọng nhất định. Và nó càng không thể tin một người với bất kỳ sự việc nào trên đời đều có thái độ hờ hững như Lâm Anh lại vừa khẳng định một câu chắc như đinh. "Ai đến viện dưỡng lão lúc trở về đều sẽ khóc thôi. Những ông bà ở đấy đều rất tội nghiệp. Em thấy chị nên dừng việc bảo bố mẹ đưa ông bà ngoại đến viện dưỡng lão đi".

Diệp không mấy để tâm lời em trai vừa nói. Ở viện dưỡng lão, chẳng qua đều là những ông cụ, bà cụ không còn khả năng tự chăm sóc cho bản thân và con họ thì quá bận rộn. Thế là viện dưỡng lão được sinh ra. Người ta đến đó để được chăm sóc thì chẳng có lí do gì để khóc. "Chị Diệp, em đang nói chuyện với chị đấy". Thấy Diệp không trả lời, Lâm Anh lại lên tiếng. "Cả ông và bà đều tới đó, vừa có người bầu bạn, vừa có người chăm sóc. Không có gì bất tiện và không nên ở đây cả" - Diệp đáp.

Hai chị em tranh luận một hồi. Giữa cuộc cãi vã, Lâm Anh khựng lại nhìn chị gái chừng vài giây rồi thở dài. "Chị là đồ ích kỉ. Chẳng lẽ sau này bố mẹ già, chị cũng định hất tay đưa họ đến viện dưỡng lão sao". Sau đó buông sách rồi rời đi.

Diệp nhún vai. Nó đang cố gắng thuyết phục bố mẹ đưa ông bà ngoại đến viện dưỡng lão. Ở nhà họ còn quá nhiều công việc phải lo toan.

Quay lại với bức tranh đang vẽ dở, Diệp vẽ mùa xuân dù bên ngoài cửa sổ mùa đông mới đi được một quãng đường. Những bông hoa hồng hồng, đỏ đỏ li ti trong gió, nhưng hình như không đạt được cảm giác, không khí khoan khoái. Quệt một vệt màu hồng vào giữa bức tranh rồi thẳng tay ném chiếc cọ đi, Diệp bần thần nhìn đầu cọ cắm xuống đất còn đọng lại rất nhiều màu.

Cả tuổi thơ của Diệp không có những kỉ niệm gắn bó vui đùa với ông bà. Suy nghĩ của Diệp về người già chỉ đơn giản là đối với họ cần có một thái độ kính trọng về tuổi tác, thế là đủ. Đưa ông bà đến viện dưỡng lão cũng chỉ là muốn cho bố mẹ đỡ vất vả.

Năm nay Diệp được nghỉ Tết sớm, hai chị em thu dọn hành lý về nhà với chiếc vali cỡ trung. Dù luôn mong muốn bay cao bay xa, cố gắng để trụ lại thành phố thế nhưng khi hoa đào rải rác trên những gánh hoa bán rong đường phố thì ai ai cũng muốn về nhà, về với gia đình khói từ bếp nghi ngút bay lên.

Mẹ bận rộn trong bếp vừa chuẩn bị đồ cúng, đồ biếu vừa tất bật chạy sang lo cho ông bà ngoại. Bà ốm yếu ngồi một chỗ, còn ông cũng đã là một ông cụ ngoài 80 lẩm cẩm. Ngoảnh đi ngoảnh lại, mấy ngày Tết cũng trôi qua.

Tháng giêng, mưa rơi tí tách cả ngày trong thị trấn nhỏ, nhịp đều như kim đồng hồ treo tường. Diệp ngồi trên giường gấp đồ, cánh cửa kêu kẹt một cái, mẹ bước vào. Khoảnh khắc cửa vừa mở ra, gió lạnh len vào trong từng tấc da, tiết trời ẩm ướt khiến Diệp không khỏi rùng mình. Mẹ ngồi xuống giường, khẽ khàng nói:

- Ngày mai đi rồi, sang thăm bà ngoại một chút đi con.

Nhà bà ngoại ở hướng mặt trời mọc, cách nhà Diệp vài ngôi nhà. Nhưng “vài ngôi nhà” ở quê, dài hơn “vài ngôi nhà” ở thành phố. Dù vậy vẫn được tính là gần nhau. Nghĩ đến những kí ức không tốt trước đây trong lòng Diệp không muốn đi, nó ngước lên hỏi mẹ: "Bà ngoại vẫn thế ạ?Bây giờ không nhận ra mọi người nữa rồi, cũng không nói chuyện được nữa, lúc con không ở nhà, ngoài chuyện cơm nước hàng ngày, tối nào mẹ cũng sang ở lại với bà một lúc.

Diệp im lặng nghĩ ngợi gì đó vài giây rồi hỏi tiếp: "Bà còn nhận ra mẹ không? Không còn nhận ra. Không nói chuyện được, không nhận ra con gái mình thế mẹ đi để làm gì?" "Chẳng để làm gì hết, mẹ đến đó, và ngồi với bà".

Diệp thoáng ngẩn ngơ nhìn chằm chằm vào chiếc áo trên tay. Mẹ đứng lên dứt khoát nói: "Đi thôi, đứng lên đi thăm bà, chẳng biết bao giờ con mới lại về nhà. Chẳng biết bà còn ở đó bao lâu chờ con đến thăm".

Lời nói của mẹ làm tim của Diệp hẫng một nhịp. Có thứ gì đó vô hình đang nhẹ rơi.

Ba mẹ con đến nhà bà ngoại khi trời đã chạng vạng. Ánh đèn vàng trước hiên nhà bà hắt ra thứ ánh sáng yếu ớt. Lâm Anh tay xách hộp đồ ăn hớn hở chạy lên gọi: "Ông ơi, bà ơi", một lát sau mới có tiếng mở cửa lạch cạch.

Mẹ soạn thức ăn lên bàn cho ông bà. Cả căn nhà rộng như thế mà chỉ có một chiếc bóng đèn lơ lửng. Ánh sáng trong nhà tựa như sắc trời chạng vạng ngoài kia. Ông bà ngồi ăn cơm trên bộ bàn ghế gỗ đã cũ sờn từ lâu, nhưng có lẽ là loại gỗ tốt, nên chưa thấy vệt mục nát nào. Ông ngồi ăn chậm rãi. Bà một tay nâng bát, một tay lóng ngóng cầm đũa đang cố gắng đưa thức ăn lên miệng. Bà không để ý đến ba mẹ con Diệp, chỉ chăm chú nhai. Lâm Anh bước lại gần gọi. Bà ngước lên liếc nhìn một cái rồi lại cúi đầu đầu. Thấy bà không nói gì, Lâm Anh nói tiếp: "Bà ơi, mẹ con và chị Diệp tới thăm bà này". Bà liếc mắt theo hướng chỉ tay của em trai Diệp, gương mặt bà thoáng nét cười, hình như còn khe khẽ gật đầu.

Giữa Diệp và bà vốn không có tình cảm khăng khít, sâu đậm. Có chăng giữa hai người chỉ là mối quan hệ ruột thịt, máu mủ trên giấy tờ, pháp luật mà thôi.

Bà ngoại thuộc tuýp phụ nữ xưa. Thời đại bà sống khi ấy còn vương lại quá nhiều tàn dư của xã hội phong kiến, nên bà trọng nam khinh nữ là chuyện dễ hiểu, nhưng không dễ để cảm thông. Bà ngoại có bốn người con, trong đó có đến ba người con gái và chỉ có duy nhất cậu út. Cậu được ông bà dành hết tình yêu thương, cháu gái và con gái chẳng mấy khi bà để tâm. Mẹ Diệp vẫn thi thoảng nhắc lại kí ức thuở ấy, ba chị em vất vả làm việc, món ngon nhất lúc nào cũng phần cho cậu. Mẹ thậm chí phải từ bỏ giấc mơ đến trường để có tiền cho cậu lên thành phố học. Năm ấy mẹ dành dụm được một khoản tiền nhỏ, số tiền ấy trong một tích tắc bị bà ngoại lấy ra lo xin việc cho cậu.

Diệp vừa nhìn bà, vừa nghĩ lại những chuyện đã qua ấy. Dù nó xảy ra từ lâu lắm rồi, trong trí nhớ mẹ một vài sự việc cũng dần mờ nhạt đi. Và ánh mắt mẹ bình yên tựa như đang kể về cuộc đời của người khác. Nhưng trong kí ức của Diệp, bà ngoại vẫn là người phụ nữ cáu gắt, hung hăng còn cổ hủ trọng nam khinh nữ. Tình cảm bà dành cho nó và Lâm Anh rõ ràng có sự khác biệt.

Mẹ ngồi với bà ngoại một lát rồi đứng lên ra về để Diệp và em trai có thời gian nghỉ ngơi, ngày mai quay lại nơi đất khách quê người. Trước khi đi, Diệp vẫn nhắc lại với bố mẹ việc đưa ông bà đến viện dưỡng lão một lần nữa. Thấy Diệp quá quyết liệt, mẹ không đồng ý nhưng cũng chẳng nói gì. Lâm Anh liền đỡ lời: "Chị đừng ngang ngược, rõ ràng bố mẹ không muốn đưa ông bà đến, tại sao chị cứ khăng khăng bắt họ đi". "Im đi, biết cái gì mà nói" - Diệp gắt.

Không khí trong nhà giữa mùa đông trở nên nóng bừng. Diệp và Lâm Anh đưa ra hết những lập luận thuyết phục bố mẹ nên và không nên đưa ông bà đến viện dưỡng lão. Em trai không nhường nhịn, nó hỏi chị gái: "Có biết ở đất nước này có biết bao nhiêu loại hình dưỡng lão không? Ông bà có thuộc diện chính sách ở viện dưỡng lão nhà nước không? Vài đồng lương của chị có đủ đưa ông bà đến viện dưỡng lão tư không? Chị tưởng đồng tiền của chị to lắm à? Chị định sau này cũng thẳng tay hất bố mẹ đi như thế?"

Lâm Anh nói một tràng như chửi vào mặt chị gái. Diệp đứng đó giận tái mặt gào lên cho rằng em trai đang hỗn láo với mình nhưng bị nó vặn vẹo lại: "Chính thái độ, hành động và suy nghĩ của chị đối với ông bà cũng hỗn láo không kém!" Diệp quắc mắt nhìn em trai, Lâm Anh có những lời nói thế này chẳng qua là vì được bà cưng chiều hơn mà thôi. Không ai để ý đến mẹ đang ngồi trên ghế quay mặt vào trong, đôi vai bà đang run lên. Mẹ khóc, bố quát hai chị em im lặng. Ý bố là ai đến viện dưỡng lão chưa đến lúc hai đứa trẻ ranh trong nhà phải lo. Hai chị em ra trường đi làm bố mẹ đã đỡ một khoản, những năm gần đây gia đình nếu không nói là dư giả thì cũng đủ ăn đủ sống, không lí do nào lại không lo được ông bà ở viện dưỡng lão. Bố đỡ mẹ về phòng, trước đi rời đi để lại một câu: "Ông bà cha mẹ là để phụng dưỡng, tận hiếu không phải để chúng mày mang vào đấy phủi trách nhiệm". Giọng nói của một người đàn ông đã ngoài năm mươi vừa nghiêm nghị lại phảng phất niềm thất vọng với những đứa con của mình. Ông cho rằng, những tháng ngày còn lại của cha mẹ không còn nhiều, vất vả một chút cũng chẳng sao, mang ông bà vào viện dưỡng lão, thật chẳng ra làm sao. Ngược lại Diệp thấy người lớn thật phiền phức, viện dưỡng lão cũng là một cách hiếu thảo, thật phiến diện khi bài xích nó.

Trong chuyến xe trở lại thành phố, Lâm Anh nói Diệp hãy đến tìm hiểu viện dưỡng lão đi. Diệp như mở cờ trong bụng, nó tưởng rằng em trai đã xuôi theo ý kiến của mình, ngay cuối tuần đó lập tức đến viện dưỡng lão.

Viện dưỡng lão nằm cách biệt thành phố. Cây cối cao lớn tán tỏa bóng mát ra khắp khuôn viên, có lẽ đã được xây từ lâu lắm rồi. Hai đứa vừa bước vào, các cụ già đang ngồi đó liền quay sang nhìn. Họ nhìn hai người trẻ, cũng có thể là ngắm nhìn tuổi thanh xuân đã qua của chính mình. Trong lúc Diệp theo chị quản lí đi tham quan cơ sở vật chất, Lâm Anh ngồi trò chuyện cùng các ông bà. Đã đến tận đây nên Diệp quyết định ở lại để tìm hiểu, tận mắt chứng kiến thời khoá biểu sinh hoạt của mọi người. Cuối ngày ra về, phí sinh hoạt làm nó có chút băn khoăn. Ngoài phí nội trú sẽ còn phát sinh thêm nhiều khoản nữa, để thuyết phục bố mẹ đồng ý Diệp nhẩm tính thu nhập của nó phải gấp đôi hiện giờ. Nhưng đó không phải là câu chuyện ngày một ngày hai có thể giải quyết được.

Một cuối tuần khác, Diệp lại đến viện dưỡng lão. Lần này nó không đến nơi do tư nhân xây dựng nữa, mà đến một một viện dưỡng lão do nhà nước quản lí. Lâm Anh đi cùng không biết đã chuẩn bị từ lúc nào những bánh và trái xách đầy hai tay. Vẫn như lần trước, Diệp nán lại trò chuyện cùng các ông bà. Mỗi một câu chuyện nó nói đều nhận được lời hồi đáp từ các ông bà. Chợt Diệp thấy trong mắt họ có rất nhiều câu chuyện. Là ánh mắt cô đơn đợi người thân đến thăm, là ánh mắt chờ đợi ngày kết thúc chuỗi cô độc trên thế gian này. Các ông bà già đều là những người từng trải, từng sống những tháng ngày rực rỡ xán lạn, giờ đây ở độ tuổi gần đất xa trời lại cô đơn lẻ bóng. Loại cô độc này, thật khó để tưởng tượng sẽ khó chịu đến nhường nào.

Nhìn bà cụ đang ngồi hướng mắt ra cửa sổ, hai tay run rẩy đan vào nhau, Diệp vô thức bước lại gần. Thấy bóng người đi đến, bà không ngước lên, chỉ nhìn xuống chân nó một lát rồi lại chăm chú nhìn ra cửa sổ. Lâm Anh tiến lại, ghé vào tai Diệp nói: "Bà cụ bị bệnh Alzheimer giống bà ngoại mình". Lòng Diệp dâng lên một nỗi xót xa, bàn tay không tự chủ đặt vào vai bà. Bà cụ khẽ nghiêng đầu gối lên tay Diệp. Tay còn lại Diệp đưa lên che miệng cố nén tiếng nức nở vào trong. Nước mắt cứ thế trào ra không hiểu vì sao.

Lâm Anh thường xuyên đến thăm họ, mỗi lần đi về liền thủ thỉ với chị câu chuyện ở đó. Em trai nói có khi các cụ ông lần trước đến thăm, lần sau ghé lại ông đã không còn nữa rồi. Có những người còn nhận nhầm nó là cháu mình. Buồn nhất là mỗi dịp tết đến, ánh mắt khao khát đoàn viên của họ thực sự rất ám ảnh và xót xa. Có những ông bà, con cháu chẳng một lần đến thăm. Và cả những người đã ốm yếu không rời giường vẫn chưa ra đi, có lẽ họ đang cò kè mặc cả với ông trời. Nhưng dù sao theo những gì Diệp tìm hiểu ngày hôm nay, đây là một viện dưỡng lão tạm ổn, cố gắng một chút có thể gồng gánh được đến ngày ông bà ra đi. Chuyện này, phải về nói trực tiếp với bố mẹ mới có thể thuyết phục.

Tối muộn, Diệp cùng em trai ra về. Trên đường về nhà, Diệp nói với Lâm Anh, “Tuần sau, sắp xếp công việc về thăm ông bà đi.” trong không khí nặng nề trên xe, em trai nó lập tức đồng ý vì ngỡ rằng Diệp đã đổi ý sau chuyến đi ngày hôm nay.

Hoàng hôn trong thị trấn, khói bếp từ những mái ngói lãng đãng bay lên. Thứ mà người ta chẳng bao giờ gặp ở thành phố. Bóng Diệp và em trai đổ dài trên con đường. Hôm đó cả gia đình không ăn cơm ở nhà. Nó cùng Lâm Anh đi thẳng đến nhà ông bà ngoại, bố mẹ cũng ở bên đấy tất bật chuẩn bị cơm nước từ bao giờ. Một gia đình ba thế hệ quây quần bên mâm cơm, lời trong lòng của Diệp vẫn chưa tìm được cơ hội để nói.

Ăn cơm xong Diệp cùng em trai rửa bát, người lớn ở nhà trên trò chuyện, uống trà, còn bà lẳng lặng ngồi trên chiếc ghế đan từ mây, tay vẫn mân mê chuỗi tràng hạt như đang ngủ gật, như đang ngẩn người. Diệp kéo ghế lại ngồi cạnh, lay lay cánh tay gọi bà mới nhúc nhích như bừng tỉnh khỏi cơn mơ nhìn người trước mặt. Nó nhìn bố mẹ, lại quay sang nhìn bà, nén tiếng thở dài đành lát nữa trở về nhà sẽ nói chuyện viện dưỡng lão sau. Dù sao cũng đã về đến đây, không cần quá vội nói làm gì.

Diệp ngồi cạnh bà, những kí ức về bà bắt đầu chạy trong đầu nó. Bà ngoại không thích ra thế giới bên ngoài, hồi sức khoẻ còn tốt cũng thế. Ông ngoại thích nghe đài, theo nghề mây tre đan nuôi lớn mấy người con, sau này các cô cậu trưởng thành ông vẫn đan những vật dụng nhỏ trong nhà như rổ, chõng hay chiếc ghế mây bà đang ngồi. Bà chỉ quanh quẩn trong nhà lau dọn, lúc rảnh rỗi ngồi bên hiên nhà, ngơ ngẩn nhìn về khoảng không vô định. Bà đang mong đợi những người con đã khôn lớn vỗ cánh bay đi của bà một ngày quay về ư?

Cứ như thế bà lặng lẽ bên hiên nhà qua rất nhiều mùa xuân, hạ, thu, đông. Hồi nhỏ Diệp chẳng mấy khi gặp bà. Nếu có dịp bà đến thăm quà của Lâm Anh bao giờ cũng nhiều hơn nó. Vài thứ nhỏ nhặt như thế nhưng Diệp vẫn ghi nhớ đến giờ. Hồi đó khi mẹ sinh Lâm Anh, bà thường xuyên đến hơn. Lúc đó bệnh của bà còn chưa quá nặng, chỉ kiệm lời mà thôi. Sau khi sinh mẹ mắc một căn bệnh kì lạ, chạy khắp nơi thăm khám, ai mách thuốc đều uống vẫn không có tiến triển gì. Cả gia đình ngồi bàn nhau, bà cũng lẳng lặng chẳng nói lời nào. Vậy mà đêm hôm ấy, bà biến mất làm cả nhà một phen náo loạn đi tìm, tối muộn mới tìm thấy bà ở ngôi chùa nhỏ trong thôn, miệng đang không ngừng lẩm nhẩm. Khi đưa bà về nhà, bà quay sang đứa con gái đang bệnh tật của mình nói: "Ngày mai con sẽ khỏi bệnh thôi".

Bà không bao giờ ra khỏi nhà nữa. Giấc ngủ ngày càng dài hơn, muốn làm gì đó thì giây sau liền quên mất, đang gấp quần áo bỗng dưng bật khóc nức nở. Kí ức của bà, đang dần bị thời gian ăn mòn. Căn bệnh này tựa như mê cung cuối cùng của cuộc đời bà. Thế rồi bà dần quên đi những đứa con của mình. Mẹ Diệp ngồi cạnh, bà liền hỏi “Cô là ai”. Sau đó, bà lặng im suốt những ngày còn lại của cuộc đời. Bà không nói chuyện được nữa nên mẹ lẳng lặng ngồi đó, chẳng nói cũng chẳng làm gì hết, chỉ ở bên bà mà thôi.

"Bà ơi" - Diệp gọi.

Bà ngẩng đầu lên, một giọt nước mắt rơi ra từ khoé mắt đỏ hoe. Bà muốn nói gì đó nhưng không thành lời. Chưa bao giờ Diệp có những cảm xúc thế này với bà, bà ngoại đã bước qua chặng đường cuối cùng của một kiếp nhân sinh, không còn nhớ nhớ quên quên nào trong kí ức của bà nữa.

Nhiều năm sau này Diệp vẫn thường nhớ đến bà, giữa những tháng ngày âm thầm trôi đi như thế bà có cô độc không, có buồn bã không. Liệu những chuyện xưa cũ có chợt xuất hiện trong tâm trí bà không. Bà có còn chấp niệm gì với thế gian này không, hay đã sớm từ bỏ hết thảy, chỉ ngồi lặng lẽ với thời gian yên bình mà trống rỗng? Bà có sợ người ta quên mất mình như cách bà đã quên đi con cháu không? Nếu biết được rằng Diệp đã có cuộc đấu tranh với bố mẹ để đưa bà vào viện dưỡng lão thì bà sẽ nghĩ gì?

N.H.P.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)